Lời: Nguyễn Thảo
Trình bày: Triệu Vinh
Hòa âm & phối khí: Lê Vũ
Ghi âm: Phòng Thâu NTV
Final mix: LeVuMusic Studio
Photo & graphics: MarcMarc
Dạ khúc cuối
Người đến tìm ta giữa đêm,
Cỏ thơm lạ say cõi mộng.
Tà áo rộng vương gót,
Dìu cuốn bước chân êm.
Mờ ảo kèn xa vắng
Gợi nuối tiếc mênh mang gió lộng.
Hồn đã run theo từng thanh phím gieo tháng ngày rơi rụng.
Màu áo lụa lay bóng đêm,
Mắt hoang dại say ánh mờ.
Hồn thẩn thờ quên nhớ,
Chân bước lần đến chốn hư vô.
Vạt áo quyện hương khói,
Nhẹ quá gót chân bước qua đời.
Buồn hóa thanh âm dìu ta cuốn xoay mất vào giữa khôn cùng.
Đèn màu chợp sáng hoen mắt nhung ướt.
Điệu đàn day dứt vang khúc lâm ly.
Mập mờ sương khói, tiếng ai nói,
Chìm vào hư ảo, tan vào quạnh vắng.
Với tay vì phút hư hao,
Níu vai ghì lấy thương đau,
Bước theo người đến nơi nao,
Cõi trần hư bụi.
Người đã cùng ta suốt đêm,
Chốn yên bình ta mãi tìm.
Lạnh quá bàn tay khép
Che mắt nhìn suốt cõi u minh.
Còn chút làn hơi ấm,
Giờ phút cuối quên câu giã từ.
Lệ rớt trên môi thành muôn ánh sao tiễn mình đến vô thường.
NT: Đối với tôi, cái khó khăn của viết lời nhạc (không phải dịch nhạc) là điều gì tôi muốn chuyển tải đến người nghe. Lẽ dĩ nhiên, cái điều đó phải ăn khớp với giai điệu. Giai điệu là bộ xương, và ca từ là da thịt.
Ca từ lại phải được chọn lựa tỉ mỉ vì không những nghĩa chính phải chuẩn, mà những hàm ý còn phải được xét xử để tạo nên không khí cần thiết. Ví dụ như nếu ta nhắc đến tờ điện tín (telegraph), tự nhiên ta sẽ đặt mình vào thời điểm của tiền bán thế kỷ 20. Hoặc như khi đọc đến “làn thu thủy, nét xuân sơn” (Nguyễn Du) thì ta không thể nào không mường tượng đến một mỹ nhân thời cổ. Có lẽ đó là lý do khiến nhiều nhạc sĩ đã tỏ ra bực bội khi ca từ bị ca sĩ hứng chí… đổi. Tôi đã từng bị cố nhạc sĩ Song Ngọc bắt bẻ vì đã đổi một chữ trong bài Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân: Khi lá vàng lại bay mà tôi đã đổi thành khi lá vàng nhẹ bay. Hoặc như nhạc sĩ Vũ Thành đã trách cứ ca sĩ Thái Thanh đã cố tình “hát sai” bài Giấc Mơ Hồi Hương. Ông ví như mình nhờ ai đọc lá thư mà người đó đã đọc trật đi.
Tôi nghĩ tuy ns VT có lý, nhưng khi mình nhờ ai đọc, thì chính ra cái mầm mống của sự “không chính xác” đã nằm ở đó: giọng nam sẽ khác giọng nữ, giọng nhẹ dịu dàng sẽ khác giọng ồm ồm. Mà ngay cả cùng một người đọc, hôm nghẹt mũi và hôm khỏe cũng tạo ra hai không khí khác nhau. Ý chính vẫn là ý chính, nhưng có khi nghe hơi mỉa mai, hoặc lả lơi, hoặc trịch thượng tùy theo giọng diễn. Nói tóm tắt thì một khi ca khúc đã lọt vào tay ca sĩ thì nhạc sĩ phải… chịu vậy.
Riêng tôi, thay đổi ca từ hoặc giai điệu là một công phu của người ca sĩ. Nội công thâm hậu thì biến chiêu sẽ thêm phần xuất sắc. Ca từ hoặc giai điệu mới lạ có thể làm ca khúc trở thành mới mẻ hợp thời hơn, và có thể sẽ được hậu sanh đón nhận nồng hậu hơn.
LV: Theo như ví von của bạn thì nhạc là xương mà lời là thịt da. Vậy thì lẽ ra xương khó thay đổi còn thịt da thì phải biến hoá mới đúng với luật tự nhiên chứ. Tuy nhiên, một bài nhạc phổ thông thì thường được nhiều ban nhạc chơi đi chơi lại, mỗi lần lại được cải biên qua nhiều cách, từ slowrock qua bolero, rồi rumba, rồi chachacha, rồi new wave … Lòi ra là “xương” thì được thay đổi như chong chóng, mà lời “thịt da” thì không ai dám đổi, sợ nhạc sĩ “quạu”! Làm nhạc sĩ mà nhạc mình viết bị đổi thì không sao nhưng lời viết ra bị hát khác đi thì bực mình! Kể ra cũng có chút ngược đời.
NT: Vào thời đại tân tiến, thịt da xương cốt đều có thể thay đổi chỉnh sửa được bạn à. Ca sĩ ngoại quốc trọng về cá tính đặc biệt; họ đổi để phiên bản của họ có nét đặc thù riêng tư không giống những bản khác. Nhạc Việt thì thường chỉ đổi tiết tấu, đôi khi ca từ, nhưng tôi chưa thấy ai “liều mạng” đổi giai điệu cả.
LV: Dĩ nhiên với KeJazz thì chuyện tự tung tự tác với nhạc và lời phải là chuyện đương nhiên. Nếu không đổi thay được thì làm gì có chuyện sáng tạo. Nghe bài cũ, kiểu cũ cho rồi!
NT: Trở lại với bài nhạc này, giai điệu mượt mà của bạn làm tôi liên tưởng ngay đến một dạ khúc. Từ đó, tôi đã mường tượng đến câu chuyện của chàng Tú Uyên ngủ mơ thấy nàng Giáng Kiều. Nhưng…
Bạn vẫn biết tôi là một người chẳng bình thường…
Đằng sau câu chuyện tình mộng mị, tôi đã viết…
Hãy thử tưởng tượng về nỗi chết như một thiếu nữ kiều diễm, đến bằng những bước chân nhẹ nhàng lả lướt, trong tiếng nhạc dặt dìu. Nàng thật khêu gợi với chiếc váy lụa đỏ rộng và mềm mại, cuốn theo từng bước chân đi.
Có lúc nào đó, nỗi chết phải được chờ đợi trong tuyệt vời như thế…
LV: Bài Dạ Khúc Cuối này thì tôi viết cũng đã khá lâu. Xương thì có rồi, nhưng thịt da thì lay lắt thay đổi qua nhiều lần, không nhớ nổi. Tôi vất bài vào xó, quên lãng đã lâu ngày. Bạn nhắc tôi mới nhớ mang ra nhờ bạn thay đổi thịt da cho mượt mà, óng ả hơn là bộ da sần xùi trước đây.
Có lẽ giai điệu vừa gợi cảm, vừa âm trầm, u tối của nó làm bạn nghĩ đến “nỗi chết” dịu dàng đến thế. Tôi công nhận bạn là kẻ khác thường. Vì khi tôi chẳng thể nào nghĩ đến chuyện “đi hui nhị tì” khi viết những lời nhạc này…
May mà nhờ được Triệu Vinh hát dùm bài hóc búa này. Tôi cố tình viết cho rắc rối với nhịp chõi khắp nơi, nốt cao thấp thay đổi nhiều. Nếu không phải là “cao thủ” (lẽ ra phải là “cao họng” mới đúng) thì sẽ rất là chật vật với bài nhạc khó chịu này. Rất cám ơn Triệu Vinh và tiếng hát tuyệt với của anh.
Thêm nữa nhạc của Kejazz viết ra mà được ai hát thì mừng hết lớn, muốn đổi sao thì đổi, chúng tôi hứa là sẽ không giận hờn gì hết.
NT: Bạn đừng nói như vậy. Tôi thấy hiện nay, nhạc bị “bắt cóc” nhiều lắm. Họ lấy cả nguyên bản, chỉ đổi tên tác giả rồi đăng ký bản quyền. Anh bạn tôi phải chật vật thưa kiện lung tung mà chưa thấy đi đến đâu cả.
Xin cám ơn Triệu Vinh một lần nữa. Và thân mời các bạn bè của KeJazz…