có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 5 25, 2021

Tuổi bến tàu



Buổi chiều trời vừa chập choạng tối, tôi xuống bến tàu gửi xe gắn máy vào bãi rồi thả bộ dọc bờ sông. Tôi không hề chủ động về một cuộc đi dạo như thế nhưng không biết tại sao vẫn chạy xe xuống bến tàu. Phải chăng gió buổi chiều cho tôi cảm hứng hay tiếng còi tàu, những chiếc ca nô vào ra nhộn nhịp gợi lòng tôi một hoạt cảnh quá khứ, đánh thức nỗi niềm choáng ngợp hạnh phúc một thời nào đó của tôi? Hay hơn thế nữa, một lưu đày ký ức như một vết thương không bao giờ lành của một thời địa ngục? Tôi đã bước chầm chậm trên vỉa hè lát đá xi măng gập ghềnh hai bên lề và lõm xuống phía giữa vì hẳn phải chịu sức nặng của nhiều người đi. Tôi đi nhưng rõ ràng rất chậm như sợ mau hết con đường mình đi tuy thời gian coi như mênh mông vô hạn. Đầu óc tôi đang vớt từng mảng kỷ niệm lềnh bềnh trên mặt trí nhớ như những khóm lục bình vàng úa trôi trên sông ngày tôi về làng cũ, nơi tôi có một đoạn đời rất ngắn nhưng đậm nét trong quyển sách đời mình. Đèn đường bật sáng. Trên mặt đường những đốm tối sáng rõ dần. Rải rác từng người đang đi lại như tôi dưới tàn cây sao. Họ là những bóng ma và tôi là một con ma hòa mình với họ trong một cuộc trình diễn buổi chiều trên bến tàu. Tàu vẫn đến và ra đi khỏi bến với từng hồi còi dài như đánh động làm tan đi một khối vật chất cô đọng trên bến mỗi chiều, để rồi đêm tối đến vẫn những bóng ma rủ nhau đi trên một hành lang dài dọc bờ sông.

Tôi cúi đầu nhìn xuống bước chân của mình và nghe từng tiếng động dội lên từ mặt đất. Thời gian như kéo dài ra, tôi đi một vòng bến tàu rồi lại trở về chỗ cũ. Trời tối hơn nữa. Ngồi trên chiếc băng ghế trống, tôi quay lưng lại bến sông nhìn vào trung tâm chiếc vòng xoay. Nơi đó dưới ánh đèn vàng vọt có vài cô gái ăn mặc hở hang, đứng rải rác lưng tựa vào khung sắt tròn. Năm ngoái Cường và tôi từ một vùng thật xa trên núi trở về thành phố này. Đêm trước hai đứa uống rượu ở một vũ trường trên vùng đất cao.

Mimosa là tên vũ trường. Tôi nhìn đôi giày sô của mình rồi nhìn sang Cường. Nó hút thuốc liên tục trong khi chai Whisky Suntory đã uống đến một phần ba. Cường mặc bộ đồ lính màu xanh đen với những vệt ngụy trang sẫm tối đủ mọi hình thù. Tôi nhìn vào đấy như thấy hết bề mặt của cuộc chiến tranh đang xảy ra. Núi cao, sông dài và lửa khói. Con người chết và tàn phế. Người dân bứt ra khỏi mọi thứ có thể tựa vào. Dưới chân nỗi cùng khốn là trẻ con cùng súc vật bị bom đạn cưa xẻ và tận cùng là máu tràn ngập. Bộ quần áo của Cường diễn tả nỗi cùng khốn của một dân tộc, và nỗi cùng khốn này đang bao bọc che chở thân thể nó. Tôi nói với Cường, nó nhổ nước bọt bảo, “Nếu thực như thế, tao trần truồng còn hơn phô bày nổi bất hạnh đáng nguyền rủa ấy.” Nó lại cười rồi nói, “Thực ra trên cõi đời này bộ quần áo của người lính bất kỳ đất nước nào cũng đều là biểu hiện nỗi cùng khốn của loài người. Nó nói tiếp, “Hôm qua tao mất bốn thằng bạn thân. Mày còn sống là tao mừng. Để tao hát.” Một cô chiêu đãi viên đến ngồi xuống cạnh nó hỏi, “Anh định đi đâu thế, em chưa ngồi anh đã đi?” Cường nói, “Em đến anh ngồi lại, nhưng anh sẽ đi!” Cô gái ra dấu chào tôi rồi đưa tay gọi một cô gái khác. Cô gái thứ hai đến ngồi với tôi, có mái tóc dài muốn che kín cả khuôn mặt hết sức buồn rầu không kém một thiếu phụ đang mùa tang chế. Tôi cảm thấy cô ta rất buồn và rất man dại. Tôi bảo đấy là một nỗi buồn man dại với cô. Thảo, tên cô gái gật đầu trả lời, “Em là một quả phụ, anh đoán không sai! Chồng em chết ở Dakto năm 1970.” Cô ta lại nói một hơi về hoàn cảnh của mình, “Chồng em binh chủng biệt động quân thuộc liên đoàn 2, tiểu đoàn 23.” Cường nghe xong bèn nói, “Chúng ta là chiến hữu cả. Anh sẽ lên hát một bài tặng em.” Tôi không ngạc nhiên vì Cường hát hay nhưng không dễ khiến hắn hát. Thấy Cường nâng ly, tôi cũng làm một hơi hết chai bia 33. Tôi thấy mắt Cường ướt. Nó chảy nước mắt.

Vũ trường Mimosa hôm ấy rất đông. Hiền là cô gái ngồi với Cường hỏi tôi. “Anh ấy sao thế? Trông buồn quá!” Tôi đáp, “Bạn thân tụi anh chết tuần rồi!” Nghe xong, Hiền và Thảo im lặng. Khuôn mặt cả hai như chững lại, riêng Thảo trầm ngâm như nhớ lại quá khứ, đôi mắt long lanh. Lúc này cả vũ trường đều vỗ tay khi Cường giật micro, nói giọng lạc đi: “Tôi, trung úy Ngô Thế Cường, thuộc lực lượng đặc biệt xin hát cho tôi và những ai có bạn vừa ra đi.” Tiếng vỗ tay liên tiếp và ban nhạc bắt đầu. Cường hát bản “Cho Một Người Vừa Nằm Xuống”. Vũ trường hôm ấy đông nghẹt quân nhân. Hiếm thấy một bộ quần áo dân sự trừ những người chơi nhạc và kẻ dẫn chương trình. Đủ các quân binh chủng. Cường cất tiếng hát, giọng sũng nước mắt. Rất buồn và đêm hôm đó có rất nhiều người lính khác chảy nước mắt. Cường hát xong lại được yêu cầu hát lần nữa. Bản nhạc này đã được hát từ sau tết Mậu Thân nhưng rất ít người hát tại vùng đất địa đầu giới tuyến này. Cường hát như kinh cầu hồn cho những người lính đã ngã xuống nhưng còn ráng quay lại nhìn cả một bóng tối hệ lụy sau lưng. Có những quân nhân đang ngồi vội đứng lên nghiêm chỉnh lắng nghe. Thực cảm động, tôi cũng không cầm được nước mắt khi nhớ đến Tánh và Quận, hai người bạn cùng khóa đều ở binh chủng nhảy dù đã chết trong mùa hè đỏ lửa ngoài Quảng Trị năm ngoái.

Đêm về phép Sài gòn, Cường lấy xe gắn máy của em trai cùng tôi đi ăn uống, rong chơi khắp thành phố và cuối cùng dừng ở bến tàu. Bến Bạch Đằng, cũng tên một trận đánh của một cuộc chiến tranh trong vô vàn cuộc chiến tranh theo chiều dài lịch sử đất nước. Tôi và Cường gửi xe xong đi bộ một vòng rồi đến ngồi ven bờ sông nhìn vào bùng binh thành phố. Tượng Trần Hưng Đạo trên bệ cao phía bên trái đang chỉ tay xuống bến sông. Đức Thánh Trần chỉ huy trận thủy chiến và cuộc chiến ấy đến hôm nay vẫn chưa chấm dứt. Đấy là chiến công, và chúng tôi cũng có nhiều chiến công đồng thời có rất nhiều người chết. Bên kẻ thù cũng thế. Họ dũng cảm và chiến đấu điên cuồng. Kẻ thù đất nước chúng tôi đủ các loại người, thế hệ chúng tôi đang đánh kẻ thù cùng màu da và cùng lý lịch. Cuộc chiến có nhiều tên gọi nhưng nội dung không khác nhau. Chiến thắng là mục tiêu cuối cùng của chiến tranh. Để được chiến thắng bao nhiêu người chết không quan trọng, và người ta dùng đủ mọi từ ngữ đẹp đẽ nhất để tán dương công đức của người nằm xuống. Đầu óc tôi chừng chững lại nhiều lần sau khi cảm nhận sự vô nghĩa của mọi hành động chiến tranh. Nói với Cường, nó thường im lặng, mắt mông lung như đang ở một cõi xa xăm nào đó.

Khi tôi đứng lên tiến về phía bến sông, Cường vẫn ngồi đó. Trước mặt tôi dòng nước chảy rất chậm, xa hơn một chân trời với bóng nắng mơ hồ còn lại của ngày. Chỗ tôi đứng, tám năm trước tôi đã đứng và còn là một cậu học trò lớp cuối cùng trung học. Hạnh đứng bên cạnh hỏi, “Quân đi lính thật sao?” Tôi không trả lời chỉ gật đầu. Hạnh thở dài nhìn về chân trời xa. Tôi muốn nói với Hạnh vài điều cần thiết nhưng vẫn không thốt ra lời. Hạnh chưa phải người yêu nhưng là người bạn gái rất thân để có thể trở thành người yêu. Chúng tôi đứng yên chừng mươi phút, Hạnh nói, “Hạnh buồn lắm nhưng không biết nói thế nào khi mà chuyện không ai muốn cứ phải xảy ra.” Tôi nắm lấy tay Hạnh, tiếp theo cả hai lên xe về nhà. Ngồi phía sau Hạnh vòng tay ôm tôi, dấu hiệu tình bạn đã tiến xa hơn nhưng có thể buồn hơn vì tôi sẽ lên đường nhập ngũ vào tháng tới. Đến nhà, Hạnh bước xuống đến gần hôn lên má phải của tôi rồi đi vào nhà. Tôi ngồi trên xe nhìn theo Hạnh cảm giác nàng mang theo tất cả tâm tư tình cảm của tôi lúc bấy giờ.

Cường đến bên tôi bảo, “Tao đi tìm em út, chút nữa quay lại.” Tôi nhìn theo bóng Cường tan vào trong đám đông đang đi trên lề đường. Những con người đang đi trong ánh sáng vàng ệch của những bóng đèn giăng cao dưới tàn sao xanh lúc này đã sẫm đen trên nền trời xám nhạt.

Tôi quay nhìn lại trung tâm vòng xoay. Những cô gái hở lưng vẫn còn đó đang đưa tay vẫy những thanh niên đi trên đường. Tôi tự hỏi Cường đi tìm ai trong khi những cô gái ấy đang tìm những kẻ như Cường? Tôi lại quay ra bờ sông, nhìn về chân trời xa. Ánh đèn điện nhấp nháy mờ mờ dọc con đường thủy ra bến Cần Giờ. Tôi lại nhìn lên tượng Trần Hưng Đạo và nhìn theo ngón tay. Ông đang chỉ về một nơi không phải nước hoặc đất mà tôi cho là đang chỉ vào những vô hình lịch sử đã xảy ra. Đây là một cửa sông hàng ngày tiếp nhận bao hàng hóa, con người từ những nơi xa xôi du nhập đến. Cũng nơi này một ngày đưa bao hàng hóa và con người ra đi. Nơi này trao đổi và sản sinh một văn hóa vừa địa phương vừa ngoại lai, nó trộn lẫn vào nhau và cũng giữ được bản chất đa dạng. Đức Thánh Trần đang cảnh cáo về một sự lựa chọn hoặc bài trừ, hay ngài cho biết một sự kiện đã rồi của lịch sử?

Đang suy nghĩ như thế, Cường trở về với một cô gái. Hai người ngồi xuống cạnh tôi. Cô gái ngồi giữa tôi và Cường. Nghĩ về Đức Thánh Trần tôi cho rằng ngài đang chỉ tay về phía cô gái. Tôi hỏi :

“Em tên gì?”

Cô gái sắc mặt trắng tái dưới ánh đèn vàng.

“Em tên là Lang, Lang có G!”

Không thấy tôi hay Cường nói gì, cô nói tiếp:

“Lang là khoai lang chứ không phải lang sói!”

Tôi à một tiếng, lòng thầm nghĩ “Tên cô ít ra cũng là một loại thực phẩm quí giá cho con người trong chiến tranh.” Tôi liền nói với cô. Lang gật đầu, “Chính lúc sinh ra em trong chiến tranh và đói khổ, gia đình em sống nhờ vào ruộng khoai lang mà người chủ đã tản cư vào thành phố.” Cường đưa tay quàng qua vai cô gái hỏi, “Bây giờ em có còn ăn khoai lang nữa hay không?” Cô gái lắc đầu, “Em không phải ăn từ lâu, nhưng cuộc sống của em bây giờ không kém một củ khoai lang.” Tôi hỏi, “Thực thế sao?” Lang gật đầu. Tôi lại nhìn lên tượng Trần Hưng Đạo hình dung ngài đang chỉ tay vào một ruộng khoai lang, trong khi Cường nhìn cô gái sau đó lại nắm tay cô.

Ba người chúng tôi ngồi với nhau trong khi những cơn gió từ mặt sông thổi lên càng khuya càng thấy lạnh. Cô gái lùi vào lòng Cường, cuối cùng Cường ôm lấy Lang như giúp cô ấm áp hơn. Cô gái chợt bảo Cường, “Đi về đi anh!” Cường và tôi đứng lên. Nhìn đồng hồ đã chín giờ rưỡi đêm. Chiếc xe honda 90 phân khối chở ba người chúng tôi về Chợ Lớn. Cường lái xe, Lang ngồi giữa và tôi ngồi sau ôm chặt nàng. Mái tóc dài của Lang hất vào mặt và tôi nghe mùi tóc con gái. Mùi tóc của Hạnh xa xôi một lần tôi từng hôn lên con suối đẫm màu bóng đêm ấy. Cường chạy xe cố tránh những con phố rộng vì cảnh sát. Luồn đi trong những hẻm con đầy bóng tối ngang dọc, cuối cùng chúng tôi cũng về đến nhà người em trai Cường trong một con hẻm nhỏ đường Phùng Hưng. Gia đình người em Cường đã ngủ trên gác. Cường ra căn phòng phía sau bếp vác lên phòng khách một tấm nệm lớn cũ trải xuống đất. “Chúng ta sẽ ngủ ở đây!” Lang ngồi trên ghế salon nhỏm dậy nhăn mặt, “Cả ba sẽ ngủ ở đây sao?” Cường gật đầu, trong khi tôi cười ngồi hút thuốc ở chiếc ghế đẩu cuối phòng. Ném điếu thuốc hút dở vào gạt tàn tôi nói với Cường, “Tao ngủ ngay tại đây.” Tôi chỉ xuống khoảng cách cuối phòng cách xa tấm nệm chừng hai mét. Cường không nói tiếng nào, chỉ dắt Lang ra sau buồng tắm. Tôi đứng lên lấy tấm chiếu cuốn dưới bàn thờ đem đến trải lên sàn nhà rồi cởi giày nằm xuống. Trong nhà oi bức khiến tôi ngồi dậy cởi áo lính cuốn tròn làm gối rồi nằm xuống lần nữa, và chìm ngay vào giấc ngủ trong khi bên tai văng vẳng tiếng nước chảy róc rách trong phòng tắm.

Khi tôi thức giấc chỉ thấy ánh sáng mờ mờ của hai bóng đèn điện nhỏ trên bàn thờ. Ngồi dậy tôi nhìn về phía tấm nệm thấy bóng đen hai người nằm ngủ. Đồng hồ chỉ hai giờ sáng, tôi đứng lên đi ra phía sau nhà tắm để tiểu. Đi ngang Cường và Lang, tôi thấy Cường ở trần quấn mền dưới bụng trong khi Lang không mặc quần. Chiếc mông to trắng hếu làm tôi nhớ đến củ khoai lang mà cô ta nói đến ban tối. Cô ta là củ khoai lang dành cho những người đói khát như Cường và tôi. Tuy nhiên tôi dù đói, không còn thấy thích khoai lang. Tôi tự hỏi, mình thích thứ gì bây giờ lúc đang đói cao độ? Không có gì ăn, tôi thà đói nhưng không ăn khoai lang. Chắc chắn là không! Tôi bước qua chân Lang đang duỗi thẳng. Trong ánh sáng lờ mờ tôi thấy làn da trắng của cô. Trắng như một củ khoai rửa sạch trước khi cho vào nồi. Tôi nằm xuống và ngủ lại ngay.

Buổi sáng tôi thức giấc đã hơn bảy giờ. Cường và Lang vẫn còn ngủ. Tôi ngồi dậy, vươn vai nhìn sang cô gái. Lang ngủ co quắp với chiếc chăn mỏng quấn quanh bụng. Cường nằm bên cạnh, mặc quần lính dài nhưng thân trên để trần. Ngoài đường xe cộ bắt đầu ầm ĩ. Một vạt ánh sáng chiếu qua cửa sổ. Tôi đứng lên đến bên Cường đánh thức nào ngờ nó đang nằm ngửa nhìn sững lên trần nhà, khuôn mặt đau khổ. Lang bên cạnh vẫn thở đều đặn. Cường ngồi dậy đi rửa mặt trong khi tôi ra salon ngồi hút thuốc. Tự dưng tôi thèm nghe bản nhạc ban mai. Thuở bé bóng nắng tràn lên mặt chiếu của những buổi sáng đầu đông. Tiếng chim hót đầu chái nhà, bóng ai ngoài đầu ngõ. Thuở bình an tâm hồn, tôi ngồi nghe bản nhạc sáng của Hoài An – Phó Quốc Thăng “Dựng Một Mùa Hoa” nhắc nhiều đến chữ tự do. Bây giờ không an ổn, không tự do. Tâm hồn của một thuở bình yên đi mất tích. Cái còn lại chỉ là sự bấp bênh của suy nghĩ trói buộc vào thứ thực tại triền miên dở dang! Tôi ném điếu thuốc vào chiếc gạt tàn bằng sứ trắng trên bàn. Khói còn vương vãi trong nắng sáng, thinh lặng mơ hồ. Có âm thanh nhưng xa vắng, tiếng nước chảy khiến tôi hình dung tiếng suối nước giữa trưa những lần hành quân trên núi cao qua những đỉnh đèo.

Khi Cường và Lang ra ngồi bên nhau trên ghế salon, tôi nhận ra họ thân thiết hơn ngày hôm qua. Em của Cường hỏi cả nhà có thích ăn bánh mì thịt không nó đi mua. Cường lắc đầu, “Không cần thiết, anh và bạn sẽ đi uống cà phê ở Chợ Cũ. Em không phải lo!” Nói xong nó đốt một điếu thuốc. Cường và Lang hút chung với nhau. Nửa điếu còn lại cũng vứt vào gạt tàn. Khói lại bốc lên mơ hồ trên vùng trời cao nguyên ngày xưa. Khói lam chiều hành quân qua thôn xưa, lời của một bản nhạc ca ngợi thanh bình khiến những người cầm súng ước mơ. Cường và Lang đi xuống Chợ Cũ bằng xe gắn máy. Tôi đi sau bằng taxi, hẹn sẽ gặp nhau trong tiệm hủ tiếu Nam Vang Thanh Xuân.

Chiếc taxi đưa tôi đi Chợ Cũ. Tôi yêu cầu đưa xuống bến Bạch Đằng qua ngã Đinh Tiên Hoàng. Đường xa hơn vì tôi có ý định nhìn lại ngôi trường cũ. Con đường này tôi đã đi qua nhiều lần những năm trước khi có lệnh tổng động viên. Đường thật vắng vào sáng sớm, tôi nghe gió thổi qua cửa xe mát mẻ và gợn trong hồn những con sóng thời thanh niên. Ngày hôm nay tôi đi lính, với tôi không còn là thanh niên. Tôi có thể nhớ thời thanh niên của mình, nhưng tôi không thể phủ nhận một thực tại bi thảm phủ lên trên tôi không kém phủ lên trên bến tàu, lên hai hàng cây sao dọc con đường xuống xưởng Ba Son. Tuổi của tôi giờ là tuổi bến tàu, tuổi cây sao, tuổi của bức tượng Trần Hưng Đạo đang chỉ xuống bến. Nước trôi mang theo ước mơ của những người ngày đêm đứng trên bến nhìn theo con nước. Người trên bến trở về mang theo sự cằn cỗi của mình trong khi gửi bao nhiêu mong ước tin yêu theo con nước ra đi mỗi ngày.

Ngôi trường cũ trơ vơ bất động. Tôi yêu cầu dừng xe hai phút. Mở cửa xe bước xuống nhìn hai cánh cửa cổng mở rộng, tôi thấy hui hút một quá khứ. Đấy là chiếc bóng của thực tại mà nhìn vào nó người ta hay hỏi tại sao mình có thể có được một thời thanh xuân. Khi tôi quay lưng, bóng tôi đứng lại, bất động như một tượng đá. Chỉ thân xác tôi ra đi, chiếc bóng tôi còn trên ba bậc thềm đại học mắt mở to nhìn những cành phượng tháng tư, và tai nghe tiếng ve sầu bất tận của thời thanh niên. Ngồi trên xe chạy về bến tàu, tôi lại bảo tài xế dừng lại cho tôi năm phút. Chiếc bóng của tôi lại xen kẽ chiếc bóng của tàn cây sao trên cao. Tôi ngước nhìn những con sâu trên tàn cây màu xanh trong khi chung quanh con sâu chỉ một màu đen. Loài sâu đã ăn hết màu xanh của lá, rồi một con sâu rất to rơi xuống và một chiếc xe hơi đã cán qua nó. Con sâu nát bét và màu xanh tung tóe trong bóng mát sẫm màu. Chiếc bóng của tôi bước trên màu xanh rải rác trên đường đi ra bến tàu. Có rất nhiều sâu đã chết trên con đường này. Từ một ngày rất xa, tôi tươi vui trên con đường này và mơ ước con đường dài thêm ra khi niềm hạnh phúc không thoát khỏi bóng mát của chính tàn cây lợp trên con đường tuổi trẻ của mình.

Xe lại chạy và tôi một lần nữa nhìn thấy bóng mình ở lại với con đường. Tôi ra đi và tuổi của tôi hôm nay là tuổi bến tàu, mỗi bước chân tôi đi dẫm lên thời gian và tôi cứ bỏ lại chiếc bóng của mình phía sau. Không cần nhìn lại tôi cũng thấy những con sâu gặm nhấm từng chiếc lá xanh, và phủ lên bước chân tôi từng lớp bóng tối. Tôi chạy đua với bóng tối, và bóng tối từng bước nuốt lấy bóng tôi. Con sâu tạo ra bóng tối và bóng tối cho tôi sự cô đơn. Tôi ôm ấp nỗi niềm cô đơn sau khi những con sâu gặm nhấm hết màu xanh tuổi trẻ. Cuối con đường tôi dừng lại bên tượng Trần Hưng Đạo, và chiếc bóng của tượng đá trĩu nặng thời gian trên vai. Chiếc bóng của tôi đứng cạnh bóng của tượng Đức Thánh Trần. Một lần nữa, thân xác tôi tiếp tục mang vác sự cô đơn còn lại của một cuộc đời thừa thãi. Mọi người chung quanh đã bỏ tôi đi. Hạnh cũng đã xa rời, từ một thời tôi mất đi mơ ước. Tôi đứng rất lâu khi chiếc taxi đã bỏ đi và tôi đi bộ về Chợ Cũ. Khi tôi bước vào quán, Cường và Lang đã ăn sáng xong. Cả hai lại hẹn tôi chín giờ rưỡi sáng tại rạp hát Vĩnh Lợi.

Ăn xong tô hủ tiếu, tôi gọi một ly cà phê đen nóng. Uống hớp đầu tiên tôi lấy thuốc ra hút. Gói thuốc không còn điếu nào. Bước ra cửa quán, tôi mua một gói thuốc lá với tờ giấy bạc cũ vò nát. Trả tiền xong tôi bước vào quán, không rời xa tư tưởng một lần chạy trốn thực tại khi nhìn thấy một thời đã qua trên thân xác mình. Đốt điếu thuốc, hít thật sâu, cố xua đuổi những tàn tích quấy nhiễu, tôi tập trung những khuôn mặt thân quen. Đấy cũng là quá khứ: mái tóc quá khứ, nụ cười ngày xưa, ánh mắt long lanh… và khuôn mặt Hạnh. Tôi nhớ Hạnh những khi lòng mình dường tan nát, bế tắc. Tôi cũng như Cường không dám nhìn chính sự đau khổ của xác thân. Cứ thế mượn của thực tại một cơ hội để giải thoát, với ý nghĩa trốn chạy nó nhưng làm thế nào được? Tôi đứng lên trả những đồng tiền nhàu nát còn lại, rồi bước về phía phố Lê Lợi. Cường ngồi trên chiếc bàn ngoài sân tiệm cơm Thanh Bạch đưa tay vẫy, khi thấy tôi đứng trước rạp hát Vĩnh Lợi. Lang đã biến mất và Cường chờ tôi uống rượu. Gọi một chai Bourbon, chúng tôi uống với nhau nhưng không nói tiếng nào. Sự lặng lẽ là nỗi bình yên hay cơn phong ba trong tâm hồn đang đến cực độ. Uống bốn ly chúng tôi nhìn nhau cười. Cường hỏi:

“Chúng ta từng có một thời yên vui?”

“Dĩ nhiên!”

“Chúng ta từng sống một thời đau khổ?”

“Luôn luôn!”

“Bây giờ như thế nào?”

“Đau khổ!”

Cường rót thêm một ly rượu mới. Chúng tôi lại uống và nhìn ra hàng hiên. Nắng ràn rụa trên cảnh vật như nước mắt. Người qua đường tựa đi hành hương và cả một không gian bỗng dưng âm thầm. Không có tiếng động trong tôi và Cường. Xe chạy trước mặt như trong một giấc mơ, và từ giấc mơ này thoát thai sự đau thương âm ỉ, quấn lấy chúng tôi như đang chịu một vết thương chảy máu không dứt được. Nhưng không phải chỉ có thế sao? Tôi hỏi Cường:

“Lang đâu?”

“Đi rồi. Đã hết nhiệm vụ!”

Cường nói xong hỏi tiếp, “Chúng ta cần ăn thêm không?” Tôi lắc đầu và thấy nóng bức. Hoạt cảnh trước mắt trở lại linh động. Hai ngày nữa chúng tôi hết phép và trở lại chiến trường. Tôi uống thêm một ly với Cường rồi cả hai đứng lên ra khỏi quán. Cường lấy xe chở tôi đi một vòng phố, sau đó lại chạy xuống bến tàu. Chúng tôi đứng với nhau dưới tượng Trần Hưng Đạo. Tôi hỏi, “Tại sao chúng ta cứ mãi chạy vòng quanh cuối cùng cũng trở về chỗ này?” Cường trả lời, “Tao không biết, nhưng tuổi thơ của tao bao giờ phiền muộn cũng cần một bến nước, hay một dòng sông!” Tôi nhìn ra con nước đang lặng lẽ trôi dưới bàn tay của Đức Thánh Trần, lắng nghe Cường tâm sự. Nó nói hết sức chậm rãi như đang nhả từng âm thanh vào ánh nắng sáng:

“Khi tao nhận ra nỗi buồn của một đứa trẻ bị mất mẹ sớm thì tao đã gắn bó với con nước này. Lúc bấy giờ tao đạp xe đạp từ Chợ Lớn đến đây mỗi ngày để nhìn thấy mình nhẹ bớt nỗi đau buồn, cô độc khi đứng nhìn con nước trôi lặng lẽ. Từ đó thói quen này trở thành một tập quán của cuộc đời.”

Tôi quay sang nhìn Cường, nói xong nó lại nhìn xuống bến nước, khuôn mặt bình an với dáng vẻ hạnh phúc. Tôi nói với Cường, “Bến tàu là nơi trở về của một người lúc nào cũng mặc cảm bị bỏ rơi như tao! Ít ra tao và mày có cùng một quê hương.” Tôi chỉ bàn tay của Trần Hưng Đạo. Cường nói, “Tổ tiên chúng ta là những người cầm vũ khí. Nhưng tao cho rằng vũ khí chỉ bảo vệ thân xác mà không hề che chở được sự mất mát tinh thần!” Tôi đồng ý với nó. Cường nói tiếp:

“Ngày hôm nay chúng ta bảo vệ đủ thứ nhưng tinh thần ngày càng mất mát. Chiến tranh là nơi người ta giết nhau bằng vũ khí và ngôn từ. Có rất nhiều người bảo đấu tranh bảo vệ chủ quyền, tự do, dân chủ nhưng chính họ đang nô lệ vì bản thân họ không hề có tự do. Lấy bản thân chúng ta làm bằng chứng. Từ khi bước vào cuộc chiến, chúng ta hoàn toàn không thuộc về mình chút nào cả. Bên cạnh đó, hệ lụy chiến tranh ăn mòn dần tính tích cực, lạc quan của con người. Cứ như thế chúng ta đi theo mệnh lệnh và nếu không may mắn cũng chết trong mệnh lệnh.”

Tôi gật đầu, nhìn dòng nước êm ả trôi trước mặt như thấy mình đang quay đầu trốn chạy lửa khói phía sau. Tôi quay nhìn Cường rồi nhớ đến Lang buổi tối, “Chỉ có bản năng còn tồn tại, mọi thứ khác mất hết!” Nói với Cường, tôi nhớ chiếc bóng phía sau mình. Nó thực là tôi, còn tôi đang đứng đây chỉ là thân xác. Hình như chiếc bóng của tôi mỗi ngày một xa hơn, và một lần nào đó tôi quay lại sẽ không còn thấy nó. Bấy giờ tôi không khác những bục gỗ, hàng rào sắt, cầu tàu trơ gan cùng mưa nắng. Và phía trên tôi, tổ tiên mình cũng chỉ là khối đá lạnh lẽo âm thầm chỉ tay xuống nước, không phải một lời thề mà dường như chỉ là lời than van trách móc, “Dòng nước đang trôi chảy kia bao giờ mới chuyên chở hết sự điên rồ, ngu ngốc của con người truyền thống hai nghìn năm qua!”


Lê Lạc Giao