Nhà thờ Thánh Tâm Montmartre (Basilique du Sacré-Coeur), quận 18 Paris, Pháp, ngày 09/04/2020. AP - Francois Mori
Đồi Montmartre, ở Paris, lại tưng bừng với Hội mùa Thu hoạch (Fête des Vendanges) từ ngày 05 đến 09/10/2022. Hàng năm, khoảng 3.000 chai vang đỏ và hồng được ủ từ nho của gần 1.900 gốc, trong đó nhiều gốc trồng năm 1933. Toàn bộ số tiền bán rượu được dành cho các chương trình xã hội của quận 18. Được tổ chức từ 80 năm nay, Hội mùa Thu hoạch là dịp thưởng thức ẩm thực và đắm mình trong không khí hội hè nổi tiếng của Montmartre.
Montmartre từng là vùng đất hoang vu với một tu viện được xây vào thế kỷ XII và vài ruộng nho xung quanh. Rồi người ta đến trồng rau, trồng nho, lập làng quanh tu viện. Nét điền dã dần biến mất với quá trình đô thị hóa từ thế kỷ XIX. Một tầng lớp cư dân mới, chủ yếu là người nghèo, trộm cắp, công nhân và cả những nghệ sĩ nay đây mai đó, bị đẩy khỏi quá trình đô thị hóa Paris theo kế hoạch của kiến trúc sư Haussmann, đến sống ở rìa làng, hình thành khu ổ chuột (maquis de Montmartre), không điện, không nước với những căn nhà lụp xụp xen giữa thảm thực vật hoang dại.
Từ khu ổ chuột thành “mồi” cho giới bất động sản
Chính quyền cũng quay lưng với những “thành phần không một xu dính túi”, ít nhất cho đến cuối thế kỷ XIX. Vào Thời kỳ Tươi đẹp (Belle Epoque, 1871-1880), những vùng trên cao ở Paris trở thành khu vực giải trí sành điệu. Làng Montmartre lột xác. Các quán rượu mọc lên ầm ầm, thu hút giới tinh hoa Paris và những nghệ sĩ nổi tiếng đương thời. Đất ở Montmartre lên giá. Ngôi làng trở trành miếng mồi cho giới thầu xây dựng. Người dân nghèo bị đuổi khỏi khu ổ chuột, đôi khi không được tái định cư. Những tòa nhà theo kiến trúc Haussmann lần lượt mọc trên đại lộ Junot ở chân đồi, thêm vài ngôi biệt thự theo kiến trúc Anh, Tân Nghệ thuật dành cho nhà giầu (biệt thự Léandre).
Quá trình thay đổi của khu đồi được tái hiện rõ ở Bảo tàng Montmartre (Musée de Montmartre, được bà Saskia Ooms, phụ trách bảo tàng, giới thiệu với RFI Tiếng Việt :
“Bảo tàng muốn giới thiệu quá trình thay đổi của khu phố theo thứ tự thời gian. Những chiếc cối xay gió và mỏ khai thác thạch cao dần biến mất để mở đại lộ Junot, rồi Montmartre được sáp nhập vào quận 18 Paris năm 1860. Ngoài ra, còn có lịch sử của tu viện Montmartre, cùng với những cánh đồng nho gắn liền với lịch sử của khu đồi.
Chúng tôi may mắn có bộ sưu tập đa ngành rất đa dạng, gồm tranh, ảnh, ma-két, đồ vật… cho thấy quá trình thay đổi của khu phố. Ngoài ra, bảo tàng còn có rất nhiều tấm áp-phích do các nghệ sĩ lúc đó thực hiện, đồ sứ Clignancourt sang trọng, cũng như những đồ vật mang tính dân gian cho thấy nét đặc biệt của khu phố.
Khách tham quan có thể xem kịch bóng được tái dựng ở phòng trưng bày Chat Noir. Đây là khu trưng bày hiếm có, nơi người xem như hòa mình vào khung cảnh huyên náo, nhộn nhịp của khu phố và tiệm hát huyền thoại do Rodolphe Salis thành lập”.
Montmartre đang biến mất của Eugène Delaître (1864-1938), Bảo tàng Montmartre.
© © RFI / Thu Hằng
Nhà thờ Thánh Tâm (Basilique du Sacré-Coeur de Montmartre), được khởi công năm 1875, ban đầu bị coi là lời thóa mạ đến tinh thần cách mạng, nhưng lại góp phần làm thay đổi cảnh quan đồi Montmartre. Một bên là tâm linh, bên kia là trần tục, nhộn nhạo với những hàng cà phê, quán rượu trong thập niên 1880.
“Nét đặc trưng của khu phố được truyền tải qua những quán rượu, cà phê mọc trên đồi Montmartre từ năm 1888. Thực ra, rất nhiều nghệ sĩ đã đến Montmartre vào khoảng thập niên 1870, sau đó, họ thường xuyên lui tới những quán cà phê, ngày càng đông hơn ở trên đồi, đặc biệt phải kể đến quán Café du Chat noir (Cà phê Mèo Đen), rất nổi tiếng, rất đông khách và thường chiếu kịch bóng. Tất cả được chúng tôi trưng bày trong phòng triển lãm Mèo Đen.
Ngoài ra, còn có nhiều diễn viên sân khấu, cũng như những anh hề của Gánh xiếc Medrano nổi tiếng, được nhiều nghệ sĩ tái hiện trong tác phẩm của họ. Trong bảo tàng, khách tham quan có thể thấy tấm áp-phích rất đẹp của họa sĩ Toulouse-Lautrec quảng cáo buổi diễn mỗi tối của Aristide Bruant ở quán rượu-cà phê Mirliton, hoặc về Jane Avril và Yvette Guilbert, hai vũ nữ rất nổi tiếng”.
Cái nôi của nghệ thuật, nơi giao lưu của văn nghệ sĩ
Montmartre trở thành trung tâm của thủ đô nghệ thuật Paris vào đầu thế kỷ XX. Chính tại khu phố thời thượng này, Bateau-Lavoir, một trong những nơi cư trú nổi tiếng của các nghệ sĩ đã ra đời. Dãy nhà cấp bốn, ban đầu là phòng khiêu vũ, sau đó là xưởng làm đàn piano, được ngăn dọc thành khoảng 20 xưởng vẽ nhỏ, làm liên tưởng đến hành lang trên boong tầu nên được nhà thơ Max Jacob đặt tên là Bateau-Lavoir.
Lúc đầu, đây chỉ là nơi lưu trú của các nghệ sĩ Ý và Tây Ban Nha, dần dần Bateau-Lavoir trở thành nơi giao lưu của giới văn-nghệ sĩ. Guillaume Apollinaire, Amedeo Modigliani, Henri Matisse, Georges Braque, Jean Cocteau… từng sống trong “ngôi nhà chung”. Bateau-Lavoir trở thành “Villa Medicis của hội họa hiện đại”, nơi danh họa Picasso gặp người bạn đời, người mẫu Fernande Olivier.
“Tại khu Bateau-Lavoir, Picasso vẽ bức Les Demoiselles d’Avignon (Những cô gái ở Avignon). Đó cũng là nơi sáng tác của Kees Van Dongen, Othon Friesz, Juan Gris và nhiều nghệ sĩ khác. Các nghệ sĩ tiên phong trong khu phố đã thực sự ganh đua với nhau vào thời đó.
Rất nhiều tác phẩm của những nghệ sĩ đã sống trong bảo tàng cũng được trưng bày, như Suzanne Valadon, Maurice Utrillo và André Utter. Trước khi trở thành bảo tàng hiện nay, khu nhà này có những xưởng vẽ, rất nhiều nghệ sĩ đã sống ở đây, trong đó có Raoul Dufy, Othon Friesz, Charles Camoin, Émile Bernard”.
Ruộng nho Clos-Montmartre, nhìn từ Bảo tàng Montmartre. © RFI / Thu Hằng
Từ khu vườn của bảo tàng có thể nhìn xuống ruộng nho duy nhất Clos-Montmartre, chếch xa hơn một chút là quán rượu Lapin Agile, được coi là “ngôi đền” của giới nghệ sĩ và người thích hát. Họa sĩ biếm họa André Gill vẽ biển hiệu cho quán rượu là một chú thỏ đang nhảy ra khỏi nồi. Từ đó, người ta gọi là Chú thỏ của Gill (le Lapin à Gil), sau được lái thành Chú thỏ nhanh nhẹn (le Lapin Agile) và giữ cho đến nay. Bà Saskia Ooms nhận xét :
“Montmartre là một trong những khu phố hiếm hoi vẫn giữ được nét quyến rũ đặc biệt. Phần lớn khu phố vẫn như xưa. Người ta vẫn thấy những địa điểm nổi tiếng như nhà hàng Lapin Agile, Lâu đài Sương mù (Château des Brouillards), Ngôi nhà mầu hồng (Maison Rose), Cối xa gió đỏ (Moulin Rouge), nghĩa trang Saint-Vincent tạo nên nét quyến rũ, cổ kính và rất độc đáo cho khu phố”.
Làng trong phố
Hầu hết những địa điểm được bà Saskia Ooms nhắc đến đều nằm quanh khu phố Abreuvoir, hiện là điểm “check-in” không thể bỏ qua của du khách. Đầu phố là nhà hàng Maison rose (Ngôi nhà mầu hồng) nổi tiếng, được xây vào khoảng năm 1850, sau đó bị bỏ hoang, rồi được Laure Gargallo, người mẫu cho Picasso, mua lại và sơn hồng để làm quán ăn nhỏ cho những người bạn nghệ sĩ. Giữa phố Abreuvoir là tượng ca sĩ Dalida, ngay cạnh Lâu đài Sương mù với những câu chuyện ma chưa có lời giải. Có lẽ nhờ một số người dân chống cưỡng chế để đô thị hóa Montmartre vào đầu thế kỷ XX mà khu phố vẫn giữ được nét nông thôn điểm xuyết trong cảnh quan đã thay đổi. Họ buộc phải rời đi vào những năm 1940 do tình trạng nhà xuống cấp.
Nhà hát kịch Moulin Rouge, Montmartre, quận 18, Paris. © RFI / Thu Hằng
Montmartre có khoảng 15 cối xay gió được xây từ năm 1591 đến 1741 và hiện còn lại hai, được trùng tu, nằm ở phố Lepic. Nổi tiếng nhất và ở trên cao nhất là cối xay gió Blute-fin nằm trong khu nhà riêng nên chỉ có thể nhìn từ ngoài đường. Radet, cối xay gió còn lại thứ hai, được di chuyển đến vị trí hiện nay từ thế kỷ XIX để làm quán rượu và hiện là nhà hàng Moulin de la Galette.
Riêng Moulin Rouge (Cối xay gió đỏ), quán rượu nổi tiếng với vũ điệu Cancan, được Joseph Oller và Charles Zidler cho xây năm 1889 làm tụ điểm giải trí. Quá trình phát triển của Montmartre và Moulin Rouge gắn chặt nhau suốt thế kỷ XX và được tái hiện trong bảo tàng:
“Bảo tàng dành riêng một gian trưng bày về quán rượu Moulin Rouge nổi tiếng với một đoạn trích trong phim French Cancan (Điệu nhảy cancan của Pháp) của Jean Renoir. Ngoài ra còn có rất nhiều ảnh của những vũ nữ nổi tiếng. Họ có bưu thiếp riêng, in hình họ, để bán hoặc tặng cho người hâm mộ vì đó cũng là những nghệ sĩ tài hoa, quyến rũ. Bên cạnh đó còn có Quảng trường Pigalle. Còn trong tấm áp-phích của Toulouse-Lautrec, có thể thấy Cối xay gió Đỏ (Moulin Rouge)”.
Ngoài những điểm quá nổi tiếng, như Nhà thờ Thánh Tâm Sacré-Coeur, nhà thờ Saint-Pierre, Quảng trường Tertre với những quán cà phê và họa sĩ dạo dưới bóng cây tiêu huyền, bà Saskia Ooms gợi ý một số điểm quyến rũ nhưng không đông người:
“Trước tiên là khu vườn của bảo tàng Montmartre, được coi là chốn thanh bình, rất hiếm ở Paris và rất đặc biệt nhờ quán Café Renoir, nơi khách tham quan có thể nhâm nhi từng khoảnh khắc hạnh phúc.
Tiếp theo là khu phố Abbesse, rất quyến rũ với quảng trường cùng tên và nhà thờ tuyệt đẹp ngay cạnh. Rồi còn có những con ngõ, con phố nhỏ, như phố Chevalier de la Barre, phố Lepic, công viên Marcel Bleustein-Blanchet ở ngay sau Nhà thờ Thánh Tâm, vườn hoa Clignancourt, hay vườn hoa Suzanne Buisson ẩn mình giữa đại lộ Genet và phố Simon Dereure. Tất cả cho thấy vẻ đẹp tuyệt vời của Montmartre. Du khách có thể cảm nhận được không khí hư ảo trong khu phố tuyệt vời này”.
Bức tường Tình Yêu ở Quảng trường Abbesse, Montmartre. © RFI / Thu Hằng
Thu Hằng