– Con cứ can đảm vục đầu xuống nước thì cặp chân sẽ tự nhiên nổi.
- Nhưng mà nước vô mũi.
- Đừng thở.
- Nước vô mắt.
- Nhắm mắt lại.
- Nhắm mắt thì biết đâu mà bơi?
- Hãy cứ làm sao cho thân mình nổi đã. Bơi? Bơi đi đâu mà cần phải thấy đường? Này, coi chừng. Ba đè đầu con xuống đây.
- Khoan đã! Khoan đã! Để con chuẩn bị đã.
– Nhắm mắt nín thở chớ có chi đâu mà chuẩn bị?
- Rồi.
Tôi đè đầu Ngọc xuống. Đôi chân đôi tay Ngọc đập loạn xạ và cái đầu cứ chực ẩy bàn tay tôi lên. Cuối cùng đôi chân chìm, một tiếng ú ớ làm nước nổi bong bóng từng loạt. Ngọc đứng thẳng dậy, ho hen sặc sụa:
- Ba làm con sặc nước. Dạy bơi cái kiểu gì…
Tôi cười lên một tràng dài:
- Con chưa biết bơi mà đã phê bình kiểu dạy bơi của ba.
- Nhưng dạy mà làm con gần tắt hơi luôn.
- Tại con đập tay chân loạn quá nên mau mệt. Hãy đập từ từ.
– Làm uống luôn mấy ngụm nước.
– Trước khi biết bơi người nào cũng phải uống rất nhiều ngụm nước. Cộng tất cả lại được chừng nửa lít.
- Ba còn nói đùa.
- Nói thiệt đó.
– Con không tập nữa...
- Thì sẽ không bao giờ biết bơi.
- Nhưng thà không biết bơi. Chớ... Uở! Cái gì ? Uở... Uở...
Một cái mũ cao su đỏ từ dưới nước trồi lên gần chúng tôi, Một khuôn mặt ướt sũng nước. Một bộ áo tắm màu đỏ. Một thân hình trắng trẻo. Một nụ cười:
- Chào ông.
Tôi lúng túng:
- Cô.
– Tôi xin lỗi đã tới quấy rầy ông. Tôi thấy ông tập bơi cho cháu, vội lặn lại coi. Ông để tôi tập giùm cho. Đàn ông thường thiếu kiên nhẫn. Cháu bé mấy tuổi? Năm tuổi phải không?
– Cô nói gần đúng. Bốn tuổi chín tháng.
– Cháu tên gì?
- Tên Ngọc.
- Còn tôi, – nàng trỏ ngón tay cái vào ngực, - tôi tên Yến.
Yến hiện đến trong đời tôi bất ngờ như vậy đó. Không cần ai giới thiệu, không bị run rủi bởi một hoàn cảnh ngẫu nhiên nào. Nàng tạo ra hoàn cảnh.
Yến mau làm quen với Ngọc. Đúng là nàng có những nét thanh tú và những cử chỉ dịu dàng. Nàng bế Ngọc cho nằm sấp xuống nước, và nằm trong vòng tay của nàng Ngọc không đập loạn chân tay như khi được tôi tập bơi cho. Ngọc cười vui, nói chuyện bi bô. Nàng không ra lệnh bắt gục cái đầu xuống nước, - như tôi, – mà bằng một bàn tay nhẹ nhàng nàng giữ cho cái đầu không được ngẩng lên cao. Nàng tập cho đôi chân đập nhịp nhàng. Nàng tập né mặt ngang lên để thở vô rồi ụp mặt xuống lại. Giọng nói êm ái và cử chỉ ân cần khiến tôi đứng cạnh đóng vai kẻ bàng quan mà cũng thấy được êm đềm lây.
Tập chơi một lát, nàng bảo Ngọc:
- Thôi cháu mệt rồi. Lên bờ.
Nhưng Ngọc lắc đầu:
- Con chưa mệt.
– Dẫu chưa mệt cũng phải lên bờ nghỉ. Nghỉ một lát rồi tập nữa.
Ngọc ngoan ngoãn nghe theo nàng. Hai người cầm tay nhau nhảy tung tăng để tránh những đợt sóng và tôi lững thững đi sau như một người lạ.
Ngồi lên bãi cát, tôi hỏi:
- Cô không phải là người ở đây?
- Vâng. Tôi ở Sài-gòn.
- Cô ra đây đã nhiều lần?
Nàng nheo một con mắt :
- Hình như ba, bốn lần. Lần thứ nhất cách đây hơi lâu. Lần chót cách đây một năm.
– Cũng vào mùa Hè như thế này?
- Lần nào cũng vào mùa Hè. Ông có thể nghĩ rằng bãi biển của ông hấp dẫn du khách vào giữa mùa Đông?
- Tôi chưa kịp nghĩ rằng cô là du khách nên mới hỏi vậy. Vả lại đôi khi người ta cũng bất chợt muốn đến thăm một bãi biển quen thuộc vào giữa mùa Đông xem dung mạo nó ra thế nào. Như muốn nhìn khuôn mặt người yêu của mình khi nàng ngủ.
Tôi vừa nói vừa vùa cát đắp lên bàn chân mình, đôi mắt theo dõi những hột cát xô nhau chảy ở những khe ngón chân.
*
– Ít khi lắm. Mấy năm trước, khi còn đi dạy học thì trên nguyên tắc mỗi năm tôi được rảnh ba tháng Hè, nhưng thời gian đó bị cắt vụn bởi những cuộc thi cử. Hết thi vào đệ Thất đến thi Trung học rồi thi Tú tài. Vừa xong khóa Một lại tiếp đến khóa Hai. Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm còn có thêm công tác Ấp chiến lược. Thời này thì còn sót lại công tác ở phòng phiếu nếu nhằm phải năm có bầu cử.
– Đi chấm thi là những dịp du lịch ngắn.
- Đúng như vậy nếu tiền phụ cấp đủ bù trừ những chi phí và nếu tình thế yên ổn. Những năm biểu tình sôi động ở Huế, ở Đà-nẵng, có điều động binh lực thì khó lòng mà tưởng tượng rằng đi chấm thi đồng nghĩa với đi du lịch.
– Lúc đó thì ông phải nghĩ rằng ông đang làm nhân chứng lịch sử.
- Tôi có nghĩ như cô, cho dù phải khá nhọc nhằn mới có thể nghĩ như vậy được. Những viên đạn bắn vung vãi không biết phân biệt người nhập cuộc với người chứng nhân.
- Họa hoằn lắm mới xảy ra ngộ nhận.
- Cô tưởng vậy, và mọi người cũng tưởng vậy. Lý do là bởi người chết không cất lên được tiếng nói. Vả lại cho dù họ có nói được thì hỏi làm sao mà họ có thể nói cho khắp hết mọi người cùng nghe?
Nàng mỉm cười:
– Trừ phi họ làm Tổng thống.
Câu hỏi xuất phát từ đâu mà lại dẫn đến một ông Tổng thống? Tôi đi ngược lần những câu hỏi và câu trả lời và tôi suýt cười khi tìm gặp câu hỏi đầu tiên của nàng: “Ông có hay vào Sài-gòn không?” Chắc đó chỉ là một câu hỏi lấy lệ. Nàng có thể sẽ mời tôi ghé lại nhà nàng chơi nếu tôi có dịp vào Sài-gòn. Nàng sẽ cho tôi cái địa chỉ. Chúng tôi sẽ nói những chỉ chuyện không cần thiết và câu chuyện sẽ dẫn tới một ông Tổng thống như hôm nay.
Tôi nhìn sang nàng. Nàng ngồi trước mặt tôi, cách tôi không hơn năm tấc. Khuôn mặt đẹp và nét thông minh tỏa ra trong ánh mắt sáng long lanh. Cái mũi, đôi môi, thân mình, đôi cánh tay, đôi chân, màu da... tôi mang một tâm trạng phức tạp khó tả khi không tìm thấy được một khuyết điểm nào trên người nàng. Có thể nói đó là cái tâm trạng sung sướng của sự thất bại.
Một buổi sáng hanh nắng tôi đang loay hoay đun nước trong bếp thì chợt nhìn ra cửa tôi thấy nàng đứng đó. Tôi lên tiếng ngạc nhiên:
- Sao cô biết được nhà tôi?
– Cháu Ngọc mách.
- Cô vào bằng cách nào?
- Cổng khép mà không gài chốt. Tôi đẩy vào.
- À! Chị vú xế nay đưa cháu tôi đi cắt tóc. Đi ra mà không chịu khó mò tay gài chốt cửa.
- Nghĩa là ông đang trách tôi đó.
Tôi lắc đầu vừa mỉm cười:
- Không. Không. Để tôi rửa tay, mời cô lên nhà trên.
Nàng giơ bàn tay ra hiệu:
– Khỏi cần. Ông cứ làm việc tự nhiên đi.
- Không có việc chi hết để mà làm. Đun nước chỉ là một cách tiêu khiển.
- Ông nói dối. Ông đã nói dối tôi một lần rồi, trước đây.
- Lúc nào?
- Ở ngoài bãi biển.
- Tôi đã nói dối như thế nào?
- Thôi, ông bước ra rửa tay đi để tôi vào coi chừng hộ ông. Rồi lát nữa tôi sẽ nói.
Tôi vâng lời bước ra và nàng vào bếp một cách tự nhiên. Tôi lên nhà trên tìm bình trà và đem rửa ly tách. Khi nước sôi, nàng tắt lò, chế nước vào bình, đổ đầy hai bình thủy. Chúng tôi lên ngồi ở phòng khách cạnh hai tách trà lên khói. Tôi lên tiếng trước:
- Cô cho biết tôi đã nói dối như thế nào?
– Khi tôi bảo vợ ông là người tốt, rằng ông được yêu thương nên ông không hiểu tâm trạng của tôi thì ông không hề cải chính.
- Đó là sự thật thì cô bắt tôi cải chính làm sao?
- Đáng lẽ ông nói rằng đó là chuyện ngày xưa, chuyện đã qua.
- Nhưng tôi có hề nói rằng đó là chuyện hôm nay, chuyện hiện tại đâu?
- Ông không nói tức là ông công nhận.
– Nhưng ai nói với cô rằng đó là chuyện đã qua, chuyện ngày xưa?
– Cháu Ngọc.
- Cháu nói lúc nào?
- Ở ngoài bãi biển, khi cháu đi chơi với tôi.
- Cháu nói như thế nào?
- Cháu nói cháu không có Má. Cháu ở với Ba chớ không có Má.
- Như thế thì đâu có chuyện ngày xưa hay bây giờ?
- Những người khác nói với tôi điều đó.
Tôi hơi cau mày bởi những người khác nào đó không bao giờ để cho tôi được yên. Tôi muốn quên đi hết, xóa bỏ đi hết, tạo dựng một nếp sống khác, hoàn toàn khác y như khi tôi lật bỏ nhiều trang của một cuốn sách, bỏ hẳn đi một hay hai chương để tìm đọc một chương mới. Từ ngày vợ tôi và tôi ly dị nhau.
Tiếng nói của Yến cắt đứt dòng tư tưởng tôi.
- Tôi xin lỗi ông vì đã làm ông phiền lòng. Thật ra, tôi không phải là một người thiếu tế nhị và không muốn làm một kẻ kém lịch sự.
Tôi đẩy tách nước lại gần nàng hơn:
- Mời cô xơi nước.
Và mỉm cười:
- Hãy để cho tách nước rửa những ý nghĩ không vui. Nước trà có chất tanin, đặc tính tẩy rửa rất cao. Cũng y như nước biển. Hôm gặp cô lần đầu, tôi nhớ đã đề nghị cùng cô dùng nước biển để gội rửa những nỗi buồn.
Yến cầm tách trà để lên môi.
– Cô có nhận được những tin tức của người bạn trai của cô?
– Sao ông biết?
- Tôi đâu có biết? Tôi đang hỏi cô mà.
Nàng phì cười:
- Tôi có tật nóng nảy vội vàng. Đáng lẽ tôi không học lên tới Đại học là phải, bởi một tật như vậy không phải là một ưu điểm dành cho các ngành nghiên cứu. Đằng này tôi lại cứ học và tôi lại chọn Luật.
– Đôi khi sự nóng nảy làm mồi lửa đốt lên sự Hùng biện.
- Làm mồi lửa cho sự Hùng biện cháy lên thì được, nhưng đốt cho nó cháy tiêu hết thì nguy. Vả lại, đó đâu phải là sự nóng nảy? Sự nóng nảy chẳng đem lại được cái gì tốt hết.
Vị trà ngọt thơm ở đầu lưỡi. Đôi bàn tay của nàng có những ngón trắng thon.
– Lúc nãy mới nghe ông hỏi tôi tưởng là ông đã biết rồi. Quả thật là tôi mới vừa nhận được thư của anh ấy.
- Những tin vui?
- Ông thử đoán xem. Khi tôi phải đi bộ hơn nửa cây số để tìm nhà ông…
Vừa lúc đó có tiếng xe xích lô phanh lách cách ở trước cổng, có tiếng cửa cổng mở và tiếng giày cháu Ngọc sào sạo trên sỏi. Tiếng của cháu sốt ruột gọi tôi:
- Ba ơi! Ba ơi! Con cắt tóc rồi. Ba ơi, cô chủ tiệm cho con gói kẹo sô-cô-la.
Cháu chạy vào phòng khách, bỡ ngỡ nhìn nàng một giây rồi vụt chạy lại ôm lấy cánh tay nàng:
– À cô! Cô mà con tưởng ai. Hôm nay cô mặc áo dài con trông lạ, con tưởng ai.
Nàng đưa tay vuốt ve chiếc đầu tóc mới cắt của Ngọc:
- Sao mấy hôm nay cháu không đi tắm với cô?
- Tại con bận đi học.
- Cháu học được mấy chữ rồi?
- Dạ con... nhiều lắm. Để con lấy sách cho cô coi.
Ngọc vừa nói vừa gỡ bàn tay của nàng, chuẩn bị chạy đi lấy sách nhưng nàng giữ lại.
- Khỏi cần. Cháu chỉ cần đọc cho cô nghe vài chục chữ thôi.
- Dạ.
Kỳ nghỉ Hè ta về quê
Nhà ta ở mé bờ đê
Ở nhà có mẹ cha ta
Cô và bà quí ta quá.
- “Về quê” nghĩa là sao?
Ngọc ngước mắt ngó nàng đăm đăm:
- Nghĩa là..... mình đi về... cái... cái quê đó,
- “Cái quê” là cái gì?
- ... là cái... cái gì... hè?
– Còn “bờ đê”?
- Cô giáo nói đó là bờ ruộng.
– “Mẹ cha” ta?
- ... là Ba đó.
Ngọc giơ ngón tay chỉ ngay vào tôi một cách sung sướng.
– “Ba” mới là “cha”. Còn “mẹ”?
– “Cha mẹ” là Ba. Ba con dạy như vậy mà. Phải không Ba?
Tôi khẽ gật đầu. Yến chầm chậm nhìn sang tôi, đôi mắt đang long lanh ánh vui chợt tắt. Nàng đang hiểu hoàn cảnh của tôi. Một người thông minh như nàng không đòi hỏi những lời giải thích. Nàng biết vì sao tôi phải giảng sai cho con tôi như vậy. Rồi khi lớn lên, tự khắc nó biết.
Ngọc không hiểu gì hết về sự im lặng đột ngột của chúng tôi. Nó lay bàn tay Yến:
- Sao cô không hỏi con nữa?
Giọng nàng rời rạc:
- Thôi, hỏi bấy nhiêu đã đủ.
- Con biết “Cô và bà” là cái gì rồi.
- Vậy thì giỏi lắm. Cô biết vậy nên cô không cần hỏi.
Vừa nói, Yến vừa kéo Ngọc ngồi xuống ghế. Nhưng Ngọc không chịu:
- Con ngồi làm nhăn áo đẹp của cô.
Nàng vẹt áo sang một bên.
- Làm nhăn cái quần cũng đẹp. Thôi cô ra vườn với con, con chỉ cây mận của con cho cô coi.
Nàng đưa mắt nhìn tôi ngầm xin phép. Tôi nói:
– Nó khoe với mọi người khách cây mận của nó. Không khoe thì y như nó không chịu được.
Nàng cầm tay Ngọc đứng dậy vừa bảo tôi:
- Cháu mét với tôi về cây mận đó từ hôm mới gặp. Cháu nói ba cháu trồng khi cháu mới sinh được một tháng. Cháu nói cây mận đó đẹp lắm. Cháu mời tôi hôm nào lại nhà để cháu chỉ cho xem. Cháu nói luôn địa chỉ, không kịp đợi tôi hỏi.
- Chưa thấy ai chủ quan như nó. Cứ khen cây của mình đẹp, trái của mình xinh.
– Cháu còn nói khi trái chín Ba hái bỏ vào túi ni-lông rồi sai chị vú đem biếu cô Trâm, cô Tuyết, cô Hương.
Tôi ngượng khi nghe một người đàn bà nhắc đến tên những người đàn bà khác mà tôi có cảm tình.
Một ngày nào sau đó, chúng tôi lại gặp nhau ở bãi biển. Lúc bấy giờ có một đoàn ngư phủ đang kéo lưới rùng. Nhìn mấy người đàn bà xắn ống quần xắn tay áo ngả người về một bên chỏi chân kéo sợi dây neo to, nàng chạy lại nhập cuộc, ra sức kéo với họ, Tôi thấy vui lây cũng lại bắt tay vào dây kéo luôn. Khi lưới kéo gần tới bờ thì đầu dây bên kia do một đoàn người khác cũng chỏi chân kéo đi gần lại đoàn người của đầu dây bên này. Tôi chạy sang phụ tay ở đầu dây bên kia.
Càng gần tới bờ, mặt lưới càng nổi cao trên mặt nước. Có tiếng vẫy mạnh của tôm cá bị bao vây. Có lần nước chạy ngang dọc, dấu vết tôm cá chạy loạn. Tiếng đàn bà và trẻ con mừng rỡ ồn ào. Nàng pha tiếng cười vui vào với họ.
Còn mươi thước nữa tới bờ. Còn dăm thước nữa. Còn ba thước nữa. Chợt mọi người rán sức một phát cuối cùng, lưới chạy vụt lên bờ, những ngư phủ nhảy trái ra ngoài. Chỉ có tôi và nàng lọt vào giữa lưới. Cùng với bầy cá tôm. Nàng cười to lên, nói với tôi:
- Chúng ta rơi vào lưới rồi! Chúng ta bị rơi vào lưới rồi!
Tôi cũng cười nhưng không thể reo to lên hồn nhiên như vậy.
Chợt nàng nghiêm nét mặt trở lại, bước lại đứng kề vai tôi.
– Tôi biết ông đang nghĩ gì khi ông có nhiều kinh nghiệm sống hơn tôi. Vâng, ở trên đời còn biết bao nhiêu là loại lưới, chúng ta thoát được thứ lưới này thì lại mắc vào thứ lưới khác. Loại lưới thô lỗ này, – nàng chỉ đống lưới nhuộm nâu bỏ nằm trên bãi, — chỉ lừa được lũ động vật thiếu trí khôn, mắt kém nặng tai là lũ tôm cá. Loài người là động vật biết suy nghĩ và biết đam mê thì có lưới danh vọng, lưới tiền tài. Vượt lên một bực cao, nhà tu hành mà quá sốt sắng đến độ khư khư cố chấp thì cũng chỉ là cá tôm của một loại lưới khác.
Tôi nói đùa:
- Chỉ có một loại lưới êm đềm nhất, trong đó nạn nhân được rơi vào từng cặp, từng liên danh nói theo giọng bầu cử thời nay. Ở các loại lưới khác, người ta rơi cô đơn như khi ứng cử đơn danh vào Hạ nghị viện.
Nàng hỏi:
- Ông có sợ loại lưới đó không?
Tôi lắc đầu:
- Không.
Tôi quay sang nàng:
- Còn cô?
- Tôi... tôi thì...
Nàng bỏ lửng câu nói.
Ba hôm sau Yến phải đáp máy bay về Sài-gòn. Ngày nàng đi lại đúng là ngày tôi đáp máy bay đi Đà-nẵng. Hai giờ máy bay Sài-gòn cất cánh, bốn giờ tới lượt máy bay Đà-nẵng. Nàng nói:
– Thôi, ông khỏi cần phải lên phi cảng tiễn đưa. Tôi không muốn những đứa em họ của tôi chú ý đến chúng ta.
Nàng đưa tay cho tôi bắt. Tôi im lặng cầm bàn tay nàng, và giữ lâu trong bàn tay tôi.
- Ngày mai tôi sẽ từ Sài-gòn bay lên Đà-lạt. Dự trại Hè sinh viên mười ngày trên đó. Muốn viết thư cho tôi thì cứ đề: Hải Yến, Trại Hè Sinh viên Đà-lạt là thư tới.
- Còn tôi thì chưa có địa chỉ chắc chắn ở Đà-nẵng. Cô cứ gửi thư theo loại lưu trữ trong khi chờ đợi.
Từ mười một giờ là giờ chúng tôi bắt tay tạm biệt cho tới hai giờ là giờ máy bay cất cánh, tôi đã tính tới nghĩ lui xem có nên bất ngờ ra phi cảng tiễn nàng không. Sự giằng co đó kéo dài khiến tôi lăn qua trở lại trong giường, không thể nào tìm được một giấc nghỉ trưa, kéo dài cho tới lúc tiếng động cơ của chiếc DC3 rền vang từ nẻo phi cảng, lao vút lên không theo một đường vòng. Tôi nhảy ra khỏi giường, chạy ra sân thì vừa kịp lúc nhìn thấy cái hình dáng thon thon của nó, với đường kẻ xanh kéo dài dọc theo thân tàu, với hình cái đầu con rồng chỗi dậy vươn nhìn tới trước. Tôi đoán nàng đang nhìn qua cửa kính tròn, định vị trí tìm xem ngôi nhà của tôi nằm ở nơi nào, lẫn lộn giữa những mái nhà yên phận nép mình dán sát mặt đất.
Bốn giờ tôi xách va li lên phi cơ đi Đà-nẵng. Ra đến Đà-nẵng, ghé xuống khách sạn thì việc phát giác đầu tiên của tôi là tôi quên không đem theo bộ pyjama nào hết. Khăn tắm và dao cạo cũng quên. Xà phòng cạo râu thì bỏ theo đến những hai lọ. Dấu vết cụ thể đầu tiên của bước chân Hải Yến bước vào đời tôi.
Ra Đà-nẵng được bốn ngày, tôi đến Ty Bưu điện hỏi phòng thư lưu trữ. Cô thư ký lục tìm xấp thư rồi lấy riêng ra một cái. Tôi trao thẻ căn cước. Cô cầm thẻ, nhìn hơi lâu.
- Tên tôi hơi giống tên đàn bà, –tôi nói, - nhưng xin cô chớ băn khoăn. Đúng là tên của tôi.
Cô xuýt xoa:
- Không ạ. Tôi không băn khoăn ạ.
- Chắc ít khi đàn ông phải nhận thư lưu trữ.
– Thỉnh thoảng cũng có đấy ạ.
- Đàn bà thường nhận được thư gửi theo loại này. Nhất là những người đàn bà đẹp.
- Gần đúng như ông nói.
Tôi cầm bức thư và thẻ căn cước, cám ơn cô thư ký rồi bước ra. Bức thư đầu tiên của Yến. Trên phong bì màu xanh không ghi tên người gởi. Chữ Đà-nẵng viết bằng kiểu chữ in, chữ Đ thật cao, chữ A thấp hơn, rồi cứ như thế tuần tự các chữ thấp lần cho đến chữ G thì lùn tịt. Tôi không có kiến thức về khoa tự dạng để đoán xem tính tình người viết ra thế nào. Trang thư cũng viết trên giấy xanh, khổ pơ-luya. Một đường xếp dọc theo chiều đứng chia tờ giấy làm hai nửa, chữ viết trên một nửa. Chỉ có mấy hàng:
“Tôi bước xuống thang máy bay, mái tóc cuốn lên thật cao, mắt nhìn lên, thật nghiêm và thật kiêu. Về đến nhà, con Gina chạy ra mừng nhưng không biết nói. Me đang ở trên đường đi ra phi cảng để đón. Chỉ vì ở Qui-nhơn vào có hai chuyến bay, me lầm, tưởng tôi về chuyến sau, sẽ tới chậm nửa giờ.”
Khi tôi xong công việc trở về Qui-nhơn thì đã có một thư của nàng chờ sẵn ở nhà. Cũng màu phong bì và tờ thư xanh giống nhau. Trang thư cũng xếp làm hai nửa. Lần này thì tôi để ý thấy rằng suốt cả bức thư chẳng có chữ nào được viết hoa.
“hoa cúc trắng nở đầy vườn đại học xá nữ sinh viên dalat. tôi buồn hay vui trong những ngày tháng này. tôi thường mang quá nhiều mặc cảm và thường muốn che giấu chúng. người đối thoại ít nhận thấy những mặc cảm đó vì thường bị chi phối bởi không khí chung quanh, bởi giọng nói, nét mặt, nụ cười, người đọc thư thường đứng trước một thể giới tĩnh, những dòng chữ là những xác chết, người đọc thư cô đơn trước những xác chết đó và cố tìm nơi chúng một tình cảm, một thái độ của người viết thư, điều tìm kiếm đó thường là vô ích, người đọc thư chỉ tìm thấy tình cảm, thái độ của chính mình, giá trị của những lá thư chỉ là một lời nhắc nhở đến sự có mặt của một người ở xa.
một người ở xa.”
Tôi chưa kịp tìm hiểu xem ý nàng định nói gì qua những lời xa xôi đó thì ngày hôm sau có một thư khác đến. Chỉ ngắn ngủi sáu hàng:
“nếu phải kể về saigon thì có lẽ tôi bắt đầu như thế này: buổi tối tiếng hát trong hiệu ăn đầu phố vọng lại, buổi sáng lá me rụng đầy trước lề đường, buổi trưa trời nắng xua đuổi giấc ngủ... mùa thi qua, mùa hè đang đi qua.”
Ba ngày sau một lá thư đến tiếp:
“Con cá đã vui chơi trong vùng biển nào, trong vùng rêu im lặng nào. Cá còn nhớ đường nước cũ, có còn nhớ tấm lưới giăng không.”
Bẵng đi mười ngày.
Một cái thư đến.
“đừng nói lời cám ơn, đừng viết: xin cảm ơn đã gửi những bức thư màu xanh, tôi nghe chừng như đó là một lời giã từ, một lời giã từ khi mùa hè sắp hết.
đừng nói lời cám ơn.”
Bẵng luôn một tháng. Một cái thư đến.
“anh ấy” vừa đậu xong, luận án được chấm ưu hạng. “anh ấy” nói ba má đang chọn ngày để đem trầu cau sang, nói thật hay nói giả? tôi chỉ mỉm cười không trả lời.”
Bốn ngày sau một cái thư đến:
“anh ấy” nói thật. anh cúi nhìn xuống đất tay mân mê cạnh bàn, thế là anh ấy nói thật. sao ông không cho tôi biết ý kiến của ông, dường như tôi không còn yêu anh ấy nữa. anh ấy quả quyết rằng đã chọn được ngày tốt rồi, tôi đang lo sợ.”
Sau khi nhận bức thư thứ năm, tôi có việc phải ra Đà-nẵng lại. Một người bạn cũ của tôi, anh Lê Kỷ, Chỉ huy trưởng Công binh lúc bấy giờ đang trông coi sửa chữa cây cầu, mời tôi đến thăm công trường của anh. Chúng tôi đi lại xem xét vừa nói chuyện về cái hiện tượng recul khi đóng chân cầu thì tôi chợt bước hụt chân. Cái gì xảy ra trong khoảnh khắc liền sau đó, tôi không hay biết. Khi ý thức lại được thì tôi thấy tôi đang nằm trong một khoang thuyền đang đậu ở gần chân cầu. Đầu tôi tê buốt và lưng ê ẩm. Có cái gì dâm dấp ẩm nơi tóc, tôi đưa tay lên rờ và nhìn vào lòng bàn tay thì thấy máu. Kỷ và các sĩ quan và binh sĩ của anh hối hả chạy xuống. Thấy tôi mở mắt,Kỷ lật đật hỏi:
- Có sao không?
Tôi gượng mỉm cười:
- Chắc không đến nỗi.
- Bị thương chỗ nào?
Tôi giơ ngón tay chỉ nơi đầu. Theo lệnh của bạn tôi, hai binh sĩ lực lưỡng lại bế xốc tôi, đem lên mặt đường. Tôi được đặt nằm lên băng sau của một chiếc Jeep.
- Tôi thấy rồi, – lời bạn tôi. Vết thương nơi đầu gây ra bởi thanh sắt. Đó là điều quan trọng.
Tôi khẽ gật đầu.
Trời xanh cao vút trên tầng cao, trước mắt tôi. Gió khẽ lay những chùm lá nhỏ của loại cây gì tôi không biết tên. Tôi đang ở vào tình trạng nào đây và đang trở thành tình trạng nào đây? Không thể phiêu lưu vô định như ngọn gió nhẹ kia. Tôi chợt ao ước được như ngọn gió đó. Không có sắc tướng để khỏi bị âu lo ràng buộc vì sắc tướng. Tôi nghĩ đến con tôi. Khi gặp tai nạn, khi chuẩn bị đối phó với tai nạn thì hình ảnh con tôi chiếm trọn tầm suy nghĩ của óc tôi. Tôi thấy khuôn mặt của nó, đôi mắt đen, đôi mày phơn phớt nhạt. Nó đăm đăm nhìn tôi. Bên cạnh nó, lạ chưa, có khuôn mặt của Yến. Cái mũ cao su đỏ và những hạt nước đậu lấm tấm trên da mặt. Bộ áo tắm màu đỏ.
Chợt tôi mất cảm giác ở một nửa người bên trái. Tôi đưa hai tay lên ra dấu hiệu kêu gọi nhưng chỉ một cánh tay mặt tuân theo ý tôi. Tôi muốn nói lên nhưng môi tôi cứng lại. Lá cây và vòm trời xanh đảo lộn xoay và rồi sa sầm tối. Tôi không biết gì nữa sau đó.
Khi tôi mở mắt nhìn, vật tôi thấy đầu tiên là bức tường trắng trước mặt. Mùi thuốc cay cay như mùi éther phảng phất. Có cái cảm giác nằng nặng nơi đầu, tôi đưa tay rờ thì biết là những băng vải quấn chằng chịt, Tôi nhắm mắt lại.
Buổi chiều Kỷ vào thăm. Có cháu Ngọc đi bên cạnh. Kỷ giảng cho tôi nghe rằng đây là một phòng của bệnh viện dã chiến Hoa-kỳ. Sau khi tôi ngất đi, anh đã vội vàng đưa xe chở tôi tới đây.
- Bây giờ anh tỉnh lại, — lời Kỷ, —tôi mới biết mừng. Anh ngất đi trong bao lâu, anh có biết không?
Cố nhiên là tôi không biết.
– Mười ngày chẵn. Bác sĩ bảo tôi an tâm nhưng anh nghĩ xem tôi an tâm làm sao được? Tôi vào Qui-nhơn đưa cháu Ngọc và chị vú ra đây. Để lỡ anh có…
Tôi đưa tay cầm bàn tay nhỏ xíu của con tôi đang rụt rè đặt ở dưới mép chăn. Hơi nóng quen thuộc và sự mềm mại của lòng bàn tay, của những ngón tay nhỏ như chuyền cho tôi một sức mạnh phấn khởi. Như nối liền tôi vào cuộc đời. Một niềm cảm xúc rạt rào chạy từ ngực, tràn lên mặt, dâng lên mắt tôi và phút chốc có hai giọt nước mắt thành hình rồi từ từ chảy lăn trên má.
“Con ơi! Ba không thể nào chết được. Ba không thể nào xa con được.” Trong lòng tôi vang lên tiếng gọi nức nở đó,
Tôi nằm ở bệnh viện dã chiến thêm một tuần rồi sau đó bạn tôi dời tôi về nằm ở dưỡng đường bác sĩ Chuẩn. Sau hai tháng, chúng tôi lên máy bay về Qui-nhơn.
Cửa cổng có quàng chiếc dây xích to trông thật là buồn. Chị vú lại tra chìa khóa vào mở khóa, một đầu dây xích tuột ra đập vào mặt cửa tạo nên một tràng tiếng lách cách lạnh lẽo của sắt va chạm vào nhau. Lối đi có nhiều lá rụng.
Mùi ẩm mốc của căn phòng làm tôi bùi ngùi. Tôi đi lại mở mọi cửa sổ. Ánh nắng tràn vào. Sự sống tươi vui ấm áp tràn vào. Tôi đi thay áo trong khi chị vú lo lau dọn bàn ghế. Tôi xịt mấy vòi Airosol rồi ngồi xuống chiếc ghế bành, thưởng thức cái không khí thân yêu cố hữu. Sau đó, tôi đi ra mở hộp thư mắc ở cửa cổng.
Một đống thư, báo, nguyệt san nằm chồng chất lộn xộn gần đầy nghẹt chiếc hộp. Tôi mang vào phòng, bỏ lên bàn rồi ngồi xuống chọn lựa. Bỏ riêng những tờ báo, nguyệt san. Những tờ giấy của Ty Bưu điện báo tin có bưu phẩm đến. Những bức thư có in en tête. Những bức thư có ghi địa chỉ người gởi được viết tay. Những bức thư không ghi tên người gởi. Những thiệp báo tin, khổ dài in trên giấy cứng. Những bức thư phát riêng có dán một mảnh giấy đỏ. Những bức điện tín. Tội nghiệp cho thân phận những bức điện tín, – tôi nghĩ. Sự vội vã bị ngâm chìm trong ngót ba tháng tai nạn của tôi.
Tôi đọc trước những bức điện tín. Ngoài hai bức của hai người bạn báo tin sẽ đến Qui-nhơn và sẽ đến thăm tôi, có một bức của một cơ quan văn hóa mời dự hội nghị và hai bức của Yến. Nhìn lên nhật ấn ghi ngày nhận, con số ghi ngày và giờ phát, tôi đọc bức thứ nhất:
“Ông vào gấp. Có ông tôi sẽ mạnh dạn từ chối. Tôi định bỏ đi Đà-lạt. Ông vào ngay chúng ta sẽ cùng đi Đà-lạt. Trả lời gấp.
Tôi mong.
Hải Yến”
Bức điện thứ hai:
“Sao không trả lời. Hãy vào ngay bằng mọi phương tiện. Chỉ còn ba ngày nữa. Đừng để cho con cá bơ vơ.
Hải Yến”
Những chữ trong một bức thư ngắn Yến viết cho tôi trước đây như đang rơi xuống thành từng giọt nặng trên tim tôi, “... con cá đã vui chơi trong vùng biển nào, trong vùng rêu im lặng nào…"
"Đừng để cho con cá bơ vơ.”
Tôi cầm lên một bức thư mà tôi biết là của Yến. Làm lẫn sao được với chữ Qui-nhơn viết thành dốc thoải?
“Xong rồi. Mọi việc xong hết rồi. Những tiếng kêu tuyệt vọng ông có nghe không? Sao ông không trả lời? Ba má tôi đã nhận lời rồi. Tôi đã gật đầu. Tôi không thể nói lên thành tiếng bởi tôi còn mong manh một chút hi vọng rằng sự gật đầu không phát ra được một từ trường luân lưu còn mãi, không hiện diện để chứng tỏ nó đã có. Một tiếng nói thì không thể xóa bỏ được.
Tôi đọc lại một lượt những thư tôi đã viết và những thư ông trả lời (thư tôi viết cho ông, trước khi gửi đi tôi đều nhờ một con cháu gọi bằng dì sao một bản giữ lại) và tôi hiểu rằng chúng ta đã là nạn nhân của tính kiêu kỳ. Dù là trong những bức thư, tôi cũng không từ bỏ được cái cử chỉ nhìn lên, thật nghiêm và thật kiêu. Ông trả lời lại dịu dàng hơn nhưng lúc nào cũng giữ khoảng cách. Chúng ta đều quá khôn ngoan.
Tôi nói với ông về người yêu của tôi trong khi tôi bắt đầu yêu ông. Vì tự ái, ông vừa làm ra người độ lượng vừa dựng lên những hàng rào phòng thủ. Tôi biết rõ là ông cũng yêu tôi trong khi những hàng rào, những bức tường dựng lên càng ngày càng cao, càng kiên cố. Thật là ngộ nghĩnh và bi đát. Tôi và ông, chúng ta cùng ra sức dựng lên những hàng rào, tự giam mình trong đó gọi là an toàn để rồi đến khi muốn phá vỡ bước ra thì sức mình không phá nổi. Bức thư báo nguy của tôi không đủ làm ông tin. Hai bức điện khẩn thiết của tôi không đủ làm ông vững tâm. Chúng ta trọn vẹn trở thành nạn nhân của chính chúng ta. Tôi không trách ông và xin ông đừng giận tôi. Chúng ta đều là những kẻ có lỗi.
Cầu mong cuộc đời cho chúng ta gặp lại nhau một lần nữa sau khi chúng ta nhận được bài học kinh nghiệm này.
Hải Yến”
Tôi hồi hộp mở những tấm thiếp. Tên con của một người bạn cưới vợ. Tên một cô học trò cũ lấy chồng. Tên một người đi lấy chồng mà tôi quên mất khuôn mặt. Tên một người...
Bắp thịt nơi đôi cánh tay của tôi vụt chùng xuống. Những hàng chữ in rung rinh. Những tên người, những địa chỉ rộn ràng vô ích. Ông và Bà... Ông và Bà... Số... đường... Sài-gòn. Số .. đường... Gia-định. Hân hạnh báo tin lễ đính hôn của con chúng tôi...
Tôi không nhìn sang tên họ của người con trai: Họ và tên và chữ lót nào cũng được. Tôi nhìn sang tên của nàng: Lê thị Hải Yến. Không thể làm lẫn với ai được. Địa chỉ 10 Lê Văn Duyệt Sài-gòn in rõ ràng ở góc trái, tôi có thể nói thuộc lòng giữa giấc chiêm bao.
Tên nàng in bằng mặt chữ tròn trĩnh, nét đậm mảnh uyển chuyển. Màu chữ vàng óng ánh, màu vàng quí phái trang nghiêm. Ngày lễ đính hôn nhằm vào ngày bác sĩ tháo băng cái đầu cho tôi. Dưới chữ Lễ đính hôn một nét gạch bằng bút nguyên tử. Có hình vẽ hai giọt nước mắt cũng bằng bút nguyên tử.
Tôi nên buồn như thế nào? Tôi nên viết thư giải thích sự im lặng của tôi như thế nào trong khi mọi lời nói đều trễ tràng, đều trở nên vô ích. Đúng như nàng nói, chúng tôi là nạn nhân của chính chúng tôi.
“Cầu mong sẽ gặp lại nhau lần thứ hai!” Có bao nhiêu phần trăm hi vọng mong manh? Hiện tại cụ thể là tấm thiệp mang chữ vàng óng ánh trang nghiêm ghi rõ ngày lễ đính hôn không thể lầm lẫn được.
Tôi muốn nói cùng Yến nếu có nàng đứng cạnh:
“Đáng lẽ cô vẽ thêm hai giọt nước mắt nữa. Hai giọt nước mắt của tôi.”
Võ Hồng
(Văn số 177 ngày 1-5-1971)