Mùa hè đi hái dâu. Đó là một trong những công việc đầu tiên của tôi ở Canada. Nông trại bạt ngàn chạy từ xa lộ vào chân núi, dọc khe suối, nơi những con hươu xuống uống nước. Đi dọc khe xanh biếc, chảy róc rách giữa những bụi cúc, bạn hy vọng không gặp phải những con báo hoa cũng hay xuống đó. Ngày dài, mặt trời lên sớm, đất ngùn ngụt bốc hơi. Thức năm giờ sáng, lên xe buýt chở hai ba chục mạng, hầu hết dân mới đến, da vàng đen trắng đủ loại, trẻ con, người già, chạy hơn một giờ lên nông trại phía Bắc. Đến nơi, bảy giờ, bắt tay vào việc. Làm túi bụi đến trưa, nghỉ ăn một lúc làm tiếp đến bảy giờ chiều, mặt trời lặn. Bạn mang dâu đến cân, nhận tiền, lên xe về. Làm việc như thế hai hay ba tháng, đủ tiền trả học phí, có tiền mua quà gởi về quê. Thời đó các bạn tôi nhiều người ra đi không nghĩ đến học hành, không nghĩ đến lập gia đình, chỉ lo dành dụm tháng tháng gởi về Việt Nam. Có người giỏi, hái mỗi ngày mấy chục cân, đôi khi cả trăm. Trong ruộng dâu có loài chim lạ, hót hay như chim vành khuyên, có loại lớn với chiếc mỏ dài như đại bàng, thỉnh thoảng có những bầy ong bay qua rào rào. Có người nhìn thấy gấu.
Đứng yên?
Bỏ chạy? Bạn không thể nào chạy nhanh hơn gấu.
Leo lên cây? Bạn không leo cao bằng chúng.
Nhảy xuống nước. Bạn có biết bơi không? Gấu bơi giỏi.
Bạn nhìn vào mắt nó hay quay đi? Nằm xuống giả chết? Người quản lý nông trại hỏi chúng tôi, bọn người đi hái thuê, khi anh ta phát những cái giỏ lớn khoác lên vai để đựng trái cây. Mới đầu tôi còn hăng hái làm việc, đến giữa trưa thì mệt, mồ hôi đầm đìa, gắng lắm chỉ được mười lăm cân mỗi ngày, mỗi cân được trả một đồng, số tiền khá lớn lúc ấy. Chim chóc, cây cối, côn trùng dạy tôi nhiều thứ không có trong sách vở. Đàn bà con gái bận đồ kín, trùm khăn che nửa mặt, mang găng tay, tay áo dài, không biết ai xấu ai đẹp. Tháng sáu là mùa dưa chuột và asparagus. Tháng sáu cũng là mùa của dâu strawberries, sát mặt đất, hái dễ nhưng khom xuống đau lưng, tháng bảy mùa dâu raspberries, trái ngọt lịm mọng nước, hái khó vì chúng dễ tan, nhiều gai sắc cào tay chảy máu. Tháng tám mùa của blueberries, dâu xanh, dễ hơn cả, cũng là mùa của peach và táo. Thân cây dâu bằng vai người, không có gai, đẹp hấp dẫn, trái tròn như trái sim nhưng màu xanh ngả chàm, nửa ngọt, nửa chua. Dâu xanh nhiều giá trị dinh dưỡng, được cho là giảm huyết áp, chống ung thư, tăng miễn dịch. Tôi muốn nằm một mình trên cỏ, ngẩng đầu nhìn trời xanh, những chùm chín mọng làm tôi nhớ lại khu vườn trẻ tuổi. Hôm ấy sắp hết giờ làm việc, xe đến đón ngoài cổng, tôi vẫn chưa hái đầy giỏ. Tôi kén chọn quả ngọt, không biết rằng những người có kinh nghiệm chỉ cần hái theo năng suất, chua ngọt gì cũng hái, miễn sao vỏ đừng xanh là được, vì vậy họ hái nhanh. Tôi cuống lên, xách cái giỏ chạy lòng vòng, càng lúc càng xa. Đang đi suýt nữa chạm vào một cô gái đứng ngay trước mặt, sau những cành dâu che khuất. Cô im lặng nhìn tôi. Trong vườn, gặp người khác là chuyện thường, nhưng vẻ mặt của cô, cách đứng sững, làm tôi kinh ngạc. Cô chừng mười lăm hay mười sáu tuổi. Tôi tự hỏi hay cô bé bị bệnh. Khi nhìn xuống, tôi hiểu. Cô mặc một cái áo bà ba, tay dài, đội nón rộng vành, không mang khăn quàng để lộ cổ mịn trắng. Nửa người từ dưới thắt lưng quần trở xuống ướt đẫm. Tôi ngỡ ngàng, bước lùi lại. Lẽ ra phải quay mặt đi, nhưng sự ngạc nhiên làm tôi vụng về, có lẽ vì vậy cô bé tỏ vẻ hoảng sợ. Tôi nhận ra, quay người đi thẳng một mạch. Gần ra đến chỗ cân dâu nhận tiền, nhớ ra mình mặc quần sọc bên trong quần dài, vì mấy quần xì líp ướt làm biếng chưa giặt, tôi trở lại, vừa đi vừa chạy. Cô bé còn đứng đó, có lẽ chưa biết phải làm gì. Tôi tuột cái quần dài xuống, vo nó lại, ném cho cô, nhác thấy giờ đây hai ống quần còn ướt hơn nữa, có lẽ ra máu quá nhiều, hai ống quần đỏ sẫm. Ngồi trong xe nhìn ra, tôi thấy cô vừa đi vừa chạy, khiêng một cái giỏ lớn đựng đầy dâu xanh, lắc qua lắc lại, vì quá nặng. Cô mặc cái quần xanh còn khá mới của tôi. Tôi thấy cô lên xe ngồi băng ghế sau cùng. Cặp mắt đen ngơ ngác, có lẽ không nhìn thấy tôi. Tôi an tâm. Hai hôm sau, cô đứng chờ ở cửa xe. Tôi nhận lại cái quần của mình gói trong giấy báo, cột bằng sợi dây len màu sặc sỡ, với lời cám ơn lí nhí. Ánh mắt cô nhìn ngượng ngập, có phần khó hiểu. Cái quần giặt sạch sẽ, ủi là thẳng thớm, gấp lại. Tôi giữ nguyên cái quần kaki ấy, phần vì cũng không có dịp mặc, giữ nó thật lâu, như xếp vào ngăn tủ ký ức của mình về những ngày đầu tiên. Cuối tháng tám, mùa dâu gần tàn, tôi được nhận vào đại học, phải chuyển nhà. Sau vài bận chuyển nhà, bao nhiêu thứ lạc đâu mất, cái quần cũng trong số ấy. Đôi khi tôi nhớ lại một mùa hè, trái dâu xanh tím bắt đầu chín trên cây, nhớ cuộc phỏng vấn về gấu, nhớ cô bé kia mắt đen mở to, hoảng hốt, ngạc nhiên đứng núp sau chùm lá xanh, nhớ cái quần kaki của tôi đã giặt ủi kỹ nhưng vẫn còn bồn chồn thơm mùi mùa hạ cũ.
Nguyễn Đức Tùng
(trong Bản Thảo)