có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 11 01, 2017

Kiếp sau



Stephen King là nhà văn chuyên viết truyện kinh dị người Mỹ. Truyện ngắn “Afterlife” được xuất bản lần đầu trên tạp chí Tin House số Summer Reading (#56) tháng 6 năm 2013, và được sửa và in trong tập The Bazaar of Bad Dreams (New York: Scribner, 2015) 193–206.


William Andrews, một nhân viên ngân hàng đầu tư ở Goldman Sachs, qua đời chiều ngày 23 tháng 9 năm 2012. Đó là cái chết đã được dự tính; vợ và các con đã trưởng thành của ông ở bên giường. Tối hôm đó, khi cuối cùng bà cũng cho mình một khoảng thời gian được ở một mình, tránh dòng họ hàng và khách viếng không ngớt, Lynn Andrews gọi cho người bạn lâu năm nhất, vẫn sống ở Milwaukee, của bà. Sally Freeman là người đã giới thiệu bà với Bill, và nếu có ai xứng đáng được biết sáu mươi giây cuối cùng của cuộc hôn nhân ba mươi năm của bà, thì đó là Sally.

“Anh hôn mê gần như cả tuần rồi – do thuốc – nhưng sau cùng thì tỉnh. Mắt anh mở, và anh nhìn mình. Anh cười. Mình cầm tay anh và anh hơi nắm chặt lại. Mình cúi xuống hôn má anh. Khi mình đứng lên, anh đã đi rồi.” Bà đã đợi hàng giờ để nói ra điều này, và nói được nó ra, bà bật khóc.

***

Bà cho rằng nụ cười của ông là dành cho bà cũng là điều tự nhiên, nhưng sai lầm. Trong lúc ông nhìn lên vợ và ba đứa con đã lớn của mình – trông họ cao không tưởng, những sinh linh khỏe mạnh sống trong một thế giới mà ông đang rời bỏ – Bill cảm thấy cơn đau ông chung sống trong mười tám tháng qua rời cơ thể ông. Nó đổ ra như nước tràn khỏi xô. Vậy nên ông mỉm cười.

Với cơn đau đã đi, không còn nhiều ở lại. Cơ thể ông có cảm giác nhẹ như một sợi bông. Vợ ông cầm tay ông, vươn xuống từ thế giới cao và khỏe mạnh của bà. Ông còn dành lại một chút sức lực, và giờ thì ông sẽ dùng hết nó bằng cách siết chặt những ngón tay bà. Bà cúi xuống. Bà sắp hôn ông.

Trước khi đôi môi bà có thể chạm vào làn da ông, một cái lỗ xuất hiện ở chính giữa tầm mắt ông. Nó không phải lỗ đen mà là lỗ trắng. Nó lan ra, xóa nhòa thế giới duy nhất mà ông biết kể từ năm 1956, khi ông ra đời tại bệnh viện nhỏ của quận ở Hemingford ở Nebraska. Trong năm ngoái, Bill đã đọc rất nhiều về hành trình từ sự sống đến cái chết (trên máy tính của ông, luôn cẩn thận xóa lịch sử để không làm Lynn khó chịu, bà vốn liên tục lạc quan đến phi thực tế), và trong khi với ông nó đa phần là nhảm nhí, cái gọi là hiện tượng “ánh sáng trắng” lại có vẻ khá hợp lý. Thứ nhất, nó được ghi nhận trong mọi nền văn hóa. Thứ hai, nó có một chút uy tín khoa học. Một lý thuyết ông từng đọc cho rằng ánh sáng trắng là kết quả của việc máu đột ngột dừng lưu thông đến não. Một lý thuyết khác, thú vị hơn, thừa nhận bộ não đang tiến hành một hoạt động rà quét toàn bộ cuối cùng trong nỗ lực tìm ra một trải nghiệm có thể so sánh được với cái chết.

Cũng có thể nó chỉ là phản ứng cuối cùng.

Dù nguyên nhân là gì thì Bill Andrews cũng đang trải qua nó. Ánh sáng trắng xóa nhòa gia đình ông và căn phòng thoáng khí mà từ đó nhân viên nhà xác sẽ sớm đem thi thể bất động được trùm kín của ông đi. Trong những nghiên cứu của mình, ông đã trở nên quen thuộc với cụm từ viết tắt TNCT, nghĩa là trải nghiệm cận tử. Trong nhiều trải nghiệm như vậy, ánh sáng trắng trở thành một đường hầm, đứng ở cuối là những thành viên đã mất trong gia đình, hay bạn bè, hay thiên thần, hay Jesus, hay một vị thần nhân từ nào khác.

Bill không mong đợi một ủy ban chào đón. Điều ông mong đợi là phản ứng cuối cùng sẽ mờ dần vào bóng tối của sự quên lãng, nhưng điều đó không xảy ra. Khi ánh sáng mờ đi, ông không ở thiên đường hay địa ngục. Ông ở trong một hành lang. Ông nghĩ có thể nó là luyện ngục, một hành lang được sơn xanh công nghiệp và gạch sàn vừa xước vừa bẩn cũng có thể là luyện ngục, nhưng chỉ khi nó kéo dài mãi mãi. Hành lang này dài sáu mét dẫn tới một cánh cửa có tấm biển đề GIÁM ĐỐC ISAAC HARRIS.

Bill đứng ở nơi ông vẫn đứng một lúc, kiểm kê lại mình. Ông đang mặc bộ đồ ngủ ông mặc khi chết (ít ra ông cũng cho rằng mình đã chết), và đi chân trần, nhưng không có dấu hiệu gì của căn bệnh ung thư, thứ ban đầu chỉ nếm cơ thể ông, rồi ngấu nghiến đến mức không còn gì ngoài da bọc xương. Trông ông như trở lại hồi gần chín mươi ký, hạng cân của ông (phải công nhận là hơi mềm) trước khi ung thư tấn công. Ông cảm nhận được mông và lưng dưới của mình. Các vết loét giường đã biến mất. Tốt. Ông hít một hơi thật sâu và thở ra mà không ho. Quá tốt.

Ông bước một đoạn xuống hành lang. Bên trái ông là một bình chữa cháy với một dòng graffito kỳ lạ ở phía trên: Muộn còn hơn không! Bên phải ông là một bảng tin. Trên đó ghim một số bức ảnh kiểu cũ có mép răng cưa. Phía trên chúng là biểu ngữ viết tay đề DÃ NGOẠI CÔNG TY 1956! ĐÃ THẬT LÀ ĐÃ!

Bill xem xét các bức ảnh, có hình các giám đốc điều hành, các thư ký, nhân viên văn phòng, và một bầy trẻ con dính đầy kem đang nô đùa. Có một nhóm đàn ông đang chăm sóc món thịt nướng (một người phải đội mũ hề đầu bếp bắt buộc), đàn ông và phụ nữ chơi quăng móng ngựa, đàn ông và phụ nữ chơi bóng chuyền, đàn ông và phụ nữ bơi trong hồ. Đám đàn ông mặc quần bơi nhìn ngắn và bó gần như khêu gợi với con mắt thế kỷ hai mươi mốt của ông, nhưng rất ít người có bụng bia. Họ có vóc dáng của những năm năm mươi, Bill nghĩ. Đám phụ nữ mặc áo tắm một mảnh Esther Williams kiểu cũ, loại áo khiến họ trông như thể không có mông mà chỉ có một đường cong mịn phình ra phía trên đùi sau. Bánh mỳ xúc xích đang được tiêu thụ. Bia đang được uống. Mọi người có vẻ đều có một khoảng thời gian hết sức vui vẻ.

Trong một bức ảnh ông thấy cha của Richie Blankmore đang đưa cho Annmarie Winkler một viên marshmallow nướng. Điều này là vô lý, bởi vì cha của Richie là tài xế xe tải và ông chưa từng đến một buổi dã ngoại của công ty trong cuộc đời mình. Annmarie là cô gái ông hẹn hò ở trường đại học. Trong một bức ảnh khác ông thấy Bobby Tisdale, một người bạn cùng lớp đại học hồi đầu những năm bảy mươi. Bobby, tự gọi mình là Tiz the Whiz, qua đời vì đau tim khi vẫn đang ở tuổi ngoài ba mươi. Có lẽ năm 1956 cậu đã ở trên trái đất, nhưng nhẽ ra mới mẫu giáo hay lớp một, thay vì uống bia bên bờ hồ Gì-cũng-được. Trong bức ảnh này trông Whiz tầm hai mươi, bằng tuổi cậu khi Bill quen cậu. Trong bức ảnh thứ ba, mẹ Eddie Scarponi đang đập một quả bóng chuyền. Eddie là bạn thân nhất của Bill khi gia đình ông chuyển từ Nebraska đến Paramus, New Jersey, và Gina Scarponi – một lần bị thoáng thấy đang tắm nắng ở sân trước trong chiếc quần nhỏ trắng mỏng tang và chỉ mặc mỗi vậy – là một trong những tưởng tượng yêu thích của Bill khi ông còn tập lấy bằng thủ dâm.

Người đội mũ hề đầu bếp là Ronald Reagan.

Bill nhìn gần hơn, mũi ông gần như dí lên bức ảnh đen trắng, và không thể nghi ngờ gì. Tổng thống thứ bốn mươi của Hoa Kỳ đang lật burger trong một buổi dã ngoại của công ty.

Nhưng công ty nào?

Và chính xác thì Bill đang ở đâu?

Cơn khoái cảm của ông vì được trở lại lành lặn và không còn đau đớn đang dần biến mất. Thay vào đó là một cảm giác xáo trộn và bất an ngày càng hiện rõ. Nhìn thấy người quen trong những bức ảnh này thật là khó hiểu, và việc ông không biết phần lớn trong số họ cùng lắm chỉ đem lại chút an ủi nhỏ nhoi. Ông nhìn đằng sau mình, và thấy cầu thang dẫn lên một cánh cửa khác. In trên cánh cửa này bằng chữ cỡ lớn màu đỏ là ĐÃ KHÓA. Vậy là chỉ còn văn phòng của ông Isaac Harris. Bill bước xuống đó, ngần ngại, rồi gõ cửa.

“Cửa mở.”

Bill bước vào. Đứng cạnh chiếc bàn bừa bộn là một người mặc quần cạp cao rộng thùng thình níu bằng dây đeo quần. Mái tóc nâu của ông bết vào hộp sọ và rẽ ngôi giữa. Ông đeo kính không vành. Bốn bức tường được phủ bằng hóa đơn và ảnh gợi cảm khoe chân lỗi mốt khiến Bill nghĩ về công ty vận tải mà cha của Richie Blankmore làm việc. Ông từng đến đó mấy lần với Riche, và phòng văn thư trông giống như thế này.

Theo tấm lịch trên tường, hôm nay là tháng 3 năm 1911, chẳng hợp lý gì hơn năm 1956. Bên phải Bill khi ông bước vào có một cánh cửa. Bên trái là một cánh cửa khác. Không có cửa sổ, mà chỉ có một đường ống bằng kính đi xuống từ trần nhà và đung đưa trên một giỏ giặt là Dandux. Chiếc giỏ chất đầy một đống giấy tờ màu vàng trông giống hóa đơn. Cũng có thể chúng là giấy nhớ. Tài liệu xếp cao hơn nửa mét trên chiếc ghế đặt trước bàn.

“Bill Anderson, đúng không?” Người đàn ông đi ra sau bàn và ngồi xuống. Không có đề nghị bắt tay.

“Andrews.”

“Phải. Tôi là Harris. Vậy là một lần nữa anh ở đây, Andrews.”

Với mọi nghiên cứu của Bill về cái chết, nhận xét này thật ra có ý nghĩa. Và nó khiến ông nhẹ nhõm. Miễn là ông không phải quay lại như một con bọ hung hay gì đó. “Vậy đây là luân hồi? Chuyện là thế à?”

Isaac Harris thở dài. “Anh luôn hỏi cùng một điều, và tôi luôn trả lời cùng một câu: không hẳn.”

“Tôi chết rồi, đúng không?”

“Anh thấy mình đã chết?”

“Không, nhưng tôi thấy ánh sáng trắng.”

“Ồ phải rồi, ánh sáng trắng nổi tiếng. Anh ở đó và giờ anh ở đây. Đợi một phút, chút thôi.”

Harris sục sạo giấy tờ trên bàn, không tìm thấy thứ ông muốn, và bắt đầu mở ngăn kéo. Từ một ngăn ông lấy ra thêm vài tập hồ sơ và chọn một. Ông mở nó, lật một hai trang, và gật đầu. “Tự nhắc mình chút thôi. Nhân viên ngân hàng đầu tư, phải không?”

“Phải.”

“Vợ và ba con. Hai trai, một gái?”

“Chính xác.”

“Xin thứ lỗi. Tôi có vài trăm khách hành hương, khó mà nhớ ai với ai được. Tôi vẫn định xếp mấy tập hồ sơ này theo thứ tự gì đó, nhưng đấy quả thật là công việc cần thư ký, mà vì họ chưa bao giờ cho tôi một…”

“Họ là ai?”

“Không biết. Mọi liên lạc đến qua cái ống.” Ông gõ nó. Cái ống lắc lư, rồi dừng lại. “Chạy bằng khí nén. Đồ hiện đại.”

Bill nhấc đống hồ sơ trên ghế dành cho khách lên và nhìn người đàn ông đằng sau chiếc bàn, nhướng mày.

“Cứ để xuống sàn,” Harris nói. “Giờ thì thế là được rồi. Thật ra mấy ngày tới tôi sẽ sắp xếp. Nếu đây là ngày. Cũng có thể là đêm – nhưng ai dám chắc? Ở đây đâu có cửa sổ, anh cũng thấy đấy. Còn không có cả đồng hồ.”

Bill ngồi xuống. “Sao lại gọi tôi là khách hành hương, nếu đây không phải luân hồi?”

Harris nghiêng người ra sau và chắp tay sau gáy. Ông nhìn lên chiếc ống khí nén, thứ có thể từng là món đồ hiện đại ở một thời điểm nào đó. Khoảng năm 1911 chẳng hạn, dù Bill nghĩ đến năm 1956 những thứ như vậy có thể vẫn còn tồn tại.

Harris lắc đầu và cười khúc khích, dẫu không phải một cách thích thú. “Giá mà anh biết các anh đã trở nên tẻ nhạt đến thế nào. Theo hồ sơ, đây là cuộc gặp thứ mười lăm của chúng ta.”

“Tôi chưa bao giờ đến đây trong đời,” Bill nói. Ông ngẫm nghĩ. “Trừ khi đây không phải cuộc đời tôi. Đúng không? Đây là kiếp sau của tôi.”

“Thật ra, nó là của tôi. Anh là khách hành hương, còn tôi thì không. Anh và những gã khác diễu đến và diễu đi khỏi đây. Anh sẽ dùng một trong những cánh cửa kia và đi. Tôi ở lại. Ở đây không có phòng tắm, bởi vì tôi không còn phải thực hiện các chức năng vệ sinh. Không có phòng ngủ, bởi vì tôi không còn phải ngủ. Tất cả những gì tôi làm là ngồi đây và gặp khách du lịch các anh. Các anh đến, các anh hỏi cùng những câu hỏi này, và tôi đáp cùng những câu trả lời này. Đấy là kiếp sau của tôi. Nghe thú vị không?”

Bill, đã gặp mọi chi tiết thần học trong dự án nghiên cứu cuối cùng của ông, quyết định rằng ông đã nghĩ đúng trong lúc còn ở hành lang. “Anh đang nói về luyện ngục?”

“Ồ, chẳng ngờ gì. Câu hỏi duy nhất mà tôi có là tôi sẽ ở đây trong bao lâu. Tôi muốn nói với anh là cuối cùng tôi sẽ phát điên nếu tôi không thể đi tiếp, nhưng tôi không nghĩ mình có thể làm vậy, chẳng hơn gì chuyện tôi không thể đi ngoài hay chợp mắt. Tôi biết tên tôi chẳng có ý nghĩa gì với anh, nhưng trước đây ta đã thảo luận vấn đề này – không phải mọi lần anh xuất hiện, nhưng nhiều lần.” Ông phẩy tay với đủ lực làm mấy tờ hóa đơn dính trên tường xao động. “Đây là – hoặc từng là, tôi không chắc thật ra thì thế nào mới đúng – văn phòng trên trần thế của tôi.”

“Năm 1911?”

“Đúng thế. Tôi vẫn hỏi anh có biết sơ mi thắt eo là gì không, Bill, nhưng vì biết anh không biết, tôi sẽ nói anh nghe: áo blouse nữ.” Hồi đầu thế kỷ, tôi với cộng sự, Max Blanck, sở hữu một doanh nghiệp gọi là Triangle Shirtwaist Factory. Kinh doanh có lãi, nhưng đám nữ công nhân lại là cái gai nhọn trong mắt. Lúc nào cũng lẻn ra ngoài hút thuốc, và – cái này tệ hơn – ăn cắp, rồi chúng nó sẽ giấu trong ví hoặc gài dưới váy. Thế nên chúng tôi khóa cửa để giữ chúng nó trong ca làm việc, và khám xét lúc ra về. Chuyện dài nói ngắn là một hôm cái nơi chết tiệt đấy bốc cháy. Tôi với Max thoát ra bằng cách trèo lên mái và xuống cầu thang thoát hiểm. Nhiều đứa không may mắn đến thế. Nhưng hãy thành thực mà thừa nhận rằng lỗi là ở chúng nó. Việc hút thuốc trong nhà máy đã bị cấm nghiêm ngặt, nhưng nhiều đứa vẫn cứ hút, và chính một điếu thuốc đã làm ngọn lửa bùng lên. Sở cứu hỏa nói vậy. Tôi với Max phải ra tòa vì tội ngộ sát và được tha bổng.”

Bill nhớ lại chiếc bình chữa cháy trong hành lang, với dòng chữ Muộn còn hơn không in phía trên nó. Ông nghĩ: Ông bị tuyên có tội trong tòa phúc thẩm, ông Harris, không thì ông đã chẳng ở đây. “Bao nhiêu phụ nữ đã chết?”

“Một trăm bốn mươi sáu,” Harris nói, “và tôi thương tiếc từng người một, anh Anderson.”

Bill chẳng buồn sửa tên mình. Hai mươi phút trước ông còn đang hấp hối trên giường; giờ thì ông bị cuốn hút trước câu chuyện cũ ông chưa từng nghe trước đây. Điều đó thì ông lại nhớ.

“Không lâu sau khi tôi với Max xuống cầu thang thoát hiểm, bọn họ ùa lên nó. Cái thứ chết tiệt đó không chịu được sức nặng. Nó sập và đổ hai chục người từ ba chục mét xuống mặt đường lót đá. Bọn họ chết hết. Bốn mươi người khác nhảy từ cửa sổ tầng chín và mười. Một số bắt lửa. Bọn họ cũng chết hết. Đội cứu hỏa có lưới cứu sinh, nhưng bọn họ rơi toạc qua và nổ tung trên vỉa hè như những túi máu. Cảnh tượng khủng khiếp, anh Anderson, khủng khiếp. Một số nhảy xuống trục thang máy, nhưng hầu hết… chỉ… bị thiêu cháy.”

“Giống 11 tháng 9 với ít thương vong hơn.”

“Các anh luôn nói vậy.”

“Và ông đang ở đây.”

“Đúng thế. Đôi lúc tôi băn khoăn không biết có bao nhiêu đàn ông cũng đang ngồi trong những văn phòng như thế này. Cả phụ nữ. Tôi dám chắc có cả phụ nữ, tôi vẫn luôn nhìn về phía trước và thấy không có lý do gì mà phụ nữ không thể ngồi vào những vị trí điều hành cấp thấp, và làm thế một cách đáng ngưỡng mộ. Tất cả chúng tôi trả lời cùng những câu hỏi và gửi đến cùng những vị khách hành hương. Các anh nghĩ gánh nặng sẽ nhẹ bớt đi mỗi lần một người trong số các anh quyết định đi vào cánh cửa bên phải thay vì cái đó” – ông chỉ sang trái – “nhưng không. Không. Một cái hộp mới đến từ cái ống – vút – và tôi lại có một gã mới để thay thế gã cũ. Có khi hai.” Ông nghiêng người về phía trước và gằn giọng. “Đây là công việc khốn nạn, anh Anderson!”

“Là Andrews,” Bill nói. “Và nghe này, tôi rất tiếc ông cảm thấy như vậy, nhưng chúa ơi, có trách nhiệm một chút với hành động của mình đi! Một trăm bốn mươi sáu phụ nữ! Và ông đã khóa cửa.”

Harris đập bàn. “Chúng nó ăn cắp của bọn tôi!” Ông nhấc tập hồ sơ lên và lắc lắc về phía Bill. “Xem lại anh đi! Ha! Chó chê mèo lắm lông! Goldman Sachs! Gian lận chứng khoán! Lợi nhuận hàng tỷ, thuế hàng triệu! Hàng triệu tiền bẩn! Bong bóng nhà đất nghe có quen không? Bao nhiêu lòng tin của khách hàng anh đã lợi dụng? Bao nhiêu người đã mất tiền dành dụm cả đời của họ nhờ lòng lam và sự thiển cận của anh?”

Bill biết Harris đang nói về điều gì, nhưng tất cả (chà… hầu hết) những lời xảo ngôn đó đều vượt quá trách nhiệm của ông. Ông cũng ngạc nhiên như bất cứ ai khi thế thời đảo lộn. Ông thôi thúc muốn nói có sự khác biệt lớn giữa chịu cảnh đói nghèo và bị thiêu sống, nhưng sao phải xát muối vào vết thương? Bên cạnh đó, có lẽ nó còn nghe có vẻ tự cho mình là đúng.

“Đừng nói nữa,” ông nói. “Nếu ông có thông tin tôi cần thì sao không đưa nó cho tôi. Cho tôi chi tiết về chuyện này, rồi tôi sẽ khuất mắt ông.”

“Tôi không phải cái đứa đã hút thuốc,” Harris trầm giọng ủ ê. “Tôi không phải cái đứa đã đánh rơi que diêm.”

“Ông Harris?” Bill có thể cảm thấy bốn bức tường như đang siết lại. Nếu phải ở đây mãi mãi mình thà tự bắn mình còn hơn, ông nghĩ. Chỉ khi nào điều ông Harris nói là đúng, ông mới không muốn, chẳng hơn gì chuyện ông không muốn đi vệ sinh.

“Được, được thôi.” Harris thở phì qua miệng thành tiếng, nhưng không hẳn là bật môi. “Chuyệnlà thế này. Đi qua cánh cửa bên trái và anh sẽ được sống đời mình lần nữa. A tới Z. Từ đầu tới kết thúc. Chọn cánh cửa bên phải và anh biến mất. Phụt. Như ngọn nến trong gió.”

Thoạt đầu Bill không nói gì. Ông không có đủ khả năng để nói và không chắc ông có thể tin tưởng đôi tai mình. Nó quá tốt để có thể trở thành sự thật. Đầu tiên tâm trí ông xoay sang em trai Mike, và vụ tai nạn xảy ra khi Mike tám tuổi. Tiếp theo, sang vụ chôm chỉa ngu ngốc khi Bill mười bảy. Chỉ là đùa giỡn, nhưng nó có thể đã làm hỏng kế hoạch đại học của ông nếu bố ông không can thiệp và nói chuyện với đúng người. Chuyện với Annmarie trong nam sinh cư xá… thứ vẫn ám ảnh ông trong những khoảnh khắc lạ lùng, ngay cả sau ngần ấy năm. Và dĩ nhiên, vấn đề quan trọng—

Harris đang mỉm cười, và nụ cười không một chút dễ chịu. “Tôi biết anh đang nghĩ gì, bởi vì tôi đã nghe tất cả từ anh trước đây. Về chuyện hồi nhỏ anh và em trai anh đã chơi trốn tìm như thế nào, anh đóng sầm cửa để nhốt thằng bé ở ngoài và vô tình làm đứt đầu ngón tay út của nó ra sao. Cái thôi thúc chôm chỉa, cái đồng hồ, rồi chuyện cha anh đã tác động như thế nào để đưa anh ra—”

“Đúng vậy, không tiền sự. Ngoại trừ với bố tôi. Ông không bao giờ cho phép tôi quên điều đó.”

“Còn cô gái trong nam sinh cư xá.” Harris nhấc tập hồ sơ. “Tên cô ta ở đâu đấy trong đây, tôi đoán vậy, tôi đã làm hết sức để giữ đống tài liệu dễ thấy – khi tôi cần tìm – nhưng sao anh không nhắc tôi nhỉ.”

“Annmarie Winkler.” Bill có thể cảm thấy má ông nóng lên. “Đấy không phải cưỡng hiếp, nên đừng nghĩ như thế. Cô ấy quàng chân qua người tôi khi tôi nằm lên cô ấy, và nếu như thế không phải là đồng thuận thì tôi chẳng biết thế nào mới phải.”

“Cô ta có quàng chân qua người hai gã đến sau không?”

Không, Bill thôi thúc muốn nói, nhưng ít nhất chúng tôi cũng không thiêu sống cô ấy.

Và im lặng.

Ông đang chuẩn bị đánh một cú putt trên sân thứ bảy hoặc đang làm việc trong xưởng gỗ hoặc đang nói chuyện với con gái (giờ là sinh viên đại học) về luận án tốt nghiệp của con bé, và ông sẽ tự hỏi giờ này Annmarie ở đâu. Cô đang làm gì. Cô còn nhớ gì về cái đêm ấy.

Nụ cười của Harris dãn ra thành điệu nhếch mép ghẹo gái. Nó có thể là một công việc khốn nạn, nhưng rõ ràng vẫn có một vài phần ông thích thú. “Tôi có thể thấy đấy là câu hỏi anh không muốn trả lời, vậy sao chúng ta không bỏ qua nhỉ. Anh đang nghĩ về tất cả những điều anh sẽ thay đổi trong hành trình tiếp theo của anh trên chiếc đu quay vũ trụ. Lần này anh sẽ không đóng sầm cửa vào ngón tay của em trai anh, hay cố đánh cắp đồng hồ ở chợ Paramus—”

“Là chợ New Jersey. Tôi đoan chắc nó có ở đâu đấy trong hồ sơ của ông.”

Harris lật phần phật tập hồ sơ của Bill và tiếp tục. “Lần tới anh sẽ từ chối làm tình với cô bạn gái nửa hôn mê của anh trong khi cô ta nằm trên sofa trong tầng hầm nam sinh cư xá, và – cái này quan trọng! – anh sẽ đến thay vì trì hoãn buổi hẹn nội soi, vì giờ anh đã quyết định – cứ sửa nếu tôi nói sai – rằng bị sỉ nhục vì một cái camera thông lên lỗ hậu dù sao cũng tốt hơn một chút so với chết vì ung thư ruột kết.

Bill nói, “Nhiều lần tôi đã gần nói cho Lynn biết chuyện ở cư xá. Tôi chưa bao giờ có đủ can đảm.”

“Nhưng có cơ hội, anh sẽ sửa chữa.”

“Dĩ nhiên – có cơ hội, ông sẽ mở khóa cửa nhà máy chứ?”

“Chắc chắn tôi sẽ, nhưng không có cơ hội thứ hai nào cả. Rất tiếc phải làm anh thất vọng.”

Trông ông không có vẻ lấy làm tiếc. Harris trông mệt mỏi. Harris trông buồn chán. Harris trông cũng đắc thắng một cách hẹp hòi. Ông chỉ vào cánh cửa bên trái Bill.

“Chọn cái đó – như anh vẫn làm vào mỗi dịp khác – anh sẽ bắt đầu lại từ đầu, như một cậu bé ba cân trượt khỏi tử cung mẹ anh vào đôi bàn tay bác sĩ. Anh sẽ được bọc trong vải thô và đưa về nhà ở một trang trại ở miền trung Nebraska. Khi bố anh bán trang trại năm 1964, anh sẽ tới New Jersey. Ở đó anh sẽ làm đứt đầu ngón út của đứa em trai trong khi chơi trốn tìm. Anh sẽ đến cùng một trường trung học, cùng những khóa học, và có cùng điểm số. Anh sẽ đến Đại học Boston, và anh sẽ thực hiện cùng hành vi nửa cưỡng hiếp đó trong cùng tầng hầm của nam sinh cư xá. Anh sẽ nhìn hai anh em cư xá làm tình với Annmarie Winkler, và dù anh nghĩ anh nên ngăn chặn điều đang diễn ra, anh sẽ không bao giờ thu đủ dũng cảm đạo đức để làm như vậy. Ba năm sau anh sẽ gặp Lynn DeSalvo, và hai năm sau nữa anh sẽ cưới. Anh sẽ đi theo cùng một con đường sự nghiệp, anh sẽ có cùng những bạn bè đó, anh sẽ có cùng những bất an sâu thẳm về hoạt động kinh doanh của công ty… và anh sẽ giữ cùng một sự im lặng. Cũng vị bác sĩ ấy sẽ giục anh nội soi đại tràng khi anh sang tuổi năm mươi, và anh sẽ hứa – như anh vẫn luôn hứa – rằng anh sẽ để ý đến vấn đề nhỏ nhặt đó. Anh sẽ không làm thế, và kết quả là anh sẽ chết vì cùng một căn bệnh ung thư.”

Nụ cười của Harris khi ông thả tập hồ sơ xuống chiếc bàn bừa bộn giờ nở rộng gần như chạm đến mang tai.

“Rồi anh sẽ lại đến đây, và chúng ta sẽ lại có cuộc trò chuyện này. Lời khuyên của tôi sẽ là chọn cánh cửa còn lại và thế là xong, nhưng dĩ nhiên quyết định là của anh.”

Bill lắng nghe trong lúc ngày càng hoảng loạn. “Tôi sẽ không nhớ gì? Không nhớ gì?”

“Không hẳn là không nhớ gì,” Harris nói. “Có lẽ anh đã để ý mấy bức ảnh ở hành lang.”

“Buổi dã ngoại của công ty.”

“Phải. Mỗi vị khách đến với tôi đều nhìn thấy những bức ảnh chụp từ năm sinh của họ, và nhận ra một vài gương mặt quen thuộc giữa những người lạ. Khi sống cuộc đời mình lần nữa, anh Anderson – giả sử anh quyết định như vậy – anh sẽ có cảm giác déjà vu khi lần đầu anh thấy những người này, cảm giác như anh đã sống qua tất cả trước đây. Dĩ nhiên, anh đã sống. Anh sẽ có một cảm giác thoáng qua, gần như một sự chắc chắn, rằng còn nhiều… có thể nói là chiều sâu trong cuộc đời anh, và trong sự tồn tại nói chung, hơn là anh tin trước đây. Nhưng rồi nó sẽ qua.”

“Nếu tất cả đều như vậy, không có khả năng cải thiện, thì tại sao chúng ta lại ở đây?”

Harris nắm chặt tay và đấm vào đầu cái ống khí nén đang treo lơ lửng trên giỏ giặt là, khiến nó lắc lư. “KHÁCH MUỐN BIẾT SAO TA Ở ĐÂY! MUỐN BIẾT CỐT LÕI LÀ GÌ!”

Ông đợi. Không có gì xảy ra. Ông xòe tay chống lên bàn.

“Khi Job muốn biết điều đó, anh Anders, Đức Chúa hỏi Job có ở đó không khi ngài – Đức Chúa – tạo ra vũ trụ. Tôi đoán anh không cho đó là câu trả lời. Vậy nên hãy cân nhắc cụ thể vấn đề. Anh muốn làm gì? Hãy chọn một cánh cửa.”

Bill đang nghĩ về ung thư. Cơn đau của ung thư. Trải qua toàn bộ điều đó một lần nữa… ngoại trừ việc ông sẽ không nhớ mình đã trải qua nó. Vậy đấy. Giả sử Isaac Harris nói thật.

“Không ký ức gì hết? Không thay đổi gì hết? Ông có chắc không? Làm sao ông dám chắc?”

“Vì lúc nào cũng là cuộc trò chuyện này, anh Anderson. Lần nào cũng vậy, với tất cả các anh.”

“Là Andrews!” Ông rống lên, làm cả hai đều bất ngờ. Bằng một giọng thấp hơn, ông nói, “Nếu tôi cố gắng, thực sự cố gắng, tôi chắc chắn mình có thể giữ lại gì đó. Ngay cả khi chỉ là chuyện xảy ra với ngón tay Mike. Và có thể một sự thay đổi cũng đủ để… tôi không biết…”

Để đưa Annmarie tới rạp chiếu phim thay vì tới bữa tiệc thác loạn đó, thế nào?

Harris nói, “Có một câu chuyện dân gian kể rằng trước khi sinh ra, mỗi linh hồn con người đều biết mọi bí mật của sự sống và cái chết và vũ trụ. Nhưng sau đó, ngay trước khi sinh ra, một thiên thần cúi xuống, đặt ngón tay lên môi đứa bé, và thì thầm ‘Shhh.’” Harris chạm vào nhân trung của mình. “Theo câu chuyện đó, đây là dấu vết mà ngón tay của thiên thần để lại. Mỗi người đều có một.”

“Đã bao giờ ông thấy thiên thần chưa, ông Harris?”

“Chưa, nhưng tôi từng thấy một con lạc đà. Ở vườn thú Bronx. Chọn một cánh.”

Trong lúc suy nghĩ, Bill nhớ lại một câu chuyện họ phải đọc ở trường trung học: “Cô gái và con hổ.” Quyết định này chẳng hề khó khăn.

Mình phải giữ lại chỉ một điều, ông tự nhủ trong khi mở cánh cửa dẫn trở lại cuộc sống. Chỉ một điều.

Ánh sáng trắng của sự trở về bao bọc lấy ông.

***

Bác sĩ, người sẽ bỏ Đảng Cộng hòa và bầu cho Adlai Stevenson vào mùa thu (một điều mà vợ ông sẽ không bao giờ được biết), cúi gập người xuống như một anh bồi bàn bày đĩa thức ăn và ngẩng lên bế gót một đứa trẻ trần truồng. Ông vỗ mạnh lên nó và tiếng thét ré lên.

“Bà có một bé trai khỏe mạnh, bà Andrews,” ông nói. “Trông khoảng ba cân. Chúc mừng.”

Bà Andrews đỡ đứa bé. Bà hôn lên đôi má và vầng trán ướt của nó. Họ sẽ đặt tên thằng bé là William, theo tên ông nội nó. Khi thế kỷ hai mươi mốt đến, thằng bé vẫn đang ở tuổi ngoài bốn mươi. Ý tưởng này thật choáng váng. Trong tay mình bà ôm không chỉ một cuộc sống mới mà còn cả một vũ trụ của những điều khả dĩ. Không gì, bà nghĩ, có thể tuyệt vời hơn. ♦


Nhớ về Surendra Patel
Nguyễn Huy Hoàng
Bản dịch © 2016