Khi tôi xuống bến Ninh Kiều, trời đổ mưa lất phất. Tôi lang thang gần một ngày trong thành phố Cần Thơ không có người quen. Liên và những người phụ nữ khác được tập trung thành một nhóm nhỏ, ngồi gần chợ. Tôi được người chủ ghe giao cho cầm một con vịt, cột hai chân chúc ngược lại, để giả làm người đi mua sắm cuối cùng trong chiều ba mươi tết.
Tôi đi loanh quanh một mình vì không dám đứng lâu một chỗ nào. Ngày cuối năm nhưng phố xá không tấp nập như ở Sài Gòn, trừ khu vực gần chợ. Trên những con đường tản ra xa, có nhiều cây cối, những người đi xe đạp, đi bộ lác đác, vội vã, để kịp về chuẩn bị bữa cơm tất niên với gia đình. Trước đó, Liên dúi vào tay tôi tờ giấy bạc mười đồng, vào thời đó chỉ đủ để mua một ổ bánh mì có nhân thịt và một ly cà phê. Tôi không dám tiêu vì không biết sẽ xa nàng bao lâu, tối nay sẽ ngủ lại ở đâu. Người chủ ghe có hẹn tất cả sẽ tập hợp lại chợ lúc năm giờ chiều để chuẩn bị xuống taxi, tiếng lóng để chỉ những chiếc ghe nhỏ. Nhưng trong những chuyện mạo hiểm như thế này, tuy tôi không có kinh nghiệm đi vượt biên lần nào, cũng lờ mờ đoán ra rằng mọi chuyện đều có thể thay đổi vào phút chót. Cần Thơ đẹp và thơ mộng, mặc dù sau ngày ba mươi tháng tư, phố xá không được xây dựng thêm, những mái nhà, vách tường úa màu, rêu phong, vôi gạch cũ. Chúng tôi quen nhau được hai năm, nhưng chưa có ý định lập gia đình. Trong những ngày tháng đó của đời tôi, mọi thứ đều lờ mờ như bầu trời sau khung cửa kính phủ một màn sương mỏng. Một thế hệ quá tất bật với đời sống hiện tại, mất hết lòng tự tin, và không có nhiều mơ ước cho tương lai.
Tôi đến nhà báo cho Liên biết tôi sẽ ra đi, lấy hết can đảm để chuẩn bị hứng chịu một trận mưa khóc lóc sầu muộn của nàng. Nhưng tôi ngạc nhiên thấy Liên bình tĩnh, và rất nhanh, gần như trong chớp mắt, Liên quyết định chắc chắn rằng nàng sẽ đi theo tôi. Đó là điều bất ngờ ngoài dự định, nhưng biết rõ cá tính của cô gái ngoài hai mươi tuổi này, tôi liền bỏ ý định thuyết phục nàng ở lại. Trước đó tôi đã bán đi cái gia tài vỏn vẹn duy nhất của mình là chiếc xe Honda màu đen đời 67, cũng chỉ đủ tiền chung cho một chỗ ngồi trên chiếc ghe nào đó mà tôi chưa hề hình dung ra là nó có hình dáng, dài ngắn, rộng hẹp ra sao. Liên gom góp hết đồ nữ trang và tôi năn nỉ người tổ chức đường dây, được ông ta đồng ý vào phút chót. Hai đứa trốn nhà ra đi, không ai biết từ hai hôm nay. Năm giờ sáng trên bến xe miền Tây từ Sài Gòn về Cần Thơ, không khí mát mẻ, trong khi dưới những chiếc lều nhỏ, những người bán quán đã tới bày hàng ra la liệt. Tôi ở Sài Gòn mấy năm nhưng chưa có dịp về miền Tây. Sau hai lần đổi tiền và những vụ đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp miền Nam, cuộc sống của người dân mỗi lúc một khó khăn, bi đát. Đường phố Sài Gòn ngày càng vắng, xe cộ thưa thớt, những gia đình không có thế lực và quen biết từng đợt dọn đi vùng kinh tế mới ở các tỉnh Đồng Nai, Sông Bé, Lâm Đồng và các vùng rừng núi để khai hoang, sống lần mòn. Họ phá rừng, chặt hết các gỗ quý làm củi và trồng những rừng sắn bạt ngàn trên các nương đồi. Sau chiến tranh, đây là nạn phá rừng rất lớn làm bào mòn các vùng đất phủ, gây ra nhiều lụt lội thiên tai. Những người ở lại Sài Gòn tranh nhau vào các biên chế nhà nước để có hộ khẩu và lương thực phân phối theo tiêu chuẩn. Tốt nghiệp đại học sư phạm, Liên về làm việc ở một huyện ngoại ô Sài Gòn thuộc vùng Bến Lức. Tiêu chuẩn của nàng hồi đó gồm mười lăm ký gạo có độn khoai mì, đôi khi thay bằng mì sợi và mấy lạng thịt, đôi khi thay bằng cá hay cua đồng. Có lần cuối tháng nàng được phân phối một con cá lóc thay cho tiêu chuẩn thịt. Liên gói nó trong một cái túi bằng ni lông và lá chuối, và cột vụng về vào chiếc yên sau của chiếc xe đạp. Dĩ nhiên là trên đường về, con cá đủ thông minh để quẫy ra khỏi xe nàng, tách một cái, nó nhảy xuống ruộng. Liên chỉ biết ngồi khóc. Đó là lần đầu tiên tôi gặp lại nàng sau bốn năm từ khi chia tay ở lớp cuối trường trung học.
Tôi ngồi uống ly cà phê đá trong một quán nhỏ, nhìn mưa rơi tí tách ngoài hiên. Một cô gái dừng xe đạp ở cửa, vào quán nước ngồi bên bàn đối diện. Cô người cao và gầy, có khuôn mặt thông minh, tóc cột bím ngang vai, dáng như một sinh viên. Tôi để ý trên ngực cô có huy hiệu lá cờ của đoàn Thanh niên. Mặt cô nghiêm, lạnh lùng hệt như các cán bộ đoàn thể hay nhà nước vào thời đó. Bốn mắt gặp nhau nhưng cô không cười. Tôi chột dạ, đứng dậy đi ra ngoài, nhưng lại tiếc ly cà phê đang uống giữa chừng. Tôi biết đây là ly cà phê cuối cùng ở Việt Nam. Một lát sau cô đứng dậy đi qua trước mặt tôi, nói rất nhỏ, ‘anh dân Sài Gòn phải không? uống nước lẹ lên rồi đi.’ Sau này nghĩ lại, tôi không biết cô đã dựa vào điều gì mà chắc chắn như vậy, và tại sao cô lại tử tế với tôi. Nhưng nghe đến đó là tôi phải dọt cho lẹ, không quên xách theo con vịt của mình.
Tôi đứng trên bến sông suốt buổi chiều, cho đến khi mưa đã tạnh. Trên mặt sông xa xa, những ánh đèn chài lập lòe, bên kia sông xa hút tầm mắt là những làng mạc tối đen, im lìm. Trong cảm giác yên tĩnh khác thường, tôi nghe vọng ra từ một căn nhà tiếng nhạc phát đi từ đài truyền hình trung ương. Tôi tò mò bước lại gần, qua cửa sổ, trên màn hình tivi trắng đen nhỏ, tôi thấy người đứng đầu chính phủ đang đọc bài diễn văn mừng xuân. Đây là một đêm ba mươi Tết lạ thường đối với tôi. Cảm giác mùa xuân về phơi phới trong trời đất, nhưng lòng người lặng lẽ, u ám, gây ra một tâm trạng lẫn lộn, mơ hồ khó tả, nửa buồn nửa vui, lâng lâng nghẹn ngào. Tiếng ca vọng cổ vọng lại từ một quán nước bên đường, tuy lời buồn não ruột, nhưng giọng có lẫn chút tinh nghịch của người hát, có lẽ là một cô bé nhỏ tuổi, làm tôi nhớ lại sáng hôm nay khi qua phà Cần Thơ, đứng bên chiếc xe đò lắng nghe một ông lão mù, với đứa cháu gái dắt tay, vừa gảy đàn vừa hát bài Dạ cổ hoài lang, khiến tôi đi qua rồi còn quay lại đặt những đồng tiền nhàu nát cuối cùng vào chiếc mũ lác để ngửa. Tôi vừa đi lại trên phà vừa nhai trái bắp non mua trên bến “bắc” Cần Thơ. Tôi chưa bao giờ được ăn một trái bắp ngon như vậy. Tôi chưa kịp ăn đến trái thứ hai thì phà cập bến, tôi vội nhét nó vào chiếc giỏ xách của Liên, định có dịp sẽ ăn tiếp. Bây giờ đứng trên bến Ninh Kiều, bụng đói lả, tôi thèm bắp lạ lùng, và như ngửi được mùi thơm ngát của nồi bắp luộc mới mang từ trên bếp xuống của mẹ tôi ngày xưa, trong một buổi chiều mùa xuân trời mưa lất phất trên mặt sông, trên những cánh đồng bắp xanh bạt ngàn dọc bờ sông ven làng tôi. Ở đó, có cái chòi canh nương rất cao mà những ngày nghỉ, tôi thường cùng lũ bạn tìm cách trèo lên để làm những trò tinh nghịch của tụi trẻ con hay nhìn về phía chân trời xa lắc, mơ hồ thấy thời gian trôi đi như một bàn tay êm dịu lướt qua trên trán khi người ta nửa mê nửa tỉnh trong một cơn sốt, váng vất những đám mây mù từ xa tiến lại, vừa hào hứng vừa ẩm ướt đầy dông tố.
Liên ngồi đợi tôi trong một góc tối khi tôi được người ta dẫn vào một ngôi nhà gạch. Trên bậc cửa thấp, đầy những gói hành lý nhỏ của những người cùng đoàn. Trong căn phòng nhỏ chật hơi người, nồng mùi mồ hôi, ai cũng im lặng làm tiếng muỗi kêu vo ve nghe rất rõ. Liên đưa tay về phía tôi, trong bóng tối, một khoảng da trắng nõn. Nàng mặc chiếc áo lụa màu xanh dương bó sát người, trên cổ tay có chiếc vòng cẩm thạch màu xanh thiên lý. Tôi ngồi xuống bên cạnh Liên, lấy tay bóp nhè nhẹ bàn tay của nàng ẩm rịn mồ hôi. Thời gian trôi chậm chạp, bên ngoài trời tối mịt, đúng là đen như đêm ba mươi. Tiếng pháo nổ đì đùng xa xa báo hiệu sắp giao thừa. Một nỗi sợ hãi mơ hồ dâng lên. Những người đi vượt biên thường bị mất của, bị lừa đảo, bị bắt, tù tội, ai cũng biết, chỉ những kẻ may mắn lắm mới lọt qua tấm lưới số phận mà ngay cả những chuyến đi được tổ chức chu đáo, chủ thuyền đã mua hết bến bãi, vẫn cứ dính bẫy.
Một lát sau có tiếng chân lịch kịch ở cửa, chưa ai kịp biết điều gì xảy ra, thì một họng súng đã chĩa vào. Người thanh niên có vẻ là du kích, mặt nhìn không rõ dưới vành mũ tai bèo, cất giọng ra lệnh. Hú hồn, thì ra đây là người dẫn đường trong toán du kích đã bán bãi cho thuyền vượt biên đêm nay. Tôi xuống một chiếc xuồng nhỏ, kiểu xuồng ba lá ở miền Nam, mạn thuyền lúp xúp nước, chỉ chở hai người khách không kể người lái. Một người đàn ông nhảy xuống sau lưng tôi, thành ra Liên bị bỏ lại trên bờ chờ đi một chiếc xuồng khác. Tôi lúng túng phản đối, sau một lát, người đàn ông đồng ý đổi chỗ cho Liên. Vậy là trên chiếc xuồng chỉ có tôi và Liên. Người lái xuồng là một người phụ nữ khoảng năm mươi tuổi, gầy, rắn rỏi, lia mái chèo thoăn thoắt đưa chúng tôi qua sông. Gió đêm thổi rờn rợn trên mặt sông khuya. Sóng vỗ ì ọp mạn thuyền, nước bắn lên ướt cả áo. Tôi nắm chặt tay Liên, hồi hộp. Tôi biết nàng không biết bơi. Qua được ba phần tư sông, gió thổi mạnh, sóng lên cao, hắt nước vào đầy khoang xuồng, làm nó lật úp lại. Liên mang theo rất nhiều túi xách, chứa thức ăn để khô, sữa, bơ, đường thỏi, lương khô Trung Quốc, một ít thuốc men và mấy bộ quần áo, là những thứ mà người vượt biển cần mang theo, nhất là thuốc say sóng. Nhiều thiếu nữ miền Nam vào giai đoạn đó thường chuẩn bị sẵn một thứ thuốc để trong nhà, cất kỹ, người ngoài không biết, đó là thuốc ngừa thai. Các chuyến hải hành trên biển thường gặp cướp biển vùng vịnh Thái Lan và trên biển Đông. Đây là một sự thật đau lòng. Lúc chuẩn bị hành lý, tôi có nhắc khéo với Liên về chuyện này để nàng mang theo thuốc, nhưng Liên gạt đi, cho đó là điều tủi nhục. Trong gói hành lý của Liên còn có một cây thuốc lá có đầu lọc mà tôi mua vội vàng ở bến xe, có lẽ là tài sản mà tôi quý nhất. Tất cả chìm hết xuống sông. Tôi nghe tiếng Liên hoảng hốt la gọi, và người lái xuồng lên tiếng trấn an, nhưng chúng tôi thật sự đã rơi xuống sông, ướt hết áo quần, mất dép. Tôi cũng mất luôn chiếc kính cận. Lặn hụp một hồi, tôi nắm được tay Liên, kéo nàng lên vai và ra sức bơi vào bờ. Đêm cuối năm, nước rất lạnh, sóng lớn. Tôi vốn là một tay bơi khá, nhưng đuối sức nhanh, có lẽ vì bất ngờ hay hoảng sợ. Trong một tích tắc đồng hồ, tôi chợt nhớ đến mặt nước sông Nhị Hà đỏ ngầu phù sa mưa lũ trong truyện ngắn nổi tiếng Anh phải sống của Khái Hưng. Ngực tôi đau nhói, trái tim siết lại, tôi không nhớ người lái xuồng đã bơi đi đâu, chỉ biết rằng giữa sóng to gió lớn chỉ có hai chúng tôi. Liên đã uống nhiều nước, và trên vai tôi nàng trở nên rất nặng. Bơi được thêm một khoảng xa, điều tôi sợ nhất xảy ra, chân tôi bắt đầu bị chuột rút. Ngày còn bé, do bơi lội nhiều trên sông, tôi đã biết cảm giác này. Nhà tôi ở ven sông cách trường học bên kia tỉnh lỵ một chuyến đò ngang. Mẹ tôi thường cho tôi một đồng xu kẽm, hình như là năm đồng, đủ để trả tiền qua đò. Những buổi trưa trời nắng gắt, nước không sâu, có thể nhìn thấy cát ở dưới đáy. Sau này tôi không nghĩ ra, khi so với những dòng sông bây giờ, tại sao hồi đó nước sông quê tôi lại trong đến vậy, và cát thì màu vàng óng ả. Những người dân quê khi thong thả hết việc đồng áng thường dùng một chiếc cào nhỏ để xúc cát ở đáy sông, bắt được nhiều hến và lươn, khi lặn xuống tôi cũng hay gặp những đàn cá ung dung dạo chơi. Buổi trưa đi học về, tôi bèn nghĩ ra một cách là lấy số tiền mẹ cho để trả tiền đò, mua một cây kem vừa đi vừa mút trên đường, xong, thay vì qua đò, tôi cởi hết áo quần ra bỏ vào mũ và bơi qua sông. Tôi lấy làm lạ rằng thời đó một đứa con trai chín mười tuổi mà vẫn chạy trần truồng trên bãi cát lại không đến nỗi là điều khiếm nhã, và không bị ai để ý. Trong một lần, tôi đã bị chuột rút và chìm hẳn. Tôi tỉnh lại trên mạn thuyền của một người đánh cá, thấy đói bụng lạ lùng. Mùi canh mướp sôi chín tới xông lên thơm ngạt mũi. Tôi thấy một cô bé trạc bảy tám tuổi ngồi ở đầu thuyền đang thổi lửa bằng cái ống tre lồ ô dài. áo quần tôi được ai đó phơi khô trên khoang thuyền. Đó là một trong những tình bạn thơ ấu đầu đời mà tôi nhớ nhất. Trên sông, khi bị chuột rút, chết là cái chắc. Hai đứa từ từ chìm xuống và miệng tôi đã sặc nước mấy lần, thì có những cánh tay kéo tôi và Liên lên những chiếc đò khác. Một chiếc đò dọc đi ngang đã vớt chúng tôi, tôi nghe tiếng người nói lao xao. Hình như họ bàn nhau đem chúng tôi đến đồn công an. Nhưng sau đó có người gạt đi và bảo đưa chúng tôi vào bờ.
Tôi và Liên tỉnh dậy trên bãi cát, lấy lại sức, có thể gượng dậy để đi được. Lúc đó tôi mới thấy xung quanh mình lố nhố những người khác, có một số người cũng đắm thuyền như tôi. Một lát sau, mọi người tập hợp lại và kéo vào làng, đi xuyên qua một con đường đầy sỏi cát, hai bên là những hàng tre nhỏ, miền Trung gọi là hóp, giao nhau trên đầu như những con đường ở làng quê tôi chạy dông dài qua những dãy đồi cát mịn, ở chỗ kết thúc thì thu hẹp lại, tỏa bóng mát bằng cách giao cành vào nhau, ở đó có nhiều chim chóc, mà lũ nhóc chúng tôi thường đi săn và bắt tổ chim những ngày mùa hạ. Đoàn người đi thành một hàng như duyệt binh. Tôi nhận ra đứng lầm lì hai bên đường là những người lính du kích mang súng tiểu liên ngang vai, chĩa nòng vào chúng tôi. Tôi đếm ít nhất có mười lăm mười sáu họng súng như vậy mỗi phía. Và họ cũng đếm chúng tôi từng người. Tôi đoán là hai bên đã có thương lượng về con số những người đi qua bãi của địa phương để xuống cá lớn, là tiếng lóng để chỉ các thuyền lớn đưa người ra đại dương. Sau khi đếm đủ số, tôi thấy một số người bị chặn lại phía sau, có thể là do hai bên chưa thỏa thuận giá cả, hoặc họ là những người nhảy đại xuống thuyền vào phút cuối, mà không đóng tiền cho chủ ghe, hồi đó thường hay xảy ra, gọi là ăn theo. Những người du kích vừa rút lui thì tôi nghe tiếng la đồng loạt rất lớn từ những ngôi nhà chung quanh, rồi lửa sáng ở nhiều nơi, hình như có một nhóm người khác không được ăn chia, hoặc hai bên không cùng kế hoạch, đang tìm cách phá. Thế là hoảng loạn, mọi người thi nhau chạy.
Tôi kéo tay Liên chạy trên một con đường mương nhỏ, vấp té nhiều lần, áo quần và da thịt bị cào rách nhiều chỗ. Một trong số những người dẫn đường chạy trước và năm bảy người bám theo anh ta. Đó là một người dẫn đường rất nhiệt tình, anh dẫn chúng tôi chạy một quãng đường rất dài, xuyên qua những xóm làng tối như mực, nằm khuất sau những tán lá dừa cao vút trong tiếng chó sủa xa xa và ánh đèn nhà ai mờ tỏ. Tôi thấy thèm lạ lùng một tổ ấm gia đình trong đêm cuối năm. Liên vừa chạy vừa khóc, nước mắt ướt sũng cả áo. Đến trước một cây cầu khỉ lắt lẻo, rất cao và dài, chỉ có một thanh gỗ mục duy nhất bắc ngang không có tay vịn, hoặc là tay vịn đã gãy chỉ còn trơ những chiếc cột tre đâm lên trời. Liên ngồi thụp xuống và nhất định không leo qua cầu. Trời lại đổ mưa. Nàng cầm tay tôi và nói ‘thôi anh đi đi’ và dúi vào tay tôi một gói nhỏ. Tôi nhận ra chiếc vòng tay cẩm thạch màu thiên lý lúc nào cũng nằm trên tay nàng và một gói sâm Cao ly mà người đi vượt biển thường hay đem theo để ngậm trong những lúc kiệt sức. Tôi nhất định không chịu và dìu nàng qua cầu. Tôi biết nếu té xuống, Liên sẽ không đủ sức gượng dậy, và chúng tôi sẽ để lỡ cơ hội cuối cùng. Sau khi bỏ nhà ra đi ba ngày, chắc chắn công an khu vực sẽ đến làm việc với gia đình và biết chúng tôi đã bỏ đi. Thời đó, chính quyền địa phương rất hăng hái trong việc xác nhận những người đi vượt biển, một phần vì chế độ hộ khẩu hà khắc, một phần họ rất có lợi vì có thể tịch thu nhà cửa của những người bỏ đi bất hợp pháp, hoặc dành chỗ làm việc ở cơ quan, hay chỗ trống về hộ khẩu, dùng cho việc mua bán đổi chác. Và nếu đi không thoát, khi trở về, chúng tôi có thể bị tù tội, mất hết công việc làm, liên lụy cho người thân. Tôi phải cố gắng hết sức mình để mong được sống. Tôi nghe rõ tiếng cầu nguyện của Liên, vì nàng là một người rất mộ đạo. Có một lúc tôi suýt rớt xuống cầu, nhưng may kịp vịn tay vào thành gỗ, lại đu người lên, và cuối cùng dẫn được Liên qua bên kia bờ. Người dẫn đường đã sang bên kia trước, vì anh phải bắt kịp những toán khác, sợ trễ giờ lên thuyền lớn. Những người khác cũng lần lượt vừa đi vừa bò qua cầu. Đi được một quãng sau lưng người dẫn đường, tôi nghe tiếng người rơi tõm xuống con kênh nhưng không ai có thời giờ và can đảm để ngoái lại. Tiếng người kêu la từ dưới mặt sông vọng lên làm cho chúng tôi sợ hãi và càng chạy nhanh hơn. Cuối cùng cũng tới được bờ của con sông cái, chỗ tập hợp. Ngoài xa, một con tàu rất lớn, mạn thuyền cao sừng sững đứng đợi, in một vệt sẫm tối đen lên nền trời. Tôi đứng thừ người ra một lúc nhìn nó, cái bóng cao đen sẫm kỳ dị như một lời nguyền từ tương lai.
Chúng tôi được thu xếp nằm dưới các bụi rậm và các gốc cây, chuẩn bị lên xuồng nhỏ ra thuyền lớn. Tôi lấy tay vuốt nhẹ mái tóc của Liên dính bùn đất, chiếc trâm cài đầu của nàng đã bay mất hồi nào. Một vùng ngực của Liên nóng ấm đập nhẹ trên cánh tay tôi. Chúng tôi nằm sát xuống mặt đất, thoảng mùi cỏ và mùi cát mịn, lắng nghe tiếng vỗ rì rào của dòng sông mênh mông. Tôi biết rằng đây là cái chạm tay cuối cùng của tôi lên mảnh đất thân yêu. Thời đó, những người ra đi không bao giờ nghĩ đến chuyện trở về. Tôi biết rằng rồi đây, nếu sống sót trên biển cả, và tới được bên kia bờ tự do, bước đi giữa những kinh thành rợp ánh sáng của châu Âu châu Mỹ, nếu có một ngày như thế, tôi sẽ nhớ điên cuồng giây phút này, nơi tôi đã sinh ra, đã lớn lên bằng một tuổi thơ đầy niềm vui, mơ ước, và cũng nhiều khói lửa chiến tranh, nghèo khổ, đã cùng bạn bè nuôi bao chí lớn thuở vào đời, nhưng cuối cùng biết mình bất lực, đã sống những ngày tối tăm cùng dân tộc, nơi tôi sẽ không bao giờ quay lại. Một quê hương sau rặng núi mờ xa.
Vài giờ sau, chúng tôi được đổ vào các thuyền nhỏ, bơi ra thuyền lớn. Đây là một chiếc thuyền đi biển có thể chứa được nhiều người với lương thực và nước uống, nghe nói đã được chuẩn bị từ trước. Người rất đông, chỉ một số ít là leo được lên mạn thuyền cao, còn phần lớn được người ở trên tàu kéo lên hoặc bị ném vào lòng thuyền như người ta ném cá. Tôi cầm chặt tay Liên, vậy mà mấy lần hai đứa suýt lạc nhau trong bóng đêm và đám đông. Trẻ con kêu khóc ầm ĩ, tôi thấy có nhiều cụ già, một số người Hoa không nói được tiếng Việt, rất nhiều thanh niên và những thiếu nữ mười sáu mười bảy tuổi, hầu hết đi từ Sài Gòn. Lòng thuyền ẩm ướt, rộng và sâu. Sau một hồi, mọi người đều tự tìm thấy được chỗ ngồi cho mình, nép sát vào khoang thuyền, chật cứng. Ngồi dưới nhìn lên trần thuyền khá cao, một người phải đứng vói tay mới tới. Một lát sau mọi người yên lặng như tờ, không ai nói với ai một lời nào. Có ai đó dùng đèn pin quét lia trong bóng tối. Người chủ thuyền và người tài công, nghe nói là một thiếu tá hải quân hồi trước, bước xuống dẫn đường, theo sau là một toán lính bộ đội mặc quân phục, đội mũ cối nhưng không mang quân hàm, không có ai mang súng, trừ một người đàn ông cỡ khoảng năm mươi tuổi không đội mũ, và mang súng ngắn. Ông này cất giọng chào và nói ‘anh em chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh cho bà con và đưa ra tới biển. Chúc bà con ra đi bình an’. Ông ta nói giọng Bắc, tôi đoán là giọng Hà Nội, có vẻ lịch sự, nhẹ nhàng, pha chút ân cần âu yếm. Mọi người không ai dám lên tiếng gì cả. Có một ai đó nói nhỏ vào tai người khác, và mọi người lần lượt cởi một số vòng vàng, nữ trang trao cho người chủ ghe. Lúc này, một đèn dầu tù mù đã được thắp lên. Người chủ ghe đếm dây chuyền, nhẫn, vòng vàng, tiền mặt. Hình như tất cả tiền mặt, trừ tiền đô, đều được để lại. Tôi thấy trong đêm sáng lên khuôn mặt hơi mỉm cười của ông Hồ trên những tờ giấy bạc, xếp lại thành từng cọc, tất cả được gói lại tử tế trong một cái bọc bằng vải, và được trao lại cho ông bộ đội không mang mũ. Ông ta lịch sự cảm ơn rồi họ lần lượt ra khỏi thuyền. Một phút sau, thuyền nổ máy, lướt ra giữa dòng và chạy rất nhanh. Tôi nghe nói từ đây ra cửa biển phải mất hai ngày. Ai nấy đều mệt và căng thẳng, đa số ngủ thiếp đi. Người chủ ghe đi đi lại lại, phát những loại thuốc ngủ bằng nước, hình như là thuốc ho có chứa chất an thần cho những đứa bé từ năm bảy tuổi trở xuống. Hai người mẹ vạch ngực cho con bú. Chiếc thuyền đi âm thầm trong đêm tối, có lúc tới một trạm kiểm soát phải tấp vào bờ, có tiếng chân người rậm rịch trên thuyền, tiếng hò hét, tiếng lên đạn, tiếng ra lệnh, tiếng nói nhỏ của người chủ ghe và của những người bộ đội. Mỗi lần đi qua trạm kiểm soát và thuyền dừng lại, bé Vân, một con bé khoảng ba bốn tuổi, ngồi sát bên cạnh Liên, dưới chân mẹ nó, mặt rất sáng sủa, xinh đẹp, lại khóc thét lên. Mặc dù cháu đã được cho uống bốn liều thuốc ngủ mà sao nó vẫn không ngủ, có lẽ vì quá sợ hãi. Mẹ cháu, một người đàn bà khoảng bốn mươi tuổi, mang theo sáu đứa con. Đứa lớn nhất mười bốn tuổi, bé Vân nhỏ nhất. Ngồi gần, tôi tò mò hỏi chị, biết chồng chị đã chết trong trại cải tạo mấy tháng trước. Khi được tin, chị đi nhận xác anh về chôn cất tử tế, rồi bán nhà và dẫn các con ra đi. Chị nói chị muốn đợi mãn tang chồng rồi mới đi, nhưng chuyến tổ chức vượt biên gấp quá, chị không thể chờ được. Người chồng bị bắt lại trong một vụ kháng chiến quân gì đó, sau khi được thả ra độ ba năm. Bé Vân khóc lớn đến nỗi chị phải bịt miệng cháu lại. Nó ho sặc sụa và vùng vẫy. Những đứa bé khác cũng thế, có đứa bị cha mẹ bịt miệng đến ngất đi. Liên ôm lấy Vân vào lòng dỗ dành, mỗi lần như thế no lại nín đi. Về sau nó rất quyến luyến với Liên, hai cô cháu thì thầm tâm sự, có khi cười khúc khích với nhau.
Mặt trời lên cao, chiếu lên những tia nắng rực rỡ qua những khe cửa hẹp ở trên mái, nhưng lòng thuyền vẫn tối tăm. Mọi người có tâm trạng háo hức trở lại, ai cũng mừng vì chuyến đi gần như trót lọt và sắp ra biển. Sau một ngày dài, đang ngủ mê mệt, tôi cảm thấy thuyền chồng chềnh khác lạ, tiếng máy nổ lớn hơn.Chỗ tôi và Liên gần mũi thuyền, vì khi xuống thuyền, mọi người đã chiếm gần hết phần đầu máy, là những nơi rộng rãi hơn. Tôi để nàng nửa thức nửa ngủ và cùng với một vài thanh niên khác trèo ló đầu lên mạn thuyền. Có ai đó reo lên, ‘đã ra tới biển rồi.’ Dĩ nhiên lúc này vẫn còn trong hải phận Việt Nam. Vì được trang bị máy tốt, thuyền chúng tôi chạy khá nhanh. Trên thuyền, chỉ có người tài công vằ một hai thanh niên phụ giúp. ở dưới thuyền, có một người thợ máy và người chủ ghe là thực sự làm việc. Chạy được khoảng bốn giờ đồng hồ, chúng tôi nghe tiếng tài công la lớn. Thì ra có một chiếc thuyền lạ xuất hiện ở chân trời. Chiếc thuyền này đang cố tình đuổi theo chúng tôi. Tới gần thì rõ thì đây là chiếc thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam. Hồi đó, các thuyền đánh cá hình như cũng được trang bị súng ống và giao cho việc bảo vệ an ninh quanh bờ biển, và trong thực tế, họ được giao nhiệm vụ đón bắt các thuyền vượt biên hồi đó ra đi ồ ạt, mỗi ngày mỗi đêm. Thuyền chúng tôi tăng tốc độ và chiếc thuyền đánh cá nhỏ hơn đã bị bỏ lại. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.
Thêm nửa ngày nữa, thuyền ra đến khu vực mà chúng tôi tin rằng đó là hải phận quốc tế. Ai cũng vui mừng, riêng lòng tôi lâng lâng một nỗi vui buồn khó tả. Liên và tôi bắt đầu ríu rít chuyện trò. Nàng nói về giấc mơ được đi học trở lại ở một nước Âu Mỹ nào đó, và muốn làm một cô giáo gõ đầu trẻ như ngày xưa. Tôi thì không nghĩ nhiều đến công việc và những dự định to tát mà chỉ mong được nghỉ ngơi và vui chơi sau những năm dài sống ngột ngạt dưới bầu trời u ám như trong một buổi chiều cuối năm nơi tỉnh lẻ có nhiều mây bay thấp, người người bỏ đi, phố xá lạnh lẽo, thời gian trôi chậm chạp tưởng như dừng lại. Tôi mơ ước một bầu trời tự do để bay nhảy thỏa thích như một con chim vừa được tháo cũi sổ lồng. Mọi người ai cũng đem theo một ít thức ăn và nước uống, giờ đây mang ra và bắt đầu trò chuyện vui vẻ. Ngồi bên cạnh tôi là một người đàn ông độ ba mươi tuổi ngoài, anh là một cựu sĩ quan đã từng đi học ở Mỹ về, tên Hiển. Sau khi đi học tập về, vợ anh đã đem con đi lấy chồng, hình như là một người có thế lực sao đó. Anh buồn, thất tình, không có hộ khẩu, không nhà cửa, lang bạt nhiều ngày, làm đủ thứ nghề, bị đuổi lên đuổi xuống, đi vượt biên đã ba lần đều bị bắt. Một người khác ngồi đối diện với tôi là Quân, một người làm nghề đánh cá nhưng trông anh có vẻ trắng trẻo thư sinh. Anh bị động viên đi bộ đội đánh nhau với Pôn Pốt ở Cam Pu Chia. Anh bị thương, trong người vẫn còn một viên đạn. Được giải ngũ vì thương tích, nhưng không có việc làm, hoàn cảnh gia đình nghèo túng. Anh vượt biên đường bộ một lần qua ngã Campuchia nhưng bị bắt và suýt chết, nên mất hết tiêu chuẩn thương binh. Có một anh chàng mặt tròn và trắng như phụ nữ, nghe nói là kỹ sư mới ra trường được đưa đi vùng kinh tế mới nhưng không nhận nhiệm sở, dẫn một cô bồ đi theo. Cô này bám lấy anh như một người tình thèm khát, tôi thấy thỉnh thoảng cô lại hôn môi anh. Ngôi bên cặp này, một người phụ nữ, có lẽ là dân buôn bán ở Sài Gòn, mở một hộp bánh kẹo ra ăn, mùi thơm ngào ngạt, nhưng lúc này chả có ai mời ai. Bỗng nhiên, Liên nhéo tay tôi, tôi nhìn theo ngón tay ra dấu của nàng, thì thấy một tờ giấy bạc màu xanh, chắc là đô la Mỹ, hình như là một trăm đồng, rớt ra từ gói bánh kẹo của bà ta. Loáng một cái, người kỹ sư nhặt lên và bỏ vào túi mình. Tôi không hiểu vì sao lúc đó Liên cản tôi, có lẽ nàng nghĩ những chuyện như vậy không đáng quan tâm hay những chuyện xích mích nhỏ nàng không muốn để tôi dính vào. Phía bên kia của người đàn bà này là một người đàn ông khác, tên Lân, cao, cắt tóc ngắn, mặc áo quần như dân thợ màu cỏ úa, còn dính những chấm vôi. Khuôn mặt anh gần như vô hồn, suốt từ khi xuống thuyền trong hai ngày qua, tôi chưa hề thấy anh nói một lời, mắt anh khi nào cũng nhìn vào khoảng xa xăm. Anh dẫn theo một đứa con gái khoảng bảy tám tuổi, thỉnh thoảng nó lại chạy qua chỗ chúng tôi. Một người thanh niên, cháu của người chủ ghe, ngồi cạnh, hình như có quen anh từ trước, kể cho tôi nghe về câu chuyện của anh, không biết đúng với sự thật đến đâu. Anh đi cải tạo hình như ở Thanh Hóa hay đâu đó trên rừng núi miền Trung. Vợ anh có hai con nhỏ, buôn bán tảo tần và vài ba tháng được phép của chính quyền đi thăm nuôi anh. Chị gửi con cho bên ngoại, lặn lội từ Sài Gòn qua những chuyến tàu hỏa chật ních người, những bến xe đò dính bùn lầy, qua những đoạn đường vắng vẻ, có khi không có chân người, tìm đến trại cải tạo để thăm nuôi anh. Một ngày cuối năm, chị cũng đi như thế, nhưng khi tới chỗ tập trung trước khi vào trại, vì đến trễ, đoàn người phía trước đã đi, chị đành ở lại một mình trong đêm. Quá nửa đêm gần sáng, có lẽ nóng ruột, chị không chờ được, quày quả khăn gói lên đường một mình mong được gặp chồng sớm. Từ chỗ dừng chân nghỉ, là một quán nước ở bìa rừng, vào đến cổng trại phải đi xuyên qua một cánh rừng rậm nổi tiếng có nhiều thú dữ. Chị đi một mình, và không bao giờ trở lại. Người chồng nhận được tin vợ mình đến thăm, nhưng ngồi suốt một ngày chờ vợ ở trong chiếc lán, nơi cán bộ cho phép vợ và chồng được gặp nhau, bày các thức ăn ra và chuyện trò qua một chiếc bàn dài. Chiều hôm đó, người cán bộ quản giáo mang đến cho người chồng một gói ni lông. Anh mở ra, không thấy gì cả, ngoài một lọn tóc dài đen nhánh. Anh ngồi im như thế suốt một đêm, không ai dám đến gần. Anh không khóc, không nhỏ một giọt nước mắt.
Một ngày trôi qua. Biển lặng, gió êm, thuyền rẽ sóng tiến về phía trước, hy vọng sẽ đến Malaysia trong hai ngày nữa. Lúc này mọi người mới biết ông tài công không phải là một thiếu tá, mà cũng chưa đi lính bao giờ. Ông ta hoàn toàn không biết lái tàu. Người chủ ghe liền nhờ đến anh Hiển và anh Quân lên bong tàu trợ giúp chàng tài công bất đắc dĩ này. Nghe nói ông ta đã lừa ông chủ ghe để đi không phải tốn tiền, nhờ cái mác thiếu tá hải quân. Tuy nhiên đây cũng là một đóng góp nhỏ của ông ta: đó là chiếc la bàn đi biển, một vật dụng hết sức cần thiết. Tôi đưa mắt nhìn quanh, đếm được khoảng một trăm người có mặt trên thuyền, một nửa là thanh niên nam nữ, một số trẻ con và người già cả. Mỗi người ăn mặc một cách khác nhau, nhưng đều bơ phờ mệt mỏi, mặt rạm nắng vì mấy ngày trên sông nước, cũng khó biết được nghề nghiệp và công việc của họ trong xã hội. Lúc này thuyền đã ra đến hải phận quốc tế, một số thanh niên như tôi leo lên bong thuyền để đổi không khí vì bên trong nóng và chật chội, đầy mùi mồ hôi người, bắt đầu có mùi khai của nước tiểu và phân người, nhất là vì các cháu nhỏ không nhịn được.
Chiều xuống chậm chạp trên biển. Hoàng hôn đỏ rực phương tây. Tôi ngước mặt nhìn lên, một vài đám mây vàng mây xanh bay lờ lững nhắc nhở kiếp người vô định. Nhưng cuối cùng, khi mặt trời lao mình xuống biển, bóng tối lan rất nhanh như một chiếc khăn quàng lụa bị nó bỏ lại đằng sau, không ngớt bập bềnh trên mặt nước xa xa. Trước đó, tôi cũng kịp thấy những đàn cá bơi lội dọc theo thân tàu, màu trắng bạc, màu đen tuyền, lướt qua những sóng nước do tàu rẽ ra, và mặt biển sau một hồi lại trở về yên tĩnh. Cuối một ngày dài, trừ những người trên bong tàu, hầu hết bắt đầu thiêm thiếp ngủ, đây đó tiếng trẻ con khóc vì đòi sữa. Người chủ ghe đi phát thức ăn và nước uống cho mọi người. Những người đang ngủ cũng bị đánh thức dậy. Khẩu phần là một khoanh bánh tét, một lon nước và một khoanh dưa hấu, coi như một cái tết xa nhà đầu tiên. Liên cẩn thận để dành phần nước của nàng và tôi, vì nàng nghĩ là ăn dưa hấu cũng đỡ khát. Tôi nhớ những ngày trước tết, lái xe honda chở Liên qua các phố phường Sài Gòn nắng ấm, bày bán mứt kẹo, qua chợ Cầu Muối, chợ Bến Thành, chợ An Đông, đi chọn mua dưa hấu đem về nhà cúng tất niên. Những đống dưa hấu chất cao chở về từ miền Tây, xanh sẫm, tròn trịa, căng cứng. Tôi có cái thú gõ vào chúng để xem dưa hấu có đỏ không, và thường đoán đúng, vì vậy khi mua dưa, Liên thường dẫn tôi đi. Cầm trên tay khoanh dưa hấu đỏ hồng, ứa rịn một thứ nước thơm ngọt, tôi nhớ đến những ngày ở miền Trung xa xôi thời nhỏ, buổi trưa nắng cháy đi bộ qua những đồi cát mênh mông bỏng rát chân, chợt nhận ra sau những dây và lá xanh biếc, trái dưa hấu tròn mọng nước như sức sống và niềm vui của đất.
Mọi người đang cười nói lao xao vì được thưởng thức món ăn ba ngày tết thì tôi nghe một tiếng nổ rất lớn ở phần đuôi thuyền. Mùi khói thuốc nổ bốc lên ngạt mũi, tàu chao đảo lắc lư dữ dội. Rõ ràng là tiếng mìn nổ. Mọi người hoảng sợ, trẻ con la khóc. Tôi leo lên ló mặt ra khỏi bong tàu qua một ô cửa nhỏ, thấy khói bốc lên mù mịt. Lúc này thuyền đã chết máy, dừng hẳn lại, trôi dật dờ theo làn sóng biển. Cách đó một khoảng không xa, một chiếc tàu lạ rất lớn, chiếu đèn sáng rực, thấy rõ màu sơn xanh đỏ, không treo cờ hiệu, đang chạy rất gần. Trên khoang tàu lạ lố nhố những bóng người. Một không khí khiếp đảm bao trùm lên mọi người. Có ai đó la lên, ‘cướp biển!’. Hình như người tài công và những thanh niên có nhiệm vụ trên tàu ngủ quên hoặc hoàn toàn không phát hiện ra có tàu lạ tới gần. Có thể tàu này trước đó đã ra hiệu cho chúng tôi dừng lại, nhưng không ai biết, nên chúng ra tay tấn công lập tức. Đây là lãnh vực thuộc vùng biển Thái Lan, vốn nổi tiếng cướp biển. Chiếc tàu lạ chạy ra xa rồi đánh vòng trở lại, chạy thêm nhiều vòng nữa quanh thuyền chúng tôi, mỗi lúc một gần hơn. Cuối cùng, nó rẽ sóng xông thẳng vào mui thuyền, hình như để cố lật thuyền xuống biển. Tiếng va chạm dữ dội vang lên. Tàu chúng tôi nhỏ hơn bị sạt lở nhiều mảng. Chiếc tàu lạ vòng lại lần thứ hai và cập hẳn vào mạn thuyền. Lúc này, ai nấy đều sợ hãi chui xuống gầm, không còn ai trên bong. Tôi thấy một số phụ nữ chạy trốn ra đằng sau đuôi thuyền gần chỗ đặt máy, một số khác ôm lấy trẻ con vào lòng. Người phụ nữ nằm bên cạnh Liên khoảng năm mươi tuổi, nghe nói là một dì phước tu trong nhà dòng, cùng với Liên kiếm những dầu mỡ bôi lên mặt lên tay. Tôi liền giúp Liên vào việc hóa trang này, chỉ mấy phút sau đầy mặt và tay chân áo quần của nàng bôi đen kịt các chất dầu mỡ nhem nhuốc mà trong hoàn cảnh bình thường chắc đủ làm cho không ai muốn tới gần. Những người phụ nữ cuống quýt tìm những đứa bé để ôm vào người vì nghe nói tụi cướp biển Thái Lan không chọn những người phụ nữ đã có con. Nhưng bọn trẻ không biết gì, la khóc vùng vẫy, chạy về bên mẹ chúng. Lúc này, bé Vân bốn tuổi, vẫn ôm chặt lấy Liên không chịu buông ra, không về bên mẹ như những anh chị của nó. Những tiếng động lịch kịch vang lên trên bong tàu, một lát sau không khí trở lại hoàn toàn yên tĩnh. Thời đó bọn cướp biển khi tấn công một tàu lạ, bao giờ cũng thận trọng dè chừng, không hung hãn như những đợt cướp biển đầu tiên trên biển Đông, vì một số tàu vượt biên có đem theo súng, và một số thanh niên có thể tự trang bị các vũ khí khác. Thời gian chậm chạp trôi qua. Một lát sau có người đối đáp qua lại, tôi đoán là tiếng Thái Lan. Một người ngồi gần đuôi thuyền lên tiếng trả lời bằng tiếng Thái, thì ra anh ta là một người Hoa Chợ Lớn biết nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Anh ta quay lại nói lớn với mọi người, họ sẽ cho nước uống và thức ăn, bây giờ bà con có tiếng đô hoặc vàng bạc thì đưa ra để đền ơn cho họ. Mọi người riu ríu tuân lệnh, Liên tháo trên cổ của nàng chiếc dây chuyền vàng mà mẹ nàng mua cho hồi còn nhỏ. Tôi cũng tháo chiếc nhẫn một chỉ trên tay. Hồi đó, người ta thường đeo nhẫn như một thứ tài sản nhỏ phòng hờ có chuyện cần kíp. Sau khi nộp hết tiền và nữ trang, người đàn ông có nhiệm vụ thông dịch, leo hẳn lên bong tàu, có vẻ mạnh dạn hơn, để trò chuyện với những thủy thủ trên tàu cướp biển. Tôi thấy họ ném xuống mấy can nhựa đựng đầy nước và hai rổ trái cây không biết loại gì, hình như cam hai xoài, hay cả hai. Người chủ ghe đem đi phân phát cho mọi người, nhưng không ai dám đụng tới. Một lát sau người thông dịch cúi mặt xuống lòng thuyền bảo: ‘họ cần gặp mười cô để nói chuyện.’ Anh ta nói thêm, ‘cái này tự nguyện, không bắt ép đâu à nghen!’. Bàn tay Liên chết lặng trong tay tôi. Tôi biết Liên khá trẻ và đẹp. Trên thuyền ai cũng biết nàng độc thân, chưa có con. Không một cô gái nào muốn lên bong tàu. Tôi thấy có một vài cô chụm đầu vào nhau khóc nức nở. Cảnh tượng không có súng đạn nổ mà thật hãi hùng, ai nấy đều chết lặng. Thật là bất ngờ. Một lát sau có tiếng người nói đây đó, thậm chí kêu tên người này người nọ, vì những người trên tàu sợ rằng nếu không đem nộp mười cô gái, chính họ sẽ bị giết và họa lây. Vào những hoàn cảnh như thế này, tôi mới biết thêm lòng người. Tôi nhớ có một chị, hình như là buôn bán hay làm việc trong một cửa hàng bách hóa gì đó, khoảng bốn mươi tuổi, tóc cắt ngắn, trên bến khá thân với Liên. Tôi thấy hai người trò chuyện rất lâu khi chờ xuống thuyền. Trong tiếng người nói, tôi nghe tiếng chị ta gọi tên Liên hai lần. Liên sợ hãi ôm chặt lấy tôi bằng một tay và một tay ôm bé Vân vào lòng.
Lúc này trên bong tàu, bọn cướp biển đã thắp những cây đuốc sáng rực. Tôi đã sống qua nhiều năm tháng khổ đau, nhưng ít khi biết được cái cảm giác lạ lùng cay đắng khi nhân phẩm của con người bị hạ nhục như trong giây phút đó. Tôi thấy thương đồng bào của tôi quá, thương Liên và thương cả bản thân mình. Cảm giác bất lực đè nặng trên ngực tôi như một tảng đá. Tôi nhớ hồi nhỏ có lần đi học về, ở ngoài đường phố, tôi bị một bọn trẻ con cùng tuổi bắt nạt. Chúng đông lắm, đến bảy tám đứa. Hôm đó, tôi đội một chiếc mủ lưỡi trai rất đẹp mà cha tôi mới mua cho tôi, màu đen, có cái hình batman thêu màu vàng phía trước. Nếu bọn trẻ xông vào đánh tôi, hoặc giật lấy cái mũ thì đã đành một chuyện. Nhưng đằng này, chúng chỉ vây lấy tôi vào giữa và bắt tôi tự lấy cái mũ ra khỏi đầu và trao cho chúng. Tự lượng sức mình, tôi biết tôi chỉ có hai chọn lựa: một là đầu hàng và tuân lệnh, hai là bị chúng đánh cho một trận nhừ tử. Chọn lựa ấy thật khó khăn cho một đứa nhóc chín mười tuổi như tôi lúc đó. Nhưng sau lần ấy, tôi không hề hối hận về chọn lựa của mình, mặc dù tôi phải nghỉ học hai ba ngày sau, và người đầy vết bầm tím, mà mẹ tôi vừa khóc vừa đắp lên người tôi không biết bao nhiêu là lá trầu, dầu cù là, dầu khuynh diệp và đủ thứ thuốc nam khác mà tôi không thể nào nhớ hết. Tôi cứ tưởng rằng bài học ấy người ta chỉ học một lần là xong, không ngờ hôm nay, tôi lại đứng trước một chọn lựa mới. Tôi tự hỏi rất nhanh, nếu Liên bị chỉ điểm và bị kéo lên thuyền, tôi sẽ phản ứng như thế nào?
Lúc này đám thủy thủ Thái Lan đã bắt đầu mất kiên nhẫn, và lên tiếng thúc giục người chủ thuyền. Ông này cũng hoảng sợ, nhưng không dám tự mình quyết định. Người đàn ông nói tiếng Thái Lan bèn gọi tên một cách hú họa. Tôi thấy có một vài thiếu nữ khoảng mười sáu mười bảy tuổi bị người khác đẩy ra, họ vừa khóc vừa để cho người thông dịch kéo lên bong tàu. Chuyện dằng co xảy ra rất lâu. Tôi ngạc nhiên thấy đám Thái Lan này vẫn không chịu bước xuống tàu và tự mình làm cái việc tuyển chọn ấy. Chúng sợ bị tấn công chăng? Hay chúng muốn thưởng thức sự đau khổ của người khác kiểu như mèo vờn chuột? Hay là cả hai? Tôi không biết. Cuối cùng cũng có chín mười cô gái bị đẩy lên bong tàu. Bọn thủy thủ Thái Lan có độ mười lăm đứa ngồi xoay thành vòng tròn, trước mặt chúng là một vòng tròn nhỏ hơn, gồm những cô gái vừa bị bắt, ngồi xoay mặt vào tâm điểm là một đống củi lớn đang bắt lửa, có lẽ vừa mới nhen lên, một lát sau phừng phực cháy. Chỗ tôi và Liên nằm ở ngay mũi tàu, là chỗ mà mọi người hàng ngày đi cầu và đi tiểu vào một cái bô lớn, rất hôi hám. Vì vậy, ông chủ tàu cho phép mở một lỗ hỗng lên trời để thoát bớt mùi hôi nồng nặc. Tôi không có khả năng chịu đựng của Liên, nên thường nửa đứng nửa ngồi dựa vào mạn tàu, thò đầu qua cái lỗ nhỏ để hít thở, và quan sát được mọi diễn tiến bên ngoài. Tôi ngạc nhiên thấy mình từ từ bình tĩnh lại, có lẽ ý thức tôi trong khi tìm câu trả lời cho câu hỏi kia, trở nên mỗi lúc một tỏ tường. Đêm tối mênh mông, bầu trời đen loãng, mặt nước biển cũng đen một vẻ tàn ác lạnh lùng. Một gã thủy thủ trẻ tuổi lôi ra một cây đàn ghi-ta, cả bọn chúng vừa hát theo tiếng đàn vừa vỗ tay bắt nhịp, và bắt các cô gái vỗ tay hát theo. Mới đầu chúng hát những bản nhạc Thái Lan, có âm điệu hoang dã, có lẽ là bài hát của những người đi biển. Về sau chúng xen lẫn cả tiếng Anh. Tôi không thể nào quên được hình ảnh kỳ dị như trong một đêm huyền sử mông muội của loài người, những khuôn mặt của các cô gái Việt Nam đáng thương hắt một thứ ánh sáng chập chờn từ ngọn lửa ma quái ngồi giữa những người đàn ông mặc váy xà rông sặc sỡ, da ngâm đen, vừa là ngư dân vừa là cướp biển. Những chiếc xà rông của chúng, mà tôi chưa thấy trước đây bao giờ, gây cho tôi một cảm giác kỳ lạ, như đứng trước nỗi hoang dã, trước những con thú sẵn sàng tấn công người khác hay hãm hiếp phụ nữ.
Đêm đầu tiên trôi qua khá yên tĩnh. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, các cô gái được trả lại chỗ cũ, bọn thủy thủ tắt lửa trên tàu, đem theo vàng và tiền thu được, rút về tàu của chúng. Chiếc tàu này bắt đàu chạy dạt ra xa, nhanh chóng biến mất vào bóng đêm. Tôi thấy những người trên thuyền nhìn những cô gái vừa được thả xuống với ánh mắt khác lạ, Không ai nói gì ngoài tiếng trẻ con khóc. Mọi người đều hồi hộp trong yên lặng, ai cũng mong tai qua nạn khỏi. Lúc này không ai ngủ được. Thuyền chúng tôi đã hỏng máy hoàn toàn vì trúng quả mìn bị ném vào chân vịt. Một số người bình tĩnh hơn bắt đầu rủ nhau tìm cách xoay xở làm buồm để chờ gió lên ra khơi. Tôi cởi cái áo sơ mi mặc ngoài để làm buồm cũng như nhiều người khác, vì trên thuyền không có vải. Chúng tôi dựng cột buồm bằng một mái chèo dài. Chiếc buồm gồm những tấm áo sơ mi và quần, nhiều màu xanh đỏ, xé ra, vá víu lại nhìn giống như thân phận của những người vượt biển. Tôi bắt đầu nghĩ đến cảnh chiếc thuyền trôi dạt chết máy, không biết đi về đâu, hay thậm chí bị tấp trở lại vào bờ biển Việt Nam, bị bắt, bị tù. Nhìn quanh tàu, tôi biết nước uống và thức ăn sắp cạn. Người chủ tàu thu tiền của tám mươi chỗ ngồi, nhưng thực tế số người xuống thuyền trên một trăm, vì vào phút cuối, có thể ông ta bị ép phải đưa nhiều người hơn hoặc vì cần tiền nên nhận nhiều hơn số dự định. Những người chuẩn bị ra khơi chỉ tính lương thực và nước uống cho hai ba ngày đường, có lẽ họ chỉ dự trù cho chuyến hải hành thẳng một mạch từ Việt Nam đến Malaysia, hoặc xa hơn một chút về phía nam là Indonesia. Không ai có ý định vượt biển vào Thái Lan cả, vì hồi đó vùng vịnh này nổi tiếng về nạn cướp biển giết người. Sau sự lên tiếng của một số nhà báo Việt Nam và nước ngoài ở Mỹ và châu Âu và các tổ chức cứu người trên biển, Cao ủy Tị nan Liên hiệp quốc hình như gây sức ép lớn với chính quyền Thái Lan, trước đó làm ngơ và dung dưỡng cho nạn cướp biển hoành hành. Chính phủ Mỹ và Liên hiệp quốc trong thực tế đã chi cho chính quyền Thái Lan hàng chục triệu đô la để thiết lập các tòa án xét xử bọn cướp biển. Những cố gắng này trong khi làm giảm bớt phần nào tệ nạn cướp biển trên vịnh Thái Lan, lại dẫn đến một hậu quả xấu khôn lường. Bọn cướp biển trước đây, sau khi tấn công tàu vượt biên, cướp bóc hay hãm hiếp, thường bỏ đi. Sau này, để được an toàn, chúng đánh đắm thuyền, giết sạch những người bị cướp, mục đích là tiêu diệt nhân chứng, và bắt các thiếu nữ về những hòn đảo xa xôi làm nô lệ cho chúng, hoặc bán vào các ổ điếm đầy dẫy ở Bangkok lúc bấy giờ.
Mặt trời lên cao, trời nóng ngột ngạt. Một ngày chậm chạp trôi qua. Màn đêm lại dần dần buông xuống. Tôi nghe tiếng cầu nguyện của nhiều người. Một nhà sư mặc đồ giả trang thường dân, ngoài bốn mươi tuổi, gầy và cao, ngồi niệm Quán Thế Âm Bồ Tát và rủ mọi người niệm theo để cầu nguyện. Tôi cũng thấy người nữ tu làm dấu thánh giá và đọc kinh. Đêm xuống, không ai còn đi lại trên bong tàu. Bỗng có tiếng thuyền máy chạy lại gần, tôi nghe rất rõ. Tiếng đụng nhau của hai mạn thuyền, tiếng hò hét trên bong. Tôi nhìn thấy chiếc thuyền này không giống chiếc hôm qua, sơn màu vàng và xanh, hình như hơi lớn hơn, cũng chiếu đèn sáng rực một vùng trên biển, có nhiều người đứng lố nhố trên thuyền. Bọn thủy thủ nhảy ào qua thuyền chúng tôi, la hét ầm ĩ, giáo mác sáng lòa. Hình như đây là một bọn khác. Anh Hiển, một người đi vượt biên nhiều lần không lọt, có kể với tôi rằng bọn cướp biển Thái Lan thường thông tin cho nhau, và chúng lần lượt đến cướp một tàu nhiều lần. Người thông dịch hôm qua lại làm nhiệm vụ. Sau một hồi trò chuyện, bọn thủy thủ im lặng trở lại và chúng để yên cho anh làm nhiệm vụ đưa người tình nguyện lên bong tàu như kiểu tối qua. Lúc này một số cô gái quá sợ hãi, không chịu lên bong tàu. Tôi thấy có người gọi tên Liên một lần nữa. Mất hết kiên nhẫn, bọn thủy thủ đạp toang cánh cửa dẫn vào hầm tàu, chúng lục tục nhảy xuống. Tôi thấy có hai tên mang súng tiểu liên, một số tay không, một số cầm loại dao dài có lưỡi rất sắc như kiểu dao đi rừng. Liên ôm chặt bé Vân vào lòng, mặt nàng co rúm sợ hãi, người đầy nhọ nồi, đen đúa. Tôi cầm chặt tay nàng, lẳng lặng không nói gì. Bọn thủy thủ dồn hết các phụ nữ lên bong tàu, một số đàn ông, có lẽ là những người chồng, cũng chen lấn đi theo. Tôi đứng lẫn vào đám đông ngay sát sau lưng Liên. Lúc này bé Vân vẫn cầm chặt tay nàng. Mẹ nó ngăn cản nhưng con bé vẫn không chịu buông Liên ra từ tối hôm qua. Thật là một phép lạ. Bọn thủy thủ Thái Lan cười nói nạt nộ, đi qua truớc mặt những người phụ nữ, lôi ra từng người một và đè họ xuống lột hết quần áo ngay trước mặt chúng tôi. Những cô gái sợ hãi kêu khóc. Có nhiều cô sụp lạy. Một cô bé khoảng mười bốn mười lăm tuổi chết ngất tại chỗ. Người thợ máy có vợ bị bọn thủy thủ kéo ra sàn thuyền, xông lại ôm chặt vợ vào lòng. Một tên thủy thủ dùng báng súng đánh vào đầu làm anh ngất xỉu, máu chảy lênh láng. Tôi đứng sát cabin của tàu, tức là buồng lái, thấy có một chỗ rất tối ngay sau cái thùng phuy lớn dùng để đựng nước uống. Tôi kéo tay Liên và con bé núp vào sau đó. Tôi vẫn chưa biết phải làm gì. Đứng khuất sau những người khác, một người phụ nữ bồng đứa con trai nhỏ khoảng hai tuổi. Đó là một người phụ nữ cao, da trắng trẻo, có khuôn mặt đẹp và hiền hậu, tôi cũng nói chuyện với chị lúc mới xuống tàu. Chị là một giáo viên tiểu học, từ miền Trung vào Sài Gòn năm 75. Hai vợ chồng chị bị đưa lên vùng kinh tế mới vì không có hộ khẩu ở Sài Gòn, người chồng bị chết vì bệnh sốt rét ác tính. Chị bán hết tài sản, bồng cháu nhỏ đi vượt biên. Một gã thủy thủ nhìn chị đăm đăm, rồi tiến lại giật đứa bé ra khỏi tay chị. Một đứa bé kháu khỉnh, không khóc. Tôi nghe gã thủy thủ nói bằng tiếng Anh, ‘baby son’ ‘baby son’ với giọng vui vẻ pha chút âu yếm. Một tên khác đè chị xuống, xé toạc quần áo bày ra những khoảng da thịt trắng. Chị vùng vẫy, cố vươn về phía đứa con và giằng lấy cháu. Tên thủy thủ ôm đứa bé lại vừa cười vừa gọi ‘baby son baby son baby son’. Nó lấy hết sức, dùng hai tay nâng cháu lên cao, và đột ngột ném xuống. Đứa bé bay qua mạn thuyền như một con búp bê, rơi xuống lòng biển sâu tối đen không một tiếng động.
*
Nửa đêm, mọi người đều mệt lả, và ngủ thiếp đi. Trăng non bắt đầu lên. Cảnh biển về đêm đẹp một vẻ lạnh lẽo hãi hùng. Tôi nằm nghiêng người, mắt mở mắt nhắm nhìn qua chiếc cửa sổ thông hơi ở mũi thuyền, ngay trên chỗ mọi người ngồi đi tiêu đi tiểu vào một cái thùng nhựa lớn làm hố xí tạm thời. Mặc dù mọi người đều bịt mũi khi tới gần, tôi không thấy hôi lắm, có lẽ vì suốt ngày nằm gần nó nên cũng quen đi. Tôi nhớ những đêm trăng vàng rực rỡ nơi làng quê xa xôi. Những đêm trăng, đi dọc bờ sông nghe tiếng gió rì rào thổi trong những cánh đồng bắp non vừa trĩu quả, những vạt cà chua chín đỏ rực và những vồng hoa cải vàng, một loại hoa vẫn chịu khó nở dưới trời lâm râm mưa bụi, khi mưa vừa tạnh thì trăng lên. Tôi đứng lên thò đầu ra ngoài, đưa mắt nhìn biển khơi, không có một vệt đất đen của xóm làng, biển im lặng như tờ, gió chỉ đủ để làm rung động một chút sóng ánh trăng từ xa tiến lại. Tôi nhớ một bài thơ của Huy Cận viết về đêm trên biển Hạ Long với đoàn thuyền đánh cá. Biển đã cài then đêm sập cửa. Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi. Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe. Những ngày còn ở trung học đệ nhất cấp, tức là từ lớp sáu đến lớp chín bây giờ, bên cạnh những giờ Kim văn, gồm thơ mới của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư... và tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyên Hồng, Trần Tiêu, Nguyễn Công Hoan... chúng tôi còn được giáo sư Việt văn cho đọc những tác phẩm không được dạy chính thức trong nhà trường, như thơ Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Quách Thoại... và một số bài thơ hiếm hoi từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa lọt vào như bài thơ của Huy Cận và những bài của Phùng Quán, Trần Dần, Nguyễn Đình Thi. Giờ đây, trong đêm mênh mông, ánh trăng nồng ấm trên vịnh Bắc Bộ và huyền hoặc ở làng quê đến với tôi, kỳ lạ thay, không kèm theo một vị mỉa mai cay đắng nào, mà thường trong những hoàn cảnh như thế này, người ta hay cảm nhận. Đứng trong mùi hôi thoang thoảng của phân người, nhìn qua ô cửa hẹp, lặng ngắm một vầng trăng góa bụa, tôi thấy dâng lên trong lòng nỗi thương cảm vô bờ. Một nỗi thương cảm không biết hướng về đâu, dành cho ai, và ai cần đến nó.
Trải qua một ngày vô sự. Mặt trời màu trắng như một chiếc dĩa kim loại đi qua trên đầu, và những vầng mây nhỏ, mỏng như khói lam chiều, không đủ che hết sức nóng chói chang. Những chiếc máy bay cao vút bay trên bầu trời, gợi nghĩ về một thế giới xa xôi, ở đó là một xã hội khác, một nhân loại khác, một nền văn minh khác, không có tí gì chung với số phận của đồng bào tôi và những con người nhỏ bé đang trôi dạt lênh đênh giữa sự săn đuổi của bầy thú dữ. Thỉnh thoảng có một chiếc máy bay lướt qua thật thấp trên đầu. Người phi công có nhìn thấy chúng tôi không?
Những người trên thuyền xúm lại đốt lửa làm khói bằng đủ thứ mà họ có được từ giấy vụn đến áo quần và những mảnh gỗ của mạn thuyền bị tàu cướp biển xô vỡ ra. Những sợi khói ngoằn nghoèo bay lên trong niềm tuyệt vọng ảm đạm. Thực phẩm đã gần hết, nước uống còn nguy hiểm hơn. Tôi biết Liên không đói. Tôi cũng không đói. Có lẽ vì quá mệt mỏi và sợ hãi. Nhưng khát. Những đứa trẻ con khóc không thành tiếng và không ra nước mắt, vì nước trong người chúng đã dần cạn kiệt. Chiếc thũng phuy đựng nước uống gần cabin trên bong, nơi tôi ngồi núp với Liên, bị lật nghiêng, còn đọng lại một ít nước cáu bẩn, mọi ngưỡi chia nhau mỗi người một hớp nhỏ. Tôi đưa cho Liên cả phần của mình, nhưng nàng không uống. Trước đó cả tôi và Liên đều chứng kiến cảnh bọn thủy thủ, sau khi hãm hiếp xong, nhảy vào thùng phuy rửa ráy. Bé Vân vẫn quấn quít bên cạnh Liên, nhưng nó đã mệt lả, mắt mở lớn nhưng không trò chuyện nhiều như lúc mới xuống thuyền. Liên sờ tay vào môi của nó, thấy khô nứt nẻ. Chúng tôi còn một bi đông nước để dự trữ cuối cùng, thứ bi đông của quân đội bằng nhựa màu xanh lá cây, đựng khoảng nửa lít nước. Tôi dùng cái nắp bi đông để canh từng hớp nước. Mỗi ngày từ sáng đến chiều, tôi chỉ uống hai lần, mỗi lần đúng một nắp nhỏ, không cưỡng được lòng mình phải rót cho thật đầy. Liên và bé Vân mỗi người cũng được chia hai lần một ngày và mỗi lần một ngụm. Nhưng lần thứ hai của Liên, nàng lắc đầu rồi đưa cho bé Vân uống. Con bé bốn tuổi thè lưỡi ra liếm từng giọt thong thả. Tôi lắc bình nước, áng chừng chỉ còn một phần tư. Sẽ còn bao nhiêu ngày nữa chờ đợi chúng tôi?
Tôi bắt chước một người khác, khi đi tiểu thì dùng một chiếc khăn lông nhỏ để hứng nước tiểu. Lúc khát nhất, tôi vắt chiếc khăn ra những giọt nước màu vàng để nhấp lên môi. Tôi lén làm việc này không cho Liên biết, và cố để dành phần nước cho nàng về sau. Có lần từ trên bong tàu hóng gió, tôi đi xuống, thì thấy Liên cầm chiếc khăn của tôi đắp lên má và khóc lặng lẽ. Những buổi chiều mặt trời sắp lặn, biển thật buồn như nỗi cô đơn của những người tiền sử. Mặt trời màu huyết dụ, càng đi xuống thì càng có vẻ lớn lên. Tôi thường dẫn Liên và bé Vân lên bong tàu cho bớt mùi phân người. Gió biển phóng khoáng cũng làm chúng tôi khỏe lại. Liên không phải là người thường đi ngắm cảnh thiên nhiên, nhưng những ngày đó, nàng thường cầm lấy tay tôi, và hai đứa ngồi yên lặng nhìn mặt trời từ từ nhúng mình nó vào nước, có khi như một thỏi son của thiếu nữ, có khi như một quả cầu bằng sắt nung đỏ, đôi khi hiền lành như một vị triết nhân im lặng, đôi khi dữ dội như khuôn mặt tử thần.
Gió lên. Chiếc buồm kết bằng những tấm áo sơ mi rách nát tung lượn kéo thuyền đi băng băng về phía trước. Đã mấy ngày người chủ thuyền không còn thức ăn và nước để chia cho mọi người. Tôi nghe nói những người đi trên sa mạc cháy bỏng thường thấy ảo giác là những vũng nước nhấp nhô trước mặt, khi họ cố đi tới gần thì chúng lại chạy ra xa. Tôi hiểu và cố dè chừng điều này, nhưng khi nó xảy ra thì thật bất ngờ. Miệng tôi khô rát, lưỡi bỏng. Tôi cố nuốt nhưng không còn nước bọt, tim đập mạnh, mồ hôi rịn ra trên lòng bàn chân và bàn tay đầy vị mặn, sau một ngày chúng biến đi đâu mất, sờ không thấy mồ hôi nữa. Da ở nhiều chỗ mỏng đi, khô rộp lên và bong ra. Đầu những móng tay Liên có những dấu chấm chảy máu, trên miệng và trong lưỡi của nàng có những vết lở loét nhỏ. Buổi sáng thức dậy sau giấc ngủ chập chờn, tóc nàng rụng đầy trên vai tôi, rơi vào trong túi áo. Ngày còn là sinh viên, Liên có mái tóc dài óng mượt ngang lưng, xanh mướt. Ban mai mùa hè rực rỡ nắng gió, bọn học sinh cùng lớp chúng tôi hay rủ nhau đạp xe ra biển. Gió ngược chiều thổi bay mái tóc dài của các cô về phía sau, như hình ảnh của những người đi sớm trước ban mai , mà thời gian ở mãi phía sau còn níu lại. Mặc dù ở thành phố, tôi nhớ nàng vẫn thường bắt chước mẹ, một người phụ nữ của vùng quê quan họ Bắc Ninh, gội tóc bằng bồ kết. Hồi đó xà phòng hiệu Camay là loại sang trọng và được ưa chuộng ở các thành thị miền Nam, tôi thường dành dụm số tiền ít ỏi của mình để mua cho nàng những bánh xà phòng thơm phương Tây như món quà tặng quý giá. Nhưng thật lòng, tôi không thích bằng mùi bồ kết của nàng, có lẽ vì kỷ niệm. Sau khu vườn của bà ngoại tôi, có một cây bồ kết dại, những trưa hè tôi thường quanh quẩn ra chơi.
Có lần gần chỗ cây bồ kết, tôi bất ngờ gặp trên cỏ xanh những dấu vết kỳ lạ. Những vết máu loang lổ, chưa kịp khô đã dẫn tôi, một đứa bé mười một mười hai tuổi đến bên gốc cây bồ kết, nơi tôi gặp người lính du kích với mảnh đạn trên ngực phải và trên đùi. Sau đó bà ngoại tôi và dì tôi chuẩn bị thức ăn trong những mo cau nhỏ, và băng bông, sai tôi mang ra cho người lính không tên, không quen biết. Ôi những mo cau của tuổi thơ cắp sách đến trường, nén những vắt cơm lại như bánh đúc, có tính giữ nước và làm cho hạt cơm mát dịu, ngon ngọt hơn rất nhiều so với những lon gà mên bằng nhôm được dùng phổ biến sau này. Được ba bốn ngày thì những đồng đội của anh từ rừng về khiêng anh đi trên một chiếc võng bằng vải dù màu xanh lá cây khi trời chập choạng tối. Ông anh họ tôi, con của dì tôi, lại ở trong nhà bà ngoại, và là một trung đội trưởng nghĩa quân, một người có nhiệm vụ canh giữ đồn và chống lại các toán du kích, những người theo anh là giật cầu phá đường, không để cho dân yên ổn làm ăn.. Mãi về sau tôi mới biết là anh ấy biết chuyện, nhưng không nói gì, cũng không ngăn cản. Tôi thường nhớ đến kỷ niệm này, với nhiều thắc mắc tự hỏi. Chắc đã có những đấu tranh kịch liệt nào đó mà người nông dân, một tay cày cuốc, một tay cầm súng bắt đắc dĩ, trải qua trong những ngày kỳ lạ đó.
Tôi nhớ mùi hương bồ kết đêm đêm bay ngan ngát trong bầu trời một thôn xóm bình yên, những năm sau cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc, trước khi miền Bắc từng đợt đưa quân vào miền Nam, và trước khi những người lính thủy quân lục chiến Mỹ đặt chân lần đầu tiên lên hải cảng Đà Nẵng. Cầm những sợi tóc khô mỏng dễ gãy vụn của Liên trên tay, tôi nhớ mùi hương của tóc nàng trong đêm Sài Gòn tĩnh lặng, trong những ngỏ hẻm xa xôi chỉ còn lập lòe ánh đèn của những người đi bán hủ tiếu rong.
Nửa đêm đang chập chờn ngủ, một cảm giác khó chịu bất ngờ làm tôi thức dậy. áo quần tôi ướt sũng. Nước đã tràn vào thuyền, mọi người đều thức dậy, tiếng la hét ồn ào hoảng loạn. Nước ngập lên mắt cá chân. Tôi phát hiện ra một lỗ thủng trên thân tàu, nước biển xối xả chảy vào. Anh Hiển ngồi dựa vào thành tàu, cố dùng lưng mình để bịt lại. Tôi lấy hết quần áo của mọi người chêm vào lưng anh, cố ngăn dòng nước hung dữ. Nước rịn ra từ các lớp vải. Mặt anh tái ngắt như một xác chết, có lẽ vì lạnh, nhưng anh vẫn bình tĩnh. Mọi người lúng túng nhưng thõng tay chờ đợi, không ai biết phải làm gì, kể cả những người đã từng đi biển. Quả thật chúng tôi là một đám đông ô hợp. Nước mới đầu rịn ra rồi phun mạnh thành dòng, tiếp tục tràn vào lòng thuyền, lênh láng, ngập cả cổ máy và lên đến gần đầu gối. Bàn tay của thần chết bắt đầu sờ soạng lên những thân thể gầy còm vì nắng gió và đói khát. Trong thuyền không có sẵn một dụng cụ nào để múc nước. Anh Hiển kiệt sức, té sấp vào mặt nước. Tôi ngồi thay vào chỗ anh, cố gượng hết sức, nhưng biết là vô ích. Anh Quân nghĩ ra một sáng kiến, hò hét mọi người lấy những chiếc can đựng dầu chạy máy, đổ hết dầu ra biển, cậy bật và mở lớn các nắp can thành những gàu múc nước. Lúc đó mọi người mới xúm lại chuyền tay nhau tát nước ra ngoài. Thuyền từ từ nổi lên, vì vậy lỗ hỗng trên tàu, có lẽ trồi lên mặt nước, nên không còn phun mạnh nữa. Chúng tôi thay nhau tát nước đến rã rời tay chân. Đến gần sáng thì nước chỉ còn lúp xúp.
Ngày thứ chín trên biển trôi qua. Một đứa bé trai hai tuổi chết trên tay mẹ. Người mẹ khóc lặng lẽ không thành tiếng. Tôi đến gần nhìn khuôn mặt trẻ thơ xám lạnh. Mặt cháu đầy những đốm tàn nhang đỏ, mắt khô như mắt một con cá nằm trên cạn nhiều giờ. Hai bàn tay cháu co quắp lại. Tôi đặt tay lên ngực, lên bụng của cháu, cúi người lắng nghe hơi thở. Nhưng cháu thực sự đã đi rồi. Tôi lặng lẽ vuốt mắt bé, nhưng hai mí mắt không nhắm hết lại được. Tiễn biệt em, một linh hồn nhỏ, vừa bay đi sau những ngày ngắn ngủi đậu lại trên trái đất, một quả cầu màu xanh ba phần tư là nước mà nhà thơ Xuân Diệu đã từng gọi là ‘đi như giọt lệ giữa không trung’. Tôi nhớ đến cuốn sách Hoàng tử bé của S.E., Bùi Giáng dịch. Chàng hoàng tử bé của nhà văn thơ mộng Pháp sống trên một quả tinh cầu nhỏ xíu. Cậu bé trai hai tuổi của tôi, cầu mong em kiếp sau, nếu quả thực người ta còn có kiếp sau, sẽ được sống nhẹ nhõm và bình an như cậu hoàng tử kia.
Đêm thứ mười, bọn cướp biển lại đến. Chúng neo thuyền chúng tôi vào sát chiếc thuyền lớn của chúng, bắc những thanh gỗ dài làm cầu để chạy qua chạy lại. Thoạt đầu, chúng ném xuống lòng thuyền nhiều trái cây và nước uống. Mọi người quên cả sợ hãi, dành nhau những quả cam căng tròn vàng óng và những bình nhựa nhỏ đựng đầy nước mát lạnh. Một trái măng cụt lăn vào chân tôi, tôi cầm lên thứ trái cây quý giá, vỏ màu nâu ấm áp, tròn trịa như quả bóng nỉ. Tôi cầm nó trong tay, cảm nhận qua da thịt mình vị ngọt và vị đắng của số phận. Tôi định bụng sẽ dành nó cho Liên trong những phút cuối cùng.
Bọn cướp biển không cần ra oai như những lần trước, có vẻ thông thuộc đường lối và mọi người. Có lẽ đây là chiếc tàu đã tấn công chúng tôi lần thứ nhất. Chúng xua đuổi và áp giải mọi người lên bờ, đàn bà, con nít và đàn ông. Có tiếng một loạt đạn nổ ở đuôi tàu, nhưng tôi không rõ có ai bị bắn hay không.
Liên nép vào tôi run rẩy. Hai chúng tôi cố đứng chen vào giữa và sau những người khác. Tôi chờ những lúc bọn thủy thủ quay đi, tránh ánh mắt của chúng, là lập tức bôi đầy nhọ nồi lên mặt, cổ, tay và chân Liên. Bé Vân không ngớt chạy tới bên mẹ rồi chạy về bên Liên. Mặt con bé đầy vẻ lo âu như một người lớn. Tôi suy nghĩ rất căng thẳng trong đầu. Tôi biết rằng tôi không thể làm được gì nhiều cho những người khác, nhưng vào giờ phút này, một thứ tình cảm có phần nào ích kỷ nổi lên. Tôi tự hỏi, một người phụ nữ như Liên mong muốn gì ở tôi lúc này. Sự che chở chăng? Tôi hoàn toàn không có. Một hành động nghĩa hiệp hoặc anh hùng chăng? Có vẻ lố bịch. Hoàn toàn cúi đầu cam chịu số phận chăng? Tôi không biết. Bọn cướp biển rõ ràng đã có một kế hoạch sẵn. Chúng đếm đi đếm lại từng người. Những tên mang súng tiểu liên đứng ở xa xa. Ba bốn đứa có vẻ là thủ lãnh đi đi lại lại. Chúng không cười nói hoặc la hét ồn ào như những lần trước. Mọi người gần như yên lặng, một nỗi yên lặng khủng khiếp dày vò. Nghe rõ tiếng sóng biển rì rào. Tiếng một người thủy thủ ở bên tàu kia hát một khúc hát không nghe rõ bằng thứ tiếng gì, buồn man mác, ngân nga vọng lại. Kỳ lạ thay, trong lúc này, tôi vẫn nhận ra giọng hát của hắn hay và trầm như của một ca sĩ chính hiệu, nhưng không có tiếng đệm đàn ghi ta như mọi khi. Tôi cúi đầu xuống. Chỉ có vầng trăng non là lên cao, cao mãi.
Thời khắc trôi qua không còn biết nhanh hay chậm. Tôi nhìn những cô gái khoảng mười sáu mười bảy tuổi, đi vượt biên một mình, túm tụm lại với nhau như một bầy chim lạc mẹ, tự hỏi số phận của các cô sẽ về đâu. Một cô bé nhỏ tuổi nhất, có vẻ mặt xinh xắn, ngất đi, ngã xuống bong tàu. Hai ba tên thủy thủ như thú dữ thèm mồi đang rình cơ hội, liền xô tới. Chúng xé rách toạc quần áo cô bé, và chỉ trong chớp mắt, phơi trần truồng thân thể một đứa con gái mới lớn ra trước mắt mọi người. Anh Lân, người đàn ông có vợ chết trong rừng, mang theo trong chuyến đi một đứa con gái bảy tám tuổi, có lẽ không kiềm chế được nữa, đột ngột lao ra từ phía sau, đứng chắn trước mặt chúng. Tôi thấy tóc anh gần như dựng lên, mặt đanh lại vừa có vẻ sợ hãi, vừa hết sức cương quyết. Bọn thủy thủ lùi lại, bối rối. Chúng đứng yên một lúc khá lâu. Những chiếc quần xà rông của chúng, tương tự như váy ngắn của đàn bà phương Tây, bay lật lên xập xòe trong gió tối. Tất cả nhìn anh chằm chặp nhưng không nói gì, rồi quay lưng bỏ đi. Một loạt đạn vang lên từ phía sau, xô người đàn ông ngã ập xuống sàn tàu. Tôi không thấy máu, có lẽ đạn trổ từ sau ra trước, và anh nằm úp lên vũng máu của chính mình. Những ngón tay anh sờ soạng trên mặt gỗ bóng như những dấu hỏi không có câu trả lời.
Sau cảnh thị uy vừa rồi, mọi người riu ríu tuân lệnh bọn thủy thủ như một đàn cừu. Những tên thủy thủ đếm lại một lần nữa, vừa kéo vừa đẩy khoảng mười lăm, mười sáu phụ nữ, dồn họ lên những thanh gỗ bắc cầu giữa hai bên để đi qua tàu của bọn chúng. Liên nắm chặt tay tôi, và với giọng nói trở nên bình tĩnh lạ thường, nàng thì thầm: ‘nghe lời em, giữ gìn tính mạng. Nếu em bị bắt, hãy để em đi. Anh hãy hứa nghe lời em ’. Liên lặp đi lặp lại hai ba lần. Hay nhiều lần hơn nữa. Tôi không nói gì, phẫn uất và tuyệt vọng, thấy mình hoàn toàn bất lực. Tôi nhắm một tên thủy thủ đang cầm súng đứng quay lưng lại phía mình, có vẻ lơ đễnh nhất, và chuẩn bị hành động cuối cùng. Tôi từ từ buông tay Liên ra, để dễ dàng xoay chuyển khi tình huống bất ngờ ập đến.
Tình huống bất ngờ đã ập đến, nhưng theo một kiểu hoàn toàn khác. Bất chấp những quần áo xốc xếch mà Liên cố tình mặc trên người, những dầu mỡ và muội đèn đen kịt tôi cố tình bôi lên người nàng, có lẽ bọn thủy thủ vẫn nhận ra trước mặt chúng là một cô gái đẹp, kiểu thành thị. Chúng chỉ vào Liên và nắm tay nàng lôi đi. Tôi ôm lấy Liên, nhưng trong một khoảnh khắc bất ngờ, Liên đẩy mạnh tay tôi ra, và thoắt một cái, lách người về phía sau tên thủy thủ. Hai tên khác bẻ ngoặt tay tôi, hất vào thành tàu. Một báng súng thúc vào bắp chân làm tôi khuỵu xuống. Diễn biến rất nhanh, nhưng tôi vẫn còn kịp thấy Liên thoăn thoắt bước lên thanh gỗ làm cầu tàu, đi giữa những người đàn bà khác. Liên ngoái nhìn về phía tôi. Trong một phần của giây đồng hồ ngắn ngủi đó, tôi bắt gặp ánh mắt nàng. Liên nhìn tôi thăm thẳm. Rồi nàng quay đi. Và đột ngột lao xuống biển như một con én.
Ngôi nhà từ đường của bên ngoại tôi có mái hiên rộng và dài, đầy rêu phong. Mùa xuân, én thường bay về làm tổ. Chúng vừa bay, vừa kêu ríu rít. én là loài chim thông minh và tinh nghịch. Đôi khi chúng bay liệng nhiều vòng trên cao rồi đột ngột sà xuống thấp, lao hẳn vào người, đến nỗi tôi tưởng là có thể đưa tay ra bắt được. Có lần một con chim én cũng đùa giỡn với tôi như thế, trong một buổi chiều, nhưng không phải vừa bay vừa hót, mà bay nghịch ngợm trong im lặng . Rồi sau đó nó vút lên cao, khuất sau những đám mây chiều có đường viền đỏ rực mặt trời, biến mất, không bao giờ trở lại nữa.
*
Nhiều năm sau, tôi một mình trở lại Sài Gòn. Những năm 2000, xã hội có nhiều thay đổi, đường phố và nhà cửa lớn rộng hơn, người và xe cộ đi lại tấp nập ồn ào. Sài Gòn lặng lẽ và đẹp ảm đạm của tôi ngày xưa gần như không còn nữa. Tôi chưa có dịp trở lại bến Ninh Kiều, nhưng đã có lần về đứng trong khu vườn nhà ngoại tôi, cây cối trong vườn bị bom đạn tàn phá gần hết, nhưng cây bồ kết dại vẫn còn xanh lá. Tôi đứng dưới cái bóng lặng lẽ của nó trong buổi chiều yên tĩnh nghĩ về cuộc chiến tranh vừa qua, những mùa mưa lũ và những ngày khô hạn trên quê hương mình, những năm tháng đói nghèo và kiếp sống uất ức lầm than trước và sau khi cuộc chiến tranh đã kết thúc. Tôi đi lang thang qua những thị trấn mới mở đầy bụi bặm, những làng mạc năm xưa tản cư người về còn thưa thớt, những bến đò tịch mịch, nhưng không biết để tìm kiếm một điều gì. Tôi không hề nghĩ đến chuyện trở lại ngôi nhà cũ của Liên, sợ sẽ không chịu nổi vết thương xé nát lòng mình. Gia đình nàng cũng đã đi định cư hết ở nước ngoài, nghe nói không còn ai ở Việt Nam. Một người bạn cũ biết chuyện đã khéo léo chở tôi đi mà không nói trước. Đường phố Sài Gòn đã thay đổi nhiều, trên chiếc xe Honda của anh, qua những ngõ quanh co bí hiểm, tôi hoàn toàn lạc mất phương hướng, cho đến khi dừng lại trước ngôi nhà cũ của Liên. Đêm nay trăng lại sáng, căn phố nhỏ vẫn yên tĩnh như ngày trước. Một căn nhà gạch có dàn hoa giấy, chỉ có lớp sơn là mới.
Tôi đứng lẫn vào bóng lá của cây mận trước nhà. ánh trăng và ánh đèn đường cọ vào nhau tỏa ra mùi thơm của mùa mận trổ hoa. Cánh cửa sổ sơn xanh trên lầu, chỗ phòng ngủ của Liên, vẫn nửa khép nửa mở như ngày nào. Có tiếng nhạc karaoke vọng ra và tiếng trẻ con cười nói. Căn nhà có lẽ đã đổi chủ nhiều lần, và đây hiển nhiên là một gia đình khác. Sau một hồi thật lâu, tôi lặng lẽ ra về với người bạn. Anh tử tế không nổ máy xe mà dẫn tôi đi bộ một quãng khá xa ra đầu hẻm, nơi có một quán cà phê nhỏ vừa bán cà phê vừa bán phở vẫn còn mở đến khuya. Tôi nhận ra bà chủ quán người Bắc di cư mấy chục năm về trước vẫn còn, tuy già đi nhưng không khác xưa là mấy. Tôi đắn đo một lúc, uống hết ly cà phê, chờ đến khi đứng dậy trả tiền, đánh bạo hỏi thăm về gia đình cũ của Liên. Kể chuyện một hồi, những chuyện mà tôi cũng có biết phần nào, bà chủ quán tiễn tôi ra cửa, và nói thêm: ‘cách đây sáu bảy năm, cô ấy có về đây một lần, ngồi khóc thật lâu, rồi đi. Tôi hỏi mãi mà cô ấy không chịu nói gì cả. Tôi giữ lại không cho đi, thì cô ấy hứa mỗi năm đến Tết lại về thăm. Nghe nói là làm ăn ở Campuchia hay ở đâu xa lắm. Nhưng từ đó đến nay tôi không thấy cô về.
Nguyễn Đức Tùng