có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 4 14, 2023

Khói Bếp trên Sông




Hai đứa trẻ thức dậy trước cổng chùa, nhìn xuống sông. Mặt trời chưa mọc, sương mù trôi dày trên mặt nước, bãi cát vắng người. Chúng sẽ đi xuống đó, qua sông về nhà, mẹ chúng sẽ chờ ở cửa, la mắng vài câu cho có lệ rồi vuốt tóc ôm vào lòng. Năm ấy tôi năm tuổi, người anh lớn hơn hai tuổi, ngày lễ tết dẫn nhau qua đò lên thị xã, hai đứa trẻ lang thang giữa đám đông rướn cổ coi diễu hành, tranh với những đứa trẻ khác nhặt nắp chai, đồ chơi trẻ con, lạc vào rừng người, may mà còn nắm tay nhau. Nhìn qua bên kia sông mặt trời đã lặn, đò ngang đưa chuyến cuối cùng, người lái đò đã gác mái chèo, kéo dây buộc vào bãi cát, lững thững đi lên quán rượu sau bụi tre la ngà.

Ngơ ngác sợ hãi, tìm cách về nhà nhưng không dám hỏi ai, đèn đường bật sáng, hai đứa chạy từ góc phố này tới góc phố khác, bên hàng rào kẽm gai trước toà hành chánh tỉnh, một người lính bồng súng đứng im lặng, dưới ngọn đèn đường vàng trong hàng phượng một cặp tình nhân đi đi lại lại, người thanh niên tóc chải dầu bóng loáng, người thiếu nữ kẹp tóc, để lọn dài thả xuống thắt lưng, đi guốc cao gót nhún nhảy, họ đi hết một đoạn đường, qua trước mặt chúng tôi rồi quay ngược lại, nhẹ nhàng nhưng nghiêm nghị, không ai nói gì, người thiếu nữ đưa mắt nhìn kín đáo, tiếng guốc gõ nhịp đều trên mặt đường nhựa, khung cảnh: một thế giới xa lạ, huyền bí.

Đi bộ đau mỏi ở bắp chân, hai đứa trẻ kéo nhau vào cổng tam quan trước chùa, đêm càng về khuya, cảnh càng vắng lặng, trên ngọn ngô đồng cao cuối sân chùa một con chim đi ăn đêm về muộn kêu mấy tiếng, hai đứa trẻ chui vào góc tối trên cổng tam quan nằm ngủ, nhưng không dễ gì ngủ được, cảnh lạ, đói. Sau này lớn lên tôi đôi khi vẫn còn cảm giác ấy, trong một góc phố giữa châu Âu bỗng bồn chồn như sắp đi lạc, sự hiện hữu dừng lại, sự mệt mỏi làm cơ thể loãng ra, như cha nhớ con, chồng nhớ vợ, kẻ lãng du muốn quay về quán hớt tóc đầu thôn, ngồi xuống cái ghế bành cũ, để mặc cho người thợ quàng tấm ra trắng, nhắm mắt lại nghe tiếng mài dao tanh tách, những giây phút ấy trong đời nhắc chúng ta rằng dù từng trải bao nhiêu cũng có khi lạc đường. Chú bé mệt quá ngủ thiếp đi trước anh nó, nhưng chẳng bao lâu sau lại thức giấc, đứa anh nằm xuống bên em, che trước mặt, ngăn gió từ ngoài sông thổi lại, đứa trẻ chạm tay vào anh, không biết ở đây có an toàn không, nó dụi mắt trong bóng tối.

– Anh ở đâu rồi?

– Ở đây nè.

– Em đói.

– Thôi cầu nguyện đi.

Chúng cầu nguyện, một lát sau ngủ thiếp, rồi thức dậy, gió từ ngoài sông thổi vào lạnh, một vật gì lạnh hơn thế nữa, chạm vào chân chú bé, chú ngồi lên: những đồng tiền của ai để rơi lấp lánh dưới ánh trăng, lúc ấy vầng trăng đã qua bên kia sông đăm đăm nhìn lại, mới đầu chú tưởng chỉ một hoặc hai đồng, nhưng nhiều hơn, nhiều lắm, dễ đến chín hay mười đồng tiền kẽm, đồng tiền có hình cây trúc, giá trị năm mươi xu và một đồng. Hai đứa trẻ cầm mấy đồng tiền chạy qua quán tạp hóa bên cạnh chùa, dưới gốc cây sầu đông, bà chủ quán, một bà già có vẻ khó tính nhưng tốt bụng, càu nhàu vì đang ngủ bị đánh thức, hé cửa liếp, đếm tiền, bỏ vào tay chúng những viên kẹo bi tròn tròn đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng, hai đứa ngửa tay ra, bụm lại không hết, chúng ngồi im lặng nhai kẹo bi lắc ca lắc cắc trên cổng chùa, nhìn qua bên kia sông, trăng treo lơ lửng trên rừng dương liễu trong nghĩa trang đầu làng, đẹp đến nỗi chú bé tin rằng nó, mặt trăng ấy, sinh ra trên trời vì một mục đích nào đó, anh chú bảo lời cầu nguyện đã được lắng nghe, quả thật, những đồng tiền kẽm ấy là phép lạ đầu tiên trong đời, nhưng ăn xong tạm no bụng thì cảm giác nhớ nhà lại tới, xao xuyến thắt ruột, căn nhà của chú nằm ngay dưới vầng trăng ngay sau rừng dương liễu chạm tay vào là tới mà hóa ra xa quá.

Nằm ngủ chập chờn đến tinh mơ hai đứa ngồi dậy, đi xuống bờ sông chỗ đò ngang vẫn đậu, nhưng lúc ấy sớm quá, đò chưa qua, đứng ngơ ngác, chúng nhìn thấy một con thuyền có mui của dân chài lưới đi đánh cá đêm cắm sào, chúng rủ nhau xắn quần đùi lội ra, muốn năn nỉ người chủ thuyền chở qua sông, nhưng nước sâu quá không ra được, mùi thơm ngào ngạt xông lên từ mui thuyền, mùi của cơm gạo mới, nấu vừa chín tới, ngào ngạt, mùi của canh mướp mà mẹ chú bé thường nấu trong những ngày nóng nực, mùi mướp ngọt, mùi ruốc, mùi tôm khô, bay thoang thoảng trên mặt nước, lặng lẽ như lớp sương mù thứ hai không màu sắc nhưng đầy mùi vị.

Một người đàn ông chắc là chủ thuyền đang ngồi vá lưới ở cuối khoang ngẩng đầu lên nhìn bọn trẻ rồi cầm mái chèo khoắng mấy cái đưa thuyền vào gần bờ, ông ta chỉ tay cho hai đứa leo lên, khi chúng theo nhau leo lên được mạn thuyền, mới nhận ra một đứa bé gái lớn hơn chú vài tuổi, có lẽ bằng tuổi của anh chú, thắt hai cái bím bằng dây cao su xanh đỏ, đang ngồi bên bếp lửa, nồi cơm đã chín ghế qua một bên, hai người chuẩn bị ăn sáng, trên ngọn lửa liu riu một soong canh mướp nhỏ bốc khói nghi ngút, bếp của nhà đò là một cái nồi than bằng gạch có thể di chuyển được, đặt trên cái mâm đồng cũ, đầy tro tàn, cô bé xích qua nhường chỗ cho chúng, quay lại hỏi người đàn ông, cha của nó, rồi chui vào khoang thuyền lấy thêm bát đũa, cô bé lau hai cái bát sành màu xanh ngọc, miệng bát vài chỗ mẻ nhưng sạch, đơm cơm rồi múc canh mướp nóng vào đó, đưa cho chúng, đang đói bụng, khát, hai đứa bưng bát húp lia lịa, không kịp cảm ơn.

Bất kỳ một đứa trẻ nào khi lớn lên cũng giữ mãi kỷ niệm về việc tiếp xúc với người lạ đầu đời, nhưng đó là cảm xúc gì thì chú không biết, vì hãy còn quá nhỏ, sự xúc động trước một điều gì không diễn tả được, ví dụ trước lòng tốt của người đàn ông đánh cá, lòng tử tế của cô bé, nhưng chỉ thế thôi sao? còn hơn thế nữa, điều gì tựa như lòng nhân từ của người phụ nữ, dù đó là một người phụ nữ bé xíu, nhanh nhẹn, ít nói nhưng tinh nghịch, thỉnh thoảng còn đưa mắt lườm chú một cách chế nhạo, như bất kỳ một cuộc gặp gỡ nào cũng ở lại lâu hơn trong lòng ta không chỉ vì cuộc gặp gỡ ấy, những nhân vật trong ấy, mà còn vì cái khung cảnh mà nó xảy ra, mặt nước êm đềm gợn sóng, con sào cắm bên cạnh chiếc thuyền, vầng trăng bạc sắp biến mất, bàn tay con gái nhỏ nhắn bưng tô cơm, nhiều năm trôi qua, đôi khi nó muốn tìm lại con bé kia, giờ này chắc đã có con có cháu đầy đàn, nhưng làm sao tìm lại được?

Đứa bé nhớ họ. Một người thanh niên ngã xuống trong tuổi thanh xuân, dưới rặng dừa, một người nay có lẽ đã trở thành người lái đò hay bà chủ tiệm hay lưu lạc giang hồ thân gái dặm trường, bạn làm sao biết được, bạn nhớ chùa tỉnh hội, nhớ cổng tam quan, nhớ cặp tình nhân đi đi lại lại lặng lẽ và nghiêm nghị bên rào kẽm gai, nhớ hai đứa trẻ thức dậy giữa những đồng tiền kẽm có hình cây trúc như phép lạ sáng bạc lấp lóa, như từ trên không có ai thả xuống đất, thả xuống mùi cơm gạo mới trên mặt nước, thả xuống mùi canh mướp ngọt thơm phức trong sương mù, bàn tay nhỏ nhắn của đứa bé gái nâng bát cơm lên đặt trước mặt đứa trẻ, tia mắt nhìn óng ánh, ngọn lửa của cái lò bếp trên thuyền nhấp nháy sáng như ảo tưởng, như con mắt khác, ngôi chùa tỉnh hội bị bom đạn phá nát, cũng như mọi thứ khác, sau này đã được xây lại trên nền cũ, nhưng hàng phượng vĩ không còn, bãi cỏ xanh không còn, bãi cát vàng với những lon sữa bò những vỏ chai nước mắm nước tương nước magi biến mất, bến đò biến mất. Người lái đò đã chết.

Chúng ta sống nhiều cuộc đời, nhưng chúng ta chỉ nhớ một cuộc đời, một bếp lửa trên thuyền; ba đứa trẻ ngồi vây quanh; một đứa sẽ nhớ lại hai đứa kia, có lần đứa trẻ lớn bảo em nó rằng: ta sẽ đi xa một ngày nào đó, chú em hỏi lại, đi đâu, đi về một nơi thật xa, không có chiến tranh, đứa anh bảo nó, nhưng vì sao phải thế, chú bé hỏi, vì khi người ta lớn lên, người ta phải đi xa, anh chú trả lời, nhưng anh có lớn lên đâu, chú hỏi lại, chú vòng tay ôm ngang lưng anh mình, và bảo, anh hãy còn nhỏ lắm, vào lúc ấy chú nghĩ mọi thứ sẽ vĩnh viễn ở đó, dù có lớn lên rồi khi quay trở lại, bến sông vẫn là bến sông kia, con đò vẫn cắm sào đứng đợi, quê hương chúng ta vẫn là quê hương ngày cũ, nhưng bạn nghĩ, không đúng, một lần sau nhiều năm, chú bé về thăm thành phố, một mình ngồi xuống bậc thềm tam quan chùa trong chiều chạng vạng, bóng tối lan nhanh, một lát sau, không phải một lát, lâu hơn thế, một người khác đến ngồi xuống bên cạnh, không ai nói gì, cả hai cùng ngồi đó, ngồi sát vào nhau, cùng im lặng, cho đến khi bên kia sông vầng trăng mọc lên sau rặng liễu chiếu sáng ngời ngời mặt nước.