Tranh: City of Words (1999)
của Vito Acconci (1940~)
Có một người đàn ông mê chữ đến độ từ hồi còn bạch diện thư sinh đã đi thuê một căn phòng mạt hạng sát bên hông thư viện quốc gia để hàng ngày đi bộ đến đọc sách.
Anh mê mẩn công việc của mình. Anh từ khước mọi lạc thú trên đời để có thể dốc trọn sức lực của mình cho việc đọc sách. Cờ bạc ư? Mất thì giờ. Rượu chè ư? Mất sức khoẻ. Còn trai gái? Không, không. Ngàn lần không. Bèo bọt lắm. Anh chọn cho mình một kiểu sống khác.
Mỗi ngày người trai trẻ ấy dậy thật sớm, y trang chỉnh tề xong, đi thẳng một mạch đến thư viện quốc gia, giam mình như một bậc tu hành nghiêm giới. Anh không nghe chim hót trên đường, không nghe tiếng còi xe, không nghe chuông nhà thờ, không nghe cả tiếng chân của mình. Anh không màng đến cảnh hừng đông hùng vĩ, không đếm xỉa đến những cái môi bĩu ra nhạo báng, không nhớ mặt người gác cổng hay cô thủ thư. Anh ta chỉ biết đến cái mặt đồng hồ của mình. Tám giờ sáng thư viện mở cửa. Mười giờ tối đóng cửa.
Ngày đầu tiên anh dạo một vòng toà nhà chứa sách khổng lồ này và thảo ra kế hoạch đọc của mình. Sẽ bắt đầu từ tầng trệt, cánh trái, dãy tận cùng, kệ trong cùng. Sau đó tiến dần qua kệ thứ hai, thứ ba... Hết dãy kệ bên cánh trái anh sẽ bò qua cánh phải, từ tầng trệt leo lên tầng thượng, cuối cùng quay ngược xuống tầng hầm. Còn số sách lỗi thời, thư viện bỏ ra bán đại hạ giá thì anh sẽ mua hết về nhà đọc. Mỗi tối người ta thấy anh cặm cụi đẩy một chiếc xe cút kít chở cả bao bố sách về nhà. Làm cách nào con người này có thể nuốt hết số sách đó trong đêm thì không ai biết. Người đàn ông ấy hài lòng với chính mình. Bất cứ ai hỏi câu nào dòng nào trong những trang đã đọc thì anh đều có thể lập lại vanh vách không sai lạc một chữ.
Vì đã ngốn quá nhiều chữ nên đầu anh bắt đầu nặng. Thoạt tiên anh không thể ngoái ra nhìn đằng sau; sau đó nặng hơn, anh không nghiêng bên phải bên trái được; nặng hơn nữa, anh không giữ được cái đầu đứng vững trên cổ. Nó làm anh lệch trọng tâm, luôn luôn có khuynh hướng bổ nhào về phía trước. Anh đã té u đầu sứt trán nhiều lần. Anh phải tự chế một cái khung đeo vào cổ để chống cho đầu đừng gục xuống. Ban đầu là khung gỗ, kế phải thay bằng khung nhôm, sau rốt là khung thép.
Đến một buổi chiều nọ khi mang cuốn sách đã đọc xong đến quầy trả lại và hỏi mượn cuốn khác thì người thủ thư mỉm cười nói: “Thưa ông, ông đã đọc đến cuốn cuối cùng. Chúng tôi không còn quyển nào cho ông mượn.”
Người đàn ông bực mình: “Cô nói sao? Cô đã rà lại kỹ chưa? Tôi nhớ hôm qua người ta mới chở về cả xe tải sách cơ mà.” Vừa nói anh vừa phải đưa tay phụ đỡ cái khung vì sức nặng của những thứ bên trong làm những cái nẹp bắt đầu oằn xuống.
Cô thủ thư bảo: “Thưa ông, số sách đó là tái bản của những quyển ông đã đọc qua. Không còn quyển nào ông chưa đọc đâu ạ.”
Người đàn ông bắt đầu giận dữ: “Làm gì có chuyện hết sách. Chưa tới giờ đóng cửa mà. Cô kiếm lại giùm tôi đi, có thể sách còn trong kho chưa xếp lên kệ.”
Cô thủ thư nói: “Thưa ông, tôi bảo đảm là không còn quyển nào nữa. Tôi đã coi tất cả danh mục cho ông rồi.”
Người đàn ông đưa nắm đấm lên đe doạ: “Ai là giám đốc điều hành ở đây? Cho tôi gặp người đó đi. Mấy người chỉ tổ làm biếng.”
Thái độ lỗ mãng của anh làm tất cả những người đang có mặt ở đó quay lại nhìn. Một nhân viên bảo vệ và một phụ nữ có đeo bảng tên ghi rõ chức vụ bước đến : “Ông không được gây mất trật tự ở đây. Chúng tôi đã kiểm tra toàn bộ hệ thống. Không còn quyển sách nào cho ông đọc nữa.”
Người đàn ông vung tay, phùng mang trợn má: “Đồ nói dối. Làm gì có chuyện không còn quyển sách nào. Tôi sẽ trình việc này lên Viện Hàn Lâm. Nếu cần sẽ ra toà. Đi tới đâu tôi cũng đi tới cùng. Mấy người chống mắt lên mà coi. Tôi sẽ... Tôi sẽ...”
Nói tới đây thì anh lảo đảo, lảo đảo như cái bông vụ đang mất thăng bằng. Trọng lượng của đầu anh đã vượt quá sức chịu đựng của cái khung thép. Những cái nẹp bẹp xuống từ từ vì những cử động vô thức của đầu anh trong cơn quá khích. Sau rốt thì anh ngã lăn cù ra sàn nhà.
Tính đến hôm nay thì người đàn ông mê chữ đã đọc sách theo kiểu đó được đúng bốn chục năm. Ông được đưa vào bệnh viện. Một vị bác sĩ đến xem xét cho ông rất kỹ lưỡng.
Bác sĩ nói từ tốn: “Ông sẽ mãi mãi liệt giường không đi đứng được nếu không lấy số chữ trong đầu ra. Sức chứa trong đầu ông đã quá tải.”
Người bệnh rên rỉ: “Trời ơi. Đó là tất cả gia tài sự sản của tôi trong bao nhiêu năm nay. Bây giờ lấy ra. Lấy ra rồi tôi để số chữ ấy ở đâu? Tôi không đành lòng để ông quăng chúng xuống sông đâu.”
Bác sĩ ôn tồn: “Tôi biết là ông quí những chữ ấy lắm. Tôi sẽ không quăng chúng xuống sông. Tôi sẽ giữ lại cho ông.”
Người đàn ông hết sức đau lòng nhưng đã đến nước này, ông ta đành chấp nhận giải pháp của bác sĩ.
Bằng một thủ thuật tinh vi bác sĩ khoét một cái lỗ thật nhỏ trên hộp sọ, không gây thương tổn cho bệnh nhân, xong dùng một cái kẹp dài gắp ra từng chữ một. Có một điều bác sĩ không ngờ rằng bệnh mê chữ lây lan như một bệnh truyền nhiễm thật sự nên chẳng bao lâu ông đã bị nhiễm chứng ấy hồi nào không biết. Càng lúc ông càng sa đà vào công việc của mình như mắc phải mê hồn trận đến bỏ cả gia đình, vợ con, tôn giáo, quốc gia, chính trị... để chuyên chú vào việc gắp chữ. Gắp được chữ, vị bác sĩ mừng như gắp được vàng. Ông để những chữ đó trên bàn tay run run của mình đem tới trước mặt bệnh nhân.
“Trời ơi. Ông bạn ơi. Coi đây nè. Có phải những chữ này bằng vàng không?”
Người bệnh tột cùng xúc động: “Ôi. Tôi có phí cả đời mình cho những chữ này cũng không tiếc.”
Vị bác sĩ lấy một con chữ đưa lên miệng cắn. Nước miếng ứa đầy kẽ răng. Vàng thật. Thật trăm phần trăm. Hai người nâng những con chữ lên môi hôn. Bốn cái hồ lệ dâng lên những giọt nước sung sướng tràn trề. Họ quá mê chữ. Họ đã lậm với chữ.
Vì không rõ số lượng chữ trong đầu bệnh nhân là bao nhiêu nên bác sĩ dự tính sẽ hoàn tất công việc của mình trong bốn tuần, cùng lắm là bốn tháng. Không ngờ số chữ ấy quá lớn, vượt ngoài sức tưởng tượng của bác sĩ, chữ nọ lại móc chữ kia, càng gắp càng ra, ra, ra, ra bất tận, nên tới bốn năm mà đầu người bệnh vẫn còn gập xuống cằm, dính với ngực, chưa ngẩng lên được. Bác sĩ kinh hoảng đem các phim chụp đầu ra phóng lên cực đại thì nhìn thấy chữ bên trong bị xếp chồng chồng lớp lớp lên nhau, nén cứng ngắc như người ta nén khí vào bình hơi. Nếu mở lớn hộp sọ cho chữ thoát ra nhanh thì có nguy cơ người bệnh sẽ chết, nên hình thức tiểu phẩu là cách duy nhất có thể làm. Số chữ lấy ra mới đầu được chứa trong thùng cạc-tông, lần lần chuyển sang các rương lớn, sau đem chứa vào nhà xe, sau phải đem gởi bớt nhà lân cận, gởi bạn bè, gởi trong các kho hàng. Bác sĩ vẫn không nao núng. Ông không ngại dốc túi để xây nhà chứa chữ. Số xi-măng và gạch cát chở đến xây được ngôi nhà to như toà bưu điện thành phố nhưng chứa vẫn không đủ. Người ta phải nới bên tả, bên hữu, đào hầm, chất tầng nọ lên tầng kia, đốn cả khu rừng để làm kệ, cho đến khi con chữ cuối cùng được xếp vào thì ngôi nhà ấy có kích thước bằng ngang thư viện quốc gia. Thời gian tổng cộng cho việc gắp chữ ra khỏi đầu bệnh nhân là bốn chục năm chẵn. Vị bác sĩ cũng trắng tay. Ông đã khánh kiệt trong việc trút toàn bộ tiền tài của cải để xây ngôi nhà vĩ đại đó.
“Tôi không có gì ân hận.” Bác sĩ vừa nói vừa ôm ngực vừa nhìn lên tầng cao chót vót của nhà cất chữ. Những con chữ xếp đàng sau cửa kính tươi cười lấp lánh. Niềm hoan lạc trong tim bác sĩ không chịu nằm yên trong bốn ngăn chật chội mà bung ra, đột ngột vỡ oà làm con người đam mê mờ mịt ấy trong phút chốc hóa thành thiên cổ. Sự cuồng si nếu phải đánh đổi bằng cái chết thì âu cũng không phải là điều quá đáng.
Còn bệnh nhân sau khi trút bỏ được hết những con chữ ra khỏi đầu thì cảm thấy thật nhẹ nhàng. Nhẹ tợ một đám mây. Nhẹ như một làn khói. Ông nghĩ ông có thể bay lên được. Nhưng kỳ thực, ông không muốn bay đi đâu. Ông không muốn rời khỏi nhà cất chữ. Ông nằm thoi thóp trước bậc thềm cẩm thạch, muốn vói tay xoay nắm đấm cửa để vào sờ nắn từng con chữ thân yêu của ông mà không làm nổi. Trên tầng cao những con chữ vàng ròng kêu leng keng vẫy gọi, rực lên cái màu óng ả reo vui dưới ánh mặt trời. Ông ngẫm nghĩ: “Mê chữ cũng như mọi đam mê khác trong đời. Kiếp người hữu hạn. Chắc tới lúc mình phải ra đi. Nhà cất chữ đành để lại cho trần thế. Dù sao mình cũng đã hết lòng.”
Ông lão thiếp dần, thiếp dần trong hạnh phúc viên mãn. Ông thấy mình nằm trong vũng chữ, tuyệt vời như con sâu nằm trong cái kén của nó. Linh hồn ông bay bổng ngút tầng không. Vào những ngày quang đãng người ta vẫn kháo nhau về một đám mây lạ hình dạng hao hao giống khuôn mặt người mang đôi mắt si dại thỉnh thoảng bay lượn lờ xung quanh nhà cất chữ. Từ đám mây có khi người ta hứng được vài giọt nước. Biết đâu đó là chút vương vấn sau cùng của niềm đam mê mãi còn chưa siêu thoát.
Cao Thanh Phương Nghi
7/2010