Hắn trở lại thành phố đó vào giữa tháng 10 dương lịch. Đến cái quán cà phê nhỏ, quán cũ ngày xưa hắn thường đến, hắn ngồi tại một chiếc bàn đặt ở ngoài trời bên dưới một cây thông khá cao, cành lá xanh tươi, rậm rạp. Ngày hắn đi, cây thông chỉ cao xấp xỉ cái mái hiên trước của cái quán thấp này. Nay cây đã lớn, hắn cũng đã trên 40 tuổi. Cây cối và con người rốt cục cũng rủ nhau cùng đi về một nơi nào đấy nhỉ, hắn tự hỏi. Nếu không đi trong không gian thì cũng trong thời gian.
Buổi chiều âm u. Lạnh. Mùa thu đến nơi đây có lẽ đã lâu rồi, hắn nghĩ. Và cái quán cũ này khiến hắn nhớ Thảo, cô gái xinh đẹp, dịu dàng, giọng nói thủ thỉ vuốt ve. Và cặp mắt. Quá khứ hiện về rõ dần. Thảo, cô gái đó, đã có lần theo hắn tới cái quán này, ngồi với hắn trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, rồi đứng dậy bỏ đi vì một câu hỏi mà sau đó hắn lấy làm tiếc đã hỏi. Cô ta đi về nhà một mình, không nói gì thêm nữa, nhưng hắn biết cô không muốn hắn đi theo dù một bước. Hồi đó hắn rất buồn và giận cái cô nàng ưa trở chứng đó. Bây giờ nghĩ lại, hắn thấy tự giận mình hơn. Và hắn cũng tự thấy mình ưa kèn cựa. Lại thường phân vân, lừng khừng. Suy nghĩ thì lôi thôi, rối rắm. Cũng vì vậy bạn bè hắn bảo hắn là thằng khó chơi.
Sau những biến động của thời cuộc cũng như trong lòng người, sau một thời gian khá dài sống ở nước ngoài, lần đầu tiên hắn trở về nước. Từ Sài Gòn hắn lấy ngay vé xe hành khách chuyến sớm nhất để trở lại thành phố cũ này. Thành phố cũ? Hắn liên tưởng đến một câu hát trong một ca khúc, con sông xưa, thành phố cũ. Trong bài hát nào đấy nhỉ, có lẽ là bài Về Miền Trung của Phạm Duy. Lòng bỗng bồi hồi. Ô, mà, cái thành phố hắn sắp trở lại làm gì có sông. Chỉ có hồ thôi, cái hồ sương mù vẫn thường đi về trong trí nhớ của hắn.
Ngồi trên xe, hắn lẩm nhẩm hát nhiều lần câu hát đó trong khi nhìn lại cảnh vật hai bên đường. Có nơi còn thấy quen thuộc, lòng lại nao nao, có nơi trông lạ hoắc đến ngỡ ngàng. Hắn lại nghĩ đến một nhân vật trong chuyện huyền thoại của phương Tây mà hắn đọc từ hồi còn đi học. Chàng đã trải qua 10 năm chinh chiến, và thêm 10 năm lưu lạc, nhớ nhà quá, bằng mọi cách tìm đường trở về quê hương thân yêu cũ. Xa nhà lâu ngày, nay chàng trở về, không còn một ai nhận ra chàng kể cả người vợ sắt son chờ đợi. Có người còn muốn trừ khử chàng cho rảnh. Trừ con chó đã già và đánh hơi giỏi.
Không, hắn không trở về trong cái tư thế đó. Mà là như một kẻ mong về tìm lại những quãng thời gian rời rạc đã mất, dù biết rằng khó tìm thấy. Mà vẫn cứ về. Rồi lại ra đi, chứ không như anh chàng trong câu chuyện. Và hắn nghĩ rằng biết đâu hắn sẽ lại quay trở về nữa, sau chuyến này. Tại sao nhỉ? Thì còn phải đi tìm nhiều thứ khác đã bỏ sót mà lần này ít thì giờ và vội vàng quá. Như một kẻ chôn giấu, hay bỏ quên, một kho tàng trên một hoang đảo thất lạc. Câu ví von trịnh trọng khiến hắn cười ra tiếng.
Cho nên, trong chuyến này, một chút vương vấn nào của quá khứ hắn cũng sẽ vồ vập như của quý. Riêng đối với Thảo, những buồn giận cũ đã phai đi với thời gian, trong khi kỷ niệm, dù ít ỏi, vẫn canh cánh bên lòng.
Xe bắt đầu leo đèo. Hành khách ngồi cạnh hắn bắt đầu ngủ gà ngủ gật, hắn cảm thấy thoát nợ. Cái anh chàng cà chớn này cứ ưa hóng chuyện. Hắn im lặng không trả lời vẫn bị tên đó đưa tay khều khều, rồi ba hoa chích choè. Không lẽ mình lại nổi cáu. Hắn đi du lịch một mình khá nhiều bằng xe đò. Nhiều lúc hắn muốn ngồi yên nhìn cảnh vật hai bên đường. Hoặc ngồi yên suy nghĩ vẩn vơ. Không muốn bị ai quấy rầy. Với hắn, ngồi trên xe đang chạy là dịp tốt để hắn sống riêng cho mình, không một con mắt nào có thể đuổi theo dòm ngó. Hơn nữa, hắn cảm thấy cái chuyển động bên ngoài giúp hắn sống đời sống bên trong một cách dễ dàng hơn. Trái lại, ở nhà, nhiều lúc ngồi trước cái bàn hàng giờ, đầu óc khô cứng, rỗng tuếch.
Xe đã qua khỏi con đèo khá dài và khá dốc, trở lại chạy nhanh trên con đường có nhiều đoạn băng qua rừng thông trùng điệp. Anh chàng bên cạnh đã tỉnh ngủ, may thay, ngồi yên. Có lẽ nhận ra vẻ mặt lạnh lùng của hắn.
Hắn nhớ. Hôm đó, sau khi Thảo bỏ đi, hắn mới thấy phần lỗi do hắn gây nên mới là đáng trách. Vì thật ra, nói cho cùng, Thảo có lỗi gì đâu. Hơn nữa, sau cái “biến cố” ấy, Thảo đã có chọn lựa dứt khoát. Nàng đã lặng lẽ và ngoan ngoãn đi theo hắn tới quán cà phê. Thế là tốt đẹp lắm rồi. Nhưng sao hắn lại còn muốn nhắc lại chuyện không đáng nhắc. Lại giở giọng xa xôi, bóng gió! Nghĩ tới, rồi nghĩ lui cái tình huống oái oăm đó, hắn muốn quẫn trí. Để bớt bứt rứt, hắn buông xuôi một câu, Ô chuyện tình cảm thì làm sao tránh khỏi những cái lằng nhằng, cù cưa. Hơi đâu mà phân tích, mà lý sự cùn... càng làm rối rắm thêm.
Chờ Thảo đi một chốc, hắn rời quán đi theo xa xa. Cái dáng đi đó, đầu hơi cúi gầm, tóc loà xoà, không quay nhìn ai cả, hai tay thu vào trước bụng, người hơi khum khum và vai hơi run run, vì lạnh hay vì giận, những bước ngắn và chậm, và dùng dằng, như hờn dỗi.
Sao mà buồn thế! Cái gì buồn? Thảo hay hắn buồn? May mà chưa mưa.
Khi cô nàng đến nhà, sợ Thảo quay ngang người nhìn thấy, hắn vội đứng lại nép đằng sau cột đèn điện đường. Hắn mong rằng rồi đâu cũng vào đấy, rồi ngày mai, ngày kia hắn sẽ tìm cách gặp lại nàng, sẽ “giảng hoà”. Hai người sẽ lại cùng đi bên nhau dưới những cơn mưa rất nhẹ. Đang mùa mưa.
Nhưng chuyện đời nhiều khi nằm ngoài mọi dự kiến. Miền Nam sụp đổ nhanh chóng. Trong cơn hỗn loạn, hắn không tìm được Thảo. Và đi không một lời từ biệt.
Hôm nay quán vắng. Quán trông già mua và tiều tụy hơn xưa, trong khi tất cả những hàng quán nằm kề đấy đều có bộ mặt mới mẻ, có cái được khơi lên thành nhiều tầng. Cái quán cũ này vẫn đứng chênh vênh, lạc lõng trên một dải đất nhỏ và cao từ đấy nhìn ngang thấy con đường nhựa nằm vắt xuống dưới xa gặp một một con đường khá lớn và khá đẹp, với hàng cây anh đào mà người địa phương gọi là cây mai, hay mai rừng, chạy ven theo, bao quanh chiếc hồ lớn trước kia thường lẫn trong sương mù. Nay thời tiết đổi thay nhiều, sương mù đâm ra hiếm hoi ngay cả trong sáng sớm hay lúc chiều tà. Theo con đường nhựa đó, nếu đi ngược lên, sẽ băng ngang qua hông ngôi chợ của thành phố.
Hắn ôn lại từ đầu.
Lần đó, hai người mới quen nhau, cùng Thảo đi thong thả từng bước trên một lối đi nhỏ và dốc, dưới làn mưa nhẹ như sương, và cùng che chung một cái dù. Nàng nói:
“Đứng lại đây một chút nghe anh. Để em chỉ anh cái này. Từ cao nhìn xuống, trông nó giống chiếc đàn dương cầm. Giống lắm anh ơi.” Giọng nói hơi kéo dài pha chút nũng nịu làm duyên cố ý. Hai người dừng chân. Hắn hỏi:
“Cái gì giống chiếc đàn?”
“Cái chợ,” nàng vừa nói vừa đưa tay chỉ. “Anh có thấy như em không anh?”
Hắn không vội trả lời ngay, còn tỏ ra muốn ân cần nhắc nhủ:
“Em đừng chìa tay ra. Ướt hết.”
Hắn cầm nghiêng chiếc dù để có thể che kín cho Thảo trong khi nàng cũng hơi nghiêng người vào hắn. Hắn nghe thấy hơi ấm, dù hai người chưa chạm vào nhau. Hay là hắn tưởng tượng như thế. Thoang thoảng mùi son phấn lẫn mùi con gái khó phân biệt. Nghe cả hơi thở rất nhẹ của nàng phả vào cổ của hắn. Phần hắn, mưa như thế này ăn thua gì, khi lòng hắn đang dậy lên những đợt sóng âm thầm, xôn xao. Đồng thời, hắn cũng nghe mưa thấm vào vai qua lớp áo ấm ngoài và áo trong. Mưa nhỏ nhưng đi lâu dưới mưa cũng ướt. Người con gái dường như có gì vui trong lòng, chốc chốc cười khúc khích. Vài giọt mưa đậu long lanh lên mớ tóc bị gió tạt nhẹ bay đu đưa trước đôi mắt và khuôn mặt của nàng.
Lần đầu tiên gặp Thảo, hắn ngẩn ngơ trước khuôn mặt xinh đẹp ấy. Những lần sau, hắn mới nhận ra rằng Thảo đẹp hẳn lên nhờ đôi mắt. Đôi mắt to, tròng trắng màu xanh nhạt như màu trứng chim sáo, tròng đen như có lớp nhung thật mỏng và thật êm bao phủ. Đôi mắt huyền ảo ẩn sau rèm mi khá dài và dày. Mắt mở lớn, khuôn mặt liền tỏa sáng cho cả một vùng. Khi rèm mi khép xuống lưng chừng, đôi mắt bỗng âm u, khuôn mặt bỗng thoáng sầu muộn. Thường thì vuốt ve, mơn trớn.
Nhưng, hắn lại nghĩ. Mình giàu tưởng tượng quá chăng? Hay Thảo biết mình ưa nhìn trộm nên đã khéo kín đáo điều khiển cặp mắt cho nó mang nhiều vẻ, nhiều sắc.
Thảo nói tiếp, giọng nói càng ấm áp:
“Coi kìa, em không sao cả nhưng anh bị mưa ướt thì có. Cái vai anh ướt rồi. Này, anh chưa trả lời em đó, nó có giống không hả anh? Mà ...”
Bỗng nàng khựng lại, sửa lại dáng đứng, và ngoảnh mặt như muốn tránh một cái gì. Một anh chàng trẻ tuổi, có lẽ trẻ hơn hắn, cao ráo, nhẹ nhàng, phục sức gọn gàng, cái quần jeans xanh nhạt, cái áo da láng màu đen loang loáng nước mưa, đi ngược chiều trên cùng lối đi, đầu trần, tóc bị mưa ướt dán vào trán. Anh chàng này tự nhiên nhìn nhanh vào Thảo kèm theo một nụ cười nhếch mép khó hiểu. Và tiếp tục bước nhanh. Hắn ngạc nhiên nhìn theo anh chàng ấy, rồi kín đáo nhìn lại Thảo. Nàng cau mày, mặt sa sầm. Hắn hơi bỡ ngỡ. Bỗng Thảo nói hơi lắp bắp:
“Sao lại ... đứng hoài ... ở nơi này? Anh ơi, đi đi chớ.”
Hắn định trả lời, thì nàng đã nói trước, hơi gắt, khác hẳn cái nhỏ nhẹ thường lệ:
“Mà... mà sao anh không chịu trả lời em?”
“Ủa, trả lời chuyện gì vậy?”
“Chuyện cái chợ. Cái chợ trông có giống hay không. Nhưng thôi... Em không cần... không cần che dù nữa.”
Nói xong, nàng bước đi trước, đưa hai bàn tay khum lại che lấy tóc. Mưa rất nhẹ bay bay.
Hắn cụp nhanh cây dù lại, kẹp nhanh vào nách, quay ngoắt nhìn theo hướng tay nàng chỉ hồi nãy. Vừa đi vừa nhìn, nhìn cho có nhìn, hắn cũng thấy nó giống lắm. Nhất là cái mái hiên trước nằm phía dưới và chìa ra và chạy song song với cái mái trên, trông như cái bàn phiếm đàn dương cầm, một chiếc đàn dương cầm khổng lồ không chịu phát ra tiếng nhạc thánh thót, dìu dặt, mà là tiếng nói cười lẫn lộn tiếng la hét văng vẳng xa xa từng hồi. Nén cái khó chịu trong lòng xuống, hắn bước vội tới kịp Thảo, đặt tay nhẹ lên vai nàng, hỏi nhỏ:
“Em quen cái anh chàng đó hả?”
“Anh nói cái gì, em không nghe rõ?”
Hắn buột miệng:
“Không.”
Nàng cau mày, im lặng.
Mưa nhẹ hẳn, ngớt dần, và tạnh. Con đường dốc lát sỏi, đá, cát, chỉ ướt phơn phớt. Chưa trơn trượt. Tiếng chân hai người giẫm lên đường nghe rào rạt. Không hiểu sao, hắn nghĩ rằng cái âm thanh ấy sẽ sống lâu trong tâm trí của hắn. Lòng nao nao.
Cơn mưa như sương mơ hồ rơi xuống, chốc có chốc không, theo những cơn gió vu vơ. Rời bỏ lối đi đó, băng qua con đường nhựa, hắn đưa Thảo đến quán cà phê hắn thường tới. Nàng đi bên cạnh như cái bóng theo hình, lặng lẽ, ngoan ngoãn. Hai người không nói với nhau một lời. Hắn thầm nghĩ tại sao mình buột miệng trả lời, “Không”. Phải chi mình cứ mạnh dạn lặp lại câu hỏi, Em quen cái anh chàng đó hả? Môn ra môn, khoai ra khoai.
Tới nơi, hắn kéo chiếc ghế cho Thảo ngồi ở cái bàn đặt bên ngoài quán, dưới cây thông quen thuộc. Và hắn ngồi xuống đối diện với Thảo.
Đã từ lâu, ngay cả khi chưa gặp Thảo, hắn vẫn thích ngồi bên ngoài quán cạnh cây thông, dù đến đó một mình hay với bạn bè. Với hắn, uống ly cà phê là phụ. Cái chính là hãy thư thả lắng nghe những giọt cà phê rơi tí tách từ cái lọc xuống cái tách, chậm rãi và hờ hững, để quên bớt những bon chen giành giật của cuộc sống, những tiếng bom đạn gầm gừ của cuộc chiến, để nhìn ngắm trời đất bao la, để, như thể tạm dừng chân trên con đường đời dù ngắn, dù dài, được dịp đóng vai một kẻ đứng bên lề. Nhiều lúc hắn thích đứng bên lề cuộc sống buồn nản, bên lề cuộc chiến vô vọng, mặc cho người khác, cho bạn bè, lo toan những gì cần lo toan.
Từ đấy ngước mắt lên hắn trông thấy người ta và xe cộ qua lại miên man trên con đường thuộc khu phố nằm ở vị trí cao hơn, đằng sau là hàng thông xanh biếc, đằng sau nữa là trời mây. Hay ngoảnh mặt nhìn xéo thấy dáng núi xa quen thuộc, thân yêu, trông giống như hình ảnh người thiếu phụ nằm ngửa mặt nhìn trời, hai cái vú nâng cao. Tất nhiên hôm đó trời mù mịt nhưng hắn có thể thấy tất cả mọi hình ảnh trong tâm trí, không cần chút tưởng tượng nào cả. Hay quay nhìn con đường vắt xuống dưới kia, như đã nói, và xa xa là cái hồ thấp thoáng sau mấy chòm cây đứng thu mình cho bớt lạnh, mà giờ này cũng đã khuất trong bóng chiều. Còn nhìn gần? Chiếc đàn dương cầm khổng lồ của Thảo.
Nàng phá tan sự im lặng khó chịu:
“Anh, vào trong kia đi anh.”
“Hả? Sao lại vào trong kia?”
Nàng không trả lời. Hắn chợt nghĩ đến anh chàng “hào hoa phong nhã” gặp lúc nãy, cái bực tức bỗng dưng nổi lên. Hắn nén giận, gằn giọng:
“Hay là em, em sợ ... em sợ ...?”
“...?”
“Ừ, muốn vào thì vào.”
Nàng lại cau mày khó chịu. Hắn uể oải đứng lên trước, chờ. Bỗng Thảo đổi ý:
“Thôi, lần khác rồi cà phê. Em phải về ngay bây giờ. Nhà có việc.”
Nàng đứng lên, vội nói tiếp:
“Nhà em gần đây. Vâng, anh nói em sợ thì em sợ. Mà em nhà về một mình thôi nhé.”
Thảo lạnh lùng bước đi, vội vã, không ngoảnh đầu lại. Hắn biết nếu hắn đi theo, càng có những cử chỉ hoặc lời nói sơ suất.
Mùa thu? Giữa tháng 10 trên tờ lịch có nghĩa rằng mùa thu đã đến lâu rồi chăng? Như người ta thường nói, và hắn cũng thường lơ đãng nghe theo? Nay hắn bần thần ngẫm nghĩ. Tờ lịch quyết định thời tiết trong năm chăng? Không, không phải thế. Nếu quả có thế đi nữa thì tờ lịch chỉ đúng với những nơi khác của quê hương đất nước này mà hắn đã nhiều lần đặt chân đến khi còn trong quân ngũ, khi quân ngũ còn. Kể cả Miền Bắc khi nước chưa bị chia đôi.
Riêng tại thành phố cao nguyên này, không có mùa thu. Không có những đặc trưng, những quen thuộc, dành cho mùa thu mà người ta thường nhắc nhở. Không có “Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì”, không “Đăm đăm trông nhạn về”. Không gió heo may và lá vàng bay như trong hai câu thơ cổ, Sóng biếc theo làn hơi gợn tí/Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo. Cũng không có mùa hè thiêu đốt với phượng đỏ môi hồng rụng đầy sân trường, cùng tiếng ve kêu râm ran giục giã nhiều hồi trong ngày. Hay quyên kêu dưới trăng, lửa lựu đâm bông đầu tường, như trong hai câu thơ cổ khác, Dưới trăng quyên đã gọi hè/Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông.
Ở đây, quanh năm giá lạnh như mùa đông tại những vùng khác trên quê hương cũ, trừ mấy tháng có nắng ấm vào buổi trưa. Nhưng vẫn khác mùa đông giá buốt căm căm ở Miền Bắc, hay lụt lội hoặc mưa dầm gió bấc ở Miền Trung. Nơi thành phố này, xuân đến thắm tươi từ khi nào không ai biết, không ai để ý, và lưu lại gần như quanh năm, cùng với nhiều loại hoa khoe hương khoe sắc –hôm nào cũng nghe thoang thoảng trong không gian mùi thơm buổi sáng kéo dài đến trưa, và trong những chòm cây hai bên đường, hay trong công viên, hay trong vườn nhà, cơ man nào là màu sắc rực rỡ chen nhau.
Vậy thì giữa tháng 10 không nhất thiết phải là mùa thu. Đã mấy hôm từ ngày hắn trở về thăm lại thành phố nhiều kỷ niệm này, mưa nhiều hơn tạnh, và chỉ là những cơn mưa nhỏ như sương mù phe phẩy trong gió, chứ không hùng hổ ào ạt trong chốc lát rồi mau nguôi giận như mưa Sài Gòn, hay dai dẳng từ ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác như mưa dầm tại Huế. Những cơn mưa nhẹ hạt nơi này thật ngắn, có đó, mất đó.
Thế thì là mùa gì nhỉ? Tạm gọi là mùa mưa phùn nhé, hắn thầm bảo. Nhưng mưa phùn đâu mà không có. Hay là mùa mưa rơi không ướt đất. Hay đúng hơn nữa, mưa bụi. Mưa bụi bay bay. Có khi mưa bụi kết thành một dải lụa thật trắng, thật trong, thật mỏng, uốn éo lả lướt trong không gian, trong mây đục, trong gió lạnh. Có khi dải lụa ấy biến đâu mất để lại bầu trời trống trải, khiến hắn cụp chiếc dù xuống. Những hạt nước rất nhỏ, rất thưa, mà hắn không thể nhìn thấy, bay lạc vào hai người, đậu lên mái tóc, lên mi mắt nàng, lên vai áo chàng. Rồi bay sâu vào ký ức.
Vậy mùa này là mùa gì? Là mùa dành cho những người đi bên nhau để yêu nhau.
Hắn gọi thêm một tách cà phê phin nóng. Bỗng thảng thốt một tiếng chim lẻ từ ngọn cây thông. Rồi tiếng đập cánh mơ hồ. Hắn ngước mắt tìm. Chỉ kịp thấy một bóng chim bay khuất nhanh vào đám mây mù. Hắn lẩm bẩm:
“Mây xuống thấp lắm, chân trời cũng xích gần, lại có gió. Chắc sắp mưa.”
Gió càng thổi nhiều hơn. Buổi chiều bỗng mờ mờ tranh tối tranh sáng. Hắn vẫn ngồi yên tại chỗ. Chủ quán từ trong bước ra nói khẽ:
“Mời ông vô trong kia. Không khéo mưa đấy.”
Hắn chưa muốn vào, mong mưa, và nói cho có nói:
“Mời một mình tôi vào mà thôi sao? Đâu được. Thế còn cô này?”
Chủ quán còn trẻ lắm, có lẽ con hay cháu của ông chủ quán ngày xưa, chăm chú nhìn hắn, rồi ba hoa:
“Cô nào đấy hả ông?” Nhớn nhác nhìn quanh, cười lớn. “Ông anh của tui vô tình, vô ý quá cho nên cô ấy đã bỏ ông đi rồi. A, xin lỗi, xin lỗi. Chắc là cô ta đi trốn mưa.”
Hắn im lặng mong mưa tới. Mong cơn mưa thật nhỏ đến với xiết bao ngọt ngào, và cay đắng.
Có lẽ lần này mưa tới thật, mưa lất phất thôi nhé, khỏi cần che dù, khỏi cần đi vào trong kia, hắn thì thầm. Mình sẽ dời cái ghế cho nằm ngay dưới những cành thông rậm rạp, chắc khỏi ướt. Nhưng mưa nào bay?
Vậy có nên tìm cách liên lạc lại với Thảo hay không? Xa nhau lâu rồi. Sau cơn vật đổi sao dời, nàng có còn ở nơi này? Chắc nàng đã thôi học, dĩ nhiên. Hay đã học xong từ lâu. Và biết đâu Thảo đã quên hẳn hắn, đã có chồng, có con, âm thầm ngày tháng vui bên hạnh phúc gia đình. Không có thì giờ, hoặc không còn muốn đi tản bộ trên lối đi nhỏ dốc nghiêng nghiêng, dáng đi cũng nghiêng nghiêng, cho gần hơn, cho ấm hơn, nhìn chiếc đàn dương cầm vang vang khúc nhạc tuổi thơ. Thế thì mình về đây để làm gì?
Hắn lan man nghĩ tiếp. Cũng không hề thư từ cho nhau kể từ buổi chiều hôm ấy. Cũng lạ. Xa nhau như bèo giạt mây trôi. Như nhiều trận mưa chưa đến đã vội bay đi nơi khác theo những cơn gió lồng lộng trên cao. Hay đúng hơn, bị gió cuốn đi, trôi giạt.
Hoặc, có thể còn có trường hợp bất hạnh hơn thế nữa. Cơn mưa lẽ ra phải trút xuống, bỗng tự nhiên “chết yểu” lúc nào không ai hay, dù không một cơn gió nào đến quấy phá. Vâng, có lần hắn tưởng sẽ gặp mưa, bồi hồi chuẩn bị chờ đợi. Những đám mây đen nặng nề làm tối cả trời đất phía đằng trước. Tự nhiên vùng mây đen đó chuyển dần thành mây xám, rồi trắng xóa. Rồi tất cả cùng tan biến đi đâu mất trong không gian bao la, trả lại bầu trời xanh thăm thẳm buồn phiền, và vài tia nắng yếu ớt. Thế là hết. Chưa tụ đã tan. Chết yểu.
Ừ nhỉ, hai tiếng “chết yểu” hắn đã nghe nhiều lần từ thuở nhỏ, hay đã đọc đâu đó từ thời còn đi học. Rồi nó đọng lại trong trí nhớ. Nay, ngồi chờ mưa,hắn liên tưởng đến mấy câu thơ của một nhà thơ đau khổ đã chết yểu khi chưa tới tuổi ba mươi:
Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Tình tôi chết yểu tự bao giờ
Liên tưởng khập khiểng, hắn tự trách. So sánh hay liên tưởng không bao giờ đúng với đối tượng được đem ra làm đề tài, hắn lý sự lằng nhằng với chính mình. Nhưng đồng thời lòng hoài nghi xuất hiện. Có thể nào, câu nói đùa của anh chủ quán lém lỉnh đã biến thành sự thật, nàng đã bỏ đi biền biệt, không cho hắn có dịp gặp lại. Tình đành chết yểu. Nếu thế, cái liên tưởng lại không khập khiểng chút nào. Đúng đúng, sai sai, hư hư, thật thật. Hắn phân vân mãi chẳng biết có nên tìm lại Thảo hay không. Tự hỏi lòng, phải chăng đó là tình yêu hay chỉ là mưa nào bay.
Hắn nhìn lại bản thân mình, một cuộc đời cô độc, không còn ai là người thân thích, họ hàng, ngay cả từ trước khi hắn bỏ nước ra đi. Tại quê hương mới, những người mà hắn chung sống già nhân nghĩa, non vợ chồng, đều rất sòng phẳng. Tình yêu được tính toán bằng tiền bạc, địa vị trong xã hội. Thiệt hơn chi ly đâu vào đấy. Rồi chia tay nhau trong vui vẻ, nhẹ nhàng. Có dịp muốn gặp lại, nối lại, cũng có thể chấp nhận, nếu không ai bị vướng bận vào một người nào khác.
Cũng có người muốn gắn bó lâu dài hơn. Yêu thương, chiều chuộng. Rồi vì một lý do nào đó phải thôi nhau. Thật ra có biết bao nhiêu là lý do. Không có thì cũng phải tạo nên. Và hai người thế là xa nhau. Buồn bã, đau đớn? Có chứ. Phần hắn, vờ vĩnh nhiều hơn thật. Sau một thời gian, mọi thứ đều nguôi ngoai.
Tại sao những hoàn cảnh đó xẩy đến? Dường như sau ngày đơn vị của hắn tan rã, hắn cũng tan rã theo. Hắn cứ tưởng hắn muốn và có thể đứng bên lề cuộc đời mà hắn đang sống, bên lề cuộc chiến mà bạn bè hắn đã tham gia. Đến khi cuộc đời cũ không còn, cuộc chiến kết thúc trong đại họa, hắn như người vừa mới mở mắt choàng tỉnh trước cơn hồng thủy. Không còn lòng nào mà nghĩ đến chuyện tình cảm lặt vặt, chuyện xây dựng gia đình êm ấm. Mà những chuyện khác đối với hắn cũng chẳng còn gì đáng kể. Được hay mất, như nhau. Tốt hay xấu, cũng thế thôi. Đầu óc bỗng dưng có một khoảng trống lớn, khoảng trống của lãng quên. Hắn thầm bảo nước mà còn mất, thì còn có gì đáng trân trọng nữa đâu, đáng nghi nhớ nữa đâu. Huống là những mối tình dễ dãi, chắp nối, buồn nản.
Thời gian ở xứ người qua mau không ngờ. Chưa thấy buổi sáng, trưa đã tới; chưa thấy buổi chiều, tối đã về. Thế ngày trốn đi đâu hết? Không có ngày. Hay đúng hơn, toàn là những ngày “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, đem sức ra mà trả nợ cơm áo. Hắn không có nghề nghiệp gì cả, học hành thì dở dang, tuổi thanh xuân trải qua hết đơn vị này tới đơn vị khác trong quân đội. Đêm tối thì kể làm gì. Ngủ vùi hoặc mất ngủ. Xuân, Hạ về lúc nào hắn không biết. Thu, Đông đến lúc nào hắn cũng không hay. Năm tháng cứ như dòng nước lũ cuốn phăng mọi chướng ngại vật. Và dần dà, ghê sợ quá, muốn cuốn luôn cả những đau đớn, uất ức, căm hờn.
Vậy liệu có thể nói rằng thời gian là lương y chữa lành mọi thứ bệnh hoạn? Hay cũng có thể là tử thần tiêu diệt những gì liên quan đến cuộc sống, đến hoài bão, hy vọng? Là gì đi nữa cũng khiến hắn thảng thốt. Hắn sợ thời gian và quán tính sẽ biến hắn thành chai lì, vô cảm. Sau những khủng hoảng ban đầu, hắn cố bình tâm lại. Hắn thử tìm kiếm những mảnh vỡ rời rạc của quá khứ, Con sông xưa, thành phố cũ, như đứa con đi nhặt nhạnh những gì còn sót sau khi ngôi nhà của cha ông để lại bị cháy rụi.
Trong một phạm vi lớn lao hơn, hắn thầm hỏi, những ai, trong đó có hắn mong có hắn, sẽ là người lo việc khôi phục lại giang sơn, đất nước? Nhưng khôi phục bằng cách nào? Thế hệ này không làm kịp, thì thế hệ sau, hoặc sau nữa? Đó có phải là một ý nghĩ viển vông hay không? Hay là, với thời gian, mọi người đều sẽ mệt mỏi, bầu máu nóng sẽ nguội dần. Sẽ buông xuôi tất cả? Và đất nước sẽ vĩnh viễn tiêu vong.
Mà nước đã mất hay chưa?
Dĩ nhiên hắn nghĩ rằng đất nước đã không còn kể từ ngày hắn ra đi. Nhưng dần dà, người ta, trong đó có hắn, không khăng khăng với những suy nghĩ cũ. Bình tĩnh hơn, chín chắn hơn, sâu sắc hơn, đúng đắn hơn. Thì nhận ra rằng nước vẫn còn đấy chứ, từ ngàn xưa cho tới bây giờ. Trong khi đó những triều đại, những chế độ, những ngọn cờ, thay nhau ngự trị trên quê hương, lâu lắm là vài ba trăm năm. Hay chỉ tồn tại trong năm, bảy mươi năm, nếu không đáp ứng được “mệnh lệnh” của thời đại, mà ngày xưa gọi là “mệnh trời”, mà nay gọi là “lòng người”. Vâng, “lòng người” tức là “mệnh trời”.
Ý nghĩ nói trên không có gì mới mẻ. Cách đây hơn một nghìn năm, đã có người nói:
Quốc phá sơn hà tại
(Nước mất núi sông còn)
“Quốc” ở câu thơ trên được hiểu là vương triều của một dòng họ đang nắm quyền. Mà “sơn hà” còn, thì con người cũng còn. Hắn nhớ Thảo. Vâng Thảo đang ở tại quê nhà. Một số bạn bè của hắn cũng thế. Hắn nghĩ tiếp, không thể đồng hoá người dân trong một nước với nhà cầm quyền của nước đó nếu nhà cầm quyền không từ người dân mà ra, không đại diện cho người dân. Như nhà cầm quyền bây giờ.
Thì hãy cứ về xem sao.
*
Hắn quên một cách dễ dàng những người hắn gặp trên quê hương thứ hai này. Còn đối với Thảo? Chưa có đủ thời gian tìm hiểu nhau nhiều, chưa có cơ hội tiếp xúc thân mật, cũng chưa trao đổi với nhau những lời yêu thương, hứa hẹn nào cả, nhưng dường như có sợi dây vô hình ràng buộc. Cho dù có thể Thảo đã có người yêu, cái anh chàng gặp trên con đường dốc. Cho dù có thể Thảo đã chán hắn, hay đã quên hắn. Vậy tại sao? Hay là tại vì cái gọi là mối tình đó đã bị cắt đứt đột ngột nên hắn tiếc nuối? Chẳng khác gì đứa bé được cưng chiều ưa vòi vĩnh. Được thì mau chán, bỏ bê; không được thì đòi hỏi cho được. Hay cũng là vì, như người ta thường nói, con cá sẩy là con cá to. Là vì gì đi nữa, hắn cũng phải về gặp.
Ngoài ra, trong thâm tâm, hắn vẫn nuôi một chút hy vọng. Có thể anh chàng ấy là người yêu cũ của Thảo, nay hết yêu rồi. Vì đối với hắn, Thảo dịu dàng biết bao. Hay cũng có thể anh ta chỉ là một người có chút “quyền thế” vớ vẩn nào đó mà Thảo phải nể nang. Hay tại vì những lý do khác mà hắn chưa biết.
Mưa vẫn chưa tới dù bầu trời trông ướt nhoè trong buổi chiều mờ mịt. Chủ quán từ trong quán bước vội ra, đến bên hắn. Hắn khó chịu, gắt:
“Cái gì nữa đây? Có phải anh định tới còng tôi lại, áp tải vô trong kia?”
“Thưa ông, thưa ông anh, tui mô dám.” Ngồi xuống ghế đối diện với hắn, rồi nhìn mông ra ngoài xa, lẩm bẩm. “Ông trời mấy hôm nay lạ quá, chuyển mưa như chuyển đẻ.”
Hắn bật cười:
“Nghĩa là chuyển xong thì đẻ. Thì mưa ào ào?”
“Chuyển xong rồi ông trời cũng không chịu mưa mới thiệt là hiện ngụy chớ. Nhưng dù không mưa, giờ này ở ngoài này cũng bắt đầu lạnh. Lạnh thấu xương. Ông anh nên ...”
Nói chưa dứt câu, chủ quán vội vàng đứng dậy bước đi nhanh. Khi vào tới cửa, anh ta quay đầu nói thêm, sau một nụ cười hóm hỉnh:
“Hay ông anh cứ việc ngồi đó muốn chờ ai thì chờ. Tha hồ.”
Một cơn gió thổi qua, hắn cảm thấy cái lạnh thấm vào người, thấm tận tâm can. Hắn rùng mình. Chủ quán nói đúng, và hắn cũng biết thế. Giờ này ngoài này lạnh lắm rồi. Nhưng hắn vẫn muốn ngồi đây một mình. Hắn vội đưa tay dựng cái cổ áo sơ-mi lên, cài nút lại, rồi cài thêm mấy cái nút áo vét mặc ngoài. Cầm tách cà phê lên định uống, cà phê đã lạnh tanh.
Hắn buồn rầu nghĩ ngợi. Mình muốn trở về thành phố này cốt tìm lại vài kỷ niệm rời rạc, không đâu vào đâu, rồi sẽ ra đi. Kỷ niệm rời rạc, vớ vẩn nào vậy? Và biết đâu có thể lại quay về nữa để nhặt nhãnh thêm những gì đã bỏ sót. Ô, tại sao lại nghĩ đến chuyện tương lai xa xôi, viển vông ấy. Và làm sao biết đã bỏ sót những gì trong khi hắn đã bỏ lại tất cả tuổi trẻ. Lại nữa, nhờ có cái quán cũ này nên hắn mới có thể nhớ tới Thảo? Đâu phải thế. Không, tất cả đều không phải, đều là những lý do vu vơ, những chuyện vờ vĩnh, để tự đánh lừa.
Tuy nhiên bảo rằng chỉ vì Thảo mà hắn trở về, có lẽ cũng không đúng. Nhưng nếu Thảo không còn ở tại thành phố này, có lẽ hắn cũng không về. Mâu thuẫn? Lẩn thẩn? Hắn sống thường trực trong rối rắm, khốn quẫn.
Có lẽ không chỉ vì Thảo mà thôi. Chắc còn có nhiều thứ nữa. Còn có cái thành phố với biết bao kỷ niệm khó quên của một thời tuổi trẻ. Những con đường dốc sỏi, đá, và cát, kêu rào rạt dưới bước chân đi. Những khu phố quây quần, nơi cao, nơi thấp, chỗ lồi, chỗ lõm. Những ngôi nhà nho nhỏ, cheo leo, trên những con đường cong queo, khuất nẻo. Những khu vườn thoai thoải chạy dài xuống những thung lũng trồng đủ loại rau quả. Thông thì xanh, hoa lá thì tươi, quanh năm. Và tiếng lao xao vẳng vẳng như hoà với tiếng nói của Thảo từ ngôi chợ gần; chiếc hồ xưa thì như đang đưa tay vẫy gọi từ dưới xa; và xa hơn nữa, trong không gian khi mờ khi tỏ, dáng núi quen quen.
Tình yêu của Thảo và hắn, hay chỉ là mối tình một chiều của hắn mà thôi, quấn quýt lấy chốn cũ và quê hương thành một nỗi nhớ không nguôi. Và khi mùa của tình yêu về trong lòng hắn, sẽ có cơn mưa nào bay? Cơn mưa nào sẽ bay tới như hắn mong chờ, hay chẳng có cơn mưa nào bay cả./
Ngự Thuyết
--------------------------------------------
Chú thích :
Những dòng in nghiêng là thơ của các tác giả:
1. Xuân Diệu
2. Hàn Mạc Tử
3. Nguyễn Khuyến
4. Nguyễn Du
5. Hàn Mạc Tử
6. Đỗ Phủ.