có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 9 27, 2010

Chị ơi mở cửa em vào




“Chị ơi mở cửa em vào.”

Tiếng kêu cùng lúc với tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Giọng của Trâm.

Đêm đã khuya. Cứ mỗi lần vậy. Nga nhìn sang bên cạnh. Đứa bé vẫn ngủ say. Cái giường bên trống vắng, mền gối ngay ngắn trên giường nằm, cách ngăn bằng tấm màn chưa kéo. Nga ngồi lên, đưa tay lấy tấm khăn đắp ngang phần ngực đứa bé. Cửa mở. Trâm lách vào, theo sau là gã đàn ông. Người đàn ông lạ mặt. Mỗi ngày mỗi người, mỗi khác.


Nga bước ra ngoài bao lơn. Gió đêm hắt vào mặt. Nga thở dài. Cứ mỗi lần Trâm quay về. Nga sang giường bên trả lại người mẹ. Có thêm người khách, Nga trở nên thừa thãi trong căn phòng chỉ có hai chị em trú ngụ. Cuộc sống kéo dài đã lâu không biết từ lúc nào. Gọi là lâu vì cứ phải sống trong cảnh đổi chỗ, khi là Nga, khi là Trâm đứng ngoài bao lơn nầy. Còn bên trong, kéo tấm màn che ngang là một thế giới khác, thế giới mà trẻ con không được phép biết. Với đứa bé, Trâm vẫn là người mẹ, người mẹ che dấu tội lỗi mỗi ngày. Nhiều lần Nga nói, hay là gởi đứa bé ở một nơi khác, mình sẽ thoải mái hơn. Nhưng với Trâm, không hiểu sao Trâm vẫn cứ chần chừ, để coi, chờ thêm mớ tiền vốn đã.

Nga gặp lại Trâm sau cơn sinh nở, thiếu thốn, Nga đã phải đùm bọc người bạn cũ một thời gian dài. Buổi đầu Nga giấu giếm nghề bán thân, sợ bạn chê trách đồng tiền đem về bảo bọc. Cho đến một ngày Trâm biết được. Đó là lần những vết bầm giập trên người Nga. Một tháng trời trong cơn bệnh, tưởng chừng không dậy nổi. Còn Trâm vừa lo lắng săn sóc cho Nga, vừa thẫn thờ với vốn liếng của Nga cạn dần.

“Chị ơi, mở cửa em vào”. Cũng chung cùng câu nói đó, lần đầu Trâm đã lách vào, leo lên giường nằm khóc tức tưởi. Giọt nước mắt ô nhục. Trâm muốn gột rửa bằng vòi nước lạnh vỡ trên thân thể mình. Nhìn kỹ bạn, Nga chỉ chia sẻ bằng tiếng thở dài. Con đường Trâm bước, vẫn là bước đi theo người bạn cơ khổ đớn đau. Trâm vừa hãi sợ ngượng ngùng mỗi lần giao tiếp, nhưng đó cũng là nỗi kích thích bọn đàn ông con trai tìm của lạ. Không phải Trâm ngây thơ không hiểu chuyện gối chăn. Nhưng với Trâm ban đầu, đó là hình phạt tội lỗi. Mỗi ngày mỗi buổi, cố gắng vươn lên rồi gục xuống. Đổ thừa cho hoàn cảnh, cho xã hội cũng không ích gì. Xã hội có muôn bộ mặt để sống, để nói. Nhưng với Trâm không có con đường nào khác. Bốn bàn chân bước lên, nhưng hai xác thịt chung cùng một nghĩa sống. Cầm lấy bàn tay Trâm. Bàn tay lạnh giá, đôi môi tái đi Nga thông cảm cho bạn. Hiểu bạn đã làm gì để đền đáp ơn nghĩa Nga. Nga muốn nói đừng Trâm, đừng làm vậy, chị sẽ qua được mà. Nhưng mọi sự đã lỡ, như giọt nước mắt Trâm. Phần Trâm cũng không dừng lại được. Lần hồi Trâm chai lì, biết sửa sang quần áo, làm đẹp săn sóc thân thể mình. Trâm đã vượt qua con đường Nga đã đi, và bước xa hơn nữa. Gần bạn, nhưng Nga không hiểu Trâm. Trâm không thích nói về quá khứ, không thích kể lại quãng đời qua, tình ái của Trâm và đứa bé có mặt.



“Chị ơi mở cửa em vào”. Hằng đêm là tiếng gọi của Trâm. Cửa mở em vào, rồi em lại ra. Trâm thay quần áo khác, trang điểm lại, tiếp tục chiêu đãi khách. Phía dưới lầu, con hẻm dẫn ra mặt tiền đường của tòa nhà là quán rượu. Quán có nhiều cô hầu tiếp. Dạo nầy Trâm biết mình ăn khách. Hình như ở bản năng người có học, Trâm ăn nói lịch sự mềm mỏng hơn so với đồng bọn. Trâm có sức cuốn hút ở thân mình nở nang, ở bắp đùi tròn lẳn, ở nụ cười duyên dáng và mọi thứ tạo nên Trâm. Chả bù với Nga, ngày càng ốm đi, dù gió biển ở đây hiền hòa. Thành phố biển, thành phố với cát trắng, với bãi biển trải dài cả con đường chính, với sóng dồn dập ầm ĩ suốt ngày đêm. Nga có quá khứ, quá khứ của một thời học hành dở dang, có những buổi hẹn hò tình tự của thời mới lớn. Tan trường đã hơn mười giờ đêm. Dọc theo biển, mấy cánh áo dài trắng lẩn trong chỗ ngồi, hai cái đầu chụm lại. Tình yêu tuổi học trò. Tình trong nỗi dại khờ, khát khao chờ mong, lãng mạn. Gần đó, gái làm đêm hầu bàn dọc theo các bar trên biển, đến đi bằng những chiếc xích lô cố định giờ giấc. Có một cái gì đó xa cách giữa đời sống học trò. Biển ầm ì, biển Nha Trang đẹp thơ mộng. Có tình đầu quanh quẩn ở đường Độc Lập, len vào đường Hoàng Tử Cảnh, Hai Chùa rồi cuối cùng dẫn ra biển. Vẫn là biển. Biển quê nhà. Biển tắm mát đời Nga, tắm mát hai thân quyện vào nhau dưới dòng nước. Những đọt sóng dồn, đánh vào rồi vực ra, cho đến ngày cuốn hút mối tình đầu gẫy cánh bay xa, cho một thời quá khứ.

“Chị ơi mở cửa em vào”. Đêm đã khuya. Chỉ một mình Trâm bước vào. Nga thấy nhẹ nhõm. Trâm nói:

- Chị chưa ngủ à?

- Sao đêm nay chị khó ngủ qua!

- Có phải Trâm đánh thức chị nhiều lần không?

- Không đâu, lúc nào làm ra tiền thì cũng nên, ai cũng có một thời, một giai đoạn thôi.

Ngồi lên, Nga vừa kịp nhìn thấy Trâm thay cánh áo. Nàng tự nhiên với da thịt trắng nõn đi vào phòng tắm, chẳng bù với ngày xưa Trâm hay mắc cỡ e dè. Ở đây, tòa buy đinh với nhiều phòng cho thuê, tiện nghi như một gian nhà, có nhiều hộp nhỏ. Nga đã quá quen thân với chính mình, và người trú ngụ chung quanh. Đặt cuốn băng vào đầu máy hát, cái tivi nhỏ nhắn ở một góc nhà. Bấm nút. Tiếng nhạc với hình ảnh nhạc sĩ Văn Cao. Nhìn ông ta nói đôi lời giới thiệu cho tác phẩm mình. Khuôn mặt và dòng thời gian hiu quạnh. Nga thấy buồn quá. Đời sống người nghệ sĩ xế chiều, không phải là đời sống Nga. Người ta thanh cao hơn, đạm bạc hơn, an phận hơn. Có một điều Nga muốn thưởng thức. Đó là nỗi lòng, đau đớn ở một phận nghèo như nhau, và ở đó Nga thấy gần đời sống mình. Mỗi lần nghe, nhìn khuôn mặt người ông ta là Nga thấy nhớ cha, nhớ gia đình năm cũ với nỗi bồi hồi xúc động. Nga vẫn còn những lãng mạn đeo đẳng từ thời mới lớn cho đến bây giờ. Nga biết mình hơn ai hết, yếu đuối và hay thương cảm. Sống bên Trâm, nhưng Nga vẫn sống một thế giới riêng cho chính mình.. Chỉ có có cái chung là cùng phận bạc.

- Chị lại coi nhạc Văn Cao nữa à? Vặn vừa thôi, coi chừng thằng bé thức giấc.

Nga trả lời Trâm, giọng đùa lúc Trâm quay vào.

- Mở nhỏ hơn tiếng thở lúc em làm tình được không.

Trâm cười quê, bắt sang chuyện khác.

- Không nói chuyện nhạc nghe, Chị thử đặt hình ảnh một ông tên tuổi cùng thời ở nước ngoài, kế Văn Cao, chị nghĩ thế nào?

- Thì hai thế giới khác, hai phương trời khác.

Trâm vừa cầm khăn lau mái tóc ướt vừa gội, cái đầu nghiêng nghiêng nói:

- Chị nói sao, em không hiểu.

- Không hiểu thì tốt hơn. Mỗi người có một đời sống, có hướng đi riêng. Ai cũng muốn đi lên đỉnh cao, nhưng tới rồi thì được những gì. Tiếng tung hô mỗi ngày thoáng qua, còn lại chăng chỉ là nỗi trăn trở ngậm ngùi chính mình.

- Mà sao chị lại thích nghe nhạc ông nầy?

- Buồn và cô độc. Chị có nhiều ý nghĩ, không nói được. Ông ta viết nhiều mà ít nói, không khéo ăn nói. Cho nên mình thấy gần với mình thế thôi.

Trâm leo lên giường nằm bên thằng bé. Đêm yên tĩnh như thân xác Trâm giờ nầy mới thật là mình.. Thân xác của một người mẹ bên con. Trâm muốn bỏ quên tất cả, xóa đi hết vết đau tủi nhục, cuộc sống với đồng tiền. Mơ ước một ngày mai, sống ở phương trời nào đó, không ai hiểu rõ về mình. Che dấu tội lỗi, che dấu quá khứ. Nhưng cuộc sống xã hội, ngày càng thêm những hạng người như Trâm. Người ta tìm vui trên thân xác đàn bà. Và cuộc sống đi qua biết bao nỗi tủi nhục dửng dưng. Ở đây chỉ có Trâm và Nga. Có đôi bạn gái. Có hàng loạt hàng quán. Có căn phòng cho hai kẻ ẩn thân, mỗi người một phận. Cuộc đời đối mặt với nó, Nga thấy mình luôn là người thua cuộc. Nga muốn lần hồi cởi lớp, từ chối khách và sống lặng lẽ với cuộc sống khiêm nhường hơn. Trả thù đời, trả thù chính bản thân mình đã đủ. Nhưng đời sống còn lại, bắt đầu từ đâu, và như thế nào, khác gì con thuyền không định hướng.

Còn Trâm. Trâm chưa lần nào kể cho Nga nghe về mình. Không ai có thể hiểu ở hoàn cảnh Trâm hay Nga, hay ở cảnh ngộ đương thời, cả hai vẫn không thể là một suy nghĩ chung, dù ở giường nằm, ở bàn ăn, hay lúc đối diện.


“Chị ơi mở cửa em vào”

Đó là ám hiệu của Trâm để Nga bên trong liệu bề thu xếp. Lần nầy khác thường hơn. Trở lại với người khách lạ. Trâm nói chuyện đâu đâu, khác những lần trước. Nga được giữ lại ở yên trong căn phòng nầy. Qua vài câu mời chào. Nga hiểu Trâm đang muốn dấu thân phận mình. Trâm không có ngôn ngữ đẩy đưa hối khách cho xong việc, hay lả lơi mời chài. Lần nầy Trâm có vẽ lịch sự nhã nhặn với người khách hơn. Những câu thăm hỏi riêng tư làm Nga chợt hiểu có mối quan hệ nào đó đang đến với Trâm. Thằng bé say ngủ, lặng lẽ như những lần trước. Khác chăng, lần nầy Trâm đưa người đàn ông lạ mặt đến nhìn kỹ đứa bé, chứ không phải phô lấy thân thể mình. Người đàn ông nhiều tuổi hơn Trâm, đưa mắt nhìn chung quanh phòng, miệng nói:

- Trâm ở với cô bạn ? Chỉ bán quán, đơn giản vậy sao?

- Ừ thì đơn giản vậy.

- Còn thằng bé, nó là con của gia đình mình hả?

Trâm cười buồn.

- Của ai cũng được?

- Tại sao mình không chấp nhận sự thật. Mọi sự đã qua.

- Đôi lúc sống trong dối trá làm con người mình hạnh phúc hơn

Nga không hiểu gì hết. Người đàn ông ra sức thuyết phục Trâm quay về. Trâm vẫn ậm ừ lời nhỏ nhẹ cay đắng. Lỡ làng cả rồi. Không ai chấp nhận sự dối trá ở chính mỗi người.

Không hiểu sao lúc nầy Trâm không khóc được. Thật tình Trâm đang muốn khóc, thèm khóc, muốn nép vào bên vai người tình năm xưa, khóc như một đứa trẻ. Nhưng thực tế đã làm Trâm chai lì. Trâm không muốn mình yếu đuối, nhận chịu ngã xuống trước lòng thương hại.

Cuối cùng người đàn ông bỏ đi. Trâm ngồi đó, không nói gì với Nga. Nhìn bạn mệt mỏi. Nga muốn đùa một câu, nhưng rồi rẽ sang chuyện khác. Trâm không ra quán sao? Vậy là đêm nay không ai kêu mở cửa.

Nói xong Nga chợt thấy hối hận. Hình như trên khuôn mặt Trâm, giọt nước mắt đang lăn trên đôi gò má, chảy xuống trên môi, cánh môi mỏng đang muốn nói những điều hằng ấp ủ.

Chị Nga. Người đàn ông không là anh ấy, đi vào gia đình em, kèm theo nỗi bất hạnh. Chị muốn nghe? Cũng là chuyện đôi bạn. Thì thôi, một lần em nói..

Trời mưa lúc nào không hay. Ngôi nhà, căn phòng vắng. Chỉ có thân thể người đàn ông và người đàn bà quyện nhau. Như hai con rắn mãnh liệt, thô bạo. Ngày như bỏ lại đàng sau. Quên hết, quên tất cả. Chỉ có cơn hò hẹn. Có tiếng đánh đét vào mông.

- Cái ông nầy, chỉ có thế. Tiếng cười giả lả.

- Con Trâm nó biết chuyện mình không?

Người đàn bà thở ra.

- Lãng nhách, đang nồng nàn lại nói sang chuyện khác. Biết hay không cũng chẳng sao. Mình chỉ là đôi bạn thôi.

- Gặp nhau thế nầy, anh thấy ngượng lắm. Hồi xưa khác, bây giờ khác, không còn gì.

- Anh ấy cũng đã không làm được gì. Sống cho mình trước đã.

Người đàn ông đứng lên. Đã lâu, kể từ ngày trở về. Người đàn bà đầu ấp tay gối, đã ở phương trời xa. Làm gì ở chốn ấy, làm sao ông biết được. Chỉ còn người con trai bạn Trâm, và gia đình nầy như một gần gũi, những lúc trống không. Mẹ Trâm, bà ấy còn đẹp, còn thừa sức sống, thừa những cuốn hút đời. Đôi khi ông nghĩ mình là kẻ phạm tội.

Vòng tay của người đàn bà đang quàng qua thân thể ông, ép sát đôi ngực lớn lành lạnh hòa trong hơi thở nóng. Gương mặt bà ta đẹp, thiếu thốn, khao khát kể từ ngày cha Trâm đã phải nằm bất động. Cái bề ngoài thong dong trong cuộc sống quí phái còn xót lại, nhưng bên trong đòi hỏi nguồn mật ngọt rót vào da thịt. Ông xoay người lại. Đôi mắt bà đang nhắm lại đắm đuối. Cái khoảng vai trần trắng nõn, đầy ấp dục tình nung nấu. Ở khoảng không gian nào đó, biết bao người đàn bà đã nằm trong vòng tay ông. Nhưng với mẹ Trâm, không hiểu sao có một cái gì đó cuốn hút, thật đáng thương tội nghiệp. Thỏa mãn ẩn ức cho người khác, phải chăng đó là điều tội lỗi. Tội lỗi với cha Trâm, với người bạn lui tới thăm hỏi, mà thăm ông thật hay thăm người đàn bà nầy. Cả hai như không thể thiếu. Như một bám víu không rời. Những lần lui tới, những lần ái ân vụng trộm, đã cuốn hút ông đi xa vào khoảng mất hút không bến bờ. Xã hội ngày nay không còn những trật tự như ông mong muốn. Nhưng ông biết chính ông, phải giữ lấy cái trật tự cho chính mình, cho khoảng cách, cái khoảng cách của một tình bạn, niềm cảm thông với người nằm yên. Có những điều ông rất khó nói với Trâm. Có những điều ông khó giải thích với con mình. Khi đã thỏa mãn những khát khao, là lúc ông nghĩ lại.

- Con Trâm nó nghĩ sao về mình?

- Không có gì cả.

- Có bao giờ em nghĩ lại hành động mình không. Còn ba Trâm nữa, còn những điều mà chúng ta không thể dửng dưng.

- Không nói gì cả. Hãy để anh ấy nghĩ về em như mấy chục năm qua em đã cận kề săn sóc. Đôi khi có những tội lỗi mà mình không thể nói, che dấu để sống chung cùng hạnh phúc với mọi người. Một ngày nào đó. Tất cả sẽ dừng lại. Em vẫn là em, quay về với cảnh ngộ đời mình.. Không ai nhìn thấy bộ mặt thật của nó, ngoài anh.

Người đàn bà mặc lại bộ quần áo, đã thay ra từ lúc đến. Chỉ cần chải lại mái tóc, một chút ngắm trước gương soi

- Em vẫn là em khi chưa đến đây, khi chưa nằm lên chiếc giường nầy. Anh thấy không, không có gì vướng bận hết. Tội lỗi? Ừ thì quên đi. Không nói, không nhắc khi rời chốn nầy. Với anh em là người tình? Không hẳn. Cũng không thể coi là một người vợ được.

Dưới mắt ông, bà có thể được coi như một người đàn bà nhẹ dạ, mê đắm, yếu đuối trước tình cảm ông. Lúc mà ông chủ quan để tưởng mình là kẻ chiếm đoạt thì bà ta nói.

- Nói thật ra, anh đừng buồn nghe, khi em tự nhủ với chính mình. Anh không có một chỗ đứng nào trong tâm hồn em. Có thể anh cần thiết một lúc nào đó, khi em cần. Với nhau, chúng ta chỉ là một trò chơi. Cuộc sống có nhiều việc đã làm, nhưng không dám nói. Thú nhận chỉ là một hình thức trừng phạt. Người đàn bà thanh lịch, quí phái, sôi nổi như em khi lăn ra đời giao du, đôi lúc chỉ là tuồng lợi dụng. Đánh đổi thể xác, chưa hẳn là đánh đổi con người, cuộc đời. Đàn bà có những điều anh không thể hiểu. Nhan sắc dẫn em ra xa những lúc em cần chăm sóc.

Một lúc người đàn bà nói:

- Thôi mình về.

- Hôm nào em đến?

- Lúc em cần, em gọi hẹn

Lúc nầy bà đang muốn vội rời xa căn phòng nầy. Một ý nghĩ chán chường sau lúc thỏa mãn. Nhìn đồng hồ tay, trời sắp tối. Bà muốn trở về sớm lo buổi ăn cho chồng, cầm lấy bàn tay ấm áp vào ngực. Bà đang cần sự sống, đôi khi nhớ lại như thời son trẻ với ông năm xưa. Người đàn ông tội nghiệp, bà nói thầm. Không hiểu sao hôm nay bà nghĩ lại. Bà nhớ, đôi khi ông nói. Em đừng vất vả quá, anh không muốn là gánh nặng. Bà cảm động với giọt nước mắt. Bà không thể mất ông, mất luôn sản nghiệp, chỗ dung thân cuối cùng, đẩy cuộc đời gia đình vào ngõ cụt. Trong căn phòng vắng, gã đàn ông nắm níu lấy tay bà như muốn trì kéo thời gian chậm lại. Ông hôn say đắm như sợ đánh mất người đàn bà kề cận. Về phía bà, sao hôm nay bà thấy nụ hôn nhạt hơn những lần trước. Bà cười, vẫn nụ cười duyên dáng trong đôi mắt sáng ngời nghị lực. Bà nói em về trước nghe. Người đàn ông đứng lại nhìn theo. Hình dáng bà ra ngoài khung cửa khép. Ông nhớ vợ ông ở phương trời xa. Những lần thư hứa hẹn chờ đợi. Giờ nầy bà ấy đang làm gì? Ông cảm thấy hụt hẫng, kẻ chiếm đoạt đôi lúc như người thua cuộc. Người đàn bà trước mặt ông đang trở về ngôi nhà cũ. Ông không dám nghĩ đến những điều sẽ xảy ra. Chiều nay sao ông thấy ngẩn ngơ, không như những chiều hôm trước.

“Chị ơi mở cửa em vào”. Có thể nào thay khác đi một chút. Là tín hiệu của đôi tình nhân hò hẹn. Tiếng kêu của tình đầu say đắm. Ở đó sống yêu và được yêu, êm ái như buổi sáng, trưa chiều ở một nơi nào đó. Người ta đang sống trọn vẹn với thủy chung, mơ ước. Tất cả không thể đổ ập xuống trên thân phận đàn bà những oan khiên chịu đựng. Với Trâm. Người con gái mới lớn, khao khát với tình yêu, với lý tưởng cuộc sống gia đình. Tại sao người đàn ông ấy có mặt lúc nầy trong gia đình Trâm. Tại sao người ấy lui tới lúc mà cha đã nằm yên, không thể là buổi đón đưa với mẹ. Trâm cảm thấy thương cha mình, người đàn ông tôn kính. Còn anh ấy, chỉ như một đứa trẻ lớn lên khát khao một tình yêu như Trâm. Sự giúp đỡ nhiệt tình, hay sự lạc loài của hai người đàn ông, cùng lúc đến chung mái gia đình, như hồi chuông báo tử với cha Trâm.

Có những điều không thể nói, không thể giãi bày khi chính mình cưu mang sự lầm lỡ. Từ ngày ba Trâm mất, Trâm thấy mình không gần gũi được với mẹ như năm xưa. Mái ấm gia đình, khi không còn người đàn ông, như mất điểm tựa chèo chống. Trâm thấy mình trưởng thành trong cuộc sống lựa chọn, nhưng bơ vơ lạc lõng hơn khi chung quanh không là tình thân, sự chân thật.

Đứa con ra đời. Đôi lúc nó không phải là ước muốn của mối tình hợp ý. Đôi lúc nó chỉ như sự lỡ làng, nhưng vẫn là con người cần được sống. Không muốn nói, muốn khơi lại dĩ vãng. Có những điều không thể thú nhận. Sự im lặng đôi khi tự nó bảo vệ cái hạnh phúc, chở che cho đứa bé. Không ai biết sự thật hơn người mẹ. Nó sẽ lớn lên, trưởng thành, lập lại cuộc đời mới, hòa chung vào tầng lớp trên cõi đời nầy.

Trâm không muốn kể cho Nga chi tiết về gia đình mình, về người mẹ sau cái chết của cha, và ông ấy, anh ấy thế nào. Cuộc đời là sự nhẫn nhục chịu đựng. Tất cả như một giai đoạn nào đó trong không gian, thời gian. Trâm không nghĩ ngày mai, mình còn bám víu lấy tương lai nầy. Người ta cần có cơ hội, cần có chỗ dung thân. Không có đoạn kết như mình muốn. Không có số phận an nhiên chịu đựng. Đánh đổi là sự hy sinh thầm lặng. Ai hiểu và không hiểu được thế nào, vẫn phải sống. Cuộc đời quay như cơn lốc. Như hạnh phúc chênh vênh trên đỉnh đồi. Như một ngày nắng, mưa và gió.

“Chị ơi mở cửa em vào”

Tiếng kêu của Trâm. Tiếng kêu làm Nga choàng dậy đã bao lần. Khung cửa vẫn đóng kín. Chờ lấy bước chân Nga, chờ lấy cánh tay rút then cửa, Trâm sẽ lách vào.

Nhiều đêm như trong mơ, nghe tiếng kêu đánh thức. Nga đã ngồi dậy lặng lẽ thói quen mở lấy. Nhưng không, khoảng trống vắng trước mặt. Trâm đã đi rồi. Chỉ còn sót lại tiếng kêu “Mở cửa em vào”

Tiếng kêu rất gần, thân thiết. Đôi khi lại rất xa.


Hoài Ziang Duy

(vantuyen.org)