Tôi là đứa con không được ai trong nhà mong đợi, ngoài mẹ. Qua bốn lần sinh nở trước khi mang thai tôi, mẹ tôi đã sinh cho nhà họ Bùi cực kỳ hiếm muộn chị Túy Sơn và anh Minh Châu. Cả hai đều khôi ngô, tuấn tú, khỏe mạnh, khi bố tôi đã xấp xỉ tuổi sáu mươi và chưa bao giờ được một phụ nữ nào, chính thức như hai mẹ già tôi và vô số không chính thức khác, có kinh nghiệm thai nghén với bố tôi trong suốt ba thập niên ông khao khát có con nối dõi tông đường và nối nghiệp ông.
Mẹ tôi kể lại, bà mang thai tôi trong tình trạng sức khỏe sa sút vì mẹ bị sốt rét do không biết săn sóc mình qua thời gian dài lăn lóc trông coi các khu đồn điền của bố tôi trong vùng lam sơn chướng khí Bắc phần. Mẹ tôi được bác sĩ của gia đình khám nghiệm rồi được đưa về Huế để có sự săn sóc và chữa trị cần thiết theo đề nghị của ông.
Ra khỏi công việc đồn điền nắng mưa cực nhọc cùng với khí hậu khắc nghiệt, mẹ tôi vất vả cách khác trong ngôi nhà rộng, mặt tiền mang số 72 đường Gia Hội, mặt sau chạy tới sát bờ một nhánh sông Hương từ Đông Ba đổ về Vỹ Dạ. Tôi lớn lên trong bụng mẹ từ sáng tới khuya lam lũ giữa căn bếp tối tăm, ám khói và cái giếng nước, phục vụ nấu nướng, giặt giũ cho trên dưới 40 nhân khẩu theo hai ba chế độ ăn uống gồm cả chủ nhân và công nhân, thợ thuyền làm việc dưới quyền của bố và mẹ già tôi. Vài tháng cuối thai kỳ của mẹ, mẹ già tôi lâm bệnh, nghỉ dưỡng tại bệnh viện trung ương thành phố Huế. Được coi là người làm thân tín, mẹ tôi phải theo săn sóc bà trong thời gian này.
Mẹ kể lại, mẹ vẫn tính từng ngày không lầm lẫn, nhưng đủ 9 tháng 10 ngày rồi mà mẹ không trở dạ. Một tối mùa Đông, đã quá sang ngày hôm sau, mẹ già tôi cần chậu nước nóng để ngâm chân. Mẹ tôi khệ nệ bưng chậu nước đến cửa phòng thì cuống lên vì một cơn đau tức chợt tới ở bụng dưới. Đặt vội chậu nước xuống đất, mẹ túm lấy hai ống quần thì tôi đã tuột khỏi lòng mẹ ngay bên hòn đá chặn cho cửa không bị gió sập trong mùa Đông. Vì vậy, sau này, giấy khai sinh thân thế tôi ghi là: Née à l’hopital de Huế. Thực tế, tôi không ra đời ở khu sản khoa và mẹ tôi không ở trên giường sản phụ như mọi bà mẹ khác.
Về lại nhà, mẹ hẩm hiu nuôi tôi trên chiếc giường trải chiếu của mẹ ở một góc bếp. Vì mẹ bị sốt rét chưa khỏi nên tôi không được bú sữa mẹ. Bà nuôi tôi bằng sữa hộp pha với nước gạo loãng. Bà quây một cái tràng nhỏ bằng mấy tấm cót, giữa để nồi than ủ tro, vừa sưởi ấm cho tôi, vừa sấy tã cho kịp khô để tôi không bị ướt vì thiếu tã.
Hết mùa Đông, hết mùa Xuân, trời ở Huế còn rét ngọt, tôi biết lật, không còn nằm yên chỗ nữa. Mẹ dẹp nồi than, bỏ tôi vào cái xe đẩy bằng gỗ có chấn song cao bốn xung quanh, đánh vẹc ni rất đẹp mà bác Xã Cu ở khu mộc đã ưu ái đóng cho tôi. Khi tôi lẫm chẫm biết đi, tôi có cái xe khác bằng tre có bốn bánh gỗ nhỏ, vừa ngồi, không ngồi thì tuột xuống, vịn vào xe và đẩy nó ra chỗ này, chỗ kia, trong cái sân gạch đỏ và trong tầm mắt mẹ.
Suốt những năm thơ ấu đầu đời, trí khôn tôi gắn liền với khoảng sân nhìn lên bầu trời xanh cao đầy nắng mùa Hè, ẩm xẫm mây mù mùa Đông, thả rông óc tưởng tượng mơ hồ của một tôi còn măng sữa trong quạnh hiu, tự mình vẽ vời những cảnh trí chẳng biết từ đâu tới, trùng trùng, điệp điệp. Ngoài mẹ túi bụi công việc, tôi chỉ có côn trùng, hoa lá và thiên nhiên làm bạn. Tôi biết quan sát rất sớm những con kiến di chuyển trật tự và chúng lịch sự chào nhau giữa đường, những con sâu đo có nhiều cái chân li ti nhưng chúng cong mình đều tắp để búng mình đi chứ không bò. Tôi biết tò mò nhìn lá cây lay động, lắng nghe gió hay lá cùng xào xạc, những bông hoa mỏng manh chui ra khỏi khe gạch bám rêu một cách lạ lùng.
Tôi cũng biết buồn rất sớm. Thỉnh thoảng đờ ra vì hết cái nhìn, hết trò chơi, không thấy có gì vui nữa, tôi tìm mẹ, túm áo mẹ, kêu lên: “Chị ơi, em buồn!” Mẹ tôi đang làm gì cũng dừng tay, chục lần như một, quát khẽ tôi: “Cơm không ăn, ăn c…hả con? Nhãi ranh mà buồn, buồn cái gì? Buồn ỉ…hay buồn đ…?” Bà nhìn quanh, dúi cho tôi bất cứ cái gì ăn được rồi đẩy tôi ra sân: “Em ra ngoài chơi đi, đừng nói nhảm, ngoan cho chị làm việc.” “Em muốn làm việc với chị.” Mẹ tôi quệt tay áo lên mặt, dỗ dành tôi: “Em còn bé. Mai kia lớn, em đi học thật giỏi cho chị mừng, không làm như chị, khổ lắm!”
Cả đời tôi, chưa một lần nào tôi thấy mẹ tôi dám dàn mặt bố, xin ông một điều gì nhưng khi tôi đến tuổi đi học, mẹ tôi xin bố tôi cho tôi được đi học trường bà Sơ gần nhà. Có lẽ chẳng đặt niềm tin nào vào tôi, nhưng bố tôi quan tâm nhiều đến giáo dục, ông ra lệnh cho mẹ già tôi may đồng phục váy xanh, sơ mi trắng vai phồng cho tôi vào học trường Mai Khôi phía trên đường Gia Hội.
Tôi nhớ mãi buổi sáng đầu tiên nhập học, mẹ dẫn tôi đeo cái túi vải đựng tập vở đi trên một khoảng hè phố ngắn vắng ngắt, sương sớm mai chưa tan hết, chỉ có hai mẹ con và tiếng rao quà của vài người bán rong là vì mẹ không biết nhìn đồng hồ mà tôi thì cứ sợ đi trễ nên thúc giục mẹ. Đến nơi, cổng trường còn đóng kín mít. Mẹ gõ nhẹ lên đầu tôi và mắng: “Bắt chị chờ, chị còn bao nhiêu việc ở nhà.” Tôi biết lỗi, hứa bừa: “Mai em đi một mình được, chị không phải đưa em nữa.”
Nhưng tôi không hứa bừa. Ngày hôm sau, mẹ để tôi đi một mình, dặn tôi phải đi nép vào hàng phố. Tuy vậy, tôi đã có bạn. Các bạn tôi có người nhà đưa đón nên mẹ tôi gửi gắm tôi. Học chưa được bao lâu thì Việt Minh cướp chính quyền. Qua một đêm súng nổ ì ầm ở mạn Mang Cá, sáng hôm sau, mọi con đường của thành phố Huế treo toàn cờ đỏ sao vàng.
Huế thanh lịch, trầm lắng và nên thơ của đất Thần kinh bỗng chốc ồn ào, sôi sục biểu tình, tập họp, chính quyền mới kêu gọi mỗi nhà thu góp hũ gạo kháng chiến, hũ đồng để đúc đạn, hũ vàng để cứu quốc… Cửa hàng buôn bán và trường học đóng cửa. Ngôi nhà 72 Gia Hội của bố tôi bị trưng dụng từ nhà ngang trở ra mặt đường để làm trụ sở hoạt động thanh niên và nhi đồng. Để yên thân, bố tôi vội vàng giao hết cơ ngơi cho họ, dọn tắp về khu trang trại Trúc Hoa Viên ở gần Tả Duệ, là nơi ông đang xây cất dở dang làm nơi hưu dưỡng.
Về đây, tôi có cả khu vườn rộng hơn một mẫu đất đầy cây ăn trái đã bắt đầu cho quả. Tôi có cả ngôi nhà rộng như một mê cung cho tuổi thơ. Chưa có trường học, nếu trời không mưa, tôi lang thang suốt ngày ngoài vườn với cái chăn trải giường cũ, nằm dưới gốc khế, nhìn những bông hoa khế li ti màu tím hồng bay trong gió; nằm dưới gốc cam, gốc quýt, gốc bưởi, đọc trộm Bồ Tùng Linh và nói chuyện với… ma.
Bố tôi không để ý tôi làm gì nhưng ông không muốn anh em tôi bỏ học lâu quá. Mặc dầu anh tôi có cả một phòng học riêng với một cái bàn thật lớn, có nhiều ngăn, thợ đóng theo mô hình do anh tự vẽ, để anh học một khóa lắp máy thu thanh hàm thụ từ bên Pháp với bài học và linh kiện bên ấy gửi qua nhưng học văn hóa vẫn là quan tâm lớn nhất của bố tôi.
Thời buổi tranh tối tranh sáng giữa nhiều thế lực chính trị, bố tôi nghĩ an toàn nhất là mời một gia sư dạy Hán tự cho các con. Tôi được giao phận sự mài tới ba nghiên mực mỗi buổi sáng trước khi giờ học bắt đầu. Không biết phần anh tôi học được những gì nhưng Thầy tôi là nạn nhân bị anh trêu chọc dưới đủ hình thái mà Thầy một mực ngậm tăm, không dám mách Cụ (là bố tôi). Phần tôi, tôi học hết cuốn Tam Tự Kinh, đã qua một phần cuốn Minh Tâm Bửu Giám. Tôi viết chữ nho như một cách sao chép cẩn trọng từng nét buông, nhấn hay phẩy trong những cái ô vuông kẻ sẵn lồng giữa giấy kép của cuốn sách Thầy tôi đóng gáy bằng chỉ song rất đẹp. Tôi cầm bút lông đúng điệu hơn nhiều ông đồ thời nay viết câu đối thuê ở chợ Xuân Hà Nội thấy trong mấy cái video clip.
Thế giới bên ngoài của tôi, vì vậy, phần lớn do tôi bịa ra từ nội dung những cuốn truyện tôi được đọc giấu biệt người lớn. Điều tôi không bịa là tôi thực sự mong muốn biết nhiều hơn những gì tôi thấy và những điều ấy nếu không thật như thế là do tôi tự cắt nghĩa với mình bằng trí tưởng non nớt, hão huyền của tôi thời bé dại thôi. Với tuổi đời ngày càng khôn lớn, nhận thức của tôi nghiêm chỉnh hơn.
Tôi mừng thấy mình có thói quen mà tôi không biết cách diễn tả hay gọi nó là gì cho tới một lần mới đây, trong một show thường lệ của Ellen Degeneres trên băng tần số 4, lúc 3 giờ chiều mỗi Thứ Ba, có một bạn trẻ khuyết tật đã cho tôi định nghĩa đắc ý nhất khi anh nói: “Nhờ hình thể này, tôi có thể tiếp cận với con người ở trình độ sâu sắc hơn, at a deeper level.”
Tôi cũng đọc được của nhà văn Nguyễn Tường Thiết một đoạn ông viết ở trang 57 cuốn “Mùa Hạ Năm Ấy” của ông, như sau: “…mấy chục năm nay, tôi mò mẫm tiếp cảm cái thế giới vô hình của đáy sông, của lòng biển, nơi đó, tựa bờ bên kia của đời sống, luôn luôn là một thế giới sâu thẳm, bí mật, ám ảnh và quyến rũ, làm nên cái đam mê không rời của tôi.” Tôi không được là nhà văn như ông nhưng từ tấm bé, tôi cũng có nỗi khao khát khôn cùng làm sao thâm nhập được cái cõi “thăm thẳm, bí mật,” đầy huyền diệu của vạn vật quanh tôi, của con người là sinh vật phức tạp nhất, tinh vi nhất, với tôi, lung linh bao nhiêu sắc màu như tấm kiếng vạn hoa.
Tôi biết rằng trong chúng ta, rất nhiều người kể cả tôi, khi dự tang lễ tiễn đưa người thân yêu hay bạn bè, trong lòng luôn có chút tiếc nuối về một điều gì đó thiếu sót, chưa kịp làm hay bày tỏ, thậm chí chưa nghĩ tới, với người vừa nằm xuống, không còn cách nào sửa chữa hay cứu vãn. Và, cứ thế, cứ thế… Tiếc nuối cứ mãi là bài học muộn màng, lập đi lập lại mà vẫn khó thuộc, khó ứng dụng. Chúng ta dễ dàng bằng lòng trông thấy nhau mỗi ngày hay mỗi lúc, có sự yên tâm của những đồ vật quý giá ở đâu yên đấy, không mất mát, không suy suyển, tựa như cậu quý tử, cô tiểu thư vẫn trong phòng, bức tranh yêu thích vẫn trên tường, cái xe đẹp vẫn trong gara.
Tôi không biết trong bữa cơm gia đình đoàn tụ, mọi người ăn, uống, cười, nói hào hứng, có ai nhìn chậm vào mắt ai để nhận ra một điều gì ai đó không nói ra hay không biết làm sao để nói ra mà không lạc đề trong cuộc vui chung đang tưng bừng, rộn rã? Đằng sau những bức phóng họa này có khi là thằng bé chưa thành người lớn bỗng một hôm giết mẹ, giết bạn và tự hủy mình mà không biết nó đang làm gì? Có khi là cô bé con treo cổ trong closet vì tuyệt vọng trước tình cảnh bị bạn bè cùng lớp trêu ghẹo nhẫn tâm nhưng không có ai tỏ sự quan tâm để cô kêu cứu.
Tôi không biết nỗi khổ trên đời này đến thế nào, đến đâu là cùng tận nhưng cuộc đời mẹ tôi có lẽ không có ai khổ hơn bà. Hình ảnh thật về mẹ tôi là người đàn bà quê mùa, thỉnh thoảng có buổi chiều mùa Hè sung sướng ngồi bệt trên thềm nhà, bàn tay lùa trong mái tóc mới gội để thoảng lên trong gió mùi bồ kết lẫn mùi lá chanh, lá bưởi thơm ngát, một chốc rồi tựa vào tường ngủ gà ngủ gật? Hay hình ảnh thật về mẹ tôi là người đàn bà Kinh Bắc mù chữ, vật vã với nồi niêu xoong chảo trong căn bếp mờ tối nhưng lẩy Kiều bằng giọng ngâm sa mạc vút cao, thánh thót, mượt mà, làm xao xuyến cả hoàng hôn? Hay hình ảnh thật về mẹ tôi là người đàn bà một mình trong nhà kho chứa củi, khăn áo xổ tung, vừa chửi bới vừa hồng hộc điên cuồng ném những thanh củi khô vào tường, máu tươm đỏ trên đầu những ngón tay và mắt lệ chứa chan?
Tôi thấy hết, biết hết, nhưng có bao giờ cầm tay mẹ và khóc với mẹ như tôi đang khóc bây giờ? Có phải cuộc đời mẹ, sự hy sinh vô bờ bến của mẹ chính là bản án giày vò anh em tôi ngày khôn lớn, đã vì không cách nào đền bù cho mẹ trong muôn một nên tất cả chúng tôi (và cả mẹ) đều giả bộ quên đi?
Thi sĩ Trần Dạ Từ có bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc, hỏi cố nhân một câu thống thiết: “…Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người?” Chẳng phải con người đi qua đời nhau rất hờ hững đó sao?
Bùi Bích Hà