Tranh: Nguyên Khai (internet)
1.
Người đàn ông đứng nhìn vào khung cửa kính to rộng của gian hàng đồ chơi trẻ con. Tiệm đóng cửa từ lâu. Có lẽ đã gần nửa khuya. Đêm Chủ nhật, khu buôn bán chẳng còn ai lui tới, lâu lắm mới có người tạt ngang tiệm 7-Eleven mua vội vài món cần thiết rồi tất tả ra xe phóng đi. Bãi đậu xe vắng lặng, hơi sương lù mù khiến không gian như hẹp lại, xập xoạng dưới những vũng sáng yếu ớt trắng nhờ, nhợt nhạt phả xuống từ mấy cột đèn trong bãi đậu xe.
Người đàn ông đứng đó lâu lắm và giả như có người nãy giờ theo dõi hành vi của anh hẳn phải nghi ngờ anh đang có âm mưu ám muội nào đó. Chẳng lẽ anh là kẻ trộm đang rình rập tìm cách cạy cửa vào tiệm? Lẽ nào? Ăn trộm hành động như chớp nhoáng, chẳng bao giờ dại dột đứng ỳ một chỗ như bức tượng trước nơi mình sắp sửa hành nghề. Hơn nữa, ăn trộm không ăn mặc bảnh bao như anh: com-lê xanh đậm, cà-vạt thả lơi trên cổ sơ mi trắng, chân đi giày da loại đắt tiền. Anh có dáng dấp một người tự tin, thành đạt trong cuộc sống, gia đình hạnh phúc, vợ đẹp con khôn, chẳng bao giờ biết đau khổ, thiếu thốn là gì. Thoạt nhìn, ai cũng phải nhận ra ngay anh thuộc thành phần da trắng thượng lưu trong xã hội Mỹ. Tên họ anh có lẽ là cái tên Anglo-Saxon hay Do Thái nào đó; nhà cửa anh có lẽ nằm trong khu biệt lập có cổng ra vào, nhân viên bảo vệ canh gác ngày đêm; con cái anh có lẽ theo học những trường tư đắt tiền, nơi đào tạo thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước này; vợ anh có lẽ thời Trung học là hoa khôi trong trường, làm bạn với anh từ năm lớp mười một vì anh nổi tiếng vừa học giỏi vừa là cầu thủ ném banh xuất sắc trong đội bóng rổ; anh có lẽ tốt nghiệp từ trường đại học Ivy League nào đó, và sau khi ra trường nắm giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy tư bản khổng lồ, năm này qua năm nọ giữ vững nước Mỹ ở vị thế siêu cường số một trên thế giới.
Anh phải là người lạ mặt nơi đây. Trông anh thật lạc lõng giữa khu buôn bán tầm thường, xộc xệch của thành phố, nơi chỉ có đám dân thiểu số nghèo đến mua sắm những món hàng gia dụng rẻ tiền.
Nhưng nếu không phải là kẻ trộm thì anh làm gì ở đây vào giờ này?
Anh đứng hai tay thọc túi quần, mắt chăm chú nhìn những món đồ chơi xinh xắn đủ sắc màu bày biện la liệt bên kia song sắt và lớp kính dày. Ánh sáng nhợt nhạt của đèn đường hắt vào không cho anh thấy rõ tất cả mọi vật trong tủ kính, nhưng món đồ đập vào mắt anh nãy giờ là đoàn tàu hoả nằm nghênh ngang trên đường sắt quây tròn giữa mô hình núi đồi sông ngòi mấp mô lên xuống thật đẹp mắt. Trông nó như đoàn tàu thật anh thường thấy chạy vùn vụt bên cạnh xa lộ xuyên bang mỗi lần anh chở vợ con đi nghỉ mát cuối tuần. Thằng con trai bẩy tuổi ngồi băng ghế sau dán mũi vào cửa kính xe nhìn ra không chớp mắt. Đoàn tàu chạy băng băng trên cánh đồng thảo nguyên, kích thích trí tưởng tượng của thằng bé. Nó thắc mắc không biết đoàn tàu đi về đâu; lòng tàu chứa những thứ gì; biết bao chân trời xa lạ đoàn tàu sẽ xuyên qua. Mỗi lần được dẫn đi thương xá, nó hay kéo tay mẹ vào tiệm đồ chơi, nơi trưng bày đoàn tàu tuyệt đẹp nằm trên mô hình núi đồi. Anh biết thằng bé mê tàu hỏa và định bụng sẽ mua làm quà cho nó nhân dịp Giáng Sinh hoặc sinh nhật nó sắp tới. Nhưng anh cứ lần lữa, chẳng phải bởi anh tiếc tiền dù món quà trị giá gần hai trăm đô-la, mà chỉ vì tâm trí anh luôn bị khuấy động bởi trăm thứ linh tinh khác và chuyện mua quà cho thằng bé bị nhét xuống hàng thứ một trăm lẻ một. Bây giờ, đứng trước tiệm bán đồ chơi, bất chợt nhìn thấy món quà hứa với thằng bé suốt bấy nhiêu năm, anh bỗng thấy mình có lỗi với con hết sức. Tại sao chỉ một việc cỏn con như vậy mà suốt mười năm trời anh không thực hiện nổi? Thằng bé không nhèo nhẹo đi theo vòi vĩnh anh vì nó là đứa bé ngoan, nhưng không phải vì thế nó không buồn tủi trong lòng. Biết đâu nó vô cùng thất vọng nơi anh, một người cha không biết con cái muốn gì, chẳng bao giờ để ý đến tâm tình của thằng bé. Biết đâu trong lòng nó anh hiện thân là người cha xấu. Bây giờ nó đã mười bẩy tuổi. Dĩ nhiên, nó không còn dán mắt vào tủ kính tiệm đồ chơi trong thương xá nhìn đoàn tàu hỏa tí hon chạy rập rình xuyên qua mô hình núi đồi sông ngòi vui mắt nữa. Một hôm nó trốn nhà theo mấy đứa bạn nhảy tàu hỏa sang tận Chicago chơi. Nó gọi về nhà báo tin, bảo hai ba bữa sẽ về. Vợ chồng anh thót tim vì cuộc phiêu lưu liều lĩnh của thằng con, nhưng rồi anh vẫn chẳng nhớ gì đến món quà anh hứa cho đến ngày hôm nay, khi anh một mình lạc lõng trong khu phố tồi tàn dơ bẩn vào lúc gần nửa đêm giữa lòng thành phố xa lạ này.
2.
Anh thấy có lỗi không những với đứa con trai mà với vợ nữa. Từ văn phòng trên lầu năm mươi tư của ngân hàng UBS Manhattan anh gọi điện về nhà. Anh bảo cô sáng sớm ngày mai, dù là thứ sáu, anh phải bay sang San José dự phiên họp khẩn với tập đoàn công ty X. Họ đang có nhiều vấn đề, doanh thu đợt này có thể dưới nhiều mức dự kiến. Anh cần nói chuyện trực tiếp, mặt-đối-mặt, với tay CFO của công ty.
Công ty X, có thể là công ty Y. Làm sao vợ anh biết đâu vào đâu. Xứ sở này có hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp như vậy và dưới mắt cô chúng là những hình khối khổng lồ vô hồn, vô nhân diện. Vô hình nhưng chúng đầy ắp sức mạnh; chúng nuôi sống hàng trăm triệu con người, song cũng có thể bóp chết tươi bất cứ ai khờ khạo đứng lên ngăn cản bước đi của chúng. Anh là phân tích viên thị trường chứng khoán đặc trách công nghệ điện bán dẫn, vì thế dù làm việc và sinh sống ở New York, thung lũng Silicon ở California này chẳng xa lạ gì với anh.
“Tối nay em đi ăn với Kate, tiệm Giovanni's Atrium trên đường Washington. Anh nhớ cách đây ba năm vợ chồng mình và vợ chồng Joan ăn ở đó không? Kate đang gặp khó khăn với thằng con, cần gặp em để tâm sự và vấn kế.” Giọng vợ anh lúc nào cũng ôn nhu, ấm áp như kể chuyện cổ tích.
“Anh nhớ chứ. Anh cũng thích tiệm này lắm.” Anh vồn vã trả lời cô. “Tay đầu bếp trứ danh Mauro Torellini nấu món thịt bò phi-lê Mignonette Cardinale cả New York chẳng tiệm nào ngon bằng. Nhưng nếu không thích thịt bò phi-lê, em có thể gọi Veal Parmigiana, cũng tuyệt lắm. Nhớ gọi một chai vang đỏ nữa, Bolgheri Rosso hoặc Torgiano Riserva. Chắc chắn em và Kate sẽ có bữa ăn ngon... À, có thể tối Chủ nhật anh mới về được, em đừng mong.” Đến đây giọng anh trầm xuống, hơi ngập ngừng. “Tay CFO mời anh lên nghỉ cuối tuần trên nông trại của hắn gần thung lũng Napa. Hắn khoe hầm rượu của hắn có hơn nghìn chai, tha hồ cho anh chọn.”
“Anh yên tâm. Cuối tuần này Eric đi cắm trại với bạn trên New Hampshire, chỉ có em và Jessica ở nhà. Jessica nhờ em giúp nó hoàn tất bài viết cho lớp Sử của nó về Victoria Clafin Woodhull và phong trào tranh đấu nữ quyền hồi cuối thế kỷ mười chín. Sáng Chủ nhật đi lễ ra em định đi mua sắm ít vật dụng cho căn nhà nghỉ mùa đông của gia đình mình. Còn thời gian em ghé qua văn phòng làm ít công việc trước khi về nhà nấu cơm tối đợi anh về.”
Vợ chồng anh nói thêm dăm chuyện vu vơ nữa rồi cúp máy. Đặt điện thoại xuống, vẫn chưa đến giờ ăn trưa nhưng anh không quay lại màn ảnh vi tính tiếp tục công việc đang dở dang mà ngồi thừ ra, đầu óc luễnh loãng như vừa hít vào phổi liều ma túy cực mạnh. Anh không còn biết suy nghĩ là gì nữa, từ giây phút này trở đi hình như tất cả mọi hành vi, cử chỉ, lời nói, việc làm của anh đều do một sức mạnh vô hình nào đó thúc đẩy. Gần hai năm nay anh sống với cảm giác bất an, như chờ đợi một tai ương nào đó bất thình lình đổ ập xuống đầu mình và việc gì đến sẽ đến thôi. Định luật Murphy bảo thế. Đã là định luật, nó chẳng bao giờ sai trật. Không, công việc anh chẳng hề yêu cầu anh phải khẩn cấp bay sang San José. Công ty X thua lỗ nặng, bị công ty Y mua đứt từ lâu. Thời của những cơn sốt thị trường đã qua. Thời của cái gọi là dotcom đến như cơn bão và chết ngúm sau thời gian ngắn ngủi gây biết bao sóng gió trên thị trường và để lại biết bao thương tổn. Anh trở lại với công việc nhàm chán viết báo cáo cho khách hàng muốn đầu tư. Thi thoảng, anh tự kiếm lý do bay sang California, công ty không hề thắc mắc; một hai ngày ra khỏi bàn làm việc cộng phí tổn di chuyển, khách sạn chẳng thấm thía vào đâu so với số tiền anh đem về cho công ty.
Anh bay sang California để tìm cô nhân tình của anh.
3.
Đây không phải lần đầu Bruce lừa dối vợ. Ở New York, những người thành đạt như anh mà không có hàng nửa tá nhân tình trẻ đẹp mới là chuyện lạ. Anh lại đẹp trai. Năm nay dù đã ngoài bốn mươi anh vẫn giữ được thân hình thon gọn, cường tráng. Anh biết đàn bà khó cưỡng nổi đôi mắt sâu xanh biếc và nụ cười nửa miệng của anh. Nhất là lúc anh lột họ trần truồng trên giường những khách sạn đắt tiền quanh New York. Gần như lúc nào anh cũng có một hai cô nhân tình để trám vào khoảng thời gian trống từ văn phòng về nhà. Có hôm anh làm tình với ba người đàn bà khác nhau trong cùng một ngày. Sáng, chiều và tối. Anh làm tình như người ta ăn lạc rang, đã bỏ hạt đầu tiên vào miệng rồi thì chẳng thể nào ngưng được. Không, đừng hiểu lầm anh. Anh vẫn thương yêu Sheila, người vợ anh chung sống gần hai mươi năm nay, đêm đêm anh vẫn nằm bên cạnh cô, nghe tiếng thở đều đều của vợ, vẫn hít vào buồng phổi hơi hướm da thịt ngai ngái nồng nàn quen thuộc. Anh chẳng bao giờ dám nhận anh là người chồng gương mẫu nhưng anh cũng biết anh chẳng bao giờ xa được Sheila. Cô quả là người vợ lý tưởng cho anh. Thông minh, duyên dáng, hoa khôi thời Trung học, tế nhị, hiểu biết. Ở những buổi tiếp tân, tiệc tùng của đám dân thượng lưu New York, chưa bao giờ cô làm anh thất vọng; cô luôn luôn là bông hoa nổi bật gây sự chú ý của mọi người.
Nhưng có lẽ anh yêu cô không phải bởi cô là người đàn bà quyến rũ (tuy điều đó quan trọng không ít đối với anh) mà bởi cái chất đàn bà đặc quánh nơi con người cô. Dĩ nhiên cô là đàn bà, nhưng cô không giống những người đàn bà thông minh, giỏi giang khác anh biết, cô không có tham vọng trèo lên địa vị cao trong xã hội bằng cách lao đầu vào những công việc đầy tính thủ đoạn, mưu mô, trí trá trong guồng máy kinh tế tư bản hoặc chính trị nơi đây. Cô cảm thấy ngột ngạt trong môi trường đó. Mặc dù có bằng tiến sĩ văn chương nhưng cô cảm thấy hạnh phúc với chân biên tập cho một nhà xuất bản nhỏ, ngày ngày thấy lòng lâng lâng ngồi đọc bản thảo tác phẩm từ khắp bốn phương gửi về. Cô mê đọc sách. Trong căn hộ trị giá mười lăm triệu của hai người ở đông ngạn thành phố New York, anh cho thiết kế một căn phòng thành cái thư viện bỏ túi. Cô thích căn phòng lắm. Ấm cúng, ngăn nắp, sách vở nghiêm cẩn hàng hàng lớp lớp che kín bốn bức tường. Đó là nơi cô ngồi hàng giờ với cuốn sách nào đó trên tay.
Cô sống với sách vở và Bruce. Thời sinh viên, hình như anh đến New York theo học ở Columbia sau cô một khóa. Anh học Kinh tế còn cô Văn học Tỉ giảo. Anh hay đến thăm cô nơi căn gác cô thuê ở SoHo. Căn phòng bé tí và bề bộn không thể tả. Chỗ nào cũng thấy sách. Ngay trên giường ngủ của cô cũng la liệt sách.
“Em ơi! Hôm nay tụi mình làm tình tay ba với Kafka hay Virginia Woolf đây?” Bruce hay nói đùa với cô như vậy mỗi lần anh đến rủ cô đi ăn tối hoặc đi chơi New York ban đêm và trước khi ra khỏi phòng bao giờ cũng quần thảo với nhau cả tiếng đồng hồ trên đống sách vở ngổn ngang của cô.
“Kafka anh ạ. Em trên này đánh vật với Kafka trong lúc anh bên dưới dùng lưỡi đùa cợt với lớp cỏ muợt mà của em nhé.” Cô trả đũa ngay.
Bruce đè ngửa cô ra giường. Câu nói khiến anh như muốn ăn tươi nuốt sống cô. Cô cũng vậy. Nói xong cô thấy người nóng bừng và cô cũng hối hả cởi quần áo, không nhiều gì, chỉ chiếc áo thun mỏng và mảnh quần lót trên người, căn phòng không máy điều hòa giữa mùa hè oi bức, rồi bấu chặt lấy anh. Câu nói của cô kích thích anh tột độ. Với anh, Kafka, Woolf, Joyce và tất cả những tên tuổi lừng lẫy khác trong thế giới văn chương của cô chỉ làm anh điên đầu. Có lần anh mượn cô đem về phòng thử đọc một cuốn của Kafka và anh thú thật với cô anh không thể nào hiểu nổi làm sao cô có thể nghiền ngẫm những dòng chữ phi lý, vô nghĩa đó mà cảm thấy thú vị được. Cô bảo anh đọc văn chương tức là giải mã. Giải mã được mới thấy văn chương hay, còn không nó chỉ là mớ chữ lổn nhổn, lùng nhùng, vô nghĩa. Anh bảo cô anh chịu thua, anh chẳng bao giờ giải mã được văn chương. Có nghĩa là anh sẽ không bao giờ giải mã được cô. Anh sẽ không bao giờ có khả năng đi vào đầu óc cô. Đầu óc cô là thành trì bất khả xâm phạm, anh sẽ mãi mãi là kẻ đứng bên ngoài. Nhưng thân xác cô thì không. Nó hơ hớ mời mọc anh vào. Anh vào và anh ngất lịm trong nhục cảm. Phải chăng sự thỏa mãn chỉ dâng lên cực điểm khi nào hành vi tìm thoả mãn bị ngăn chặn bởi điều gì. Cái ngăn chặn anh ở đây chính là mớ chữ nghĩa lổn nhổn trong đầu Sheila.
Phân cảnh buồn cười đó trở thành biến tấu lặp đi lặp lại nhiều lần ngay cả khi hai người đã thành vợ chồng. Anh chỉ bắt đầu quên dần sau khi anh tốt nghiệp MBA và có việc làm ngay tại Wall Street. Anh mau chóng gia nhập cuộc chơi của đám dân có tiền. Anh học không giỏi lắm, nếu không muốn nói là dưới trung bình, nhưng anh có tài ăn nói và tài ăn nói là yếu tố quan trọng định đoạt cho sự thành công trong nghề nghiệp của anh, cái nghề mỗi ngày nhìn thấy cả tỉ đô-la di chuyển từ tay người này sang tay người khác. Chỉ sau ba tháng làm việc anh đã bò lên giường ngủ với Wendy, cô thư ký có thân hình bốc lửa làm việc vặt trong văn phòng, và đó chỉ là trò chơi số một, khởi điểm cho vô số những cuộc phiêu lưu tình ái khác của anh sau đó, những cuộc phiêu lưu thảnh thơi, nhàn nhã như buổi sáng thứ bẩy anh chạy bộ ngoài Central Park. Anh làm tình với Wendy và những cô nhân tình khác thật thư thái, đầu óc họ thênh thang, không như Sheila, anh đi vào họ như vào căn nhà cửa mở không người.
4.
Phi cơ vừa chạm bánh xuống mặt đất anh đã vội vã rút máy di động gọi cho cô. Anh không mong lắm có tiếng cô trả lời nhưng vẫn gọi, anh gọi với hy vọng mong manh biết đâu lý do anh không liên lạc được với cô từ New York chẳng qua chỉ là sự trục trặc kỹ thuật của hãng điện thoại. Sang đến bờ biển miền Tây rực nắng này, sóng điện mạnh hơn và anh sẽ nghe được giọng nói dịu dàng của cô trong máy. Anh hồi hộp nghe tiếng chuông reng hai ba lượt nhưng rồi cái giọng đàn bà máy móc vô cảm lại vo ve trong tai anh khiến anh phải bật lên tiếng chửi thề. Suốt hai ngày anh phải nghe cái giọng nói đáng ghét đó. Hiển nhiên anh tuyệt vọng. Đường dây bị cắt. Không để lại số mới. Cô đi đâu? Cô dọn nhà ra khỏi thành phố rồi ư? Tại sao cô trốn tránh anh? Tại sao cô bỏ đi? Anh hoang mang quá. Phải làm gì bây giờ? Biết tìm cô nơi đâu? Anh vào quán rượu cạnh hành lang phi trường, gọi ly vang đỏ rồi ngồi thừ ra đó, lòng dạ như có lửa đốt trong lúc bên ngoài người đi lại tấp nập và đủ mọi thứ âm thanh hỗn độn ập vào tai anh như khúc nhạc nghịch âm.
Ngồi cách đó không xa là người đàn bà trạc ngoài ba mươi tuổi. Cô ngồi một mình, trên bàn cũng ly vang đỏ như anh. Trông cô có vẻ như một nhân viên tiếp thị của công ty nào đó đi công tác xa đang ngồi chờ chuyến bay chuyển tiếp. Ngồi bên đó nhưng thi thoảng cô liếc mắt sang anh. Lúc khác anh đã dễ dàng bắt chuyện làm quen và biết đâu tối nay anh không phải ngủ một mình trong phòng khách sạn. Nhưng lúc này anh chẳng còn tâm trí đâu để nghĩ đến chuyện trăng hoa, đầu óc anh đang bão bùng với câu hỏi tại sao cô gái bỏ đi, và cô đi đâu.
Thật ra anh mang tâm trạng này từ ngày anh mới quen cô. Anh luôn bất an với cảm giác lo sợ một ngày nào đó cô nói với anh, “Thôi, em chào anh. Tụi mình chia tay. Em và anh chẳng bao giờ đến với nhau trọn vẹn.” Đúng vậy thôi, anh chẳng bao giờ có được cô, chẳng bao giờ “đi vào đầu óc” cô như anh chẳng bao giờ giải mã được mớ chữ nghĩa lổn nhổn trong đầu óc Sheila. Hai người đàn bà của đời anh, hai người đàn bà anh yêu và với cả hai anh đều bó tay trước cánh cửa tâm hồn kín như bưng của họ. Hai người đàn bà là định mệnh đời anh. Hai người, hai cá tính, hai thái cực, hai thế giới hoàn toàn trái ngược, nhưng cả hai cùng lúc đưa anh lên chót điểm của tình yêu. Anh không chối cãi anh yêu cả hai người. Nhưng anh hiểu gì nơi họ? Hay chỉ là khoảng không kinh khiếp, ngay cả với Sheila, người vợ anh chung sống gần hai mươi năm. Anh cố đạp đổ rào cản đó bằng nhục cảm, nhưng vô ích. Anh tưởng người đàn bà khi nằm trần truồng trên giường, hai chân dạng ra cho anh đi vào là họ mở hết tâm hồn ra cho anh. Thật chẳng có sai lầm nào hơn.
“Trâm, có cái gì đó nơi em khiến anh như bị mê hoặc. Phải chăng đó là cái kỳ bí của Đông phương?” Có lần anh hỏi cô gái như vậy. “Em không biết. Em tưởng em chỉ là người đàn bà bình thường.” Cô trả lời anh trong lúc hai mắt cô như bị thôi miên bởi những giọt nước mưa từ mái tranh chảy xuống thành dòng thánh thót. Hai người ngồi trong một trà quán giữa Vườn Trà Nhật đẹp đến não nùng của thành phố San Francisco. Hôm đó trời mù sương như hầu hết những ngày chớm đông của thành phố này, hai người đi chơi lang thang, lúc nhẩy xe cáp, lúc đi bộ và khi đến Vườn Trà Nhật thì mưa bắt đầu nặng hạt. Lá phong trong vườn đỏ rực, khung cảnh đẹp nhưng u tịch hoang lạnh, khác hẳn bầu khí quyển ồn ào nhộn nhịp ngoài kia. Cô kéo anh vào quán ngồi uống trà nhìn ra hồ nước nhỏ nơi có những con cá koi lượn lờ vô tư lự. Kiến trúc quán phỏng theo mô hình trà quán Nhật thời phong kiến, mái tranh thấp lè tè, ba mặt trống không. Hai người ngồi im lặng thưởng thức cảnh đẹp hiếm có. Quán vắng khách, hôm nay trời mưa gió mù mịt, chỉ có những kẻ lỡ đường hoặc không bình thường mới đội mưa ra khỏi nhà. Mưa càng lúc càng nhanh, cái lạnh khiến cô run rẩy. Anh thấy da mặt cô tái xanh, mái tóc đen dài lấm tấm nước mưa lòa xòa trước mặt. Trông cô bé nhỏ quá và anh thấy lòng tràn ngập nỗi thương cảm lạ lùng.
5.
Cô bước vào đời anh như bước vào rạp chiếu phim lúc phim đã chiếu xong nửa đoạn. Có lẽ tệ hơn thế, bởi trong rạp chỉ sau ít phút định thần người ta làm quen ngay với bóng tối và tìm ra chỗ ngồi yên vị. Còn cô, càng lúc đầu óc cô càng hoang mang rối loạn, càng lúc cô càng lún sâu vào cảnh huống tưởng như chẳng bao giờ gỡ ra nổi. Cô như con thiêu thân – một lối ví von sáo mòn nhưng thật khó tìm ra ảnh tượng nào khác diễn tả con người cô – biết mình sẽ thua cuộc, biết mình sẽ chuốc lấy không biết bao nhiêu nỗi đau đớn nhưng vẫn lao đầu vào. Biết anh có vợ nhưng cô vẫn yêu anh. Những lần anh sang thung lũng Silicon công tác, cô sung sướng như con chim nhỏ trong buổi sáng mùa xuân. Cô ăn mặc đẹp rồi theo anh vào những tiệm ăn đắt tiền, ăn xong đi nghe nhạc jazz đến nửa đêm mới về phòng và làm tình cho đến lúc cô không còn biết mình ở đâu nữa. Căn hộ xinh xắn nằm lửng triền đồi gần thành phố Menlo Park là tổ ấm miền Tây của anh. Cô ghét nhất chiều Chủ nhật bởi đó là lúc cô đưa anh ra phi trường để con chim sắt khổng lồ đưa anh về lại mái nhà của anh bên kia lục địa, nơi ít tiếng đồng hồ sau đã thấy anh nằm âu yếm bên cạnh vợ, đi sâu vào thân thể trắng muốt nuột nà của cô. Còn lại một mình trong ngôi nhà trống trải, cô ôm mặt khóc, khóc chán cô lăn ra ngủ vùi, bỏ cả bữa cơm tối. Nửa đêm tỉnh dậy cô mò mẫm trong bóng tối đi tìm chai rượu. Nốc cạn nửa chai rượu, cô nôn thốc nôn tháo đến tận mật xanh mật vàng, nhưng nhờ vậy cô ngủ thẳng một mạch đến giữa trưa ngày hôm sau. Giấc ngủ mệt nhọc khiến đầu cô như bị bổ đôi. Cô vào phòng tắm cởi quần áo rồi vặn nước nóng. Tắm xong cô thấy dễ chịu đôi chút. Cô ra đứng trước tấm gương lớn, buông tấm khăn xuống sàn để một lần nữa chăm chú quan sát thân thể mình trong gương. Cô chẳng bao giờ tự hào về thân thể mình, nếu không muốn nói cô mang nặng mặc cảm ngay từ thuở dậy thì, cô không có một vóc dáng đàn bà hấp dẫn. Cô gầy quá. Xương vai, xương chậu, xương quai xanh cô lồi lên lõm vào trông rõ mồn một. Bởi thế lúc nào cô cũng mặc áo quần dày cộm. Tại sao hóa công hà tiện đến thế? Đã cho cô khuôn mặt đẹp thì có gì hao phí lắm đâu cho cô luôn thân hình tuyệt mỹ để cô sung sướng hiến dâng lên người tình thương yêu của cô?
Mặc cảm này khiến cô chẳng bao giờ tự tin khi bước chân vào cuộc tình nào. Sự thật là cô rất khó tính trong các quan hệ tình ái. Cô khó tính chẳng phải bởi cô kiêu kỳ, chẳng phải bởi cô là người có tính kén chọn mà chỉ bởi cô sợ hãi gã đàn ông đến với cô sẽ thất vọng trong lần làm tình đầu tiên khi gã khám phá ra thân hình ốm yếu thẳng băng từ trên xuống dưới của cô. Cô sợ sau khi đóng thật khéo cho trọn vẹn màn kịch yêu đương với cô, gã sẽ biến mất khỏi đời cô như kẻ lạ tình cờ chạm trán nhau tại ngã tư nào đó trong thành phố. Đàn ông khi nhìn cô, họ không nhìn vào mặt cô mà quét tia mắt từ chân cô trở lên. Cô có cảm tưởng sau khi làm thế họ mới nhướng hai mắt lên nhìn mặt cô. Cô đọc được vẻ ngạc nhiên đến sững sờ trong mắt họ khi nhận ra khuôn mặt xinh đẹp thông minh đang nghiêm nghị nhìn họ. Thân hình và khuôn mặt cô tương phản đến độ họ phải chưng hửng đến thế sao? Cô ghét cay ghét đắng những gã đàn ông suốt ngày ngồi ngoài quán cà phê tán hươu tán vượn, quai miệng ra chê bai con nhỏ này vú xẹp, con nhỏ kia mông lép. Những gã đàn ông đó, dưới mắt cô, là bọn vô lại, dư thừa trong xã hội, chẳng bao giờ xứng đáng cho cô để mắt tới, nhưng oái oăm thay, tất cả những gã đàn ông đi qua đời cô đều như thế cả, dĩ nhiên, chỉ bởi cô khờ khạo, cả tin. Tất cả, ngoại trừ Bruce.
6.
Ngồi mãi vẫn chẳng nghĩ ra giải pháp nào, anh đứng dậy bỏ đi. Người đàn bà với ly vang đỏ vẫn ngồi đó, cô kín đáo liếc đôi mắt đẹp về phía anh với tia nhìn dọ hỏi, thắc mắc. Có lẽ vẻ bồn chồn rối loạn hiện rõ lên nét mặt cùng cử chỉ anh khiến cô dù không muốn cũng phải tò mò để ý.
Anh ra thuê xe rồi lái thẳng đến nơi cư ngụ của Trâm trước đây. Nhà hình như đã có người khác vào ở. Tuy đã sáu giờ tối nhưng thợ sơn, thợ lót sàn vẫn lăng xăng bận rộn sửa sang lại nội thất căn hộ. Anh thấy buồn bã. Suốt hai năm trời dù sao nơi đó cũng là tổ ấm của anh và Trâm những ngày anh sang làm việc ở thung lũng Silicon này. Trâm xem việc săn sóc anh là thú vui của cô. Những hôm không ăn tiệm, cô chuẩn bị cơm nước chu đáo lắm. Làm cơm Việt Nam, cô cũng tế nhị chế biến cho hợp khẩu vị anh, không quá nhiều nước mắm, không quá cay mặn. Trong lúc ăn, cô nhường những chỗ ngon cho anh, thịt gà cô biết anh chỉ ăn thịt ức, toàn nạc, không chút mỡ. Và bữa nào cũng phải có chai vang bên cạnh. Trước đây cô không biết uống rượu, nhưng từ ngày quen Bruce cô trở thành người uống rất khá. Cơm nước xong cô lấy khăn lạnh cho anh lau mặt trong lúc ăn tráng miệng. Bruce mê xem phim truyện. Cô thuê sẵn một lô phim anh thích và những lúc ngồi bên cạnh anh xem phim trong căn phòng khách ấm cúng là giây phút sung sướng nhất đời cô. Có lúc cô gối đầu lên đùi anh, có lúc cô gác chân. Bruce xem phim còn cô xem anh. Cô nhìn khuôn mặt điển trai nhưng không trai lơ của Bruce mà thấy lòng dạt dào hạnh phúc.
“Mặt anh tối nay có cái gì bất thường hay sao mà em nhìn anh như vậy, hả Trâm?” Bruce hỏi cô như thể cô là người đi xem tranh không có chút kiến thức hội hoạ nào tình cờ bước vào gian phòng triển lãm treo toàn tranh trừu tượng.
“Em thấy anh lúc nào cũng bất thường.” Trâm đáp lời anh.
“Ngay cả lúc làm tình với em?” Bruce hơi cười cợt.
“Nhất là lúc làm tình với em.” Trâm nói ngay.
“Anh bất thường như thế nào? Nghĩa là anh không giống những người đàn ông trước đây của em?” Giọng anh bắt đầu hơi mát mẻ, đượm chút ghen tuông.
“Anh biết rồi còn hỏi.” Trâm lườm anh một cái. “Anh biết em yêu anh đến nhường nào, trước anh em có bao giờ yêu ai như vầy đâu.” Câu nói không có ý nghĩa gì lắm đối với Bruce bởi anh từng nghe không biết bao nhiêu câu tỏ tình từ đàn bà. Đàn bà nào đến với anh cũng nồng nhiệt, và những câu nói họ rót vào tai anh lúc ân ái bạo liệt lắm, nhưng chính cái lườm của Trâm đã khiến anh rúng động. Anh chưa bao giờ thấy ai tỏ tình bằng cái lườm như thế cả. Nó lãng mạn vô cùng mà có lẽ chỉ đàn bà Á đông mới có. Anh gọi nó là niềm bí ẩn phương Đông. Anh không cắt nghĩa nổi cái lườm khi tỏ tình tại sao lại có năng lực kỳ diệu như thế, chỉ là ánh mắt nhưng sao nó chứa đựng biết bao điều không thể diễn tả bằng cách khác. Và chỉ có anh hiểu được nó. Anh chợt nhớ đến câu nói của Sheila thời đi học khi cô bảo anh văn chương của các nhà văn quái quỷ nằm trong tủ sách của cô chỉ có thể hiểu được khi chúng ta giải mã được những điều họ viết. Chỉ khi đó ta mới thấy thích thú. Cho đến nay Bruce vẫn chưa giải mã nổi loại văn chương đó nhưng anh giải mã được cái lườm của Trâm và anh thấy niềm sung sướng ngọt ngào dâng lên dào dạt trong lòng mỗi lần Trâm đưa mắt lườm anh vì một chuyện nhỏ nhặt nào đó như chuyện vừa xảy ra. Anh luôn tìm cách chọc ghẹo Trâm để cô lườm anh như thế. Nó là nhu yếu cho tình yêu của anh, thiếu nó anh không chịu nổi, và những lúc ở xa cô anh nhớ nó nhiều hơn là chính con người cô.
7.
Suốt ngày thứ bẩy, Bruce một mình đi lang thang trên San Francisco. Anh gửi xe ở trạm thành phố Fremont rồi đáp chuyến BART sang đầu bên kia vịnh. Trước đây Trâm cũng hay dẫn anh đi theo tuyến đường này mỗi lần hai người lên chơi thành phố thơ mộng đó. Anh đi lại những nơi anh và Trâm hay đi. Mỗi nơi chốn đều nhắc lại anh một kỷ niệm nho nhỏ nào đó và anh thấy những cảm xúc trong lòng mình lạ lùng đến nỗi anh không nhận ra đó là tình cảm của anh nữa. Anh không biết đây có phải là tình yêu không?
Trên đường về lúc ngồi trên xe BART anh chợt nhớ đến một người mà từ đó may ra anh có thể phăng ra tung tích của Trâm. Đó là người hàng xóm của Trâm trước đây. Chị ta hình như sống với chồng con cách căn hộ của Trâm vài căn. Thi thoảng anh thấy chị ta đẩy xe đưa con đi dạo quanh khu xóm. Chị người Việt, có lẽ lớn hơn Trâm vài tuổi, tính tình hiền lành, ít nói, suốt ngày trong nhà trông con. Vài lần chị sang phòng Trâm nhờ vả cô việc gì đó, thấy anh, chị liếc thật nhanh, gật đầu chào rồi quay sang nói chuyện với Trâm bằng tiếng Việt. Anh nhớ hình như chẳng bao giờ anh nói chuyện gì với chị, anh cũng chẳng biết tên chị là gì. Nhưng bây giờ chỉ còn chị là đầu dây mối nhợ cho anh tìm Trâm và anh thấy nôn nóng với ý tưởng này, anh thấy đoàn tàu sao chạy chậm thế, lại còn ngừng bến quá nhiều lần, chạy năm phút lại ngừng. Anh tự trách mình tại sao không nghĩ ra chuyện này sớm hơn.
Sau ba lần bấm chuông lầm và phải xin lỗi chủ nhà, anh tìm ra căn hộ nơi vợ chồng chị bạn Trâm sinh sống. Chính chị mở cửa cho anh. Chị tròn hai mắt nhìn anh. Để nhìn lên mặt anh chị phải ngửa đầu hẳn ra phía sau bởi chị thấp lắm, đứng chỉ tới ngực anh. Chị mời anh vào nhà, chắc chị ngầm hiểu lý do nào khiến anh đến bấm chuông nhà chị vào lúc bẩy giờ tối ngày thứ bẩy. Sau khi xin lỗi chị về sự đường đột của mình, anh hỏi chị ngay:
“Chị không biết Trâm dọn nhà đi đâu thật sao?”
“Tôi không có lý do nào để giấu giếm ông.” Chị nói tiếng Anh không thạo lắm nhưng đủ cho Bruce hiểu chị muốn nói gì. “Sáng thứ năm tôi đẩy xe đưa con đi dạo thì thấy căn hộ của Trâm trống rỗng, tôi hỏi người quản lý thì ông ta cho biết Trâm đã đưa thư xin dọn ra cả tháng trước. Ông ta cũng bảo tôi là tất cả đồ đạc nặng của Trâm trong nhà như TV, tủ lạnh, giường ghế, Trâm tặng hết cho cơ quan từ thiện thành phố và họ đã cho xe tải đến chở đi. Có nghĩa là Trâm ra khỏi nhà với chiếc va li nhỏ duy nhất trên tay, còn Trâm đi đâu thì không ai hay biết. Vợ chồng tôi suốt từ hôm đó đến nay bàn tán không dứt về chuyện này. Chúng tôi cũng thắc mắc không kém ông là Trâm đi đâu và tại sao Trâm phải đột ngột bỏ đi như vậy.”
“Lần cuối chị gặp Trâm là bao giờ?” Bruce hỏi như thể anh đang hỏi cung một can phạm nhưng là giọng hỏi cung từ tốn đầy sự lo lắng.
“Cả tháng rồi ông ạ. Con bé con nhà tôi bị đau cả hai tuần nay, tôi chẳng có thời gian đi đâu.”
“Lần cuối gặp Trâm, chị có thấy cái gì bất thường ở Trâm không?”
“Không, hoàn toàn không. Thường chúng tôi gặp nhau chỉ để nói những chuyện vu vơ và bếp núc. Gần đây Trâm học thêm nấu ăn và cô ấy nhờ tôi chỉ những món Việt Nam tôi biết nấu.”
Bruce đọc thấy nét thành thật trên khuôn mặt trắng xanh của chị. Có lẽ chị thân thiết với Trâm hơn anh nghĩ. Có lẽ chị xem Trâm như đứa em gái bất hạnh mặc dù hai người gặp nhau chỉ để nói chuyện vu vơ và bếp núc. Nỗi thương cảm hiện rõ trong ánh mắt của chị, khi nói môi dưới chị run run chứng tỏ lòng chị dao động không ngừng. Bất chợt Bruce thấy gần gũi hơn với chị. Anh có cảm tưởng lâu lắm rồi anh mới đối diện một con người thành thật. Sự thành thật ở xã hội anh sống sao hiếm hoi đến thế! Những kẻ anh giao tiếp, chung đụng hằng ngày, con người họ thật lịch sự, đẹp đẽ, đầu óc họ cao việt, uyên bác hơn chị hàng xóm quê kệch này của Trâm nhiều lắm, người suốt ngày chỉ biết ở nhà làm bếp, trông con. Nhưng những kẻ trong thế giới của anh hiện thân là khối đạo đức giả khổng lồ, họ không có đến một gam sự thành thật trong lời nói. Tất cả, trong đó có anh, như đang diễn xuất trong vở kịch bi hài, vở kịch bi hài của đời sống hiện đại, văn minh.
Nói thêm vài chuyện nhưng vẫn không bật thêm tia sáng nào về sự bỏ đi của Trâm, Bruce chợt im lặng rồi anh buột miệng nói như thể bị điều khiển bởi vô thức:
“Chị biết Trâm đang có thai không?”
8.
Phải chăng đó là lý do khiến Bruce bỏ dở công việc, tất tả bay sang thung lũng Silicon này và suốt hai ngày nay như ngồi trên đống lửa, đầu óc hoang mang hoảng loạn như kẻ đứng nhìn ngôi nhà mình bốc cháy mà không biết phải làm gì để cứu chữa? Cũng sáng thứ năm, anh đang ngồi làm việc trong văn phòng thì có điện thoại của Trâm gọi sang. Giọng cô bình thản như mọi lần. Cô bảo cô có thai đã gần ba tháng (kết quả của kỳ anh sang lần trước) và cô quyết định từ giã anh, tìm nơi sinh con rồi tìm cách ổn định lại đời sống mới với đứa con. Cô gọi cho anh để nói lời từ giã. Cô không để anh nói nhiều. Trước khi gác máy cô bảo anh đừng tìm kiếm cô làm gì. Nói đến đây giọng cô hơi run lên một chút. Cô gác máy. Anh hét lên trong máy nhưng cô làm như không nghe tiếng anh. Anh gọi lại số nhưng đợi cả chục tiếng chuông reo vẫn không có người nhấc máy. Nhìn số mã vùng anh đoán Trâm dùng điện thoại công cộng ở San José. Cuối cùng có kẻ nhấc máy điện thoại. Anh nghe tiếng đàn ông giọng Mễ nặng nề nói như quát vào máy. Anh lịch sự hỏi gã có thấy cô gái Á châu tóc dài nào gần đó không, anh hy vọng cô vẫn luẩn quẩn đâu đó, gã có vẻ chẳng hiểu anh nói gì và hy vọng của anh tắt ngúm khi gã đàn ông vẫn quát vào máy những câu nói thô tục nửa tiếng Anh nửa tiếng Tây Ban Nha. Hơn nửa tiếng đồng hồ anh loay hoay với hai con số điện thoại của Trâm, số di động và số trong cơ quan của cô, hai đường dây duy nhất nối liền anh với cô, nhưng anh chỉ hoài công, cô biến khỏi cuộc đời anh như thể có nhà ảo thuật đại tài nào dùng cây đũa thần biến cô tan vào hư không.
Trâm có thai và đứa con trong bụng cô là con anh. Chao ơi, tại sao có ngày anh phải đối diện với thực tế vô cùng khó khăn và đau lòng này? Làm sao anh có thể để chuyện như thế xảy ra? Suốt buổi anh tự trách mình rồi anh chợt nảy ra ý nghĩ biết đâu đây là cách trả thù tình ái của Trâm? Trâm biết sẽ không sao có anh trọn vẹn và cô bỏ đi với cái bào thai trong bụng để cho anh đau khổ với nỗi ân hận dày vò suốt đời? Biết đâu đây chẳng qua chỉ là tấn bi kịch do chính tay Trâm đạo diễn? Đàn bà trả thù tình ái bằng cách tự kết liễu đời mình, chuyện đó chẳng xảy ra mỗi ngày đấy ư? Anh nhớ có lần trong lúc nằm trên giường âu yếm, cô thủ thỉ bên tai anh cô muốn có đứa con với anh. Hình như đàn bà nào cũng nói với anh câu nói đó trong lúc thân thể trần truồng nằm trong vòng tay anh. Lần đó anh khéo léo pha trò biến chuyện con cái thành chuyện khôi hài và anh chẳng nhớ gì sau đó. Nhưng Trâm thì không quên. Cô lừa anh vào bẫy và giờ đây cô đang thi hành độc kế biến anh thành kẻ có tội, kẻ phải chịu đựng mọi hình phạt của lương tâm, và không hình phạt nào ghê gớm hơn sự dày vò, cắn rứt bởi chính lương tâm mình.
Có đúng như thế không? Có phải Trâm là kẻ dùng độc kế đưa anh vào tròng? Nhưng có gì bảo đảm cái độc kế đàn bà rất buồn cười đó – tự tay đâm vào trái tim mình để trả thù gã đàn ông bạc bẽo, khiến hắn phải đau khổ suốt đời – sẽ đánh thức lương tri hắn? Biết đâu hắn lại thấy đây là cơ hội may mắn duy nhất cho hắn chặt đứt sợi dây chão trói chặt hắn trong cạm bẫy của tình yêu? Giác quan duy nhất của lương tri là con mắt, nếu hắn trùm mắt nó cho kín, nó sẽ chẳng bao giờ ngóc đầu lên nổi chứ đừng nói là cắn được con người hắn.
Tôi có thể kết thúc chuyện tình của Bruce ngay đây, bởi có lẽ anh chẳng khác chúng ta bao nhiêu. Nó như cuộc du lịch xa. Thú vị. Khích động. Nhưng khi hết hạn nghỉ hè, chúng ta muốn quay về nhà nằm ngủ trên chiếc giường êm ái quen thuộc hằng đêm. Một thời gian anh sẽ quên Trâm và đời sống cứ thế đẩy anh về nơi cuối trời miên viễn mỗi lúc mỗi xa dần biểu tượng của cuộc sống và tình yêu lúc ban đầu. Anh sẽ sống nốt cuộc đời mình, chạy theo những thú vui tầm thường nhưng nhàn nhã. Một lúc nào đó trong tuổi xế chiều, nếu có nhớ đến Trâm, chắc anh chỉ nhớ như một kỷ niệm đẹp, bởi trí óc chúng ta lạ lắm, với hồi ức, nó thải đi tất cả những gì bị nó xem là xấu xa mà chỉ gạn lọc lại những gì tốt lành, đẹp đẽ.
Nhưng tôi đánh giá vô cùng sai lầm con người của Bruce. Phải chăng anh không trùm kín nổi con mắt lương tri anh? Phải chăng anh thấy có trách nhiệm rất lớn về câu chuyện đau lòng này với người anh thương yêu? Phải chăng anh thật lòng yêu Trâm? Lương tri? Trách nhiệm? Tình yêu? Tôi rất muốn tin như thế mặc dù từ lâu tôi đã mất hẳn niềm tin này vào cuộc đời. Tôi muốn tin rằng ngay ở buổi hoàng hôn của nhân loại con người vẫn còn yêu thương nhau, vẫn xem nhau như con người.
9.
Chị hàng xóm của Trâm nào biết chuyện Trâm đang có thai. Từ sửng sốt biến thành chua xót, hai hàng nước mắt bỗng lăn dài trên khuôn mặt chị. Bruce càng thấy gần gũi chị hơn. Chị có vẻ chẳng trách móc gì anh. Hình như chị thông cảm với anh hoàn toàn và không xem anh là kẻ có lỗi. Tại sao lại có người cao cả như thế? Chị có thể là người quê mùa, dốt nát, nhưng chị hiểu tình yêu hơn rất nhiều kẻ đầu óc cao diệu, luôn tự hào mình là thông minh xuất chúng. Cả hai im lặng một lúc lâu đoạn chị ngước lên nhìn anh:
“Ông định làm gì bây giờ?”
“Tôi không rõ lắm. Bằng mọi cách tôi phải tìm ra Trâm, nhưng tôi không rõ mình phải làm gì.”
“Ông còn yêu Trâm không?” Chị đột ngột hỏi anh.
“Dĩ nhiên, tôi còn yêu Trâm.” Anh trả lời không do dự.
Đàn bà chỉ cần biết có thế, mọi chuyện khác đều là thứ yếu. Lạ thật. Đây là lần đầu tiên trong đời anh để tình cảm mình bộc lộ, mà lại bộc lộ với một người hoàn toàn xa lạ, cho đến giờ phút đó anh vẫn chưa biết tên là gì. Mới ngày hôm qua hình ảnh chị không hề nằm trong bộ nhớ của anh, thế mà tối nay anh ngồi đây, mặt mày thiểu não và dốc cả tâm can mình với người đàn bà tầm thường, dung dị. Lẽ ra giờ này anh phải ngồi trong những quán ăn sang trọng, chuyện trò bàn bạc cùng những nhân vật quyền uy, tính toán những biến chuyển lên xuống trong thị trường, trong thế giới doanh thương, bằng những ngôn từ, những thuật ngữ kinh tế người bình thường không ai hiểu nổi chứ. Nếu không thế thì anh cũng đang ôm ghì thân thể nóng bỏng của cô gái nào đó trong phòng khách sạn, uống vào từng phân vuông da thịt thơm tho của cô. Tại sao anh ngồi đây, trong một căn hộ bừa bãi đồ đạc thô lậu, nhếch nhác, nói những chuyện dấm dớ về tình yêu với một chị đàn bà đầu óc thô thiển, hành vi quê mùa. Thật không ai hiểu nổi cái gì đi xuyên qua trí óc anh lúc bấy giờ.
“Hình như Trâm có người anh trai sinh sống ở San José.” Anh bảo chị. “Suốt thời gian biết Trâm, tôi chỉ nghe Trâm nhắc đến người anh của mình một lần duy nhất. Hình như hai người không hòa thuận nhau lắm. Ngoài ra Trâm chẳng còn bà con xa gần nào. Chị biết gì về người anh trai này của Trâm không?”
“Có lần Trâm nói với tôi ông ta làm chủ một tiệm 7-Eleven dưới San José.”
“Chị biết tên ông ta không?”
“Có. Trâm gọi là anh Thắng.”
Chi tiết này khiến con người tháo vát hành động của Bruce quay về với anh. Anh kiếu từ chị đàn bà hàng xóm tốt bụng, cám ơn chị, đoạn ra xe bấm máy di động tìm địa chỉ tất cả những tiệm 7-Eleven dưới phố San José rồi lại bấm vào máy GPS trong xe. Anh nổ máy xe và chiếc BMW750 lướt nhẹ dưới ánh đèn đêm vàng vọt của thành phố. Đã gần chín giờ tối ngày thứ bẩy. Bụng anh không thấy đói mặc dù suốt ngày anh chỉ ăn uống qua loa trên đường phố San Francisco. Anh thấy quặn đau như những lần bị chứng loét bao tử hành hạ.
10.
Cuối cùng anh tìm ra tiệm 7-Eleven của người đàn ông tên Thắng. Nhưng gã nhân viên bán hàng bảo anh ông chủ gã đưa vợ đi Lake Tahoe nghỉ cuối tuần đến chiều Chủ nhật mới về. Gã cũng bảo thêm cách hay nhất là anh trở lại đây lúc mười giờ tối mai bởi đó là lúc ông chủ gã ghé tiệm tính sổ sách mỗi tuần. Anh hỏi xin số điện thoại di động của chủ gã, nhưng gã cương quyết chối từ ngay cả khi anh xòe ra tờ giấy bạc một trăm. Biết không làm được gì hơn anh bỏ về khách sạn, tắm rửa rồi lên giường cố dỗ giấc ngủ qua đêm.
Sáng hôm sau anh gọi điện cho hãng hàng không xin hoãn lại chuyến bay về New York. Anh cũng gọi Sheila báo tin mình về muộn. Sheila đang ăn trưa với con gái trong phòng ăn. Cô vẫn không thắc mắc gì về lý do tại sao anh chưa về. Anh nằm lì trong phòng khách sạn suốt ngày Chủ nhật xem TV. Mãi tám giờ tối anh mới ra khỏi phòng, xuống nhà hàng ăn tối, rồi lái xe đến tiệm tìm gặp người anh của Trâm. Trước khi đi, anh định mặc bộ quần áo nhẹ anh đem theo trong va li, nhưng không hiểu sao anh lại khoác bộ vét lên người như thể sắp đi dự một buổi họp quan trọng nào.
Anh không tìm thấy nét nào của Trâm trên người anh trai cô. Anh ta trạc bốn mươi, khổ người tầm thước, bụng đã bắt đầu phệ, tóc thưa, nước da đen xỉn. Anh ta như chìm lỉm trong đám di dân Á châu thế hệ thứ nhất nơi đất nước này.
Nhác trông thấy Bruce, tưởng anh là khách hàng, anh ta nở nụ cười gượng gạo trên môi. Nụ cười biến mất và thay vào đó là sắc mặt tối sầm khi Bruce tự giới thiệu anh là ai và mục đích vào đây của anh là gì. Anh ta mời Bruce ngồi xuống ghế phía sau quầy tính tiền. Ngay lập tức, anh cảm thấy cuộc đối thoại với người đàn ông này là một cực hình, khác hẳn buổi nói chuyện với chị hàng xóm của Trâm tối hôm qua. Anh ta bắt đầu bằng giọng điệu trách móc Bruce, hiển nhiên xem anh là nguyên nhân cho mọi đau khổ cô em gái anh ta hứng chịu. Anh ta không cho Bruce có cơ hội chống chế.
“Tôi khuyên ông nên quên em gái tôi đi. Ông đừng làm nó đau khổ thêm nữa. Nó là người đàn bà cứng cỏi. Nó không chết đâu. Ông đừng lo.” Đến đây giọng anh ta trở nên hằn học. “Nhưng ngay cả nếu ông gặp lại em tôi bây giờ thì liệu ông làm được gì cho nó? Tôi hỏi thật, ông có dám ly dị vợ mình để lấy nó không? Nó là đàn bà và đàn bà nào cũng cần có người thương yêu bên cạnh. Tôi nói cho ông biết lý do anh em tôi bất hòa cả hai năm nay chỉ vì nó dính líu đến ông, một người đàn ông có vợ. Và ông không có quyền nửa đêm xông vào đây đòi hỏi tôi phải làm thế này thế nọ cho ông. Ông hãy tự chất vấn lương tâm mình đi. Ông có thấy mình công bằng với mọi người không? Em tôi, nó bỏ đi vì nó thương ông, nó không muốn ông phải vướng bận, nó hy sinh vì nó biết ông không hẳn là con người xấu và ông có yêu thương nó. Giải pháp nó chọn đó là đúng thôi và tôi khuyên ông tối thiểu nên tôn trọng nó, hãy để nó yên.”
“Nhưng đứa con Trâm đang mang trong bụng là con tôi...” Bruce chống đỡ yếu ớt.
“Hừ! Nếu ông biết trách nhiệm là gì thì ông đã không để chuyện xảy ra như ngày hôm nay. Những đứa con không cha. Ông ơi, ông không biết đấy chứ, chúng đầy dẫy ngoài xã hội, và chẳng đứa nào chết đâu.”
“Tôi không nói chuyện lương tri hoặc trách nhiệm với ông làm gì. Lương tri và trách nhiệm là cái gì vô cùng chủ quan, mỗi người một quan niệm, nói ra ở đây chỉ vô ích, phí thời gian. Cái tôi muốn nói là tình yêu. Như ông nói, cô em ông yêu tôi và tôi cũng yêu cô ấy. Tôi cần gặp cô ấy để tìm cho nhau một giải pháp tương đối ít đau đớn nhất, nhất là cho tương lai đứa bé…”
“Tình yêu!” Người đàn ông cười khẩy, “Ông biết quái gì về tình yêu. Những người như ông chỉ biết thân xác đàn bà chứ biết tình yêu là gì.” Anh ta không ngớt hắt vào mặt Bruce những ngôn từ đau đớn nhất, “Ông muốn gặp nó để khuyên nó phá thai chứ gì? Có phải ông chỉ muốn tái lập quan hệ cũ để ông muốn đến lúc nào thì đến, muốn đi lúc nào thì đi? Tôi lạ gì những người như ông. Một lần nữa tôi khuyên ông hãy bỏ ý định đi tìm em tôi và quay về thế giới của ông. Tôi thành thật khuyên ông như vậy. Ông không mất mát gì cả. Phần thiệt thòi là về phía em tôi, gia đình chúng tôi. Chúng tôi không đòi hỏi từ ông điều gì, chỉ mong ông để yên cho chúng tôi sống. Chỉ có cách đó chứ không còn cách nào khác. Mọi chuyện chấm dứt ngay tại đây, vào lúc này… Xin phép ông, tôi phải quay lại công việc của tôi, đã gần nửa đêm, tôi phải về nhà với vợ con tôi.”
Cuộc đối thoại xem chừng chẳng đi đến đâu. Bruce mệt mỏi quá sức chịu đựng. Tinh thần anh như khô cứng. Đầu óc anh không còn sự tỉnh táo, lanh lẹ để đối ứng với người đàn ông nữa. Anh hỏi anh ta một câu cuối cùng:
“Thôi được. Tôi sẽ không làm phiền ông nữa. Nhưng giữa con người với nhau, tôi chỉ xin ông cho tôi biết hiện nay Trâm ở đâu. Tôi không cần địa chỉ, tôi chỉ muốn biết tình trạng sinh sống của Trâm ra sao, tôi sẽ không quấy nhiễu Trâm như ông sợ đâu, ông đừng lo.”
Người đàn ông ngần ngừ một lúc khá lâu, đoạn hình như cảm thấy đã hả cơn giận vì được dịp mắng nhiếc không tiếc lời người đàn ông làm khổ em gái mình, anh ta hạ giọng:
“Nói thật với ông tôi cũng không rõ nó ở đâu bây giờ, chỉ biết nó có ý định quay về Việt Nam sinh sống, nhưng gia đình tôi ở Việt Nam bây giờ đâu còn ai, cha mẹ chúng tôi qua đời lâu rồi, những người thân thuộc thì ở tản mác khắp nơi trên thế giới.”
11.
Bruce có cảm tưởng anh ta nói thật. Anh cám ơn người đàn ông rồi loạng choạng bước ra khỏi tiệm. Cuộc nói chuyện với người đàn ông không đem lại kết quả gì mà chỉ khiến anh buồn bã thêm. Anh buồn không phải vì đau đớn tổn thương sau những câu nói như bổ vào mặt của người đàn ông, anh buồn vì anh biết anh đã thật sự mất Trâm. Anh yêu Trâm, lần đầu tiên anh thú nhận với lòng mình là anh quả có yêu thương người đàn bà đó. Nhưng đột nhiên anh cũng thấy mình điên khùng hết sức. Động lực nào thúc đẩy anh suốt từ sáng thứ năm cho đến tối nay có những hành vi và ý tưởng lạ thường như bị ma ám? Sự mê muội khiến anh không còn khả năng suy nghĩ cặn kẽ nữa, sự việc đâu đã đến nỗi nào, Trâm tuy bỏ đi nhưng cô vẫn còn đấy trên cõi đời này, tại sao anh phải điên khùng như vậy? Có ích lợi gì đâu? Dù sao anh vẫn còn đời sống không có Trâm của anh.
Không khí lạnh và thoáng bên ngoài khiến đầu óc anh tỉnh táo lên đôi chút. Anh ra bãi đậu tìm chiếc xe nhưng linh cảm cho anh biết có chuyện chẳng lành. Chiếc BMW750 mới toanh biến mất, mặt đất vương vãi mảnh kính vụn. Cảm giác vừa sợ hãi vừa giận dữ khiến anh run lên như muốn đập phá cái gì. Anh hít vào phổi một làn hơi thật sâu để lấy lại sự bình tĩnh rồi rút máy di động gọi cho hãng mướn xe. Họ bảo anh đừng lo lắng. Sau khi hỏi anh qua loa về địa điểm nơi mất xe, họ bảo họ sẽ liên hệ với cảnh sát, còn về phần anh, anh không phải làm gì cả, họ đề nghị anh lấy tắc xi về khách sạn, sáng hôm sau họ sẽ đưa chiếc xe khác đến, họ cũng bảo anh khu phố đó nhiều trộm cướp băng đảng lắm, anh không nên đứng ngoài đường mà nên vào trong một cửa tiệm nào đó. Anh cảm ơn người nhân viên hãng mướn xe rồi bấm máy gọi tắc xi. Tắt máy di động, anh phùng mang thở mạnh một hơi, đầu lắc lắc như thể muốn rũ đi tất cả những bực dọc lo âu mấy ngày hôm nay. Anh mong chiếc tắc xi đến đón anh thật nhanh để anh về khách sạn và sáng mai bay về bên kia lục địa, trở về với cái cũ kỹ, quen thuộc của anh. Chưa bao giờ anh nhớ Sheila như lúc này.
Nhìn quanh khu buôn bán, ngoài tiệm 7-Eleven anh thấy chẳng còn tiệm nào mở cửa. Chẳng lẽ anh lại chui vào nhìn mặt người đàn ông lần nữa? Anh bước lên vỉa hè đến đứng trước một tiệm bán đồ chơi trẻ con. Anh đứng hai tay thọc túi quần, mắt chăm chú nhìn những món đồ chơi xinh xắn đủ sắc màu bày biện la liệt bên kia song sắt và lớp kính dày. Ánh sáng nhợt nhạt của đèn đường hắt vào không cho anh thấy rõ tất cả mọi vật trong tủ kính, nhưng món đồ đập vào mắt anh nãy giờ là đoàn tàu hoả nằm nghênh ngang trên đường sắt quây tròn giữa mô hình núi đồi sông ngòi mấp mô lên xuống thật đẹp mắt…
Anh đứng đó lâu lắm. Chiếc tắc xi mãi chưa thấy đến. Nửa đêm Chủ nhật, thành phố mơ màng ngủ như muốn quên đi mọi ưu phiền, bức bối của ban ngày. Chưa bao giờ anh thấy cô đơn như lúc này. Thốt nhiên anh thấy lành lạnh sau gáy, anh quay lại và thấy hai tên đàn ông to béo, mặt mày trùm kín, đang lù lù tiến lại gần anh, một tên lăm lăm khẩu súng nhỏ trên tay. Khẩu súng khạc đạn, tia lửa lóe sáng trong đêm. Hai tiếng nổ trơ trốc. Khô khan và chát chúa.
12.
Lương tri. Trách nhiệm. Tình yêu. Chúng như bầy quái thú kinh khiếp, hãy xích chúng lại và nhốt chúng trong hầm tối. Một khi được cởi xích, chúng không để chúng ta yên đâu. Bởi ngay lập tức chúng toa rập với con quái thú kinh khiếp không kém khác nằm chờ sẵn bên ngoài có tên gọi là định mệnh, để cả lũ hung hãn xông tới húc văng chúng ta xuống vực thẳm.
Bruce thoát chết nhờ người tài xế tắc xi đến kịp chở anh vào bệnh viện, nhưng anh phải ngồi xe lăn suốt đời. Cuộc đời anh bỗng chốc đi vào một ngõ quành khốc liệt.
Thời gian sau, trong một buổi tối ngồi nói chuyện, Sheila thú nhận với anh là suốt năm năm qua cô có cuộc tình với một người đàn ông. Anh hỏi cô anh biết người đàn ông đó không, cô bảo không, anh ta là thi sĩ, nhưng không phải một thi sĩ danh tiếng mà là người đang chờ đợi ngày nào đó tên tuổi mình sẽ gắn liền với những trào lưu thi ca cách tân đầy táo bạo. Những tên thi sĩ như vậy – ý nghĩ chậm chạp đi qua đầu anh – ở New York này có cả tá nếu không muốn nói hàng trăm. Ban ngày họ lái xe tắc xi, phục vụ ở tiệm ăn kiếm sống, đêm đêm tụ tập trong những quán rượu chật hẹp mù mịt khói cần sa dưới SoHo đọc cho nhau nghe những câu thơ không ai hiểu. Họ chẳng được ai nhắc đến và ngược lại họ cũng bất cần đời. Làm sao Sheila có thể yêu một tên loser như vậy được? Anh tự hỏi. Nhưng anh biết anh thất bại, anh mới là loser, muôn đời anh chẳng bao giờ giải mã nổi những gì lổn nhổn trong đầu óc cô. Anh hỏi cô muốn gì. Cô bảo cô muốn ly dị. Anh hỏi cô còn yêu anh không nhưng không nghe cô trả lời và anh hiểu. Anh gật đầu bảo được, anh cũng nói thêm anh sẽ chia gia sản một cách công bằng để suốt đời cô không phải lo lắng đến sinh kế. Cô cám ơn anh rồi bỏ vào phòng ngồi đọc sách cho đến khuya, như mọi đêm.
Sheila biết rất rõ tính trăng hoa của anh, nhưng suốt thời gian làm vợ anh, cô không hề tỏ lộ chút ghen tương nào, thậm chí một câu nói bóng gió trách nhẹ cũng không. Hình như người đàn bà trí thức như cô không được phép ghen chồng. Ghen chỉ dành cho các bà nhà quê tầm thường, thấp kém. Nhưng anh cũng biết đời sống hôn nhân anh như tòa lâu đài xây trên cát, nó có thể đổ xuống tan tành bất cứ lúc nào. Sheila ở tuổi trung niên mang nặng căn bệnh trầm cảm của người đàn bà trí thức, trầm cảm không do bất cứ duyên cớ nào, trầm cảm vì nó là một thuộc tính tự nhiên.
Căn bệnh trầm cảm của Sheila có lẽ đã giúp cô bình thản nghe Bruce thú nhận với cô về chuyến đi cuối tuần sang cái thành phố khốn nạn ấy lúc anh vừa tỉnh táo lại đôi chút và còn nằm trên giường bệnh viện. Và quan hệ giữa anh và cô gái người Việt trong suốt hai năm, chuyện cô có thai và bỏ đi. Cô nắm tay anh trong lúc nghe anh nói. Anh không nói nhiều vì đầu óc vẫn còn luễnh loãng sau tai họa xuýt chết, nhưng cô hiểu tất cả. Khi anh nói xong cô chỉ cúi xuống hôn nhẹ lên trán anh, vỗ về cho anh ngủ rồi đứng dậy ra về.
13.
Sau khi Sheila bỏ vào phòng đọc sách, còn lại một mình trên xe lăn ngoài phòng khách, Bruce nhìn ra ngoài khung cửa sổ rộng. New York về đêm bao giờ cũng đẹp. Nó chỉ đẹp vào ban đêm. Đã bao nhiêu lần anh nhìn khung cảnh này rồi mà vẫn không thấy chán. Chỉ có cái đẹp mới xoa dịu được anh bây giờ thôi. Nhưng thật ra mọi đau đớn đã chai lì. Đã qua rồi giai đoạn khổ sở khi những ý nghĩ quýnh quáng dồn nén xung quanh ý định quyên sinh. Đã một năm trôi qua từ buổi tối hôm đó. Bây giờ anh không nghĩ đến cái chết nữa. Mọi người không ai hiểu anh. Họ bảo tuy thoát chết nhưng anh bị sốc quá nặng nên rất có thể bị lâm vào trạng thái tâm thần, cần được chữa trị. Nghĩa là họ bảo anh điên. Anh là thằng điên ư? Không đời nào. Từ một người dùng lời nói để kiếm tiền, anh suốt ngày không nói một câu. Nhưng điều đó không có nghĩa là anh trở thành người điên. Người điên nói rất nhiều. Tất cả mọi người xung quanh bây giờ mới là người điên. Nhưng không ai đồng ý với anh như thế. Anh ghét cay ghét đắng cái lão Do Thái Kuzimitski điệu đà như quan tòa, cậy mình có bằng tiến sĩ phân tâm học, tra vấn anh đủ điều, những điều anh chưa bao giờ thổ lộ với ai, ngay cả đêm ngủ anh mơ thấy gì cũng phải khai báo với lão. Sáng mai anh lại phải đi gặp lão nữa đây, nhưng anh sẽ chẳng kể cho lão nghe về giấc mơ anh mơ đi mơ lại suốt hai tháng qua đâu. Anh mơ anh gặp Trâm.
Anh thấy anh lạc vào một khu nhà tập thể to rộng. Kiến trúc ngôi nhà chỉ thấy ở vùng gần Thẩm Quyến, Đông Quan miền nam nước Tầu, nơi anh hay bay sang công tác trước đây. Phòng ngoài có những cô gái Á châu và cô nào mặt mày cũng hớn hở chờ làm tình với anh. Không, các cô không phải gái điếm. Anh biết rất rõ những ổ gái điếm quanh vùng này hay Thượng Hải, Hồng Kông, nơi các tay tài phiệt Tầu hay đưa anh xuống mua vui mỗi lần anh sang công tác. Những cô gái trong khu nhà tập thể này trông quê mùa lắm, trông họ như những cô gái quê ngồi cặm cụi làm công việc lắp ráp trong các hãng xưởng. Nét thành thật, ngây ngô hiện rõ trên khuôn mặt không son phấn của họ. Họ nhìn anh luyến tiếc trong lúc anh chạy vụt vào một hàng lang hẹp và sâu hun hút. (Trong giấc mơ anh chạy như bay chứ không ngồi xe lăn). Hành lang dài lắm, anh chạy mãi vẫn chưa đến phòng Trâm. Tất cả cửa phòng đều y như nhau, màu nâu nhạt và đều tăm tắp. Nhưng làm sao anh biết phòng nào là phòng của Trâm? Anh biết chứ. Anh biết bởi trên cửa phòng hiện rõ đôi mắt của Trâm lườm anh. Anh biết Trâm đang nằm bên trong đợi anh. Cô sẽ lườm anh một cái rồi bảo, “Sao lâu quá anh không sang với em?” Chao ơi, anh nhớ cái lườm đó xiết bao!
14.
Tình yêu nào cũng cần có cái gì làm ảnh tượng. Tôi đoán ảnh tượng tình yêu của Bruce với Trâm là cái lườm đầy tình tứ của cô.