có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 8 23, 2020

Ngày tháng xa



Người thanh niên ấy đã trở về thành phố cũ, nơi chàng thề sẽ không bao giờ trở lại nữa. Thành phố, mà thời thơ ấu, chàng đã trải qua những ngày hết sức bi thảm. Ở đó, cái căn nhà đầy hận thù. Ở đó, mẹ chàng làm hầu thiên hạ, như kéo cuộc đời bất hạnh của một người đàn bà giữa một người đàn ông uống rượu, hai người vợ lớn như hai bà hoàng, và một đàn con như một đàn quỉ sứ. Ở đó, chàng đã thấy thế nào là những giọt nước mắt của một đứa con không cha, những nỗi buồn côi cút, những trận đòn chết lên sống xuống, những đêm bỏ đi hoang, ngủ ở lề đường xó chợ. Ở đó, là những ngày, thằng bé đã thấy thế nào là một thảm cảnh đầy nghi kỵ mà mẹ nó là một nạn nhân khốn khổ, chẳng khác một loài súc vật. Như thế, chàng lại trở về sau khi trốn chạy nó, với chiếc va li thiếc, và một thân thể èo ọp.

Chàng đã trở về thật bí mật. Cơn bão rớt đã thổi vào ngày hôm qua, còn sót lại trên bầu trời một màu xám ngắt bưng kín cả tâm hồn chàng và ở biển, những trận sóng cuồng nộ đã đổ xô lên tận bờ đường với những tiếng thét gào vọng qua một hàng dương liễu đang quằn quại. Chàng bước đi dưới cơn mưa. Thân thể chàng lạnh run. Buổi chiều đã xuống nhanh trên thành phố. Dãy phố đã lên đèn. Rạp chiếu bóng đã bắt đầu trổi nhạc. Chàng đang qua một căn nhà cũ. Hình như nơi này, khi xưa là một nhà điếm. Chàng nhớ lại. Những đêm ta theo mấy đứa đánh giày đứng ngoài ô cửa lưới, thấy những thằng Tây đùa cợt với những con đàn bà son phấn. Một thằng Tây đã gọi ta đến, cho ta một ít tiền. Bây giờ chàng đang đứng trước một công trường vắng. Những cây me năm xưa chắc đã chết, những trái me chua nhỏ nhắn, mà những trưa hè, chàng vẫn cùng mấy thằng bé con khác, leo lên hái trộm, cũng không còn nữa. Đã xa quá. Tất cả đã biến đổi sau mười lăm năm ta trở lại. Như ta, từ một thằng bé con đầu trọc, hai ống chân như hai ống sậy, bây giờ trở về, để trở thành một tên thanh niên râu tóc lận đận thế này. Có người nào cho biết chuyến trở về của ta không? Thành phố này có biết một đứa con đang trở lại không? Chàng đã đứng lặng một đỗi, dưới một hành lang vắng. Những hạt mưa chạm vào mái tôn kêu lên buồn buồn. thỉnh thoảng vài chiếc xe chạy qua, quét hai ánh đèn pha nhòa nhạt trên mặt đường tối. Và ở đâu đây, có tiếng đàn dương cầm của ai vẳng lên như một hình ảnh của nỗi ấm cúng. Chàng lắc đầu. Tại sao ta lại về đây hả? Thành phố mà ta thề sẽ không bao giờ trở lại?

Tại sao lại bắt ta sông lại những điều đã chết hôm qua?

Chàng lại bước đi. Mưa vẫn đổ một cung đàn ủ dột. Một mùa đông buồn, như một người cô phụ. Chàng lặng lẽ đến ngôi giáo đường. chàng nép dưới giàn hoa giấy. Trong sân, những khóm lá nổi lên mờ nhạt, cạnh những hàng liễu nhỏ. chàng đứng yên một lúc, rồi hồi hộp bấm nút chuông điện. Một luồng ánh sáng hắt ra tiếp theo gương mặt già nua của một ông lão:

– Ông hỏi ai?

Chàng vừa vuốt nước mưa trên mặt, vừa hỏi:

– Thưa ông, có phải đây là nhà cỉa cô H. A.?

– Phải, ông hỏi có việc gì?

– Nhờ ông vào nói hộ với cô, có một người học trò của cô cách đây mười lăm năm…

– Ông tên gì?

– Ông cứ vào nói, đó là đứa học trò cô thương nhất lớp.

Ông cụ nhìn chàng, có vẻ ngơ ngẩn, rồi quay lại. Chàng lại run rẩy xiết chặt hai tay vào ngực trước một cơn gió vừa ùa đến. Một lát, ông lão ló đầu ra khỏi cửa:

– Cô mời ông vào. Trời ơi, sao người ông dầm nước mưa thế này?

Người thanh niên không trả lời. Chàng bước vào căn phòng khách. Cô hiệu trưởng năm xưa đã hiện ra với tấm áo choàng màu vàng nhạt. Chiếc foula đen choàng quanh cổ, làm tăng thêm hình ảnh quí phái của một người thiếu nữ Hà nội năm xưa. Cô hiệu trưởng nhìn sửng chàng. Trong khi chàng cố gắng cầm cơn lạnh đang hành hạ thân thể chàng:

– Thưa cô. Cô còn nhận ra em không?

Cô H. A. vẫn nhìn người học trò cũ, dáng bối rối:

– Để cô nhớ. Hình như lâu lắm, cô không gặp em.

– Mười lăm năm rồi, thưa cô. Em là Hoài đây.

Cô hiệu trưởng reo lên:

– Thế em là Hoài thật ư?

– Dạ.

– Tội nghiệp, sao người em lại ướt dầm thế này.

Chàng không trả lời, mà hỏi lại một câu hỏi khác:

– Em đến thăm cô vào giờ này, có làm phiền cô không?

– Em nói quá. Được em thăm, cô thật vui.

Chàng nhìn chăm vào gương mặt cô hiệu trưởng:

– Trông cô vẫn không thay đổi mấy.

– Em thì quá thay đổi. Nếu em không nói tên, chắc cô không nhận ra đâu.

Cô nói tiếp:

– Để cô pha trà cho em uống nhé. Trời lạnh uống một cốc cho ấm.

– Dạ cám ơn cô.

Cô hiệu trưởng đứng lên, đến bàn nước. Chàng có thể thấy được dáng mảnh mai dịu dàng của cô còn giữ lại tự ngày xưa. Nhất là ở đôi mắt buồn, nhưng thật bao dung của một nữ tu. Chàng cũng đứng dậy, đến bên cây đàn dương cầm. Vẫn chiếc ghế cũ, nhỏ nhoi, vẫn chiếc nệm màu huyết dụ, vẫn tủ sách thiếu nhi mà mỗi lần cô dạy, cô vẫn mang đến lớp phát cho các đứa học trò cô nhi, vẫn những bức tranh của Chúa, mà cô hiệu trưởng đã thường kể bao nhiêu sự tích. Chàng cầm một cuốn thánh kinh.

– Trường bây giờ đông học sinh không cô?

– Đông lắm em ạ. Cô nhi viện chúng ta bây giờ mở lớn. Cây cối mọc nhiều. Hàng phượng trước cửa lớp mình, lúc em học, mới mọc bây giờ đã nở hoa bát ngát.

– Mười lăm năm rồi, thưa cô.

Chợt cô hiệu trưởng quay đầu lại hỏi:

– Em bây giờ làm gì?

Chàng cúi đầu một lát:

– Bây giờ, em không làm gì hết. Ngày xưa, thì đời em thuộc về cô nhi viện, bây giờ nó thuộc về chiến tranh, chánh phủ, về những chủ nghĩa, những lý thuyết. Em đang ở trong guồng máy.

– Cô nhớ ngày xưa, em học giỏi lắm. Sinh ngữ em vẫn đứng đầu lớp. Ông mục sư Gia Nã Đại vẫn thường khen sự thông minh của em. Có lần ông muốn mang em về xứ. Cô cũng nhớ có lần cô hỏi…

– Cô hỏi tất cả những đứa học trò cô nhi về những ước muốn mai sau. Em trả lời em muốn lập một đồn điền cam, để được cỡi ngựa, để được nhìn ngắn mùa cam vàng nở.

– Câu ước của em làm cô phải ngạc nhiên không ít. Cô biết về sau em trở thành nhà thơ. Có phải không Hoài?

– Dạ. Bây giờ thi ca đã đi vào đời sống của em. Em không còn gì nữa, trừ con tim em mang, trừ nỗi thổn thức, rung động mà nó đã mang nặng. Em đã khổ vì nó. Chính vì thế, đời em cứ mãi đau khổ.

– Nhất là trong thời buổi bây giờ.

– Dạ. Chiến tranh đã cho em biết và thấy bao giòng nước mắt. Thi ca đã cho em thấy nỗi cô đơn của em.

Cô hiệu trưởng đã mang tách cà phê đến trước mặt người học trò cũ, dịu dàng nói:

– Uống cho ấm. Em cần đường thêm không? Em hút thuốc lá nhé?

– Cám ơn cô. Lúc nào cô cũng tốt với em. Em nhớ mỗi lần cô hát, cô làm em phải khóc.

– Bây giờ cô hết hơi rồi. Cô phải gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề khác. Chiến tranh đã làm cô nhi viện ta mất chỗ.

Chàng khuấy muỗng cà phê rất nhẹ. Mưa vẫn còn tiếp tục qua khung cửa kính. Chàng thấy một cánh hoa huệ trắng vươn lên lẻ loi. Chàng nhớ đến một vài gương mặt bè bạn , nhớ đến lớp học nhỏ nhắn bên bờ biển, cái sân cô nhi viện, cái đu giây, cái hành lang rộng. Mắt chàng khẽ khép lại. Mơ hồ chàng nghe tiếng sóng biển vọng về trong tiếng đàn dương cầm tha thiết là những chiếc miệng bé nhỏ trước hàng băng giáo đường, đang hát bài ca chào mừng Chúa giáng sinh. Chàng lại thấy những lần du ngoạn, bạn chàng quần xanh áo trắng bọn con gái đồng phục trắng, đi dưới đường phố để đón nhận đôi mắt xót thương của những đứa trẻ được may mắn. Chàng lại nhớ đến những giờ cầu nguyện, trước bàn cơm tủi thân như số phận của chúng. Chàng nhìn ra ngoài khung cửa kính. giọng chàng thấp xuống:

– Em đến xin cô một điều. Mong cô giúp đỡ em.

– Em cứ nói. Nếu được cô sẽ gắng giúp em.

Chàng bắt đầu kể. Cô hiệu trưởng nghiêng bóng trên ghế bành, chốc chốc lại thở dài. Tiếng nói của chàng đôi khi hòa lẫn vào trong tiếng mưa đêm.

– Em xin cô được trở lại cô nhi viện để giúp đỡ những em cô nhi. Dù sao ở đấy em đã có những kỷ niệm ghi nhớ mãi trong lòng em. Em mong sự có mặt của em góp một phần vào nỗi khổ đau của các em bé, và làm vơi đi nỗi khó nhọc của cô. Em có thể dạy chúng học, giúp đỡ chúng về mặt tinh thần…

– Nhưng cô biết, em không có đạo?

– Vâng, em không có đạo. Đến bây giờ em cũng vẫn vô đạo. Lòng tin của em đã chết.

– Như vậy em làm sao thay mặt Chúa để săn sóc những em cô nhi. Trường chúng ta là trường đạo mà?

– Em thay Chúa bằng lòng thương, bằng tình nhân loại, bác ái của Ngài.

– Cô sợ khi em nhìn rõ thực tế em sẽ thất bại…

– Em mong cô thương em. Đời em bây giờ không còn gì nữa.Một người mẹ cũng coi như không có. Một con tim cũng dỗ dành mấy không xong. Một thân thể thì cứ lao đao lận đận mãi. Một ước mơ thì suốt đời cũng như một làn mây khói.

– Em uống cà phê đi kẻo nó nguội. Hình như em từ mặt trận trở về?

Người học trò cũ cúi đầu, đôi vai chợt rung đi.

– Vâng. Em đã từ mặt trận trở về. Hơn nữa, em đang bị truy nã khắp nơi. Ngày hôm nay người ta đã biết, người ta lầm.

Chàng hút một hơi thuốc. Tiếng chuông đồng hồ điểm lên từng hồi. Ngoài khung cửa kính, một lằn sét nổi lên, vàng rực chói mắt.

– … trận đánh đó, bọn em vị vây suốt ngày. Người ta đã thí quân. Người ta cứ ra lệnh trong máy và chỉ tay trên bản đồ. Người ta không biết địch hằng trăm tên đã mai phục sẵn ở sườn núi. Khi đơn vị em lên, đợi đến lúc bọn em vượt qua, thì chúng nhào ra… Trực thăng không dám bắn vì ta với địch gần nhau quá.

– Chao ơi… Cô hiệu trưởng đã nhắm mắt, và thốt lên đầy sợ hãi. Sao em thoát được?

– Cứ như vậy mà bọn em chết lần chết mòn. Hình như có một động lực vô hình nào bắt em phải chạy. Và đến chiều, em đã chạy, nhắm mắt mà chạy. Cô không biết. Đạn nó đã canh sẵn. Thế mà em lại thoát thật kỳ diệu. Em khóc vì mừng rỡ. Và rồi em bỏ đi, trong khi người ta báo cáo em bị mất tích. Em không còn can đảm trở lại mặt trận nữa.Em sợ nó quá rồi…

– Em kể cô muốn khóc.

Chợt cô hiệu trưởng đứng dậy, đến bên chiếc đàn dương cầm, bật sáng chiếc đèn bàn:

– Cô đàn cho em nghe nhé. Lâu lắm cô mới sống lại một kỷ niệm. Học trò của cô bây giờ đều như vậy. Hoài, em còn nhớ bài ca cô làm cho trường mình không?

– Em chỉ nhớ khúc đầu thôi cô.

– Để cô hát cho em nghe nhé?

Và trên những ngón tay trắng nuột, mềm mại của cô H. A. bắt đầu lướt trên phím đàn. Người cô hơi nghiêng, và chàng đã nhận ra trên mái tóc của cô, những sợi tóc bạc lẻ loi nổi lên. Căn phòng kín bưng đã khiến tiếng hát của cô giáo trở nên rõ hơn bao giờ hết.

Học sinh hỡi, Bết lê hem, trường yêu dấu chốn biển núi bên đồi xanh. Học sinh hới, bết lê hem, tại nơi này bao ý thơ đang nở hoa… Tiếng hát của cô giáo trở nên buồn bã lạ thường. Người học trò cũ ngồi thừ trên ghế. dễ chừng hồn chàng đang ngập tràn một hồ lệ. Chàng thấy lại rặng núi bên cổng trường. Con đường từ chiếc cổng cao, đất sỏi dài dặc chạy len vào những dãy nhà dành cho các em bé cô nhi, đến bờ biển. Sóng nghe ì ầm vọng về trong buổi trưa mùa hạ. Những buổi tối, ngồi bên cô hiệu trưởng để nghe cô đàn, cô hát… Còn ai nữa; để chàng phải gởi gắm vào tiếng hát đêm nay, hay, là Kim-Anh, Lý? Với mái tóc bông bê và nỗi buồn trên đôi mắt. Hay là của Phong, Trí hay Thụy, mà cuộc sống cô nhi đã làm chúng ta sớm biết được bất hạnh. Hay là mẹ chàng? Người đàn bà coi việc hành hạ đứa con riêng của bà như để vơi bớt nỗi đau đớn mà bà đã chịu đựng, để cuối cùng nó phải trốn về cô nhi viện? Tất cả như trở về, cùng với tiếng hát thê thiết và đôi mắt nhắm lại của cô H. A. Chắc cô cũng phải thấy lại những gì mười lăm năm trước để đêm mưa gió này hồi tưởng trở lại. Vâng chắc cô phải hồi tưởng để mà khóc trăm ngàn lần cô đã khóc như mọi khi. Căn phòng bây giờ chỉ còn hai người. Những đồ vật bây giờ như sống dậy, có linh hồn, để nhìn thấy một điệu nhạc đã mất đi sau mười lăm năm.

Nhưng chàng đã bỏ cô nhi viện mà ra đi một lần nữa. Chàng đã trốn nó trong một đêm tối, khi các trẻ cô nhi đã ngủ yên. Lá thư chàng viết, được người phu trường tìm được trên bàn viết chàng ngày hôm sau:

Cô đáng kính,

Khi cô đọc lá thơ này thì em đã rời khỏi đây rồi. Xin cô tha thứ vì sự ra đi đường đột của em. Em không biết gì hơn là nhận tội.

Kính cô,

Em kể rõ ở đây lý do em đi. Dù em biết khi rời khỏi đây em sẽ vô cùng điêu đứng và khốn khó.

Hẳn cô biết bé Danh? Bé bị cưa một chân ở phòng A do chị Lan Anh săn sóc. Cách đây hơn một năm, vào một đêm trước đêm giao thừa mấy ngày, em dẫn một tiểu đội đi kích ở một ngôi làng tương đối an ninh. Nhưng vì không am hiểu tình hình, nên em đã cho lình nằm thật kỹ, chọn chỗ, tìm vị trí ẩn núp tốt. Em làm sao biết đêm hôm ấy, cái đêm kinh hoàng nhất cho bé Danh. Thật vậy, vào khoảng mười giờ, hai mẹ con bé Danh từ đồng đơm cá trở về. Người đàn bà cầm đèn, tự nhiên gió thổi làm tắt. Bà ta làm sao biết có một toán lính đang nằm phục sẵn trên con đường mòn. Bà ta chỉ biết đã gần Tết, người ta được phép đi chơi suốt đêm. Thế mà, khi bước vào con đường mòn, thì lính của em nổ súng. Bà ta chết ngay tại chỗ. Còn bé Danh thì bị thương nặng. Đêm hôm ấy, em đã thấy thế nào là cái tàn bạo và phi nhân của cuộc chiến này. Đôi mắt em Danh mở trừng nhìn em, như oán hờn, như trách móc. Rồi lâu lâu bé khóc trong tiếng rên đau đớn? Mẹ con đâu rồi… Mẹ tôi đâu rồi? Căn nhà trụ sở y tế ấp vang lên tiếng khóc lóc, chửi rủa của người trong xóm. Những ánh đuốc thắp lên từ bốn phía. Họ muốn biểu tình đòi mạng. Họ đặt xác người mẹ trên võng, và con bé Danh lên cáng, để đả đảo toàn lính. Họ làm náo loạn cả đêm. Bắt buộc bọn em phải nổ súng chỉ thiên, và ra lệnh cấm ra ngoài đường. Lúc đó, tình hình mới bớt căng thẳng. Nhưng đôi mắt của con bé, chiếc quần đẫm máu, bắp thịt bị đạn công phá toét lở, đã ám ảnh em không ít. Làm sao nó hiểu được mỗi đêm, bọn em phải nằm ở những bờ mương, bờ ruộng, hay những gò mả để sống với những lo âu, sợ hãi. Và bây giờ, không ngờ em lại gặp bé Danh ở trong cô nhi viện này. Cô nhi viện, nơi em đã đặt hết tin tưởng để sống trong những ngày còn lại. Để em thấy đời sống thật đáng quí để em bù đắp vào nỗi đau khổ của chiến tranh một chút mồ hôi. Nơi đây em nghĩ sẽ là nơi để em có một hồn thơ trù phú. Biển và núi. Gió và hoa lá. Tình thương của đồng loại của những người suốt đời đem bản thân của mình cứu giúp cho đồng loại, như cô, như các vị mục sư khả kính. Em ngỡ đã tìm được một nơi an nghỉ sau một thời gian lận đận, ấy vậy, lương tâm của em lại không cho phép. Suốt một tuần nay, em phải trốn chạy bé Danh, không dám nhìn nó vào lớp, không thể không rưng nước mắt khi thấy một con bé khốn khổ bên chiếc chân giả. Cô tha lỗi cho em. biết rằng khi rời khỏi đây, em sẽ gặp biết bao nhiêu trở ngại. Những cánh cổng nhà giam đang chờ đợi. Những ngày tối tăm sẽ bắt đầu. Những bữa đói no sẽ tiếp diễn… Em mong cô hiểu em như cô đã từng hiểu. Và xin cô đừng nói chuyện này với con bé. Nếu nó biết thầy giáo nó là kẻ giết má nó, và gây tàn tật cho nó, thì thật tội nghiệp. . .


Cô hiệu trưởng đọc xong, hai giòng lệ bỗng nhiên chảy trào trên hai gò má. Cô đứng yên lặng nhìn về bờ biển. Những hòn đảo xa đã mờ nhạt dưới ánh trời chiều. Tuy vậy một màu vàng vẫn còn rực rỡ ở giữa biển khơi. Gió biển mang hơi lạnh đến sớm. Cô cúi đầu xuống bước lên tam cấp. Vẫn cái đàn dương cầm xưa, vẫn cuốn sách thiếu nhi mà cô nâng niu từng cuốn, Vẫn những lọ hoa đã mờ sẩm, vẫn những bức tranh ngày nào. Cô đến bên đàn, một hình bột bóng nghiêng trên mặt gỗ, và thở dài. Rồi cô bắt đầu đàn. Vừa đàn, vừa hát. Giọng nghẹn ngào: học sinh hỡi, bết lê hem, trường yêu dấu chốn biển núi bên đồi xanh. Học sinh hỡi. Bết lê hem, trường yêu dấu chốn biển núi bên đồi xanh. Học sinh hỡi. Bết lê hem tại nơi này bao ý thơ đang nở hoa. Chợt cô nghe tiếng động đằng sau. Cô quay lại, nhận ra bé Danh. Mắt cô ràn rụa:

– Danh ơi, con thương thầy giáo Hoài không?

– Dạ thưa cô, con thương. thầy ấy hiền lắm.

Tự nhiên cô H. A. òa lên khóc.


Trần Hoài Thư
(Vấn Đe số 47 tháng 6-71)