có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 6 08, 2017

Buổi học cuối cùng



Tháng tư một ngàn chín trăm bảy mươi hai, mùa hè mùa gió cát, nhưng trên sân trường, không khí vẫn còn lạnh những sáng mai vào lớp sớm. Buổi học cuối cùng của tôi bắt đầu bằng giờ Văn, rồi đến giờ Sử, và kết thúc bằng hai giờ Toán, vốn là môn học chính. Bài giảng của thầy chấm dứt với một bài toán vẽ đường tiếp tuyến với đường tròn trên bảng đen. Trong mười lăm phút mà thầy cho, cả lớp ban toán không sao giải nổi bài này. Rất hiếm khi tôi gặp một bài toán khó, tự mình không giải được như lần đó. Trống trường tan học. Ra về lòng ấm ức. Tôi gặp thầy dạy toán ở cổng trường, đi chiếc Vespa màu xanh da trời nổi tiếng của thầy, ông cười cười bảo tôi lên xe để ông chở về nhà. Học sinh thời ấy đi học về được giáo sư nổi hứng chở trên yên sau là vinh dự lắm. Không hiểu sao hôm đó thầy có vẻ buồn buồn. Thầy dạy Văn và dạy Sử cũng buồn. Chợ búa vẫn đông đúc, nhưng xao xác loạn lạc. Bến đò tấp nập người đi người đến, tất bật vội vã. Tin chiến sự như một làn lửa bỏng thổi lại ngày một gần. Gio Linh, Dốc Miếu, Cồn Tiên, rồi Ðông Hà, Cửa Việt. Thế hệ chúng tôi mới lớn, những thằng con trai 16, 17 tuổi tâm hồn thơ mộng như những trang sách Tự Lực Văn Ðoàn, bồng bềnh như mây, lãng đãng như cúc, dại khờ như một bầy ngỗng trời qua sông mùa nước lũ, dù mắt nhìn bom đạn không còn là chuyện lạ lùng, lòng vẫn nghĩ rằng những ngày thơ tháng mộng của tuổi trẻ đẹp như thế sẽ chẳng có cách nào biến mất đi được. 

Nhưng bây giờ thì có một cái gì đó rất khác đang xảy ra. Như đàn chim vỡ tổ. Sau giờ học toán, chúng tôi không biết là sẽ chẳng bao giờ quay lại nữa, để được ngồi trên hàng ghế cũ, đầy những vết mực tím xanh hồng, dưới mái ngói xưa rêu phong chim sẻ bay đi mùa hạ xa vời, để được nghe tiếng thầy cô giảng bài trong những buổi tối mùa đông xám lạnh, khi ngoài cửa kính mưa vạch những giọt buồn rầu, và ngoài xa kia con đường nhựa đầy bụi đỏ đã lên đèn. Tôi còn giữ một cuốn sách là cuốn Thi Nhân Tiền Chiến mới mấy hôm trước mượn của thư viện trường. Không hiểu sao hôm đó, đưa sách cho tôi, thầy quản thủ thư viện dặn tôi rằng: "Nếu có chuyện gì, em cứ giữ lại mà dùng". Tôi rất ngạc nhiên, vì lệ của thư viện trường rất nghiêm, học sinh chỉ được mượn về nhà trong thời gian ngắn. Thư viện mới xây cất, với nhiều cuốn sách mới lạ, là một nơi hấp dẫn với những người mê đọc sách. Cuốn sách đó tôi còn giữ lại rất lâu về sau, và không có cách gì trả lại cho trường và cho thầy được nữa. Thầy đã mất vài ngày sau đó trên chuyến xe đò vào Huế. 

Phượng bắt đầu trổ bông trên lối đi. Dọc con đường Gia Long gần bờ sông, những nhành cây xòe ra thắp lửa buổi chiều rực rỡ, khi trên sông mặt trời mùa hạ gần tàn. Trong những tập lưu bút ngày xanh của học trò mới lớn, trao cho nhau ngoài hành lang lớp học, một thói quen mà tôi nghĩ bây giờ người ta hình như không còn nữa, đã bắt đầu ghi những lời lưu luyến chia tay kiểu như "màu hoa phượng thắm như máu con tim..." khi lớn lên ta đọc lại thấy buồn cười, nhưng vào lúc đó chúng chứa đầy biết bao chất dinh dưỡng cho những tâm hồn non dại, mà mãi mãi về sau chẳng ai tìm lại được. 

Tôi qua sông về nhà trên chuyến đò chen chúc, những khuôn mặt ngày thường thanh thản với cuộc sống đồng quê, nay đầy vẻ lo lắng bất an. Sông nước lặng lờ vẫn trôi đi những nhánh rong xanh, nhưng giờ đây chúng trở thành xa lạ như mây của một bầu trời khác, huyền ảo, như một kỷ niệm nào không thật. Trước chân tôi, gánh ổi thơm hái vội trắng ngần trong vườn nhà ai sau một đêm mưa, mang ra chợ rồi lại mang về. Chuyến đò cuối cùng của tôi thời đi học. Sau này lang thang viễn xứ, tôi còn được đi nhiều chuyến đò ngang đò dọc khác, nhưng chúng không còn là những chuyến đò của người học sinh năm cũ, buổi sáng lãng đãng rẽ sương mù, buổi chiều bồng bềnh giữa khói lam chiều ấm áp. 

Hoa trong vườn nở rộ. Trái trên cây chín hết cành. Mít rụng đầy những gốc cây vườn nhà ngoại. Mùa hè đó, ớt cũng chín đỏ rực những cánh đồng hoang dại ven sông. Mãng cầu và ổi thơm lừng trên cây không ai hái. Buồng chuối mật trong chiếc lu sành của mẹ tôi chín rục, thò tay vào nóng như lò lửa, không ai ăn. Mùa hè đó, chim về đậu đầy cây, trên những cành thẳng nhất. Chim cuốc chạy ven hiên nhà như những chú gà con. Chim chiền chiện lúc thúc trong những bãi mía đột ngột bay vút lên cao, cất tiếng hót ngân nga như thể chúng vốn từ trên trời rơi xuống. Mùa hè đó, tạo vật rực rỡ, nhưng lòng ta xao xác, chia lìa. 

Vài ngày sau, cả thị xã di tản. Những xe tăng và xe quân đội chúc đầu xuống dòng sông Thạch Hãn, máy vẫn còn nổ ầm ỉ một lúc lâu, dầu mỡ loang đầy mặt nước. Con đò chở tôi đi học không còn. Tôi một mình bơi qua dòng sông vắng lặng. Bầu trời mùa hạ xanh cao thăm thẳm như ngọc. Tôi đi một mình dọc bãi cát chờ cho nắng làm khô hết áo quần. Tôi đá chân vào những lon nước ngọt và những bi đông đựng nước của nhà binh, tìm lại cái cảm giác của đứa trẻ nhà quê thích đá bóng, một đời không có sân chơi. Tôi thấy buồn buồn như người cầu thủ đứng một mình dưới vòm gôn lớn rộng, một mình một bóng, tha hồ đá vào gôn mà không ai bắt, nhưng lại buồn rầu không muốn đá nữa. Cái cảm giác hư vô đầu đời. 

Tôi dừng lại trước cổng trường Bồ Ðề, Thánh Tâm, Phước Môn, và cuối cùng trường của tôi, Nguyễn Hoàng. Tôi một mình đi lang thang qua nhiều lớp học. Dãy nhà dài mái tôn vách trắng của những lớp đệ thất, đệ lục. Căn phòng nhỏ và chổ ngồi của tôi khi tôi ngồi thi vào đệ thất mấy năm về trước, gần sân bay trực thăng. Tôi ngồi vào lớp học của anh tôi, một lớp ban Văn, mà ngày xưa tôi không hề dám bước chân vào. Thư viện cửa mở toang. Sách vở bàn ghế đã bị ai phá phách. Tôi đi qua cửa phòng của thầy Tổng giám thị và thầy Hiệu trưởng, tò mò muốn bước chân vào, nhưng nghĩ sao lại không vào nữa. Có lẽ tôi vẫn tin rằng những người thầy và cô của tôi vẫn còn ngồi làm việc ở đó, sau chiếc bàn dài, mái tóc bạc cúi xuống. Có lẽ tôi vẫn còn tin rằng lòng kính trọng với quá khứ tạo nên những giá trị của tâm hồn, cần được vĩnh hằng giữ lại trong mỗi chúng ta, những người vốn bị cuộc đời vùi dập, làm cho tan nát và đôi khi trở thành khinh bạc vô ơn. Tôi nhớ lại nụ hôn thầm ngày cũ, một nụ hôn chẳng bao giờ có thật trong đời, dưới bóng cây khuynh diệp. 

Tôi lang thang qua những con đường vắng người, trở nên đẹp lạ lùng như cổ tích. Hôm đó trời nhiều mây, tháng tư mà như mùa thu chớm lạnh, có phải vì một cơn mưa rào ở chân trời sắp bay tới, hay vì lòng tôi đầy kỉ niệm của những buổi tan trường, tựu trường. Tôi không biết nữa. Bạn hãy tưởng tượng một chú bé mười sáu tuổi, đi đôi dép sút quai lang thang qua thành phố không người, qua ngôi chợ không người, những quán cà phê không tiếng nhạc, những vòm cây đầy trái chín không ai hái, những ngã tư không có người cảnh sát gác đường, đi dưới những cánh cửa sổ cao cao mỗi đêm khuya hắt xuống ánh đèn mái tóc dài ngồi học bài, nay gió bật cửa mở toang, trống trải. Tôi không còn nhớ bằng cách nào cuối cùng tôi đã dừng lại trong hiệu sách Lương Giang, một hiệu sách nổi tiếng, ông chủ có đứa con trai học cùng lớp với tôi. Trên những giá sách vẫn còn sắp xếp gọn gàng những cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê, Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Tuân. Ðây là tập thơ Gởi Hương Cho Gió của Xuân Diệu mà mới một tuần trước đây tôi đến đứng ngắm, không có tiền mua. Ðây là tạp chí Văn, số đặc biệt về một nhà văn được giải Nobel, tôi từng cầm lên đặt xuống hai ba lần, thèm mua nhưng túi tiền của trẻ con chưa cho phép. Trên sàn nhà cuốn Chùa Ðàn của Nguyễn Tuân và cuốn Mười điều tâm niệm của Hoàng Ðạo nhìn tôi đầy vẻ ngậm ngùi. Tôi thầm xin lỗi người chủ hiệu sách và thằng bạn học cùng lớp của tôi, rồi vơ vội một đống sách nhét vào chiếc ba lô mà tôi tìm thấy ngay trước cửa, của ai đó chạy vội để lại. Ðây là cuộc ăn trộm sách đầu tiên của tôi. Về sau tôi đã tặng hết chồng sách đó cho một người bạn mới quen. Anh lớn hơn tôi một tuổi, học sinh tốt nghiệp lớp mười của một trường trung học ở Hà Nội, khai tăng một tuổi để xung phong đi lính vào Nam, giải phóng cho những người bạn như tôi. Anh ở trung đoàn Tam Ðảo, một trung đoàn chịu nhiều tổn thất trong những trận đánh khủng khiếp xảy ra vào mùa hè đỏ lửa. Hai đứa tôi trở thành một đôi bạn lạ lùng, khi đơn vị của anh hành quân qua làng, ở lại vài tuần trong nhà dân, dưỡng quân, chuẩn bị cho những trận đánh lớn, và anh kịp làm quen với tôi, một người học sinh miền Nam, mà đối với anh là lạ lùng nhưng dễ thương, thơ mộng nhưng ngốc nghếch, vì không hề biết rằng mình cần được giải phóng. Tình bạn ngắn ngủi nhưng tha thiết này như một dấu ấn ngọt ngào về sau mãi mãi tỉnh thức trong lòng tôi, như sự nối dài giấc mơ về những đồi sắn bạt ngàn của vùng quan họ Bắc Ninh trong Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, như sự nối dài những con đường Hà Nội đầy sương mù thơm mùi hoa sữa trong Ba Mươi Sáu Phố Phường của Thạch Lam, trong Thương Nhớ Mười Hai của Vũ Bằng, như châu thổ sông Hồng dấu yêu giấc mơ của tuổi trẻ miền Nam về một miền đất nước cội nguồn huyền thoại, mà trong thực tế của đời, nửa là có thật, nửa là không. 
Những ngày ngắn ngủi hai đứa nằm bên nhau trong căn hầm chữ A đào vội sau hiên nhà, gác chân lên nhau như hai đứa trẻ đồng quê, đầu gối lên những cuốn sách của tôi, những cuốn sách mà ba tôi mua cho tôi, mà thầy dạy văn thưởng cho tôi nhờ học xuất sắc môn Văn của thầy, những cuốn sách mà tôi nhặt được trong thư viện nhà trường và trong hiệu sách Tao Ðàn và Lương Giang, những đêm không ngủ nằm trò chuyện đủ mọi thứ trên đời. Anh kể cho tôi nghe về phố Cầu Muối nơi anh sinh ra và lớn lên, về người mẹ làm việc trong một nhà sách ngoại văn nào đó, hình như là một dịch giả chuyên nghiệp tiếng Pháp, về một cuốn sách trên bàn làm việc của mẹ anh, lúc anh rời Hà nội, có tên là Bonjour Tristess của Francoise Sagan, mà anh hỏi tôi nghĩa là gì vì anh không biết nghĩa nhưng nhớ được mặt chữ. Tôi kể cho anh nghe về tuổi thơ của tôi, bom đạn xóm làng, bạn bè chia biệt, người đi lính, kẻ vô bưng, kể cho anh nghe về thầy giáo cô giáo của tôi, về những giờ học Văn, học Sử, về Ðêm Nghe Tiếng Ðại Bác của Nhã Ca, về người trưởng ga xe lửa không có việc làm đêm nằm mơ đoàn tàu Nam Bắc trong cuốn tiểu thuyết của bà. 

Sau tháng tư năm 1975, tôi một mình vượt biên ngược ra Bắc, bằng một thứ giấy tờ lăng nhăng lượm được, vì lúc ấy giữa hai bờ Nam Bắc chưa có tự do đi lại, chỉ có cán bộ công tác và bộ đội mới được phép. Tôi đi từ vĩ tuyến mười bảy, qua sông Bến Hải, rong ruổi qua những làng mạc thị xã của miền Bắc bị chiến tranh tàn phá, Vĩnh Linh, Hồ Xá, Quảng Bình, sông Nhật Lệ, rồi phà Bến Thủy, qua Vinh, Nghệ An, Thanh Hóa, rẽ qua Thái Bình, quê hương của Thằng Vũ, Thằng Côn, những nhân vật truyện tuổi thơ cua DA mà học trò nhỏ chúng tôi thường hay đọc thời ấy, ngược lên Hải Phòng, với chiếc ba lô mà ngày trước tôi dùng để đựng sách trong hiệu sách Lương Giang, nay đựng mấy bộ quần áo và một ít lương khô, tem phiếu xin được, đổi xe nhiều chặng, năn nỉ các chú tài xế ngang tàng bặm trợn nhưng tốt bụng, và hồi đó không biết làm tiền khách, cuối cùng tôi đến được Hà Nội. Lòng tôi hồi hộp run lên trước cửa nhà của bạn tôi, trước cái địa chỉ mà anh cho, để sau này liên lạc một khi, như anh nói, đất nước ta trở lại hoà bình, anh sẽ dẫn tôi đi thăm miền Bắc của anh. Buổi sáng hôm đó, mùa hè muộn sắp vào thu, phượng ngoài đường vẫn còn nở đỏ. Hoa phượng ở Hà Nội không khác hoa phượng ở quê tôi là mấy. Mây trời xuống rất thấp như sắp sửa chui vào các cửa kính. Như lòng tôi, khi được gia đình bạn báo tin. 
Trên chuyến tàu xuôi Nam, tôi lục từ trong ba lô ra món quà nhỏ dành cho người bạn cũ, một cuốn sách mà tôi mới mua được trên vỉa hè bán sách xôn. Cuốn Hoàng Tử Bé, của Saint-E, Bùi Giáng dịch. Tôi dự định đặt cuốn sách này lên mồ của bạn tôi, và đốt đi, nhưng vào lúc đó không ai biết anh đã nằm xuống ở đâu. Hay là cậu hoàng tử bé đã không còn ở với chúng ta trên trần gian này nữa. 

Bạn bè của tôi, cùng lớp và cùng trường, bao nhiêu người cũng đã nằm xuống như những hoàng tử bé không tên không tuổi, bên này chiến tuyến, hoặc bên kia, sau mùa hè năm đó. Một mùa hè không bóng người trên đại lộ, không bóng người trong chợ búa, không có kẻ sang sông, cũng không người tiễn biệt quán hoàng hôn. Những ngày cuối năm 1971, khi thực hiện giai phẩm xuân trung học, thầy trò chúng tôi và những người yêu thơ có hẹn nhau sẽ cùng ra mắt một tuyển tập thơ mùa hạ. Hẹn nhau về trong gió cát. Lời hẹn ấy mãi mãi là đơn sai. Chúng ta như những hạt cát bay mịt mù tám hướng, mỗi khi ngoái lại chân trời cũ, nhớ phấn trắng, nhớ sân trường, ứa nước mắt nhớ phượng hồng, tiếng chim trên mái, một mùa hè rực rỡ trái cây, như tàn lửa đỏ cuối cùng trước trang sách tro than. 

Tôi mỗi năm vẫn đi lại con đường cũ, trong tâm hồn mình, con đường từ nhà tôi, trước khi qua sông, qua một rặng đồi cát trắng tinh khôi, nơi có những bụi gai và sim rậm rạp. Xuyên giữa những bụi gai với trái chín tròn tròn vàng vàng , căng bóng thứ nước nuốt vào ngọt mát, những bụi sim trái tím vị ngọt đậm và hơi chát, là con đường mòn nhỏ ít người đi , giữa hai bờ cỏ chỉ để lọt bàn chân bé xíu của tôi. Chính trên còn đường đi học mỗi ngày ấy, cha tôi đã cõng tôi đi, trong lần đầu đến trường. Trên con đường ấy, một buổi sớm tinh sương, cậu bé sáu tuổi, học lớp một, đã gặp con chồn đầu tiên của đời mình, một con chồn nhỏ lông vàng óng, với cái đuôi cong tít . Chúng tôi tình cờ gặp nhau ở giữa đường, một mình, đứng sững, bốn mắt nhìn nhau. Tim tôi hồi hộp đập loạn xạ. Tôi tin là tim nó, con chồn nhỏ ấy, cũng đập loạn xa. Các bạn có muốn biết là sau cùng, chúng tôi đã làm gì không? 

Tôi một mình mỗi năm vẫn nhớ lời hẹn cũ, mỗi năm vẫn về như con chim chào mào trên cây khế nửa chua nửa ngọt bên nhà ngoại, mà mẹ tôi thường sai tôi chạy qua, trèo lên hái nấu canh hến và canh cá tràu những ngày nóng nực mùa hè, vẫn về như mây trong giếng nước đầu làng mùa thu, ngồi lên bậc cửa sân đình, lấy tay gõ lên cánh cổng trường, chắp tay hầu chuyện với thầy xưa bạn cũ, thắp nén hương trên mồ anh tôi, người lính nằm lại trên chiến trường, và thắp thêm một nén hương khác trên nấm mồ hư vô của một người lính khác chiến tuyến với anh tôi, nhưng tình cờ lại là người bạn thân tuổi nhỏ của tôi. Rồi một ngày kia biết đâu hai người lính đó sẽ có lúc nằm gần nhau, gác chân lên nhau, trò chuyện với nhau như tôi từng đã. Biết đâu một ngày kia mùa hè cây trái lại về sinh nở rực rỡ, chim chóc lại về đậu kín trên những cành cây thẳng nhất, hót líu lo, nhưng lòng người không xao xác ly tan.


Nguyễn Đức Tùng