Chưa khi nào tôi đến Hà Nội. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi đưa “cậu con duy nhất” vào Nam bằng tầu của Pháp. Không ai ngờ ba tôi lại vào Nam trước, và vẫn chưa “mỏi cánh giang hồ”. Còn nhớ trước ngày vào Nam, mẹ tôi vừa lau nước mắt, vừa nói với ông ngoại tôi ở Diêm Điền ra Hải Phòng thăm: “Xin thầy cứ xem như hai mẹ con con chết rồi.” Ông ngoại tôi chùi nước mắt. Mẹ tôi cũng khóc. Chỉ có tôi là cứ “tỉnh bơ”, nếu không muốn nói là còn vui nữa. Vui vì sắp được vào Nam, vui vì sắp có thầy cô và bạn mới. Tội gì phải khóc? dù tôi không biết miền Nam ở đâu và miền Nam mới thực sự làm tôi bồn chồn.
Thế rồi, qua vài ngày sau, mẹ tôi đưa tôi đi. Sau mấy ngày bị say sóng trên tầu, mẹ con tôi đã tới miền đất lạ. Ở trong Nam, tôi được xin học không mất tiền. Những lúc rảnh, mẹ tôi thường kể chuyện Hà Nội cho tôi nghe. Nào là Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, Vườn Hoa Con Cóc, chùa Một Cột, rồi cầu Thê Húc qua đền Ngọc Sơn… Nào là Phố Hàng Đào, Hàng Chiếu, Hàng Đường Hàng Khay, Hàng Hoa, Hàng Gai, Khâm Thiên… Muốn mua thứ gì, cứ đến hàng đó. Thật tiện lợi. Như, muốn mua vải hay tơ lụa may quần áo, hoặc đồ trang sức, cứ tới Hàng Đào; muốn mua các loại hàng làm bằng thiếc hay kẽm, như chân đèn, chân nến, lư hương, ấm trà, khay trà, chén uống nước; xin mời đến Hàng Thiếc…
Tôi chỉ biết Hà Nôi có thế. Những kỷ niệm về Hà Nôi đối với mẹ tôi thật lãng đãng, mơ hồ. Tôi biết mẹ tôi nhớ Hà Nội lắm, nhớ những cô bạn thân xa xưa một thời. Nào là cô Hòa, cô Tâm, cô Túc…nhớ ngõ Chè Chai, đường Cát Dài, đường Cát Cụt… Tất cả, tôi nghe bằng lỗ tai xa lạ. Bây giờ, và chắc hẳn, các cô bạn thân của mẹ tôi ở Hà Nội ngày xưa đã ra người “thiên cổ” hết rồi. Nhưng những hình ảnh của họ, dù thời gian làm cho mờ nhạt, vẫn còn sống ở trong lòng mẹ tôi, kể cả trong tôi. Ảnh đen-trắng chụp cô Hòa, mặc bộ trắng, ngồi trên thuyền, chụp ở bờ hồ Tây, rồi đến những tấm ảnh chụp ở Vườn Hoa Con Cóc với các cô Tâm, cô Túc, trong đó có cả tôi, có lẽ là những tấm ảnh mẹ tôi “thích” nhất. Mẹ tôi có gặp lại cô Hòa ở trong Nam. Cô lấy chồng làm thầu khoán, giầu lắm. Ngày đó tôi mang đôi guốc, mặc quần ngắn, đầu đội cái mũ nồi rộng thùng thình, tay cầm món đồ chơi gì đấy, ngây thơ ngồi trên lưng những chú cóc bằng xi măng, bên cạnh tiếng cười của mẹ tôi, và các cô bạn.
Mẹ tôi nói đưoc vàì câu Tiếng Tây (Pháp) “bồi”, nhưng thỉnh thoảng lại tự hãnh diện mình là người Hà Nội, sống vào thời đại tiểu thuyết Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách hay Đoạn Tuyệt (1935) của Nhất Linh, nghĩa là thời đại đang “đổi mới”. Tôi thấy mẹ tôi “mới” chẳng ra “mới” mà “cũ” cũng chẳng ra “cũ”. Mẹ tôi “chê” các bà già nhà quê mặc váy, chít khăn mỏ qụa, ăn trầu nhổ tứ tung, hay một chữ cắn làm đôi không biết. Mẹ tôi còn chịu sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình và một số định kiến xã hội.
Phố Phất Lộc (tranh Bùi Xuân Phái)
Họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ rất nhiều tranh phố cổ Hà Nội. Mẹ tôi không thích nói về nghệ thuật, nhất là hội họa. Sau này ở trong Nam, tôi không bỏ lỡ một cuộc triển lãm nào mang tên người họa sĩ này. Nét vẽ của Họa sĩ Bùi Xuân Phái riêng biệt so với các họa sĩ khác. Tôi lại khác đời, thích nét vẽ của ông, thích những đường lằn đậm đà, to bự; những đường nét cong quẹo, dúm dó, méo xệch; những mảng mầu bằng sơn dầu vặn vọ, đau đớn, thô kệch của ông trên những bức tường loang lổ hay mái ngói đỏ rêu phong. Ông vẽ những căn nhà cổ ở Hà Nội đẹp đến nỗi người ta lấy tên ông đặt riêng cho khu phố ông vẽ, đó là Phố Phái. Cứ nói đến Phố Phái, lại nghĩ đến Phố Cổ Hà Nội. Cứ nói đến Phố Cổ Hà Nội, lại nghĩ tới Họa Sĩ Bùi Xuân Phái. Nét vẽ của ông đã trở thành một trong những trường phái hội họa nổi tiếng sau này. Nhờ ông, tôi mới biết Hà Nội ngày xưa. Cám ơn Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã giữ hồn Phố Cổ Hà Nội. Ngoài ra tôi không còn biết Hà Nội như thề nào nữa.
Sau “ngày tháng ấy”, tôi bị “đi tù”, lại càng ít biết về Hà Nội. Nghe đồn, sau này Hà Nội trở thành trung tâm thành phố của cả nước, tôi cũng chỉ biết vậy.
Nhìn lại lịch sử, có nguồn tin phản bác cho rằng, ai nói “Hà Nội 36 phố phường” là không chính xác, đó chỉ là một cách gọi “đại khái cho xong” khu vực bên trong và bên ngoài khu phố cổ mà thôi. Đọc tài liệu mới biết các phố ngày xưa được ngăn cách với nhau bởi những chiếc cổng lớn như cổng chào ngày nay, ban đêm được canh gác rất nghiêm ngặt. Trong mỗi phố là những dãy nhà, hiện nay vẫn còn thấy những chiếc cổng lớn này nằm rải rác ở các phố Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào… Các dãy nhà này vừa là nhà ở, vừa là tiệm buôn bán của dân chúng như ngày nay.
Vào Ngày Kỷ Niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (năm 2010), UBND Thành Phố Hà Nội đã dùng hết 50 tỷ đồng để tân trang 75 dẫy phố của các quận thuộc nội, ngoại thành, trong đó có việc quét vôi lại mặt tiền các căn nhà trong khu phố cổ, lót đá xanh quanh hồ Gươm và những tu sửa linh tinh khác. Tuy nhiên, theo nhiều người biết chuyện, việc này có bàn tay dơ dáy nhúng vô, và đến nay, nhiều nhà vẫn còn lởm chởm, chưa giải quyết xong. “Béo bở” quá, tội gì? Lâu lâu mới có một lần.
Từ ngày xưa, Hà Nội đã là nơi quy tụ nhân tài của đất nước khiến sản phẩm đa dạng, đại diện cho văn hóa kinh kỳ. Nhiều nghệ sĩ có nói về Hà Nội như Nhà Thơ Nguyễn Bính có bài thơ Hà Nội trong tập Lỡ Bước Sang Ngang (in năm 1940). Bài thơ có 9 đoạn. Đây là đoạn mở đầu: “Hà Nội ba mươi sáu phố phường, lòng chàng có để một tơ vương, chàng qua chiều ấy qua chiều khác, góp lại đường đi, vạn dặm đường…” Và đoạn cuối: “Hà Nội ba mươi sáu phố phường, lòng chàng đã dứt một tơ vương, chàng qua chiều ấy qua chiều khác…. ô! một người đi giữa đám tang.”
Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân) trong cuốn bút ký hay tùy bút, mạn đàm (gồm 20 bài): “Hà Nội Băm Sáu Phố Phường (in năm 1943) nói tới các món ăn ngon và “đặc sản” ở Hà Nội. Ông có đề cập tới phở, chả giò, bún chả, bún thang…
Đến thế kỷ 18 là thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Quân Trịnh chiếm Phú Xuân (Huế), gọi là Đàng Ngoài, còn quân Nguyễn chiếm miền Nam (Đàng Trong). Cả hai bên đều xưng danh là Chúa. Phố Hiến trở thành Trung tâm chính trị và kinh tế quan trọng của Đàng Ngoài. Đàng Trong gồm tỉnh Quảng Nam trở vào, thuộc chúa Nguyễn, cũng luôn nhộn nhịp không kém, với các tàu buôn ngoại quốc.
Tóm lại, đô thị lớn nhất miền Bắc lúc đó chỉ có Thăng Long (Hà Nội), nhưng ngày nay đã suy tàn theo năm tháng. Thiếu nữ Hà Nội đã chiếm trọn tâm hồn mẹ tôi tưởng chừng không một phút nào phai. Nhưng rồi, sau “ngày ấy”, trong khi tôi đang chờ đi “học tập”, mẹ tôi ngồi im nghe tin “giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước” từ cô gái có giọng nói “the thé” và “khô khốc” ở cái loa đầu xóm. Mẹ tôi lắng nghe cái giọng nói không một chút nào truyền cảm, ấm áp ấy và tự nhiên (lại tự nhiên) thay đổi ý kiến. Đó là lần đầu mẹ tôi thay đổi ý kiến như vậy. Hình ảnh của mấy chục năm trước trong lòng mẹ tôi chợt sống lại. Thiếu nữ Hà Nội đây ư? Vô lý qúa. Từ đấy, tôi thấy mẹ tôi buồn nhiều hơn vui. Mẹ tôi cứ ngồi bên cửa sổ nhìn ra, rồi lại thở dài.
Đứng trước nền cũ đổ vỡ của lâu đài Thăng Long, Bà Huyện Thanh Quan phải thốt lên: “…Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương…” (Thăng Long thành hoài cổ – Hợp tuyển thơ văn Việt Nam – Nhà XB Văn Học, 1978).
Như đã trình bầy, vì thời gian qua đi, ngày nay Hà Nội chỉ còn “vang bóng một thời”, những kỷ niệm đẹp mất hút. Những con đường im vắng, cây cao bóng cả; có những cây đào, cây mai nở kín vào mùa xuân; phượng đỏ, ve sầu rân ran vào mùa hè; hoa sữa nở vào mùa thu; và những cảnh bình minh hay chiều tà với ánh trăng êm đềm vào mùa đông lạnh lẽo.
Ở miền Nam, trong lúc các anh bạn “bên thắng cuộc”, từng tốp ba bốn người, lơ ngơ, lớ ngớ xem Sài Gòn có gì khác so với quê mình không, thì tôi, trong khi chán nản, cũng đi “tham quan” một vòng Sài Gòn, thấy người ta nuôi heo (lợn) ngay cả ở trên lầu, ngay trong nhà tắm của một building cao tầng gần Viện Đại học Sài Gòn, gần Đại học Luật (chỗ nhìn ra hồ con Rùa). Sướng nhé, lần này trâu bò được lên làm người? “Họ” còn trồng rau muống, rau khoai bên vệ đường cạnh xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa, nghĩa là tận dụng từng tấc đất để cải thiện bữa ăn, hay lao động là vinh quang.
Trước ngày “xin đi ở tù”, tôi vẫn thấy mẹ tôi ngồi bên cửa sổ, im lặng “nhìn ông đi qua, nhìn bà đi lại”. Có nhiều người đã bỏ miền Bắc vào ở hẳn miền Nam lập nghiệp.
Vâng, thiếu nữ Hà Nội sau này khác nhiều lắm. Phần nhiều họ ít hiền lành như xưa (Xin lỗi). Có lẽ chính sách, xã hội, cách giáo dục đã dạy họ như thế và họ bắt chước như thế. Nhiều cảnh nữ sinh Cấp 2-3 đánh nhau, lột cả quần áo kẻ thù một cách dã man, trong khi các nam sinh quay phim, nói cười hô hố, tục tĩu hay khuyến khích bạn mình đánh người kia. Những người qua đường, thay vì can gián, chỉ biết lắc đầu ngán ngẫm quay đi. Khi có người định can ngăn, họ chỉ nói “giải quyết chuyện riêng”. Nghe nói “giải quyết chuyện riêng” không người nào muốn “đụng” vô. Công an cũng chỉ biết đứng nhìn.
Một lần, ngay trước một trường phổ thông CS hay PT nói tiếng Bắc, không biết về chuyện gì, các nữ sinh đánh nhau dữ dội, lột cả quần áo của nhau. Cạnh đó có nam sinh đứng cổ võ, cười nói, quay phim video cho mọi người cùng xem. Chợt một cô giáo trong trường đi ra, một HS la lên báo động:
– Ê, cô ra, cô ra…
Một học sinh khác:
-Cô ra….thì kệ mẹ cô.
Rồi họ cứ để hai toán thản nhiên đánh nhau như không biết đến cô giáo, cho đến khi cô giáo ra đến tận nơi mới thôi. Câu “kệ mẹ cô” nói lên tinh thần đạo đức của học sinh ngày nay đã đi xuống thê thảm. Nghĩ cho cùng, cũng không thể đổ lỗi cho họ được. Xã hội còn đầy rẫy những bất công, tham nhũng, còn cảnh mua quyền bán chức, chạy chọt, lót tay, bôi trơn…, những ông bà tiến sĩ, giáo sư được đào tạo vô tội vạ (trong mấy năm nữa, VN phải sản suất được 24 ngàn tiến sĩ để lấp vào chỗ ngu).
Vậy, không thể trách mấy cô thiếu nữ ngày nay được. Nhưng dù sao, các cô cũng là kết qủa trăm năm trồng người của một chế độ trong nước, chế độ XHCN ưu việt.
Hà Việt Hùng