có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 8 22, 2020

Văn Túy Hồng


Nhà văn Túy Hồng và thủ bút (Hình: trang mạng Gió-O)

Nhà văn Túy Hồng vừa qua đời vào hôm 19-7-2020, tại tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ, để lại một niềm luyến tiếc sâu xa trong lòng những người yêu mến văn chương của chị. Đã có rất nhiều bài viết phân tích, hồi ức, chia xẻ cũng như tưởng nhớ chị trên nhiều trang mạng ở trong và ngoài nước. Bài viết ngắn này, giới hạn trong việc phân tích qua vài đặc điểm trong cách viết của chị, là một nén hương lòng thắp lên tiễn biệt một nhà văn Việt Nam mà cũng là một người đồng hương tài hoa, xuất sắc.

Bàn về cách viết của Túy Hồng, nhà nghiên cứu văn học Tôn Nữ Nha Trang cho rằng, “Đọc bà là thấy cái độc đáo của tiếng Huế chộn lộn với tiếng mẹ đẻ vốn phong phú trong so sánh và ẩn dụ, và đầy âm điệu. Sự so sánh của bà thật bất ngờ và thông minh, do đấy không hề buồn chán; thay vì thế, chúng cho ta cái thú vị ở chỗ tìm thấy cái gì đó quen thuộc cách lạ lùng.”[1]

Không khác mấy với nhận định trên, nhà văn Lê Thị Huệ nhận xét rằng khi viết, “chị tuôn ra những giòng chữ như những chiếc búa nện vào thảm chữ. Chị tung hê như bóc từng tế bào văn chương trong người vứt vào tác phẩm. Và kệ chúng ra sao thì ra. Tôi gọi đấy là văn chương văng mạng của Túy Hồng.” So sánh với năm nhà văn nữ hàng đầu của văn chương miền Nam trước 1975, “Túy Hồng là nhà văn nổi bật nhất với một giọng văn đa chữ đa ảnh đa so sánh.”[2]

Tuy nhiên, cũng theo Lê Thị Huệ, “…vì mải mê chinh chiến với giọng văn quá nên các tác phẩm Túy Hồng xuất sắc về giọng văn, lại thiếu chiều vĩ đại và sâu thẳm suy tưởng cho nội dung một tác phẩm văn chương rộng lớn.” Tôi phần nào đồng ý với nhà văn Lê Thị Huệ trong nhận định này. Quả là, văn phong Túy Hồng gần như lấn át hẳn, hay nói cho đúng, che mờ hẳn một số đặc tính khác của tác phẩm văn chương như chiều sâu tư tưởng, đề tài hay cung cách xây dựng hình tượng nhân vật. Tuy nhiên, theo tôi, cái lớn, cái đặc sắc của văn chương Túy Hồng nằm ngay trong ngôn ngữ hay nói cho chính xác, trong cách Túy Hồng khai thác và vận dụng ngôn ngữ, điều mà đôi khi ít tìm thấy trong các tác phẩm lớn khác.

Đọc văn Túy Hồng, nghe như có hơi, có mùi, có màu, có vị. Ngọt ngọt chua chua, đắng đắng, cay cay, hồng hồng, xám xám, đen đen, đỏ đỏ. Chị viết như nước chảy, mà khi nào cũng chảy mạnh, chảy tuôn trào, chảy xiết, ít khi trôi lờ đờ hay rơi từng giọt nhỏ. Đọc chị, ta có cảm tưởng như chị kể chuyện rào rào, cái này nối tiếp cái kia, chuyện này đeo theo chuyện nọ không dứt, đôi khi chẳng cần mất công chuyển mạch, chẳng cần phải vòng vo, nói quanh nói quất. Chị vọc giỡn với chữ một cách hồn nhiên như nhiên, đùa cợt, tung lên hứng xuống. Các đối thoại của chị trực tiếp, tức thì, chính xác y như chị bê nguyên hiện thực bên ngoài bỏ lên trên trang giấy.

Trước đây, trong một bài phân tích về cách viết của Trần Thị NgH, tôi có đề cập đến văn phong của nhà văn nữ này qua cách sử dụng khẩu ngữ và ví von.[3] Túy Hồng cũng vậy, nhưng nhiều hơn, thường xuyên hơn và cá biệt hơn. Một là, chị có biệt tài sử dụng ngôn ngữ Huế, cả phương ngữ lẫn khẩu ngữ, nhiều chỗ rặt cả Huế, nhất là trong phần đối thoại; và hai là, khi sử dụng hình thức ví von, nhiều lúc, có những ví von rất táo bạo, rất bất ngờ với một số lượng khá lớn khiến cho cách viết của chị trở nên phong phú, độc đáo và hấp dẫn. Xin được đề cập đến hai đặc điểm này qua các trích dẫn dưới đây rút ra từ vài tác phẩm của chị: Tôi nhìn tôi trên vách (TNTTV), Hơi thở rướn cong (HTRC), và Buổi chiều nghiêng không thẳng, chiều tà (BC).


Ngôn ngữ Huế

Văn chương Túy Hồng dựng nên một chân dung Huế, rất Huế, đọc vào là thấy Huế, đụng chạm Huế không “chạy vào đâu được.” Để có một đối chiếu, ta thử đọc một nhà văn nữ xứ Huế khác thuộc thế hệ hậu sinh của Túy Hồng, Trần Thùy Mai. Qua tập truyện ngắn “Thương nhớ Hoàng Lan”[4] chẳng hạn, ta thấy chất Huế, tính Huế, vị Huế và hồn Huế bao trùm trong hầu hết các truyện, từ địa danh, nhân vật cho đến tâm tình và cung cách ứng xử. Khung cảnh trong truyện gần gũi, quen thuộc có thể bắt gặp đâu đó trong đời sống Huế hằng ngày, đến nỗi nếu là người Huế, ai cũng mường tượng chúng xảy ra ở đâu, vận vào loại người nào. Tuy nhiên, dù cũng đề cập đến những mối tình ngang trái, những vụ tai tiếng lăng nhăng tình ái (giữa ông thầy tu và cô học trò chẳng hạn), những xung đột cũ-mới, quan gia-dân dã trong gia đình hay ngoài xã hội, nhưng Huế của Trần Thùy Mai hiền lành, e ấp, từ tốn, nhẹ nhàng, có hở có kín, mờ mờ ảo ảo. Trong lúc đó, Huế của Túy Hồng dữ dội hơn, bộc trực hơn, hở hang hơn và da diết hơn. Đến nỗi, khi đọc văn chị, nhất là đối với người Huế, ta có cảm giác có thể nghe, có thể sờ, có thể nắm, có thể nhìn, có thể chạm ngay từng tế bào Huế, từng nỗi niềm Huế, từng chân tơ kẽ tóc Huế, từ gia đình ra ngoài xã hội, từ phong tục tập quán cho đến những biến động liên miên ở Huế suốt một thời gian dài, từ đầu thập niên 1960 cho đến ngày chế độ VNCH sụp đổ. Đọc là thấy Huế hiện ra ngay lập tức, trực tiếp, tưởng như không phải qua một trung gian nào, kể cả chính ngôn ngữ.

Chẳng lạ gì, khi đọc Túy Hồng là tôi có thể hình dung ra tôi, tìm thấy chính tôi và tất cả những quan hệ chằng chịt mà cái thế giới Huế vừa u uẩn vừa nồng nàn, vừa nghiêm cẩn lại vừa hoang đàng, vừa lặng lờ lại vừa dữ dội và sôi động ấy hình thành nên – cái thế giới đã từng nuôi tôi lớn lên một thời mà bây giờ, chao ơi, vô cùng xa khuất.

“Sư cụ ở trên đi xuống hét: ‘Cái thằng thiên tinh dịch vật, không được đánh đũa… người ta kiêng, đũa đánh nhau là người đập lộn. Tụi bay ưng có xích mích hả, tụi bay ưng có chào xáo, ưng có đánh lộn đập bậy à?” (HTRC)

Nhiều nhóm chữ hay chữ trong câu trên (tôi gạch dưới) nằm trong cách nói thông thường hàng ngày, một loại khẩu ngữ, ở Huế. “Thiên tinh dịch vật”= du đãng, ba trợn, có thể dùng một nhóm chữ khác cùng một ý: “trời đánh thánh đâm” hay “thiên lôi địa tướng”; “Ưng” = muốn, thích, yêu. (ví dụ: Mi ưng thằng nớ rồi phải không? = Con yêu anh chàng đó rồi phải không?)

“Sư cụ mắng xong hừ hừ đi lên còn lẩm bẩm hai cái thằng thiên vương la sát. Chú Tân chú Lý xới cơm dưới nồi cho vào cái vịm đạp lại. Chú lấy cái khay tróc sơn chắt chút tương vô chén mang lên đứng hầu ông thời một lát rồi ông cho xuống bếp ăn với chú Tân.” (HTRC)

“Thiên vương la sát” nghĩa cũng tương tự như “thiên tinh dịch vật”, “đâm cha chém chú” hay “trời đánh thánh đâm”; “chắt” = chiếc ra, vớt ra, múc ra; “thời” = ăn (dùng cho người lớn tuổi hay quyền cao chức trọng); “vịm”: đồ đựng đồ ăn bằng đất nung, tráng men, có nắp đậy.

– “Em hết cả rồi, em phá sản hết trơn hết trụi rồi.” (HTRC) (Hết trơn hết trụi = không còn gì cả).

– “Sao tôi xấu xi thế này, xấu đoản, xấu xa xấu xí.” (TNTTV) (Xấu đoản (hậu) = quá xấu).

– “Con mần thinh chưa cãi cọ lại gì cả.” (TNTTV) (Mần thinh = làm thinh, im lặng).

– “Nói tầm bậy tầm bạ hồi nào đâu, nói trúng lỗ rốn cái phóc.” (TNTTV). (Nói tầm bậy tầm bạ = nói ẩu; nói trúng phóc cái lỗ rốn = nói ngay chóc).

– Đồn chi mà đồn độc, thấy con gái người ta đẹp rồi đồn độc. (TNTTV). (Đồn độc = lời đồn độc địa, ác).

– Ôi! Những cơn mơ trật bậy trật bạ hết cả. (HTRC) (Trật bậy trật bạ = trật lất, trật hoàn toàn).

– Con gái mình (…) sẽ ế rình ra đó không ai thèm lấy… (TNTTV). (Ế rình = rất ế, không ai đến tán tỉnh, hỏi cưới)


Ví von: “NHƯ” và không “NHƯ”

Tôn Nữ Nha Trang cho rằng Túy Hồng phong phú trong “so sánh và ẩn dụ”, còn Lê Thị Huệ cho rằng giọng văn Túy Hồng “đa so sánh”. Tôi sử dụng một chữ khác, ví von. Ví von là diễn tả một sự vật/sự kiện bằng cách so sánh nó với một sự vật/sự kiện khác tương tự hay được cho là tương tự, giúp cho ta dễ hình dung sự vật được mô tả. Trong những trích dẫn sau đây của Túy Hồng, tôi viết hoa chữ “NHƯ” để nhấn mạnh:

Hai vợ chồng cùng gầy nhom một cặp NHƯ cò hương. (HTRC) (Ví von cái gầy của hai vợ chồng với cái khẳng khiu của hai chân loại một loại cò).

Cha Thịnh thật no béo, no béo NHƯ vịt bầu và dáng đi của cha đẹp NHƯ dáng ngựa bước chậm. (HTRC). (Ví von cái bụng to của ông linh mục với cái bụng núng na núng nính của con vịt bầu).

Mi rờ cái mặt của tao mà coi, mịn NHƯ sắn hấp, mát NHƯ bột lọc. (HTRC) (Ví von cái mịn của da mặt như cái mịn của củ khoai mì (sắn) mới nấu xong, cái mát của da như cái mát của bột khoai mì xay).

Những ví von như trên là so sánh hai sự vật cụ thể mà ai cũng có thể chấp nhận và hiểu ngay. Tuy nhiên cũng là sự việc cụ thể nhưng được đẩy đi xa hơn:

Học trò của cha Thịnh đứa nào cũng kính trọng cha NHƯ người nước Lỗ tôn thờ Đức Khổng Tử. (HTRC) (Ví von quan hệ học trò-cha Thịnh với quan hệ người nước Lỗ-Khổng Tử).

Buổi sáng dễ dàng qua đi NHƯ người ta ăn hết nửa trái mít (TNTTV) (Ví von buổi sáng với trái mít).

Rõ ràng là hai sự kiện mang ra để ví von rất khác xa nhau về cả bản chất, hình thể và ý niệm, đòi hỏi một kiến thức hay sự tưởng tượng rộng hơn, xa hơn mới hiểu hết dụng ý của tác giả.

Văn Túy Hồng có nhiều và rất nhiều cách viết ví von như vậy mà ta có thể tìm thấy trên bất cứ tác phẩm nào của chị:

Nghiễm cười nhạt NHƯ tô canh quên nêm muối (TNTTV). (Ví von nụ cười với tô canh).

Tôi cười giòn NHƯ mẩu bánh mì nóng tôi ăn hồi sáng (TNTTV). (Ví von nụ cười với miếng bánh mì nóng).

NHƯ một giọng hát ra khỏi điệp khúc buồn, những chữ đang chuốt từ từ bỗng reo rổn rãng. (HTRC)

Bọn con gái sụt sụt làm NHƯ chim bồ câu tranh chỗ ngủ… (HTRC) (Một ví von hết sức lạ và bất ngờ: ví bầy con gái khóc thút thít y như bầy chim bồ câu giành chỗ ngủ).

Giọng giảng bài đều và phẳng NHƯ một vòi máy chảy yếu (HTRC)

Tiếng tăm tôi cứ nhẹ nhàng đi lên NHƯ bong bóng khinh khí (HTRC)

Con gái mình sẽ mốc NHƯ chanh muối không phơi nắng, sẽ ế rình ra đó không ai thèm lấy… (TNTTV).

Trong mấy trích dẫn này, vẫn là so sánh hai sự vật cụ thể, nhưng nếu để ý, chúng cụ thể một cách trừu tượng. Chẳng hạn, “buổi sáng”, tuy là cụ thể, nhưng thật ra ám chỉ thời gian trôi qua, một cái gì trừu tượng; cũng thế, “tôi cười giòn”, “bọn con gái”, “tiếng tăm”, “giọng giảng bài”…cụ thể nhưng bao hàm ý nghĩa trừu tượng hoặc nếu không, thì ám chỉ một ý niệm tổng quát. Những cách viết như thế này đòi hỏi một liên tưởng mạnh mẽ và một kinh nghiệm sống trực tiếp, phong phú. Con gái mình sẽ mốc như chanh muối không phơi nắng, sẽ ế rình ra đó không ai thèm lấy…Không làm chanh muối, sẽ không hình dung được cái mốc rất khó chịu, rất phản cảm của trái chanh muối không phơi nắng; không ở Huế lâu năm, sẽ không hiểu cái chua chát, đau đớn bao hàm trong hai chữ “ế rình”, nghĩa là con gái đã lớn rồi mà chẳng gia đình nào hay chàng trai nào đến đánh tiếng cưới hỏi. Ghép hai ý niệm “con gái ế chồng” và “cái mốc của chanh muối” là một hình thức ví von gợi hình, gợi cảm làm tăng độ mạnh của một câu than thở.

Trong đoạn văn sau đây, ta thấy nhà văn đã đẩy sự ví von đi thật xa, xa tuốt đến chỗ hoàn toàn trừu tượng, cả sự vật muốn diễn tả lẫn sự vật dùng để diễn tả, mặc dầu, rất nhiều điều trong đó là rất cụ thể:

“Chị Trang, con Túc, con Uyển đã coi thầy NHƯ một mùa đông già cỗi, một buổi chiều đã xế. Thầy âm thầm, nghiêm trang, lạnh nhạt. Họ còn coi thầy NHƯ con tàu buồn thở dài trước khi đến. Họ còn coi thầy NHƯ một bản tin buồn đọc chậm. Không, thầy không NHƯ mùa đông vì mùa đông vừa buồn vừa phiền. Ngọn đông phong nửa đêm rát buốt nhức da, tê thịt dù chăn mền đã ủ kín buồng ngực. Sáng ra mặt trời đã trốn mất sau những bức thành dãy mây chì nặng trĩu. Cây cối bị bốc lột trụi! … Lá rụng tự lúc nào không ai biết. Lá rụng khi cây tự ý thở dài. Không, anh không NHƯ mùa đông.” (HTRC)

Nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy tất cả những câu văn ví von ở trên, tác giả đều sử dụng chữ “NHƯ”. Nhờ trung gian của chữ này mà ta biết là tác giả đang ví von cái này với cái khác. Có thể nói, chữ “NHƯ” đã trở thành một công cụ vạn năng mà Túy Hồng đã vận dụng để tạo nên văn phong riêng biệt và đắc giá của mình.

Tuy nhiên, câu văn sau đây thì cách viết có hơi khác:

Mũi cao theo dáng nằm một con tắc kè. (HTRC)

Không có chữ “NHƯ”, nhưng mà ý là “NHƯ”:

Mũi cao (NHƯ) theo dáng nằm một con tắc kè.

Cách viết đoạn văn sau đây cũng thế:

Em là đàn bà bấy lâu thầy thiếu, em (NHƯ) là xác thịt bấy lâu thầy nhìn, em (NHƯ) là mỡ béo bấy lâu thầy thèm, em (NHƯ) là tên đẹp bấy lâu thầy không gọi, em (NHƯ) là một vấn đề bấy lâu thầy không đặt, em (NHƯ) là nghi vấn bấy lâu thầy không ngờ. Em là Hằng, (NHƯ) một sự phá sản, một tai họa, một mưu đen, một biến cố, một sự trở mặt, một cuộc đánh úp, một vé số, một ổ vi trùng, một bịnh truyền nhiễm, một tiếng nổ. (HTRC)

Những chữ “NHƯ” đặt trong ngoặc đơn là tôi thêm vào, vốn không có trong nguyên bản. Không “NHƯ” mà vẫn có “NHƯ”. Không ví von mà thực sự là ví von. Chính sự vắng mặt của chữ “NHƯ” khiến cho văn phong trở nên hoàn toàn trừu tượng và do đó, đa hình ảnh, đa ý, đa nghĩa. Sự vắng mặt này chuyển câu văn từ “so sánh” đến “ẩn dụ”.[5]

Tóm lại, dù có “NHƯ” hay không “NHƯ”, văn ví von của Túy Hồng khiến ta có cảm giác chơi vơi, trôi nổi, chao đảo đến nỗi…chỉ biết “ngậm mà nghe”!

*

Xin kết thúc bài viết này bằng một trích đoạn khác:

“Ra đi từ độ Sài gòn mất tên, người hải ngoại thường xuyên nhớ Sàigòn, thương tha thiết thủ đô những buổi chiều trời vơi gió. Nắng Sàigòn nóng nhựa đường xích đạo, và gió hạ Lào thổi qua đùa giỡn những cánh hoa dầu xoay xoay, mây Cửu-Long sà xuống thấp trên đỉnh những cây me cây phượng, hóng chuyện nắng mưa để loan tin thời tiết cho tàu bè chạy ven biển. Tình người Việt kiều càng nôn nao nhớ nhung những quận Ba quận Bảy của Sàigòn, lòng người Việt kiều càng xốn xang hình ảnh những thôn Thới-tứ, xã Thới-tam, phường Bình Thới Hóc Môn, dạ Việt-kiều càng thương tưởng những buổi sáng sương lam nhẹ rơi khi chân nhẹ bước dọc theo Nguyễn Du Nguyên Hồng Pasteur Nguyễn Đình Chiểu ấm nắng sớm mai, tóc Việt kiều còn ánh lên những hoàng hôn thời tiết thổn thức khi trời chưa tắt nắng để rạo rực nghe vài chiếc lá khô rơi nhẹ lên vai bức tượng trước nhà thờ Đức Bà, trong lúc đâu đó êm đềm tiếng đàn Tây Ban Cầm dạo khúc nhạc Bach. Khí hậu Sàigòn năm nay hiền hoà, Việt kiều về nước uống ly chanh đường trước công viên Tao-Đàn những chiều mưa nắng hôn nhau, và ngắm những cô gái xinh xinh đèo nhau trên xe gắn máy.”

Hầu như không có chữ “như” nào, nhưng nếu tinh ý, người đọc cũng có thể tìm thấy nó vẫn thấp thoáng đâu đó. Đọc lên, ta cảm thấy chữ có hơi. Tưởng chừng có thể ngửi có thể nếm có thể thấy có thể nghe…Sài Gòn những ngày thân yêu trước khi rơi vào tay Cộng Sản.

Đoạn văn này trích từ một truyện ngắn, với một tựa đề cũng rất “Túy Hồng”: Buổi chiều nghiêng không thẳng, chiều tà.

Xin giã biệt chị, nhà văn Túy Hồng!


Trần Doãn Nho
(8/2020)


----------------------------------------------

[1] Trùng Dương giới thiệu và chuyển ngữ, Túy Hồng qua cái nhìn của học giả Tôn Nữ Nha Trang.
Xem: https://damau.org/65079/ty-hong-qua-ci-nhn-cua-hoc-gia-tn-nu-nha-trang
[2] Lê Thị Huệ,Túy Hồng, viết như một cách ân ái với sự thật
Xem: http://www.gio-o.com/LeThiHue/TuyHongLeThiHue.htm
[3] Xem: https://damau.org/60757/di-tm-vi-gc-khuat-trong-van-chuong-tran-thi-ngh-phan-1-goi-chu-lang-ba-vi-bo
[4] Xem ở: Trần Doãn Nho, Một truyện tình rất Huế: Thương Nhớ Hoàng Lan
https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/mot-truyen-rat-hue-thuong-nho-hoang-lan/
[5] Xem Trần Hữu Thục, Vấn đề “tương tự” trong ẩn dụ.
https://damau.org/27509/van-de-tuong-tu-trong-an-du