có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 12 02, 2018

Cái bóng đen



Nói tới bóng đen, không thể không nhớ lại một câu chuyện cổ. Truyền thuyết chất đủ sự nông nổi, vụng dại, đầy kịch tính:

Hai vợ chồng có con mọn. Chồng mang họ Trương, vì lính thú phải đi trấn nhậm đồn xa. Vợ ở nhà đơn thân nuôi con dại, để dỗ dành con và làm nguôi nỗi nhớ chồng, mỗi tối thắp đèn lên, chỉ tay vào bóng chiếu trên vách: “Cha con kìa”. Lâu ngày, Trương được phép về thăm nhà, mừng vui gọi con lại nhưng đứa bé lắc đầu: “Không, phải đợi trời tối kia, khi ấy thì cha mới về”. Trương đau lòng nghĩ là vợ đã ngoại tình. Vợ chẳng tìm ra cách minh oan, lẳng lặng gạt lệ ra tới bên sông, trầm mình tự tử. Chiều xuống, đêm về, Trương thắp đèn lên. Nhìn bóng đen hắt vào vách nghe tiếng con reo vui: “Cha về rồi, đó mới đúng là cha”. Trương chợt hiểu, giật mình, nhưng đã muộn. Hối lỗi tìm ra bờ sông lập đàn chay mong giải oan cho vợ… Về sau vua Lê Thánh Tông hay chuyện đã hạ bút làm nên bài thơ trách cứ, cho khắc vào bia đá trước miếu vợ chàng Trương. Hai câu cuối là:

“Qua đây mới rõ nguồn cơn ấy
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng”.

Lính thú đóng đồn phương xa, ngẫm lại, chàng Trương kia tốt phước hơn lính tráng thời Việt Nam Cộng Hoà mang thân tù tội bị bắt vào rừng sâu “cải tạo”. Khắp 4 vùng chiến thuật, trên từng cây số từ Bến Hải vào tới Cà Mau có mấy chục ngàn chàng Trương? Thời cuộc phũ phàng nhưng chàng Trương buổi ấy “ngon lành” hơn chàng Trương cổ tích. Trương nói cùng vợ: Xin em hãy cố quên anh đi. Em xuống sắc quá trong khi em còn cả đoạn đường thanh xuân trước mặt. Hãy tha lỗi cho anh, gắng nuôi đứa con mình thành người… Cực thân em quá, xin đừng oán trách anh, có tàn hơi anh cũng gắng nguyện cầu cho em được an vui bên ngoài cảnh giới này… Giới hạn cuối giờ thăm nuôi đã điểm, sương xuống lạnh, gió hiểm ác từ Trường Sơn len lỏi về cứa rách da thịt. Trong lán, ngọn đèn dầu vừa thắp lên: Miếu ai như miếu ngàn chàng Trương, ngọn đèn dầu tắt đừng nghe chúng, để tôi thì thầm với bóng đen, sót lại chỉ mảnh tình riêng ta với ta.

Ngày xưa (hoà bình an vui?) sao bá tánh có được một ông vua nhân hậu và rỗi việc đến thế nhỉ? Nhân hậu khi phê hai chữ phũ phàng, trong khi lỗi lầm chàng Trương mắc phải cần phải roi vọt cần phải đánh đòn răn đe: Chính mi đã làm nước nhà mất đi một người phụ nữ đức hạnh, thật thà. Rỗi việc là bề trên ham đi ngoạn cảnh, nghe chuyện trái ngang liền lấy đó làm điều, tức cảnh sinh tình, đề thơ vào bia đá rành rành, cho dù hậu sinh không ghé qua Thăng Long thành (để hoài cổ), chẳng bước chân tới đèo Ngang bóng xế tà cũng nhìn nhận là thơ mọc cùng khắp, thơ chen lá, lá chen hoa trăm loài đua nở. Hình như buổi ấy, oan ức kiện tụng muốn trình lên bề trên, đơn trương thảo ra đủ đầy niêm luật tựa như một bài thi phú? Ngày xưa lính thú Trương mù quáng trách vợ bạc tình phản bội. Ngày nay (sau 75) lính tráng miền Nam lại tự đấm ngực mình: Lỗi tại ta mọi đàng, vì ta mà em khổ tâm khổ trí tự hành xác trèo đèo vượt suối nhịn ăn để bới xách cho ta nắm xôi, cục đường. Nếu không thể “tô son điểm phấn ngạo với nhân gian một nụ cười” thì xin em hãy ôm con thơ dại mà tìm đường vượt biên. Con cháu, hậu bối của Lê Thánh Tông có làm ra thơ trách cuộc bể dâu cũng chỉ lén lút, hoặc nhẫm học thuộc lòng. Một trang kinh thấm đẫm mồ hôi nước mắt, có thể là huyết lệ sống để bụng chết mang theo. Họ sinh hoạt dưới ba tầng địa ngục, và họ, thực sự chỉ còn là cái bóng đen. Nói dông nói dài cũng chỉ cô lại: Chàng Trương cổ lỗ sĩ thật đáng bị nhận đòn roi, gián tiếp giết vợ mình và trực tiếp mang hạnh phúc mình có ra trấn nước. Suy ra, lên án chàng Trương xưa cũ chừng nào thì càng trân trọng tán dương những chàng Trương hiện đại chừng đó. Trang sử họ thầm lặng viết nên, hậu thế đáng khắc ghi, tưởng niệm, vì đâu nên nổi? Nhớ về một thời kỳ ngùn ngụt cả khói nhang, mờ quyện trên cuộc đất hung hiểm, vô thần, chẳng am miếu.

Không riêng ngọn đèn hiu hắt mà vợ chàng Trương thắp lên mỗi tối dùng để dỗ dành, vỗ về niềm đơn lẻ, ở trong văn học vẫn thường sử dụng tới hình ảnh bóng chiếu vào vách, bóng đọng dưới đường, bóng đi theo, lập lại trùng khít những động tác của chủ thể. Bóng và người là một, lại tách hai, song hành. Buồn miệng với cô quạnh, người mang tâm sự ra tỉ tê cùng bóng, nghĩ là bóng hiểu thấu, nguôi ngoai (?). Ở đâu có ánh sáng, ở đó có sự phản quang, soi chiếu. Ánh sáng làm xoá đi chút mông muội thường ẩn trốn vào bóng tối. Văn chương Trung Hoa ví ánh sáng là người quân tử, quang minh chính đại, phơi mặt ra khi xử sự, không hoá trang, đường đường chính chính. Ngược lại kẻ tiểu nhân vẫn thích hành động trong bóng tối, bóng tối đồng loã với tội ác. Những sách lược hiểm độc thường được bàn thảo, lên kế hoạch trong bóng đêm, tối như hủ nút. Và đối phương khi tìm cách đối kháng chống trả, người ta họp bàn dưới ánh mặt trời. Quan Công dẫn lính đi chinh phạt quân Tào Tháo vẫn luôn nhắm tới đại lộ, ngôn rằng chỉ hạng tiểu nhân mới quen đi tiểu lộ. Lỡ không bắt được đứa gian ác, liền ngửa mặt lên cao xanh mà quyết đoán: Lưới trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó thoát. Câu ấy chả có ai phán dưới bầu trời đen kịt cả. Thắp đuốc cũng khó mà lần ra “nó” đã lẩn trốn phương nao. Thế mới đẻ thêm một phụ chú: Chạy trời sao khỏi nắng hở thằng kia, con nọ!

Nhưng ở phương Tây, người ta nói khác đi: “Nếu không có bóng tối, bạn chẳng tài nào trông rõ những vì sao”. Họ chẳng bận tâm phân loại môi trường, điều kiện nào sản sinh ra hai hạng quân tử, tiểu nhân. Họ thích màn đêm, họ chuộng bóng mờ, họ lập luận: Những suy nghĩ thấu đáo nhất là khi bạn ngồi thu lu trong bóng đêm, ban ngày bạn thường biểu lộ sự bẳn gắt, nông nổi, bộp chộp. Những đứa ngủ giấc trưa, cho dù có vắt tay lên trán cũng không thể đơm đặt những ước mơ kỳ vỹ bằng đứa trằn trọc canh khuya. Bóng tối, với họ là căn nguyên của thơ mộng, của lãng mạn đằm thắm. Hitler từng để cho đời câu bất hủ: Khi anh ở trong hào quang, mọi thứ đều chạy theo anh; nhưng khi anh chìm vào bóng tối, đến ngay cả cái bóng của anh cũng chẳng hề bám theo.

Ngày đó, nhà văn nữ Nguyễn Thị Thuỵ Vũ viết nên cuốn “Nhang Tàn Thắp Khuya” (bốn chữ này vay mượn từ ca dao: Anh buồn còn chỗ thở than, em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya), sang nhà văn nữ khác, Tuý Hồng có truyện dài mang tựa “Tôi Nhìn Tôi Trên Vách”. Nhang tàn thắp khuya thế cho điều gì rất mực đơn côi, héo hắt, câm lặng. Mà Tôi nhìn tôi trên vách cũng làm rõ nỗi cô đơn tuyệt cùng, xao xác hơn cả Bà Huyện Thanh Quan khi viết “Một mảnh tình riêng ta với ta”. Ba nữ nhân kia tuyệt không đụng tới chữ bóng, nhưng tựu trung có thể bảo đó là thứ “ý tại ngôn ngoại”. Một thủ thuật của phép phân thân. Nhìn ngắm, tự khắc thấy chữ dùng nọ hàm chứa ý tuy một mà hai, tôi nhìn lấy bóng của tôi hoặc nhang đang cháy cụt kia là nỗi lòng của chính tôi vậy.

Nhà văn Mai Thảo cũng mang lời cảm thán vào câu thơ ông viết: “Nơi góc tường in cái bóng gầy”. Và dằn vặt hơn cả là Tô Thuỳ Yên, thơ ông nhốt chật những chiếc bóng tang thương: “Ta về một bóng trên đường lớn…” Khởi thuỷ đã dựng nên thứ cảnh quang mông quạnh, cô độc đến thắt lòng.

Ở phương này, cuối năm trời chóng tối, mở đèn lên ngó ra tuyết đổ lạnh, cơ hàn ngay cả chiếc bóng mỏng dính vừa in vào vách tường ở căn hộ cũ kỹ. Hắn vẫn ngồi co ro một mình viết vẩn vơ và chiếc bóng thầm lặng kia đôi lần như biết thì thầm sinh nhiễu sự: Viết cái gì đó? Viết để làm gì? Ừ nhỉ. Để làm gì? Làm gì? Không là gì cả. Nếu trời Hè hẳn đã bước chân xuống đường “ôi ta buồn ta đi loanh quanh chẳng vì đâu?”. Nhưng đang Đông, lịch hao mòn đi gần tới Giáng Sinh se sắt âm độ, đành trói chân ngồi đối bóng và trả lời bóng: Viết để chống đối với bó tay (chấm com). Viết để bắt đầu óc tập thể dục, ngầm biện hộ: Không phải về già ai cũng đều bị lú lấp. Chỉ ngần ấy, kỳ dư chẳng đèo bồng thêm một tham vọng nào khác. Bạn hiểu rồi mà, trong lúc này in ra được tập truyện, điều nọ chẳng phải là thứ đơn giản. Nhiêu khê không bút mực nào tả xiết. Và vướng mắc vào sự phi lý, tốn công hao sức rồi vô cớ tốn tiền hao bạc. Một đứa viết văn phải nên thủ thân chút tự ái làm vốn liếng. Văn chương chứ không phải là một món đồ để mang ra mặc cả, nói thách, xuống nước, van nài, bớt một thêm hai, quỵ luỵ. Hắn vốn rất dở dang ở mặt “ngoại giao” kiểu đó. Hắn ghét thương lượng, kì kèo chì chiết mặt chai mày sạn, hắn yêu hình ảnh một con bồ câu “vui thì đậu mà buồn thì bay”. Thong dong là thứ đáng ngợi ca, vô ngại. Nhớ Trịnh Công Sơn: Tôi như ngọn đèn từng đêm vơi cạn, lửa lên thắp một niềm riêng.

Hắn dự tính sẽ có một món quà mọn gửi tới các bạn văn đó đây nhân dịp năm cùng tháng tận, nhưng phút cuối đành cực lòng để trấn nước mộng tưởng. Bất thành, ướt nghe ngói, thấm lạnh lòng. Đành khôi hài: Bó tay chấm, hết. Hắn chẳng thông hiểu rộng Hán nôm. Hữu xạ tự nhiên hương là gì? Bù trất. Khi bạn cao tay nghề, thủ pháp thần sầu quỉ khóc, e rằng khi ấy sẽ có một nhà xuất bản đứng ra kêu đích danh tên bạn: “Thít hông? Chơi tới bến lun. Đừng bùn nữa mờ. Dị đi nhen”. Cái bóng đen nói: Nếu đó là sự thật thì há lẽ những đầu sách đang lần lượt xuất hiện đều do những kẻ có võ công thâm hậu bày ra thứ kung-fu huê dạng vung cước múa quyền? Đừng nói thế, chớ đơm đặt sự so sánh, sẽ vấp sai lạc quàng xiên bởi bá nhân bá bao tử, trăm họ bất đồng không thể ngồi chung êm thắm một nhà.

Không dưng nhớ sực tới câu thơ của Vũ Hoàng Chương :

“Riêng có mình ta phai áo lục
Còn em sau trước vẫn hồng nhan”.

Hắn đã từng phơi áo, phơi luôn mộng mị trên dây chùng, thảy bạc màu. Bạc như sắc tuyết đang vây bủa, xuống đầy ngoài kia. Viết để làm gì thì đã dóng hỏi, giờ cắc cớ để thắc mắc thêm: Vậy chớ in sách ra để làm gì? Ngồi không vọng động, bóng đen cũng im sững. Ừ, cũng chẳng biết để mần chi! Mấy trăm trang giấy in đầy mực đen ấy ví như hồng nhan. Mà hồng nhan thì đa truân, hồng nhan bạc mệnh, hồng nhan thật vắn số. Phai áo lục mà thấm béo gì hòng mang nó ra đối chiếu với sắc khuynh thành?

Những ngày cuối năm nói toàn những điều “không phải”. Hắn để ý: Có ai dầm thân đi trong băng giá mà chu miệng để huýt gió? Hề, không một ai. Cắn răng mà quờ quạng lê thân, rùn vai mà cắm cúi bước kẻo trợt ngã. Nhiệt độ mỗi khi một xuống thấp, nhiệt đổi qua hàn. Lạnh ơi, ta xin chào mi. Tắt ngọn đèn, bóng đen chẳng còn đậu ở đó nữa, biến mất. Đi thắp một cây nhang, cọng khói xám vụt lẩn trốn nhanh, hơn một chớp mắt. Trống không.

Thấm thía lời Mai Thảo:

Sách một dẫy nằm trơ trên giá
Cạnh người thân thế cũng trơ trơ
Sách, người hai cõi cùng hư hoại
Nơi một ngàn chương thiếu một tờ.


Hồ Đình Nghiêm
2/12/2018