có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 7 26, 2015

Những tấm bưu thiếp



Đứng ở đầu một con dốc Nhi nhìn thấy toàn bộ cảnh vật nơi này. Ga xe lửa bên tay trái, tháp chuông bên tay phải, sát bìa rừng là nghĩa trang của nhà thờ, tiếp theo là hai con đường song song ngược chiều nhau chạy mút vào chân núi. Đó là hai con đường chính của thị trấn, nơi những sinh hoạt nhộn nhịp chỉ rộ lên một quãng ngắn không quá vài chục nóc nhà. Hàng ăn và các cửa hiệu buôn bán đều vắng người. Nắng bốn giờ chiều còn sung sức, nhuộm vàng hết thảy mặt mũi những người đang ngồi chờ tàu. Họ nằm, ngồi trên những băng ghế, hành lý cái để dưới chân, cái ôm trong lòng, hai rãnh bên mép trễ xuống vì ngái ngủ. Tàu bị hoãn, hai tiếng nữa mới khởi hành.

Nhi thả bộ xuống con dốc, tấp vào một tiệm bán đồ tạp nhạp. Bán hàng là một bà già gốc người da đỏ có cặp mắt man dại. Nhi liên tưởng đến cặp mắt một con sói già, mệt mỏi, lầm lì nhưng khi gặp mồi thì vẫn loé lên được vài tia nham hiểm. Bà ta đang ngồi đếm tiền sau quầy, hai bàn tay run run, những sợi râu ngắn, mảnh và bạc lún phún vòng quanh miệng cũng run run. Những sợi tóc của bà chuồi ra khỏi cái nơ to đùng diêm dúa sau gáy rũ xuống tự do, phè phỡn. Đôi bông tai óng ánh nắng bên ngoài chiếu vào. Nhi lướt nhìn những món hàng ở đây. Áo thun, gạt tàn thuốc, nón rơm, nón vải, súng gỗ, hộp quẹt máy, khung hình, búp bê nhồi bông... Không có cái nào ra hồn để mua tặng người thân, bảo rằng quà kỷ niệm lúc ngang qua thị trấn này.

Bà già đếm tiền xong cho tất cả vào ngăn kéo, đẩy vào một cái rẹt. Bà ta đưa lên một ngón tay nhăn nheo khươi khươi một bên khoé mắt để lấy ghèn, nhìn ngó bâng quơ. Xong bà chậm chạp tuột xuống ghế bước về phía Nhi. Váy bà quét lướt thước trên nền nhà như cây chổi, một cây chổi xười và nhầu nhĩ. Giọng nói của bà nghe như giọng đàn ông: “Cô muốn mua gì? Có cần tôi giúp không?”

Nhi vẹt vẹt mớ áo quần để lấy lối đi. Nàng nhìn thấy trong xó là một cái giá bằng nhựa trên có xếp những tấm bưu thiếp chụp hình phong cảnh. Đầu giá là miếng bìa cứng có ba góc bong lên ghi hàng chữ xệu xạo bằng mực đỏ Sale - 10 for 99 cents. Cả nét mực cũng đã phai, chỗ mờ chỗ rõ. Nhi với tay lấy một xấp xuống coi. Những hình chụp đều đẹp nhưng giấy cũ quá, liếc qua là biết cũ. Bưu thiếp đã lỗi thời. Nó không theo kịp email, không theo kịp máy chụp ảnh digital, không theo kịp thời đại vi tính đã làm tiêu pha sự ngóng trông và lòng kiên nhẫn. Thói quen của người ta cũng đã khác đi theo nhịp độ của đời sống. Tại sao phải mua những tấm ảnh đó, rồi mua tem, rồi đi tìm thùng thư và chờ đợi (có thể là thấp thỏm) không biết cái mình gởi đã đến tay người nhận chưa? Mất công quá, trong khi máy computer có thể gom hết những bước nhiêu khê đó vào vài cái click, click là xong việc. Những tấm bưu thiếp biết thân phận mình. Nó cam đành đứng yên trong xó chờ một ánh mắt phớt ngang hờ hững, một bàn tay nhấc lên đặt xuống, hoặc cùng lắm là đón nhận vài ba cái đập đập bằng chổi lông gà cho sạch bụi của bà chủ già có cặp mắt man dại như mắt sói. Lần này người khách đường xa tên Nhi — có lẽ cũng không theo kịp thời đại vi tính — không cầm lên đặt xuống mà chọn lấy một xấp đem tới quầy. Cô hỏi bà chủ: “Bà có tem không? Cho tôi mua mười con tem, mười tấm bưu thiếp.”

Nhi trở lại nhà ga chọn một chỗ ngồi. Nàng lấy những bức hình vừa mua ra xem. Nhi thích viết bưu thiếp. Nàng không thích kỹ thuật tân kỳ của bàn phím, của màn hình. Nàng muốn viết bằng tay, bằng bút, bằng mực. Nàng thèm một chốn cũ, một người xưa. Nàng thèm những câu nhớ nhớ, thương thương, những câu của một người đi xa viết cho người ở lại, chẳng hạn như thế này: “Anh thương nhớ... Em đang ngồi chờ tàu nơi ga xép. Chiều muộn. Em nghĩ đến anh. Nghĩ đến mà không bao giờ có thể đến. Đã bao lâu rồi chúng ta không gặp nhau. Anh đang làm gì? Ở đâu? Trên đầu em là mây trời, dưới chân là hoa dại. Người không quen nhiều như cây cỏ. Anh còn nhớ thơ Nguyễn Bính không Nhắc lại ngày xưa mà thẹn lại. Không có lò rượu nào nơi đây để ngậm ngùi hai đứa uống chung nhau... ” Nếu đời người có được một tình thân để viết những câu như thế là một điều may mắn.



Gió ngoài rừng thổi nhẹ. Tiếng chuông nhà thờ xô nhau những cung bậc buồn rầu lan toả. Một con ngựa buộc gần đó gõ gõ những cái móng xuống mặt đường cộp cộp. Những tấm bưu thiếp làm Nhi bâng khuâng. Nàng không có một quan hệ đậm đà nào với ai nên những tấm ảnh hiền lành nhẫn nhịn kia lại hoá ra lên mặt thách đố. Viết cho ai? Nhi cầm tấm đầu tiên lên coi. Đó là hình chụp một căn nhà gỗ dựa mé nước, đằng sau là rừng, những nấc thang xắn vào sườn dốc làm lối đi. Một cái phong linh treo tủng lẳng. Trước hiên, một cái ghế gỗ không ai ngồi nhìn xuống mặt hồ nhăn nheo. Căn nhà này làm Nhi nhớ đến căn nhà của người cậu mà Nhi có một dạo về ở đó. Cậu Nhi có một tiệm sửa xe, sống vừa đủ qua ngày. Ông quen đi mây về gió, tính tình lập dị, thích bù khú anh em hơn làm giàu. Cuối tuần, bỏ cây kềm cây búa vào hộp là cậu mặc tình ngả ngớn, một bên cây đờn, một bên chai rượu. Có nhiều người bạn của cậu đến chơi trong những ngày đó. Chú K. là một trong số ấy. Chú không phải là tay nhậu như cậu Nhi, bị chọc quê là “hao mồi” vì không biết uống. Chú mê đờn, thích hát, thích nghêu ngao hơn say xỉn. Chú có cho Nhi mượn tập nhạc. Nhi giữ luôn, giả vờ quên không trả, và chú không đòi. Hay chú quên? Hay giả vờ quên?

Chú K. có đứa con gái nhỏ là bé Trang. Con bé quấn lấy Nhi một bước không rời vì nó không có mẹ. Cuối tuần chú K. xách rượu xách mồi đến nhà cậu và thả bé Trang chơi với Nhi. Bên ngoài người lớn đốt lửa, nướng khô, nướng bắp thì trong phòng Nhi bày cho bé Trang chơi lều, chơi giăng võng, chơi bán hàng, bán cơm. Con bé lăng xăng. Nhi biểu gì nó nghe nấy. Nó gọi Nhi là chị Nhi. Lúc Nhi bỏ nó lên võng mà đưa thì nó gọi là mẹ Nhi. Lần đó nó chạy ra hét toáng lên với ba nó: “Con có mẹ rồi. Mẹ Nhi.” Ba nó trố mắt, cười cười: “Nói tầm bậy.”

Nhi không hề thấy “thẹn” lúc ấy. Bé Trang quá nhỏ. Con nít nói xàm. Vả lại Chú K. chẳng có vẻ gì đặc biệt. Cái cười của chú sảng khoái như người ta cười khi coi một đoạn phim hài hoặc nghe một câu chuyện tiếu lâm. Rồi hết. Một lần chú ở lại uống rượu với cậu rất khuya để bé Trang ngủ trong phòng với Nhi. Hai chị em nằm trên tấm nệm trải dưới sàn, con bé gác chân lên người Nhi mà ngủ. Tiếng đờn ca hát xướng dưới nhà vọng lên văng vẳng. Đêm khuya lơ khuya lắc bàn nhậu mới giải tán. Nhi nghe tiếng chân chú K. bước lên lầu, tiếng của cậu nói với theo: “Mày về đi. Để con Trang ngủ lại đây mai tao chở về cho.” Chú K. bảo: “Thôi để em cho nó về. Mất công Nhi phải coi nó.” Nhi nằm trong bóng tối không động đậy nhìn ra cái dáng người đàn ông cao to đứng áng khung cửa, nhô đầu vào bên trong như nửa muốn bước vào, nửa còn lưỡng lự. Rồi chú cất tiếng gọi khe khẽ: “Trang ơi. Trang. Về con.” Đợi mãi không thấy động tịnh chú nhón chân bước vào, quì xuống cạnh tấm nệm cúi nhìn Trang rất lâu, một tay đùa những sợi tóc của nó loà xoà trên trán khiến Nhi nhìn thấy những chữ số lân tinh lấp lánh trên mặt đồng hồ của chú di động qua lại. Hình như Nhi thấy chú dợm quay ra, có lẽ muốn để yên cho cả hai ngủ nhưng không hiểu sao lại ngần ngừ chưa đi, vẻ đăm chiêu, thờ thẫn. Mắt Nhi lúc đó vẫn dõi theo những chữ số xanh mờ trên cườm tay người đàn ông. Chú ấy... hình như không bình thường. Bóng sáng lù mù của ngọn đèn trái ớt dưới chân tường không ngờ đã góp phần giấu che tâm trạng lấp lửng hơi kỳ kỳ đó. Chú cúi xuống hôn nhẹ vào má Trang rồi rướn người về phía Nhi, kề mặt thật thấp và đột ngột áp đôi môi ươn ướt của mình lên môi Nhi. Cây thánh giá trên sợi dây đeo của chú rớt thòng trên cổ Nhi khiến Nhi nghe thấy cái lạnh lạnh của kim khí chạm vào da thịt mình. Nhi hoảng hốt tốc mền ngồi dậy, sững sờ nhìn chú, và đến lúc này thì Nhi thảng thốt ngó thấy hai hàng nước mắt của chú lênh láng trào ra dưới hàng mi rậm tối. Người đàn ông giật mình xấu hổ rụt người lại, hai mắt còn đầy nước bối rối nhìn Nhi trong bóng đêm. Nhi buột miệng hỏi: “Chú. Chú có sao không?” Người kia lúng túng không trả lời. Có sao là sao? Câu hỏi bật ra như để lấp cái “thẹn” của cả hai mà Nhi và chú đang tìm cách thoát ra. Chú K. lắc đầu, cúi xuống không nhìn Nhi đoạn luồn tay xốc Trang lên vai, vỗ vỗ vào lưng cho nó nín rồi lảo đảo đứng dậy bước loạng choạng xuống lầu.

Những người say rượu thường hay khóc. Chỉ cần một cảnh tượng mủi lòng, một câu nói không ý tứ cũng đủ làm cái hồ lệ đang chao dao kia tràn ra bất kể. Nhi đã lý giải những cử chỉ kỳ quặc của chú đêm đó như vậy. Chú K. đã say? Hoặc không say? Hoặc giả như có chút xao động nhất thời thì nó cũng đã loãng ra nhanh như hòn sỏi ném xuống mặt hồ. Không ai nhắc lại những chuyện li ti như hạt cát làm gì. Sau đó thì bao xáo trộn dồn dập đẩy chú và Nhi về hai ngả đời riêng. Cậu Nhi bị xe đụng, nhà đập ra xây lại cho người khác mướn; ba Nhi tìm được việc làm ở thành phố khác, đem gia đình theo; Nhi được nhận vào một trường ở phía bắc... Mãi đến sau này có dịp điện thoại về thăm cậu, hỏi ra thì mới biết bàn nhậu của cậu ngày xưa đã rớt ốc long chân. Các bạn nhậu tứ tán không còn. Chú K. không biết trôi giạt phương nào. Chú gởi Trang cho bà nội nó nuôi, còn chú đi buôn đi bán, làm nghề gì không rõ, nghe đâu có lúc ngồi tù. Cậu Nhi nói: “Tới tao mà còn không biết nó ở đâu. Mày muốn tìm thì vô mấy trại tù hỏi thăm, không chừng gặp.”

Thế là hết. Đứt phim. Chim trời cá nước... Một cố tri đã lạc mất trong thiên địa bao la thì chuyện trùng phùng coi như giấc mộng. Mà dẫu gặp lại thì... thì sao? Trang đã có chồng? Sanh con? Chú K. ngồi tù? Thân sơ thất sở? Có gia đình khác? Chú còn nhớ gì về cái hôn như con bướm lạc đường mỏi cánh tình cờ đáp sà xuống một búp hoa vô danh rồi bay mất. Nhi thở dài úp tấm bưu thiếp có hình căn nhà gỗ xuống băng ghế. Còn lại chín tấm nữa. Nhi liếc nhìn đồng hồ. Từ nãy giờ nàng chưa viết được chữ nào.



Nhi nghĩ tới một người khác. Anh B. Người đàn ông này bị đau thận, tới bệnh viện Nhi để được lọc máu mỗi tuần ba lần. Hai bên nói chuyện qua lại từ từ rồi thân nhau. Anh B. có tài chụp ảnh rất hay. Anh tặng Nhi một xấp ảnh cũ chụp đã lâu đựng trong quyển album của Walmart, loại quà tặng để “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” nếu rửa một cuộn phim 24 tấm. Mấy tay thợ ảnh chụp bưu thiếp chỉ hớp hồn người ta ở cái bề nổi mà không có bề sâu. Hình anh B. chụp có chiều thứ ba. Nhi nhận xét như vậy. Anh cười: “Em thích nói cho văn vẻ. Anh chụp bằng máy cà tàng, xài phim 35 ly và không có hệ thống điều chỉnh tiêu cự tự động như các máy bây giờ đâu... Để chừng nào anh chết anh cho em cái máy đó.” Nhi nói: “Nếu anh chết, em chôn cái máy theo anh luôn. Máy cổ lỗ sĩ từ thời Bảo Đại ai thèm xài mà cho.” Anh B. cười ha hả.

Mỗi khi anh B. đề cập tới cái chết thì Nhi làm bộ pha trò giễu cợt. Người ta đã cho anh lên danh sách chờ thay thận rồi mà. Có thận mới tha hồ uống bia. Ráng lên đi. Một người cố gắng tạo ra hy vọng... Một người trầy trật bám víu vào những hy vọng đó mà chẳng biết thực hay hư. Một y tá, một bệnh nhân cột lấy nhau bằng sợi dây vô hình của sự quan tâm và lòng chẳng nỡ. Mấy tháng đầu đến bệnh viện, anh B. còn vui còn hăng, gặp ai cũng vẫy tay ngoắc lại trò chuyện. Càng lúc bệnh càng nặng, anh nói ít đi, đôi mắt dại dại. Một lần lê được tới bệnh viện anh gần ngất xỉu, sùi bọt mép. Nhi phải thông phổi, hút đàm, truyền dịch, truyền dưỡng khí cho anh. Khi tỉnh dậy anh cầm tay Nhi mấp máy môi: “Hôm nào rảnh em ghé nhà anh chơi. Anh ở có một mình. Vợ anh không còn ở với anh từ lâu.” Nhi bất giác nhìn ra cây thông lớn ngoài sân bệnh viện. Nắng loé từng chùm trong tán lá như hình ngôi sao nhiều cánh. Những quả thông khô rồi sẽ rụng. Nó sẽ rụng vì tới lúc nó phải rụng, nó không thể ở trên cây mãi được. Bàn tay anh B. trong tay Nhi lỏng ra dần rớt xuống mặt nệm. Tự dưng Nhi muốn hôn vào bàn tay có những đường gân xanh đó. Nhi muốn tránh không nghĩ tới những trái thông khô đang lẩy bẩy trên cành... Nàng vừa đau lòng vừa thốt giật mình xấu hổ, cảm thấy dường như mình đã vượt quá bổn phận của một y tá đối với bệnh nhân.

Ngày đó Nhi nhặt một trái thông rụng đem tới nhà cho anh B. Nhi để nó trên bàn. Anh B. nhìn và khen:

— Trái thông này đẹp.

Nhi bực tức không nhìn anh. Anh không hiểu gì cả. Anh lại còn đưa trái thông lên mũi ngửi bảo Nhi:

— Mùi nhựa còn thơm thơm đó em.

Nhi quay lại gần rơm rớm nước mắt, cố ý nói chậm từng tiếng:

— Em thấy nó rụng. Em... thương quá. Em nhặt về cho anh.

Anh B. nhìn Nhi âu yếm:

— Cám ơn em. Anh sẽ nhìn nó và nghĩ tới em.

Nhi lại càng bực tức hơn nữa. Anh vẫn không hiểu. Sao anh nhìn nó mà không nghĩ đến anh. Nghĩ đến em làm gì.

“Nhi... Tới đây... ” Anh B. nói. “Em tới ngồi cạnh đây rồi anh kể chuyện cho em nghe. Đừng đứng như vậy, xa cách lắm.” Nhi bước lại gần. Anh B. với tay kéo tấm màn khít lại để tránh một tia nắng rọi. Gian nhà anh hoàn toàn yên lặng. Người đàn ông ngồi trên cái ghế dựa, mỏng tang như xác lá, hốc hác, run rẩy và chậm chạp. Nhi ngồi dưới đất cạnh bên cầm tay anh, úp mặt vào lòng anh. Anh nâng mặt Nhi lên mỉm cười dịu dàng. Tóc trên đầu anh đã bạc và thưa đi nhiều.

“Hồi trước anh sống bằng nghề chụp hình dạo ngoài bãi biển Long Hải-Vũng Tàu. Cái nghề nắng gió... kiếm cơm từng bữa. Hồi đó chưa có hình màu, anh chụp phim trắng đen. Vợ anh, hồi chưa cưới, theo một đoàn giáo sinh từ Sài Gòn ra Long Hải chơi. Anh chụp ảnh cho nhiều người trong số đó, giao hình, tính tiền đàng hoàng, nhưng những tấm ảnh của vợ anh thì anh nói là hư hết rồi. Tất nhiên là nói dối. Anh hỏi thăm lặn lội tìm vào nhà chị ấy tận Sài Gòn để đưa và... tặng không, không lấy tiền. Chị ấy cảm động. Rồi thì chị ấy... thương anh. Sau này chị nói là anh giỏi tán tỉnh. Anh nói ờ, thì tán tỉnh. Đàn ông mà không tán tỉnh thì đâu phải đàn ông. Cái mồm con cá chép, cái mép anh thợ hình. Em cũng nên coi chừng. Mai mốt có quen anh thợ hình nào thì phải cẩn thận đề phòng.

“Rồi chị về làm vợ anh. Anh dành dụm tiền mua cái máy rửa hình ở nhà thay vì đi chụp hình dạo. Chị mua vải đen bịt kín cái phòng tắm ở nhà cho anh làm phòng tối. Chồng tráng phim, rửa hình. Vợ sấy hình. Hôm nào cúp điện thì đem hình ra phơi, gọi là sấy nắng. Cũng kiếm được miếng thịt miếng cá đem về. Vợ chồng anh sống hoà thuận. Rồi anh theo gia đình bên vợ qua đây. Không theo được nghề chụp hình, anh xoay qua làm hãng, làm thợ, coi hàng rau cải trong siêu thị. Vợ chồng vất vả một thời gian dài cho tới lúc anh học được nghề trồng táo và tậu được một trại táo đi bỏ mối cho các chợ trong vùng. Đáng lẽ giờ này anh giăng võng nằm nghe cải lương dưới gốc táo... Chị đối với anh như bát nước đầy mà anh thì đã sẩy tay làm đổ.

“Anh là người có lỗi. Anh không hốt lại được. Anh để vườn táo lại cho chị và mấy đứa con, về sống dưới này, bịnh hoạn thì cắn răng chịu, không than thở với ai. Có người biết anh bịnh nặng nhắn tin về cho gia đình anh biết. Vợ anh chắc còn giận. Anh không biết chị và ba đứa con có tha thứ cho anh mà trở về hay không. Anh chỉ còn một mơ ước ấy. Không biết anh còn đủ thì giờ để gặp lại mọi người hay không... ”

Anh B. nói một hồi chừng như mệt, ngừng lại, với tay nhấp một ngụm nước. Bàn tay kia vẫn còn để trên tóc Nhi vuốt nhẹ nhàng. Trên bàn có tấm hình người đàn bà mặc áo dài, dắt tay đứa bé đứng trước hiên nhà. Hình rất cũ, nước ảnh phai đi không trông thấy được gì. Nhi hỏi: “Chị ngày trước là một người rất xinh đẹp phải không?” Anh B. đáp: “Phải. Chị xinh đẹp lắm mà rồi nhọc nhằn cực khổ với vườn táo quá. Táo càng ngon càng ngọt thì người trồng càng héo càng khô.” Rồi anh cầm ly lên uống dần đến cạn. Nhi nói: “Để em lấy thêm nước cho anh.” Anh lắc đầu: “Thôi đủ rồi. Để anh lại giường nằm. Em mang giùm anh đôi vớ. Anh lạnh chân quá.”

Nhi đỡ anh B. lại giường xong lấy đôi vớ trong ngăn tủ mang vào hai bàn chân lạnh như nước đá của anh. Một con mèo già từ đâu nhảy rột xuống bệ cửa sổ, lấy chân cào vào mặt kính kêu như khóc. Anh B. nói: “Mèo hoang. Anh cho nó uống sữa riết rồi nó quen tới hoài. Mấy bữa nay nhà hết sữa mà anh mệt quá chưa đi mua được.” Nhi đưa tay tắt ngọn đèn: “Anh ngủ đi. Em về.” Người đàn ông níu tay Nhi, bật lên khóc: “Em lên giường nằm với anh một chút rồi hẵng về. Em đừng bỏ đi như thế. Anh chỉ còn em trên đời. Anh muốn ôm em trong tấm chăn này. Em đừng sợ. Anh không còn làm gì được nữa đâu.”



Nhi úp tấm bưu thiếp thứ hai xuống mặt ghế. Nàng lẩm bẩm lần nữa câu thơ của Nguyễn Bính: “Nhắc lại ngày xưa mà thẹn lại.” Nhi tự hỏi mình có “thẹn” không khi nhớ tới lúc đó, cái lúc mà mình chui vào tấm chăn với người đàn ông bệnh? Không hẳn... Làn hơi yếu ớt phả vào mặt, lồng ngực còm cõi nhô ra những bẹ sườn, những ống tay ống chân khẳng khiu, hai đầu ống nhựa được quấn băng đâm sâu vào vùng bụng để lọc máu... Nhi nằm yên trong lòng người ấy, lắng nghe sự đụng chạm trai gái trên da thịt mình, lắng nghe tiếng con mèo hoang đói khát ngoài cửa sổ dai dẳng chờ đợi, chốc chốc đưa móng cào rột rột vào khung gỗ kêu lên từng hồi thê thảm. Thân xác tiêu điều ấy làm mạch máu nàng phập phồng đập. Số phận tiêu điều ấy làm trái tim nàng tuột dần tuột dần vào cái chỗ yếu đuối nhất của con người mình. Có thể nào không như thế. Nhi đã trở lại căn nhà ấy ba hôm sau, lòng bừng bừng những nhớ nhung thôi thúc. Ra mở cửa cho Nhi không phải cái dáng gầy teo quen thuộc mà là một cô gái nhỏ tuổi mặt rất giống anh B., áo khoét sâu và ngực vun đầy. Sự tò mò pha lẫn ngờ vực nổi cộm trong đôi mắt cô ấy. Nhi nói: “Tôi là y tá của bệnh viện.” Trong phòng, một người đàn bà và hai thanh niên cao to đang quây quần xung quanh người bệnh. Bốn cặp mắt xa lạ lỏ ra nhìn chòng chọc vào cái người ngập ngừng nơi ngưỡng cửa như còn chưa hoàn hồn. Nhi nhìn thấy cái gối mình đã nằm, cái chăn mình đã đắp, và nghe bên tai tiếng nói vừa quen vừa lạ: “Chào cô Nhi. Đây là vợ con của tôi mới về hôm qua. Cả nhà nghe tôi bệnh nên về đông đủ cả.” Làn da xanh tái của người đàn ông ửng lên chút hồng sau câu nói như lớp sơn mới của sự tỉnh táo và lòng tự tin phủ lên cái dáng dấp rúm ró, cô đơn và sợ hãi mới hôm qua hôm nào. Người đàn bà ngồi cạnh bên kéo tấm chăn có những ô vuông màu nâu đắp kín ngực người bệnh. Bà ta ngẩng lên nhìn Nhi hỏi: “Cô là y tá lo về home care à?”

Nhi lặng người sờ sững không gật đầu không lắc đầu. Nàng có thể nói gì với bà ta? Cái cảnh gia đình đầy đủ chặt chẽ của người ta, tia mắt lạnh tanh không thân mật, giọng nói bình thản, vô tâm đến vô tình của người đàn ông như gáo nước lạnh tạt vào sự hiện diện lố bịch của Nhi. Nàng thấy mình như một đứa bá vơ, một người bị cho ra rìa một cách sỗ sàng, một kẻ viếng thăm vô duyên và thừa thãi. Nàng nhìn vào những ô vuông rối rắm của tấm chăn vừa ngạc nhiên vừa tức giận vừa tủi thân. Mấy giây sau Nhi lấy lại bình tĩnh. Nàng ngẩng lên nhìn thẳng vào người đàn bà: “Trước đây thì anh ấy cần home care. Bây giờ chắc không cần nữa.”



Sắp tới giờ tàu chạy. Những tấm bưu thiếp Nhi mua vẫn trắng tinh không một hàng chữ. Chúng nằm trên tay Nhi như cá trên thớt, lo âu, hồi hộp. Nhi vẫn không có một người nào để viết. Nhi có thể viết gì cho chú K.? Hay anh B.? Người đàn ông đó đã được chuyển sang một bệnh viện khác để thay thận, sống chết như thế nào nàng không rõ. Nàng nghĩ đến chuyện cũ như nghĩ đến một giấc mơ buồn vang vọng xa xăm. Tất cả những người Nhi gặp trong đời, những quen biết ít nhiều thân mật cho đến cuối cùng chỉ là một cốc cà phê pha lẫn với bột bắp rang nên uống không ra mùi, không ra vị. Nhi không tránh khỏi cảm giác trống vắng, đìu hiu. Nàng lơ đãng nhìn ra cổng. Có một tốp những người tàn tật tuổi tác khác nhau theo sau một người giám hộ đi vào nhà ga. Những người này bị chứng chậm phát triển, tay chân dị thường, mặt mũi khờ khạo. Họ được gởi vào các lớp đặc biệt để học và tập làm một số kỹ năng tối thiểu của đời sống. Mỗi người tàn tật xách theo một cái bao và cây kẹp gắp rác. Bài học mà người giám hộ tập cho họ làm hôm nay là cách sử dụng cây kẹp gắp để nhặt rác bỏ vào bao. Một thằng bé tàn tật độ 10, 12 tuổi tiến tới băng ghế chỗ Nhi ngồi, mắt lom lom tìm kiếm rác. Nhi lấy một tấm bưu thiếp xé làm tư thả xuống đất. Thằng bé mừng rỡ đưa cây kẹp vào nhưng vụng về không gắp lên được. Người giám hộ đi đến chỉ cho nó một vài động tác: “Thế này... thế này... ” Thằng bé tập tới tập lui cho đến khi bỏ được bốn mảnh vụn ấy vào bao, nó ngước lên nhìn Nhi nở một nụ cười ngờ nghệch. Nhi cười lại với nó. Nàng lấy tấm bưu thiếp kế tiếp, cũng xé làm tư thả xuống đất cho thằng bé thực hành bài học của nó. Cứ như thế, như thế cho tới khi thằng bé thuần thục. Người giám hộ dắt tay nó đến bên cạnh Nhi. Thằng bé ngẩng đôi mắt xếch đặc thù của người bị chứng bệnh này lên nhìn, miệng méo xẹo lòng thòng nước dãi ấp úng những phát âm không hiểu được. Nhi nghiêng về phía nó hỏi lại: “Em nói gì?” Người giám hộ mỉm cười: “Nó nói cám ơn cô. Cô tốt quá. Chúc cô lên đường bình an.”


Cao Thanh Phương Nghi

5/2010