có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 2 27, 2024

Hành Trình Thẳng Đứng




Marta, 19 tuổi, từ trên cao chót vót của một tòa nhà chọc trời, nghiêng người ngó xuống và xây xẩm nhận ra dưới kia là thành phố đang sáng bừng lên trong buổi chạng vạng.

Tòa nhà vòi vọi màu bạc rạng ngời, không khí buổi chiều trong trẻo, gió nhẹ nhàng đưa những vạt mây rải rác trên nền trời có màu xanh biêng biếc đến khó tin. Thì cũng tại lúc này là khoảnh khắc mà các thành phố đều gây cảm hứng, và ai có mắt mũi còn tinh tường thì không thể không nín thở trước cái đẹp. Từ trên cao, cô gái nhìn thấy những con đường và các công thự như đang vặn vẹo méo mó trong ánh hoàng hôn dài ngoằng đang dần lụi tàn, nối tiếp với màu trắng của những ngôi nhà là màu xanh của biển, nhìn từ trên cao biển trông như một triền dốc. Khi màn đêm rủ xuống từ phương đông, thành phố trở thành một vực sâu êm ái đầy ánh sáng nhấp nháy. Trong cái vực đó có những người đàn ông quyền lực, và những người đàn bà thậm chí còn quyền lực hơn, có áo khoác lông và vĩ cầm, có những chiếc xe hơi bóng lộn như thạch anh, hộp đêm với bảng hiệu sáng đèn nê-ông, hàng hiên tối của các dinh thự, những vòi nước phun, những viên kim cương, có những khu vườn xưa im lìm và những lễ hội, có ước vọng và các cuộc tình, và trên hết thảy những cái vừa kể là vẻ đẹp đầy mê hoặc đến nao lòng của buổi hoàng hôn khiến người ta mơ tưởng đến những gì lớn lao và vinh hiển.

Khi nhìn thấy những thứ này, Marta nhoài người qua lan can hơi quá đà và rơi tòm vào khoảng không. Cô có cảm tưởng như mình đang bay, nhưng đúng ra là đang rơi. Với chiều cao khủng khiếp của tòa nhà chọc trời, các con đường, nhà cửa phía dưới trông xa tít tắp, không biết phải mất bao lâu mới chạm tới được. Nhưng cô gái đang rơi mà.

Chiều chưa tắt hẳn, hãy còn một tí nắng đang cố làm bừng sáng cái váy nhỏ của Marta. Đó là một chiếc áo khiêm tốn để mặc mùa xuân, thuộc loại hàng chợ được mua với giá rẻ. Nhưng ánh hoàng hôn đã khiến nó trở nên lộng lẫy và gần như sang trọng.

Ở ban-công tư gia các triệu phú, nhiều bàn tay thanh lịch nho nhã đưa ra tặng hoa và mời rượu.

“Nhấp một ngụm nhỏ nhé, cô nương?”
“Ô cánh bướm bé nhỏ dễ thương, sao em không dành cho các anh một phút?”

Nàng cười vang, tiếp tục bay lượn, cảm thấy hạnh phúc (nhưng trong khi chờ đợi tiếp đất, nàng vẫn cứ rơi):

“Không ạ, cám ơn các anh. Em không thể dừng chân. Em đang vội đến đấy.”
“Đến đâu?” Họ hỏi cô gái.
“A, đừng hỏi em điều đó,” Marta trả lời và vẫy tay chào thân thiện.

Một chàng tóc nâu, trông rất lịch lãm, đưa cánh tay ra để chụp lấy nàng. Chàng đã phải lòng nàng? Nhưng Marta tránh đi:

“Sao lại khiếm nhã thế, thưa ngài?”

Cô gái còn kịp đưa mấy ngón tay ra nhón lấy chóp mũi chàng.

Hạng người thượng lưu đã quan tâm đến nàng và điều này khiến nàng cảm thấy thỏa thuê, thấy mình cực thu hút và có phong cách. Trên những sân thượng đầy hoa, giữa các nhân viên phục vụ mặc đồng phục trắng đi đi lại lại và giữa âm thanh các ca khúc xa lạ, trong vài phút hoặc có thể ít hơn thế, người ta bàn bạc về cô gái vừa đi ngang qua (theo chiều thẳng đứng từ trên xuống). Một vài người khen cô ấy xinh đẹp, những người khác nhận thấy cũng thường thôi, tất cả đều cho là cô ấy trông thú vị.

“Em ơi, em có cả cuộc đời trước mặt, vì sao em vội thế?” Họ hỏi cô gái. “Em có thừa thì giờ để chạy và để hào hển thở. Dừng lại một lát với các anh đi, chỉ là một buổi họp mặt nho nhỏ bình thường giữa bạn bè, nhưng anh hy vọng rồi em cũng sẽ thấy vui mà.”

Cô gái dợm trả lời nhưng tốc độ rơi tăng nhanh do trọng lực đã đưa cô xuống tầng dưới, vượt qua hai tầng, rồi ba tầng, bốn tầng; ở tuổi 19 thì người ta cảm thấy vui sướng biết bao khi đang rơi!

Khoảng cách giữa cô gái và bên dưới, có nghĩa là mặt đường, vẫn còn bao la; tuy có gần hơn tí chút so với giây lát trước đó nhưng vẫn là một khoảng cách đáng kể.

Lúc bấy giờ mặt trời đã lặn chìm xuống biển, mang hình dạng một cái nấm có màu đo đỏ run nhè nhẹ trước khi mất tăm. Không còn những tia nắng rực rỡ chiếu sáng trang phục của cô gái, biến nó thành một vì sao chổi đầy mê hoặc nữa. May mà các khung cửa sổ và sân thượng của tòa nhà chọc trời đều đèn đóm sáng choang soi rõ cô gái những nơi nàng đi ngang qua.

Bên trong những căn hộ được dùng làm công ty, Marta không còn nhìn thấy những con người bình thản nữa, thi thoảng có các nữ nhân viên mặc áo choàng đen hoặc xanh ngồi trước bàn giấy được xếp thành hàng dài. Rất nhiều trong số này cũng trẻ như Marta, thậm chí còn trẻ hơn, trông họ mệt mỏi cuối ngày, chốc chốc lại rời mắt khỏi công việc đang làm trên máy đánh chữ. Họ nhìn thấy Marta và vài người đã chạy ra cửa sổ.

“Bạn ơi bạn đi đâu đấy? Sao mà vội vàng dữ? Bạn là ai vậy?” Các cô gái gọi to lên, trong giọng nói của họ có chút gì ghen tỵ.
“Người ta chờ mình dưới ấy,” Marta trả lời. “Mình không dừng lại được đâu. Xin lỗi các bạn nhé.”

Cô cười vang và bay nhẹ nhàng theo đường thẳng đứng, nhưng tiếng cười không còn giòn tan như trước nữa. Màn đêm dần buông và Marta bắt đầu cảm thấy lạnh.

Vào lúc ấy, nhìn xuống phía dưới cô thấy một quầng hào quang rực rỡ ở lối vào của một tòa nhà. Những chiếc xe hơi dài thòng màu đen nối đuôi nhau dừng lại đấy (do khoảng cách quá xa, chúng trông không lớn hơn mấy con kiến là bao), và bước xuống từ những chiếc xe ấy là những nam thanh nữ tú đang hối hả vào cửa. Có thể nhận ra nữ trang lấp ánh trong đám người lúc nhúc đó. Cờ xí phấp phới bên trên cổng vào.

Rõ ràng đang có tiệc tùng gì đây, đúng là thứ Marta mơ tưởng từ hồi còn bé. Không thể để lỡ mất dịp này. Đang chờ đợi nàng dưới kia là cơ hội, là định mệnh, là một tiểu thuyết diễm tình, là nơi cuộc đời được nghênh đón. Liệu nàng có kịp đến nơi?

Marta hơi bực bội nhận ra bên dưới, cách mình khoảng 30 mét, cũng có một thiếu nữ đang rơi. Cô ấy mặc áo dạ tiệc rất đẳng cấp và xinh đẹp hơn Marta rất nhiều. Không thể biết được vì sao cô ta đi xuống với tốc độ nhanh hơn mình, chỉ trong tích tắc đã bỏ xa Marta rồi biến mất, mặc cho Marta gọi theo ơi ới. Chắc chắn cô ta có mặt ở buổi tiệc trước mình rồi, có lẽ vụ này nằm trong kế hoạch đã được tính toán trước, nhằm mục đích loại mình ra.

Thế rồi Marta nhận ra mình và cô gái đó không phải là những kẻ duy nhất đang rơi. Dọc theo chiều thẳng đứng của tòa nhà chọc trời nhiều cô gái khác cũng đang trượt vào khoảng không, dáng vẻ căng thẳng trong hành trình bay đầy phấn khích, tay vung vẫy như muốn nói: Chúng tôi đây, thời khắc đã điểm, hãy chào đón chúng tôi và ăn mừng nào, thế giới này chẳng phải là của chúng ta hay sao?

Vậy ra đây là một cuộc thi đua. Và Marta chỉ mặc trên người một chiếc áo chẳng ra gì, trong khi những người khác phô trương nào là trang phục từ những nhà thiết kế nổi danh, nào là vai trần có choàng khăn lông chồn. Marta lúc mới bắt đầu bay đã rất tự tin, giờ thì cảm thấy rùng mình tận xương tủy, có thể đơn giản chỉ vì lạnh, nhưng cũng có thể vì sợ hãi, vì lo âu do đã sai lầm ngay từ đầu, không còn hy vọng gì có thể sửa chữa.

Màn đêm đã hoàn toàn bao trùm thành phố. Các khung cửa sổ lần lượt tắt đèn, tiếng nhã nhạc cũng thưa đi, các bàn làm việc không người ngồi, không còn chàng trai trẻ nào nghiêng người ra cửa sổ để đưa tay về phía Marta. Mấy giờ rồi nhỉ? Lối vào tòa nhà bên dưới – giờ cô đã đến gần hơn và có thể thấy rõ từng chi tiết của kiến trúc – vẫn luôn sáng đèn nhưng không còn nữa những chiếc xe hơi đến rồi đi. Chốc chốc lại có những nhóm nhỏ đi ra từ cánh cổng lớn, họ bước đi xa dần trong dáng điệu mệt mỏi. Và rồi, đèn đóm ở lối vào cũng tắt đi.

Marta cảm thấy tim mình se thắt. Than ôi! Mình đã không đến kịp buổi tiệc rồi. Ngước mắt nhìn lên, cô thấy đỉnh tòa nhà chọc trời sừng sững và mạnh mẽ một cách tàn nhẫn. Đêm đen đặc, chỉ còn lèo tèo vài khung cửa sổ sáng đèn, lưa thưa ở các tầng cao tít. Bên trên tòa nhà chọc trời ánh bình minh đầu ngày đang dần lan tỏa trên thành phố.

Trong một căn phòng của tầng thứ 20 một người đàn ông trạc tứ tuần vừa nhấm nháp cà-phê sáng vừa đọc báo, trong khi bà vợ làm vệ sinh nhà cửa. Đồng hồ trên tủ búp-phê chỉ 9 giờ kém 15. Một bóng đen thình lình vụt qua cửa sổ.

“Alberto,” người vợ la lên, “anh thấy không? Một bà mới vừa đi ngang qua…”
“Bà ta trông thế nào?” Ông chồng hỏi, mắt không rời khỏi tờ báo.
“Một bà già, một bà già khú đế,” người vợ trả lời. “Bà ta trông rất hoảng loạn.”
“Khi nào chả thế,” người đàn ông lầu bầu. “Sống ở mấy tầng này chỉ thấy được mấy bà già thôi. Trên tầng thứ 500 chót vót thì mới ngắm được mấy em gái xinh đẹp. Đâu phải vô cớ mà mấy căn hộ trên đó có giá cắt cổ.”
“Đúng vậy, nhưng ở tầng này ít ra còn nghe được tiếng rơi đánh ‘bịch’ khi mấy bà ấy đáp xuống đất,” bà vợ nhận xét.
“Nhưng lần này chẳng nghe thấy gì cả,” người đàn ông vừa nói vừa lắc đầu sau một lúc dõng tai lắng nghe. Xong ông ta tợp thêm một ngụm cà-phê.


Trần Thị NgH
dịch từ La jeune fille qui tombe… tombe – bản tiếng Pháp của Jacqueline Remillet.


Dino Buzzati (1906-1972) là một tiểu thuyết gia, nhà văn viết truyện ngắn, nhà thơ Ý. Trước khi viết văn, ông là họa sĩ, nhạc sĩ và nhà báophóng viên chiến trường, phụ trách mục phê bình nghệ thuật cho tờ Corriere della Sera, nhật báo quan trọng nhất nước Ý. Ông nổi tiếng nhờ quyển tiểu thuyết The Tartar Steppe (Hoang mạc Tartar) kể về một cứ điểm quân sự chống lại sự xâm lược của người Tartar. Các truyện ngắn xuất sắc nửa hư ảo nửa hiện thực của ông được độc giả thế giới nồng nhiệt đón nhận.

Các tác phẩm của ông được đánh giá cao ở Pháp, được đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc trung học. La jeune fille qui tombe..tombe… là một truyện ngắn trích từ 51 đoản tác chọn lọc nằm trong tập Le K do nhà Amoldo Mondarori Éditore xuất bản năm 1975 (bản tiếng Pháp do Jacqueline Remillet dịch từ nguyên tác tiếng Ý, Ragazza che precipita).