có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 11 17, 2021

Hồ Xương thần bí đầy xác người trên dãy Himalaya


NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Gần 80 năm sau khi một hồ nước ở dãy Himalaya lần đầu tiên chiếm lĩnh trí tưởng tượng của thế giới, bí ẩn vẫn tiếp tục khiến nhiều người bối rối - thậm chí khi đã có những tiến bộ vượt bậc giúp ta hiểu về quá khứ.

Mặt trời đã lên nhưng vẫn chưa tỏa sáng đến vùng hố trũng phủ đầy tuyết và lạnh cóng, nơi tôi ngồi nghỉ sau buổi sớm lê bước quanh hồ băng.

Lạnh và khổ sở ở độ cao chóng mặt 4.800m ở dãy Himalaya bên sườn Ấn Độ, tôi không còn chút năng lượng nào mà để tâm tới đống xương người xếp lớp kế hồ băng có tên gọi là hồ Roopkund.

Năm 2009, khi tôi đi bộ trên hành trình này, bí ẩn của "Hồ Xương Sọ" được coi như đã được giải mã và cung đường Roopkund dần chuyển mình trở thành một trong những cung đường cho dân đi trekking ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, hơn một thập niên nữa trôi qua, hồ băng nhỏ không những đã trở thành nạn nhân của chính sự nổi tiếng mà nó tiếp tục khiến người ta rối trí, ngay cả khi tiến bộ khoa học dần giúp ta hiểu biết nhiều hơn về quá khứ.

Năm 1942, H K Madhwal, một nhân viên kiểm lâm người Ấn Độ, dẫm phải hàng trăm bộ xương người xếp chồng lớp bên dưới và xung quanh hồ Roopkund.

Ông công bố phát hiện kỳ quặc này - một hồ nước bí ẩn nơi 300-800 người cùng có cái kết bi thảm - và dãy Himalaya lạnh cóng tiếp tục bảo tồn thi thể của họ.

Vào cuối thập niên 1950, phát hiện rùng rợn trong núi được công bố, khiến nhiều người quan tâm và hàng loạt cuộc điều tra đã được tiến hành mãi đến ngày nay.

Tất cả những thứ đó chỉ là thứ yếu, so với số lượng đông đảo những người đi trekking như tôi, vốn đã đi đến hồ Roopkun trong thập niên vừa qua chỉ để mê mẩn ngắm nhìn cảnh tượng không gì sánh kịp, nơi có cảnh quan đa dạng và cung đường nhiều thách thức.

Nằm cách khu dân cư gần nhất thuộc bang Uttarakhan năm ngày đi đường, chuyến trekking trải dài hơn 50km khởi hành từ những ngôi làng bình dị trên dãy Himalaya không có gì nhiều ngoài vài cụm nhà cửa truyền thống.

Đi qua màn sương mờ thanh khiết và cánh rừng sồi phủ rêu xanh, cung đường quanh co uốn lượn qua đồng cỏ trên núi cao trải rộng ra mênh mông và đầy hoa dại, dân địa phương gọi đó là bugyals, cảnh quan chỉ có được trên độ cao hơn 3.300m ở dãy Himalaya.

Những đỉnh núi cao chót vót trên dãy Himalaya dần hiện ra và tràn khắp chân trời trong vài ngày hành trình sau đó. Đỉnh cao nhất của cung đường là 5.000m, ở sườn Junargali, một sườn núi như lưỡi dao mở ra tầm nhìn 360 độ về dãy Himalaya và cảnh quan băng hà trập trùng.

Hồ Roopkund nằm 200m ngay dưới phần sườn núi này.

Đường leo núi dốc và nguy hiểm đến sườn Junargali khiến giới đi trekking thường đùa rằng chỉ cần bước nhầm một phát là nhanh chóng thêm một mớ xương vào đống xương bên hồ.

Gần 80 năm sau khi Hồ Xương Sọ thu hút sự quan tâm của thế giới, thì câu đùa đơn giản đó có vẻ không xa lạ gì lắm sau một số phát hiện gần đây.

Hàng trăm mảnh xương người nằm rải rác quanh hồ và trong lòng hồ Roopkund

Ban đầu, xương người được cho là của binh sĩ Nhật Bản hay những thương buôn người Tây Tạng trên Con đường Tơ Lụa thiệt mạng vì bệnh dịch hoặc phơi nhiễm với hóa chất.

Sau đó, qua khám nghiệm pháp y vào năm 2004, giả thiết tốt nhất cho rằng đây là nhóm người hành hương Ấn Độ, cả đàn ông và phụ nữ, có phu khuân vác dân địa phương theo hầu trong vùng này, họ gặp trận mưa đá khổng lồ ở hồ Roopkund vào Thế kỷ Chín, dựa vào khám nghiệm từ những vết thương trên hộp sọ.

Họ được cho là đang thực hiện chuyến hành hương đầy kính ngưỡng theo đạo Hindu, diễn ra 12 năm một lần, có tên là Nanda Devi Raj Jat Yatra, một tục lệ cổ truyền vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Hồ Roopkund nằm trên đường đến Homkund, điểm cuối của cuộc hành hương đầy gian truân này.

Veena Mushrif-Tripathy, giáo sư khảo cổ từ Trường Deccan College ở Pune, là người tham gia nhóm điều tra năm 2004.

Bà nhớ lại nhóm điều tra kết luận rằng giả thiết đi hành hương là hợp lý nhất vì không hề có vũ khí ở hiện trường, cho thấy nguyên nhân gây chết người không phải do tấn công và họ không phải là binh lính. Họ cũng tìm thấy di vật là nhạc cụ, đồng thời có rất nhiều truyện cổ tích kể về người hành hương Nanda Devi Raj Jat Yatra.

Mushrif-Tripathy cho biết phân tích DNA cho thấy đó là một nhóm người có cả phụ nữ và đàn ông, có nhiều nhóm tuổi, và thông tin này càng khẳng định giả thiết trên là đúng.

Khi tôi đi theo cung đường đến hồ Roopkund, một phiên bản thô thiển được đưa ra dựa trên giả thiết này nhằm giải thích sự tồn tại của đống xương.

Người ta giải trí cho chúng tôi bằng truyện cổ về những nữ thần phẫn nộ, người hành hương và vũ công bất kính bị hóa thành đá. Mỗi khu cắm trại, mỗi hồ nước và rất nhiều khu vực cảnh quan trên đường đi đều thấm đẫm những dạng truyện kể hết sức chi tiết như vậy. Sự kết hợp đầy mê mẩn giữa thiên nhiên lộng lẫy và truyền thuyết gay cấn đã khiến hồ Roopkund bệnh hoạn biến thành nơi quyến rũ đầy mê hoặc.

Thời đó cũng không có gì ngạc nhiên khi hồ Roopkund vô tình đã khiến quá trình thương mại hóa ngành du lịch trekking ở Ấn Độ diễn ra nhanh chóng.

Năm 2009, một công ty có trụ sở ở Bengaluru đã thành lập một nhóm đi trekking tới hồ Roopkund với mức giá phải chăng, nhận đăng ký tham dự qua mạng.

Sự bùng nổ về công nghệ thông tin ở Ấn Độ đã khiến nhiều người có thu nhập cao, lại đúng vào lúc các sườn núi mới được phát hiện trên dãy Himalaya, phía sườn Ấn Độ, khiến cho nhiều người có thể tham gia chuyến đi. Trước đây, chỉ có dân leo núi hạng chuyên nghiệp mới có thể tiếp cận những cung đường này.

Giờ đây đã bị cấm, nhưng cung đường đến hồ Roopkund 
vẫn đóng vai trò quan trọng hoạt động trekking ở Ấn Độ.

Cũng không có gì khó đoán, dân đi trekking Ấn Độ nhanh chóng đổ đến chinh phục cung đường đến hồ Roopkund đầy khó khăn nhưng rất thỏa nguyện.

Theo sau thành công này, nhiều công ty nhanh chóng mọc lên khắp nơi ở quốc gia, khiến nhiều cung đường quanh dãy Himalaya trở nên phổ biến hơn để theo kịp nhu cầu này càng tăng cao, và sau này càng được củng cố với sự trỗi dậy của mạng xã hội.

Thật không may là mặt trái của hoạt động thương mại hóa này là sự suy thoái về môi trường ở dãy Himalaya.

Ngày nay, cung đường đến hồ Roopkund giúp người Ấn đến được các sườn núi đã hoàn toàn bị chặn vì chính phủ cấm không cho cắm trại trong khu vực đồng cỏ bugyals đã bị hủy hoại nặng nề và dễ tổn thương về mặt sinh thái.

Một năm sau hành trình của tôi, vào năm 2010, bộ gene đầu tiên của người cổ đại được giải mã, nhanh chóng cách mạng hóa các nghiên cứu về quá khứ của nhân loại.

Ngay sau đó, bí ẩn về hồ Roopkund một lần nữa lại trỗi dậy. 38 mẫu xương hóa bột lấy từ những di cốt lưu trữ tại Cơ quan Khảo sát Nhân Chủng Học ở Ấn Độ, bang Kolkata, được gửi đến 16 phòng thí nghiệm khắp thế giới để phân tích bộ gene và phân tử sinh học.

Kết quả của 5 năm nghiên cứu sau đó được công bố vào năm 2019 đã làm thế giới bàng hoàng.

Nghiên cứu mới cho biết 38 bộ xương người thuộc về ba nhóm người có các bộ gene di truyền khác biệt và đã nằm dưới hồ qua nhiều giai đoạn trong khoảng thời gian 1.000 năm.

Có một nhóm người Nam Á, có thể đoán là xương họ đã nằm ở đây từ khoảng Thế kỷ 7 đến Thế kỷ 10 sau nhiều vụ khác nhau.

Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy một nhóm người có tổ tiên từ đông Địa Trung Hải, xuất phát từ Đảo Crete, chết vào khoảng Thế kỷ 19 trong một vụ duy nhất.

Và có một mẫu có nguồn gốc từ Đông Nam Á, cũng trong khoảng Thế kỷ 19.

Kinh ngạc với khám phá dị thường, nhóm nghiên cứu sau đó đã làm thêm phân tích về dinh dưỡng để xem liệu kết quả có củng cố kết quả từ phân tích mẫu DNA không. Và kết quả cho thấy phân tích này có liên quan.

"Tại một địa điểm như hồ Roopkund, nơi bối cảnh thường xuyên bị can thiệp và khả năng khai quật ở quy mô lớn là rất thấp, thì cách dùng aDNA (DNA cổ xưa) giúp ta có thông tin trực tiếp về gene gốc gác của những người này," Ayushi Nayak từ Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck cho biết. "Nghiên cứu năm 2019 của chúng tôi có thể thêm vào dữ liệu mới thông qua nhiều phương pháp phân tích tế bào sinh học khác nhau."

Cung đường trải dài qua những đồng cỏ trên núi cao 
chỉ tồn tại ở độ cao trên 3.300m ở dãy Himalaya

Bằng chứng mới chỉ ra sự hiện diện của nhiều nhóm người không có nguồn gốc từ Ấn Độ ở hồ Roopkund thật sự gây sốc, vì không có bất cứ bằng chứng lịch sử nào giải thích những người này là ai và họ làm gì ở phần xa xôi trên dãy Himalaya.

"Câu hỏi vẫn còn đó về nhóm người có [gene] gần nhất với tổ tiên của người miền đông Địa Trung Hải thời hiện đại. Lý do gì khiến họ đến Roopkund? Liệu họ là những nhà du hành Châu u hay là người bản địa có tổ tiên từ Địa Trung Hải? Hay liệu còn những khu vực nào khác trong vùng tập trung nhiều di cốt như vậy," Nayak đặt câu hỏi.

Khi tôi nhớ lại hành trình đến Roopkund ngày nay, tâm trí tôi rối bời khi cố gắng hiểu sự bí ẩn phức tạp và di sản nặng nề trên hành trình mà chúng tôi đã đi qua hết sức hững hờ.

Dù vùng đất mang vẻ đẹp đầy si mê trong những ngày đẹp trời, thì dãy Himalaya cao vút hiểm trở có thể cực kỳ nguy hiểm khi thời tiết xấu. Nhiều người đã thiệt mạng khi muốn đến Roopkund trong thập niên vừa qua.

Nhưng vậy thì mục đích của những người đó là gì, trong nhóm những người từ đông Địa Trung Hải, những người đã kết thúc số phận trên hồ nhiều thế kỷ trước?

Tôi cũng tự hỏi họ đã chết ra sao. Liệu có phải một số người đã ngã xuống từ sườn núi Junargali như chúng tôi hay đùa? Liệu có thể họ đã chết vì bị phơi nhiễm thứ gì đó như ta lo sợ? Liệu có thể một số người đã chết vì hội chứng say độ cao cấp tính, vốn cực kỳ phổ biến ở độ cao như vậy?

Có thể nhiều nhóm người khác nhau đã chết ở Roopkund trong nhiều vụ riêng rẽ xảy ra trong suốt hơn 1.000 năm vì bão mưa đá. Và đó cũng là bằng chứng duy nhất mà ta đang có.

"Có khoảng sáu hay bảy sọ người có dấu vết tổn thương vì mưa đá," Mushrif-Tripathy, người cũng tham gia vào cuộc điều tra năm 2019 và là đồng tác giả trong nghiên cứu mới nhất, nói. "Theo tôi, bí ẩn không hoàn toàn được giải đáp. Chúng ta có nhiều câu hỏi hơn là những câu trả lời."

Khu vực này hiện vẫn đang bị quấy nhiễu và không được bảo tồn.

Qua nhiều năm, dân đi trekking di chuyển xương người xung quanh và thậm chí lấy về nhà làm quà lưu niệm, khiến cho khả năng tìm kiếm câu trả lời càng khó khăn hơn trong tương lai, dù đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong khoa học.

Kết quả dị thường từ nghiên cứu năm 2019 rõ ràng đã gây ra nhiều xáo trộn, nhưng điều quan trọng hơn ta cần tính đến, đó là nếu phân tích chỉ 38 mẫu trong số hàng trăm di thể cho thấy một vấn đề lớn hơn, đó là liệu còn phát hiện nào đáng kinh ngạc đang bị chôn vùi trong khu mộ băng đá đó?

Trong khi ta vẫn đang vò đầu bứt tai trước những câu hỏi và sự hoang mang, những bộ xương người ở hồ tiếp tục khiến ta rối trí. Ở hồ Roopkund, bí ẩn của người chết vẫn tiếp tục tồn tại.


Neelima Vallangi