Tôi hỏi lý do tại sao Luận xin trọ tạm nhà tôi một khoảng thời gian, Luận triết lý ngắn gọn, để làm lại cuộc đời. Tôi gắt gỏng qua dây nói:
- Cái tuổi của mày, ngoài bốn mươi rồi mà không chịu lập gia đình, cứ hoang đàng, phóng túng như vậy…
Luận cướp lời:
- Đứa nào nói với anh là em hoang đàng, phóng túng?
- Không có "đứa nào’’ ở đây, nghe chưa? Kiểu sống của "cậu’’, trong gia đình ai lại chẳng biết? Bạn bè của mày đâu rồi, sao không nhờ chúng nó?
Luận cười lớn, tiếng cười có âm dội như thể chúng tôi đang đứng trong hang động, cái hang động dành cho những kẻ có ý định nhập thất. Tự dưng, thoắt cái, tôi nẩy ra ý nghĩ so sánh kỳ quặc ấy.
Luận nhẹ giọng như than:
- Ngoài này chỉ còn có anh em mình, còn ai nữa đâu mà "gia đình’’?
Tôi còn bối rối vì những tư tưởng lạ lùng quấy nhiễu thì Luận đã mau mắn tiếp lời:
- Mà chữ "đình’’ có liên hệ gì với chữ "gia’’ vậy anh?
Luận phân trí tôi chớp nhoáng. Tôi lưỡng lự:
- Ừ, mày hỏi, tao mới thấy ra. Cái "đình’’ với cái "nhà’’ ở làng quê Việt nam mình lúc nào cũng gắn bó mật thiết… Có lẽ từ đó mà ra.
Luận ví von:
- Thứ em đang cần là một mái nhà, có kẻ ra người vào mỗi ngày, còn miễu đình mỗi năm chỉ cúng lễ tấp nập một lần. Em sợ những dịp lễ lạc kiểu ấy, vì sau khi hương tàn nến lạnh, không khí mới thật sự âm u.
Tôi cười hắt. Giọng cười nghe như nhát chừng, dè dặt:
- Mày học nói văn hoa màu mè ở đâu vậy?
- Đầu tháng tới em bắt buộc phải dọn ra.
Luận đổi đề tài như trở bàn tay, như thời tiết nắng mưa, ấm lạnh chóng vánh nơi đây. Tôi bảo, để bàn lại với chị dâu mày. Nghe vậy, Luận biết tôi ưng thuận, mau mắn cám ơn rồi kết thúc mẩu đối thoại như sợ tôi đổi ý.
Vẻ mặt Hạnh thoáng ngạc nhiên khi nghe tôi thuật lại lời cầu xin của Luận. Nàng hỏi tôi về việc làm hiện thời của Luận. Nó không kể, tôi cũng quên hỏi. Trước đó nó là nhân viên trong một văn phòng du lịch. Hạnh bàn, nhà mình chỉ còn cái phòng trống dưới hầm, để em dọn dẹp lại cho gọn gàng. Chú ấy định ở trọ bao lâu, nàng hỏi. Chắc không lâu, tôi đáp rồi chặc lưỡi trách cứ vu vơ, cái thằng già đầu mà ăn chưa no lo chưa tới. Vợ tôi cười khẽ, khó đoán nàng nghĩ gì. Có điều, tôi biết rõ, Hạnh không phải là người phức tạp, so đo, tính toán. Đôi lúc tôi nhận thấy nàng hiền lành, đơn giản tới độ gần như vụng về. Tôi không vậy. Tôi thường có những suy tư trăn trở, lắm lúc bắt tôi phiền muộn vô cớ. Như mới nãy, trong khi chuyện vãn với Luận, ngẫu nhiên tôi tưởng ra hai đứa tôi đang đối diện nhau trong một hang động nhấp nhô vệt sáng từ khe hở mở ra vòm trời mênh mông. Một nơi chỉ có anh em chúng tôi, với thỉnh thoảng tiếng nước rỉ giọt xuống hõm thạch nhũ tách, tách… Âm thanh va vào vách đá, cộng hưởng thành đợt hồi tưởng bập bềnh nhiều mảnh vụn…
Tuổi chúng tôi cách nhau năm một, tâm tính nhiều điểm bất đồng, nhưng có nhiều gắn bó trong quá khứ: thuở nhỏ học cùng trường, đi về chung mỗi ngày. Tôi sống động, bất chấp như ve; Luận nhu mì, cần cù như kiến. Sau tú tài đôi, tôi ra nước ngoài; Luận ở lại, nhập ngũ. Vài năm sau chiến tranh, Luận đi tù cải tạo, được thả rồi vượt biên. Hôm chúng tôi gặp lại ngoài phi trường, tôi mủi lòng chảy nước mắt khi thấy nó đen, ốm, dễ vỡ như gỗ mục. Tia mắt Luận loé lên một thoáng, như tích tắc ngắn ngủi nhận diện người thân, rồi gấp mặt xuống vai tôi, đón bắt hơi hướm thâm tình. Chỉ vậy thôi.
Luận tới sống với gia đình tôi trong khoảng thời gian đầu. Lúc ấy tôi và Hạnh vừa chính thức kết hôn chưa tròn năm. Việc làm của tôi theo hợp đồng ngắn hạn. Đời sống bấp bênh như thuyền con trong biển lớn. Căn nhà mướn ba phòng nhỏ, chật. Luận phải ngủ trong phòng làm việc mười thước vuông. Ngày ngày tôi đi làm, thường khi chập choạng tối mới về. Hạnh đang mang thai con so, thêm gánh nặng chợ bếp, tâm tính buồn vui bất chợt. Có thêm Luận, tôi ngại Hạnh đảm đương không xuể, vì tôi biết rõ bản sắc thằng em, bừa bộn hơn là ngăn nắp. Không ngờ, chỉ sau một khoảng ngắn Luận về sống chung, tôi để ý thấy Hạnh tươi tắn hơn trước. Nàng chỉ than phiền, thường khi trước mặt Luận, chú Luận hút thuốc nhiều quá, hại sức khoẻ. Luận nại cớ, em tập tành hút thuốc và thiền tập trong mấy năm tù cải tạo. Tôi trợn mắt:
- Mày? Tập thiền?
Luận cười nhỏ nhẻ:
- Cho đỡ đói.
Hạnh bông đùa:
- Ở đây có ông thiền sư dạy thiền bảy món: đi, đứng, ngồi, nằm, ôm, lúc rửa chén, khi điện thoại.
Tôi bất chấp:
- Cả những khi tắm rửa, bài tiết, làm tình.
Hạnh lườm mắt nhìn tôi. Luận cười hể hả, tại sao không?
Có lần, vào giường nằm, Hạnh thủ thỉ:
- Chú Luận bớt hút thuốc rồi anh ạ!
Tôi trở lưng, vuốt ve chóp bụng Hạnh căng tròn, ậm ừ không nói. Hạnh khúc khích trong bóng đêm:
- Có vẻ như chú ấy tiêu tiểu lâu hơn trước, chắc đang tập thiền bài tiết.
Tôi đập khẽ lên bụng nàng, giọng nhừa nhựa:
- Em bỏ tật rình lỗ khóa, được không?
Hạnh "hứ’’ một tiếng, xoay qua hướng khác. Tôi áp mặt vào tóc nàng, thở ra hít vào, miệng láp dáp:
- Anh đang thiền tóc… Tóc em sợi cứng sợi mềm. Nửa đêm trăng lặn, anh thèm sợi tóc mai.
Hạnh làm thinh. Tôi biết nàng không giận, chỉ ngượng vì lời lẽ tôi thiếu tế nhị. Tôi làm lành bằng cử chỉ ve vuốt. Bụng nàng đã tám tháng, bác sĩ sản khoa không đoán được trai hay gái, vì thai nhi nằm sấp. Tôi lặp lại câu nói quen, trai gái gì cũng được, miễn sao khoẻ mạnh, lành lặn. Những khi chúng tôi làm chuyện vợ chồng, Hạnh luôn miệng nhắc, nhẹ thôi, mạnh quá, tội nghiệp con. Tôi quen thói lớn tiếng sảng khoái khi xuất tinh. Hạnh bịt miệng tôi lại, sau đó dặn dò, có mặt chú Luận, anh nhớ điều chỉnh âm thanh nhỏ lại. Tôi nẩy ra sáng kiến, mở nhạc những lúc đó. Nhiều lời hát tẩm nhập trí tôi, lẫn lộn, không đầu đuôi. "…Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà, về giữa phố xưa tôi quì… Chút nắng vàng từ đây cũng vội, khép lại từng đêm vui… Tỉnh ra có khi còn nghe…’’ Hạnh chê tôi có trí nhớ kém. Làm sao tôi nhớ được trong giây phút sảng khoái mặn nồng đó?
Những ngày Hạnh vào nhà hộ sinh, khuya, tôi trăn trở chiêm bao. Thấy mình trở thành đứa trẻ về lại quê nhà mùa nắng cháy. Nhưng tôi không quì giữa phố, mà dò dẫm ra vườn thăm lại những gốc cây, bụi cỏ thân thiết thuở ấu thời. Trưa vắng. Không gian tịch mịch, nặng trịch hơi nước. Cây trứng cá rụng trái đỏ đầy sân. Đột nhiên, vẳng lại từ xa, tiếng nước đổ ầm ì. Tôi tươi mặt nhận ra thác nước trong bài hát những đêm tôi gò gẫm thận trọng trên bụng Hạnh tám tháng. Và không khỏi nhớ lại cảnh tượng tôi đứng cầm tay nàng lúc thai nhi chào đời. Máu hoà nước ối xối xả bụng dưới. Hạnh cắn răng, tống khứ cái đầu trẻ sơ sinh lầy lụa chất nhờn khỏi khe bụng. Nàng bắt tôi rặn theo vô ý thức. Giọng ông bác sĩ đỡ đẻ hỗ trợ. Hạnh dốc sức đẩy nhúm thịt ra ngoài. Bà phụ tá nhanh tay hứng lấy sinh vật nhăn nheo đỏ hỏn, nắm chân dốc ngược. Vài tiếng ngo ngoe yếu ớt vang lên, khởi hành đoạn hành trình nhân sinh. Tôi cầm khăn chặm mồ hôi tươm dòng trên trán Hạnh. Hai mắt nàng ánh lên tia sáng mong đợi, khoé môi nhếch cười toại nguyện. Khoảnh khắc đó, bất thần tôi nghĩ tới những lần chúng tôi ân tình cùng nhau. Ý tưởng không đúng thời, không phải chỗ, nhưng thực tế là như vậy. Nơi Hạnh tiếp nhận một phần da thịt tôi cũng là nơi nàng cho ra đời một khối thịt da mới. Điều so sánh chẳng có gì tân kỳ, nhưng với tôi, nó mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Bà phụ tá ẵm đứa nhỏ bọc khăn trắng tới đặt lên ngực Hạnh, nở miệng cười:
- Chúc mừng ông bà, một bé trai.
Ngấn mắt Hạnh lóng lánh ướt. Tôi xúc động, không thốt ra chữ, lâu sau mới lí nhí được lời cám ơn.
Bữa đó tôi mua bia về nhà, ăn mừng với Luận. Nó tháo vát không ngờ, nhanh tay làm món nhắm, tôm khô với dưa chuột ngâm giấm. Những ngày tiếp đó, Luận trổ tài nội trợ, nấu những món thuần tuý dành cho sản phụ, để tôi đem vào nhà hộ sinh. Khẩu vị Hạnh không hợp với thức ăn bản xứ, vì vậy thấy tôi mang tới, lúc thịt heo nạc kho mặn lúc giò lụa muối tiêu rang lúc canh mướp thịt bằm, toàn đặc sản quê nghèo, nàng ưa lắm, ăn uống tận tình. Hỏi ra, biết Luận trổ tài, Hạnh trầm trồ không tiếc lời.
Không rõ, có phải nhờ vậy mà chỉ hai ngày sau, Hạnh hồi sức, được phép bồng con về nhà. Tôi xin nghỉ phép một tuần, ở nhà chăm sóc vợ con. Đó cũng là khoảng thời gian tôi biết rõ tính khí Luận nhiều hơn trước. Đếm lại, chúng tôi xa nhau xấp xỉ mười lăm năm. Đủ lâu để tôi không còn nhận ra cá tính thằng em trai. Những biến động ở quê nhà hẳn đã ít nhiều ảnh hưởng tới điều đó.
Một lần, trong cuộc rượu vụn, tôi dọ dẫm:
- Sang đây rồi, mày có những dự định gì?
Luận chần chừ:
- Thì… cũng như người khác, học tiếng bản xứ, học nghề rồi tìm việc làm.
Tôi vặn vẹo:
- Mày định học nghề gì?
Luận đáp gọn:
- Em không thích làm bồi hay phụ bếp quán ăn, mà thích làm một việc gì đó có giờ giấc nhất định.
Nói tới đó, hai mắt Luận bật sáng:
- Đời người ngắn ngủi, hưởng thụ cái đã.
Rồi, nó nhếch môi cười vu vơ. Tôi nhận ra trong ánh mắt, giọng cười cái bản sắc cố hữu của Luận thuở nào. Hạt giống ấy chỉ cần một cơn mưa ấm là nẩy mầm, bung lá. Quê hương tôi, tuy mưa hiền nắng ấm, nhưng lòng người khắc nghiệt, vẫn chưa phải đất lành.
Không đợi tôi có ý kiến, Luận đã kể lể:
- Những năm tù cải tạo đã bắt em suy nghĩ nhiều điều và thấy rõ chính mình hơn trước. Sống không vì mục đích cao cả nào, miễn sao đừng va chạm tổn thương đến đời sống cá nhân của kẻ khác.
Tôi chép miệng:
- Mày lý tưởng, mơ mộng nhiều quá, không tốt.
Luận cười vô tư:
- Anh cho như vậy là mơ mộng sao?
Tôi đập nhẹ lên vai Luận như thể vỗ về, vắn tắt:
- Thực tế hơn chút xíu, được không?
Luận không nói gì thêm, nâng ly chúc mừng tôi có con trai đầu lòng. Tôi đắn đo mấy chuyện vặt vãnh, chẳng hạn, không biết nên đặt tên con là gì. Tôi và Hạnh đã nhiều lần bàn tính chuyện này. Không lần nào chúng tôi tìm ra mẫu số chung. Hạnh thích có con gái đầu lòng. Tôi muốn một đứa con trai, để cha con đi xem đá banh, đi xem triển lãm xe gắn máy, xe hơi và chơi những trò mà đàn bà con gái ít khi ưa chuộng. Giờ đây, ước muốn tôi đã thành sự thật. Tôi vui sướng, hãnh diện và lo lắng cùng lúc. Tôi sợ mình không kham nổi bổn phận dạy dỗ.
Hạnh rầy rà lấy lệ khi nghe tôi bày tỏ nỗi lo. Nàng nhỏ nhẹ, phải dung hoà anh ạ! Dễ dãi quá, khó dạy con. Khó khăn quá, nó trách mình. Tôi chắt lưỡi so đo, có vậy mới thấy phục ông bà cha mẹ mình lúc trước ở quê nhà. Chưa có phương tiện ngừa thai, ai cũng con cái đùm đống, vậy mà tảo tần nuôi nấng, rồi cũng xong. Hạnh góp ý, anh chỉ nói tới hoàn cảnh tương đối thuận lợi của gia đình anh trong xã hội. Có biết bao tầng lớp bần cùng, chịu nhiều thiệt thòi khác. Với họ, kế sinh nhai là một vấn đề nan giải, nói chi tới chuyện giáo dục. Tôi im lặng, ngấm ngầm cho Hạnh có lý. Và không khỏi tự hỏi, tại sao đời sống có những phân biệt này?
Hạnh thường lắc đầu than thở, rằng tôi ưa nghĩ ngợi xa xôi. Tôi gật đầu an phận, ông trời ban cho anh tính nết vậy, chịu thôi. Khoảng thời gian có Luận sống chung, Hạnh càng nhận ra tâm tính dị biệt giữa hai chúng tôi. Hạnh nói thẳng:
- Tính anh với tính chú Luận khác nhau như trời vực.
Tôi lan man:
- Thuở nhỏ anh với nó hầu như cái gì cũng giống. Tóc gáo dừa hớt một kiểu, áo quần y hệt như anh em sinh đôi, chỉ có sở thích là hoàn toàn khác nhau. Anh thích chơi bắn đạn, tạt hình, đá banh, còn Luận ưa vít dây thun, búng hột me, thậm chí còn nhảy lò cò, đánh đũa với chị và đám con gái lối xóm.
- Anh với chú ấy có khi nào đánh nhau?
- Chưa bao giờ. Anh chị em nhà anh hiếm khi cãi vã, giận hờn, nói gì tới đánh nhau.
- Cha mẹ anh khéo dạy con.
- Ổng bả san sẻ tình thương công bằng cho bầy con.
Hạnh lý luận:
- Người ta chỉ làm được chuyện đó khi đời sống vật chất ổn định, có thì giờ để ý tới con cái.
Không dưng tôi mỉm cười, man mác tưởng lại:
- Đã vài lần Luận nói với anh, nó có cảm tưởng ba thương anh nhiều hơn thương nó.
Hạnh thở ra:
- Tâm lý trẻ con đó mà!
- Trẻ con gì, bây giờ Luận vẫn còn nghĩ như vậy.
Tôi không khỏi liên tưởng nét mặt Luận khi bày tỏ ý nghĩ trên. Không buồn, không trách cứ, mà phảng phất điều gì như ngượng ngập. Tôi đoán chừng, Luận sợ nói ra sẽ làm sai lệch hình ảnh ruột thịt thiêng liêng. Cha mẹ chúng tôi qua đời đã nhiều năm. Theo tập quán gia đình, tôi không cúng giỗ, chỉ đóng khung ảnh cha mẹ dặt trên bàn tưởng niệm. Và quan trọng hơn hết, là tưới tẩm những hình bóng quá vãng luôn tươi sắc trong tâm khảm mình.
*
Tháng năm, từ dạo đó, thản nhiên trôi qua. Hai con tôi giờ đã lớn. Mỗi năm đôi ba bận, nhân sinh nhật chúng, Luận tạt ngang, trao quà. Hối hả như sợ lỡ chuyến xe cuối cùng trong ngày. Thoảng hoặc vợ chồng chúng tôi nhắc tới Luận, hoàn toàn ngẫu nhiên. Hạnh am tường đời tư Luận hơn tôi. Khó đoán nổi nàng nghĩ gì qua khoé cười tủm tỉm:
- Chú ấy làm việc siêng năng, giỏi giắn, hội nhập trơn tru như thoa mỡ.
Tôi gặn hỏi:
- Nó kể gì với em?
Hạnh ậm ừ:
- Thì… lẩn quẩn mấy chuyện ở văn phòng, và… tình cảm lăng nhăng.
Hạnh khiến tôi tôi mò:
- Có gì lạ không?
Hạnh ra vẻ quan trọng:
- Có chứ anh. Dịp nào, em sẽ kể anh nghe!
Rồi, vì những lo toan thường nhật, tôi quên đi như quên những giấc mộng vá víu, không đoạn kết. Chúng nhem nhuốc cảm xúc, hụt hẫng, vô màu như thứ dục tính không nhằm đối tượng. Tôi chấp nhận và bằng lòng với đời sống mình, chưa một lần cất tiếng than van. Nhưng tôi biết, thâm tâm mình vẫn còn một gian trống trong lâu đài thênh thang, rực rỡ tia sáng những ước vọng không thành, chỗ tôi thỉnh thoảng vẫn rảo chân dạo chơi. Nhiều cánh cửa mở rộng cho tôi vào ra linh hoạt. Duy cánh cửa căn phòng cuối hành lang vẫn đóng kín. Chìa khoá ấy, tôi cất giữ trong tâm tưởng, như điều bí mật của riêng mình. Nỗi khát vọng gì vậy?
Một hôm, Hạnh gọi vào chỗ tôi làm việc, nhờ tôi chiều nay ghé ngang siêu thị mua vài thứ gia vị nhà không còn. Cuối năm trời tối sớm. Mưa tuyết phất mỏng, không đủ khoác tấm áo mùa đông cho phố phường. Chật vật một đỗi khá lâu, tôi mới tìm được chỗ đậu xe. Vừa tắt máy, toan bước ra thì tôi thấy loáng thoáng một dáng đi quen, tán dù đen che ngang đầu. Luận. Không phải một mình. Bụi tuyết bám mờ kính xe, tôi không nhìn rõ. Tôi xô cửa xe, toan lên tiếng gọi thì hai lưng áo sẫm màu đã lẩn vào đám đông xuôi ngược. Tôi dáo dác quanh quất. Những khuôn mặt trơ lạnh, những bước chân tất tả. Mùi rượu vang tẩm hồi và đinh hương chua nồng. Hương va-ni và đường cháy ngan ngát. Đã nhiều năm tha hương, tôi vẫn thấy mình như kẻ hoá trang trong dòng đời bản xứ.
Có lần sau đó, Hạnh ngần ngừ kể tôi nghe vài khía cạnh đời tư của Luận. Trời ạ, thằng em tương thân của tôi giờ đây đổi thay như vừa trải qua một cuộc phẫu thuật hiện đại, về ngoại hình lẫn tâm lý. Tôi phải trực diện với nó một lần mới rõ trắng đen.
Luận rất mực ngạc nhiên khi tôi gọi điện tỏ ý muốn gặp. Chỗ hẹn là một quán cà-phê bánh ngọt trong ngõ hẹp phố chính. Nơi này, trước kia, tôi và Hạnh thường hò hẹn cùng nhau. Nàng thích món bánh táo rắc hạnh nhân bào mỏng và đường quế. Tôi hạp khẩu với loại bánh trái cây nhân kem có mùi chanh. Cà-phê không có vị đặc biệt. Tôi thích vì bầu không khí yên tịnh, ấm cúng. Vào những dịp lễ lớn cuối năm, quán đông khách, nhưng không có vẻ tất bật của một kẻ không kham nổi thời khoá biểu. Có điều lạ, khách tới lui không phải chỉ những người cao tuổi với động tác mẫu mực, khuôn sáo. Tôi thường gặp nhiều cặp tình nhân son trẻ chuyện trò âu yếm nơi bàn hai chỗ ngồi, trong góc quán vàng mờ ngọn nến con. Nhiều cửa sổ rộng chưng cây cảnh, giăng màn voan màu huyết dụ. Những khung kính trông ra ngõ hẹp dốc ngược lên ngôi nhà cổ ghi bảng xây vào đầu thế kỷ trước.
Mỗi bận tới đây, tôi đều có cảm tưởng mình vừa lấn qua lằn ranh thời gian, ngược dòng quá khứ. Còn hơn thế nữa, là kẻ đang trà trộn vào trò chơi úp mở của tạo hoá. Một lần mở ra là một kỷ nguyên khác. Cứ vậy luân phiên. Những thời đại, những chủng tộc, những bản sắc hiện ra rành rành trên mỗi khuôn mặt, qua từng ngôn ngữ, lưu dấu chưa phai trên từng viên gạch xây tường, từng phiến đá nhẵn nhụi bàn chân giẫm.
Luận tới trễ mười lăm phút, cao giọng phiền hà khó kiếm chỗ đậu xe. Tôi đã gọi cho mình một tách trà đen ăng-lê sữa đường. Tôi để ý ngắm Luận. Nó tháo khăn nỉ đỏ quàng cổ, cởi áo da máng vào lưng ghế. Tôi thấy cổ tay nó đeo vòng chuỗi hạt trắng đục như sữa.
- Mày đeo những thứ này à?
Tôi nhăn mặt hỏi. Luận kéo ghế ngồi, chìa tay tới trước mặt tôi, giãi bày:
- Bạch ngọc đó anh! Tuổi em hợp với loại đá này. Đeo để tăng sinh lực.
- Mày mê tín từ khi nào vậy?
- Sao lại mê tín? Nếu nó không đem lại hiệu quả thì cũng không có ảnh hưởng xấu.
Tôi lặng thinh. Luận gọi một ấm cà-phê con và một phần bánh táo. Hạnh có lý. Luận không còn là một gã trẻ tuổi suy dinh dưỡng, kiệt quệ tâm lý đến từ một xứ đầy dẫy những trại tù cải tạo của nhiều năm trước, mà đã chóng vánh gột tẩy trở thành một nhân tố đồng dạng trong xã hội văn minh. Đầu tóc Luận cắt khéo, râu hàm cạo sạch, viền đậm màu da mặt nâu đỏ, khoẻ mạnh. Tôi không khỏi tự hỏi, bằng cách nào mà Luận biến dạng nhanh chóng như vậy?
Tôi buột miệng:
- Trông mày khác nhiều.
Luận cười khẽ:
- Hơn năm năm rồi anh.
- Không phải ai cũng như mày.
Luận nhíu mày:
- Anh nói như trách.
- Việc làm, sức khoẻ, đời sống mày hiện giờ ra sao? Lâu không nghe mày gọi điện thoại, cũng không thấy tới thăm, anh mày đâm lo.
- Không tin tức có nghĩa tin lành.
Tôi bực bội:
- Đừng lý luận với tao. Chị dâu mày kể lại…
Luận ngắt ngang:
- Việc làm tốt, sức khoẻ khả quan, chỗ ở ổn định. Chị Hạnh nói gì với anh?
Tự dưng tôi ngượng ngập. Những định kiến gai góc lởn vởn trong trí. Luận giơ tay sửa lại cổ sơ-mi màu vàng rơm lật ngoài áo len trắng muốt có những ô hình thoi màu nâu hạt dẻ. Cử chỉ và cách phục sức của Luận, thật ra, không có gì diêm dúa, nhưng tôi vẫn thấy chúng phô trương, lộ liễu. Không như tôi, quanh năm dày tháng, lúc nào cũng cởi ra mặc vào những bộ áo quần với dăm ba màu sắc nhất định. Những trang phục do Hạnh chọn mua theo ý tôi. Khác, không bao giờ tôi đụng tới.
Tôi không trả lời câu Luận hỏi, xắn một mẩu bánh, lặng lẽ nhai. Luận rót thêm cà-phê vào tách, khuấy lanh canh. Những móng tay Luận đều đặn, cắt dũa gọn gàng. Chúng bắt tôi có lúc rón rén lướt mắt lên mấy ngón tay mình. Làm biếng, chưa cắt. Tôi nhớ lại thuở nhỏ, không hiểu sao, mười đầu móng tay lúc nào cũng đen bẩn, tôi thường lấy tăm tre cạy đất. Giống như lúc tôi trật ngược túi áo, tẩn mẩn gỡ sạch bụi bặm và vụn bánh li ti. Cảm giác những lúc đó thích thú kỳ lạ. Không biết Luận có nhớ những chi tiết ngộ nghĩnh ấy?
Giọng Luận trầm trầm:
- Đã có lần em nói với anh, đời người ngắn ngủi, hưởng thụ cái đã, miễn sao đừng va chạm, tổn thương tới kẻ khác. Em đang thực hành điều đó bằng phương tiện vật chất do chính công sức em làm ra. Em không phải người tu hành. Em sống, trước tiên cho mình. Em giao tiếp, ăn ngủ với những người em thích. Ai nói gì, kệ họ. Em bất chấp luật lệ của số đông. Em đang sống tại một nơi mà quyền lợi cá nhân được tôn trọng, thì tại sao em phải giấu giếm bản sắc mình? Vài chục năm trước, đâu ai nghĩ rằng sẽ có một ngày những người cùng phái được phép ra sở hôn thú ký giấy sống chung với nhau?
Tôi bắt bẻ:
- Ở Trung đông và Hoa lục, bắt được, bị xử tử.
Luận bĩu nôi:
- Tội nghiệp cho những đầu óc đựng toàn sỏi đá.
- Mày thay đổi từ khi nào vậy?
- Tại sao lại thay đổi? Nó là bản tính, là nhiễm sắc tố trong mỗi tế bào da thịt, trong từng sợi lông, chân tóc.
Tôi thấy vẫn còn điều gì không ổn, nhưng biết nói ra sẽ không giải toả được gì, đành lảng qua chuyện khác:
- Mấy ngày nghỉ lễ, mày có dự tính gì chưa?
- Chắc cũng như mọi năm, em tới chơi nhà bạn hoặc mời bạn về nhà, nấu nướng, đi dạo và nghỉ ngơi.
- Nếu thích thì tới nhà tao chơi. Hạnh và mấy đứa nhỏ nhắc tới mày luôn.
Luận ngập ngừng:
- Em không thể để bạn một mình.
- Thì dẫn nó tới!
Giọng Luận ngờ vực:
- Thằng bạn của em không ăn được nước mắm.
Lận làm tôi bật cười:
- Thì pha cho nó một tô nước tương, khó tính.
Luận buông giọng cười theo. Tôi thong thả hỏi thăm thêm nhiều chuyện khác, thỉnh thoảng chêm vào một vài lời khuyên cho đúng bổn phận. Rồi chúng tôi mềm giọng ôn lại vài chương dĩ vãng chung thời niên thiếu.
Lúc chúng tôi rời quán, phố phường đã rực đèn. Tôi siết lấy lưng Luận, từ giã. Khứu giác tôi đằm đằm hương đường cháy những hàng quà bánh đón lễ cuối năm. Luận đi khỏi, tôi thong thả bước ngược lên con dốc. Dấu chân tôi giẫm lên mặt lộ lót đá xanh mấp nhô. Tôi ngước mắt ngắm nhìn ngôi nhà cổ đậm nét lên nền trời xanh thẫm, và thấy ra lý lẽ sau cùng của đời sống. Không còn lại.
Ngô Nguyên Dũng
(damau.org)