có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 8 09, 2022

Trong Lòng Bàn Tay




Chúng tôi bước chân vào tiệm cà phê lúc bấy giờ đã khuya, những bàn ghế cô đơn nằm im từng góc. Người đàn bà mặc áo đen trở ra, tôi gọi hai café phin. Tôi châm thêm điếu thuốc, những điếu thuốc cháy suốt buổi chiều làm tay tôi ám khói vàng ệch - và lưỡi hơi rát, nhưng tôi vẫn còn muốn được châm tiếp. Tôi và Thu ngồi đối diện với nhau. Tiệm nước buồn hẳn xuống những khoảng tối, trời khuya nằm gọn một vùng ngoại ô. Tiếng chân ngựa của mấy chuyến xe trống khách uể oải gõ gót trên mặt đường nhựa. Tôi nghe rõ từng bước chân ngắn. Tiếng ho khô của người đứng tuổi nào vọng lên rồi lịm đi. Ánh điện mờ không đủ cho tôi nhìn mắt Thu. Chúng tôi cúi xuống nhìn mặt bàn. Thu im lặng. Tôi muốn được cất tiếng nói nhưng không khí nặng nề mệt mỏi làm tôi không sao thốt ra được.

Từ ngày tôi rời khỏi nhà người chị họ về ở với Thu đến nay chưa bao giờ chúng tôi khó nói với nhau bằng những ngày này. Bây giờ đầu mùa đông rồi đấy. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sắp rời nhau. Căn nhà thuê trống trải, người chủ đang thôi thúc tiền tháng này chúng tôi còn chịu lại - chúng tôi cũng chưa biết tìm đâu ra để trả - và như thế chúng tôi chỉ chờ họ vứt bỏ đồ đạc ra đường: mấy cuốn sách nát, mấy chiếc quần áo cũ, chiếc bàn đóng lấy bằng ván thông ọp ẹp. Chả còn gì để họ có thể trừ nợ được. Chúng tôi có thể bỏ lại tất cả rồi đi tay không không tiếc rẻ gì - nợ nần kéo níu. Bữa no bữa đói trong những bữa cơm đầu ngõ - nghĩ về tương lai thì không dám nghĩ đến ngày thứ năm thứ sáu.

Đời sống như thế tôi đã bị ruồng ra tìm những ràng buộc khác.


Ngồi trong quán cà phê buổi tối tôi muốn nói với Thu một vài điều về những ràng buộc.
- Chẳng thể thế này được, mình không đi đâu cả, còn Quyên.

Tôi nói nhỏ cho Thu đủ nghe, nhưng trong quán trống không âm thanh như muốn dập mạnh. Thu hút một hơi thuốc dài thở đầy vào mặt tôi một cách bất ngờ. Khói thuốc cay xè làm tôi chảy nước mắt ràn rụa. Thu ngửng lên nhìn ra ngoài đường bảo tôi:

– Cậu hãy quên nó đi. Nó là em mình mình phải có trách nhiệm về nó.

– Quên?

– Coi nó như một kẻ qua đường... một thứ dĩ vãng thì hơn...

Tôi nhìn ra ngoài đường: bên kia quán chỉ có một người đàn bà mặc áo đen đi qua dáng buồn thảm – tôi nghĩ đó là một thiếu phụ - với buổi tối này về hình ảnh người qua đường tình cờ ấy khó làm tôi quên. Tôi sẽ nhớ mãi nữa là khác. Cũng như Quyên - dù đó là sự tình cờ tôi đã yêu thì cũng không thể nào gột rửa những kỷ niệm, hình ảnh của nàng trong tôi nữa – tôi lấy muỗng cà phê viết tên Quyên trên mặt bàn tôi cúi nhìn, nhỏ giọt nước mắt chảy xuống đó:

– Chắc mình không quên được - chúng ta có những đời sống riêng mà sự tình cờ đến đời sống đã tạo ra - và tôi giữ gìn nó.

Thu nhìn thẳng vào tôi:

-... rồi tương lai.

– Thì mình nhìn đây...

- Đừng nhìn xa - mình muốn cậu nhìn xuống lòng bàn tay xem sao. Không thể phiêu lưu vào một thứ tương lai vẽ vời được... hãy nhìn cho kỹ...

Tôi bần thần nhìn vào ly cà phê đen và soi thấy khuôn mặt mình hốc hác và buồn thảm im lìm dưới đó. Tôi khua động lên nhưng sau mỗi lần dừng lại tôi vẫn thấy tôi hiện ra thiểu não, tôi muốn quát lớn và đập vỡ ly cà phê cho hết cáu giận. Thu yêu cầu được nghe một bản nhạc - không khí vây phủ cất lên như từ trong lòng đất tối sâu đen não nuột tiếng nghẹn ngào, khắc khoải. Tiếng khóc lần và tiếng hát trườn lên. Let me go let me go let me go lower - Tôi cúi xuống nhìn vào lòng tay mình. Dưới ánh đèn vàng bệnh hoạn những ngón tay khô gầy ám khói - Trong lòng bàn tay ẩm ướt mồ hôi những đường gân nổi lên nhằng nhịt những móng tay dài nhỏ yếu, tôi soi tay lên nhìn qua những khe hở giữa các ngón. Cả bàn tay khô gầy như một cành cây già nua, cằn cỗi. Thu bảo tôi nhìn vào lòng bàn tay. Trong lòng bàn tay tôi nào có gì...

*

Khi tên Thu được gọi đến tôi chỉ kịp đưa cho anh điếu thuốc dở ở tay - tôi lựa lấy chiếc xe đạp. Thu lách minh vào khỏi cửa sắt. Người ta bắt đầu xem giấy tờ. Anh là người cuối cùng trong toán người buổi sáng hôm ấy. Hai đứa đều làm thinh, không nói với nhau nửa lời. Trong số những người đứng ở ngoài có hai bà cụ già, một người con gái và tôi. Hai bà cụ chắc là mẹ của người nào, và người con gái là em của một người nào. Vì trong số những người ra đi hôm nay tôi nhìn rõ mặt họ - họ không thể có người yêu - hay ví thử có chắc họ cũng dấu chuyện họ đi - Và nhất nữa người con gái ấy không khóc. Tôi nghĩ người yêu chỉ là người để khóc cho mình. Tôi là một người bạn của Thu. Và là người bạn độc nhất của họ ra tiễn họ – đưa họ.

Đoàn người được điểm danh, xếp hàng rồi được dẫn đi, có ba người trở ra đứng ở cửa sắt vẫy tay từ giã. Nhưng Thu đứng vào hàng rồi theo đoàn người bước đi không ngoảnh lại. Tôi dơ tay vẫy và không ai nhìn thấy. Hai người mẹ già khóc nước mắt chảy trên gò má. Tôi muốn được làm con một người mẹ nuôi.

Người con gái đứng lại cho tới khi có toán người ở phía trong hàng rào trở ra buông lời trêu ghẹo mới trở gót. Tôi dắt chiếc xe đạp ra theo. Có lẽ Thu đã quên, tôi không biết đi xe đạp - bây giờ tôi phải dắt xe ấy về.

Cách đây hơn một tuần Thu nói với tôi ý định ra đi. Thôi không tỏ thái độ tôi không muốn đồng ý hay trái ý như tôi vẫn thường nghĩ - đối với bạn bè chúng ta hoàn toàn tự do - và như thế sự lựa chọn không bao giờ liên can với nhau. Tôi kể cho Thu nghe chuyện năm trước cũng vào độ này Long đi. Long đã bảo Hoài:

– Ít nhất đi tao cũng được ăn mỗi ngày hai bữa cơm, buổi sáng một mẩu bánh mì với quả chuối và có quần áo để mặc và để được thấy rằng được sử dụng một ngày tự do là quý.

Chuyện Long mãi về sau tôi mới biết, đó là lần tôi vào thăm nhà cũ của mẹ Long ở bên Phát Diệm và đọc thấy giòng chữ: Nhà này bán.

Mẹ Long bỏ đi Lào với em Phụng và chị Ngọ. Lần bác đi Long ra tiễn ở phi trường muốn nói một lời nhưng cửa kính một sớm mai nhiều hơi nước giữ cả lại và Long khóc.

Đến năm nay Long đi rồi tôi được đọc một lá thư ở Vientiane gửi về với lời khuyên: “con hãy cố bớt chắt để có tiền mua xổ số và biết đâu lại không trúng một lô độc đắc để mẹ con mình được sum họp với nhau” - bữa ấy Long cho tôi uống bia - tôi chỉ nhìn thấy bọt bia trào trên miệng ly còn dồn lại sau mỗi lần tôi nâng ly lên - nhưng bia thì chỉ có thể đầy bụng mà không say bao giờ.

Bây giờ Thu lại đi nữa. Tôi đi với Thu một đêm ở bến tàu, chúng tôi không có lấy một đồng trong túi. Không có lấy một điếu thuốc hút. Chúng tôi đi loanh quanh trên khoảng bến ấy. Tôi có gặp một cặp tình nhân cầm tay nhau đi im lặng, tôi bảo Thu:

- Tôi vẫn có ước vọng ấy.

- Sợ rồi nó sẽ tầm thường quá thôi có gì đâu. Tôi không nghĩ đó là một ước vọng.

– Nhưng trong thâm tâm tôi đau đớn mỗi lần như thế. Sao mình không cầm lấy tay người yêu một lần mà đi trong một con đường nhiều bóng cây, có thể rằng ước vọng bé nhỏ – nhưng mong cho một điều bé nhỏ vẫn còn khó khăn.

Chúng tôi ngồi ở một tấm ghế đá nhìn những con chuột chạy kiếm ăn trên lần xi măng đen. Nước thủy triều rút xuống phơi ra dưới ánh đèn những thân cột cầu tàu đen bẩn từng ngấn, và rác rưởi bám đầy. Những thân cột đèn buồn và ánh đèn xa gợi về những thành phố cũ. Thu không nói gì. Tôi ngồi kể chuyện ngày xưa cha tôi đi qua u-Châu đánh tụi Phát-xít Đức rồi bỏ mình ở bên đó và có lẽ lúc đi người đã từ bến tàu này ra khơi. Tiếng máy ở bên hãng Caric dội lên từng hồi. Tôi cũng muốn làm một chân thủy thủ trong một chuyến tàu rời bến đêm nay. Tôi sẽ hát bài hát mẹ tôi dạy khi người còn sống – ông giăng mà lấy cô sao, bao giờ cô cưới cho tôi miếng giầu. Có cưới thì cưới bằng trâu, chớ cưới bằng lợn cô dâu không về. Dâu về dâu ăn dâu chơi. Dâu đi gánh nước bằng sọt chẳng rơi hạt nào... Hát bài hát ấy với đủ giọng, rồi mỗi lần tàu đến một hải cảng nào tôi sẽ dừng lại, với số tiền mình có sẽ uống rượu. Rượu ở xa như thế chắc ngon và say lắm. Say rồi có thể nôn mửa, có thể chết ngất.

Nhưng có lẽ đêm nay không có tàu nào ra khơi cả, nước thủy triều xuống như thế kia thì tàu đến mắc cạn chứ nói gì - và tôi vẫn không là thủy thủ được.

Tôi ngả đầu lên vai Thu - Quyên ơi! Anh muốn được ngả đầu lên vai em mà ngủ một lần, đôi vai mảnh yếu mà cuộc đời phả xuống chúng ta. Anh muốn khóc nhưng anh thừa biết nước mắt chả làm tan đi được gì - mờ đi được gì – mất đi được gì - nước mắt chả bao giờ đầy được đôi mắt khi đã khoét đi những gì chứa trong đôi mắt ấy, khi ròi bọ đã khoét đi cả sự chung thủy rồi có biết thế không em?

Chúng tôi ngồi tới khuya và chẳng trở về nên đành ngồi lại đến khi trăng lặn, khi nước thủy triều bắt đầu lên tôi nghe thấy tiếng còi tàu, tôi bảo Thu:

- Tàu của hãng Năm Sao ra khơi đấy.

Chúng tôi trở về Bưu-điện. Văn mua cho chúng tôi mỗi đứa một ổ bánh mì jambon giá 5$. Ngồi dưới chân tượng đức mẹ tôi nhai và nghe rõ ràng những miếng dưa leo ròn tan trong miệng. Văn nói:

- Có một lần ngồi dưới chân bệ này, mình làm dấu và cầu nguyện thì thấy tâm hồn bình yên lắm.

- Bây giờ có Đức Mẹ mình cũng muốn được bình yên.

Thu làm dấu rồi quỳ xuống. Lúc ấy cũng có một người đàn bà mặc áo đen quỳ ở mé bên kia, tôi định bảo: giá như đức mẹ mầu nhiệm cho hai kẻ quỳ dưới chân này lấy nhau - nhưng tôi lại nói:

– Tôi không có hy vọng như thế.

Lúc hồi chuông sớm reo lên báo lễ đầu, tôi thấy đau đớn âm thầm. Thu bỏ về. Tôi đi với Văn qua công viên gặp người đàn bà chải tóc trên phiến ghế đá, mặt nhem nhuốc, tôi nói cho Văn nghe:

- Thu nó lại đi nữa rồi.

Chờ đến sáng hôm nay, khi cánh cổng sắt khóa lại, khi toán người phía sau hàng rào trở ra buông lời trêu ghẹo người con gái, khi tôi dắt chiếc xe đạp quay về tôi chắc chắn rằng: Thu đã đi thật và cũng như Long.

Trời buổi sáng rỗng không. Mây xám đùn trên bầu trời, mùa me chín làm những cảnh lá khô dát khắp mặt đường nhựa. Có lẽ cũng sắp sang mùa mưa.

Tôi muốn được bước lên dấu chân người con gái đi phía trước để thấy chân mình to hay nhỏ, nhưng thân guốc cùn không để lại dấu gì trên lần vỉa hè xi măng khô cứng lầm lũi.

Tôi trở về căn nhà trống trơn thêm một lần. Thu đã đi thật rồi – cũng như từ đây tôi không còn lý do để đến gặp Quyên nữa. Tôi bỏ trọn lại, chỉ có trong người một bộ quần áo, tôi dành tới buổi tối đi qua nhà Quyên hai lần trước khi rời đi.

Tôi bỏ về nằm bám vào một người bạn cũ. Căn nhà nhìn ra một nghĩa địa mà phía trong là một trường học ngày ngày ngồi nhìn những đứa trẻ cắp sách, miệng hát vui tươi đi bên những ngôi mộ nằm cô đơn lầm lũi. Buổi tối tôi xòe bàn tay nhiều lần nhìn vào đấy. Có gì đâu ngoài sự trống trơn...

Bàn tay ấy đã lâu rồi tôi chẳng nhìn đến, tôi chỉ nhớ mỗi một điều duy nhất về bàn tay này - bàn tay một lần đã nắm được tay người yêu - bây giờ mỗi đêm nhìn đến tôi chỉ thấy những tủi hờn. Tôi quên bàn tay khô buồn đã ngửa ra bao nhiêu lần để xin sự bố thí mà nuôi thân thể lớn lên, bàn tay ấy những túi buồn thơ ấu bây giờ tôi mới nhớ lại. Nó chưa mùa xuân nào được một đồng tiền mừng tuổi - mà chỉ là sự bố thí dè bỉu. Nó đã nắm lấy bao nhiêu lần những thành xe tàu để rời đi lén lút.

Bây giờ tôi mới thấy rằng nhìn vào đấy tôi chả nhìn thấy gì về tương lai. Bố mẹ tôi chết từ bao giờ? Họ hàng tôi có những ai?

Thu đã lại đi như Long năm trước, người tôi muốn cầu xin đến thì Thu ơi! anh bảo tôi quên đi nhưng tôi làm sao quên. Lòng bàn tay tôi đây chắc chả còn hy vọng nắm lấy bàn tay nào một lần nữa – bây giờ chỉ tay mình nắm lấy tay mình.

Bàn tay trống trơn khô gầy dù úp lên mặt cũng không đủ kín dù úp lên để khóc cho lòng bàn tay được ấm và đỡ tủi buồn, nhưng bàn tay có nghe thấy gì đâu - cả ngay tiếng khóc nghẹn ngào cất lên. Quyên ơi? Anh biết rằng bàn tay này chẳng còn có hy vọng cầm lấy em một lần rồi chết đi. Và bàn tay khô buồn này chắc cũng không còn đủ sức để tự vuốt lấy mắt mình nữa

*

Thu và Long trở về tìm tôi vào một đêm trăng sáng, chúng tôi trải chiếu xuống mặt đất một khoảng trống trong nghĩa địa chung quanh những lá cây xanh, bóng đêm bí mật âm thầm. Cả hai đứa nói đến một đời sống. Những doanh trại, đồn lũy, lô cốt, thông hào. Chúng tôi tâm sự với nhau. Chúng tôi nói bao nhiêu điều. Chúng tôi gần giống nhau. Chúng tôi là những đứa mồ côi - ngoài ba đứa ra chúng tôi chẳng còn gì. Long rơm rớm nước mắt bảo:

- Thật không gì đau đớn cho bằng mình có mẹ có em mà lại không được sống bên những người thân yêu ấy.

Thu mê mẩn cây nhị hồ trên tay chỉ nói mơ hồ như một cơn mộng mị:

- Làm sao?

Tôi muốn nói, mà lại chẳng dám nói ra.

- Sao lại chẳng còn một người yêu nào chịu để cho mình cầm lấy bàn tay.

Nửa đêm mệt mỏi. Tôi thức giấc trong một giấc ngủ chập chờn nói với hai đứa:

- Hãy kể một chuyện tình cho nhau nghe được không?

Chúng tôi không có tất cả. Chúng tôi chẳng có hơi một chút gì vui tươi êm ấm để kể cho nhau nghe mà tiếc thương về một thời dĩ vãng thần thánh. Hoặc đã sống lên trong nhà dục anh, giữa vòng tay những bà sơ lạnh buồn dưới chân chúa. Hoặc giữa sự ghẻ lạnh của cô dì chú bác họ hàng và đời sống buông trôi chẳng ai hỏi han săn đón.

Trong đời sống chúng tôi cũng đã thầm yêu những người con gái đi qua đời mình một lần. Nhưng những hình bóng ấy chưa đủ cho chúng tôi viết trọn một lá thư trên tờ giấy xanh. Cầm bút trên tay tôi chưa bao giờ viết nổi một câu chuyện tình cho dù câu chuyện tình đầy sự hắt hủi đớn đau, trong tôi chỉ là những mẩu tâm sự hoài hoài không hết - nhưng làm sao được khi tôi chỉ có trong mình những ngày thơ ấu đau buồn - gần 10 năm trời tiếng súng thôi thúc trong mạch máu, lời thét la rức nhói và khói lửa bưng bít trời xanh - và sau nữa khoảng bốn năm luân lưu qua những thị trấn lạ mặt chúng tôi chỉ mới sống như thế nên không thể nào làm khác đi cho được, và vẫn chẳng thể viết nổi một câu chuyện tình dù là một câu chuyện tưởng tượng, giả tạo để lừa dối mình.

Cũng có nhiều đêm nằm với nhau chúng tôi kể những chuyện cổ tích, thần thoại rồi ôm lấy nhau nửa cười nửa khóc cho âm thanh vui một chút đêm tối và sự bưng bít.

Đêm xuống rất khuya. Chúng tôi nằm bên những người đã chết trong nghĩa địa. Long nằm gối đầu vào tay tôi. Thu vê day cây nhị hồ - những âm thanh tấm tức, tức tưởi, sầu thảm, u uất, nghẹn ngào trườn lên bực dọc quằn quại - và tới chờn vờn vào một giấc mơ.

*

- Thưa người là ai?

- Tôi không là ai.

- Người từ đâu đến?

- Có can hệ gì đâu?

- Sao người than van sầu thảm làm vậy. Tôi vốn không ưa tâm sự. Sự than van chẳng cần thiết gì...

- Nhưng vốn tôi ưa tâm sự, ưa than van. Muốn có một người ngồi trước mặt mình. Anh ghét tâm sự ắt hẳn người có quá nhiều tâm sự rồi chăng?

- Tôi chẳng có chút gì – chẳng có gì để nhớ. Có gì để nhớ đâu?

- Người nói dối chăng? Nhưng nếu người sống giữa một khoảng trống không có tâm sự thì người sống làm sao. Thiếp có tâm sự và muốn được giãi bày - người hãy thử ngồi lại cùng tôi một chút. Gặp nhau đây rồi còn gặp nhau nữa không. Có lẽ chúng ta không dám hẹn hò gì nhiều về tương lai. Tôi nghĩ rằng người có tâm sự mà không kể cùng ai. Thời thơ ấu, thuở hoa niên - những kỷ niệm về cha mẹ, anh em - về bạn hữu.. Chúng ta hãy thử nhìn sang bên kia đường. Người có thấy chăng một cậu bé con đang nô đùa bên mẹ nó – cậu bé nhảy và hát. Đôi miệng xinh tươi, triền môi dịu ngọt - đôi mắt ngây thơ của trẻ dại đang nhìn vào cuộc đời mong lớn – cậu bé đang nũng nịu gọi: mẹ ơi...

– Tôi nào có thấy đứa bé nô đùa bên mẹ nó. Tôi chỉ nhìn thấy một đứa trẻ đi vất vưởng buồn nản môi thâm bặm chặt để khỏi cất lên tiếng khóc, đôi mắt ngầu đỏ. Nó thấy cuộc đời lớn lên vượt khỏi tầm tay nó. Cậu bé chẳng biết bố mẹ thế nào nên chẳng thể gọi tên để thấy mình còn được gọi tên.

- Trời xanh lắm không anh?

- Trời ngầu đỏ cần đục và như cơn giông bão sắp về.

- Cây cối xanh tươi làm sao?

- Những cành khô quờ quạng như muôn cánh tay hối lỗi - già nua đầy đau đớn.

- Anh hãy nhìn vào vườn hoa đẹp đẽ kia - muôn hoa đua nở, cành lá xanh tươi, hương thơm tỏa ngát. Anh có thấy không một cặp tình nhân đang cùng nhau tâm sự, mặt nhìn mặt, tay cầm tay, nói với nhau những lời dịu ngọt hứa hẹn về một tương lai hạnh phúc xum họp.

- Nhưng tôi chỉ thấy kia là một sa mạc bao la, gió cát bay mù tàn nhẫn. Ở đó có một kẻ đang ngồi một mình - nghĩ một mình – nói một mình, nghe một mình và tay mình sờ soạng lấy tay mình. Nhìn vào lòng bàn tay hoài hoài những ý nghĩ về tương lai.

- Này chiếc hoa màu hồng.

– Màu tím đấy thôi.

- Có nghe chăng tiếng hát.

- Tôi nghe tiếng người rên khóc, tiếng thở dài – mà như...

- Kìa trong đám hội vui vầy của tuổi trẻ anh có thấy bóng ai quen thuộc đang chung vui kia không?

- Tôi thấy hắn lủi thủi một mình

- Dĩ vãng người đẹp bao nhiêu với những hình ảnh ấy.

- Không. Tôi thấy chả có gì - chả có gì để than van tâm sự như người.

- Sao người than van sầu thảm làm vậy - Người là gì?

- Tôi là gì?

- Người là đứa con côi. Kẻ thất tình vì bị phụ bạc, Người sống lạc loài trong xã hội không ai đoái thương.

- Không.

- Người là hiện thân của kiếp tôi đòi, bị áp bức tước đoạt. Tổ quốc bị nô lệ đè nén. Cha mẹ, anh em họ hàng người bị đày ải khổ cực. Nơi những cường bạo lấn áp nhân đạo. Sự bố thí nhục nhã. Nơi con người sống như thú vật. Vai người chất đầy xiềng xích. Thân người đeo nặng cùm gông, bóng tối ngục tù - người là tất cả sự bất mãn của thế giới này... Sao người kêu chi buồn thảm làm vậy tôi còn biết làm sao mà chia sẻ...

- Tôi có là gì đâu nhưng...

- Người ham mê cách mạng? người muốn vùng lên ư? ôi tâm sự người là gì – là gì?

- Tôi không là gì nhưng tôi có tất cả tâm sự của người nghĩ đến - và còn nữa...

- Người là tiếng khóc/?
– Không!

- Người là câu cười?

- Không!

- Người là lời hẹn hò?

– Không!

- Người là lời từ biệt.

- Tôi đã khóc, đã cười, đã hẹn hò, đã từ biệt - nhưng hỡi người cái gì làm cho người thấy người?

- Tôi biết thân phận tôi lắm.

- Còn gì nữa?

- Và có tâm sự...

- Tôi biết người có nhiều kỷ niệm. Cha mẹ anh em họ hàng, làng xóm, đất nước quê hương, nhân loại... hãy nhớ mà gợi ra những thân thiết của con người. À còn thượng đế nữa.

– Tôi không tin.

– Ở trên đầu người.

- Không!

– Sao người quỳ gối? ở trên tay người?

– Thì tôi đã…

- Thật khốn nạn cho thân phận người. Hãy hát đi cho tôi nghe.

- Nhưng miệng không phải để hát.

- Thì cười?

- Miệng không phải để cười.

- Tôi muốn đốt lò than hồng trên miệng ấy.

- Tôi muốn được than van.

- Hãy im lặng.

- Nhưng làm sao để biết tôi còn sống?

– Tên người?

- Tên tôi là gì ư?

- Hãy gọi lên.

– Hư Vô.

– Còn người?

- Tôi là lời tâm sự đời đời. Các người vẫn tưởng mình can đảm không cần than van, kêu khóc. Sao đời người giả dối đến thế!

- Thôi cũng được để tôi than van - người đã biết thế chưa?

- Tôi biết thân phận tôi lắm.

– Tù tội ư?

– Không.

- Người hoàn toàn tự do.

- Tôi muốn nhìn xem người là ai?

– Hãy nhìn cho rõ.

- Kia người... kia nàng... tôi muốn uống máu, ăn thịt nàng.

- Tôi thừa hiểu.

– Mãn nguyện chưa?

- Biết đến bao giờ?

- Hãy nói tên một lần

– Không.

- Tôi yêu nàng.

- Đã bao người nói thế.

- Tôi yêu nàng tha thiết. Xin quỳ dưới chân dâng trọn đời người.

– Này hãy nhìn cho rõ...

- Kia loài quỷ dữ, loài quỷ dữ, loài yêu tinh. Hỡi LOÀI NGƯỜI cho tôi quyền lực, cho tôi thần thánh để tôi uống máu quân khốn nạn – và tôi mãn nguyện, vô cùng mãn nguyện.

- Thiếp là…

- Than van niềm tâm sự.

- Thiếp là thiếu phụ.

– Là thiếu phụ?

– Vâng là thiếu phụ.

*

Trăng mười sáu buồn rũ một vùng nghĩa trang, tiếng nhị hồ còn như thầm thì trên từng đầu mộ ướp trên cỏ xanh tâm sự với người sống, người chết. Thu bỏ cây nhị hồ xuống chiếu rồi đứng lên. Long ngồi ở một góc. Chúng nó đã bỏ trại trở ra tìm tôi. Cái ngày mai chúng tôi sẽ tới đây ra làm sao? Thân phận chúng tôi là một qui định khắc nghiệt ư? với hai bàn tay - hai cánh củi khô gầy này chúng tôi mang ra đời sống với lòng kiêu hãnh rồi chúng tôi làm gì? Từ giã thiếu phụ - này hỡi xuân nữ tôi hiểu rằng tay tôi chỉ ôm qua lưng người nhưng có ôm được gì đâu...?.

- Quyên ơi! Anh tự cho rằng anh không hề có tội lỗi, chưa quỳ dưới chân ai một lần. Cửa vào địa ngục không biết, đường lên thiên đường không hay. Em hãy cho anh tội lỗi để đôi mắt được mù lòa. Vì anh yêu em nên không thể tự tay chọc thủng đôi mắt mà Chúa đã ban cho – như thế anh không phải nhìn vào lòng bàn tay...


Dương Nghiễm Mậu
(Văn Nghệ số 1, tháng 2/1961)
* Ký họa: Ngọc Dũng