có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 12 22, 2013

Lễ Giáng Sinh, ý nghĩ rời và những bài thơ


Lễ Giáng Sinh mang ý nghĩa của tình yêu và lòng bác ái của Thượng Đế. Theo Thánh Kinh, Chúa Jesus đã xuống trần gian với thân phận tầm thường, gian khó của loài người để mang lại niềm hy vọng vào ơn cứu rỗi.

Với trẻ em, những tâm hồn còn non yếu, Giáng Sinh là một ngày lễ vui trong năm, ngày gia đình đoàn tụ, ngày ánh sáng hoa đèn rực rỡ, vang lừng nhã nhạc, và những món quà. Nhiều người, dù đã lớn, vẫn không muốn tin là ông già Noel không có thật. Tôi là một người như vậy. Hình ảnh của ông Noel gắn liền với những món quà mà tôi hằng mơ ước được có.

Tôi vừa tình cờ chứng kiến một ước mơ. Sáng nay, xem tấm ảnh chụp lá thư này trên facebook, tôi thấy mình hổ thẹn như kẻ nhìn trộm vào một tâm hồn thơ dại.


Thư của bé lớp 1 gửi ông già Noel

Thằng bé, tác giả của lá thư, Vũ Hoàng Tuấn Kiệt, đang học lớp 1, có lẽ khoảng 6 tuổi. Tôi hình dung cảnh người mẹ đang tâm tình với con trai về người cha của nó, “... bố đang đi làm ở thiên đường ở chỗ ông già Nô-en”. Thiên đường là xứ nào vậy? Tôi ngờ rằng chị đã phải khóc thầm, vì người ta thường ví thiên đường với nơi chốn của người thân yêu đã qua đời. Tôi ước gì mình nghĩ sai, thiên đường có thật, và nay mai người cha sẽ trở về với thằng bé. Cuối thư, Kiệt còn hào phóng tặng cho ông già Noel viên bi 3 màu của mình, thứ tài sản nhỏ nhoi nhưng quý giá, mà nó có. Kiệt hẳn là một thằng bé rất đáng yêu, mẫn cảm và tốt bụng. Ngay lúc này, tôi muốn van xin rằng, “Hãy khoan nặng tay với một tâm hồn non yếu như vậy, cuộc đời ơi!”

***

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà viết trên tường facebook của cô:

“... Ngày 15. 8.1975, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận bị chính quyền Việt Nam bắt giam và nhốt tại nhiều nơi: nhà tù Nha Trang, biệt giam Việt Bắc, quản chế tại Giang Xá (Sơn Tây), Phùng Khoang (Hà Đông)... mà không qua một phiên tòa xét xử nào. Trong tù, ông vẫn cử hành thánh lễ cho mình và những tù nhân khác. Những người đến thăm đã lén chuyển rượu lễ và bánh lễ cho ông, ngụy trang bằng chai thuốc trị đau bao tử. Mỗi ngày ông dùng ba giọt rượu và một giọt nước đổ vào lòng bàn tay để cử hành thánh lễ. Buổi tối, khi đi ngủ, họ nằm sát nhau để cử hành thánh lễ.”

Thử hình dung Thánh lễ Giáng Sinh lặng lẽ sau những chấn song sắt. Tôi tin rằng Chúa đã có mặt ở nơi ấy cùng những con chiên khốn khó của Ngài.

***

Một bài thơ đầy ám ảnh về lễ Giáng Sinh.

Lũ trẻ con tập vở kịch sự tích Giê-su ra đời.
Cô giáo đọc cho chúng nghe Ma-thi-ơ 2:1-22.
Rồi đứa đẹp trai nhất làm Giô-sép,
đứa trắng trẻo nhất làm Ma-ri,
đứa nhỏ con nhất làm Chúa Giê-su hài đồng,
đứa thông minh nhất làm thiên sứ,
ba đứa da sậm màu làm ba vua từ Đông phương,
đứa cao lớn nhất làm vua Hê-rốt,
những đứa trịnh trọng thì làm những thầy tế lễ cả,
những đứa thích đánh nhau thì làm lính cho vua,
và tất cả những đứa còn lại thì làm trẻ con ở thành Bết-lê-hem.

Lũ trẻ con theo từng đoạn trong Ma-thi-ơ mà đóng kịch.
Kịch rất dễ đóng.
Hồi hộp nhất nhưng vui nhất là đoạn Giô-sép đem Ma-ri và hài nhi vượt biên sang Ai-cập.
Tất cả lũ trẻ con đều đòi cùng vượt biên nhưng không được phép.
Khó diễn nhất là đoạn lính của Hê-rốt lùng giết hết trẻ con ở thành Bết-lê-hem sau lúc nửa đêm.
Cô giáo không biết phải làm cảnh máu chảy như thế nào.

Tôi bảo cô giáo phát cho bọn lính những chiếc khăn quàng đỏ.
Khi chúng quàng vào cổ đứa trẻ nào thì đứa ấy ngã xuống chết như bị cắt cổ.
Đoạn ấy diễn ra thật rùng rợn. Từng đàn trẻ con cổ đỏ ối nằm ngổn ngang trên sân khấu.

Trong đêm văn nghệ Giáng Sinh, vở kịch diễn rất thành công.
Tất cả khán giả đều xúc động và vỗ tay ngợi khen nhiệt liệt.

Sau đêm diễn, lũ trẻ con cởi trả lại những khăn quàng đỏ.
Cô giáo bảo chúng cứ giữ lấy những khăn ấy để làm kỷ niệm.
Tôi bảo chúng đừng giữ làm gì, vì đó là máu của trẻ con bị lính của Hê-rốt cắt cổ.
Có những đứa cởi trả lại ngay, có những đứa nằng nặc giữ lấy.

Khi chuông nhà thờ rộn rã vang lên vào lúc nửa đêm, nước mắt tôi tuôn đầy trên má.
Tôi biết những đứa trẻ con giữ lấy khăn quàng đỏ sẽ bị lính của Hê-rốt lần lượt cắt cổ trong giấc chiêm bao.
Chắc không còn đứa nào thức dậy vào sáng hôm sau để mở những gói quà đầy đồ chơi và kẹo ngọt.

(Nguyễn Tôn Hiệt, Mùa Giáng Sinh 2004)


Tôi đọc bài thơ này nhiều lần, lần nào đọc lại cũng xúc động. Tác giả Nguyễn Tôn Hiệt là một bút danh khác của Hoàng Ngọc-Tuấn, ông cho biết: “Nguyên tác bải thơ ấy đăng lần đầu ngay trong đêm Noel 2004 trên Tiền Vệ. Lúc ấy mình đang layout bài mới cho Tiền Vệ thì thình lình bài thơ nẩy sinh trong óc, và mình gõ ngay lên màn hình. Chỉ có các bé thơ ở Việt Nam, Tàu, Bắc Hàn, Cuba và Lào là còn bị bắt phải mang khăn quàng đỏ vào cổ mà thôi. Các bé thơ ở các nước khác trên thế giới thì được tự do mang đôi cánh thiên thần.”


***




Mời bạn cùng đọc một bài thơ khác về lễ Giáng Sinh. Bài “cây thông nhỏ bé” qua bản dịch của Trần Minh Hương từ nguyên tác “little tree” của thi sĩ E. E. Cummings.

cây thông Giáng Sinh thầm lặng nhỏ bé ơi
bạn quá nhỏ bé
chỉ như một cụm hoa
ai đã tìm được bạn trong rừng xanh
và bạn có buồn khi phải rời xa nơi ấy?
thôi, tôi sẽ an ủi bạn
vì bạn mang mùi hương thật ngọt ngào
tôi sẽ hôn lên vỏ cây đẹp đẽ của bạn
và sẽ ôm bạn cẩn thận và thật chặt
như vòng tay ôm của mẹ,
đừng sợ gì cả
hãy nhìn những đồ trang sức lóng lánh
ngủ suốt năm trong chiếc hộp tối
mơ được mang ra và được toả sáng,
những quả cầu những sợi dây chuyền đỏ và những dải rua óng ánh
bạn hãy giơ những cánh tay nhỏ bé của bạn lên
và tôi sẽ trao chúng cho bạn giữ
mỗi ngón tay bạn sẽ đeo một chiếc nhẫn
và sẽ không bỏ sót bất cứ một nơi nào còn tối tăm hay buồn bã
rồi khi bạn đã được trang hoàng lộng lẫy
bạn sẽ đứng trên thành cửa sổ cho mọi người cùng chiêm ngưỡng
và họ sẽ trố mắt nhìn bạn!
ôi bạn sẽ vô cùng hãnh diện
em gái tôi và tôi sẽ cùng nắm tay
nhìn lên cây thông xinh đẹp của chúng tôi
chúng tôi sẽ nhảy múa và hát
“Noel Noel”

***

Vậy đó, niềm tin và hi vọng luôn hiện diện trong những tâm hồn thánh thiện và thơ dại, dù ở những thời đoạn khốn khó nhất, dù ở nơi hoang tàn, đổ nát nhất, trong đời sống con người,. Chính nhờ vậy, con người tồn tại. Và lớn dậy.

Tôi tin vậy.


Nam Đan
Giáng Sinh 2013