Eo biển Bosphorus nối liền hai lục địa Âu-Á của Thổ Nhĩ Kỳ. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Constantinople được đổi tên thành Istanbul, rồi Istanbul trở thành thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thời gian, thủ đô dời về Ankara, nhưng Istanbul vẫn là thành phố lớn nhất quốc gia này.
Một đất nước nằm bên cạnh biển Địa Trung Hải và Hắc Hải, một phần nhỏ lãnh thổ thuộc về Âu Châu một phần lớn thuộc về Á Châu. Dân tộc họ đã có một thời lẫy lừng trong lịch sử thế giới. Đồng thời họ có một niềm tin mạnh vào tín ngưỡng Hồi Giáo ôn hòa. Đó là Turkey mà người Việt thường gọi là Thổ Nhĩ Kỳ và Istanbul hiện nay là thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Istanbul ngày nay đã không còn là thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Năm 1923 đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đã dời thủ đô về Ankara, một thành phố khá còn non trẻ so với lịch sử lâu đời của Thổ. Nhưng không vì thế mà Istanbul mất đi vị thế lịch sử của mình. Nhờ vào vị trí địa lý hết sức quan trọng của eo biển Bosphorus nối liền giữa hai biển lớn Black Sea và Marmara Sea thuộc Địa Trung Hải.
Nhìn vào bản đồ thế giới, người ta nhận ra ngay lý do tại sao nước Nga bằng mọi giá phải lấy bằng được vùng Crimea của Ukraine vì đó có lẽ là cửa ngõ ngắn nhất để nước Nga có thể đi thông qua Black Sea đến eo biển Bosphorus và đi ra vùng biển Mediterranean (Địa Trung Hải) để đến các nước Âu Châu.
Vì thế trên bình diện chính trị, vị trí chiến lược, thương mại, kinh tế và du lịch, Istanbul vẫn giữ một vai trò rất quan trọng. Người ta có thể không đến thủ đô Ankara nhưng đã đến Thổ Nhĩ Kỳ mà chưa biết đến Istanbul thì xem như chúng ta chưa biết gì về xứ Thổ.
Ngược dòng lịch sử, Đại Đế La Mã Constantine là người đã dựng lên đế chế Byzantine. Sau khi chinh phục về phía Đông ông nhìn ra được vị thế vô cùng thuận lợi về mọi mặt của eo biển Bosphorus nối liền hai biển Mediterranean và Black Sea, vì thế ông chọn vị trí khu vực này, cho xây dựng một thành phố mới và đặt tên là Constantinople có nghĩa là “thành phố của Constantine.”
Từ đó, Constantinople trở thành điểm giao lưu rất quan trọng cho đế chế Byzantine, không những chỉ hoàn toàn về kinh tế thương mại mà còn là điểm gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Á-Âu.
Đại Đế Constantine đã từng thiên đô từ Rome về “New Rome” Constantinople vào năm 330, mãi cho đến khi đế quốc La Mã chia thành hai, Đông La Mã và Tây La Mã vào cuối thế kỷ thứ 4. Constantinople thành đế đô của Đông La Mã và trôi nổi theo lịch sử suốt từ ngày đó. Đến năm 1453 dưới sự bành trướng và thống trị của đế chế Ottoman, Constantinople được đổi tên thành Istanbul. Phần xác là tên gọi thành phố là “Istanbul” nhưng phần hồn vẫn là “Constantinople” nằm đâu đó trong lòng lịch sử nước Thổ.
Nếu có ai hỏi cái gì có thể xem là biểu tượng cho Istanbul, điều gì là biểu tượng cho Thổ Nhĩ Kỳ? Người ta nói ngay đến đền thờ Blue Mosque hay là nhà thờ cổ Hagia Sophia! Có lẽ cả hai đều được xem là những biểu tượng ngày nay của Istanbul nói riêng và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ nói chung.
Trước hết nói sơ qua về Hagia Sophia Church, tôi cho rằng đây là một di tích bảo tàng vô cùng thích thú khi đến thăm nơi này. Đây là ngôi nhà thờ hoàn tất vào năm 537, được xem như ngôi nhà thờ Thiên Chúa Giáo lớn nhất cả ngàn năm và trở thành một biểu tượng thần thánh hào quang của đế quốc Byzantine. Với kiến trúc khác hẳn các ngôi nhà thờ khác bên phía Tây Âu Châu, Hagia Sophia đã trở thành một biểu tượng cho kiến trúc Byzantine nhờ vào mái vòm cao rộng, các cánh cửa gạch hình vòng cung và màu sắc riêng biệt. Năm 1452 Đức Hồng Y Isidore đại diện cho Đức Giáo Hoàng đã cử hành lễ Roman Catholic tại nhà thờ Haghia Sophia.
Từ giữa thế kỷ 15 đế chế Ottoman thay thế đế chế Byzantine, nhà thờ Haghia Sophia được biến đổi thành đền thờ Hồi Giáo trong một thời gian dài cho đến khi đền thờ Ottoman Mosque hoàn thành và thay thế cho Haghia Sophia. Họ đã cho xây thêm bên ngoài bốn tháp minaret cao để trông như là đền thờ Hồi Giáo. Phần bên trong những thủ pháp ngôn ngữ Ả Rập viết trên vách có dáng “rồng bay phượng múa” rất đẹp, không thua kém thủ pháp Hán tự Trung Hoa.
Tuy nhiên, người Hồi Giáo đã không hoàn toàn phá hủy được những kiến trúc và hình ảnh tôn thờ Chúa và Đức Mẹ. Du khách vẫn còn nhìn thấy những hình ảnh và vết tích của Thiên Chúa Giáo vẫn còn lưu lại trong ngôi nhà thờ cổ xưa này.
Ngày nay Haghia Sophia trờ thành một “bảo tàng viện lộ thiên” về tôn giáo của Istanbul. Một chút ngậm ngùi nhớ về lịch sử đã qua, Haghia Sophia là điểm cho tôi thấy được sự thẩm thấu giữa hai tên Constantinople (của Orthodox) và Istanbul (của Islam). Trong suốt thời gian trị vì của đế chế Ottoman, lúc thăng lúc trầm, đã có một thời nước Nga chiếm đóng Istanbul. Nga Hoàng đã đặt tên cho cung điện của mình tại St. Petersburg là Constantinople Palace, phải chăng người Nga thích thú với tên Constantinople hơn là Istanbul.
Còn đền thờ Blue Mosque được xây dựng dưới thời đế chế Ottoman, một đế chế có niềm tin vào Hồi Giáo và có lúc trải dài biên giới suốt từ phía Tây của Âu Châu đến các xứ vùng Balkan. Đây là một đế chế kéo dài gần 500 năm trên các vùng lãnh thổ Á Âu, trải qua 38 ngôi vua (Sultan). Kiến trúc của Blue Mosque ảnh hưởng rất nhiều từ kiến trúc Ả Rập, Ba Tư và được xem là một trong những kiến trúc đẹp nhất trong các ngôi đền thờ Hồi Giáo. Blue Mosque chỉ nhường bước trước ngôi đền thờ thánh địa chính Holy Mosque tại Mecca, Saudi Arabia mà thôi.
Đền thờ đã được xây dựng trên vị trí của cung điện của đế chế Byzantine, nằm đối diện với nhà thờ Hagia Sophia và được hoàn tất năm 1616 dưới triều Sultan Ahmed I. Sở dĩ được gọi là Blue Mosque là vì tường bên trong đền thờ được trang trí bằng các viên gạch men blue nhạt và từ đó người ta biết đến tên Blue Mosque nhiều hơn là cái tên chính của nó: Sultan Ahmed Mosque.
Cách trang trí bên trong mosque rất đẹp và trang nghiêm. Chỉ mới nhìn thoáng qua thì tưởng là thiết kế đơn sơ, nhưng khi xem kỹ lại thì những họa tiết không đơn giản chút nào. Hồi Giáo không tin vào hình tượng nên bên trong không có trang trí cung thánh bằng hình tượng. Tuy vậy, không gian đền thờ vẫn cho mình cảm nhận được niềm tin thiêng liêng của người Hồi Giáo, hướng điện thờ lúc nào cũng được thiết kế quay đúng về hướng thánh địa Mecca.
Bên ngoài Blue Mosque ngoài các mái vòm màu xám nhạt lớn nhỏ nằm sát nhau còn có sáu cột tháp cao chung quanh sân đền. Đây là một đền thờ Hồi Giáo duy nhất tại Istanbul có sáu cột tháp minarets. Người ta không dám xây cột tháp thứ bảy vì không dám vượt qua đền thờ thánh địa Mecca vì chỉ ở đây mới có đến 7-8 tháp minarets. Đế chế Ottoman dù có rộng lớn mạnh mẽ đến đâu nhưng vẫn phải qui phục một điểm Mecca rất nhỏ.
Nhưng ngoài di tích Haghia Sophia và Blue Mosque, người ta không quên ghé qua thăm quảng trường nhỏ La Mã Hippodrome cổ xưa cạnh đó. Nơi đây còn lưu lại một thạch trụ Obelisk đã được Đại Đế Theodosiuos đem từ Ai Cập về dựng tại đây vào cuối thế kỷ thứ 4. Thạch trụ đã bị gãy đôi nhưng vẫn để đây để hậu thế chiêm ngưỡng một công trình nghệ thuật của người Ai Cập.
Istanbul không chỉ có đền thờ mà còn có hoàng cung Topkapi Palace bên ngã ba eo biển Bosphorus và Golden Horn với không gian rất đẹp. Bây giờ Topkapi Palace trở thành viện bảo tàng với viên ngọc 80 carat nổi tiếng trên thế giới. Ngoài ra con phố Taksim cổ kính sầm uất hàng quán mua sắm và ngọn tháp cổ Galata như là một tháp canh cho Istanbul. Khu phố chợ Grand Bazaar nơi du khách có thể tìm mua bất cứ món hàng đặc sản của Thổ.
Một chút lịch sử thoáng qua về Consantinople và Istanbul sẽ làm du khách dễ dàng thưởng ngoạn hơn khi đến thành phố này. Trong số các nước mà đa số dân theo Hồi Giáo, có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ là một đất nước mà tôi cho là ôn hòa và có một nền dân trí cao. Ngươì dân Thổ mang ơn ông Mustafa Kemal, người đã tạo dựng ra nước Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Republic) vào năm 1923, người đã đủ uy tín và can đảm tách thần quyền Hồi Giáo ra khỏi chính quyền, luật pháp công lý thay thế kinh Koran, người đã tạo ra thế đứng vững vàng cho nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
Trần Nguyên Thắng
ATNT Tours & Travel