có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 10 21, 2021

Trần Vũ: Phép Tính Của Một Nho Sĩ


Nhà văn Trần Vũ và tác phẩm

1.
Hai phẩm cách đáng kể nhất của một nhà văn là ngôn ngữ và sự tưởng tượng. Nhà văn Trần Vũ – qua tập truyện Phép tính của một nho sĩ (Công ty sách Nhã Nam liên kết với nhà xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản, 2019) – hình như có cả hai. Đây không phải là cuốn sách sáng tác theo công thức có sẵn, kể lể một câu chuyện mà người đọc chưa đọc hết mươi dòng đầu đã biết tác giả muốn nói gì, kết cục ra sao. Nó không phải là cuốn sách đọc qua là quên ngay, chẳng lưu lại trong bộ nhớ người đọc được vài sát-na. Nó khó khăn bắt người đọc trăn trở cùng nó, cùng chiêm nghiệm những góc cạnh đầy gai nhọn nhức nhối từ lịch sử đến siêu hình; từ bản thể đến bản nguyên con người; từ dục vọng thấp hèn đến lý tưởng cao vợi. Nó là cuốn sách đầy cá tính – You either hate it or love it, there is no midway here, no equidistance – để từ đó, hiển lộ một tính cách khai phá cực đoan hiếm thấy trong ngôi nhà văn chương Việt Nam. Những truyện ngắn của Trần Vũ trong tập truyện, tác giả viết không phải để làm cái gì phải đạo, viết không để làm vừa lòng ai, thậm chí viết để thách thức, để đưa ra một Cái Khác, một Lịch sử khác, một Thực tại khác. Bạn hoặc đồng ý, hăng hái tán thành, hoặc phẫn nộ phản đối, mà theo tôi, cả hai phản ứng đều là chỉ dấu cho sự thành công của ngòi bút, bởi như nhà văn Franz Kafka từng nói, “Một cuốn sách phải là chiếc búa tạ dùng để đập vỡ tan biển cả đóng băng bên trong chúng ta.”

Bao trùm trên tất cả những điều đó là thủ pháp siêu hư cấu mà tác giả sử dụng tới hạn trong hầu hết các truyện. Siêu hư cấu là một thủ pháp văn chương, trong đó phần tự sự, miêu thuật cũng như nhân vật luôn luôn nhắc nhở người đọc rằng những gì anh/chị đang đọc chẳng qua chỉ là sự tưởng tượng, hư cấu, chẳng có gì thực. Siêu hư cấu phá bỏ bức tường ngăn chia giữa người viết và người đọc, xóa mờ đường biên, giải trừ tính lưỡng phân, giữa thế giới thực tại và thế giới hư cấu. Nó trực tiếp nhắm thẳng vào người đọc, khiến người đọc có thể tra vấn chính văn bản của câu chuyện. Hơn nữa, siêu hư cấu cho phép tác giả đắp thêm một tầng tưởng tượng bên trên tầng tưởng tượng thông thường thường thấy trong bất kỳ một tác phẩm tiểu thuyết hay truyện ngắn nào. Hiệu ứng của nó là một trải nghiệm văn chương bất chấp quy ước, gây thú vị cho người đọc, và làm bật mở những chiều kích bình thường không cảm nhận được. Sử dụng một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên, không gượng ép, thủ pháp siêu hư cấu đánh đổ rào cản nhận thức quy ước để sự thật hiển lộ, để đưa ra cái nhìn khác – tuy thậm xưng, gay gắt, nhưng lại vô cùng chính xác và đau đớn – về thân phận con người. Nói như thế bởi tôi đang nghĩ đến cuốn tiểu thuyết Chiến hữu trùng phùng của nhà văn Mạc Ngôn.

Cũng như cuốn tiểu thuyết của nhà văn Trung Quốc được trao tặng giải Nobel Văn học này, thế giới trong truyện ngắn mở đầu tập truyện của Trần Vũ, Phép tính của một nho sĩ, là một thế giới phi thực dị thường, trong đó người và ma sống cạnh nhau trong những quan hệ bình thường. Bằng một thứ ngôn ngữ tinh tế, đầy siêu chuyển dụ, nhưng không mù mờ, không bí hiểm, thậm chí rất hiện thực ở những đoạn miêu thuật kỹ lưỡng sự vật, tình huống và tâm lý, đã khiến thiên truyện này, và nhiều thiên truyện khác trong tập sách, có một ma lực thu hút lạ lùng. Văn chương là sự phối từ – cũng như âm nhạc là sự phối thanh, phối âm, phối khí – sao cho thích hợp, đúng chỗ, chữ nghĩa dụng công chọn lựa và dàn dựng công phu, để tạo một khí hậu đặc trưng cho tác phẩm sau khi hoàn tất. Trần Vũ đã thành công trong hầu hết các truyện ngắn của anh nhờ vào ngòi bút như thế.

Ở những dòng chữ đầu của thiên truyện trên, Trần Vũ viết:

Tôi với Tiểu Khanh chết đi ở giấc canh khuya, khi mặt sông đã hóa bùn và nước sông đã đặc tóc. Song tóc Tiểu Khanh làm sông Tô Lịch chảy mềm mại và từ bấy mang màu tóc Tiểu Khanh. Sông xanh tóc con gái ước mơ và kiên nhẫn.

Người đọc nhận ra ngay đây là một fairy-tale, chuyện thần tiên, nhưng là một chuyện thần tiên u ám và sầu thảm. Một cặp trai gái chết vì trấn yểm của Cao Biền, không thể đầu thai sang kiếp khác, phải làm hồn ma muôn kiếp vất vưởng trên sông Tô Lịch. Hai hồn ma đó năm trăm năm sau nhờ một duyên do nào đó trở thành môn sinh của một nho sĩ tên An (Chu Văn An). Nhưng việc học hành của đôi trai gái ma bị gián đoạn sau khi thầy An dâng Thất Trảm Sớ lên vua và bị lũ nịnh thần quan lại xu phụ gièm pha, vu khống nên bị thất sủng và phải khăn gói về quê ở Chí Linh sống. Một nho sĩ chính trực cô thế thì làm sao thay đổi được một ông vua bất tài, một vương triều hủ mục, một quốc gia đắm chìm trong loạn lạc nhiễu nhương?

Chuyện thầy An là cái cớ để Trần Vũ đưa ra một phép tính về sự chính trực của người nho sĩ thời phong kiến và cũng là người trí thức thời hiện đại, một phép tính toán học: Lim(Ct)Tg = ∞.

Ta có thể giải thích phép tính này theo ngôn ngữ toán học là: giới hạn của hàm số “Chính trực lũy thừa Thời gian” là “vô cực.”

Hình như đây là một suy nghiệm tích cực hiếm hoi trong cõi văn chương của Trần Vũ. Theo chính tác giả viết, “Phép tính của một nho sĩ giản dị: Quốc gia ở tính nhân, ở lòng chính trực…” Và từ định đề đó, anh đưa ra định lý, “Số đông bao giờ cũng thắng, nên phép tính lũy thừa của thầy thêm vào thời gian, vì sự chính trực khi lũy thừa thời gian của lòng người sẽ tiến đến vô cực.”

Có lẽ chẳng ai có thể phản bác hoặc phản biện lại định lý này; nó thuộc dạng chân lý mất rồi. Và cũng như rất nhiều chân lý khác, nó chỉ tồn tại trong cảnh giới của tưởng tượng và mộng mơ; nó đòi hỏi người ta tin tưởng vào nó như một đức tin tôn giáo, không được thắc mắc, không được chất vấn, không được nghi ngờ, cho dù thực tế có đi ngược lại. Thực tế trong thời đại tôi và Trần Vũ đang sống là sự chính trực khi lũy thừa thời gian của lòng người đã triệt tiêu đến zero.

Bi thiết thay! Thời đại nào con người cũng cần đến đức tin tôn giáo để bám vào mà sống.


2.
Lịch sử hiển nhiên giữ vị thế quan trọng trong văn chương tv. Thiên truyện Gia phả (gồm ba tiểu đoạn Lời của u; Nhật ký của gia sư; và Tâm sự Thiếu Đế) vẽ lại sự thăng trầm của triều đại nhà Trần. Nhưng Trần Vũ không viết sử, cũng không cho một cái nhìn khác về Lịch sử. Hoàn toàn không! Anh chỉ viết truyện, mà cũng chẳng phải truyện dã sử, hay ngoại sử, hay dật sử. Nó là lịch sử nhưng cùng lúc nằm ngoài tất cả những gì gọi là lịch sử. Nghe mâu thuẫn nhưng chính sự mâu thuẫn ở đây định hình cho văn chương và cho phép thần trí tưởng tượng tung tỏa lên trời cao.

Trần Vũ dành hai phần ba thiên truyện để nói về một nhân vật nữ ít được nhắc đến trong lịch sử Việt Nam, mặc dù bà là một kiệt hiệt xuất chúng chẳng kém gì Trần Thủ Độ, đóng góp rất lớn trong việc soán ngôi nhà Lý đem ngai vàng về cho dòng tộc Trần đầu thế kỷ XIII. Bà là con thứ của Trần Lý, sử cũ gọi là Trần thị, có lẽ tên là Dung; em của Trần Thừa và Trần Tự Khánh, hai nhân vật có công rất lớn trong việc dẹp loạn vào những năm cuối triều Lý.

Khi hoàng thái tử Lý Hạo Sảm chạy loạn ra nương náu tại cứ địa của Trần Lý ở Hải Ấp (Thái Bình), thấy Trần thị có nhan sắc nên thích lắm và Trần Lý gả bà cho Sảm, khởi đầu một chuỗi những biến cố lịch sử rối rắm dẫn đến việc bà cùng Trần Thủ Độ âm mưu soán ngôi nhà Lý.

Đó là những sự việc có ghi trong chính sử.

Bà được tặng biệt hiệu Linh Từ Quốc Mẫu, nhưng suốt thời gian ở trong nội cung vua Huệ Tông, do tình hình bên ngoài loạn lạc không ngừng, bà nhiều lần bị thất sủng vì là người của tộc Trần, từ hoàng hậu bị giáng xuống ngự nữ. Thái hậu Đàm thị, mẹ Huệ Tông, rất thù ghét bà, thậm chí có lần đem thuốc độc lại bắt bà uống. Nhưng thái hậu không làm gì được bà, chứng tỏ bà tài trí quyền biến hơn người, không phải loại nữ nhi thường tình.

Sau khi cùng Trần Thủ Độ âm mưu soán đoạt được ngai vàng, ép Huệ Tông tự vẫn, bà tái hôn với Trần Thủ Độ. (Thủ Độ là em họ bà, nhà Trần chủ trương không cho người ngoài vào gia tộc nên khuyến khích anh chị em họ lấy nhau). Vì việc này bà bị sử gia Ngô Sĩ Liên phê là “thất tiết.” Song việc nội trị, nội an, củng cố ngai vàng thời gian đầu khi Trần Cảnh mới lên ngôi là có bà tham dự cùng với Trần Thủ Độ. Và khi quân Nguyên tiến công Thăng Long lần thứ nhất, bà lãnh nhiệm vụ bảo vệ gia quyến hoàng gia ở Hoàng Giang. Có sách chép bà làm tướng đoạn hậu chặn quân Nguyên để vua Thái Tông do Trần Thủ Độ và Trần Hưng Đạo mở đường kịp rút về phủ Thiên Trường (Nam Định).

Một người đàn bà như thế không phải thời đại nào cũng có, và có lẽ bởi thế Trần Vũ có thiện cảm với bà. Trần Vũ thuật cái hôm bà ra đời hãi hùng lắm, và cảnh Trần Thủ Độ hiếp dâm bà lúc hai người ở tuổi mười lăm, mười sáu thì ít ngòi bút nào dám táo bạo đến thế. “Buổi chiều đó, tộc Trần khởi nghiệp trên thân thể Trần Thị Dung.” Trần Vũ kết thúc tiểu đoạn Nhật ký của gia sư bằng câu như vậy.

Sự tàn bạo, máu đổ thịt rơi, những âm mưu và thủ đoạn đê hèn luôn luôn đi trước bất kỳ một cuộc đổi thay chính trị nào, cái mà ngày nay ta gọi là cách mạng. Trần Vũ, khi viết đoạn văn này, phải chăng đã có những ý tưởng đó?

Lịch sử được viết bởi phe chiến thắng, luôn luôn là như vậy, thời phong kiến cũng như ngày nay thời Cộng sản. Họ viết theo mắt nhìn của họ, uốn nắn quan điểm hợp ý họ, loại bỏ những gì họ xem là không phù hợp với tầng lớp thống trị và ý thức hệ đương thời. Xu hướng này thường thấy khắp nơi chứ không riêng gì Việt Nam, chính vì thế, sử gia Mỹ William Du Bois ở đầu thế kỷ XX bảo viết sử mà gạt bỏ đi những điều tội lỗi xấu xa, hay vo tròn bóp méo sự thật tồi tệ cho bớt xấu, hay chỉ nói thoáng qua… là sai, chỉ khiến lịch sử mất đi giá trị của nó.

Thật vậy, viết sử mà chỉ biết tô vẽ con người lịch sử thành thần thánh, trí trá biến đất nước nghèo đói khốn khổ thành anh hùng giải phóng của thế giới là một thứ bệnh hoạn đáng kinh tởm. Sự thật không bao giờ có trong một cuốn sử mà khi đọc ta có cảm tưởng như đang đọc một văn bản tuyên truyền chính trị.

Trần Vũ hình như không mấy thiện cảm với nhân vật lịch sử Trần Thủ Độ, mặc dù ông ta có công lớn khai sáng nhà Trần, một trong những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam, về cả văn nghiệp lẫn võ nghiệp. Xuyên qua thủ pháp siêu hư cấu, Trần Vũ vẽ một hình ảnh Thủ Độ hung bạo, không chuyện gì không dám làm. Các sử gia cũ cũng không ai khen ông ta. Điều đó dễ hiểu. Con người chủ trương “nhổ cỏ phải nhổ tận rễ” ấy, sau khi đã soán ngôi nhà Lý, một hôm cho người lén đào hầm sâu trong nhà tế tự của con cháu họ Lý, và trong lúc họ đang cúng tế bên trong, cho giật hầm chôn sống tất cả. Những người còn lại đều bị bắt đổi sang họ Nguyễn, chỉ Lý Long Tường nhanh chân chạy thoát lên Cao Ly.

Lịch sử đó tái diễn ở thời đại tôi, thời đại Trần Vũ, với những việc làm tinh vi hơn, che mắt giỏi hơn, nhưng thực chất là một, sự tàn bạo không khác bao nhiêu.

Nhưng rồi lịch sử sang trang, đế quốc nào cũng suy tàn, triều đại nào cũng có lúc cáo chung bằng cách này hay cách khác. Trần Vũ viết tiểu đoạn ba, Tâm sự Thiếu Đế, để nói đến cảnh suy vong của nhà Trần:

Không chiêng, không trống, không cờ hiệu, không cả tiếng hát của cung nga, tôi đứng trơ trọi một mình. Phủ Thiên Trường lúc xưa là nơi khởi phát của tộc Trần, về sau là nơi các thượng hoàng sau khi truyền ngôi cho thái tử về dưỡng lão. Chiếc nôi của triều đại mỗi ngày một cũ mục, suy tàn…

Lẽ hưng vong, vòng sinh tử là quy luật của cuộc tồn sinh. Điều oái oăm ở đây là khi xưa Trần Thủ Độ giết Huệ Tông soán ngôi nhà Lý thì nay Hồ Quý Ly giết Thuận Tông soán ngôi nhà Trần. Lịch sử tái diễn ở những lớp lang tàn bạo nhất có thể.

Tất cả còn lại là Thiếu Đế sống cô tịch như bị đày trong ngôi nhà tự u ám với hai người hầu già nua còm cõi là u Đào và bõ Phúc, mỗi ngày nhìn lên bức tường trên ghi tên tuổi và các chiến tích lừng lẫy của tiền nhân dòng tộc.

Khi tuyệt vọng, không còn gì để mất nữa, người ta chỉ còn biết bám vào “hào quang quá khứ” để tìm kiếm thứ “ánh sáng huyễn mộng.” Đó là tâm sự Thiếu Đế, vị vua cuối cùng của triều Trần, được Trần Vũ dùng để đóng lại thiên truyện đặc sắc này.

Người đọc tinh ý sẽ nhận ra hai nhân vật hư cấu u Đào và bõ Phúc sống từ lúc nhà Trần chưa khởi nghiệp cho đến lúc về hầu hạ Thiếu Đế, một thời gian dài ngót nghét 200 năm. Tác giả như ngầm bảo người đọc rằng đây là một thiên truyện siêu hư cấu, nhưng nhìn sâu hơn ta có thể hiểu đây là một siêu chuyển dụ. U Đào, bõ Phúc có lẽ tượng trưng cho thân phận tôi đòi của dân tộc Việt Nam. Số kiếp của dân Việt là phải trung thành và làm nô dịch cho giai cấp cầm quyền. Triều đại này suy tàn sẽ có triều khác lên thay, dân chúng sinh sản ra dân chúng, tất cả cứ tồn tại mãi. Hết phong kiến đến thực dân, hết thực dân đến cộng sản bây giờ, dân Việt cứ mãi mãi lầm than trong vòng tỏa chiết của xích xiềng nô lệ, đến nỗi ý chí chẳng còn đọng lại một mili-gam nào trong tim óc. Đó chính là hình ảnh của bõ Phúc ở buổi hoàng hôn này, miệng thốt những câu đầy hào khí can trường như con vẹt, nhưng thực chất thì “mất hết thần khí, chỉ còn trơ lại thân xác khô vắt của một kẻ già.”


3.
Lịch sử không ở tiền cảnh mà lui vào hậu cảnh, trở thành bối cảnh cho những truyện ngắn khác trong tập truyện, như Cái chết sau quá khứ; Ngôi nhà sau lưng văn miếu.

Cái chết sau quá khứ thuật chuyện một lão già khật khùng tên Chu sống trong một ngôi làng gần Thuận Hóa, có lẽ, vào thời kỳ đầu của triều Nguyễn. Cô gái tên Ngự, không biết là gì của lão bởi tác giả không nói rõ, được lão yêu thương rất mực, lão gọi cô gái là cuộc đời. Cuộc sống của lão Chu tuy chẳng có gì vui sướng nhưng âm thầm lặng lẽ trôi qua, lão sống bằng nghề vẽ tranh vì lão có biệt tài này. Thế rồi một hôm lão lên kinh đô chơi xem Hoàng thượng tế lễ tại đàn Nam Giao và lão bỗng như bị mê hoặc bởi cảnh phù hoa nơi chốn kinh thành. Lão quyết định đem Ngự đi tiến cung với hy vọng một ngày nào Ngự được vua sủng ái thì lão cũng được hưởng lây ơn phúc trạch. Nhưng Ngự chỉ được phong giai hạng áp chót trong cung và khi Hoàng thượng qua đời thì nàng bị đày lên cung Khiêm Lăng suốt đời sống khép kín như một ni sư lo việc nhang đèn cho tiên tổ triều vua. Lão Chu như điên lên, nhưng rồi lão gặp một “kẻ lạ” và kẻ này rao giảng Phúc Âm cho lão, bảo lão có vợ con bên kia đại dương. Lão thành khẩn tin chuyện đó, nhận bí tích rửa tội từ “kẻ lạ” dù sau đó lão chịu nhiều trận đòn tra khảo máu đổ thịt rơi của quan quân vì lúc đó triều đình đang cấm đạo.

Như phần nhiều truyện của Trần Vũ, truyện này có nhiều tình tiết bạo hành. Tác giả không ngần ngại sa đà phóng bút với những cảnh đâm chém nhau tàn bạo, con người như dã thú, lúc nào cũng sẵn sàng nổi cơn điên chém giết, băm vằm nhau. Nhưng ẩn nấp bên trong những con người tưởng như súc vật ấy vẫn tìm thấy khát vọng muốn sống và muốn sống như con người. Tiếng cười của lão Chu “không hẳn chỉ đơn thuần là giọng cười mà là tiếng kêu khát vọng của một loài sinh vật thèm khát thiên nhiên lẫn hạnh phúc của sự sống.”

Lão Chu không chết vì bị đâm chém, đánh đập. Lão đau đớn đến hộc máu mà chết sau khi nghe tin vợ con lão bên kia đại dương qua đời.

Tôi rất muốn nghĩ hoán dụ cái chết của lão Chu đồng nghĩa với cơn điên loạn của con người lịch sử. Vì khát vọng muốn trở thành cái gì to lớn hơn bình thường, hơn cái mình có thể là, người ta sẵn sàng tin tưởng vào những điều hoang tưởng, thậm chí phi lý, để rồi gánh chịu những hậu quả đau đớn khôn lường đem đến do sự xuẩn ngốc ngu dại của mình. Có lẽ vì thế mà Trần Vũ viết dòng chữ sau trong phần kết truyện:

Những cái chết sau quá khứ về sau vẫn tiếp tục tiếp diễn mãi cho đến tận bây giờ. Nhưng cái chết trên biển, bên kia biển, và bên này đất liền.

So với Cái chết sau quá khứ, Ngôi nhà sau lưng văn miếu ít yếu tố bạo hành hơn, nhưng không phải không có, và sự đau đớn, do tính cách phi lý và mâu thuẫn của những nhân vật trong truyện, dường như lại có vẻ sâu đậm hơn. Truyện thuật một người đàn bà sau hai mươi năm trời bỏ đi biền biệt, nay trở về ngôi nhà cũ sau lưng Văn Miếu. Ngôi nhà chừng như không thay đổi mấy ở mặt tiền, nhưng bên trong là một nấm mồ lạnh lẽo với người cha mất hồn mất trí suốt ngày ngôi lau tròng kính mắt, người mẹ ra vào im lìm như một bóng ma và người cố bán thân bất toại nằm trên sập gụ miệng thở khò khè, chờ chết.

Truyện sẽ tầm thường và sáo mòn biết mấy nếu ở đây tác giả an phận với hiện thực tả chân hay hiện thực xã hội, không tận dụng bút pháp hiện thực huyền ảo biến nó thành một thiên truyện đặc sắc!

Tôi đặc biệt yêu thích truyện ngắn này của Trần Vũ. Cùng với Cái chết sau quá khứ, nó là một trong những truyện anh viết rất sớm trong văn nghiệp. Viết lúc còn rất trẻ, nhưng với hai truyện ngắn này, Trần Vũ đã tự định hình cõi văn chương của mình. Khi xuất hiện lần đầu trên tạp chí Văn Học, truyện Ngôi nhà sau lưng văn miếu đã gây tiếng vang không nhỏ (và cả sốc nữa), làm xôn xao dư luận trong giới thưởng ngoạn văn chương cộng đồng người Việt hải ngoại thuở đó. Chính ngôn ngữ, xuyên qua một bút pháp độc đáo, lấy mặt nạ của cái khả lý đắp lên cái hiện thực tâm lý, điểm xuyết bởi những nét chấm phá của hiện thực huyền ảo, đã làm nên tác phẩm. Sự dàn dựng công phu, yếu tố bất ngờ ở phần kết truyện khi tác giả tiết lộ người đàn bà trở về chính là cô Nhài năm xưa, đã tạo sự thú vị nơi người đọc, mặc dù đấy chỉ là kỹ thuật viết.

Nụ, tên người đàn bà, và Nhài ráp lại là “nụ hoa nhài.” Họ không bao giờ già đi mà ở mãi trong quá khứ hung bạo. Nhài là bông hoa, Nụ khai sinh ra Nhài và biến thành phiên bản ác độc đến sau của Nụ. Khi nhỏ là một cô bé, lớn lên thành Việt Minh sắt máu, trả thù chính những người có công dưỡng dục mình. Có lẽ đó là ý nghĩa của hai tên Nụ và Nhài. Tuy vậy, yếu tố lịch sử, chính trị (độc lập, cướp chính quyền, Việt Minh… ) rất mờ nhạt trong thiên truyện. Ý thức luân lý lại càng không có. (Người đàn bà có ân hận về việc mình trả thù gây khổ đau oán hận suốt đời cho chính những người đã cưu mang mình không? Không hề nghe tác giả nói đến.) Tôi nghĩ đây chính là ưu điểm của truyện, bởi nếu có sự can thiệp của chính trị hay luân lý vào một tác phẩm văn học thì nghệ thuật sẽ rút lui ngay vào hậu trường để nhường chỗ ngoài sân khấu cho một văn bản tuyên truyền nhàm chán, xơ cứng, chỉ đáng làm tài liệu học tập cho các cán bộ và đảng viên ngu dốt.


4.
Với hai truyện ngắn khác, Nhã NamCánh đồng mùa gặt khô, Trần Vũ đưa chúng ta vào một khí hậu khác, một dạng thức khác của siêu hư cấu, đó là, quan hệ tương tác giữa thực tại và hư cấu, qua đó bức tường ngăn cản giữa tác giả và người đọc như bị phá đổ. Mặc dù là sáng tác, nhưng những nhân vật trong truyện và tác giả cùng hiện hữu trong cùng một môi trường và những tình huống trong truyện cho thấy một không gian nửa thực nửa không thực, có thể là một đoạn hồi ký hay ghi chép nhật ký, nhưng cũng có thể là hoàn toàn do trí tưởng tượng của tác giả dựng nên. Nhân vật trong Nhã Nam có lẽ là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, và trong Cánh đồng mùa gặt khô có lẽ là nhà văn Thế Giang – theo suy đoán của riêng tôi.

Ở những truyện này, Trần Vũ viết “hiền lành” hơn, nhẩn nha, không có chủ đích rõ rệt, hình ảnh lịch sử thi thoảng hiện ra như những câu nhạc bắc cầu cho bản giao hưởng. Lịch sử và đời sống thật chồng chéo nhau, tan loãng, như một bức tranh trừu tượng, ánh sáng mờ tối phả vào thân phận con người. Con người như những chiếc lá trong cơn giông, không làm chủ được định mệnh đời mình, cứ thế trôi giạt về những bến bờ không định trước, để rồi cái chết đứng ở ngưỡng cửa đợi chờ đón mình đi.

Trần Vũ kết thúc truyện Cánh đồng mùa gặt khô bằng một trận nhậu lịch sử. (Qua truyện ngắn này tôi tin anh còn là một chuyên gia ẩm thực có hạng.)

Trần Vũ có viết truyện tình không? Có chứ. Hai truyện tình trong tập sách này là Trưa nắng Hàm NinhPhố cổ Hội An.

Trưa nắng Hàm Ninh thuật chuyện một người đàn bà chán cảnh sống nơi thành phố, chán người chồng nhạt nhẽo, bỏ sang đảo Phú Quốc tìm một sinh khí mới cho cuộc sống. Tại đây cô gặp một người đàn ông trung niên gốc Hoa có tài làm nước mắm theo phương pháp cổ truyền. Đối với gã đàn ông, làm nước mắm là một nghệ thuật. Cái nắng nhiệt đới cháy da thịt và biển xanh rưng rức xung quanh hải đảo không làm cô nguôi ngoai nỗi buồn, cô gọi người bạn, một cậu trai nhỏ tuổi hơn, sang ở với cô. Trong khu nhà bề bộn những bể nước mắm lớn nhỏ, mùi cá tanh tưởi xông lên suốt ngày đêm, cô làm tình với cả hai người đàn ông. Cô thỏa mãn với cậu trai, nhưng với người đàn ông gốc Hoa, cô chỉ muốn ông ta chiêm ngưỡng nhan sắc và thân thể mình như một thần dân thấp hèn nhìn lên nữ hoàng trên bệ. 

Cô có tìm ra điều cô khát vọng không? Dĩ nhiên là không. Đây là nghịch lý hết thuốc chữa của cuộc sống, càng tìm kiếm ta càng sa lầy vào cõi hỗn mang, càng bị cuốn hút vào cái hố đen huyền tẫn, không mong có ngày thoát ra để trở về, như người đàn bà một hôm ra biển ngắm hoàng hôn và biến mất khỏi mặt đất.

Mô-típ một người đàn bà ở với hai người đàn ông tái hiện trong Phố cổ Hội An. Tính cách điên loạn được miêu tả ở phân cảnh gã người tình đút từng con cá cơm vào miệng người đàn bà bắt ăn sống; ở phân cảnh người đàn bà đánh đập con ở một cách vô lý và tàn nhẫn; ở phân cảnh người đàn bà dùng ánh mắt như lưỡi dao chống lại ánh mắt của mụ chủ nhà cay nghiệt và ác độc.

Sự điên loạn thường dẫn đến tự hủy. Ngoài con thiêu thân ra, tôi không rõ có một sinh vật nào khác trên quả đất trong lúc sống mà cứ nghĩ đến cái chết như con người. Nó là một xung lực khó hiểu nhất, khó giải thích nhất trong con người. Khó đến nỗi ông tổ khoa phân tâm học, Sigmund Freud, cũng chỉ biết thở dài, chép miệng, buông một câu, “Mục đích của tất cả sự sống là cái chết.”


5.
Trong thế giới truyện của Trần Vũ, thực tại bị ảo hóa. Nói cách khác, sự hiện hữu của con người hay vũ trụ xung quanh hắn có vẻ như chỉ là những hình ảnh hư huyễn, mông lung, phi thực. Nó tan chảy trong một không gian bất định, bấp bênh, không có chỗ bám víu, không có chủ đích và cũng chẳng thấy đâu là mục tiêu cho hắn nhắm tới. Nó là một thực tại không đường biên, không ranh giới, một thực tại mở bởi đang hiện hữu ở cõi thực, thoắt cái nó có thể biến ngay vào cõi ảo, thực và ảo là một, ta chẳng thể nào biện biệt sự việc xảy ra là chân lý hay phi lý hay khả lý, tất cả hòa quyện vào nhau trong một thế giới dị thường, phi chiều kích, phi thời gian.

Truyện Trần Vũ mở ra một vấn nạn rất quan trọng, đó là câu hỏi chúng ta phải nhận thức thực tại như thế nào. Thế nào là thực, và thế nào là ảo. Thực tại có thể vừa là thực vừa là ảo được không?

Theo quan niệm duy lý cổ điển thì thực tại vốn là khách quan, hoàn toàn dửng dưng, tách rời với con người. Nhưng cái nhìn biểu kiến đó ngày nay bị xem là lỗi thời, không chính xác nữa, và có nhiều lý thuyết, như lý thuyết Lượng tử, đưa ra cái nhìn mới mẻ hơn về thực tại.

Riêng trong mắt nhìn nhà Phật thì mọi hiện tượng không có tự ngã. Bản thể của hiện tượng là vô ngã, cái ngã của nó là do vọng tưởng của tâm biến nó thành thức. Tâm mang một ý nghĩa chủ quan và nó chủ động trong việc hình thành, thị hiện bất cứ điều gì gọi là thực tại. Bởi thế, thực tại có thể là thực nhưng cũng có thể là ảo.

Ta nên đọc Trần Vũ từ góc độ này để thấy thực tại trong thế giới truyện của anh không mang tính cách hoang đường, vô nghĩa. Bởi chỉ văn học, chỉ văn học mà thôi, mới mở rộng cánh cửa cho ta đi vào nghệ thuật và nhân sinh bằng con đường lạ lùng đầy khích động đó.

Kỳ thực, ít ai đặt vấn đề thực hay ảo trong văn học. Bất cứ một tác phẩm văn học nào đều ít nhiều, kín đáo hay lộ liễu, hàm chứa một chiều kích ảo bên cạnh chiều kích thực hiển nhiên. Các tác phẩm kinh điển của Tây phương từ thời Trung đại như Canterbury Tales, Don Quixote đều thế. Bước sang thế kỷ XX, xu hướng này càng được khai thác triệt để, từ Franz Kafka đến Milan Kundera, từ Gabriel García Márquez đến Salman Rushdie, từ Kurt Vonnegut đến Jasper Fforde… Thậm chí ông anh cả của hiện thực phê phán/ xã hội, văn hào Honoré de Balzac, cũng có lúc tạm quên những vấn đề rối rắm của xã hội Pháp đầu thế kỷ XIX để viết cuốn tiểu thuyết La Peau de chagrin thuật chuyện ma cùng những hiện tượng kỳ bí không giải thích được. Và bên trời Đông, tôi không tìm thấy bộ truyện nào đọc hoài không chán như bộ Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh.

Trần Vũ thực chất là một người kể chuyện. Anh hiếm khi đưa tư duy vào truyện, mà theo thứ tự lớp lang kể hết chuyện này sang chuyện kia, và gần như không có những đoạn chuyển mạch. Kỹ thuật này làm tôi liên tưởng đến một Gabriel García Márquez thâm u, rùng rợn nhưng hấp dẫn, như miền đất Nam Mỹ phong nhiêu, hoang dại của ông.

Cho dù viết về lịch sử hay cuộc sống hiện đại, văn chương Trần Vũ va chạm, bằng cách này hay cách khác, đến những căn bệnh trầm kha của con người, tự kỳ thủy cho đến ngày nay: sợ hãi, điên loạn, tha hóa, cô đơn, cô độc, tự hủy… Anh định nghĩa, “Viết văn là một hành động đi săn. Săn nhân sinh, săn chính mình. Mỗi nhà văn đích thật là một thợ săn.” Câu nói được dùng làm lời thiệu cho truyện Cuộc săn thú vô hình của nhà văn An Nam, một truyện ngắn kỳ ảo, mang hơi hướm thần thoại mặc dù bối cảnh là hiện đại. Nhưng tất cả những chuyện “hô phong hoán vũ” trong truyện chỉ là cái cớ để anh nói về tính cách “đi đến tận cùng” của nhà văn. Đi đến tận cùng để biết đâu một lúc nào đó ta nhìn ra cái ẩn mật của nhân sinh mà trước đó chưa từng được nói đến.

Văn học mở cánh cửa cho chúng ta nhìn vào con người như cái gì vừa trong suốt vừa kỳ bí, vừa nhân từ vừa tàn độc, vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ, vừa minh triết vừa điên loạn, vừa cao cả vừa đớn hèn, vừa yêu thương vừa thù ghét. Đó là lý do vì sao văn học thường phẫn nộ, phẫn nộ nhưng vẫn bao dung và nhân ái. Sau khi gấp lại trang sách, câu hỏi vương vấn trong trí óc ta như một mùi hương, hỏi để hoàn tất tác phẩm chứ không phải để tìm kiếm đáp án hay câu trả lời.

Song bạn có thể lắc đầu bảo văn chương Trần Vũ tàn bạo quá, nhiều máu đổ, nhiều thù hận, thù ghét quá, con người bình thường như chúng ta đâu đến nỗi kinh khiếp đến thế.

Có lẽ tôi đã đồng ý với bạn, nhưng tôi chợt nhớ đến câu nói của ông nhà văn Argentina, Roberto Arlt. Ông này bảo, “Con người tàn bạo một cách vô lý như loài trăn, loài beo, loài cá piranha.” Và, bạn hẳn nhớ câu nói của Tuân Tử, “Nhân chi sơ, tính bản ác.” Tôi nghĩ Tuân Tử đúng, chứ không phải Mạnh Tử. Cái ác nằm trong DNA con người từ thuở hắn mới bắt đầu là homo sapiens, có lẽ homo erectus, không chừng. Ác để tồn sinh theo quy luật tự nhiên chứ nào ai muốn thế. Và một triệu rưỡi năm tiến hóa chỉ là một sát-na trong biến trình vũ trụ, chưa thể xóa tan cái ác được.


6.
Văn Trần Vũ cô đọng, trau chuốt nhưng không làm dáng; hiện đại vì không áp dụng những biện pháp tu từ duy mỹ, tuy thấp thoáng phong cách cổ điển; sử dụng nhiều hình ảnh; có nhạc tính. Với vốn từ vựng phong phú, anh dụng công chọn lựa chữ nghĩa để tạo khí hậu truyện, chẳng hạn, khi nói về những cơn mưa đất Thuận Hóa, anh gọi là mưa “tầm thu;” miêu tả ngôi nhà của Trần thị, anh viết, “khoảng sân huyễn hoặc, lót đá vân lọt thỏm giữa lòng nhà lưa thưa nắng.”

Quyện lẫn những câu chữ tả cảnh đôi lúc đẹp nao lòng là những đoạn thuật chuyện máu đổ thịt rơi khiếp hãi, tất cả anh viết bằng thứ văn phong “nội lực âm kình,” như thể chẳng có gì khác biệt giữa cái đẹp và cái xấu, giữa nên thơ và khốc liệt, giữa nhân từ và hung bạo.

Trần Vũ nắm vững thủ pháp cùng bút pháp truyện ngắn. Đọc truyện ngắn Trần Vũ là để nghe “cái hồn” của chữ nghĩa, chữ nghĩa như được thổi bùa phép làm sống dậy vẫy vùng, quẫy đạp. Trần Vũ dẫn người đọc vào truyện như một cơn lốc dữ phá toang cửa ập vào nhà. Người đọc cảm nhận ra ngay tức khắc điều gì sắp tới, nhưng vẫn hồi hộp chờ đợi một biến cố bất ngờ đang mở ra phía trước.

Như nói ở phần đầu, đọc Trần Vũ, you either love it or hate it! Tôi thú nhận là tôi đứng về phe “love it.”


Trịnh Y Thư