Ngày hôm qua anh ghé Hương Xưa, một mình…
Lúc đó vào buổi chiều, quán khá vắng. Người khách đứng tuổi mà anh lễ độ xin phép ngồi chung chắc phải ngạc nhiên lắm vì chiếc bàn bên cạnh vẫn chưa có ai chiếm ngụ. Tất nhiên là ông ta không biết rằng lần đầu tiên đưa em đến Hương Xưa, chúng ta đã chọn ngồi ở chính chiếc bàn này. Hôm đó cũng khoảng giờ này, những tia nắng mùa Hè làm lấp lánh chiếc muỗng kim loại đang khuấy động nhè nhẹ ly nước trái cây màu sữa trước mặt em. Em ngồi yên lặng nghe anh kể lại một câu truyện anh đọc được trong một tạp chí văn chương về cái anh chàng ngờ nghệch “trúng số độc đắc đã lâu mà không chịu lãnh!” Lúc chúng ta rời đi, em khen cô gái trong truyện đã nói một câu thực là dí dỏm. Dí dỏm cỡ em là cùng, anh đã nghĩ như vậy!
Người khách ngồi chung bàn vừa bỏ đi. Anh nhìn theo dáng đi chậm rãi pha lẫn chút cam chịu của ông ta và tự hỏi không biết ông ta sẽ đi về đâu, có điều gì đang chờ đợi ông ở cái nơi ông sẽ đến. Chắc là phải có chứ, chỉ có điều không biết là vui hay buồn mà thôi! Riêng anh thì anh biết rõ điều gì đang chờ đợi mình trên đường về: cái khoảng trống mênh mông của trời đất cộng thêm cái khoảng trống mênh mông trong lòng!
Sáng nay trên đường đi xuống đây, anh gặp lại những ngọn đồi, cỏ xanh mướt. Anh vẫn tiếc mãi em đã không đến được với anh vào mùa Xuân, những ngọn đồi cỏ non sẽ vàng rực lên ở những nơi hoa poppy nở rộ. Anh sẽ rẽ vào con đường nhỏ cạnh xa lộ và ngừng xe cạnh chân đồi lại để ghi lại hình ảnh của em với đồi xanh và hoa vàng làm hậu cảnh. Anh sẽ cẩn thận để không làm hỏng chúng như lần trước, khi chúng ta ghé lại chỗ mấy cái wind farms nằm dọc con đường quanh co giữa vùng sa mạc bỏng cháy dẫn về nơi anh ở. Rồi chúng ta sẽ cùng ngồi xuống trên đám cỏ non, và anh sẽ kể cho em về một chuyện tình anh chưa hề kể cho ai nghe bao giờ.
Vào lúc chuyện bắt đầu, anh còn trẻ lắm. Lúc đó anh đang nằm điều trị ở quân y viện Cộng Hòa. Người ta đang cố gắng chữa cái chân gẫy nát của anh bằng cách hành hạ nó đủ điều, và anh đau đớn đến nỗi cứ van xin họ cắt nó liệng đi cho rồi. Cũng may mà họ không thèm nghe lời anh! Anh nằm chịu trận trên chiếc giường sắt, chân mang khúc bột cứng đờ, tay cắm đầy những mũi kim to tướng nối liền với những ống nhựa lòng thòng, bất lực và tuyệt vọng chờ đợi những cơn đau khủng khiếp sẽ đến với mình ngày hai lần, sáng và chiều, khi những người y tá đến rửa và thay băng cho vết thương. Ngoài việc nằm dài ra đó để nguyền rủa những cơn đau nhức, anh chỉ có mỗi một việc để giết thì giờ, đánh cờ tướng. Anh có những đối thủ rất đáng gờm, từ hình dạng cho đến tên tuổi. Một tên có tước hiệu Độc Nhãn Hắc Thần, đen trùi trũi và chỉ có một mắt. Điều làm anh ngại nhất ở hắn không phải là ngón pháo đầu dồn dập khi hắn ra quân mà chính là vì hắn cứ thỉnh thoảng móc con mắt trái bằng đá ra lau chùi ngắm nghía như của gia bảo, cái hốc mắt sâu hoắm đỏ bầm nhìn anh chế diễu trông gớm chết. Còn nhiều biệt hiệu quái đản khác nữa cho những người bạn cờ kỳ dị của anh, những thằng lính trẻ sứt tay gãy gọng tụ họp ở đây sau khi bị đốn gục trên một chiến trường lửa đạn nào đó, anh không làm sao nhớ hết! Nhưng đáng gờm nhất vẫn là Độc Cô Cầu Bại, một ông Thượng Sĩ đứng tuổi không có chân! Ông ngồi bình thản trên chiếc xe lăn cạnh giường bệnh của anh, chiếc mền nhà binh màu cứt ngựa phủ kín hai khúc đùi cụt, khoan thai tấn công anh bằng những nước cờ thâm trầm hiểm ác. Anh thua tối tăm mặt mũi, cho đến một lần hiếm hoi sau đó anh mới có cơ hội để thắng ông. Vậy mà anh đã để cơ hội đó trôi qua một cách đáng tiếc khi nhìn thấy những giọt mồ hôi ứa ra từ chân tóc, những ngón tay sần sùi bứt rứt không yên trên chiếc mền nhà binh, và cặp mắt có những tia máu đỏ li ti trên tròng mắt vàng ệch chỉ còn phát ra những tia nhìn bồn chồn tội nghiệp. Anh nhấc quân cờ, đi một nước… hớ hênh. Độc Cô Cầu Bại lại thắng anh ván đó, và anh không bao giờ có được một cơ hội nào khác. Em thấy không, những năm tháng chiến chinh ngắn ngủi sau lưng vẫn chưa đủ để biến anh thành… người lớn.
Khi đã đủ sức nâng đỡ cơ thể mình bằng cặp nạng, anh thường xin phép về thăm nhà vào mỗi cuối tuần. Chẳng đi đâu được, anh lại tìm người đánh cờ tướng giải khuây. Lần này đối thủ của anh là Thái, một thằng nhóc mười bốn tuổi con của bà hàng xóm. Mẹ của Thái là một người đàn bà rất điệu hạnh. Bà thường qua nhà anh đánh tứ sắc với mấy người đàn bà cùng xóm, có Thái đi theo mang cho bà chiếc gối ôm bằng nhung thực êm “để tựa cho khỏi chai cái khuỷu tay!” Anh chán ngán kéo Thái ra ngoài sân bày bàn cờ. Ở đây lịch sử tái diễn, chỉ có điều người toát mồ hôi là anh chứ không phải thằng nhóc! Tất nhiên là Thái không có ý định nhường anh, nó còn quá trẻ để biết “khiêm tốn” là gì! Chính là cô bé hàng xóm đã giúp anh khỏi bị mất mặt với thằng nhóc. Phượng, tay ôm một bịch bút chì màu, ríu rít chạy đến nơi anh đang ngồi rầu rĩ chờ Thái phá nát cặp “sĩ” của mình. Mặc kệ lời phản đối của anh, Phượng tặng anh một trái tim đỏ lòm có mũi tên nhọn hoắc xuyên qua chính giữa. Trái tim nằm ngay ở phần dễ nhìn thấy nhất của khúc bột thạch cao màu trắng bao bọc chiếc chân gẫy của anh. Chú nhóc Thái thì cứ đờ ra từ lúc cô bé hàng xóm xuất hiện, chẳng màng gì đến cờ pháo nữa. Thế cờ đảo ngược chỉ sau vài nước đi, và anh thắng Thái mấy ván liên tiếp sau đó.
Trong nhiều tháng sau đó, anh tiếp tục đánh cờ tướng giết thì giờ và lặng lẽ quan sát mối tình trẻ thơ của Thái. Chú nhóc là một người thông minh tuấn tú, quá thông minh, quá tuấn tú nữa là đằng khác! Có lần anh nghe bà Tiến, mẹ Thái, than thở “ai cũng nói nó anh hoa phát tiết như vậy sợ lớn lên sẽ khổ!” Anh không tin mấy vào những lời lẽ có tính cách… bói toán như vậy, có điều anh biết chú nhóc đang khổ vì tình. Cô bé hàng xóm hình như chẳng biết gì về mối tình lặng lẽ của chú nhóc, cứ nhất định đeo theo anh đòi vẽ nhăng vẽ cuội. Anh đoán chú nhóc đang mong mình bị tai nạn què tay gẫy chân để được bó bột như anh! Khi vết thương của anh trở nên khá hơn, anh ít lưu tâm đến mối tình con nít này nữa. Anh có những vướng bận riêng của mình, những cô gái xinh đẹp mặc áo dài trắng thướt tha thích được làm … em một chiều dạo phố mùa Xuân, bên người yêu tật nguyền chai đá … (1). Cái thời điểm lãng đãng đó cũng chẳng kéo dài được lâu. Miền Nam lọt vào tay Bắc quân một cách dễ dàng, và sau đó, mọi sự đều trở nên vô cùng khó khăn cho kẻ thua trận. Gia đình Thái ra đi rất sớm, và không lâu sau đó, cô bé Phượng và đứa em trai dắt nhau vượt biên trên một trong những chuyến tàu “bán chính thức” sớm sủa nhất. Anh đã không gặp lại cả hai cho đến rất lâu sau này.
Trong lần đi công tác ở tiểu bang N. anh có dịp gặp lại Thái. Anh đến vào buổi chiều. Bà Tiến đón anh với nụ cười buồn. Một chút nữa đây cái hình ảnh mà anh đã có về Thái sẽ rời bỏ anh, và thay vào đó là một Thái bệ rạc, tiêu điều! Chắc hẵn bà đã có ý nghĩ như vậy. Rồi bà Tiến cũng đưa anh vào phòng của đứa con trai, cất giọng dịu dàng với người thanh niên, “Có anh Phước đến thăm con đó.” Anh nhận ra Thái ngay, cho dù đã hơn mười năm trôi qua. Đó là một thanh niên tuấn tú, hơi gầy, và buồn bã. Cặp mắt Thái không còn tinh anh như ngày xưa. Chúng xa vắng, gần như trống rỗng. Khi Thái đưa mắt nhìn anh, anh có ngay cái cảm giác thị tuyến của Thái không dừng lại ở bất cứ nơi nào trên người anh. Nó xuyên qua cái không gian của anh, và dừng lại ở một nơi chốn nào đó mà anh không thể hay biết. Thái không nói tiếng nào. Anh bước đến gần và nhìn thấy trên chiếc bàn giấy nhỏ một tấm hình bán thân của Phượng. Chắc là hình do Thái chụp, lúc Phượng còn ở chung nhà.
Trước đó mẹ Thái có nói qua cho anh biết về tình trạng của Thái. Khi biết tin Phượng vượt biên, Thái hối thúc cha mẹ bảo lãnh hai chị em cô. Phượng tá túc ở nhà bà Tiến gần ba năm, và khi ra đi, cô mang theo cả hồn phách của Thái. Người mẹ bất lực và tuyệt vọng nhìn đứa con trai ngày càng chìm sâu hơn vào cái thế giới âm u của riêng mình. “Không làm sao cứu được nó cậu ơi. Bao nhiêu là thầy, bao nhiêu là thuốc! Chi mà ác quá rứa không biết!” Bà khóc tấm tức sau câu nói. Cái giọng Huế thành nội của bà đã mất đi vẻ kiêu kỳ ngày nào. Anh thực sự xúc động! Trong câu chuyện, bà Tiến có vẻ trách cứ Phượng đã không ở lại cùng Thái. “Thằng Thái mà không bị như rứa thì khối chi đứa thương!” Có thể như vậy thực. Chính anh cũng đã nghĩ Phượng và Thái sẽ làm một cặp thực đẹp đôi. Chẳng có gì sai nếu Phượng ở lại và chấp nhận mối tình của người bạn cùng xóm. Nhưng rõ ràng là Phượng đã không yêu Thái. Điều này cũng chẳng có gì là sai. Tình yêu là một bày tỏ của cảm xúc, mọi thứ còn lại đều không đáng kể.
Thái vẫn giữ im lặng trong suốt cuộc gặp gỡ, cho đến khi anh nói lời chia tay. Vào lúc anh sắp sửa quay mình bước ra, Thái chợt lên tiếng, cùng lúc anh nhận ra trong đôi mắt hắn một chút lấp lánh của nắng chiều rọi vào từ khung cửa sổ để ngỏ. “Em phá được nước ‘pháo đầu mã đội’ cùa anh rồi đó!” Đúng vậy, chú nhóc Thái đã làm được điều đó nhiều lần. Anh cảm thấy vui vui; hóa ra Thái vẫn còn nhớ những chuyện như vậy. Lúc đó, anh chỉ có thể nghĩ được có bấy nhiêu đó. Anh thực là hời hợt!
Anh gặp lại Phượng khoảng một năm sau đó, cùng với chồng của cô. Không còn là bé Phượng lí lắc của ngày xưa. Trước mặt anh là một thiếu phụ hiền lành, xinh đẹp, có vẻ an phận và phục tòng chồng. Anh đã tưởng mình có rất nhiều điều để hỏi cô, những điều liên quan đến Thái và mối tình đơn phương của hắn. Rồi anh nhận ra mọi câu hỏi đều không cần thiết. Mối tình của Thái không liên quan gì đến cô. Cô chưa hề tham dự vào đó, và thực là bất công bắt cô phải giải thích về những điều cô không chịu trách nhiệm.
Anh chưa hề găp lại Phượng và Thái kể từ đó. Câu chuyện làm anh bận tâm một thời gian, nhưng lâu dần rồi cũng nguôi đi, cho đến mãi gần đây. Chính là vào cái lúc anh một mình trên lối ra của phi cảng sau lần tiễn đưa cuối cùng mà anh còn có được cho em, anh chợt nhớ đến câu chuyện của họ. Anh không biết Thái đã nghĩ gì ở lần chia tay cuối cùng với Phượng. Anh nghĩ đến câu nói của Thái trong lần gặp gỡ ngắn ngủi với anh. Anh đoán đó là điều duy nhất mà Thái thực sự muốn nhớ về mối liên hệ ngày xưa giữa hắn với anh, môt điều chỉ có thể làm Thái vui khi họa hoằn nghĩ đến. Thái muốn nhớ điều gì về Phượng? Anh không biết, nhưng chắc chắn là nhiều lắm. Và có thể Thái chỉ chọn để nhớ những điều thực êm đềm, thực thơ mộng, thực đẹp về cô. Có thể Thái sẽ thêm vào đó những ước mơ dang dở của mình. Và biến chúng thành những vật liệu cần thiết cho cái thế giới của riêng hắn. Và Thái rút lui vào cái thế giới hạnh phúc đó, mãi mãi. Không có điều gì, không có ai có thể chạm đến cái thế giới của Thái, kể cả Phượng! Phượng sẽ không già thêm một giờ một khắc nào nữa. Sẽ mãi mãi là một cô nhỏ nghịch ngợm hoặc một thiếu nữ yêu kiều, hoặc tất cả những điều đó. Và anh tin rằng Thái đã có hạnh phúc trong suốt bao nhiêu năm tháng qua, nếu hạnh phúc là được sống với những điều mình mơ ước.
Điều đáng buồn là anh không còn có khả năng kiến tạo một thế giới tương tự như của Thái. Đã quá trễ để thực hiện được một kỳ công như vậy. Chẳng phải em đã có lần than phiền anh đã hoang phí hết cả một đời, chẳng còn gì để dành cho em hay sao? Chẳng phải chúng ta chia tay cũng vì điều nay hay sao? Cho nên em đã chọn trở về với cái thế giới em đã từng quen thuộc, ở đó mọi việc đều có vẻ bình thường đến độ ai cũng có thể tiên đoán được tương lai. Rồi em sẽ có những niềm vui chừng mực, những nỗi buồn chừng mực, bởi vì không thể nào khác hơn được. Họa hoằn, em sẽ chợt nhớ lại những điều mà chúng ta đã cùng nhau trải qua — những nỗi đau hay niềm hạnh phúc phi thường. Những điều đã một lần biến em trở nên phi thường. Bởi vì không có điều gì tầm thường trong cuộc tình mà em và anh đã đi qua. Bây giờ thì em chỉ còn có thể hồi tưởng lại những cảm xúc phi thường đó, như viên tướng già hồi hưu tiếc nhớ mùi thuốc súng trong lúc săm soi chiếc chiến công bội tinh treo trên vách. Rồi em sẽ quay lại với những điều bình thường mà em đã chọn lựa. Anh mong em vui với những điều như vậy.
Thỉnh thoảng anh lại đi qua con đưỡng đèo có hoa poppy nở vào mùa Xuân. Những bông hoa màu vàng mọc chi chít bên nhau như tấm thảm rực rỡ trên nền cỏ xanh sẽ làm anh nhớ đến em thực nhiều. Về những điều mình đã làm với nhau hoặc cho nhau lần đầu, cái nắm tay, nụ hôn, tiếng cười, và những giọt nước mắt. Rồi mùa Xuân sẽ đi qua, những thảm hoa màu vàng sẽ biến mất, và những cọng cỏ sẽ héo quắt đi dưới nắng Hè. Nhưng anh vẫn tiếp tục nhớ đến em, khuôn mặt dịu dàng và nụ cười cong cong tít mắt. Khi mùa Thu đến, anh lại thỉnh thoảng băng qua những ngọn đồi phủ đầy những cọng cỏ úa vàng, xơ xác, và lại nghĩ đến em. Nghĩ về những điều bỗng dưng trở nên mơ hồ, cái nắm tay, nụ hôn, khóe môi cong…
Rồi anh chợt hiểu ra mình phải làm gì! Anh sẽ dừng xe ở chân đồi, không phải để kể cho em nghe một câu chuyện tình anh chưa từng kể cho ai nghe trước đó. Anh chỉ muốn bật lên một que diêm và cẩn thận không để nó tắt đi. Anh sẽ dùng mồi lửa nhỏ nhoi này để đốt cháy một cọng cỏ khô run rẩy trong cơn gió núi hắt hiu của mùa Thu, và nhìn ngọn lửa lan dần. Và ngọn đồi cỏ khô sẽ cháy lên. Và những ngọn đồi cỏ khô sẽ cháy lên, trong gió núi hắt hiu của mùa Thu. Và cũng cháy lên rực rỡ trong gió núi hắt hiu mùa Thu là cuộc tình ta, lần cuối cùng! Bởi vì một điều phi thường như thế không nên chết đi một cách tầm thường.
tháng mười một 1998
Phùng Nguyễn
________________________________
(1). Kỷ Vật Cho Em – nhạc Phạm Duy