“The Horror” (Sự Khủng Khiếp), tranh về ký ức Việt Nam của cựu chiến binh
Hoa Kỳ Aurence Hancock, hiện sinh sống tại Crisfield, Maryland
(nguồn: Patty Hancock’s crisfieldblognews)
Sài Gòn bây giờ mưa hay nắng. Tôi tần ngần mấy lần cầm điện thoại nhấc lên, rồi hạ xuống. Cứ tưởng đầu giây bên kia reo, giọng anh ấy. Năm năm qua rồi. Tôi sẽ nói, nhưng lần nầy, mấy câu ngắn gọn. Rồi thôi.
Sao tôi phải làm chuyện nầy. Có cần không? Hay mấy ngày tự dưng suy gẫm lại câu nói của Tần. Khi không anh nói đất nước ta có bốn ngàn năm chen lấn, thay vì bốn ngàn năm văn hiến. Đời sống hiện thực tạo nên những câu nói chát chua phản ảnh tâm tình của người đàn ông xa xứ. Ngược lại, mấy nhà văn nữ bây giờ cũng không vừa. Từ tinh trùng, buồng trứng, bộ phận cơ thể đàn ông đàn bà, đem ra nói tuốt luốt. Không cần biết đạo đức giả hay thiệt. Nó như âm thanh từ tiếng đàn dương cầm đồng loạt khua lên, không phân tiết tấu. Người viết nổi loạn, hay văn chương chữ nghĩa làm loạn. Họ muốn viết, muốn làm khác bằng những sống sượng, ai chấp nhận hay không mặc kệ.
Còn tôi. chốn nầy đây lặng lẽ. Từ chỗ mẹ về, người mẹ một thời có khoảng cách với tôi, nhưng chính ngày tháng cuối đời nầy, mới gần lại từ những cái không còn. Tôi cần phải nói, phải gọi anh ấy. Tôi cần phải hoàn tất những chương cuối cho đời mình. Cái bắt đầu trải dài từ năm tháng cũ, trải dài trên đời sống xứ người, để coi có phải không bốn ngàn năm chen lấn.
Tôi không phải là người chuyên nghiệp để bắt đầu câu chuyện. Tôi chỉ là một cô gái trời không bắt xấu, đang tập viết lách. Biết đọc sách, mê chữ nghĩa, mê thiên tài thứ thiệt. Nhưng biết thế nào là thứ thiệt nhỉ. Liệu khi tôi tập tành câu chuyện kể, bạn có vừa ý hay không, chắc cũng không ai hoan hô một cô gái có máu cà rỡn như tôi. Như vậy chương bắt đầu, chắc ăn hơn hết là giới thiệu về mình.
Khi tôi trưởng thành, gtia đình chỉ còn mấy anh chị em và mẹ sống chung. Nhà máy cao su bị tịch thu, các bất động sản khác bị quản lý. Cha tôi đi như thế nào không rõ, chỉ biết người sống ở nước ngoài, là cái phao cứu rỗi trong việc bảo lãnh mấy chị em chưa chồng ra đi. Chị tôi vừa lập gia đình không lâu, đã thành danh như một ca sĩ nhà nghề, có nơi chốn riêng ít khi lui tới gia đình. Mẹ tôi người đàn bà sống với tiền bạc còn dấu lại, bệnh tiểu đường ngày càng không khá hơn. Mọi việc trong nhà một tay anh hai và bà chị dâu cầm nắm quyền hành. Tôi không biết anh chị làm gì, chỉ thấy sáng ra đường, chiều về. Đất nước nầy có nhiều nghề khó hiểu vẫn sống được. Dưới mắt anh, nữ sanh ngoại tộc. Dưới mắt mẹ, tôi là cô gái cứng đầu, không nghe lời ai, nhất là từ khi tôi yêu anh ấy. Tôi không nghĩ mình lãng mạn. Không phải từ sách vở cũ, mới, đầu độc tôi. Đừng đổ oan vậy. Niềm vui của tôi ở đó, kiến thức hiểu biết phần nào về năm tháng xưa cũ, phân biệt những gì qua đi cho đến nhiễu nhương bây giờ.
Tôi làm việc trong sân bay Tân Sơn Nhất. Không phải tự mình tài giỏi để chen chân được chốn nầy. Từ chị tôi, cô ca sĩ quen biết nhiều xếp lớn, giới thiệu để trở thành nhân viên bưu điện. Khác với mẹ, chị tôi thoải mái, bặt thiệp giao tiếp với nhiều hạng người, có sự nghiệp. Mẹ không thích chị đi hát, không thích lối sống phóng túng ở chị. Mẹ không thích tôi yêu anh ấy. Cái gì mẹ cũng không vừa ý. Đối với mẹ, không hiểu sao có gì nghi kỵ làm mẹ con tôi xa cách thế nầy. Mẹ bảo tôi hay cãi. Tôi đáp con chỉ nói theo lý lẽ của mình. Mẹ nói đừng thương ai hết. Kẹt ở lại thêm khổ. Tôi không ngại. Đã yêu là chấp nhận cái lý tưởng đời mình.
Anh ấy, người đàn ông lớn hơn tôi mười tuổi. Chúng tôi quen nhau, cái hôm tôi buồn tình, giận mẹ, cùng mấy đứa bạn đi hát hò theo kiểu nghiệp dư, nói theo ngôn từ thời thượng bây giờ. Anh là người đánh đàn, soạn hòa âm, phụ trách một ban nhạc ở tụ điểm ca hát. Anh nhìn tôi nói những lời ngon ngọt, dỗ dành khi những giọt nước mắt không biết từ đâu chực hờ đổ xuống. Không ai hiểu nỗi lòng, cảm giác của một đứa con như tôi, lạc lõng xa lạ trong ngôi nhà trú ngụ. Tôi đến cùng anh hay anh đến cùng tôi, hẹn hò sau những chiều tan sở.
Bất cứ lúc nào tôi cần đến. Một lời nhắn, một cú điện thoại, là anh có mặt trên từng cây số đón đưa. Với tôi, anh là người đàn ông tuyệt diệu, chân chất ở tình yêu, lãng mạn ở cuộc đời. Bên cây đàn, cái âm thanh, những ca khúc như chia sẻ nói dùm tôi, nói dùm cuộc tình trong ngày tháng nầy.
Dĩ nhiên, mẹ, anh hai, là người phản đối nhiều nhất. Mẹ bảo không thể yêu một người đàn ông hơn mình mười tuổi. Không thể có tình yêu lúc nầy, dây dưa không thuận lợi cho hồ sơ chờ bảo lãnh ra đi. Hầu như ở đây ai cũng muốn ra đi, dưới mọi dạng, hầu như ra khỏi nước là chắc hẳn phải khá hơn cái mình đang có hay không có. Điều cần được nhắc nhở nữa là. Không thể yêu một người đàn ông từ Bắc vào Nam theo thời cuộc.
Còn anh hai xác nhận. Anh cùng chị dâu ở lại căn nhà nầy, không đi đâu cả. Con gái có tình ý, có chồng là dứt khoát đi ra, không dính líu chia chác. Thật sự tôi có được gì ở gia sản còn lại. Ngôi nhà và địa thế tốt là điểm thuận lợi cho biết bao người muốn bán buôn. Một tay anh nhảy ra hùn hạp để làm giám đốc, làm ăn chung với người ngoại quốc. Anh là một nhà giáo có bằng cấp trước đây. Bây giờ đổi đời, dưới mắt anh ai cũng ngu dốt. Anh nói. Không thể để tụi nó ngồi trên đầu mình mà ra chỉ thị. Vậy rồi anh lập công ty riêng, dựa hơi bỏ phần hùn. Cái lối trưởng giả chỉ tay năm ngón ở anh, nguyên tắc lề lối thương trường, cứ thẳng mà đi, rốt lại anh đi đứt thua lỗ Lui về, anh không ngừng chửi bới xã hội ngu dốt, con người ngu dốt. Thật ra lúc nầy thì dốt mới ăn nên làm ra, phất cờ nổi đình nổi đám hơn cả. Tiếng nói ở anh là tiếng nói của người trí thức ở lại lỡ thời với bản thân, hoàn cảnh.
Theo thời thế, anh chuyển qua bán đồ cổ. Khởi đầu là lúc vô tình có bọn cò con dẫn khách lạ đến xem mấy món đồ trong nhà. Từ cái ghế ngồi, tranh treo hay mọi thứ. Tôi không ngờ gia đình tôi, hay nói đúng hơn cha tôi đã mua sắm những món như vậy. Cái gì cũng có giá thuận lợi hết. Món đầu tiên anh bán, theo anh là bị hố. Rút kinh nghiệm anh cho dẹp hết, giữ riêng như thể sở hữu để anh bảo quản. Anh bắt đầu lục lọi mua sách cũ, loại sách bàn về đồ cổ để học khôn ra, rồi từ đó nghề dạy nghề theo suy luận hay cùng phe ta bàn bạc. Những bình sứ tráng men đời Minh, đời Nguyên, hay mọi thứ trên đời thường. Đời sống trong xã hội mua bán, đổi chác, giá trị mọi thứ lộn lên xuống, tùy theo mỗi người mỗi ý, canh bạc đời ngả nghiêng, không còn ai biết, chỉ còn lại cái tôi của mình. Một đứa con gái như tôi có gì bám víu, ngoài một tình yêu anh ấy. Anh là người tình đầu, chốn nương thân mà tôi cần có ở ngày tháng nầy.
Mấy lần tôi ướm thử:
- Anh có tính bao giờ mình cưới nhau?
- Khó quá, để từ từ, anh còn đàn em nheo nhúc
- Kéo dài cho đến bao giờ?
- Liệu gia đình em có chịu không? Anh hỏi lại.
- Mặc kệ đi, em theo anh.
Không trả lời. Lần nào cũng vậy. Anh nín thinh. Nỗi lặng yên ở anh làm tôi không hiểu được. Có cái gì không ổn để anh nhùng nhằng thế nầy. Có thể anh mang mặc cảm, có thể mẹ tôi không ưa con trai Bắc kỳ, nhất là loại Bắc kỳ sau bảy lăm vào Nam lập nghiệp. Tôi biết mẹ bị cú sốc gia đình ly tán, nhà cửa mất hết, sự nghiệp đi xuống. Mẹ căm giận, oán thù, và biết bao điều kéo theo sau nhì nhằng, than thở, đổ lỗi. Tại sao anh phải gánh những tai kiếp nầy. Anh chỉ như tôi một con người lớn lên trong xã hội đã sẵn, có tội tình gì. Tuổi trẻ chúng tôi khác biệt từ đó. Tôi có thể giúp anh xin việc ở cơ quan tôi làm. Lý lịch người ở đàng ngoài, là một hành vi chính trị tốt để anh có thể nhận việc dễ dàng hơn. Nhưng không, anh từ chối mấy lần với tôi. Anh nói lâu rồi anh sợ cái không khí tù hãm, giờ giấc bó buộc. Anh sợ tiếng kẻng mỗi sáng ra đồng. Anh sợ tiếng hô tập họp phân phối thực phẩm thi đua. Điều anh cần là sự tự do cho con người, cho bản thân anh.
Nhì nhằng cả năm, tôi mới đến gia đình anh được. Anh khó khăn giấu tôi cũng phải. Gia đình anh có hoàn cảnh thương tâm hơn tôi nghĩ. Mẹ anh, người đàn bà bị bệnh thần kinh suy nhược, buồn vui nói năng không đoán được, chỉ có lặng lẽ. Chồng bà, người họa sĩ tài danh đã qua đời. Khi ông chết đi, tranh ông mới được lùng kiếm mua, nhắc đến, so với lúc sống ông nghèo đói, tiếng tăm èo uột. Cái giá của đời nghệ sĩ nước ta là vậy.
Anh ngoài khả năng chơi đàn, còn lắm nghề vặt vãnh. Gia đình anh sống bằng nghề mua bán bong bóng, chạy hàng cung cấp cho các tiệc cưới sinh nhật, làm đẹp, làm vui thiên hạ. Dưới nét vẽ cũa anh. Chỉ cần một vài nét phác họa, đơn giản lẫn sặc sở, đa dạng hình hài. Anh là một tay vẽ có sẵn tiềm năng, chờ thời, một họa sĩ chuyên vẽ trên bong bóng, khác với cha anh trên vải sơn dầu. Mẹ anh, mỗi lần nhìn những hình vẽ theo bóng bay lên, là lúc bà thỏa mãn vui sướng ra mặt. Có những ẩn ức nào khiến bà mang bệnh tâm thần như vậy. Tôi hỏi. Anh đáp. Không rõ lắm. Có thể mẹ sống với quá khứ thuở bố còn sống. Bố vẽ chân dung cho mẹ, vẽ tranh cho khách. Mẹ là con gái của một gia đình giàu có, bỏ mọi thứ để lấy bố, người họa sĩ mà mẹ tin tưởng sẽ làm nên danh tiếng sau nầy.
Anh nói. Như em biết đó. Trước đây là thời kỳ chiến tranh, đời sống khốn khổ. Ăn không đủ, mặc không có, thì làm gì có nghệ thuật trang trí. Tiếc là bố không biết làm thơ ca tụng, thơ bợ đít cũng là một cách sống, đọc lúc ngồi cầu. Bố bị phê bình, vẽ bức nào cũng không có lửa, thuần một màu xanh, màu đất ảm đạm của cuộc đời, bị chỉ trích còn lập lờ chỗ đứng. Mẹ sống trong nghèo đói, ước mơ hy vọng có một ngày. Chung cuộc, khi ngươì nằm xuống, cái nghệ thuật già nua chết theo. Mẹ sống lần mòn với ngày tháng cô độc, cho đến ngày chúng tôi quyết định khăn gói vào Nam, làm cuộc cách mạng cho đời sống gia đình. Phải nói khó khăn lắm, mới thuyết phục mẹ chịu bỏ nơi chốn một thờiø ra đi. Bám víu làm gì, khi mà tuổi trẻ và tương lai chúng ta, cần những cái bắt đầu cho năm tháng tới. Anh nói. Cả một đời em biết không. Sống là phải biết chọn lựa, con đường mình phải sống.
- Lúc ấy mẹ anh mang bệnh chưa?
- Đời sống trong Nam xa lạ, có cái háo hức để biết, nhưng ngược lại nỗi cô đơn sâu thẳm, nhớ nơi chôn nhau cắt rún, hình như làm mẹ tư lự nhiều hơn.
- Vậy thời lúc nào anh làm họa sĩ vẽ bong bóng thế nầy.
- Bài học đầu tiên, là dịp anh đứng nghe mẫu đối thoại tình cờ giữa người đặt hàng và người thực hiện.
- Ông muốn vẽ cọp nằm hay cọp bay?
- Tôi đặt ông vẽ cọp, chứ cọp nào biết bay? Bộ cọp rừng khác cọp thành phố?
- Ý tôi nói là giá cả, nghệ thuật không nằm ở đó, mà chính ở chất liệu để tính thành tiền.
Tôi ngớ ra, chưa hiểu nổi lời anh kể.
- Vẽ cọp nằm, nước sơn tốt mắc tiền hơn, tính giá cao. Cọp bay nước sơn dỏm, giá bèo hơn. Mưa xuống một trận, sơn bay hết, cọp cũng bay luôn. Giá cả là vậy.
Khi các em anh sống nghề bán bong bóng. Anh nghĩ đến bố. Lần đầu tiên vẽ thử, mẹ khen đẹp, bong bong buông tay, bay lên. Mẹ mừng lắm. Mẹ nói. Bố con vẽ đó. Từ nay người ta biết đến bố, biết đến hội họa nhà mình. Không cần ai cổ vũ, tự nó bay lên, tự nghệ thuật bay lên, tự tài năng bay lên, nó có sức đẩy của chính nó. Không cần ai tiếp sức hà hơi. Một chút, một chút thôi bay lên trời xanh rộng mở. Mẹ vui lắm, không còn nét tư lự, niềm hãnh diện thoát ra ở mẹ lúc ấy. Anh muốn làm vui lòng người. Anh muốn mẹ sống với hình bóng bố. Không phải là anh. Là nét vẽ, là hội họa, là mơ ước một đời thành danh. Anh nhớ thuở nhỏ nhìn bố vẽ. Anh hỏi. Vẽ làm gì hở bố? Đẹp đó, mà thấy bố có bán được nhiều đâu. Họ coi thì nhiều không mấy người mua. Bố cười. Bố cũng không hiểu sao mình theo đuổi vậy. Có lẽ từ tình yêu của mẹ Bố thích thì bố làm, sống lãng mạn cho mình trước đã. Anh không hiểu cái đam mê ở bố như thế nào. Việc nhà một tay mẹ buôn bán lẻ. Bố phụ giúp phần nào, thời gian còn lại bố chỉ thích cặm cụi với tranh vẽ, với nước chè gừng. Bạn bố, những người thích ngồi tán gẩu nhiều hơn là làm ra tiền. Họ đềụ là người nghèo cả.
Tôi nói, vậy là anh có nhiều nghề quá, vừa đàn hát vừa là họa sĩ nữa. Anh nói. Đàn, anh chỉ lặp lại cung điệu âm giai có sẵn. Hát là hơi thở, là tự do của con người mình. Nhưng họa, nói ra phải xấu hổ thừa nhận rằng. anh không phải là họa sĩ trường lớp, siêu thực lòe người. Có người đổ màu vào vải, lắc lắc cho màu sắc muốn đi đâu thì đi, hay gấp lại thành hình rồi tô thêm, thành tranh tạo hình. Họ cho là trường phái riêng, tự phong cho mình danh xưng họa sĩ. Anh chỉ là người vẽ bong bóng đứng, hay bong bóng bay, làm đẹp, trang trí trong chốc lát, một hai ngày, bóng xẹp xì hơi, hình ảnh cũng ngủm cù đèo. Thử hỏi như vậy có cần gọi là họa sĩ không nhỉ. Thơ ai cũng làm được. Vẽ ai cũng vẽ được. Xưng danh ai cũng xưng được. Cái gì cũng được hết, dễ dàng quá.
Tôi nói theo:
- Ừ thì từ Bắc xuôi Nam, nối liền ra nước ngoài, ở đâu ai cũng thấy mình là thiên tài cả.
Anh nói ở nước mình làm nghệ thuật chưa chắc họ cần nhận. Làm ca sĩ như chị em có lẽ khá hơn. Hát hò văng vẳng bên tai, nghe thành thói quen, không thích cũng phải nghe. Dẫu sao cọp nằm, cọp bay, nước sơn thiệt, nước sơn dỏm là bài học cho người, cho cách sống, cho thực tế bắt đầu dựng lại ở tôi.
Tôi phục anh quá. Con người anh trầm lặng, lý tưởng sống đầy người. Cái khoảng cách tuổi tác với anh tôi không ngại, có điều cách sống cư xử, anh thiếu cái háo hức của một đứa con trai, thiếu cái lãng mạn ở người tình. Những lần bên nhau, lúc mà tôi tưởng chừng đi xa hơn đời con gái, là lúc anh tự chủ lấy mình để dừng lại. Câu nói của anh. Để dành đi. Thái độ đáng kính ở anh, là người đàn ông không đặt nặng xác thịt thường tình? Trong lòng tôi, anh là người đàn ông có tư cách, chững chạc với mớ lý thuyết lập thân trong đời sống.
Có lần tôi hỏi:
- Anh có muốn đi nước ngoài không?
- Làm cách nào?
- Thì cưới nhau xong, bổ túc hồ sơ bảo lãnh.
Anh như đắn đo:
- Anh chưa có chuẩn bị tinh thần để đi hai lần xa như vậy.
- Hai lần là thế nào?
Anh giải thích:
- Em từ chỗ nầy ra đi, dù có háo hức vẫn là một đổ vỡ lớn ở chính tâm hồn mình, đời sống mình. Em nghĩ lại mà coi, biết bao điều dự tính phân vân đắn đo, chọn lưạ thử thách, sung sướng đau khổ, bùi ngùi lẫn lộn. Có phải vậy không?
Thấy tôi nín thinh, anh tiếp:
- Một lần với anh, gia đình anh từ Bắc vào Nam cũng mang tâm trạng vậy. Đi thêm một lần nữa, xa thêm một lần nữa, kéo khoảng cách dài hơn, tâm tư anh thật sự trống rỗng. Huống hồ chi em đã sống nơi nầy, phần anh đến đây là vùng đất mới. Hãy để cho gia đình anh, con người anh phù hơp với chốn nầy trước đã. Dẫu sao cũng khá hơn ngoài đó. Có khá hơn thì mới có lựa chọn di cư như thế nầy.
- Nếu anh không thích thì em ở lại, chúng mình cưới nhau.
Anh nín thinh. Cái nín thinh không ý kiến ở anh đã làm tôi bực biết bao lần. Mỗi lần nói chuyện hôn nhân là anh như có gì vướng mắc, có rào cản lặng lẽ chắn lại. Tôi cần giải quyết vấn đề nầy. Làm sao anh biết, ở gia đình tôi cơn chống đối âm ỉ lúc nào cũng bùng trỗi dậy. Giấy tờ bảo lãnh đăng ký chuyến bay, mọi việc hình như chỉ còn kéo dài vài tháng nữa. Đi hay ở, phần tôi là tình yêu anh, là sự dũng cảm cần có ở anh để níu chân tôi lại. Một đằng tôi chuẩn bị mọi thứ, một đằng tôi luyến lưu. Thế mới biết cảm giác của những ngày chờ ra đi, là cảm giác xao xuyến lạ thướng. Không biết diễn tả thế nào, cái đờ đẫn trong người, lúc có lúc không.
Sài gòn với cơn mưa đầu mùa đổ xuống, kéo dài không lâu, rồi tạnh hẳn. Cả tháng nay, mấy lần tôi muốn kể anh nghe, nghĩ đi nghĩ lại rồi thôi. Lần đầu tiên một giọng đàn ông lạ, gọi nhầm số điện thoại đến nhà. Câu xin lỗi từ đầu giây bên kia, bỏ xuống. Thứ bảy tuần sau cũng giọng nói đó. Tôi có hơi bực. Đầu giây bên kia, giọng nói chán nản. Sao cứ phải nhầm số nầy. Tôi hỏi anh gọi số nào vậy? Sao lần nào cũng rớt vào đây. Anh ta đọc số và người anh muốn tìm. Anh ở đâu gọi vậy? Tôi hỏi. Đầu giây bên kia trả lời. Tôi ở vùng kinh tế mới, xa Saigòn lâu quá, muốn kiếm bạn cũ, lại phiền cô. Sau khi cúp máy tôi gọi số anh vừa nói để xác nhận thật giả. Đúng là anh ta lộn thật. Tôi chuyển lời dùm anh. Tuần sau anh gọi lại, lần nầy anh kiếm tôi. Cái giọng anh ngang ngang bất cần đời, lạ tai phần nào. Chuyện tào lao thiên tặc tán tỉnh đủ thứ. Tuần qua tuần, cuối cùng anh nói. Nếu em đồng ý. Anh sẽ xin nghỉ phép về thăm tôi. Tôi hỏi lại:
- Ở kinh tế mới mà cũng nghỉ phép hả?
Đầu giây bên kia:
- Cái quan trọng là em chịu đón anh không?
- Đón ở đâu? Tôi hỏi lại.
- Ở phi trường.
Tôi hơi ngạc nhiên.
- Từ tỉnh lên sao phải đón ở phi trường?
- Nói thật nghe, anh đang ở Mỹ.
- Anh nói thiệt hay giỡn đó, cả tháng nay nói điện thoại mỗi lần cũng gần tiếng đồng hồ, vậy mà anh chịu chi tiền à, không tin đâu.
- Chuyện nhỏ thôi. Có chịu đón hay không thì về.
Bất ngờ trước câu chuyện. Tôi hỏi lại.
- Anh không có thân nhân hả? Còn anh bạn hôm trước đâu?
- Bây giờ không có ai hết. Em đón anh nghe.
Phải nói thật. Tôi vừa buồn cười cho cái ngớ ngẩn ở mình qua những lần nói chuyện trước đây, vừa thú vị cho anh chàng từ phương xa về muốn gặp. Có lẽ độ chừng dăm ba tháng nữa, tôi cũng sẽ lên đường. Như vậy biết thêm một người nữa cũng tốt. Đi hay ở còn phải chờ ý anh ấy, biết đâu cũng là dịp để anh có quyết định dứt khoát hơn. Mọi việc còn quá sớm. Anh Hai và mẹ biết chuyện nầy. Cả nhà có vẻ khuyến khích tôi nhiều hơn. Dù mọi người nghĩ thế nào. Với tôi nó chỉ đơn giản một điều. Mọi việc sẽ không đi quá xa như cả nhà mong đợi.
Tôi đón anh ở sân bay, theo giờ hẹn. Giữa hải quan và bưu điện phi trường là hai cơ quan thường qua lại với nhau, cho nên tôi đón anh từ phía trong để dễ dàng nhận diện. Cảm giác đầu tiên khi thấy anh làm lòng tôi chùng xuống. Anh thấp người hơn tôi tưởng. Anh có vẻ giản dị đến độ qua loa trong cái áo thun, quần jean, trên tay một túi xách, một máy ảnh. Hình ảnh một người nào đó, từ giọng nói qua điện thoại, như không phải là người tôi nghĩ. Nhưng rồi lại chính là anh. Anh khen tôi đẹp hơn anh tưởng. Anh nói nhiều, Con trai Bắc kỳ xa xứ vẫn vậy. Tôi đón anh và sự thật anh còn một người anh rể chốn nầy, đó là địa chỉ trú ngụ.
Ngày hôm sau và cả tuần tôi đi với Tần, tên anh. Dĩ nhiên tôi phải đi những con đường, và nơi chốn không có tình yêu tôi đi qua với người cũ. Gần bên Tần tôi mang một cảm giác khác. Tần có vẻ ngang bướng hay giữ ý kiến mình, không giống như anh ấy. Tần kể tôi nghe về đời sống nước ngoài. Anh nói những khó khăn tôi sẽ gặp, Cuối cùng là lời an ủi. Không sao, điều quan trọng là đi trước đã. Chúng ta sẽ liên lạc sau. Với Tần cái khoảng cách trai gái còn đó. Tôi chỉ có một tình yêu anh thôi. Tần không dễ gì chiếm đoạt. Chúng tôi bên nhau trong tình bạn. Một lần anh đưa tôi về, cái hôm trước ngày anh trở lại Mỹ. Anh nói với mẹ tôi, hy vọng tôi chấp nhận để tiến xa hơn. Mẹ tôi có vẻ vui nhiều. Bà chị nói. Nó hơi lùn, nhưng cũng được, có nghề nghiệp nơi xứ người là ổn rồi.
Còn tôi, tôi nghĩ gì? Sau một tuần gần bên Tần, tôi nghe cảm giác khác, đôi lúc thôi thúc bừng lên. Mấy lần tôi đạp thắng ngăn lại với chính mình, lòng tự nhủ. Còn quá sớm. Có nên tin không. Nếu phải so sánh giữa Tần và anh ấy. Tôi có phải là người ham mới nới cũ không. Thực tế một điều, nỗi xao xuyến ở chính mình, như có điều gì đó đánh thức, rồi tự hỏi. Với anh ấy có phải là tình yêu chăng? Hay bản thân tôi chỉ là bé gái được nuông chìu. Tôi đang bám víu để không phản bội, làm người phụ bạc. Lúc nào tôi cũng muốn gìn giữ cho anh, dù đôi lúc có những lãng mạn chen vào. Tần đến với tôi, như một cuộc găp gở ly kỳ, bắt nguồn từ lần gọi nhầm số điện thoại. Tần như một chuyến xe đổ xuống đột ngột, hoàn tất cuộc chơi mà cả hai không biết sẽ về đâu. Tần bạo phổi, dám làm những gì anh ấy hứa. Chỉ một cố tật, anh chửi bới xã hội hơi nhiều, chửi bới cả những người Việt sống cùng anh ở nước ngoài. Tôi nói nước ta có truyền thống dân tộc mà. Anh nói bốn ngàn năm văn hiến ở đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy bốn ngàn năm chen lấn. Bao nhiêu chuyện đấu tranh, phản kháng đối lập, biểu tình chống đối, không ai chịu nhường ai, cuối cùng chỉ còn câu ca, mình ta với mình. Anh còn thêm. Ở đâu có nhiều người Việt làm chung, là ở đó có chuyện. Có thật vậy không. Đâu cần xa, tôi đang ở đất nước nầy, cùng một màu da, ngôn ngữ. Chuyện xảy ra, vẫn là chuyện phải xảy ra hàng ngày, ngoài trong, có khác gì nhau.
Một tuần sau ngày Tần trở về Mỹ. Tôi nhận giấy tờ hoàn tất, chỉ còn chờ đăng ký chuyến bay. Vậy là xong mọi việc đến hồi kết thúc, nhanh hơn tôi tưởng. Tôi không thể chờ đợi được nữa. Lòng tôi đang rối trăm bề. Mọi thứ sắm sửa cho mẹ, cho cuộc đi xa. Thôi thì mọi thứ liệt kê, như thể cho một lần đi không trở lại. Mẹ cùng tôi và cha. Chúng tôi sắp sửa hội ngộ để có một đời sống gia đình mới. Bao năm chờ đợi ở mẹ tôi, lúc nầy là lúc bà ôn lại biết bao kỷ niệm, nắng nhớ mưa thương cho một cuộc tình đứt đoạn, nay được trùng phùng. Chính nhờ những thôi thúc nầy mà bệnh tiểu đường của bà bỏ quên đi. Mẹ phấn chấn, ăn uống bớt đi phần kiêng cữ. Mẹ làm đẹp bằng những bộ quần áo mới, làm đẹp cho chính mình hơn.
Phần anh ấy. Khi nhận tin, anh buồn hơn mọi ngày. Tôi rủ anh đi chơi xa, cuộc hẹn hò phải nồng thắm, sôi nổi hơn trong tình cảm lứa đôi. Tôi cần sắp xếp một lần cho anh ấy, từ đó anh sẽ vững tâm níu tôi ở lại, giúp anh vượt qua mặc cảm nghèo khó ở chính gia đình. Tôi sẽ ở lại. Mẹ sẽ có ba tôi chờ đón ở phần đất mới. Tôi có anh, khu vườn của một thời thơ ấu bám vào.
Cuối cùng tôi rời xa anh ấy lên đường. Mặc cho bạn bè chửi rủa, đâu người biết ai phụ tình ai. Ơn huệ họ dành cho anh là vào hẳn phía trong phòng cách ly đưa tiễn. Anh khóc như một đứa trẻ biết khóc lần đầu, làm tôi bùi ngùi không ít. Tôi đã mong ước, sẵn lòng hiến dâng cả một đời con gái cho anh. Nhưng không, lần nầy anh dừng lại như mọi lần. Tôi đã phải ham hố hơn, cưỡng bức anh đi xa hơn cho một tình yêu trọn vẹn. Tôi cần tìm biết ở bản thân, ở xác thịt phàm trần, ở lý thuyết gia mà tôi không tin mình không đủ sức hấp dẩn để đưa anh vào trận. Cái khám phá ở vườn địa đàng, ở chăn gối đối mặt, là sự bất lực ở anh. Làm sao tôi dám hỏi. Anh dừng lại thảng thốt như kẻ phạm tội, chỉ biết ve vuốt nhìn ngắm.
Từ căn bệnh thuở nhỏ của anh. Từ cái điều không bình thường trở thành người cao cả. Anh đóng vai trò người bạn lúc gần gũi, không phải là người tình để đồng lõa kéo tôi ở lại. Những nguyên nhân lặng lẽ, không nhận lời cuộc sống gia đình. Giờ đây nó trần truồng từ xác thịt ở cả hai, trần truồng từ ý nghĩ lập thân, lý tưởng ở cuộc đời, bị lột sạch lộ nguyên bản con người, của một kịch bản chưa có lời kết. Đó là lý do anh không kéo tôi ở lại, đó là lý do tôi bị tiếng thị phi, không lời giải đáp. Cái bất lực không biện giải của tôi, nó khác đi cái bất lực sinh lý của một người đàn ông ở anh. Và như vậy tôi còn gì để nói, mặt mủi nào chứng minh cho bạn bè ở lại, thấy được sự thật phủ phàng cho khát vọng tương lai.
Giọt nước mắt bây giờ anh khóc, có phải là một nuối tiếc, không đi đến hồi kết cuộc, diễn tiến trong tình yêu thánh thiện hiền hòa. Tôi nói tôi sẽ chờ anh, liên lạc với anh sau, hy vọng có một ngày. Hình như kẻ ở người đi ai cũng an ủi lẫn nhau vậy. Bao năm gần gũi, lớn lên ở đất nước nầy, nói câu giã từ cho chính bản thân mình, làm sao không não lòng, đứt ruột. Tình yêu tôi ở lại đó. Nó như một cành cây khẳng khiu chờ đâm chồi nẩy lộc. Chốn xa, cái phao tôi cần có người níu kéo, có lẽ phải là Tần. Tôi cần có sự che chở buổi đầu, rồi sao cũng được. Cánh hoa vừa nở ra, giọt sương rơi xuống chưa ấm nỗi ân tình.
Tất cả là thực tế dứt khoát khi chuyến bay bốc lên cao, lòng tôi chùng xuống, xuống thấp đờ đẫn trong màn sương phía dưới. Con sông, cái cầu, mảnh đất quê hương, mờ nhạt. Biết có ngày trở lại, nhưng sao mình khóc lúc nào không hay. Tôi chỉ là một cô gái thường tình như bao người khác. Nước mắt nói dùm tôi biết bao điều chua xót, héo hon.
Tôi sẽ viết thế nào ở chương tiếp nối nầy. Hay không viết gì hết. Tôi sẽ nói cùng ai điều nầy. Mấy lần điện thoại cầm lên. Tôi muốn gọi anh ấy, nói thật cùng anh. Giờ đây tôi cũng mang chứng bất lực như anh. Có thể lúc nầy là lúc anh hiểu tôi. Cả hai chúng tôi, người ở trong, kẻ ở ngoài với tỉ số huề nhau. Cái bất lực trước cuộc đời, nó khổ hơn cái bất lực của một người đàn ông trước ham muốn dục tình đối với đàn bà. Bắt đầu làm sao cho câu chuyện?
Mẩu đối thoại nửa năm sau ngày đoàn tụ gia đình.
– Có lẽ mình phải làm thủ tục ly dị. Ba nói.
– Ông chán chê tôi hả, Tôi biết mình không giúp gì được. Mẹ khóc.
– Ba nghĩ có tàn nhẫn không, bao năm chờ đợi …. Tôi nói.
– Không phải như những gì ở mẹ con nghĩ. Thực tế trước đã, chúng ta làm trên giấy tờ thôi, chỉ có cách nầy mai hậu mới chịu nổi chi phí cho căn bệnh của mẹ con. Đời sống ở đây khác, tình nghĩa còn đó, nhưng ba không gồng gánh nổi.
– Liệu họ có tin không? Tôi hỏi trong lúc mẹ khóc.
– Không tin cũng không được, mình làm theo pháp lý. Ba dọn ra riêng, thỉnh thoảng mới lui tới để họ không nghi ngờ.
Tôi nhìn lấy cha tôi. Một người đàn ông mà sau nầy tôi mới biết, có nhiều chức danh trong hoạt động xã hội cộng đồng. Ông có nhiều việc phải làm, họp hành không lương. Cái địa vị, cái danh xưng, thật ra nó không dính dáng gì đến việc làm chính nuôi lấy bản thân gia đình. Giờ đây có phải thật sự là gia đình tôi đang đi vào chỗ báo động như người nói. Ba thay đổi nhiều quá. Có thể mẹ bây giờ không là hình ảnh ngày nào ba mang đi, không là cô gái một thời đã làm người đắm say mặn nồng. Ba làm bổn phận một người chồng, người cha đối với gia đình, bằng cách bảo lãnh. Không biết ba có hối hận, khi sự thật trở thành một gánh nặng cho người?
Ngày đó mẹ còn đẹp, còn mặn mà như mỗi lần thư ba nhắc nhở. Mẹ không nói căn bệnh của mẹ. Mẹ dấu kín những lần soi gương lược chải, tóc mẹ rụng nhiều, đôi mắt mờ đi. Có lẽ ba chỉ nhớ hình ảnh ngày nào. Ba quên mẹ đã già hơn ba tưởng tượng. Ba nghĩ mẹ cũng khỏe mạnh như ngày nào. Nghĩ về một người đàn bà, là nghĩ đến cái đẹp, cái nhan sắc một thời. Ba quên đi mấy chục năm qua rồi. Giờ là con, chứ không phải mẹ. Con nhí nhảnh háo hức với tương lai, hơn là sự trầm lặng ở mẹ. Đời sống hai xã hội thật cách biệt. Lúc mà tuổi đời ba vẫn còn quần quật làm nhiều giờ, còn nghĩ mình còn trẻ, còn nghị lực, là lúc cũng từng tuổi nầy, mẹ theo quan niệm đời sống ở quê nhà muốn thu mình lại. Đã khác rồi. Hai thế giới khác, trong một quan niệm gia đình. Cho nên đề nghị ba đưa ra nghe thật chán chê, não lòng. Ba an ủi:
- Mình chỉ làm giả thôi, không phải thật.
Mẹ tự ái:
- Thật giả, oan ức cho tôi, còn danh dự, tiếng đồn.
Ba nói như năn nỉ:
- Mình phải lo xa hơn, căn bệnh của bà xứ nầy chỉ cầm hơi thôi, y học chưa trị dứt được
Mẹ hờn dỗi, oán trách:
- Đến từng tuổi nầy còn bàn đến chuyện ly dị, rõ là ông không có tình người.
Cái khoảng cách thật ra giữa ba mẹ, không phải bây giờ mới thành sự thật. Mẹ mê đắm trong hạnh phúc không nhìn thấy cái khó chịu ở ba, khi mẹ bỡ ngỡ mọi thứ. Ba lặng lẽ hơn những khi mẹ nhắc về kỷ niệm. Có thể thời đó đã qua đi, ba mệt mỏi không còn muốn nghĩ đến. Ba đang muốn tiến về phía trước, ba giảng giải mọi thứ mọi chuyện, như thể trên đời nầy mẹ con tôi không biết cách sống, cách làm người. Mẹ tủi thân hơn trong xa cách. Sao mẹ không thấy được điều nầy. Còn Tần, anh rất vui khi nghe tôi đến chốn nầy, nói chuyện qua điện thoại ở tiểu bang khác. Hẹn gặp nhưng chờ dịp. Tất cả không đơn giản như tôi đã nghĩ.
Ba mẹ tôi ly dị thật. Lúc đầu ba thỉnh thoảng có đến rồi thưa thớt dần. Không phải ba phụ bạc. Ba thú thật không có khả năng tài chánh, để đùm bọc mẹ, mai hậu cần có xã hội, chương trình y tế giúp đở. Mẹ không cần đọc, tự ái ký vào để làm thủ tục. Lý do ba đưa ra thật đơn giản. Mẹ bệnh nhiều không làm tròn bổn phận chăn gối, thế là xong. Ba lặng lẽ như vừa trút đi gánh nặng, tự khen mình việc phải làm. Có thể từ đó mẹ mang mặc cảm, buồn rầu, bệnh phát nặng hơn, là lúc mắt mờ, đi đứng khó khăn. Tôi giận ba ghê gớm, trong lòng khinh khi người đàn ông thiếu trách nhiệm gia đình. Chính vì điểm nầy, người ít lui tới hơn. Thăm hỏi mẹ lúc nầy, với bà là sự lạnh lùng. Với tôi, không muốn trả lời. Ba nói rồi sau con sẽ hiểu. Thật ra tôi phải hiểu thế nào. Hạnh phúc khi đến gần, nó trở thành xa lạ trong tính toán. Nó khác hẳn những lúc đùm bọc cho người thân ở quê nhà. Cái bóng mát dung thân trở thành tẻ nhạt.
Tôi vừa nơi chốn mẹ trở về, ít nhất một lần trong ngày lui tới. Có thêm Dì Hạnh, người đàn bà làm trong cơ quan xã hội, đã hướng dẫn giúp đỡ mọi thủ tục giấy tờ. Lúc khốn khổ, có quới nhơn phù hộ. Mẹ nói theo kiểu thường tình.
Bây giờ có còn ai, ngoài hai mẹ con chốn nầy.
- Mẹ phải hiểu cho con, không làm sao khác hơn là đưa mẹ vào nursing home nầy. Con cần đi làm để sống. Mẹ cần có nơi săn sóc, điều trị.
- Mẹ muốn về nhà mình. Ở đây ngôn ngữ bất đồng, nói cái gì cũng phải kiếm người nhờ. Không có ai cho mẹ kể lể, mẹ cảm thấy cô độc.
- Ừ thì bệnh khỏi con sẽ đưa mẹ về, lúc nầy bỏ mẹ ở nhà một mình, có gì thêm ân hận.
- Mẹ biết trong mình không sao, chỉ khó khăn đi đứng thế thôi.
- Chính vì điều nầy mẹ phải ở đây.
- Ba bỏ mẹ, rồi tới con rời mẹ.
- Không ai bỏ mẹ hết, chỉ có hoàn cảnh, mẹ bệnh hoạn nên phải như thế nầy. Mẹ nghĩ lại mà coi. Không ai trả nổi tiền bệnh cũa mẹ lâu dài. Ba biết trước điều nầy, bây giờ con cũng hiểu vậy. Mẹ nguôi ngoa.
- Mẹ có cần gì thêm?
- Với mẹ bây giờ chỉ có sự chờ đợi, chờ con hay chờ ai khác, không biết. Mẹ cần có người đến, cần tiếng nói, cần tình thân. Ngoài những điều nầy, có gì bầu bạn!
Lần nào gặp nhau mẹ cũng khóc. Tôi không khóc lúc nầy. Làm sao mẹ thấy được tâm trạng con khi trở về nhà một mình. Trong cái vắng vẻ ngày một ngày qua đi không còn giọt nước mắt, khóc thay cho sự cô độc chính mình. Tôi bây giờ đã quen, quen cánh cửa vào, rẽ về trái đi qua hành lang trải dài. Ở đó có mấy người ngồi trên chiếc xe lăn, có thân nhân đẩy hộ, hay trên băng ghế những người đàn ông, đàn bà ngồi đó, mắt nhìn vào tivi được mở thường xuyên. Cuộc đời xế chiều như thế đó. Niềm vui chính từ đủ hạng người trước lạ sau quen, chung đụng một nhà. Rồi mình cũng vậy sao, trên đất nước nầy? Hay còn quá sớm nghĩ cho tuổi đời mình.
Tôi có khác không ngày cũ, có khác không cuộc sống chính mình, cho những hệ lụy khác. Từ một tình thân, từ mỗi ngày mỗi buổi chỉ biết ăn, ngủ, đi làm và kiếm tìm hạnh phúc. Hạnh phúc bây giờ ở đâu? Hay chỉ còn trong đêm, ký ức sót lại trống vắng. Tôi có còn là tôi, là tình nhân buổi nào hò hẹn. Có còn không anh ấy lúc nầy. Có còn không anh chàng Tần hứa hẹn đủ điều, than thở, lúc nầy thua stock thê thảm quá, cụt hứng mọi điều, job làm trở cơn không biết layoff ngày nào. Không còn tinh thần động cỡn nữa. Chờ đi, thế nào anh cũng qua. Bên nầy độc thân nhau đám cưới làm gì cho tốn kém. Nếu hợp, yêu nhau thì cái tình cũng đủ cho tấc lòng. Cái lý luận ở anh giờ đây nó khác những toan tính bên nhà.
Sao người ta thực tế nhiều quá. Không ai thấy những lãng mạn tôi cần có. Không ai hiểu được những khát khao. Ở đây người ta ca tụng đàn bà, ca tụng thân xác, phim ảnh đủ thứ, mọi điều. Con gái như một trò chơi, mặc cả dưới mọi hình thức. Và như vậy, chữ nghĩa văn chương tôi phản kháng cách nào. Bức tranh toàn cảnh xã hội tôi mang qua xứ người rao bán, trở nên thừa thãi. Không ai cần biết đến. Cái dân tộc nhược tiểu lúc nào cũng đi nước đôi để giữ mình, và chung quanh cái chức danh của người cùn đường tự thắp sáng niềm tin. Họ cố vươn lên tạo thành một xã hội nhỏ trong đời lớn, ở đó con người hoàn cảnh như một xứ sở ngày nào, như thể có một trật tự luật pháp riêng mà không thật. Dù có đứng bên lề hay không, tôi vẫn phải tìm đến như một thứ ngôn ngữ, một quê hương cội nguồn. Làm sao mẹ hiểu được ba bây giờ thỉnh thoảng đến với con như người khách lạ. Cái tình thân càng lúc chỉ còn cái nghĩa. Ba đến thăm mẹ những khi mẹ trở cơn bệnh nặng. Con gọi, người đến lúc mẹ còn say ngủ, say thuốc. Cái tình chồng vợ che dấu đàng sau cái mặt nạ xã hội. Đành chịu thôi.
Có mấy lần mẹ nhắc đến hôn nhân tôi cần có. Mẹ thăm hỏi Tần. Mẹ tỉnh táo hơn, hỏi cả về anh ấy, người đàn ông tôi bỏ lại quê nhà. Mẹ nhắc, tội cho nó, phải chi hồi trước mẹ không can ngăn, giờ nầy chắc có cháu bồng, vui cửa vui nhà không phải đến chốn nầy. Tôi cay đắng nói. Mẹ phải đi để có hạnh phúc của mẹ chứ. Bao năm chỉ mong có ngày. Mẹ đáp ừ thì có ngày như bây giờ đây thôi. Mẹ không muốn nghĩ gì nữa. Quên hết mọi chuyện, biết đâu tinh thần yên ổn hơn. Mẹ nghĩ được điều nầy thì tốt quá. Thời gian sẽ làm mẹ chai lì, không buồn không vui, an phận mà sống. Mẹ ơi sống trên xứ người là phải chịu vậy thôi, không có mùi đất nồng quê nhà, ở cơn mưa đầu mùa đổ xuống, tất cả là cơn hờ hững đi qua, như người khách không buồn ngó lại.
Mấy ngày nay tự dưng mẹ nói. Mẹ sợ cái tĩnh lặng của đêm tối, nhất là lúc đêm lắng sâu thật lặng lẽ. Mẹ nằm một mình lòng chùng xuống. Mẹ biết sợ tuổi già, biết nghĩ đến một mai không còn trên cõi đời nầy, mẹ phân vân cho chính mình. Mẹ muốn gặp lại đủ đầy các con. Nghe mẹ nói vậy tôi đâm lo. Tôi ôm lấy người, tôi không cần được yêu, không cần làm người lớn. Mẹ không già, mẹ sống đời với con. Không có lời cho tôi nói lúc nầy. Từ xúc cảm tôi khóc như một đứa trẻ thơ.
Ở mẹ, người chờ đợi gì?
Ở tôi, tôi chờ đợi gì?
Đâu ai biết điều gì sẽ đến. Điều không ngờ là chị Thu qua thật. Cô ca sĩ nhà tôi sang trình diễn bên nầy.Trong điện thoại gọi qua, chị biểu lộ cái háo hức được trông thấy chân trời mới, mua sắm mọi thứ mang về, phục vụ cho bản thân trình diễn của chị. Chị mừng vui sẽ gặp lại gia đình. Tiếng hát, danh vọng sẽ bay cao hơn. Ước vọng của chị, nghe qua thì dễ cảm thông, nhưng thật ra còn biết bao điều ngại nói. Lúc nầy đây là lúc bệnh mẹ trầm trọng hơn. Mẹ không ăn được nữa. Người nằm đó, những dây nối liền các tín hiệu tim mạch. Đời sống người như một đời sống thực vật.
Mấy năm xa cách chị như khác hẳn ra. Chị ngỡ ngàng nhìn lấy căn phòng tôi trú ngụ, ngỡ ngàng nhìn thấy mẹ tôi một mình chốn nầy.
- Sao em để mẹ một mình như vậy? Chị hỏi.
- Biết làm sao hơn. Ở đây săn sóc đầy đủ, được vậy là quí rồi, ai cũng vây, không ai có thì giờ lo cho ai. Tôi đáp.
- Nhà không mướn người làm được sao?
- Được, nhưng gia đình đâu đủ khả năng.
Tôi giải thích thêm nhiều điều với chị, kể cả một mai mẹ mất đi, cũng sẽ từ nơi chữa trị mà đi luôn chứ không trở lại nhà. Điều kiện y tế bắt buộc là vậy. Chị như ngớ ra, bở ngở. Cái gì cũng khác bên nhà. Tôi nói cho dễ hiểu là, những gì bên đó nghĩ, cứ tính ngược lại là đời sống bên đây.
Chị nói:
- Bên nhà ai cũng tưởng sống ở nước ngoài là thiên đường.
Tôi đáp:
- Thiên đường mù cho người sáng mắt lao vào. Có tất cả, nhưng phải trả bằng tiền, không thể thiếu mà sống được. Nó như món nợ đời đeo đẳng. Có sống trong cuộc mới biết.
- Mới vài năm mà em lớn người ra.
Tôi cay đắng nói:
- Không phải là em, là ba dạy em nói những suy nghĩ nầy từ người. Ở hai chân trời, hai thế giới chênh vênh thì có bao giờ cân bằng được.
Thực tế mấy ngày đã làm tinh thần chị bất an
- Sao người mình biểu tình chống tụi con vậy?
- Chống chế độ đi ra ngoài nầy. Không ai quên mối nhục ly tán ra đi. Ba đáp.
Chị Thu ơi, tôi hỏi. Lúc bấy giờ chị có sợ không? Chị nói hồi hộp lẫn sợ hãi, muốn khóc đi khi thấy tình cảm mang đến thật bẽ bàng. Nhưng lúc hát, tiếng hát vượt lên, tiếng hát nghề nghiệp, tiếng hát làm nên danh phận, nuôi lấy bản thân. Tiếng hát của nghệ thuật sống thở chính mình, làm chị quên hết, không còn là mình.
Ba khuyên chị ở lại cho một chọn lựa. Chị nín thinh.
Tôi nhìn chị, nhìn ba. Ngộ thiệt. Ở một nơi khác, hai cha con đứng hai bờ khác nhau, nhưng chốn nầy tình thân gia đình vẫn là một. Lịch sử Việt Nam theo ba không ngừng tranh đấu, và dân tộc ta chưa có ngày yên ổn thật sự. Từ lúc dựng nước, khởi nghĩa chống đô hộ. Từ Trịnh Nguyễn phân tranh, kéo dài cho đến đời con cháu sau nầy, chiến tranh hai miền Nam Bắc, dân tộc ta chưa có ngày hòa bình đúng nghĩa. Bao năm qua đi, hai lý tưởng, hai chủ nghĩa, chống nhau trong cùng một dân tộc. Tất cả những thảm trạng, thảm cảnh, tai ương tạo ra chung cùng máu mủ, một màu da. Còn bây giờ trong ngoài chống nhau. Trong chống trong. Ngoài chống ngoài. Thật sự có bao giờ yên ổn. Chưa kể người ta cái gì cũng chống, quên cả chống chính bản thân mình. Ba nói vậy, ba nói hay, như anh ấy, người tình nhân tôi. Anh có lý của anh, sống tách rời theo luận thuyết mình. Ai cũng đúng cả. Hình như có vậy mới làm nên đất nước, mới làm nên tinh thần người Việt mình. Cái dân tộc có con số 3 gắn liền. Cái gì cũng từ con số tam hoa tụ đỉnh nầy mà ra. Từ ba nước đông dương, đến ba miền Nam, Trung, Bắc. Từ ba ngày Tết, bộ tam sên, đến ba ngày mở cửa mả, hay ba năm tiết hạnh khả phong thủ tiết thờ chồng. Từ tam bộ nhất bái, qua cửa tam quan, đến ba nhang một lúc, cho ba lạy cúng dường. Từ dân ca ba miền, tam đoạn luận, tam đầu chế. Từ thông báo thời cuộc ba năm học tập cải tạo. Biết bao điều liên hệ, cay đắng từ con số 3 nầy. Ngẫm lại mà coi.
Cuộc đời cha, là cả một đời phản kháng đấu tranh, cao ngạo, không chấp nhận ngày tàn cuộc chiến. Và mẹ, một người mẹ Việt Nam không bến bờ, trôi nổi từ con nước cạn cho đến bờ đại dương mênh mông chìm đắm. Chúng con, đứa ở lại, đứa mới vào, đứa ra đi, tình thân đó, tình yêu đó. Cái tình dân tộc cũ không quên, mới không ưa, già không đổi, lỗi không nhận. Lịch sử dân tộc ta là lịch sử buồn. Biết bao hỗn loạn ở bến nhân gian nầy.
Tôi nghĩ chị Thu không ở lại. Không có gì làm chị đam mê hơn danh vọng bây giờ. Chị có đủ hào quang để sống. Ai làm gì mặc kệ. Thương cha mẹ đi nữa, chị cũng có phần đời riêng của gia đình chị. Mưa trên trời mưa xuống, như mẹ nói, tuổi già là lúc con cái mang theo tình thương đi hết, còn lại chỉ là nỗi cô độc chính mình. Ba ơi lúc nầy sao không là lúc ba thương dùm mẹ. Xã hội nầy tạo những mâu thuẫn như ba nói, có thương cũng không đủ tiền mà gồng gánh. Có lâm vào hoàn cảnh ốm đau mới hiểu được cảnh nhà tan cửa nát, có khác gì một cuộc chiến đời người. Mặt trận sinh tồn sẽ làm người ta quên hết. Tần sẽ quên tôi. Anh ấy sẽ quên tôi. Cuộc sống có những lựa chọn về phía trước.
Tôi sẽ viết thế nào cho chương kết gia đình. Chả nhẽ nhai lại Sài gòn bây giờ mưa hay nắng, mắc mớ gì trong đời sống còn lại. Có thể điện thoại nầy bắt lên, gọi anh ấy lần cuối. Hôm nay sinh nhật tôi. Nói với anh tôi có nhiều bè bạn, nhiều câu chúc lành. Sống giả dối với anh như từ bao năm tôi gọi về. Tôi hạnh phúc, tôi có nhiều hạnh phúc dối trá che lấp hạnh phúc thật của mình. Trong căn phòng nầy, mỗi mùa sinh nhật qua đi, chỉ một ngọn nến. Ánh sáng lóe lên, nhìn bóng mình trên vách. Tôi bây giờ biết trang điểm kỹ hơn, làm đẹp hơn trước. Đừng nghĩ mọi chuyện buồn phiền sẽ bỏ quên nhan sắc. Không đâu. Nếu bây giờ có anh ấy, có Tần, sẽ thấy cô bé ngày nào, hôm nay soi gương sắc sảo hơn nhiều. Bong bóng ở phòng nầy, không có nét vẽ của anh, lý thuyết gia ngày nào của tôi. Cái thực tế cho thấy nó chỉ là hình bóng, cóù rồi mất. Tôi có thể nào sống và bám vào đó. Mở cánh cửa sổ, mùa hè đêm sinh nhật, trời ấm, lùa cho bóng bay lên. Qua khung cửa, nhìn thấy trời cao rộng mở. Có gì, còn gì. Hay chỉ một mình ta. Bên lề quá khứ, tôi còn hiện thực với ngọn nến nầy. Cháy lên, cháy lên niềm tin, dù đêm có tàn, nến kia có tắt, tôi vẫn là tôi với tiếng kêu tôi ơi đừng tuyệt vọng.
Quả thật tôi không tuyệt vọng, khi đưa tác phẩm nầy cho ba. Tôi muốn ông đọc quãng đời sau để sống cho đời trước. Chỉ có cách nầy tôi mới dám nói cùng cha những điều mình muốn nói. Cho đến hôm cúng thất, đi thăm mẹ, tro cốt cất giữ trong từng hộc tường đứng của nghĩa trang. Cái tình, cái nghĩa cha còn đó. Nay còn có Dì Hạnh đi kèm. Tôi trách mình không lường trước tấm lòng bao dung nầy. Cha giới thiệu với Dì Hạnh, sách tôi có năm nhân vật chánh đáng kể. Dì cười, miệng pha trò:
- Ối chà năm nhân vật hả. Võ lâm ngũ bá hay ngũ hành sinh khắc?
Tự dưng tôi đâm ngượng. Tôi học của mẹ câu trả lời:
- Nó là ngũ uẩn.
Cha đưa lại cho tôi quyển tập không có chữ nào trong đó. Cha muốn phủ nhận. Cha muốn đẩy lùi tất cả? Chỉ một màu giấy trắng.
Tôi nói có thấy chữ nào đâu. Cha nói. Viết chi cho bợn đục.
Câu nói của cha như đánh thức tôi dậy. Từ đó cho đến bây giờ. Tôi đã viết xong nhiều tác phẩm, nhiều mảnh đời với bốn ngàn năm chen lấn. Gởi ở đâu, họ cũng từ chối. Chưa có danh thì không làm nên nghiệp. Mỗi lần vậy, tôi thay bằng quyển giấy trắng. Như thể tôi chưa làm gì hết. Tôi chưa đi đến thành công, nghĩa là bên lề không có sự thất bại. Tôi hy vọng có người chịu đọc đàng sau trang giấy trắng nầy.
Rõ là khùng. Câu mắng nhiếc làm tôi nghe lạnh lẽo. Không ai thừa nhận, dám nhận, dám in, tác phẩm không có chữ viết nào. Vậy thì viết cho ai đọc và phục vụ cho ai. Biết bao người không viết, không cần nói. Cuộc đời vẫn vậy. Có cần thiết không trong cuộc sống? Hay cái cần là chỉ có mình cần. Có chữ nghĩa là có hình bóng. Huống gì ở đây là một tác phẩm trắng. Họ sợ. Tôi cũng sợ. Màu giấy trắng trong, hiển lộ chân tánh làm người.
Hoài Ziang Duy
(damau.org)