có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 4 25, 2021

Nhớ mùa xuân qua



Đám lính cụt tay có, cụt chân có, lành lặn tay chân cũng có, chiều nào cũng tập trung lại trước sân cỏ của đơn vị 2 quản trị tán ngẫu, sau bữa cơm chiều. Đám thương binh tàn phế này đang chờ đợi giấy tờ để trở lại đời sống dân sự. Đám lành lặn tay chân cũng đang chờ đợi nhận sự vụ lệnh đáo nhậm đơn vị mới, tiếp tục cuộc chiến. Thằng lành thì tiếp tục cuộc đời quân ngũ. Thằng què thì trở về làm lại cuộc đời sau trận đánh cuối cùng để giã từ vũ khí. Có nhiều lý do để những người lính này vào đơn vị 2 chờ đợi. Đa số là những người lính còn trẻ, có thằng vừa rời khỏi ghế nhà trường. Trong số những người lính trẻ này có thằng chuẩn úy Bảy, nhỏ con lại cận thị. Trước khi vào đơn vị 2 để nhận lịnh đi đơn vị mới, nó đã ở quân lao Nha Trang gần ba năm. Ba năm trong quân lao, đủ để nó nhìn thấy tại sao quân đội lại có nhà lao này. Nhà lao chứa đủ thành phần lính. Lính chủ lực. Lính địa phương. Mà đa phần là lính tác chiến ngoài trận địa. Nó nhìn thấy lính văn phòng ít ỏi hơn trong đám quân phạm chung quanh nó. Và có cả mấy quan lớn tham nhũng nữa. Trong quân lao đám quân phạm này xem thường mấy tên quan tham nhũng, bởi vì họ là dân đánh giặc. Đánh giặc thì chẳng có đồng tiền nào dư dã để đút lót cho quan, về làm chỗ tốt. Nhưng cuối cùng thằng Bảy lại vào quân lao, chờ ngày ra tòa án binh, với tội danh cãi lệnh hành quân.

Buổi chiều, ngọn gió xuân làm lay động nhẹ những khóm hoa cúc, hoa vạn thọ mà mấy người lính cơ hữu trong đơn vị trồng trước doanh trại. Có những khóm hoa nhỏ nhoi như thế này trong một trại binh để cho những người lính nhìn dễ chịu một chút, hơn là cứ nhìn đâu đâu cũng thấy lính. Mà lính trong đơn vị này chẳng may mắn chút nào, không giống như một trại binh bình thường khác. Những đóa hoa cúc vàng tươi hay những hoa vạn thọ báo hiệu mùa xuân sắp về. Xuân về tết đến với bao sự mong chờ của mọi gia đình. Trong đó có mẹ thằng Bảy cũng đang chờ đợi nó. Bốn năm vào lính, từ lúc ra khỏi trường, nó chưa một lần về thăm bà. Bốn năm, có bao nhiêu tháng ở đơn vị đâu. Với chức vụ trung đội trưởng lèo tèo 13,14 thằng lính đi đóng đồn, trên ngọn đồi gió thổi quanh năm suốt tháng, ở cái quận An Phước khô cằn, mà phần đông là người dân Chàm. Địch muốn nhổ cái đồn này với nhiêu đó người lính bằng những đợt pháo của cối 82. Cấp số của địch nhiều quá, gấp trăm gấp ngàn lần, làm sao trung đội của nó chịu nổi. Xin lệnh rút không cho, nó tự ý rút quân để bảo toàn đơn vị, thì bị tống vào quân lao, can tôi cãi lệnh hành quân. Mẹ nó ở nhà chẳng hay biết, tưởng thằng con vẫn còn ngoài chiến trận. Mấy thằng anh của nó cũng chẳng hay nó vào tù. Đời lính mà, ít có khi nào về được nhà trong dịp tết. Hôm nay ngồi tán ngẫu với mấy thằng bạn khi nghe gió xuân thổi về trên những khóm hoa, ngọn cỏ, làm lay động những đóa cúc vàng, mặc dù những hoa cúc trong sân trại không đẹp bằng những hoa cúc ở nhà nó năm nào.

Nó nhớ lại những năm còn ở nhà, năm nào nó cũng đi tìm giống cúc đại đóa về để ương cho kịp tết, làm vui cửa vui nhà. Nhất là làm cho mẹ nó vui. Ngược lại mẹ nó cũng vậy khi nhìn nó chăm sóc từ lúc cúc còn cây con cho đến khi đám cúc lớn, đơm bông. Sự chăm sóc tỉ mỉ của nó từ ngày này qua ngày khác trên vuông đất nhỏ dùng để ương giống cây. Ngồi nhìn nó làm với bao thích thú. 

Có lần mẹ nó nói: 

"Năm nào tao thấy mầy cũng cực với loài hoa này. Để gần tết, ra chợ mua có khỏe hơn không".

"Mẹ nghĩ, loại cúc này đâu có rẻ. Mà mình có đủ tiền để mua nó không. Tranh làm sao nổi với bọn nhà giàu". 

Mẹ nó không nói. Thôi thì nó thích để nó làm. Những bông cúc trước doanh trại làm nó nhớ lại những kỷ niệm mấy năm về trước. Mới đây bốn năm thôi, mà thấy sao xa quá, từ lúc nó nhận lệnh đi trình diện. Nó định dấu mẹ nó tờ giấy gọi, sợ bà buồn. Nhưng cuối cùng rồi nó cũng nói cho mẹ nó hay ngày nó lên đường nhập ngũ. Bà buồn, nhìn ra miếng đất nhỏ của nó như một vườn ương riêng biệt của nó cho mỗi mùa. Có khi là cà. Có khi là ớt. Rồi lại là hoa cho mỗi độ xuân về. Nó nhìn mẹ nó, hiểu mẹ nó nghĩ gì. Nó nói: 

"Thôi mẹ. Thời buổi chiến tranh. Tránh sao cho khỏi". 

Mẹ nó nói:

"Nhà có hai thằng con lớn vào quân đội. Bây giờ lại tới mầy. Không hoãn dịch được sao".

"Làm gì được mẹ. Mình còn thằng Út".

"Nói tội vong linh của ba tụi mầy, khi ổng còn sống, ổng khai tuổi thụt xuống cho hai thằng con đầu để tụi nó khỏi đi lính. Nào ngờ hai thằng con lớn đã đi, rồi bây giờ tới mầy".

"Chiến tranh dai như đĩa đói, làm sao tránh khỏi hả mẹ. Con như ba, không cần phải khai tuổi sụt xuống làm chi". 

Mẹ nó chửi:

"Mồ tổ mầy. Mầy nói cái gì con như ba". 

Nó nhìn mẹ nó cười. Ngày ra đi, mẹ nó tiễn ra bến xe đò với thằng em út. Bốn năm, từ lúc ra trường mang lon chuẩn úy. Nó chưa về thăm mẹ nó lần nào. Bây giờ, chờ đợi nơi đơn vị 2, gió xuân lại về làm lay động những khóm hoa vạn thọ, hoa cúc làm nó nhớ đến mẹ nó với cái vườn ương cây của nó ở sau nhà.

Những người bạn mới quen từ trong đơn vị này, đứa nào cũng mang trong lòng một tâm trạng riêng. Có lẽ không đứa nào giống đứa nào. Nhưng tựu trung, đứa nào cũng nghĩ phải chi còn lành lặn chân tay, trở ra chiến trường lại tốt hơn là trở về với thân thể này, biết làm gì để sống. Thằng Bảy thì chẳng nghĩ gì khác. Nó biết nó phải đi đến một đơn vị mới. Tác chiến.


***

Đám lính đang ngồi tán ngẫu dưới hàng cây me. Chiều bắt đầu xuống bên kia rặng núi xa. Trong đơn vị những bóng đèn cũng được thắp sáng trên lối đi. Gió vẫn thổi nhẹ trên những khóm hoa như ngày nào tụi nó vẫn ngồi chờ đợi, tán ngẫu, để chờ một ngày nào đó rồi lại chia tay. Chiều xuống thật mênh mông, buồn tẻ. Đám lính độ vài ba thằng, giờ này cũng chẳng muốn về phòng. Ngồi bên ngoài thấy thoải mái hơn là vào nằm trong dãy nhà tiền chế, chờ đợi một tờ giấy từ văn phòng của bộ chỉ huy. Đang ngồi chơi trên sân cỏ thì một người sĩ quan trong đơn vị đi ngang qua, nói:

"Anh em có nghe gì chưa?"

"Có chuyện gì thế, trung úy". Một người lính hỏi.

"Hiệp định hòa bình ký rồi. Không còn đánh nhau nữa"

"Thật không trung úy. Sao tôi nghi quá. Tin không nổi đâu trung úy ơi".

"Thật mà. Tôi mới nghe đài BBC nói khi sáng. Có hiệu lực từ tháng giêng Tây".

Thằng Ngãi cụt chân, chống cây nạng gỗ đứng dậy, dựa lưng vào gốc me, hỏi:

"Nghe ổng nói, tụi mầy buồn hay vui tụi bây"

Thằng Vân bị bịnh đái đường nhiều năm, sau nhiều lần nằm điều trị tại quân y viện, cuối cùng được ra hội đồng y khoa cho giải ngũ, nói:

"Mừng cái chó gì. Để tụi mầy xem, rồi còn đánh nhau nữa".

"Tao thì buồn. Bảy tám năm trong quân đội. Lội từ miền cao xuống đồng bằng, cuối cùng thì bị thương cưa chân. Nay nghe ông trung úy nói hiệp định ký, có hòa bình, tao chẳng biết về đâu sau cái tết này". Thằng Từ than.

"Sao mà thảm vậy? Chứ quê mầy ở đâu. Làm gì cũng còn có mái nhà để trở về chứ". Vân đái đường hỏi. Hỏi xong, nó huýt sáo một đoạn trong bản nhạc về dưới mái nhà xưa.

"Bình Định. Nhưng phải ở thành phố đâu. Miệt quê mà. Tụi mầy mà nghe nói là đã nổi gai ốc rồi"

"Địa danh nào gớm dữ vậy"

"Xã An Thường. Ngày xưa là địa danh của quân khu 5 của tụi nó. tao sợ xóm làng của tao, nếu tao trở về.

"Mẹ ơi! Vậy là bố mầy là Vi Xi".

"Đừng giỡn. Nhột. Bố tao là Vi Xi, làm sao tao là lính của miền Nam".

"Hút mẹ gì. Mầy cứ khai là bố chết. Có thằng an ninh nào biết được khi mầy nhập ngũ".

"Bố tao là xã trưởng. Nó treo giá cái đầu ổng bằng tiền, mà chưa cắt được. Tụi bây đừng tưởng bở".

"Có lính của mình đóng quân ở làng của mầy. Sợ gì. Nếu hiệp định đã ký rồi, nó dám đánh không". Thằng Vân đái đường nói.

Nghĩ rồi, nó chán nản nói: Cái bịnh của tao sẽ làm được gì, sau khi giải ngũ. Chẳng lẽ lại trở về nằm chờ chết bên cạnh bà mẹ già.

Hết thằng này nói, tới thằng khác nói. Nghe ông trung úy trong trại nói, chẳng có đứa nào vui. Hiệp định ký vào mùa xuân. Nay mai tiếng súng không còn nổ trên trên phần đất nhiễu nhương này. Đáng lẽ phải vui lên chứ. Nhưng thằng nào rồi cũng bi quan. Chỉ có thằng Bảy là không góp ý, nằm dài trên đám cỏ trước doanh trại. Gió mơn man trên da mặt. Nó đang nghĩ đến những ngày sắp tới. Ngưng bắn vào dịp xuân. Phải chi bây giờ nó nhận được tờ giấy đi trình diện đơn vị mới, dù về vài ba ngày trong dịp tết, thăm bà già rồi nấu cho bà già nồi bánh tét, như những năm còn ở nhà. Năm nào, mẹ nó cũng ngồi cặm cụi đãi nếp, nấu đậu làm nhưn. Những tàu lá chuối sau nhà được rọc xuống, xếp lại cẩn thận để lo cho những đòn bánh cúng ông bà. Từ lúc hai người anh của nó vào lính, năm nào nó cũng thủ nấu nồi bánh tét vào đêm hai mươi chín sáng ba mươi. Bốn năm rồi nó không còn làm việc này để giúp cho mẹ nó. Nay nghe nói hiệp định ký, dù gì tết năm nay vẫn yên ổn hơn. Không như năm sáu tám, nồi bánh tét đang sôi, lửa đang cháy rần trong lò thì súng nổ nửa đêm. Lúc đầu tiếng súng còn lẻ tẻ, nhưng sau nổ liên hồi. Nó nghĩ, ngưng bắn cho ba ngày tết mà sao lạ vậy. Thằng anh thứ năm lợi dụng có hưu chiến trốn đơn vị dù về nhà chơi vài ba ngày rồi sẽ ra lại đơn vị. Thấy thằng con thứ năm về, mẹ nó mừng quá đỗi. Năm nay nhà mình ăn tết lớn, dù thằng anh lớn không về, còn bận đâu ở miệt Qui Nhơn. Nghe súng nổ, trong nhà tưởng đâu là dưới đồn lính bắn vui chơi. Nào ngờ lối xóm nói: Việt cộng về. Chạy bà con ơi. Thế là nhà cửa bỏ đó mà chạy. Thằng anh thứ năm của nó đi vào trong nhà lấy khẩu súng ra. Mẹ nó la như nhà cháy: Tao lạy mầy, tụi nó mà biết mầy là lính là cả nhà chết hết. Thế là ai cũng bỏ nhà chạy về phố lánh nạn. Cửa nhà bỏ ngõ. Khói nhang vẫn còn nghi ngút trên bàn thờ. Nồi bánh tét mà thằng Bảy thủ như mọi năm, lửa củi vẫn cháy. Thây kệ, cứ chạy thoát thân.

Vừa chạy giặc trên đường, bà con ai cũng nói: "Tết nhất linh thiêng thế này mà sao họ đánh". Có người rành vấn đề hơn: "Hưu chiến mà sao kỳ vậy". "Thôi cha ơi. Đừng nói nữa. Việt cộng mà tin sao". Thế là từ cái tết năm đó, ấn tượng hưu chiến hay ngưng bắn không bao giờ có xảy ra trong đầu óc của nó. Khi trận đánh đã yên, ai ai cũng trở về lại nhà. Ngôi nhà ngói cũ kỹ của gia đình nó loang lỗ vết đạn trên vách tường. Trong nhà còn có hai xác chết. Ai cũng sợ hãi, gọi lính vào đem đi chôn. Cái tết năm 68 không làm cho nó tin là ngưng bắn có thật, dù hiệp định có ký đi chăng nữa. Nó vẫn sợ. Tuy nhiên, ngay bây giờ có tờ giấy ra trình diện đơn vị, nó cũng dù về nhà cho kịp mùa xuân, nấu cho mẹ nó nồi bánh tét như mọi năm nó còn ở nhà.

Ba năm nằm trong quân lao, mẹ nó chẳng hay biết. Cứ ngỡ thằng con chắc còn bận việc binh. Thôi thà xem như vậy, để cho mẹ nó khỏi bận lòng với tuổi già bới xách thăm nuôi, đi hết đoạn đường dài hằng mấy trăm cây số bằng xe đò. Trong quân lao, nó lại được anh em quân phạm thương nhiều, vì biết hành động của nó làm, mà cấp trên của nó không hiểu, cứ cho là cãi lệnh hành quân rồi còn hành hung quận trưởng. Quân cảnh tư pháp chẳng cần điều tra, cứ trên nói sao nghe vậy chẳng cần tìm hiểu nguyên do trận đánh. Thế là tống nó vào quân lao. Vào quân lao, nó mới thấy lính ngoài tác chiến bị nhốt nhiều hơn là những người lính thuộc diện con ông cháu cha núp bóng ở văn phòng. Với nó, cấp bậc nhỏ nhen, nắm trung đội trưởng khoảng gần năm, chỉ có 13,14 thằng lính. Chàm có, Việt có, Thượng có. Thế mà nó hiểu từng người. Còn cấp chỉ huy cao hơn nó sao không chịu tìm hiểu tâm lý của người lính thuộc hạ dưới quyền của mình. Người lính ngoài mặt trận hành quân liên miên, lâu lâu mới trở về hậu cứ một lần. Vợ con của họ đâu có ở đó. Buộc lòng phải dù vài ba ngày rồi lại trở ra. Đơn vị đi hành quân, thiếu lính, đơn vị trưởng báo cáo đào ngũ, tống cho quân cảnh tư pháp. Quân cảnh tống họ vào quân lao. Cửa quân lao lúc nào cũng mở rộng, chờ ngày ra tòa. Có lần nó nhìn thấy tòa kêu xử cả hai xe GMC quân phạm. Lần nào gọi ra tòa xử, đám quân phạm cũng cười giỡn khi có lệnh gọi. Nặng thì lao công chiến trường. Nhẹ thì ra đơn vị khác. Thằng Bảy không thuộc dạng lính đào ngũ, mà nặng hơn: Cãi lệnh hành quân, để địch chiếm mục tiêu. Ngày gọi nó ra tòa án binh, nó vui vì được anh em quân phạm chúc nó may mắn. Một là tiếp tục nằm quân lao cộng thêm vài ba năm tù ở nữa. Hai là ra đơn vị mới. Khi ra tòa, về lại quân lao, nó kể cho mấy thằng bạn nghe:

"Quan tòa hỏi tao sao dám cãi lệnh hành quân. Tao nói là không cãi lệnh. Ổng hỏi tao sao biên bản làm như vầy, như vầy. Tao nói tao không biết, do quân cảnh tư pháp thụ lý. Tao nói lên sư thật của trung đội đi đóng đồn. Đêm đó địch tấn công, có cả cối 82. Đơn vị chỉ có một trung đội không đủ cấp số. Xin rút để bảo toàn quân. Quận không cho, bắt buộc nằm lại để chiến đấu, mà chẳng có kế hoạch nào để yểm trợ cho tao. Tao tự động rút quân, bỏ tiền đồn để bảo toàn tính mạng những người lính. Rồi quan tòa hỏi tao sao dám hành hung quận trưởng. Tao cười với ổng: Quan tòa nghĩ xem, tôi nhỏ con thế này sao dám hành hung ổng. Ổng ngồi nơi quận đường có lính hầu người hạ. Ra vô vài ba lớp cửa, sao dám đụng. Đụng tới ổng, cận vệ của ổng đã bắn tôi chết rồi, còn đâu quan tòa xử. Cả hội trường cười. Sau khi nghị án, có lẽ nhờ mấy quan bồi thẩm mà tao nhẹ tội. Tòa kêu án tao hai năm. Tao nằm trong quân lao ba năm, thừa một năm để truy lãnh với cấp bậc của tao".

Bây giờ nghe nói hiệp định ký vào mùa xuân, nó không mong gì hơn là về thăm mẹ nó, trước khi ra đơn vị mới. Tụi nó có đánh thì đánh. Nghiệp binh. Ăn cơm chúa thì phải múa thôi. Nó nghĩ như vậy.


***

Rồi những mùa xuân kế tiếp. Hiệp định đã ký lâu rồi, trải qua mấy năm. Người lính vẫn khoác chiếc áo trận, với ba lô gạo sấy. Thằng Bảy sau khi nhận lệnh đi ra sư đoàn 2, nó ra quốc lộ 1 đón xe đò về thăm mẹ nó. Mẹ nó cứ ngỡ nó về từ mặt trận. Bà nhìn nó chẳng có lạ gì. Cũng cái thằng như ngày nào chẳng lớn hơn chút nào cả. Nhưng sau đó, bà hỏi:

"Sao mầy hút thuốc nhiều vậy, bịnh đó nghe".

Nó cũng chỉ cười. Bà nói:

"Nếu được mùa xuân sang năm mầy về tao dẫn mầy đi hỏi vợ. Chờ nó tốt nghiệp sư phạm, tụi mầy làm đám cưới tốt hơn. Tao cũng đã bàn với mẹ của nó rồi".

Nghe mẹ nó nói. Nó cũng chỉ cười:

"Con nào vậy mẹ. Bộ mẹ muốn người ta trở thành bà góa. Mẹ mang tội đấy".

Mẹ nó buồn:

"Tụi mầy hay nói gỡ. Chứ thằng anh cả mầy đó có sao đâu, cũng lính tráng có vợ có con đàng hoàng. Chẳng lẽ thằng lính nào có vợ cũng thành góa hết sao. Tao thấy nó thường lên thăm tao, hay hỏi thăm mầy có thư từ gì về không. Ba năm, tao không thấy mầy gởi về cho tao một lá thư nào cả. Tao nghĩ mầy gởi cho nó. Hỏi nó. Nó nói không. Sao mầy tệ vậy".

Nghe mẹ nó nói. Nó thấy thương mẹ nó. Ba năm ở trong tù mẹ nó chẳng hề hay biết. Cứ tưởng thằng con còn tự do bên ngoài. Bà nhìn thằng con, rồi hỏi:

"Mắt mầy cận nặng như thế làm sao đi hành quân. sao không xin người ta về làm ở văn phòng. Đêm hôm tăm tối, rớt mắt kính thấy đường đâu mà mò".

"Mẹ tưởng xin về văn phòng dễ lắm hả. Có điều, mẹ đừng nói với con Minh là có con về. Thăm mẹ vài hôm rồi đi".


***

Ngày ở đơn vị 2 ra, trở về thăm mẹ nó lần đầu và cũng là lần cuối. Mùa xuân năm đó, hiệp định ngưng bắn ký, bắt đầu có hiệu lực vào tháng giêng. Nó về thăm mẹ nó vài ngày rồi ra đi. Rồi lại cũng vào mùa xuân hai năm sau, mẹ nó nhìn thấy lính ở đâu chạy về ngang qua thành phố của bà ở nhiều quá. Chẳng những lính mà còn vợ con của họ nữa. Sao nhiều quá vậy. Thành phố biển của bà mấy ngày nay trở nên rộn rịp. Hết người dân ở những thành phố khác tới. Rồi dân chung quanh lại nói ra nói vào. Bà nghĩ đến mấy đứa con của bà. Để rồi bà nhìn những đứa cháu đi lính gần nhà, sao bà vẫn thấy như có cái gì đó vội vã. Hỏi, chẳng có đứa nào trả lời. Nhưng bà biết chắc hai bên lại đánh nhau. Bà nghĩ: Sao lạ, cứ mỗi lần xuân về, lại đánh nhau như thế. Hiệp định nghe nói đã ký lâu rồi mà, sao chưa thấy hòa bình, mà cứ đánh nhau mãi thế này. Ba thằng con đi lính xa lại không về lúc này, trong cái ồn ào của những người lính từ ngoài chạy vào. Bây giờ thấy lính tráng, vợ con của họ chạy giặc như thế, bà lo cho mấy thằng con của bà.

Buổi trưa, cơn sốt của đoàn người lánh cư từ các tỉnh ngoài ồ ạt vẫn tiếp tục đổ vào thành phố, thì bà nghe tin thằng Bảy, con bà chết. Có người từ dưới tiểu khu lên cho hay để bà chuẩn bị nhận xác con. Bà nghe tin nó chết. Bà cũng chết điếng theo. Bà con lối xóm xúm lại người cạo gió, người giật tóc mai cho bà tỉnh dậy chờ người ta mang xác con bà trở về.

Mùa xuân. Tự nhiên bà nghĩ tới mùa xuân bà sợ. Theo như người ta sau một năm làm việc mệt nhọc, xuân đến, tết về, mọi nhà quây quần lại với nhau đoàn tụ. Còn bà, bà lúc nào cũng thấy chán chường. Sau cái chết của thằng Bảy một tháng. Hai thằng con lớn đi lính cũng trở về. Bà nghe người ta nói thống nhất đất nước rồi. Chiến tranh không còn nữa. Ai nấy lo trở về đất cũ làm ăn. Bà chẳng thấy xuân đoàn tụ đâu, trở về đất cũ làm ăn đâu, mà thằng con đầu mới trở về gặp mặt vợ con chưa nói được lời nào, thi đám du kích đã vào nhà bắt đưa lên mật khu Cà Tót.

Bà đâm ra sợ mùa xuân. Cái mùa xuân năm 1975 đó.


Phạm Văn Nhàn