Nhà văn Cung Tích Biền và tác phẩm
Trong tuyển tập “Đành lòng sống trong phòng đợi của lịch sử” nhà văn Cung Tích Biền đã cảm nhận đời mình là “đời hoa sương cỏ” và ông đang đi cho hết một đời hoa sương mỏng manh, bé nhỏ ấy. Tuyển tập này ghi lại toàn bộ các cuộc phỏng vấn ông và là 1 trong 5 cuốn sách được ra mắt hôm nay. Bốn đứa con tinh thần khác của ông được trình làng là “Nhạc điệu của bầy Ong”, “Bạch hoá”, “Thằng Bắt Quỷ”, và “Mùa xuân cô mơ Bay”.
Một sáng Thứ Bảy, giữa mùa thu Cali của quận Cam, quán Café & Té xinh xắn, thanh nhã được đón tiếp rất nhiều bằng hữu của Cung Tích Biền đến tham dự buổi ra mắt sách rất đặc biệt này. Đặc biệt là vì ông chưa từng ra mắt sách tại VN hay bất cứ nơi nào trước đây. Buổi RMS được tổ chức với mục đích chính là giới thiệu sách mới in cùng bạn bè đã lâu không được gặp nhau, nên không có người ngoài tham dự.
Từ sáng sớm nhà văn Đặng Thơ Thơ và hoạ sĩ Paulina Đàm đã có mặt để giúp bà Hoàng Thị Kim là phu nhân của nhà văn Cung Tích Biền sắp xếp mọi thứ, sẵn sàng cho một buổi ký sách và đón tiếp bạn bè. Nhiều nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ và cả ca sĩ cũng có mặt. Những hiện diện ghi nhận được phía các nhà văn gồm có: Nhã Ca, Đặng Thơ Thơ, Phạm Phú Minh, Bùi Vĩnh Phúc, Trịnh Y Thư, Phạm Quốc Bảo, Vương Trùng Dương; phía các nhà thơ có Đặng Phú Phong, Thành Tôn, Phan Tấn Hải, Lê Giang Trần, Lê Đình Nhất Lang; bên hoạ sĩ có Nguyễn Đình Thuần và phu nhân, hoạ sĩ Paulina Đàm, cùng sự góp mặt của nhà báo Thanh Huy; ca sĩ Thu Vàng và phu quân Thân Trọng Mẫn. Một vài người bạn thân như Mai Tất Đắc và phu nhân, Lê Phước Bốn, Lê Hùng, Nguyễn Hà và phu nhân, Nguyễn Thị Phương Lan là em gái nhà văn Phùng Nguyễn và phu quân là Thắng….
NV Đặng Thơ Thơ là người chủ trương diễn đàn văn học Da Màu đã mở đầu và giới thiệu mục đích cùng ý nghĩa của buổi RMS.
“Hôm nay 16 tháng 10 là kỷ niệm đúng 5 năm ngày nhà văn Cung Tích Biền đến Hoa Kỳ và in được sách tại đây, những cuốn mà ông không thể nào xuất bản được trong nước. Năm cuốn sách chúng ta đang cầm trên tay là bằng chứng của tự do sáng tác, tự do ngôn luận. Năm nay cũng đánh dấu 65 năm cầm bút và 55 năm viết văn dưới bút danh Cung Tích Biền của ông. Tôi nhớ mình đã đọc đâu đó là ‘Rất dễ để trở thành một nhà văn, nhưng không dễ để tiếp tục là một nhà văn’. Do đó làm nhà văn trong suốt 65 năm, điều này khó khăn vô cùng, vậy mà anh Cung Tích Biền đã làm được…”
Nhà văn Cung Tích Biền đã nói vài lời cảm ơn bạn bè cùng quan khách đã đến chung vui và tiết lộ ông sẽ in và ra mắt thêm 5 cuốn nữa vào tháng Tư năm tới. Ông cũng tâm sự, “Đây là lần đầu tiên tôi RMS trong đời viết lách. Sách tôi phát hành ở VN, tôi phải in chui và không xin giấy phép của nhà nước vì nếu in họ sẽ cắt bỏ hết mà còn bị bắt nữa. Cho nên viết ở VN cực kỳ khó, tôi phải thành lập nhà xuất bản Một Mình, có nghĩa là một mình mình làm tất cả, và mỗi lần chỉ in được 40 cuốn. Qua đây tôi được tự do in và RMS như hôm nay thật là một hạnh phúc vô cùng lớn lao.”
Nhà văn Nhã Ca thua CTB có hai tuổi là một bạn văn cùng thời với ông, bà đã kể rằng, “Trước 1975, tụi này đã có cùng một thời đọc và viết sách. Tôi có đọc sách anh ấy rất nhiều, nhưng sau 75 không còn gặp nhau nữa. Gần đây, anh mới qua Mỹ, tôi mới được gặp lại. Giờ thấy anh in sách, thật vui, tôi lại có dịp đọc sách của anh.”
Văn chương của CTB được đăng trên trang mạng Da Màu rất nhiều. Tôi có hỏi nhà văn Đặng Thơ Thơ nghĩ gì khi đọc văn của ông. Chị cho biết:
“Cái đặc biệt làm nên cõi văn chương của ông là một tâm cảm, một linh thức rất nhạy bén và xuyên suốt thời cuộc của ông, và có thể đi trước tương lai nữa. Nếu chúng ta đọc lại các tác phẩm ông viết từ khoảng thời điểm 65-68 tới bây giờ thì dự cảm của ông vẫn đúng trong bối cảnh chung của lịch sử dân tộc. Ông có kiến thức sâu rộng về nhiều mặt, một văn phong đặc thù và kỹ thuật viết dùng dụ ngôn khiến người đọc nhận ra ngay. Ông am hiểu Hán học và vân dụng ngôn ngữ rất uyên áo để tạo ra một cõi văn chương riêng biệt. Tôi nhớ Đinh Từ Bích Thúy đã viết một tiểu luận về Cung Tích Biền, và trong đó có câu: ‘Văn chương CTB là sự nhìn thẳng vào mặt trời và cái chết.’ Chúng ta biết đó là một hành động nguy hiểm, nhưng phải chấp nhận đối mặt với nguy hiểm mới có thể viết được các tác phẩm như thế này. Có thể nói, qua 65 năm cầm bút, Cung Tích Biền đã duy trì được phẩm tiết và vai trò nhân chứng lịch sử của mình qua hành động viết văn. Sứ mệnh mà ông đặt ra cho chính mình không đơn giản. Đó là gì ? -Đó là “bạch hoá” và “bắt quỷ”. Mục tiêu đó đặt ông vào vị thế đối kháng với tất cả mọi thứ. Ông phải là một nhà văn độc lập mới làm được điều đó. Truyện của ông luôn có sự chia đôi, lưỡng cực, phân thân theo hai hướng khác nhau. Nhưng giữa những cực đối nghịch ấy có vô vàn những khả thể khác. Ông thao túng trong những khả thể giữa hai thế đối nghịch ấy.”
Buổi RMS với đông đảo các người cầm viết, khiến tôi thấy rất vui và rộn ràng nên vừa nhìn được nụ cười tươi của nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc sau nhiều năm gặp lại, tôi hỏi liền:
“Hôm nay là ngày nhà văn Cung Tích Biền ra mắt sách, theo anh sự hồi sinh của in ấn và RMS, có làm sống lại tinh thần hay cảm hứng cho những người mới cầm viết hay đã từng viết lâu nay không?”
“Tôi nghĩ chuyện RMS cũng là một trong các khía cạnh của đời sống văn học. Chúng ta phải có những buổi RMS thế này để làm lên men không khí văn học. Ngoài việc giúp cho các tác giả có cơ hội đến gần và tiếp cận người đọc, nó cũng tốt cho những bạn văn, những người viết sách khác, vì nó tạo cho họ dịp gặp gỡ, hàn huyên, thăm hỏi, hỗ trợ nhau, nhất là sau những ngày đại dịch và cách ly dài hạn vừa qua. Đồng thời, khi bạn bè thấy được cái đẹp của sự RMS, họ cũng được “lên men”. Và hy vọng điều ấy đưa đến những sáng tác khác của những người cầm bút nói chung. Tất cả tạo được sự nâng đỡ và kích động tinh thần nhau lên.”
Tôi hỏi thêm:
“Anh là một nhà thơ, người viết phê bình và nhận định văn học. Nếu anh đã từng đọc qua tác giả Cung Tích Biền, xin anh cho biết cảm nhận riêng của anh về sách và truyện của ông.”
“Trong một câu trả lời ngắn gọn, tôi khó có thể trình bày rõ ràng được. Tuy nhiên, nói chung tôi thấy anh Biền là một người viết đặc biệt, có sức viết mạnh và dẻo dai. Nói riêng về đề tài viết, anh trình bày được cái nhìn và thân phận của con người Việt Nam trong lịch sử, trong chiến tranh, trong “guồng máy”, trong cái máy xay của cuộc chiến, kéo dài từ 1946 đến mãi về sau. Một thân phận ‘vỡ máu’. Anh có một ngôn ngữ riêng, và anh sai sử được ngôn ngữ ấy của mình. Dù đồng cảm, không đồng cảm hay chưa cảm thấy gần gũi với các sáng tác của Cung Tích Biền, thì sự góp mặt của anh trong đời sống văn học là rất rõ rệt. Anh đã đóng góp nhiều nỗ lực đáng quý và tạo được một dấu ấn riêng trong dòng văn học Việt Nam, trước và sau 1975, trong cũng như ngoài nước.
Vừa thấy thi sĩ Thành Tôn đứng gần đấy, tôi xà vào hỏi liền, vì biết ông là một người nhân hậu, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người, khi họ cần đến. Tôi rất quí mến ông.
– Chú là 1 người đọc và sưu tầm sách rất nhiều, chắc chắn chú đọc Cung Tích Biền kỹ và sâu, và chú sở hữu sách của ông, chú nghĩ sao về văn chương của ông?
– Đây là ý kiến riêng của tôi thôi nhe. Nói về Cung Tích Biền thì phải nói nhiều lắm nhưng tôi chỉ đặt một vấn đề rất quan trọng thôi: Cung Tích Biền là một trong những người viết truyện ngắn hay nhất miền nam Việt Nam còn tồn tại đến bây giờ. Hay vì ông viết về nhiều khía cạnh, có cái nhìn xoáy sâu vào các điều căn bản của xã hội. Tôi là một người sống qua và tôi thấy đúng. Tôi có lưu giữ nhiều sách của ông in bên Việt Nam và tôi có đưa lại cho ông những cuốn ông bị thất lạc.”
Nhà thơ Phan Tấn Hải cũng đồng ý rằng Cung Tích Biền viết truyện ngắn hay mà đây cũng là đặc điểm của một số bạn xứ Quảng mà ông có giao tình bạn bè. Phan Tấn Hải rất khâm phục các bạn đó làm thơ và viết truyện hay.
Sách mới, độc giả quan tâm có thể đặt mua ở email: info@thaothao.net
Trịnh Thanh Thủy
Tiểu Sử ngắnCung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao. Sinh ngày 8 Tháng Hai 1937, khai sinh ghi 1938 tại Quảng Nam. Định cư Hoa Kỳ năm 2015. Học Quốc Học Huế, Đại học Văn khoa Huế, Đại học Luật Sài Gòn. Khởi nghiệp văn khá sớm. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Hành chánh Tài chánh khóa 10. 1970 là giảng viên Trường Sĩ quan Hành chánh. Lập gia đình năm 1972. Giải ngũ năm 1973, cấp bậc Đại úy. Giáo sư Thỉnh giảng Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà [Đà Nẵng].Là một nhà văn độc lập. Có truyện và thơ đăng trên các báo từ 1958, với nhiều bút hiệu lúc ban đầu [Chương Dương, Việt Điểu, Uyên Linh] trước khi có bút hiệu Cung Tích Biền là tên của các anh chị gộp lại. Bút hiệu Cung Tích Biền xuất hiện lần đầu tiên tên tuần báo Nghệ Thuật [tháng 3-1966] tại Sài Gòn, với truyện ngắn Ngoại Ô Dĩ An và Linh Hồn Tôi. Có tác phẩm dịch sang ngoại ngữ, in chung với nhiều tác giả.