có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 4 05, 2019

Về một cõi người


Quán cà phê (Thanh Châu)


Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao – khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi
(Mai Thảo – Không Hiểu)


1.
Cuộc sống quả thật kỳ diệu. Không khi nào thiếu những tấn trò đời. Không khi nào thiếu những niềm vui và nỗi buồn. Như một tiền trường lừng lững bất chấp mọi biến đổi của thời gian, trên đó những người cũ vừa ra đi thì đã có người mới sẵn sàng thế chỗ. Những con số này vừa biến mất thì những con số khác đã có mặt. Một năm mười hai tháng nối đuôi nhau kết thành một chuỗi bi kịch và hí kịch. Những diễn viên có kẻ khóc, có người cười. Có kẻ hăm hở tiến về phía trước, có người cứ ngoái nhìn phía sau mà thấy bạn đồng hành của mình lần lượt rơi rụng. Dù muốn dù không, dù vui vẻ chấp nhận hay lắc đầu hờn dỗi, tháng giêng cũng đã lừng lững bước vào đầu ngõ. Tháng giêng đã trở về như một ngày đông năm ngoái nó đã bỏ đi. Ra đi và Trở về. Như một kiếp người bước chân vào đời chỉ để một ngày nào đó trở về nơi từ đó ra đi.

2. 
. . . Những ngày đầu năm, nhân kỳ nghỉ Đông còn kéo dài qua đến cuối tuần, mấy người bạn già chúng tôi lại khề khà rủ nhau ngồi quanh bàn rượu nhạt. Gọi là rượu nhạt vì những sợi tóc bạc trên đầu và những viên thuốc cao máu, giảm mỡ, trợ tim uống đều đặn hàng ngày đã không cho phép chúng tôi chạm môi vào cái thứ chất lỏng quyến rũ sóng sánh màu hổ phách trong những chai rượu mạnh mà nhãn hiệu của chúng cho biết xuất xứ ở mãi tận bên trời tây. Tuy rượu nhạt, nhưng uống nhiều thì môi vẫn cứ mềm, và đêm vẫn cứ trắng, dù biết sáng hôm sau, khi thức dậy sẽ là cảm giác uể oải theo suốt cho đến cuối ngày. Tháng Giêng, điểm mốc mới cho cuộc hành trình cũ về phía mặt trời lặn. Như chén Hồ trường phẫn uất rót về Đông Phương hay rót về Tây phương. Giữa tâm thức lâng lâng nửa tỉnh nửa say, trong đầu tôi hiện ra mồn một những hàng tùy bút rất đẹp của Mai Thảo “. . . có Jack Daniels khai vị buổi chiều, có Hennessy đậm đà buổi tối, có Hồ trường thắm thiết phẫn uất rót về Đông phương, rót về Tây phương, và từ giọt lệ lăn ra nơi câu thơ bôn tẩu thất quốc, đến cái tăm rượu họp bạn sủi lên trên một nền trời lữ thứ…”

Và thế là nhiều năm về sau, cái hình ảnh “tăm rượu họp bạn nổi lên trên một nền trời lữ thứ” của nhà văn Mai Thảo lại được sống lại, tất nhiên, với con người khác và nơi chốn khác, nhưng chao ôi! Cái hồn “phẫn uất rót về Đông Phương, rót về Tây phương của Hồ trường” sao mà giống nhau đến thế! Hẳn người dưới mộ cũng đủ ủi an cho một mảnh hồn cô đơn cho đến giây phút cuối cùng. Tháng giêng! ừ thì tháng giêng! chúng tôi quây quần nhau lại để thấy tâm thức mình đã khác nhiều từ tháng giêng năm ngoái đến tháng giêng năm nay. Hư không, từ một khái niệm trừu tượng mơ hồ, nay đã cho thấy những dấu hiệu của một giai đoạn phôi thai định hình. Thơ, ngày trước là những lời tình yêu nồng cháy, nay, phút chốc đã nhìn thấy cái bạc phơ phảng phất giữa hàng chữ nặng nề tuổi hạc. Con mắt, trước kia long lanh những khát vọng vừa thanh cao vừa trần tục, nay, chỉ còn thấy cái hun hút của con đường một chiều thẳng tắp, không có những ngã rẽ khiến hồn đi lạc, chỉ có những trạm nghỉ chân mang tên tháng giêng làm điểm mốc cho chặng đường còn lại mỗi ngày mỗi ngắn hơn. Và đôi chân, ngày xưa lủng lẳng giày cỏ, trật vuột dép vỏ xe, mà đá vẫn cứ mềm; nay, giày da đi hoài không vẹt mỏ (có đi đâu mà mòn vẹt, có chăng là những vết sướt vì đêm tháng giêng túy lúy men rượu nhạt vấp phải mảnh đá con trên đường về), mà đôi bàn chân cứ sưng múp lên như người bị phù thủng.

3.
Thực ra, mọi điều kỳ diệu chỉ là giả thuyết. Giả thuyết về một cõi người. Giả thuyết về một giả thuyết có thật hay không có thật. Thế đấy, dưng không mà buổi khề khà đầu năm của mấy người bạn già lại xoay quanh những điều gọi là kỳ diệu của cuộc sống, những điều gọi là giả thuyết. Có phải đó là nhờ chén rượu cay sóng sánh màu hổ phách chưa nhấp đã sợ mình sẽ say túy lúy càn khôn? có phải đó là tà áo dài màu thiên thanh năm xưa chợt ẩn chợt hiện lung linh dưới đáy cốc, nhòe nhoẹt vì đoạn phim nhão cũ kỹ đã hơn ba mươi năm? có phải đó là nhờ chặng nghỉ chân khi gần đến đích của con đường, sau khi thở một hơi nhẹ nhõm, đã nhận ra được điều kỳ diệu trên hết mọi điều kỳ diệu của cuộc sống này chính là khả năng nhìn tấn trò đời như một giả thuyết. Giả thuyết kể rằng, ngày xưa có chàng Lưu và chàng Nguyễn lạc vào chốn không có khởi đầu và kết thúc, không có tháng mười hai vì thế không có tháng giêng, không có nước mắt, vì thế không ai biết đến nụ cười. Nhưng giả thuyết lại không tìm ra được chỗ kết thúc cho chính mình, nên đành trả chàng Lưu và chàng Nguyễn trở lại trần gian, trở lại cõi người, sau nhiều trăm năm giam cầm hai chàng nơi miền vắng tanh vắng ngắt những điều kỳ diệu. Hẳn nhiên, hai chàng chấp nhận sự hữu hạn của cuộc đời mình như một sự đánh đổi lấy ý nghĩa làm người.

4.
Những người khách lữ hành thường không có thì giờ để nghỉ và nghĩ. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi người ta sắp đi hết cuộc hành trình, thường tìm cách để nghỉ và nghĩ. Hay nói cách khác, lúc nghỉ là lúc nghĩ. Tương tự như hai anh chàng Lưu Nguyễn của giả thuyết, những anh bạn già của chúng tôi, sau gần hết một đời bon chen mỏi mệt, nay được dịp ngồi lại khề khà thì hiểu được rằng, hay giả bộ hiểu được rằng, những điều đổi thay của tấn trò đời – mà cụ thể nhất là những tấn trò mình đã kinh qua – không thể có một giá trị nào khác hơn là sự kỳ diệu tạo nên ý nghĩa cuộc đời này. Và để cho dễ sống, đừng bận tâm mơ về một cõi thiên thai đã giam cầm hai chàng Lưu Nguyễn, cõi ấy tuy có thật (?), nhưng chắc gì đã không có chỗ cuối con đường, nơi đó, người ta ngoảnh cổ nhìn lại, thấy rơi rụng dần những bạn đồng hành. Đã vậy, lại không có chén rượu sóng sánh màu hổ phách chưa uống đã sợ mình say túy lúy càn khôn.

Nếu không tệ như vậy, hai chàng Lưu Nguyễn đã chẳng khóc lóc đòi về.


T.Vấn
(Trích CÕI NGƯỜI, sắp xuất bản)