Nhà văn Đặng Trần Huân (1929-2003)
Tháng ba, có nhiều ngày để tưởng nhớ. Tháng ba, có những ngày giỗ Hữu Loan, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Ðức Lập… và ngày 21 tháng ba là ngày giỗ Ðặng Trần Huân. Nhìn những cuốn sách có một lớp bụi mỏng mà tôi biết là những công trình tim óc của một người lênh đênh trôi nổi với văn chương, bềnh bồng trôi dạt với thời thế, tôi lại nhớ đến cái lạnh lùng của đời người. Rồi mọi chuyện cũng qua. Rồi tất cả cũng sẽ vào quên lãng. Có phải? Tự nhiên, tôi muốn viết về chân dung một tác giả có nhiều đóng góp cho văn chương Việt Nam.
Nhà văn Ðặng Trần Huân là một trường hợp đặc biệt của hai mươi năm văn học miền Nam và ba mươi năm văn học Việt Nam hải ngoại. Trước năm 1975, mặc dù là một sĩ quan thuộc Cục Tâm Lý Chiến phụ trách tòa soạn các tờ báo quân đội trong một thời gian dài nhưng chỉ xuất bản có vài tác phẩm như tập truyện ngắn Ngày Vui năm 1962, truyện dịch Hải Ðảo Thần Tiên năm 1963, bút ký Thành Phố Buồn Thiu năm 1979, và tập truyện vui Chuyện Cấm Ðàn Bà (hai tập) năm 1969 và Chuyện Vợ Chồng năm 1970. Sau năm 1975, ông bị tù cải tạo đến năm 1988, được trở về rồi năm 1992 thì định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO. Chỉ trong 5 năm ông đã xuất bản liên tiếp ba tác phẩm dù tình trạng gia cảnh khó khăn, mỗi cuốn sách ra đời là cả một công trình thành quả từ những cố gắng. Ba tác phẩm ấy là bút ký Hành Trình Một Hát Ô xuất bản năm 1995, tập tạp văn Những Người Thích Dấu Huyền in năm 1998 và chuyện văn nghệ Chữ Nghĩa Bề Bề xuất bản năm 2000.
Những tác phẩm của ông xuất bản ở hải ngoại dường như là từ những kinh nghiệm sống của ông từ những năm phải vật vã sống ở trong nước của một thời đại rất đặc biệt của lịch sử Việt Nam. Ðọc những điều ông viết, độc giả có cảm giac đây là những chất chứa, những nỗi niềm của một người sau một thời gian dài cam chịu nay mới có cơ hội để phát tiết ra. Ðây có thể gọi là những điều nếu không viết ra, không đụng chạm đến thì không thể nào chịu đựng nổi. Những sự kiện ấy thật gần cuộc sống, có nét chân thực, và được sự chia sẻ chung mang của những người cùng chung cảnh ngộ của một thời thế hỗn độn nhiểu nhương.
Ông sinh ngày 7 tháng 6 năm 1929 tại Bắc Ninh và mất ngày 21 tháng 3 năm 2003 tại thành phố El Monte, tiểu bang California, thọ 74 tuổi.
Ông viết tác phẩm đầu tiên ở hải ngoại, Hành Trình Một Hát Ô, trong một tình cảnh đặc biệt. Vốn sinh trưởng ở miền Bắc Việt Nam, chứng kiến ngày Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội năm 1945, vào Nam sau hiệp định Genève năm 1954, ông là một sĩ quan chiến đấu trong quân đội quốc gia. Sau năm 1975 ông bị giam cầm hơn mười năm trời trong các trại tù Biên Hòa, Sơn La, Yên Bái, Nghệ An, Hàm Tân. Khi ra khỏi nhà tù Cộng Sản, ông đã trở lại và thăm Hà Nội trong một tháng để chứng kiến và quan sát đời sống tại đây. Và với những điều đã nghe, nhìn, tại thành phố này, lúc sang định cư ở Hoa kỳ ông đã có nhiều chứng liệu xác thực cho văn chương của ông. Với trên hai mươi năm sống dưới chế độ cũng như sống ở trong nhà tù Cộng Sản, ông nhìn ra được những điều sâu xa khác với những cía tuyên truyền có chất hào nhoáng bên ngoài của một chế độ đầy khiếm khuyết, vô nhân dựa trên một chủ thuyết không tưởng.
Tác phẩm Hành Trình Một Hát Ô như một cuộc đối chiếu với những nhận xét và tài liệu mà bạn bè ông, những người cùng chung cảnh ngộ với ông, vừa tới Hoa Kỳ chia sẻ. Cuốn sách đã cống hiến cho độc giả những phần sự thực của thảm cảnh quê hương Việt Nam bây giờ với tư cách là một chứng nhân khả tín. Ðời sống ấy, hiện thực ấy nếu những người Việt mà chế độ trong nước gọi là Việt Kiều chỉ sống một thời gian ngắn ở xứ sở của mình có thể không nhận ra…
Ông đã viết Hành Trình Một Hát Ô trong những ngày vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ nên hoàn cảnh khá khó khăn. Ông kể về những cố công ấy của mình:
“Nhà tôi ở phía Ðông Los Angeles xuống Westminster để trả bài tôi phải đi ba chuyến xe buýt mất gần bốn tiếng đồng hồ và lúc trở về cũng thời gian như vậy. Trong những tháng hè ngày còn dài và còn áp dụng giờ tiết kiệm, daylight saving time, đi xe buýt còn nhàn hạ nhưng từ cuối tháng mười vặn lùi lại giờ đúng lúc trời lạnh và chóng tối nên nên đi rất vội vã. Tuy vậy tôi vẫn phấn khởi và hy vọng sách sẽ ra mắt kịp vào dịp Tết Ất Hợi tháng giêng năm 1995…”
Tâm sự của ông, nỗi niềm của ông, có khi không phải là chuyện cá nhân riêng mình mà đã thành nét chung mang của những người chung thế hệ. Trong một thời kỳ mà “cột đèn đường cũng còn muốn vượt biên” thì con đường xin đi Mỹ theo diện HO có lẽ là phương cách rời bỏ quê hương tốt đẹp nhất so với cách chọn là thuyền nhân hay bộ nhân đầy nguy hiểm. Nhưng, cũng chưa hẳn là dễ dàng mà còn đầy những trắc trở mà người HO phải vượt qua… Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay, những sự kiện ấy, những đời sống ấy chính là những biểu tượng của một thời thế mà xã hội được chấm phá toàn bằng những nét đen tối nhưng con người ở tron g hoàn cảnh ấy phải vận dụng để tồn tại để sống còn. Một chế độ làm tiền công khai người dân bằng đủ mánh khóe thủ đoạn và cả một hệ thống từ trung ương đến địa phương tha hồ đặt riêng ra những luật và lệ mà mục đích giản dị là để vơ vét.
Ký giả Hồ Nam trong tác phẩm viết chung với Vũ Uyên Giang “100 Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ” đã kể chuyện về nhà văn Ðặng Trần Huân khi ông ra khỏi tù Cộng sản sống ở thành phố Sài Gòn:
“…Tôi còn nhớ rất rõ sau khi đi tù cải tạo về, Ðặng Trần Huân làm nghề buôn bán sách truyện “con nít” tại cổng mấy trường tiểu học ở Sài Gòn. Cứ sáng sáng mỗi khi Ðặng Trần Huân bầy hàng là đám học trò tiểu học con nhà nghèo xúm đông xúm đỏ lại đọc “cọp” truyện của Ðặng Trần Huân nhiều hơn mua, nhưng mắt Ðặng Trần Huân lại sáng lên có vẻ sung sướng lắm. Thường thường, Ðặng Trần Huân làm nghề bán sách mỗi buổi sáng không tới một giờ đồng hồ và cứ một ngày đạp xe đạp tới một trường tiểu học và luân phiên bảy ngày mới trở lại trường cũ. Bán sách xong Ðặng Trần Huân thu sách ế bỏ vô túi đem đi uống cà phê ăn cơm tấm bì hay gặm một khúc bánh mì độ nhật qua ngày và sau đó lại đạp xe tới mấy “vựa” ve chai mua sách cũ để “làm hàng” cho ngày hôm sau. Theo Ðặng Trần Huân thì cái thời gian đáng sống nhất trong một ngày của Ðặng Trần Huân là thời gian tới các vựa ve chai lục lọi tìm mua sách cũ để làm hàng cho ngày hôm sau. Thơì gian này Ðặng Trần Huân đã được đọc “hầm bà lằng” đủ loại sách báo đông tây kim cổ và nhất là chuyện tiếu lâm…”
Sinh sống như thế thì thu nhập chắc cũng không khả quan gì mấy và chính từ chuyện kể của ký giả Hồ Nam để chúng ta thấy được những cuộc sống lây lất không ngày mai của những người tù cải tạo trở về sống trong một xã hội không hứa hẹn một chút gì tươi đẹp cho bản thân họ và gia đình họ.
Tuyển tập tạp văn Những Người Thích Dấu Huyền tác giả vui chân đi từ đề tài này sang đề tài khác. Có chất văn học như bài viết về huyền thoại Tự Lực Văn Ðoàn hay những hạt sạn trong văn chương phê bình nhẹ nhàng nhưng chính xác. Cũng có chất hiện thực cuộc sống như thắc mắc hai chữ HO từ đâu mà có hoặc những chuyện đầu Ngô mình Sở… Hay có thể là những trang tự sự như chuyện những hạt sỏi trong “Hành Trình Hát Ô” hay “Trên xa lộ 10 Ðông, ba mươi tám giờ ngồi,” một bút ký du lịch. Văn phong của tác giả Ðặng Trần Huân nhẹ nhàng, ngôn ngữ ôn tồn nhưng sâu lắng. Thí dụ như khi ông viết Hà Nội Sáng Tạo Tiếng Việt có những đoạn như:
“Thành ra với văn tự Hà Nội thì người và vật dùng lẫn lộn hòa hợp hòa giải rất là đề huề. Người và vật đồng hóa với nhau, chung đụng với nhau. Lãnh tụ là Người, voi cũng là người. Có phải thế chăng mà những người Cộng sản từ Liên Xô cũ, từ Ðông Âu sụp đổ cho tới Trung Cộng, Cu ba, Bắc Triều Tiên, Việt Nam đang hấp hối đều tôn thờ thuyết Darwin là loài người thoát thai từ khỉ.
Và cũng vì thế mà một tạp chí Việt ngữ sống dai nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam tự do khi nói về Cộng sản Hà Nội đã xếp vào chuyên mục Từ Người Xuống Vượn, Từ Vượn Lên Người”
Tác phẩm Chữ Nghĩa Bề Bề có những bài viết liên quan đến văn học và tác giả đã nói rõ tâm cảm cũng như mục đích của ông:
“ …Trong những lá thư độc giả cũng có nhiều vấn đề được nêu lên, người viết xin có đôi lời trần tình. Có vị nói viết như mục này không phải là phê bình văn học. Xin thưa, ngay mấy tiếng phê bình văn học nghe đao to búa lớn quá kẻ này không đủ khả năng và không dám nhận.
Mục đích của người viết – nằm ở một nơi xa thị tứ thiếu tài liệu tham khảo – chỉ tình cờ đọc được cuốn sách hoặc xem được cuốn phim, nghe được bài hát nào thấy là lạ thì phát biểu ý kiến về tác phẩm đó, ý kiến của một độc giả, một khán thính giả có trình độ kiến thức trung bình như đa số. Vì vậy có khi chỉ nói lên sự thích thú hay nỗi bực mình chủ quan với cả tác phẩm, có khi chỉ là góp ý cho một câu, một đoạn mà thấy cần phải nêu lên. Cũng không câu nệ là tác phẩm mới ra hay đã cũ mèm. Không cứ mới mà hay và cũ như Kiều mà dở. Cũng như bây giờ mới được đọc thì cũ người mới ta, coi xong phải xuýt xoa hay nhăn nhó. Cũng như không phải một ca khúc được chính tác giả trình bày thì hay hơn người khác. Có khi tác giả chỉ giỏi về sáng tác mà không có giọng ca trời cho. Mà người đi xem vì ái mộ nhà soạn nhạc nên muốn thấy cái dung nhan mùa hạ.
Chính khi nói với vài bạn trong giới văn nghệ về mục này có bạn thân chỉ ở cách vài dặm đã cười hề hề và nói: “Ông viết như thế thì bố ai dám gửi sách cho ông để ông mang ra diễu hả!”
Ðúng là ngôn ngữ nửa thật nửa chơi. Nhưng trong cuốn Chữ Nghĩa Bề Bề có nhiều bài viết rất đứng đắn. Tác giả đặt vấn đề với sự cẩn trọng nhất là có sự nhận định về những cuốn sách hay đề cập đến những tác giả. Rõ ràng, với sự công tâm và cố gắng bớt đi sự chủ quan thiên kiến. Tác giả cũng là một người đi tìm cái đẹp cho văn chương và cái hay cho ngôn ngữ. Và ông cũng sẽ lắng nghe những phê phán nếu có…
Thời gian mà nhà văn Ðặng Trần Huân mất, thì trước đó nhà văn Long Ân cũng đã qua đời. Chỉ trong vài tháng, tôi mất đi hai người khá gần gũi. Một người là anh Long Ân, thường hay chuyện trò bù khú với nhau, sau một tai nạn, đã ra đi, đột ngột và đau xót.
Ngày cúng thất tuần của anh ở chùa Việt Nam, thì gặp anh Ðỗ Tiến Ðức cho biết là anh Ðặng Trần Huân vừa vào bệnh viện và chắc không qua khỏi được trong vài ngày gần đây. Tự nhiên, tôi thấy có một cái gì mất mát.
Trước đây tôi đã biết anh Ðặng Trần Huân từ lúc còn ở Saigòn. Anh là người hàng xóm của ông anh cả tôi ở trong cư xá ở bên cạnh trại cảnh sát dã chiến mà tụi tôi hay gọi là thành Amac. Lúc đó anh là một ông sĩ quan già lọc cọc chiếc Honda sớm chiều đi về. Mấy người trong cư xá thì gọi ông là ông nhà báo lính hay ông “Chuyện cấm đàn bà”. Sở dĩ ông có biệt hiệu ấy là bởi vì những bài viết mang nhan đề ấy trên báo chí quân đội như Chiến Sĩ Cộng Hòa và sau tuyển chọn lại in thành một cuốn sách bán rất chạy, tái bản vài ba lần và làm ông nổi tiếng.
Có lẽ, tụi trẻ tụi tôi lúc ấy cũng chưa để ý lắm. Chúng tôi còn bận làm dáng với sách triết học Phạm Công Thiện hay lãng mạn với thơ Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, hoặc mơ mộng với văn xuôi Võ Phiến, Mai Thảo… Tuổi trẻ thường nhìn văn chương như những cánh cửa mở vào những khung trời lạ, đôi khi chỉ có trong tưởng tượng. Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, năm Mậu Thân, tôi vào lính. Sau đó, chúng tôi mới có dịp làm quen với những tờ báo như Lý Tưởng, Tiền Phong hoặc Chiến Sĩ Cộng Hòa. Ðặc biệt trên tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, tôi đã đọc những chuyện vui cười, cũng thấy hay hay, và hiểu thêm được cái ngôn ngữ Trạng Quỳnh mà nhà văn Ðặng Trần Huân hiển lộng… Và, hình như tôi cũng rất lạ lùng là một nhà xuất bản rất là đứng đắn là nhà xuất bản “Sáng Tạo” của một nhà văn cũng rất là mô phạm là nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đã in “Chuyện cấm đàn bà” rồi tái bản tới bốn lần. Có lẽ, đó là một chuyện khá độc đáo thời đó. Nhà văn Ðặng Trần Huân thật thà kể lại trong sự hồi nhớ của mình:
“Năm 1969 tôi gom những chuyện đắc ý nhất để in thành sách. Tôi bàn với Duyên Anh, anh rất tán thành nhưng lại không khoái cái tên Chuyện Cấm Ðàn Bà mà tôi chọn. Cả hai trang truyện tiếu lâm mà Duyên Anh yêu cầu tôi viết cho Con Ong số xuân năm đó khi đăng anh cũng không đề tên Chuyện Cấm Ðàn Bà mà đổi nhan đề thành Chuyện Cấm Cười.
Tôi thì rất thích tên mà tôi đã chọn vì cho đó là một cái tên úp mở gợi sự tò mò của nữ độc giả và cũng là một cái mộc che những chuyện dâm. Năm 1962 và 1963 tôi đã xuất bản hai tập truyện nhưng bán chậm nên lần này muốn có tên một nhà xuất bản cho thêm uy tín. Lúc đó, Tô Thùy Yên là trưởng phòng văn nghệ Cục Tâm lý Chiến và chủ trương nhà xuất bản Hồng Lĩnh (do tên thực Nguyễn Thị Băng Lĩnh bút danh Thụy Vũ, đệ nhị phòng của anh) Tôi đề nghị anh xuất bản Chuyện Cấm Ðàn Bà thì anh nói với tôi điều kiện kiểm duyệt không bị bỏ bài nào. Tôi còn phân vân thì anh đổi ý trả lời là Hồng Lĩnh chỉ xuất bản sách văn nghệ không thể in truyện tiếu lâm.
Tôi gặp anh Doãn Quốc Sỹ chủ nhà xuất bản Sáng Tạo, một nhà xuất bản lâu năm nhưng ít vốn. Sau khi chuyện trò. Biết anh không có đủ khả năng in một số lượng lớn tôi đề nghị mượn tên nhà xuất bản của anh. Doãn Quốc Sỹ cười:
– Nếu anh có tiền in thì đâu có hề gì, anh cứ việc để tên Sáng Tạo miễn là phải in ấn cho đẹp như sách của Sáng Tạo.
Rồi anh cười ha hả:
– Tiếu lâm cũng là văn hóa chứ sao!”
Tháng tư đen, rồi cả nước vào tù, không ở trong hộp lớn thì cũng hộp nhỏ. Như tất cả các sĩ quan VNCH, anh Ðặng Trần Huân cũng rời cư xá ở đường Trần Quốc Toản để đi cải tạo tới hơn chục năm. Tôi thì cũng vậy, dù đi tù ít năm hơn và vượt biên tới Mỹ trước hơn. Mười mấy năm sau, những đợt HO đã mang anh tôi cũng như anh Ðặng Trần Huân định cư xứ người. Và chúng ta có thêm “Hành Trình một Hát Ô”, một bút ký ghi lại trung thực những mảnh đời sống của những người chậm bước đến sau. Ðọc những trang sách, như một chứng tích ghi lại một thời thế mà ở đó, chúng ta đã có những chọn lựa bất ngờ cho cuộc đời. Làm lại cuộc đời giữa tuổi về chiều, dĩ nhiên, ai mà chẳng xao động. Con đường nhân sinh chắc chắn không phải trải toàn gấm hoa. Áo cơm sinh kế đã mệt nhoài huống chi còn nghiệp văn chương đeo đuổi. Một thời những tâm tư được giãi bày, không mặc cảm và chân thành. Người sau đọc lại những trang sách này sẽ hiểu thêm được những khó khăn của những người đi tìm đất sống.
Sau bữa cúng thất tuần anh Long Ân, tôi và anh Hoàng Khởi Phong cũng là một người cũng có lúc ở cư xá Trần Quốc Toản lên thăm anh Ðặng Trần Huân ở nhà thương. Anh Ðỗ Tiến Ðức đã dặn là nếu chậm thì không kịp nữa. Anh Huân vẫn còn tỉnh táo và vẫn hứng khởi khi nói chuyện sách vở văn chương. Anh nhắc đến cuốn sách của nhà văn Hoàng Hải Thủy vừa xuất bản và dù anh bệnh hoạn vẫn viết một bài đọc sách nhiều chia sẻ. Anh cũng nhắc đến bài viết “Cắt chỉ văn chương” mà anh có đụng chạm đến nhiều người . Anh nhấn mạnh rằng chính vì quý mến và trân trọng nên anh mới có những góp ý chân tình như thế. Hình như trong bài phỏng vấn của tôi về cuốn sách “Chữ nghĩa bề bề” anh cũng tỏ bày tương tự.
Trong khi nói chuyện, tuyệt nhiên tôi không tìm được một nét nào của một người sắp xuôi tay đi về cõi khác. Anh vẫn hăng say nói về những suy nghĩ của mình cả tiếng đồng hồ. Chúng tôi nhận được sự nâng niu văn chương của anh qua những diễn tả. Cũng như khi đề cập đến hiện trạng trong nước, anh đã mang kinh nghiệm sống của mình để thấy tiếc nuối cho một đất nước bị quá nhiều nghịch cảnh.
Tôi biết anh nặng lòng với bút mực hơn ai hết. Anh đã in được 3 cuốn sách khi sống ở hải ngoại: Hành Trình Một Hát Ô, Những Người Thích Dấu Huyền, Chữ Nghĩa Bề Bề. Không biết với những tác giả khác ra sao chứ tôi biết rõ mỗi cuốn sách của anh là cả những công trình. Như chuyện anh cư ngụ ở xa khu vực Tiểu Saigòn, không có xe phải đón bus mỗi lần đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Rồi không kể sự chật vật tiền bạc, những tác phẩm ra đời với anh là một sự hy sinh ghê gớm. Tôi nghĩ văn học Việt Nam ở hải ngoại mà còn tồn tại được đến bây giờ là do những đóng góp và hy sinh của những người cầm bút mà anh Ðặng Trần Huân là một người trong đó. Ở đời sống này, ngồi vào bàn viết, trước những tờ giấy trắng, sao cô đơn quá đỗi. Có lúc, trong suy tư là một bãi sa mạc cô liêu không người hưởng ứng. Có phải chúng ta đang ở trong chợ chiều của chữ nghĩa? Có một nền văn học lưu vong hay không và chúng ta còn tồn tại được bao nhiêu thập niên? Những câu hỏi làm buồn lòng những người có tâm huyết. Nhưng mỗi ngày vẫn có những cuốn sách ra đời và những bàn viết vẫn sáng đèn đến tận buổi khuya. Dù rằng có tình trạng vàng thau lẫn lộn nhưng nhìn thêm một cuốn sách mới ra đời là chúng ta lại có cảm tưởng gốc rễ của cây văn chương hải ngoại có thêm nhựa sống.
Anh Ðặng Trần Huân, bài viết này có hơi muộn màng. Những cuốn sách vẫn nằm im trên kệ Có một lớp bụi mỏng. Ðã hơn chuc năm anh đi vào cõi miên viễn. Bây giờ, cảm xúc đã lắng đọng sau một thời gian, em viết những dòng chữ này không ngoài một mục đích nêu lên một trường hợp của một người cầm bút yêu văn chương và bất chấp những khó khăn để theo đuổi cái nghiệp của mình.
Hình như, ngày anh khởi hành đi vào một thế giới khác có tiếng hát “opera” đưa tiễn anh. Tiếng hát đã vút cao trong ngày tiễn đưa hôm đó. Trời đang xanh nắng và ở mút tầng trời có những cụm mây. Em chắc anh đang lãng đãng ở trên ấy. Những cuốn sách ngàn trang đang giở ra. Và ở trong đó, có phần nào ghi chép từ “Chuyện Cấm Ðàn Bà”, “Hành Trình Một Hát Ô”, “Những Người Thích Dấu Huyền”, hay “Chữ Nghĩa Bề Bề”… Chắc là phải có? bởi, những dòng chữ như vậy phát xuất từ một trái tim rất Việt Nam và yêu đất nước dân tộc như yêu chính bản thân mình…
Nguyễn Mạnh Trinh