có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 11 23, 2019

Abu Dhabi nghèo nàn bỗng dưng trở nên giàu có



Khách sạn vương giả Emperial Palace, sang trọng hơn cả Hotel Burj Al Arab của Dubai. 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Abu Dhabi, một cái tên dường như rất lạ với du khách Việt Nam. Người ta thường hay nghe đến sự sang trọng giàu có của thành phố Dubai hơn bất cứ thành phố nào khác khi đến du ngoạn thế giới Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất/UAE.

Thế nhưng, ít ai ngờ được rằng thành phố giàu có nhất trong đất nước Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất này lại không phải là Dubai, ngôi vị thành phố giàu có nhất trong khối United Arab Emirates (UAE) này phải nhường cho Abu Dhabi.

Vị trí Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất nằm về phía Đông Nam của bán đảo Ả Rập, nơi mỏm đất nhô ra trong Vịnh Ba Tư, nơi hẹp nhất của Vịnh chỉ cách Iran khoảng hơn 150 cây số. Abu Dhabi và Dubai đều là hai Emirates (Tiểu Vương Quốc) nằm trong số 7 Emirates của United Arab Emirates. Abu Dhabi Emirate được chọn là thủ đô của khối Tiểu Vương Quốc Thống Nhất vào năm 1971.

Abu Dhabi vào thập niên 1960 chỉ là một làng chài hết sức nghèo nàn, những gian nhà của người dân bản địa thông thường chỉ là bốn bức tường bằng những lá palm khô vây quanh lại. Mái nhà cũng được xây dựng đơn sơ không kém, chỉ đủ để che những cơn nắng quanh năm của bãi sa mạc kéo dài suốt từ các dãy đụn cát nóng Rub’ Al Khali ra đến tận bờ biển vịnh Ba Tư. Ngày ấy, người dân bản xứ sống hết sức khô cằn, họ thiếu thốn đủ điều. Ngay cả dòng nước ngọt sông hồ để uống họ cũng không có đủ. Suốt từ cuối thế kỷ 19 đến thập niên 1960, sinh khí của khu vực này tưởng chừng như chẳng bao giờ thay đổi.


Đền thờ Hồi Giáo của Abu Dhabi lớn nhất UAE với kiến trúc 57 mái vòm trắng tinh tuyệt đẹp. 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Thế rồi, năm 1958 UAE “trúng số!” Người ta đào được “mỏ vàng đen” với một trữ lượng rất lớn ngay dưới lòng đất Abu Dhabi. Trữ lượng dầu hỏa được ước lượng có thể chiếm tới 10% trữ lượng dầu của thế giới. Abu Dhabi bỗng dưng trở nên giàu có bất ngờ! Vàng đen đã làm thay đổi hoàn toàn đời sống của toàn khu vực Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất suốt từ đó đến nay.

Như đã nói trên, năm 1971 người ta chọn Emirate Abu Dhabi làm thủ đô UAE, có lẽ một phần vì sự giàu có của nó. Nhưng thành phố lớn nhất lại là Dubai của Tiểu Vương Quốc Dubai. Dân số của UAE chỉ gần độ 9.5 triệu dân, trong đó Dubai chiếm hơn 2.2 triệu dân. Thủ đô Abu Dhabi hơn 1.5 triệu (nhưng hiện tại dân số Abu Dhabi đã gia tăng đáng kể, xấp xỉ với lượng dân số của Dubai). Tuy dân số ít nhưng diện tích đất đai và tài nguyên dầu hỏa của Abu Dhabi lại lớn hơn tất cả các “Emirates” khác rất nhiều. Dubai đã và đang là “con nợ” của Abu Dhabi. Tuy nhiên, người lãnh đạo của Dubai đã khôn khéo biến vùng đất sa mạc khô cằn này thành một thành phố du lịch sang trọng nổi tiếng thế giới, lôi kéo du khách nhà giàu và tạo ra một thành phố hấp dẫn, thu hút sự hiếu kỳ tò mò cho du khách khắp nơi trên thế giới.

Trong khi đó thành phố Abu Dhabi “bận rộn” cho việc thiết kế và kiến trúc ngôi đền thờ Sheikh Zayed Grand Mosque (được gọi tắt là Grand Mosque), biến ngôi đền thờ Hồi Giáo này thành một trong những ngôi đền thờ có kiến trúc lớn và đẹp nhất thế giới. Sheikh Zayed là tên vị Sultan (tiểu vương) cai trị Abu Dhabi từ 1966 cho đến khi ông mất vào năm 2004. Ông là người đã phác họa ra nhiều dự án kinh tế và xã hội không những chỉ cho Abu Dhabi mà còn cho toàn thể các Tiểu Vương Quốc khác trong UAE. Ngày nay, ông được người dân Abu Dhabi hết sức tôn kính mến mộ ông. Thủ đô Abu Dhabi cũng sắp hoàn thành một viện bảo tàng nói về sự nghiệp của ông dành cho Abu Dhabi. Grand Mosque cũng chính là nơi an nghỉ của ông.


Abu Dhabi cũ và mới (bên kia vịnh biển) tương phản sau 50 năm. 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Vẻ đẹp kiến trúc của Sheikh Zayed Grand Mosque cũng trở thành một điểm thưởng ngoạn quan trọng dành cho du khách khi du ngoạn đất nước Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập. Grand Mosque được kiến trúc vô cùng tốn kém và kéo dài suốt từ năm 1996 đến 2007 mới hoàn thành. Đền thờ được hoàn toàn xây dựng bằng các loại đá marble thiên nhiên trắng tinh với 57 mái vòm và có bảy loại kích thước khác nhau. Ngoài ra, người ta còn dùng vàng, crystal, và ceramic làm nổi bật phần thiết kế bên ngoài đền thờ. Bên trong sàn đền được trải một tấm thảm tuyệt đẹp. Đây là tấm thảm lớn nhất thế giới được dệt bằng tay “hand-made” của Iran-Mughal. Dàn đèn crystal treo chính giữa đền thờ là một chùm đèn pha lê màu sắc khổng lồ làm tăng thêm sự trang nghiêm, nhưng cho người thưởng ngoạn cảm nhận ngay được sự giàu có tột cùng của ngôi đền.

Muốn vào thăm Grand Mosque, du khách cần phải xin phép trước. Luật lệ ở đây tương đối cũng khắt khe cho nữ du khách, người vào thăm đền thờ phải có khăn trùm đầu che kín tóc, quần hay váy mặc phải dài quá đầu gối. Tuy có những luật lệ nghiêm khắc như trên, nhưng nếu bạn quên không thưởng ngoạn kiến trúc ngôi đền thờ Hồi Giáo này thì quả thật sẽ là một thiếu sót lớn cho chuyến đi.

Tôi từng có dịp đến các ngôi đền thờ Hồi Giáo như Mohamet Ali Mosque tại Cairo Ai Cập, Blue Mosque ở Istanbul, Hassan II Mosque ở Casablanca, Taj Mahal Mosque ở Arga Ấn Độ. Nếu phải làm sự so sánh, tôi cảm nhận rằng Grand Mosque ở Abu Dahbi có sự vĩ đại của Hassan II Mosque ở bên Maroc, nhưng có nét đẹp thơ mộng với mái vòm của lâu đài Taj Mahal bên Ấn Độ. Ngoài ra, Grand Mosque có đôi chút phảng phất nét của Blue Mosque hiện diện trong phần kiến trúc của nó. Chỉ tiếc một điều, Grand Mosque không có được nét lịch sử lâu dài như Blue Mosque hay Mohamet Ali Mosque bên Ai Cập.

Ở Abu Dhabi, tuy Grand Mosque tạo cho du khách một cảm giác hết sức kinh ngạc về sự giàu có của một ngôi đền thờ, nhưng có lẽ khi bạn nhìn thấy “cung điện” của Sultan Abu Dhabi, thì bạn còn kinh ngạc hơn nữa khi được biết rằng các viền cửa sổ của vòng thành bao quanh cung điện cũng được “sơn son thếp vàng” để chứng tỏ sự sang giàu tột bực của một vị tiểu vương.


Hình ảnh làng chài Abu Dhabi của thập niên 1960. 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Thủ đô Abu Dhabi không phải chỉ có Grand Mosque và cung điện nguy nga tráng lệ của Sultan. Tham vọng của Abu Dahbi là trong vòng ít năm nữa, sự giàu sang của thủ đô phải vượt qua thành phố Dubai. Khách sạn Emirates Palace ở Abu Dahbi là một khách sạn còn cao cấp hơn cả Hotel Burj Al Arab của Dubai. Sân Golf và một trường đua xe Formula 1 grand prix cũng đã được hình thành dành cho du khách. Ngoài ra Ferrari World Abu Dahbi là một khu vực rộng lớn, vừa là một nơi giải trí, vừa là nơi chơi thể thao, vừa là nơi triển lãm xe Ferrari, vừa là một shopping sẵn sàng thu hút giới trẻ du ngoạn.

Các kiến trúc vĩ đại của các nhà chọc trời đã tạo cho Dubai và Abu Dahbi một cái nhìn không gian mới lạ khiến người thưởng ngoạn có được những cảm giác lạ lùng khi đến du ngoạn các thành phố này. Mỗi thành phố có phong thái kiến trúc hoàn toàn khác nhau, không tạo cho du khách nhàm chán khi đến cả hai nơi.

Hiện tại, người ta cũng đang xây dựng thêm ba khu vực triển lãm – bảo tàng như Louver Museum, Guggerheim Abu Dahbi Museum, và Zayed National Museum trên vòng đảo Saadiyat Island (có nghĩa là đảo Hạnh Phúc). Đây là những công trình kiến trúc vô cùng to lớn khác sắp được hoàn thành. Abu Dahbi đã nhìn thấy sự hào nhoáng và thành công (?) của Dubai và họ muốn noi theo.

Abu Dahi tuy vô cùng giàu có về dầu hỏa, nhưng có người nhà giàu nào chịu nghỉ ngơi đâu! Họ tìm cách khai thác những khiếm khuyết mà Dubai chưa có, vì thế Abu Dahbi đã không ngần ngại bỏ ra những số tiền khổng lồ, đầu tư xây dựng các kỳ quan mới để thu hút thêm du khách.

Châm ngôn của Abu Dhabi là “Một khi bạn đã đến Dubai thì bạn chắc chắn phải ghé đến Abu Dhabi.” Tiểu Vương Quốc Abu Dhabi đã và đang làm thêm những điều rất mới lạ trong thế giới Hồi Giáo Ả rập tại United Arab Emirates. 


Trần Nguyên Thắng