có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 7 27, 2015

Một Vở Kịch Không Kịch



“Khi một người ý thức về sự hiện hữu của mình thì thời gian hiện hữu, giống như một người soi gướng, cái giây phút mà hắn nhìn thấy khuôn mặt của hắn trên tấm gương soi thì cùng một lúc hắn đã nhìn thấy quá khứ, hiện tại và tương lai của hắn” 
 Chamecon


Hắn biết có lúc nàng đã yêu hắn, nàng đã thực sự yêu hắn với tất cả tâm hồn nàng . Điều đó cũng tất nhiên thôi, bởi vì họ đã sống với nhau quá lâu, đã có chung với nhau quá nhiều điều đếnn nỗi trong một vài trường hợp, người ta khó phân biệt được giữa nàng với hắn, giữa hắn với nàng . Nhưng nàng giống một con cắc kè, nàng thay đổi màu sắc theo cái nơi mà nàng lui tới . Nàng màu xanh trên thảm cỏ, nàng màu vàng trên mặt đất, nàng màu nâu trên thân cây, vì thế mà những gì họ có với nhau đã trở thành sương khói. Hắn luôn nghĩ về nàng như hắn nghĩ nghĩ về chính bán thân hắn và hắn đã bất ngờ phát giác ra một điều, cái họ thiếu chính là những con tim và thêm một điều nữa , cái họ có thì quá nhiều, quá nhiều cho một cuộc sống yên bình, họ không thể yêu được với những gì họ đã có.

Hắn muốn viết một vở kịch về thảm kịch của chính hắn . Hắn muốn nàng sẽ là vai chính trong vở kịch đó, và hắn là một vai chính khác, bên cạnh có thêm nhiều vai phụ Vở kịch có lẽ sẽ bắt đầu bằng hai nhân vật , nàng và hắn ở màn một, đến màn hai: Nàng vài vai phụ 1. Màn ba: Nàng vài vai phụ 2. Màn bốn: Nàng vài vai phụ 1, vai phụ 2, vai phụ 3. Màn năm: Hắn và ngôi nhà của hắn. Màn sáu: Nàng với cái gương soi nàng.

Vở kịch sẽ bắt đầu, ở màn một là khung cảnh của một buổi rạng đông. Màn Hai: Mưa. Màn ba: . Màn bốn: Lụt. Màn năm là đêm. Màn sáu là giữa khuya. Khi màn đóng xuống và không được kéo lên nữa thì vở kịch chấm dứt, hắn muốn khan giả phải tự đặt câu hỏi;- Nàng đã thấy gì trên tấm gương soi của nàng ? Hắn thích thú và hết sức tò mò về câu trả lời cho câu hỏi này. Nàng đã thấy gì trên tấm sương nàng soi ? – Khuôn mặt của nàng ? Trái tim của nàng ? Nàng đã thấy hắn . Thấy vai phụ1? Vai phụ 2? Vai phụ 3? Hay thấy một điều gì khiến nàng vô cùng hối tiếc ? Nàng đã có thể sẽ thấy ở trên đó, trên tấm gương soi của nàng vào lúc giữa khuya một bầu trời và những đám mây chỉ lướt qua một lần để không bao giờ trở lại ? Hay nàng thấy trên đó bóng tối và yên lặng của đêm khua ? Hắn thực sự muốn biết nàng đã thấy gì trên tấm gương soi vào cái giây phút cấp thiết nhất của đời nàng .

Sẽ không có màn nào, nàng, hắn và bất cứ một vai phụ nào cùng xuất hiện . Hắn không có điểm nào tương đồng, tương phản hay tương quan với những vai phụ, hắn chỉ không cùng một bản chất với họ thôi. Những vai phụ thì cùng một bản chất, tuy khác nhau ở cách thể hiện . Họ có những theo đuổi giống nhau, những mục tiêu giống nhau, những xung đột giống nhau. Nàng như một mục tiêu để cho những mũi tên của họ nhắm vào, nàng hứng tất cả những mũi tên hướng về nàng và đó cũng là một điểm chính của vở kịch, vậy thì hắn sẽ trình bày điểm này trong màn bốn khi nàng cùng tất cả những vai phụ cùng xuất hiện.

Bây giờ là sự sắp xếp cho màn năm của vở kịch, màn hắn là vai chính và ngôi nhà của hắn . Khán giả sẽ thấy hắn một mình ngồi giữa ngôi nhà của hắn, một ngôi nhà màu trắng với những chiếc cột rất to, trần nhà thật cao có những hình chạm trổ trên đó, trông giống như một đền thờ. Hắn ngồi đó và nhìn thấy nàng cùng một lúc ở khắp nơi trong ngôi nhà. Âm nhạc từ đàn đại hòa tấu tràn ngập không gian, dần dần nàng biến mất ỏ mỗi góc nàng đứng theo với sự giảm dần những âm sắc của dàn đại hòa tấu, trước hết là dàn kèn đồng, sau đó là dàn sáo, rồi đến đại hồ cầm, rồi vĩ cầm, sau đó là dương cầm và cuối cùng yên lặng, lúc đó cũng không còn nàng trên sân khấu. Nàng đã biến dần, biến dần khỏi trí nhớ của hắn như một bản đại hòa tấu rực rỡ đã biến dần khỏi thính giác người nghe. Đó là điều hắn muốn trình bày trong màn năm


Nói thêm về màn năm:

Nàng đứng khắp nơi trong ngôi nhà của hắn với phục sức khác nhau, ở góc này nàng mặc đồ của một cô gái trẻ tươi ở góc khác nàng là một người đàn bà trưởng thành, ở góc khác phục sức như một mệnh phụ, ở góc khác như một nghệ sĩ, ở góc khác như một cô dâu …

Còn hắn, phải cho hắn một diễn xuất , hắn không thể cứ ngồi yên như trời trồng để nhìn nàng biến dần khỏi trí nhớ của hắn ! Có lẽ nên đặt hắn trên một bục quay, hắn ngồi bất động trên bục quay đó, lúc âm nhạc bắt đầu bằng những âm thanh cực mạnh, cái bục cũng bắt đầu quay, quay chầm chậm rồi quay nhanh dần, nhanh dần – sự quay của chiếc bục thể hiện sức phấn đấu của hắn để đẩy nàng ra khỏi trí nhớ của hắn, khi âm nhạc chấm dứt thì cái bục cũng ngừng quay, và nàng cũng không còn hiện hữu trong ngôi đền của hắn nữa. Màn buông.

Đến màn sáu, hắn thực sự không biết khuôn mặt của nàng lúc đó ra sao, vì thế hắn định sẽ xếp nàng ngồi trên sân khấu ở cái vị thế mà khán giả không nhìn thấy được khuôn mặt của nàng, nàng sẽ hơi quay lưng về phía khác giả đầu nàng chùm một chiếc khăn và mặc chiếc áo phủ dài dến chân, nàng đang nhìn vào một tấm gương soi, khán giả cũng không thể nhìn là nàng đã nhìn thấy trên tấm gương soi được trình bày bằng ánh sáng trên sân khấu và âm nhạc vọng lại từ hậu trường .

Trước hết là ánh sáng màu hồng tràn ngập sân khấu, như ở màn một, khán giả nghe điệp khúc của một cảnh tình ca quen thuộc với họ, sau đó ánh sáng chuyển dần qua màu đỏ và âm nhạc đến từ hậu trường nghe như một cơn mưa, rồi ánh sáng chuyển qua màu xám, âm nhạc với phần percussion dữ dội như một cơn bão, rồi ánh sáng chuyển qua màu vàng, âm nhạc với phần đại hồ cầm nặng nề như cơn lụt, sau đó chuyển dần qua màu tím với tiếng dương cầm rời rạc như bóng đêm . Rồi ánh sáng trên sân khấu tự nhiên đổi màu sắc liên tục, hỗn loạn và xen kẽ những màu ở trên, âm nhạc cũng cùng một lúc trở nên rối loạn, ồn ào, đầy những chõi âm .. rồi tất cả, ánh sáng và âm nhạc, đột ngột ngừng hẳn. Màn hạ . Hắn muốn khán giả phải tự hỏi, màu gì, âm nhạc gì, đã phản chiếu trên tấm gương soi của nàng . Nàng nhìn thấy gì trên tấm gương soi đó? Hắn cũng không biết thực sự nàng đã thấy gì trên tấm gương soi ? Nhưng, với tư cách một người viết kịch, hắn muốn nàng thấy gì trên tấm gương soi ? Hắn tự hỏi hắn như thế. Hắn suy nghĩ và hắn tự trả lời: Hắn không muốn gì cho riêng hắn cả, nhưng hắn thực sự mong muốn nàng thấy được trên tấm gương soi cái gì mà nàng muốn thấy nhất, hắn muốn cho nàng được hạnh phúc, không phải theo cái cách của hắn, mà theo cái cách của nàng. Hắn đã thất bại một lần với nàng, hắn không muốn thất bại thêm một lần nữa.

Hắn đang tự nghĩ, có nên thêm màn bảy cho vở kịch không ? Khán giả có cần phải biết những gì họ đoán là đúng hay sai không ? Nhưng hắn cũng biết, nàng chỉ có một câu trả lời, trong khi khán giả của hắn lại đông đảo và có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau cho giải đáp: nàng đã thấy gì trên tấm gương soi ? Nàng có thể thấy mọi thứ nàng muốn thấy, nhưng nàng không thấy được cái gì đang thực sự hiện lên trên tấm gương soi, bởi cái đó có thể không nằm trong ý muốn của nàng . Nhưng, trong tận đáy sâu thẳm hồn hắn, ở giữa trung tâm của não bộ hắn, hắn biết những gì đáng lẽ nàng đã thực sự phải nhìn thấy. Hắn quá thân thuộc với nàng, hắn quá hiểu nàng, quá đủ để có thể biết được những gì sẽ phải hiện lên trên tấm gương soi của cuộc đời nàng. Hắn giữ điều đó cho riêng hắn, những khán giả của hắn không cần phải biết điều đó để họ muốn nàng có, và chính nàng nữa, nàng sẽ có thể giữ riêng cho nàng những gì nàng muốn tìm thấy, vì thế mà hắn không nên tiết lộ thêm điều gì nữa – Màn bảy thật sự không cần thiết cho vở kịch.

Về cách hóa trang và phục vụ thì chuyên viên phải biết những điều cần thiết sau đây: Ở màn một, nàng là một cô gái hết sứ thanh khiết, trong trắng- Nàng trong sáng như bầu trời không một gợn mấy, nhìn thấy nàng, người ta phải nghĩ đến những vườn hoa, những cánh bướm rung rinh trong gió mát, từ nàng phải toát ra một cái gì hết sức gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với những bản tình ca trong sáng, hình dáng của nàng gợi cho người khác một tình yêu lãng mạn và thơ mộng. Ở màn hai, chuyên viên phải hóa trang cho nàng thành một người đàn bà quyến rũ, đẹp đẽ, nàng đang bắt đầu bước vào những cuộc phiêu lưu trong bóng tối, nàng đang rời bỏ những bầuu trời xanh và đôi lúc như bị ướt sủng trong cơn mưa. Đến màn ba, nàng có một sắc đẹp lạnh lùng và sắc sảo, nàng biết nàng đang làm gì, nàng không phiêu lưu nữa, nàng dùng cuộc đời của nàng và cuộc đời người khác trong ý định của nàng, phải để ý đến đôi mắt của nàng, bởi sự thay đổi của nàng được nhìn thấy rõ trong đôi mắt đó. Đến màn bốn, sự sắc sảo trong ánh mắt của nàng không còn nữa, nàng trở thành một mẫu người từng trải, tự tin, nàng biết sử dụng những bài học trong quá khứ để hoàn tất những ý định ngắn hạn hay dài hạn của nàng, cách phục sức và khuôn mặt của nàng là của một người đàn bà chín mùi trong đời sống đầy những cạm bẫy. Hình ảnh của nàng phải được thể hiện như thiên nhiên sau cơn lụt, những đất bồi, những xác cây, sự bình yên và mặt trời sạch bóng ở trên cao, không khí trong lành và mọi sự như đang khởi đầu một vận hội mới. Màn sáu thì như trên đã nói, không cần đến sự hóa trang cho nàng vì chính hắn, hắn cũng không biết nàng lúc đó ra sao.

Những vai phụ thì sự hóa trang không cần thiết lắm, vì họ cùng một bản chất và chung chung nên hình dáng của bất cứ ai cũng thích hợp với những vai phụ đó, điều quan trọng duy nhất là khuôn mặt của họ phải hao hao giống với những gì đang được phủ trong bóng tối, họ giống như những sinh vật sợ ánh sáng, không chịu được ánh sáng mặt trời và không chịu được cái nhìn của người khác. Những chuyên viên hóa trang chắc họ biết họ phải làm sao để hóa trang cho những nhân vật như thế - sự lấm la lấm lét phải được thấy rõ trên những nhân vật này.

Còn hắn thì không cần phải hóa trang gì cả, hắn biết hắn ra sao, hắn phải làm gì cho vai trò của hắn, hắn là tác giả, tác giả là sự tổng hợp của các nhân vật, là tinh túy của các nhân vật trong điều kiện bị sự ràng buộc bởi không gian và thời gian mà nhân vật sống. Hắn có ở đó trên sân khấu mà như không có ở đó, hắn ở trong mỗi nhân vật trên sân khấu, sự hiện hữu vô hình của hắn ở trong nàng, trong vai phụ1, vai phụ 2, vai phụ 3 .. chính là nguyên nhân và kết quả cho các hành động của diễn viên trên sân khấu. Trong một ý nghĩa khác, hắn luôn hiện hữu ở trong nàng, những vai phụ không thể nào đến với nàng mà không gặp sự hiện hữu vô hình của hắn. Hắn là bóng ma chập chờn trong suốt vở tuồng . Ở màn đầu hắn là một người thật; nhưng ở những màn khác hắn là một bóng ma, vì thế nếu khán giả không nhận thấy bóng ma là hắn trong khắp vở tuồng thì vở kịch thất bại, bởi một trong những điều chính yếu đã bị bỏ quên. Hắn suy nghĩ về điểm chính yếu nầy và đi đến cách giải quyết như sau – Hắn sẽ dùng một đoạn ngắn trong một bài tình ca quen thuộc để làm nhạc đề, nhạc đề sẽ được tấu lên khi có sự hiện hữu của hắn trong vở tuồng, ở màn một nhạc đề sẽ được trình bày như ở nguyên thủy, ở màn hai, màn ba, màn bốn, màn năm, màn sáu nhạc đề sẽ phải được khai triển theo cảm xúc bởi hoàn cảnh khi sự việc đang xảy ra; nhưng sự khai triển phải chừng mực để khán giả vẫn còn nhận được nhạc đề, nghĩa là nhận thấy sự có mặt vô hình của hắn trong cái thời điểm nhất định nào đó của màn kịch. Hắn không biết trình bày như trên, người nhạc sĩ viết nhạc cho vở kịch đã nắm bắt được ý định của hắn chưa – Đại loại khi nàng cảm thấy hay những vai phụ cảm thấy có sự hiện hữu vô hình của hắn thì nhạc đề phải được tấu lên và dụng ý nầy phải được khán giả nhận ra ngay lập tức.

Hắn tự hỏi, không biết có điểm gì chính yếu chưa được đề cập đến ? Hắn nghĩ, sẽ bổ túc sau khi hắn nghĩ ra, bây giờ đến phần đối thoại của vở kịch.


Màn Một:

Cuộc đối thoại diễn ra trong ánh sáng hồng tràn khắp sân khấu, phía sau trên tấm phông màu hồng nhạt dần ở phía trên là hình một mặt trời thật to màu đỏ trông như một chiếc bong bóng khổng lồ treo lơ lửng,

Nàng: - Anh là mặt trời của em.

Hắn:- Anh sẽ mãi mãi là mặt trời của em

Ánh sáng màu đỏ càng lúc càng chói chang hơn, màn hạ.


Màn Hai:

Cuộc đối thoại diễn ra trong không gian màu tím.

Nàng: - Em không còn chịu đựng được sự nhàm chán của những ngày nắng kéo dài

Vai phụ1 : - Anh xin làm cơn mưa để tắm mắt cho Yêu

Cơn mưa đổ ập xuống, làm nhòe những trang điểm trên mặt nàng, áo quần nàng ướt sủng, nàng trông giống như một xác chết vừa được vớt lên từ một giòng sông.


Màn Ba:

Cuộc đối thoại diễn ra trong không gian màu xám, đang mưa rả rích.

Nàng: - Cơn mưa chưa đủ với U.

Vai phụ 2: - Anh có cách để đem lại cho U những cơn bão

Sấm, chớp, gió nổi dậy sau câu nói của vai phụ 2, nàng bị gió thổi rớt cái đầu tóc giả của nàng, áo khoác của nàng bị thổi đi xa, nàng như một cánh hoa tả tơi trong gió


Màn Bốn:

Đối thoại diễn ra trong một không gian màu vàng úa, nàng ngồi trên một nóc nhà, nước đang dâng lên gần đến mái. Vai phụ1, vai phụ 2, vai phụ 3 đang bơi chung quanh nàng.

Vai phụ1: Anh đã đem mưa lại cho Yêu

Vai phụ 2: Anh đã làm cho U những cơn bão

Vai phụ 3: Anh đã tặng cho mình những cơn lụt.

Nàng gật đầu, im lặng


Màn năm:

Hắn, bục quay, âm nhạc và nàng biến mất


Màn Sáu:

Nàng, gương soi, âm nhạc và ánh sáng.


Chung.

Hắn viết vở kịch không kịch nầy bởi một cái gì đó không thật đã xảy ra trong đời hắn. Không thực bởi sự việc đã ở ngoài sự tưởng tượng của hắn, ngoài sự ước đoán của hắn, ngoài sự tin tưởng của hắn, ngoài sự kiểm soát của lý trí hắn, của tình cảm hắn, của thể xác hắn. Lần đầu tiên, hắn hiểu thế nào là sự sụp đổ toàn diện và triệt để tâm thức của một con người. Nhưng bây giờ vở kịch nầy đã được viết ra, vở kịch đã vô tình đánh dấu ngày phục sinh của hắn, của tâm thức hắn. Hắn không còn là hắn ở trong vở kịch nữa. Hắn đã chết trong hắn, cũng như nàng, vai phụ 1, vai phụ 2, vai phụ 3, vai phụ 4 …đã chết trong hắn.

Hắn đang sửa soạn để bắt đầu một vở kịch khác và vở kịch cũng sẽ bắt đầu với hai nhân vật chính: Hắn và nàng; Nhưng hắn không phải là hắn, nàng không phải là nàng, vai phụ thì còn nhiều vô số kể, bởi ngoài những kẻ chuyên làm mưa, làm bão, làm lụt … chúng ta còn có động đất, sóng thần, hỏa hoạn, hạn hán, dịch hạch, cuồng phong ,aids, ung thư … và nhiều thứ khác. 

Vì thế còn nhiều vở kịch khác phải được viết ra, bởi còn rất nhiều những điều chưa được nói đến. Hắn sẽ bắt đầu thật sớm những gì mà hắn phải tạm thời chấm dứt hôm nay.


Lê Uyên Phương
1989


(trích tuyển tập Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles,
truyện và tùy bút, Tân Thư xuất bản, Garden Grove, California, 1990)