có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 11 08, 2022

Phú Quốc, dấu chân Gia Long tẩu quốc


Miếu Hoàng Tử và hai miếu nhỏ sắp tới sẽ bị di dời. (Hình: Nguyễn Quốc Việt)

Năm 2022, tròn 220 năm Gia Long thống nhất giang sơn lên ngôi hoàng đế. Hơn 20 năm tẩu quốc rồi phục quốc, trời biển phương Nam là cái nôi khởi nghiệp, là nguồn nhân tài vật lực cho công cuộc khôi phục vương triều.

Ngược lại, vua Gia Long cũng đã định phân cương thổ, mở mang bờ cõi, dân chúng phương Nam an cư lạc nghiệp. Trong đó, đảo Phú Quốc còn ghi lại dấu tích, công đức Gia Long được người dân đời đời tôn kính.

Sách sử triều Nguyễn đã ghi nhận rất nhiều lần Gia Long tị địa ở Phú Quốc và những hòn đảo trên biển Tây Nam trong hoàn cảnh ngặt nghèo.

Khởi đầu Tháng Chín, 1777, Duệ Tôn Nguyễn Phúc Thuần bị quân Tây Sơn bắt ở Long Xuyên (Cà Mau), Nguyễn Vương mới 16 tuổi đơn độc tập hợp tàn quân chạy thoát ra Biển Đông qua cửa sông Đốc, bằng một con thuyền nhỏ. Nhưng chỉ một tháng sau Nguyễn Vương đã tập hợp lực lượng trở vào Cà Mau rồi tiến lên Sa Đéc, thâu phục Sài Gòn.


Phú Quốc: Đảo thiêng tị địa và khởi nghiệp

Năm 1782, bị Tây Sơn đánh bại, Nguyễn Ánh bỏ Sài Gòn lui về Rạch Giá, Hà Tiên, ra Phú Quốc. Tháng Sáu năm ấy, tướng Châu Văn Tiếp chiếm Sài Gòn rối sai người ra Phú Quốc rước Nguyễn Ánh.

Năm sau 1783, Nguyễn Huệ lại kéo vào Sài Gòn. Nguyễn Vương rút lui xuống Tân An, Mỹ Tho, rồi ra Phú Quốc. Tháng Sáu, tướng của Tây Sơn ra đánh Phú Quốc. Nhờ Lê Phước Điền xả thân cứu chúa, Nguyễn Ánh thoát ra đảo Côn Nôn.

Phò mã Trương Văn Đa truy nã theo, bao vây. Nguyễn Vương lại về Phú Quốc rồi qua Bến Tre, Bình Thuận.

Tây Sơn phản công, Nguyễn Vương lại lui về Phú Quốc…

Có thể nói Phú Quốc là đất thiêng để tị địa trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất và cũng chính là nơi Nguyễn Vương nhanh chóng huy tập lực lượng chống lại Tây Sơn giành lại Sài Gòn.

Nhưng mặt khác, chính những lần tị địa và chính sách đền ơn, an dân cởi mở của vua Gia Long đã là tiền để để hòn đảo hoang vắng vô chủ ở giữa Vịnh Thái Lan này trở thành đảo Ngọc tươi đẹp ngày nay.

Trong quyển “Tìm Hiểu Đất Hậu Giang” nhà văn Sơn Nam đã cô đúc như sau: “Từ xưa, đảo Phú Quốc là nơi vô chánh phù, nơi người Việt Nam (từ Bình Thuận) và người Hải Nam đến tranh giành bãi Đột để bắt con đồn đột. Từ bãi Đột đến Hàm Ninh, người Xiêm khai phá, lập vườn cây ăn trái. Mức hưng thịnh của Phú Quốc lên đến cao độ dưới trào Gia Long. Nhớ ơn hòn đảo này, vua cho phép dân chúng tự do khai phá nơi nào họ thích, chỉ cần một điều kiện là tham dự vào việc phòng thủ miền duyên hải. Dân Phú Quốc lái ghe đến tận Bắc Kỳ để mua bán”.

Sơn Nam còn nêu ra giả thiết những giống mãng cầu xiêm, dừa xiêm, vịt xiêm phổ biến ở Nam Kỳ có thể xuất phát từ hòn đảo này.

Giếng Tiên sát mép nước biển vẫn ngọt quanh năm. (Hình: Nguyễn Quốc Việt)

Phú Quốc và biển Tây Nam nằm giữa ba nước Việt, Chân Lạp và Xiêm, không phải tự nhiên Mạc Cửu hiến dâng, cũng không phải yên bình tự nhiên khai khẩn. Vua Gia Long và nhà Nguyễn phải nhiều lần nhọc nhằn chinh chiến, ngoại giao với các nước lân bang mới có thể giữ gìn, bình trị và phát triển.

Hơn 200 năm qua, trải nhiều biến thiên lịch sử, dấu chân Gia Long trên đảo Phú Quốc vẫn còn in đậm. Hàng chục năm qua, dù bị chính quyền đương thời áp đặt những định kiến chính trị sai lệch, lòng dân Phú Quốc, dân Việt nói chung với vị vua mở mang bờ cõi, thống nhất giang san vẫn chưa mai một. Trên đảo Phú Quốc hiện còn lưu giữ hai di tích quan trọng của Gia Long là Miếu Hoàng Tử và Giếng Ngự-Gia Long.


Miếu Hoàng Tử phận số mong manh!

Miếu Hoàng Tử ở bờ biển Dương Tơ. Hàng trăm năm qua, người dân đảo thờ cúng một ngôi miếu nhỏ trên bờ biển Dương Tơ gọi là Miếu Hoàng Tử, con của vua Gia Long nhưng qua thời gian quá lâu nên không ai biết đích xác họ tên.

Với niềm tin đôn hậu, đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn,” hằng năm người dân đảo tụ tập về đây cúng lễ kỵ cơm vào ngày 9 và 10 Tháng Chạp Âm Lịch. Đây là sự thờ cúng tự nguyện tự phát, miếu thờ không có Ban Tế Tự, không có đất đai hương hỏa, chỉ có những người thủ tự tự nguyện nối tiếp nhau trông nom và người dân địa phương, du khách tìm đến chiêm bái.

Những nghiên cứu gần đây về Châu Bản Triều Nguyễn đã xác định được đây là Hoàng Tử Nhật con của Vua Gia Long sinh ra tại đây trong thời thời đào tị. Hoàng Tử Nhật đã chết trẻ và được chôn cất tại Dương Tơ, đến triều Tự Đức được di cốt về cải táng ở Huế. Theo tài liệu của Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia 1, Châu Bản Triều Nguyễn đã ghi lại sự kiện liên quan đến miếu này có đoạn như sau:

“…Chúng thần đã tâu lên và đến các sử quán xem xét cuốn phả các hoàng tử và sức cho các thủ hộ khai rõ làm căn cứ xem xét. Phụng xét trong phả ghi: Tiền tiền triều Hoàng Tử Nhật chôn ở thôn An Hòa, Phú Quốc, thuộc hạt Hà Tiên là nơi hẻo lánh, xin sắc xuống cho quan tỉnh lo liệu hộ tống chuyển về hạt phủ Thừa Thiên quy táng cho tiện một mối. Còn như trong phả không ghi rõ thờ phụ ở đền nào thì nên đưa về cho phụ thờ ở trước đền Triển Thân cho có nơi thờ cúng.

Ngày 18 Tháng Tám nhuận năm Tự Đức 15 (1862)
Đóng ấn: Tôn Nhân Phủ Ấn
Châu phê: Y lời tâu, Bộ Lễ chiếu theo thực hiện.”

Hiện tại, ngôi Miếu Hoàng Tử nằm sau lưng phần đất do tập đoàn TTC làm chủ đầu tư. Đường vào miếu là một lối mòn lởm chởm đất đá và um tùm cây cối. Diện tích ngôi miếu chỉ bó hẹp trong khoảng vài trăm thước vuông, nằm sát biển. Phía trước miếu có hai miếu nhỏ thờ chư thần và miếu âm hồn, trên ghềnh đá ngoài cùng lệch về bên phải là tượng Quan Âm Nam Hải.

Miếu Gia Long vẫn được người dân cúng viếng mỗi ngày. (Hình: Nguyễn Quốc Việt)

Gần đây, những người quản lý dự án muốn chiếm cả mặt tiền bờ biển xây hai miếu nhỏ bên hông trái của Miếu Hoàng Tử, định di dời cả hai miếu Chư Thần và Âm Hồn, cả tượng Quan Âm về đó. Ông Võ Văn Giàu, thủ tự miếu, không đồng ý nên tạm thời chưa bị di dời.

Số phận Miếu Hoàng Tử đang rất mong manh. Chính quyền không lưu tâm đến giá trị lịch sử, giao khoán đất miếu cho nhà đầu tư như một loại đất hoang. Nếu chủ đầu tư tiếp tục ý định chiếm đất mặt tiền để kinh doanh thì Miếu Hoàng Tử chỉ còn là ốc đảo.


Lễ hội Giếng Tiên, bãi Ngự đã quá vãng!

Một di tích khác nổi tiếng hơn, thiêng liêng hơn, kỳ thú hơn là Giếng Ngự, hay còn gọi là Giếng Ngọc, Giếng Tiên, Giếng Gia Long ở An Thới, số phận còn bi thảm hơn.

Giếng Gia Long nằm sát mép nước biển, lúc thủy triều lên, mép nước biển chỉ cách giếng vài tất. Điều kỳ thú là sát vùng nước biển mặn nguồn nước Giếng Gia Long trong suốt, ngọt lịm quanh năm.

Ngay cạnh giếng, trên mặt tảng đá có dấu chân người được cho rằng đó là dấu chân Vua Gia Long.

Trên bãi biển gần đó có hòn đá mang hình dạng giống y cái ghế dựa được người dân gọi là Ghế Ngự và bãi biển này được gọi là Bãi Ngự.

Truyền thuyết kể rằng trong lần đào tị ra đây, lương thực, nước ngọt đều cạn kiệt, Nguyễn Vương dậm chân xuống đất và ngửa mặt lên trời than rằng: “Nếu trời cho ta làm vua thì hãy cho nước ngọt chảy ra đây.” Dứt lời, ông phóng kiếm xuống đất, lạ thay nước ngọt lập tức phun lên từ nơi mũi kiếm đâm.

Từ đó, bên cạnh giếng người dân lập một ngôi miếu nhỏ thờ Gia Long. Miếu tuy nhỏ nhưng trang nghiêm, phía trước có bình phong án ngữ.

Người dân, kể cả địa phương lẫn du khách rất tin tưởng vào nguồn nước giếng thiêng này sẽ mang lại sức khỏe sự may mắn nên thường xuyên cúng viếng.

Đặc biệt theo lời ông Võ Văn Giàu, hằng năm từ ngày Mùng Mười đến Rằm Tháng Giêng Âm Lịch, người dân đảo đổ về đây cúng giỗ và cùng quần tụ ăn uống hội hè đông đảo suốt năm ngày. Cũng giống như Miếu Hoàng Tử, Miếu và Giếng Gia Long không có ban tế tự. Việc cúng giỗ hoàn toàn do cộng đồng dân cư tự nguyện, tự tổ chức nhưng rất trang nghiêm đầm ấm.

Giếng Tiên và Miếu Gia Long với nhiều di tích chỉ bó hẹp trong diện tích hơn 100 mét vuông. (Hình: Nguyễn Quốc Việt)

Nhưng giờ đây một dự án resort đã được giao đất từ sâu trong đảo ra đến biển, có cả phần Bãi Ngự cạnh bên giếng. Bảo vệ khu resort không cho người dân tụ tập trên bãi biển hội hè như trước nữa.

Muốn vào giếng bằng đường biển phải thuê ghe từ An Thới hoặc bãi Khem, giá trên mạng đưa là khoảng 300,000 đồng ($13) nhưng khi hỏi giá, chủ ghe hét 1.5 triệu đồng ($66).

Một cách khác là đi 2 km đường rừng từ An Thới. Sức khỏe kém không thể đi rừng, tôi phải chọn phương án thứ ba, thuê xe ôm đến khu resort xin đi nhờ đường vào Giếng Ngự. Ban quản lý buộc mua vé thăm viếng resort 500,000 đồng ($22). Dù hoàn toàn không có nhu cầu và thời gian, tôi vẫn phải mua vé đi đường đến Giếng Gia Long.

Dù đường đi đến Giếng cách trở như vậy nhưng khi tôi đến, bên thành giếng, trên bàn thờ Thiên trước miếu và trong Miếu Gia Long vẫn đầy hoa tươi và nghi ngút khói hương. Chứng tỏ tâm linh và lòng người thì không có gì ngăn trở được.

Xét về yếu tố thời gian, tính chất thì Miếu Hoàng Tử, Giếng Gia Long đã có hơn 200 năm, nó gắn liền với biến cố lịch sử của một triều đại và là điểm tựa tâm linh của đông đảo người dân, đã quá đủ điều kiện để xếp loại di tích để bảo vệ tôn tạo trận trong như di tích lịch sử quốc gia. Việc không xếp hạng công nhận danh hiệu là sơ sót đáng trách hoặc những định kiến chính trị sai lầm về vương triều Nguyễn của chính quyền đương nhiệm.

Nhà thơ Gamzatov từng viết: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác.” Không muốn nguyền rủa kẻ cầm quyền vong ân nhưng hy vọng rằng đừng vì thiển kiến tối tăm mà chính quyền đương nhiệm hủy hoại giá trị văn hóa lịch sử của quốc gia.

Vấn đề đặt ra là những di tích lịch sử lâu đời in sâu vào tâm thức người dân, những sinh hoạt cúng lễ hội hè chính là bản sắc văn hóa của địa phương. Một đô thị dù to đẹp, văn minh đến mấy nhưng thiếu lịch sử, thiếu bản sắc sẽ thành đô thị vô hồn.


Nguyễn Quốc Việt