Một năm lại sắp qua,tuổi đời tôi lên số 85 và có thể nói theo tuổi ta là 86…nhiều bạn trẻ nhắc tôi viết kể lại chuyện cũ, đặc biệt là những kỷ niệm 21 năm ở Không Quân vì các bạn già lứa tuổi tôi ra đi vĩnh viễn cũng đã nhiều rồi…
Tôi nhập ngũ năm 1954 với cấp Chuẩn Úy đồng hoá phụ trách ban Biên tập Nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Quốc Phòng, Đồng hoá có nghĩa là Quân đội tuyển dụng tôi một khoảng thời gian và tôi có thể xin ra khỏi Quân Đội trở về đời sống dân sự. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau, sau khi được thăng cấp Thiếu uý và chuyển qua ngạch trừ bị là tôi thi qua Không Quân du học Hoa kỳ khoá đầu tiên Sĩ Quan Bảo trì phi cơ, thụ huấn chuyên môn 10 tháng năm 1956 tại căn cứ Không quân Chanute bang Illinois. Cùng đi với tôi còn có Trung uý Đoàn văn Đệ và Chuẩn uý Nguyễn văn Tư. Thời kỳ đó người dân Mỹ chẳng biết nước Viêt Nam ở đâu cho đến khi mình chỉ nước Việt Nam trên bản đồ lớn họ mới la lên ”A, IndoChina, Dien Bien Phu…” Du học Mỹ năm đó thật vui và sung sướng vì ở Mỹ cũng như ở Việt Nam không có chiến tranh, không có khủng bố đời sống thật an bình.
Tôi nhớ ngoài các khoá sinh các nước đồng minh như Nhật, Nam Mỹ còn có cả Ai Cập, Syria và Do Thái cuối tháng đều xếp hàng lãnh tiền lương Mỹ phát… Cuối năm 1956, mãn khoá về nước Trung Uý Đoàn Văn Đệ về Công Xưởng Biên Hoà (sau là Bô Chỉ huy Kỹ thuật Tiếp vận), tôi ra Phi Đoàn 2 Quan sát. Ngày đó Phi Đoàn này có một tên khá dài là “Đệ nhị Phi Đoàn Quan sát và Trợ Chiến“ với vị Chỉ huy Trưởng là Đại uý Võ Công Thống đồn trú tại Nha Trang và vị Chỉ huy căn cứ là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Oánh. Không Quân Việt Nam năm 1955 được Không quân Pháp chuyển giao lại thời ấy còn là một quân chủng nhỏ gồm 2 phi đoàn quan sát ở Nha Trang và Đà Nẵng với các máy bay L-19, một phi đoàn khu trục ở Biên Hoà với máy bay Bearcat F-8-F và Liên Phi Đoàn Vận Tải ở căc cứ Tân Sơn Nhất gồm hơn 40 chiếc C-47 dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ. Tại căn cứ Tân Sơn Nhất còn có Phi đoàn Liên lạc gồm mấy phi cơ vận tải C-47, 2 phi cơ Beechcraft, 1 phi cơ Aero Commander, 2 phi cơ L-19 tất cả đều gắn ghế bọc nệm trắng để chở Tổng Thống và các yếu nhân Chính phủ hay các Tướng lãnh. Miền Tây Nam bộ mới chỉ có một biệt đội ở Sóc Trăng với vài phi cơ quan sát L-19 và biệt đôi này chỉ là một thành phần thuôc Phi Đoàn 2 Quan sát Nha Trang. Tổng cộng quân số Không Quân ta ngày đó khoảng 6000 người với vị Tư lệnh đầu tiên là Đại tá Trần văn Hổ.
Nhà thơ Hoàng Song Liêm.
Trở lại với những tháng ngày vui ở Nha Trang với vị Chỉ huy trưởng Đại uý Võ Công Thống hiền hoà và tôi bắt đầu gặp gỡ kết bạn với Đại uý Đỗ Khắc Mai, Chỉ huy phó Căn Cứ, Đại uý Vũ Văn Ước, Trung Uý Phan Quang Phúc, Thiếu uý Nguyễn Huy Ánh, các Chuẩn Uý Nguyễn Hồng Tuyền, Ông Lợi Hồng, Ôn văn Tài, Trần Tấn Nhứt, Nguyễn Phúc Tửng thuộc trường phi hành,.. hay trong phi đoàn tôi có các Trung uý Nguyễn Đình Thập Phi đoàn phó, các Trung uý Phạm Duy Thân, Lê Minh Hoàng, Ngô Tấn Diêu… Nhưng đáng nhớ nhất là bạn già cùng ngành sĩ quan bảo trì xuất thân trường Võ Bị Không Quân Pháp Salon Thiếu Uý Nguyễn Quang Diệm hỗn danh “Diệm Mộc Tồn” là bạn chí cốt của tôi, thời chúng tôi không ai là không biết… Diệm đã có chứng chỉ Toán học Đại Cương nhưng ở Không quân bận rộn ham vui chẳng học tiếp Đại học cũng như tôi học văn khoa hay luật khoa cũng dở dang tuy rằng học chuyên môn bảo trì phi cơ, chiến tranh đặc biệt hay chỉ huy tham mưu thì tốt nghiệp có bằng khen.
Đầu năm 1957, một Trung uý phi công trông rất dị tướng mới du học từ trường Võ bị Không quân Pháp về cũng ra Phi Đoàn 2 Quan sát, được bổ nhiệm là Trưởng phòng Hành quân Phi Đoàn. Ông bạn già này là Nguyễn Ngọc Loan xuất thân khoá 1 Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức, khoá sĩ quan trường Võ bị KQ Pháp Salon de Provence. Trung uý Loan tốt nghiệp luôn cả khoá phi hành bay khu trục cơ phản lực Mirage nay lại ra Nha Trang bay máy bay “bà già” dưới quyền chỉ huy của bạn đồng khoá 1 Sĩ quan trừ bị Đại Uý Võ Công Thống! Trung uý Loan không có xe nên xài chung với tôi xe Dodge 6×6 của Không quân Pháp giao lại… Đúng ra xe Dodge 6×6 này là xe thuộc phần sở kỹ thuật của tôi để lính chuyên viên kỹ thuật xử dụng chở đồ sửa chữa máy bay, bây giờ Trung uý Loan cùng ở cư xá sĩ quan độc thân với tôi nên hai chúng tôi dùng chung xe. Ông Loan thường lái xe, thích nói chuyện vui, đùa kiểu Tây và cũng hát những bài hát Tây…
Một kỷ niệm “vui “ là ngày 1 tháng 5 năm 1957, lễ lao động Cộng Sản, Không quân bị cấm trại và anh em chúng tôi vừa ăn cơm trưa ở Câu Lạc Bộ thì ông Thiếu uý Nguyễn Huy Ánh lên tiếng nói với mấy thằng chúng tôi là “bà xã moa nấu nồi chè ngon, bây giờ ế chẳng có ai ăn…”. Một bạn phát biểu ngay là “nhà toa ở cư xá ngay cửa trại Long Vân, lại có ông Đại uý Mai Chỉ huy phó Căn cứ đây…” thế là ông Mai gật đầu. Chúng tôi leo lên xe Dodge 6×6 với Đại uý Đỗ Khắc Mai Chỉ Huy Phó Căn Cứ ngồi ghế trưởng xa, Trung uý Nguyễn Ngọc Loan làm tài xế còn phiá sau có các Thiếu uý Ánh, Liêm và các Chuẩn Uý Tuyền, Tài, Hồng... ra ăn chén chè. Khoảng nửa giờ sau lúc trở vào trại thì thượng sĩ Liêu phụ trách trạm gác cổng trại Long Vân ra hiệu xe ngừng lại và Thượng si Liêu trình với Đại uý Đỗ Khắc Mai Chỉ Huy Phó Căn Cứ là xin phép được ghi tên các sĩ quan ngồi trên xe theo lệnh Thiêu tá Chỉ huy trưởng Nguyễn Ngọc Oánh…
Ngày hôm sau 2/5/1957 Trung Uý Loan và tôi ký tên nhận lỗi trên lệnh phạt 8 ngày khinh cấm về tội ra khỏi trại trong ngày cấm trại dù chỉ là nửa giờ và nhà Thiếu uý Nguyễn Huy Ánh trong cư xá sĩ quan ở ngay sát cổng Căn cứ… Khoảng một tuàn sau Trung uý Loan gọi tôi nói to “Ê Liêm, mày phải đãi tao chầu phở hôm nay, vụ 8 “củ” hôm trước “xong” rồi!“ Tôi còn đang ngơ ngác chưa hiểu vấn đề thì ông Loan nói tiếp luôn “Mày không nhớ hôm nay tao Xử lý Thường vụ Chỉ Huy Trưởng Phi Đoàn à?" Tôi ấm ớ trả lời là như vậy ông xé giấy phạt? ông Loan trả lời ngay ”Tao đâu có ngu, vì huỷ hoại văn kiện quân đội là tội nặng nên tao thấy 2 tờ giấy phạt của tao và mày, tao xêp luôn vào đống công văn cũ dưới cùng bàn giấy Đại Uý Thống nên đến Tết Congo cũng chẳng tìm thấy đâu!“. Các bạn Ánh, Tuyền, Tài, Hồng thuộc trường KQ ngành phi hành do Đại uý Mai ký giấy phạt, không biết Thiếu tá Oánh có phạt Đại uý Mai không ?
Mấy vị sau này gồm Oánh, Loan, Ánh đều lên Tướng giữ chức lớn và cũng đã ra đi hết từ lâu. Đầu năm 1957 tôi thăng cấp Trung uý được thuyên chuyển về Sài gòn và được bổ nhiệm chức Trưởng Phòng Kỹ thuật Nha Kỹ Thuật Không quân… Ít năm sau, Tướng Tư Lệnh Không quân Nguyễn Cao Kỳ được Hội Đồng tướng lãnh chỉ định là Thủ tướng Chính phủ thì ông Loan được ông Kỳ giao kiêm nhiệm luôn ba chức vụ quan trọng là Tư Lệnh Cảnh sát Quốc Gia, Cục trưởng Cục An Ninh Quân Đội và Đặc Uỷ trưởng An Ninh Tình Báo…
Những năm đầu thập niên 50 thế kỷ trước, tôi học sau ông Nguyễn Cao Kỳ một năm ở trường Chu văn An Hà Nội nhưng đã quen biết nhau, sau này tôi được đổi về nghề cũ làm Trưởng phòng Tâm Lý Chiến Không quân thực sự là làm việc dưới quyền tướng Tư Lệnh Phó Không quân Trần văn Minh
Trung tướng Trần Văn Minh
Công việc này thật vui vì phòng Tâm Lý Chiến có các ban Công tác Tâm Lý Chiến, ban Báo Báo chí với Nguyệt san Lý Tưởng, ban Văn Nghệ với các trưởng ban có tiếng như tài tử điện ảnh Lê Quỳnh, Sĩ Phú, các nghệ sĩ Anh Khoa, Lê Huy, Duy Quang, Duy Cường, ban Thể thao với các đội bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền và lại có cả ban Quân Nhạc với ông trưởng ban là nhạc sĩ quân nhạc trưởng Vũ Văn Tuynh. Theo chức vụ tôi là “xếp” anh Tuynh nhưng tôi thật lòng kính nể Thiếu tá Tuynh như một ông anh về tuổi đời, tư cách và tài hoa. Trong công việc tôi luôn luôn nói với anh Tuynh “Xin nhờ anh làm giúp cho việc này...“. Sau năm 1975 anh Tuynh đã di tản qua Úc và anh qua đời nhiều năm nay. Một điều đặc biệt là ban quân nhạc Không Quân nằm trong Phòng Tâm Lý Chiến nên tôi phải phụ trách luôn việc nghi lễ của Không quân, nhất là khi tướng Ký làm Thủ tướng kiêm Tư lệnh Không Quân thì vụ nghi lễ trở nên đôi lúc phức tạp, tôi phải đi cùng anh Vũ Văn Tuynh đi họp ở Bộ Ngoại Giao hay bộ Tổng Tham Mưu để soạn diễn tiến tổ chức các buổi lễ bây giờ lên cấp Quôc Gia…
Thời gian gần mười năm từ năm từ 1965 cho đến ngày đứt phim tháng 4 năm 1975 ngoài những công tác bình thường Phòng Tâm Lý chiến Không quân đã tổ chức những buổi tiếp đón các hồi chánh viên như Đoàn Chính, Bùi Thiện… những Đêm Vinh danh phi công Việt Mỹ ở Hội Quán Sĩ Quan Huỳnh Hữu Bạc Tân Sơn Nhất, thực hiện 2 phim “Cánh Chim Tự Do” và “Không Quân Việt Nam Ngày Nay” với tài tử là danh ca Sĩ Phú. Về thể thao, các đội bóng Không quân như bóng rổ, bóng chuyền và đặc biệt là đội túc cầu Không quân đã được xếp đứng thứ hai sau đội vô địch Tổng Tham Mưu, đi đấu giao hữu với các nước bạn và được Tổng Cuộc Túc Cầu tuyển nhiều cầu thủ xuất sắc như Quang Đức Vĩnh, Trần Tiết Anh…vào Hội Tuyển Quốc gia. Về báo chí văn nghệ ngoài, các buổi phát thanh phát hình, nguyệt san Lý Tưởng, diễn đàn của Không Quân đang lớn mạnh có một bộ biên tập thật hùng hậu với những nhà văn, nhà thơ không chỉ nổi tiếng trong quân chủng mà còn cả ngoài dân sự như Cung Trầm Tưởng, Dương Hùng Cường, Nguyễn Đình Thiều, Đào Vũ Anh Hùng, Thế Phong… ngay cả tướng Tư lệnh Trần Văn Minh cũng đóng góp bài.
Nhà văn Dương Hùng Cường
Báo Lý Tưởng được trình bày và ấn loát đẹp với số lượng phát hành khá lớn có khi trên 10 ngàn số báo vào những dịp Tết hay kỷ niệm đặc biệt, được nhà in Quốc gia hay nhà in Quân Đội in giúp. Giữa năm 1966 có chính biến một đám quân nhân nổi loạn ở miền Trung, tôi được lệnh dẫn một đoàn anh em viết lách và truyền thông ra căn cứ Không quân Đà Nẵng hợp tác với đoàn của bạn nhà văn Uyên Thao thuộc Đài Phát thanh Sài Gòn dưới quyền chỉ huy của tướng Loan ngày đó còn là Đại tá… Một việc vui khác trong Phòng Tâm Lý Chiến thời đó là Chính Phủ chỉ thị các quân binh chủng xây cât tượng Thánh Tổ ở các công viên, riêng Không quân được chỉ định một vị trí rất đẹp là trước mặt Toà Đô Chính và rạp Rex. Tôi thỉnh ý 2 vị tướng Nguyễn Cao Kỳ và Trần Văn Minh không biết Thánh Tổ Không Quân ta là ai, hai vị chưa trả lời thì tình cờ tôi gặp Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ đã đoạt giải khôi nguyên La Mã. Ông Thụ rất phấn khởi bảo tôi là ông có sẵn một mô hình tượng lập thể thích hợp để làm mẫu xây tượng đài đại diện Không quân ta… Tôi đưa ông Ngô viết Thụ vào Tân Sơn Nhất gặp 2 tướng Kỳ và Minh, Kiến trúc Sư Ngô Viết Thụ trình bầy ý nghiã mô hình về những góc cạnh, không gian ba bốn chiều, chính tôi cũng chỉ hiểu lơ mơ nhưng mô hình này đã được hai tướng Kỳ và Minh chấp thuận, thế là đoàn kiến tạo Không Quân thực hiện đúng kích thước thành tượng đài “Tổ Quốc Không Gian” cũng khá đẹp được dân Sài Gòn đặt tên là Tượng Kệ Sách vì cấu trúc lập thể nhìn giống một kệ sách lớn. Tượng đài này sau năm 1975 bị Cộng Sản phá và thay vào bằng tượng Hồ chí Minh….
Thời gian 21 năm phục vụ trong Không quân còn vô vàn kỷ niệm khó quên khác nhất là khi chiến tranh tăng cường độ, Không quân phát triển, chiến hữu tử vong nhiều nên có những lễ tưởng niệm, vinh danh anh hùng như Phạm Phú Quôc, Trần thế Vinh, Phạm Văn Thặng hay có gia đình cụ Nguyễn Thị Đề được Tổng Thống ban tặng Bảo quốc Huân Chương vì có 3 con trai phi công đền nợ nước.
Nửa thời gian đầu hai thập niên trong quân ngũ tôi đã phục vụ trong ngành bảo trì phi cơ, tuổi đời còn trẻ nhưng tôi đã chứng kiến và tiếc thương những người bạn phi hành tử vong hay cất cánh bay đi mà không bay về vì nhiều lý do chứ không phải riêng vì lửa đạn chiến trường…
Thập niên sau 1965-1975 trong ngành Chiến tranh Chính trị cũng là giai đoạn chiến tranh khốc liệt và Không quân ta bành trướng phát triển gấp mười lần, mức thương vong gia tăng nhưng tôi ở Bộ Tư lệnh Không quân nên tướng Tư lệnh chỉ thị những việc thích hợp trong trách vụ Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến như đại diện tướng Tư lệnh gắn huy chương lên túi đựng thi thể. Đại tá Cố vấn trưởng Sư Đoàn 4 Không quân, đến phân ưu tang gia cố Thiếu tá Phạm Văn Thặng tử nạn ở cao nguyên… Kỳ đi viếng tang này ngoài Trung tá Cố vấn Mỹ của tôi còn có nhạc sĩ Phạm Duy và người bạn thân nhạc sĩ Hoa Kỳ Steve Addis chuyên sáng tác về dân ca… Nhắc đến nhạc sĩ Phạm Duy, người bạn đàn anh lớn cũng đã đặc biệt ưu ái Không quân chúng ta sáng tác những ca khúc vinh danh các anh hùng Phạm Phú Quốc, Trần Thế Vinh… Tôi nhớ khi anh hùng diệt xe tăng địch Trần Thế Vinh vừa tử nạn, Phạm Duy đã sáng tác ngay ca khúc đề cao Vinh, nghe ái nữ Phạm Duy là Thái Hiền hát trên Đài Phát thanh Sài Gòn thật hay và cảm đông. Phạm Duy còn sáng tác Không Quân Việt Nam Hành Khúc thay bản nhạc của Văn Cao nhưng hai tướng Nguyễn Cao Kỳ và Trần Văn Minh vẫn không thay đổi ý kiến…
Phi công Phạm Phú Quốc.
Viết lan man khá dài về những gì còn nhớ ở tuổi 85, tôi là người may mắn giờ này còn tại thế không thể biết lúc nào sang thế giới khác… Tôi có 3 anh em trai, ông anh ruột cũng khoá 1 Sĩ quan trừ bị tuy có thương tật nhưng cộng sản vẫn giam cầm bức tử hay ông em út quân y sĩ cũng bị tù cải tạo rồi vượt biên. Riêng tôi phục vụ Không quân 21 năm, sau 3 lần chết hụt trong ngày 29/4/1975 đã tới được bến bờ Tự Do cùng gia đình…
Không Quân Già Hoàng Song Liêm