Chân dung Võ Ðại Tôn với lịch sử là một chiến sĩ cách mạng. Nhưng, cứ mỗi khi đến lễ Vu Lan, tôi lại chợt nhớ đến ông và tác phẩm “Hồi Ký Tuổi Thơ và Chiến Tranh”. Tại sao kỳ lạ vậy? Tại vì tôi muốn tìm lại nét nhân bản của một chiến sĩ cách mạng, có tình cảm và suy tư của một người bình thường và yêu quê hương đất nước y hệt như yêu mẹ cha. Khác với mẫu hình tượng anh hùng của chủ nghĩa Cộng sản Bolschevik, anh hùng không tim như người máy robot chỉ biết theo lệnh, Võ Ðại Tôn là một hình tượng đầy tính nhân bản. Người mẹ của ông Võ Ðại Tôn tuyệt vời quá, đầy nét hy sinh của bà mẹ Việt Nam. Ai cũng có một bà mẹ cả. Mẹ trong lòng người. Mẹ trong tâm tư. Và với chiến sĩ Võ Ðại Tôn, là một hình ảnh vô cùng thiêng liêng, mà tác phẩm này là một biểu hiện.
Ngày lễ Vu Lan theo phong tục Việt Nam ảnh hưởng của Phật Giáo là ngày lễ báo hiếu cha mẹ. Không biết có phải bắt nguồn từ bài viết Bông Hồng Cài Áo của thiền sư Nhất Hạnh hay không mà những đóa hồng đỏ được gài lên áo của những người còn mẹ với nét rạng rỡ. Và những đóa hồng trắng được gắn lên từ nỗi buồn của những người mất mẹ.
Bên cạnh ý nghĩa báo hiếu của con cái với cha mẹ, Lễ Vu Lan còn là ngày lễ xá tội vong nhân vào rằm tháng bảy. Ở một đất nước chiến tranh, với bao nhiêu cái chết oan khuất, với bao nhiêu nấm mồ hoang, thì ngày lễ này cũng rất quan trọng trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Ðó là dịp để tưởng niệm và tưởng nhớ. Và là dip để an ủi và hàn gắn lai vết thương chém giết.
Vì quen thuộc với chiến tranh nên tuổi trẻ thời chúng tôi, hầu như mỗi người đều hình dung ra một chân dung người chiến sĩ. Có lẽ, ở một đất nước dằng dặc khói lửa như Việt Nam, thì hiện tượng ấy cũng là bình thường không có gì khó hiểu. Riêng với tôi, thì hình ảnh chiến sĩ đầy lãng mạn của Dũng và Trúc trong tiểu thuyết Ðôi Bạn của văn hào Nhất Linh gây nhiều ảnh hưởng cho nhận thức của tôi. Hình ảnh ấy đẹp quá, vừa có tính văn chương thơ mộng lại vừa có tính dấn thân. Cuộc ra đi của những người vì nước hào hùng còn hơn cả chuyện Kinh Kha sang bờ sông Dịch ngày xưa bởi vì nó gần gũi với thế hệ chúng tôi. Những chiến sĩ không phải là những người có trái tim sắt đá. Mà, họ chính là những mẫu người nhân bản nhất. Họ yêu quý gia đình, yêu tổ quốc quê hương sâu xa. Và, với trái tim nồng nàn rực lửa ấy, họ lên đường, họ ra đi dù biết rằng có thể bị hy sinh hay phải chịu đựng muôn vàn những cực nhọc gian truân trên con đường làm cách mạng. Không như chữ “cách mạng” là xưng danh của những người Cộng Sản Bolshevik Việt nam tự xưng. Mà những người làm cách mạng là những người dấn thân mong tìm một tương lai tốt đẹp cho dân tộc cho đất nước… Những nhân vật như Dũng, như Trúc, hay những chiến sĩ Quốc gia đã làm cách mạng với cung cách lãng mạn nghệ sĩ như thế. Họ ấp ủ lý tưởng nhưng khó mà đạt được thành công cho lý tưởng ấy.
Lớn lên, trải qua những năm tháng của thời thế đầy binh lửa mà sự thực nhiều khi vượt khỏi trí tưởng tượng của những người giàu mơ mộng nhất, bản thân tôi nghĩ vào thời đại bây giờ làm gì còn những người mang nặng lãng mạn và lý tưởng nữa. Thế nhưng khi tôi đọc bút ký “Tắm Máu Ðen” của Võ Ðại Tôn thì suy nghĩ đã khác. Cũng vẫn còn mẫu người chiến sĩ làm cách mạng với phong thái của một nghệ sĩ đi vào con đường tranh đấu với lý tưởng mang theo.
Võ Đại Tôn (2016)
Nhà văn Ðỗ Tiến Ðức phát biểu về chân dung Võ Ðại Tôn: “Ðã có quá nhiều người viết và nói về ông Võ Ðại Tôn. Và gọi ông bằng những danh từ đẹp nhất cho một đời người. Cố thi sĩ Nguyên Sa gọi ông là chiến sĩ anh hùng, so sánh ông với một nhân vật lịch sử là Cao Bá Quát. Thi sĩ Du Tử Lê chẳng những gọi ông là anh hùng mà còn là “nhị trùng bản ngã anh hùng Võ Ðại Tôn”. Thi sĩ Cao Tiêu làm thơ tặng ông, gọi ông là “đại hùng”. Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện cũng gọi ông là anh hùng và còn gọi là chiến sĩ nữa. Nhà văn quá cố Xuân Vũ gọi ông là một nhà cách mạng là lương tâm của thời đại. Nhà báo Nguyễn Ðạt Thịnh, cựu trung tá QLVNCH gọi ông là một vị anh hùng. Nhà báo Giao Chỉ so sánh ông với danh tướng Trần Bình Trọng, là chiến sĩ anh hùng, là nhà cách mạng là nhà thơ, là “một anh hùng còn sống” là “người lính với nhị trùng bản ngã.”
Tất cả những nhận định mà nhà văn Ðỗ Tiến Ðức đề cập ở trên đều rất chính xác. Nhưng với tôi tôi muốn có thêm một nét phác họa. Nhà văn, Nhà thơ Võ Ðại Tôn của “Tắm Máu Ðen”, của Hoàng Phong Linh thi sĩ của “Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy”. Nhưng có một tác phẩm đã gây ra cảm xúc mạnh mẽ cho người đọc “Hồi ký Tuổi Thơ và Chiến Tranh”. Ông kể chuyện về người mẹ của mình, để nhớ lại một thời lửa khói chiến tranh, để hồi nhớ lại tuổi ấu thơ lớn lên cùng bom đạn. Tuổi ấu thơ ấy với hình bóng người mẹ đã không phai trong tâm thức của ông nhưng cũng làm mủi lòng người đọc.
Ðọc bút ký “Tắm Máu Ðen” rồi đọc “Hồi Ký Tuổi Thơ và Chiến Tranh”, và đọc những bài thơ ký tên Hoàng Phong Linh, tôi cảm nhận rõ một điều – Sáng tác của ông là tình yêu dành cho quê hương đất nước. Phải có một tình yêu mạnh mẽ thúc đẩy nên con người chiến sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ hòa hợp thành một con người Việt Nam đã chiến đấu trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh từ lúc tuổi thơ cho đến khi trưởng thành. Là chiến sĩ, ông hành động theo lý tưởng của mình chấp nhận hy sinh gian khổ. Là thi sĩ, ông làm thơ, để gần hơn với mơ mộng, để yêu thương hơn quê hương. Là văn sĩ, ông mang tấm lòng thiết tha của mình giải bày tâm can của một người nặng lòng với đất nước.
Từ câu nói trước cuộc họp báo Quốc tế tại Hà Nội ngày 13 tháng 2 năm 1982 khi sa cơ vào tay quân thù ông đã dõng dạc chấp nhận cái chết, chấp nhận hy sinh của một chiến sĩ sắt son vì lý tưởng tự do: “Tôi sẽ không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ ủng hộ tôi. Tôi tiếp tục duy trì lập trường chính trị của tôi để tranh đấu cho tự do và giải phóng dân tộc. Tôi đã sẵn sàng nhận bất cứ một bản án nào mà chế độ Công sản dành riêng cho tôi.” Trong tay quân thù, phát biểu như thế là một cách tự sát. Lời phát biểu ấy khiến tôi nhớ lại lời danh tướng Trần Bình Trọng ngày xưa với câu nói biểu lộ tinh thần yêu nước được truyền tụng đến ngày sau.
Từ những thi phẩm như “Lời Viết Cho Quê Hương”, “Ðoản Khúc Cho Quê Hương”, “Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy”, là những lời yêu thương đất nước, là những cảm khái ngút ngàn của một con dân trong thời thế ngửa nghiêng của lịch sử dân tộc. Khuôn mặt thi sĩ ấy, những bài thơ chính luận ấy đã làm rõ nét hơn một vóc dáng chiến sĩ Võ Ðại Tôn.
Viết bút ký “Tắm Máu Ðen”, hay chuyện kể trong tù “Chim Bắc Cành Nam”, hoặc nhớ lại “Hồi Ký Tuổi Thơ và Chiến Tranh”, với Võ Ðại Tôn cũng chỉ là một phương cách để tranh đấu cho lý tưởng bằng văn chương. Ðó cũng là một phác thảo con người chiến sĩ.
Riêng với tác phẩm “Hồi ký Tuổi Thơ và Chiến Tranh” thì trong phần mở đầu “Tâm Tình Gửi Lại Tuổi Trẻ Việt Nam” ông đã viết: “Cuốn hồi ký này được viết trong bối cảnh hoàng hôn của một đời người đã trải qua, chung sống suốt chiều dài của bao cuộc chiến xảy ra trên quê hương, tạm gác qua bên sự phân tách nguyên nhân chính kiến, chỉ hồi tưởng lại cảnh trầm luân của một Tuổi Thơ Việt Nam bị đắm chìm trong khói lửa đạn bom. Những người mang ý thức hệ ngoại lai du nhập với chủ thuyết Cộng sản lợi dụng chính nghĩa Dân Tộc với lòng dân vùng lên chống thực dân để cướp chính quyền và tiếp tục tạo nên nội chiến làm cho cả một dân tộc phải triền miên lầm than bất hạnh, từ đó một trong hàng triệu Tuổi Thơ Việt Nam -là tác giả- không có nổi một chén cơm lành mỗi ngày và không thấy được cảnh Bà Tiên hiện về trong giấc mơ thơ dại”
Tuổi thơ của tác giả kéo dài những ngày ly loạn, là của thế hệ bị lôi cuốn trong thù hận chiến tranh. Ông mở đầu hồi ức của mình với những câu văn thật thiết tha của một người đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời:
“Con chim trước khi chết còn biết quay đầu về núi, mong tìm lại khu rừng xưa nơi có tổ ấm cội nguồn. Tại vùng trời hải ngoại, trong đời sống lưu vong kể từ năm 1975 lìa xa Tổ Quốc, mỗi sáng thức dậy nghe nhịp thở rộn ràng của cuộc sống nơi xứ người hoặc mỗi đêm thức giấc tưởng mình còn quê hương, tôi có thói quen hồi tưởng lại những đoạn đời đã qua…có lẽ những người cùng chung thế hệ với tôi cũng từng sống như vậy nhất là khi tuổi đời đang chìm dần vào bóng hoàng hôn với nhiều giấc mơ không bao giờ trở nên hiện thực, bao hoài bão và tâm nguyện chưa thành, con đường đấu tranh còn dang dở trước mặt mà nghe trên đầu đang bạc đau từng sợi tóc, rụng dần theo năm tháng hắt hiu…”
Quê hương tác giả là Quảng Nam, nơi được mệnh danh là xứ sở của “Ngũ Phụng Tề Phi”, có con sông Thu Bồn thơ mộng. Từ năm 1946, gia đình của ông đang sinh sống ở thành phố Ðà Nẵng phải tản cư vì chiến tranh về quê ở làng Kim Bồng. Ở đó cậu bé sinh trưởng ở thành phố bắt đầu làm quen với cuộc sống ở thôn quê. Ðời sống mỗi ngày một khó thêm, và chịu khó chịu khổ là hoàn cảnh chung của cả dân tộc. Ở vùng tản cư, những gia đình tư sản lại phải chịu thêm sự theo dõi nghi kỵ của những người Cộng sản mang danh kháng chiến. Sống kham khổ đã đành mà còn luôn chịu cảnh bị đe dọa thủ tiêu nên nhiều gia đình muốn hồi cư trở về thành phố. Gia đình tác giả cũng có ý định như thế và người mẹ cùng hai người chú tìm đường trở về thành phố Ðà Nẵng để hồi cư cho cả đại gia đình. Và chuyến đi ấy đã trở thành vĩnh biệt.
Người mẹ là một bà Tiên của tác giả, có ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời ông. Trong bài thơ “Lời viết cho quê hương”, ông diễn tả:
“Tôi là người dân Việt
khi mới sinh ra
tiếng mẹ ru cho ngủ hòa với đạn bom xa
cùng tiếng võng đưa dìu dặt
dù đang khóc-nghe tàu bay của giặc
cũng biết im hơi, ôm cổ mẹ xuống hầm
tôi đã quen tai nghe những tiếng nổ ầm
mùi thuốc súng ngạt đầy hai lá phổi
Tôi biết nhìn mẹ tôi cằn cỗi
Sữa khô vàng vì khoai sắn quanh năm
Mắt ngây thơ tôi thấy mẹ âm thầm
Nhiều đêm tối đẽo tầm vông cho bố
Bố tôi đi đặt hầm chông đào hố
Ðuổi xua Tây, chống Nhật giữ quê nhà
Rồi lớn lên tôi thuộc hát hùng ca
Trước khi biết đánh vần qua chữ cái…”
Như sông con về biển mẹ, như tâm tình của những người con Việt luôn canh cánh trong lòng nghĩa mẹ tình cha:
“Cuối đời dòng Sông Con
vẫn mong về Biển Mẹ
đời lưu vong chiêm bao hằng ru khẽ
lời ca dao qua dâu bể muôn trùng
Mẹ đi ngàn dặm lao lung
Gánh con bao nẻo chập chùng nước non
Chân đau đá núi đã mòn
Nghìn năm thơm Sử vì con dãi dầu…”
Với tác giả Võ Ðại Tôn, hình ảnh người mẹ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của ông. Me của ông không may mắc bệnh lao vì sợ bị lây ra cả gia đình nên phải sống cách ly trong một căn nhà riêng biệt. Ðời sống gia đình ông với những nỗi vui buồn và cả những biến cố hết sức đau thương đã thành một hồi ức không phai trong lòng cậu bé hiểu biết sớm trước tuổi. Bà mẹ đau khổ và thân yêu nhất của ông đã bị Việt Cộng chôn sống cùng hai người chú vì bị nghi là gián điệp. Ðọc những trang sách, để ngậm ngùi với nỗi niềm của tuổi trẻ trong thời thế chiến tranh.
Tôi đã xúc động khi đọc đoạn văn kể lại buổi ra đi không bao giờ trở lại của người hiền mẫu thân yêu. Nhà nghèo nên người mẹ trong bữa cơm sớm trước khi lên đường đã ăn cơm với nước mắm để nhường lại trái hột vịt luộc cho con. Ông viết:
“… Rồi mẹ kéo tay tôi, dẫn ra gần hàng rào dâm bụt. Mẹ lần tay vào lưng quần lấy ra một quả gì tròn tròn trắng trắng, nhét vào tay tôi, khẽ nói: “Má để dành cho con cái trứng vịt luộc đây, con ăn đi rồi vô ngủ. Hồi nãy má ăn cơm với nước mắm rồi. Má không có đủ để cho mỗi con một trứng. Thôi má đi nghe, mai mốt má về.” Mẹ tôi cúi xuống ôm hôn tôi rồi vùng chạy theo hai chú đang đứng chờ. Bóng bốn người khuất sau lũy tre làng đang rũ ngọn xuống như những bóng ma khổng lồ trong đêm khuya vắng. Ðêm hôm ấy tôi cầm chặt quả trứng vịt trong tay mà ngủ say lúc nào không biết…
.. Thời gian bình thản trôi qua trong gian khổ và tuyệt vọng của mọi người trong gia đình. Cha tôi trông già khọm đi mỗi ngày ngồi yên trên ghế nhìn ra cổng, chờ mong. Hai năm sau,1949, người anh cả của tôi có việc đi qua vùng cát trắng Cổ Lưu, đêm ngủ nhờ nhà một người dân trong làng. Tình cờ hay là sự mầu nhiệm thiêng liêng nào đã đưa đường dẫn lối tới đây, anh tôi nhìn thấy chiếc ví nhỏ bằng da của mẹ tôi nhét trên trần mái nhà tranh. Hỏi người chủ nhà mới biết là mẹ tôi và hai người chú đã từng ngủ tại đây một đêm mấy năm về trước và đã bị Việt Minh (sau này đổi thành Cộng sản) giết chết, kết tội đi liên lạc với Pháp. Cả ba người bị giết một cách dã man, chôn chung một hố cát bên cạnh bờ sông.
Mười hai năm sau, 1959, khi khu vực này thuộc tỉnh Quảng Nam được bình định thì chúng tôi mới có dịp về đây để cải táng cho mẹ và hai chú. Chín người con còn lại, có người tương đối thành đạt trong đời, đã quỳ khóc trên bãi cát. Không dám dùng cuốc xẻng để đào vì sợ động, mười tám bàn tay của những người con mất mẹ cào xới từ từ hố cát xẫm vàng. Chỉ còn mái tóc dài của mẹ và ba bộ xương khô, có khúc bị gẫy vụn. Chứng tích của sự tàn sát dã man mà vũ khí trên tay của kẻ thù – người đã giết mẹ tôi và hai chú – là lưỡi cuốc chém ngang lưng…”
Và bây giờ, thì tác giả Võ Ðại Tôn vẫn còn nhớ. Nhớ để thương yêu mẹ và cũng nhớ để cố gắng thực hiện được phần nào hay phần đó ý hướng và lý tưởng của mình:
”Hơn nửa thế kỷ trôi qua, giờ đây tóc tôi đã bạc. Quả trứng vịt luộc ngày xưa mẹ cho tôi trước khi lên đường đã nuôi tôi nên người hôm nay. Từ một đứa trẻ sớm mồ côi mẹ mà không biết, mãi cho đến bây giờ, đã có biết bao nhiêu cái chết oan khiên tức tưởi do người Cộng sản gây ra? Người mẹ chỉ vì lòng thương con vô bờ mà đã bị kết tội oan ức, đến lúc chết mà không hiểu vì sao? Và hôm nay, trên cõi đời này có bao nhiêu người con đã mất mẹ vì một chế độ phi nhân, có còn cảm thấy hơi ấm của quả trứng luộc trong tay? Tôi lại tiếp tục lên đường cùng những người con hiếu thảo của Mẹ Việt Nam để cố góp công sức nhỏ nhoi vào đạo nghĩa phục quốc và riêng tận đáy lòng luôn mong ước có ngày thỉnh rước hình bóng Mẹ thương yêu của tôi về lại làng xưa, bên lũy tre xanh có ánh trăng vằng vặc. Mẹ cười như Bà Tiên hiền dịu thuở nào, và con sẽ không bao giờ thấy nữa những nhát cuốc dã man hơn ác tính của loài cầm thú đã đập tan lòng Mẹ, ngay trên mảnh đất quê hương khô cằn tang tóc.”
Kẻ gây tội ác là tên cán bộ Cộng sản khát máu Huỳnh Thân về sau này đã bị chính quyền quốc gia bắt và đã thú nhận những hành vi của mình. Gia đình tác giả Võ Ðại Tôn đã trăn trở thật nhiều với câu ơn đền oán trả. Dù rằng người anh thứ năm là người phụ trách vụ án nhưng không vì tình riêng mà ảnh hưởng đến việc công nên đã gửi tên sát nhân ra nhà lao Thừa Phủ ở Huế để xét xử. Theo tôi đó cũng là nét son của người Quốc gia và cũng là tính chất khác với người cộng sản. Nếu họ cũng như thế, năm 1975 không thực hiện chính sách trả thù bắt giam hàng trăm ngàn quân nhân công chức của chế độ VNCH, thực hiện chính sách hòa giải dân tộc thì đâu có tình trạng thê thảm tụt hậu của đất nước ngày hôm nay.
Kết thúc những trang hồi ký, tác giả viết: “tôi kể lại quãng đời Tuổi Trẻ của tôi, xảy ra hơn 60 năm về trước. Không phải với lòng oán hận triền miên Chiến Tranh và Tội Ác Con Người nhưng chỉ với lời nguyện cuối đời của tôi là cầu mong cho Tuổi Trẻ Việt Nam trong cũng như ngoài nước hưởng được tương lai tươi sáng. Thành công trong tự hào dân tộc với Tự Do, Công Bằng, Nhân Bản và Tự Chủ.
Xin hãy tránh cho Dân Tộc một cuộc chiến tranh gây nên tang tóc, đừng du nhập những chủ thuyết ngoại lai phá hủy nền đạo lý cổ truyền không cúi đầu nô lệ trước ngoại bang giữ vẹn Tình Người và Nghĩa Làm người trong quyết tâm bảo vệ dòng giống Rồng Tiên”
Ðọc những tác phẩm của Võ Ðại Tôn, tôi thấy được tấm lòng yêu quê hương đất nước của ông. Con người chiến sĩ trong ông hình thành từ những tháng ngày thơ ấu, sống ở ruộng đồng, hiểu được sự linh thiêng của mồ mả ông cha, biết được sức sống cần lao của những người lúc bình thường thì lo cho gia đình cho những người thân thuộc nhưng lúc quốc gia có biến cũng sẵn sàng hy sinh. Ðất nước của “Ngũ Phụng Tề Phi” đã hun đúc nên những mẫu người tạo thành lịch sử và cũng tạo niềm tin cho một đất nước Việt Nam tương lai không còn chế độ bạo ngược toàn trị như hiện nay.
Nguyễn Mạnh Trinh