có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 4 11, 2024

Rồi sau đó, thì sao…




Thử trở lại với một câu chuyện kể nặng mùi dân dã của mẹ, lúc Bướm hãy còn là một hư vô thuần túy.

Chiều hè oi bức, đang trên đường cùng chị em ra ruộng cấy, mẹ bỗng lên cơn đau dữ dội, phải ôm bụng bươn bả vừa bước vừa chạy ngược về. Chưa đến nơi gần nhất là ngôi miếu thờ đầu làng thì thằng bé con, chẳng thèm đợi, đã vội rớt ra đũng quần. Chị bạn cấy đi cùng nhanh nhảu dìu mẹ lên lề cỏ, phụ cắt nhau, reo lên, được một thằng cu mụ Cúc ơi, nhưng răng mà không nghe nó la hét chi cả vậy trời. Mừng hết lớn, không cần ngắm nghía vội, mẹ ôm chặt nó trong người, chạy đến sau bức tường đổ, đặt nó xuống đất, thấy nó nằm im re như khúc gỗ, mặt mày tím tái. Một ý nghĩ buồn thảm chạy xuyên qua đầu khiến mẹ ớn lạnh nhìn quanh, nghĩ đến hình ảnh cái huyệt nhỏ, nơi mẹ đã hai lần vốc từng nắm đất nhỏ ném xuống vùi đi hai sinh linh yểu mệnh vì sinh thiếu tháng. Đúng lúc mẹ nấc lên tiếng nấc tuyệt vọng thì thằng nhỏ ré lên như một phép lạ. Mẹ hoảng hốt bụm miệng nó lại, sợ nó hụt hơi. Người bạn cấy nói cứ để cho nó la. Thế là thằng bé la, càng bụm miệng nó càng la. Mẹ nói, thằng này tướng trời, khi lớn lên chắc trời cũng phải sợ. Vậy là hôm đó, thế giới lặng lẽ đón thêm một sinh vật đến từ hư vô, giao cho nó một lý lịch và rồi, buộc nó đảm nhận một thân phận chẳng biết sẽ trôi theo hướng nào. Khi đi làm giấy tờ, ông lý hỏi sinh ngày nào, mẹ nói dân quê ngày mô cũng đi ra ruộng cấy, chẳng biết chi ngày tháng. Không biết thì đoán. Chắc khoảng giữa mùa trăng tháng sáu. Vậy là tháng bảy tây, ngày mười một hí. Tên gì? Mẹ buộc miệng, Bướm. Con trai mà tên bướm à? Không bướm thì chuồn chuồn châu chấu chi đó cũng được. Thôi được rồi, bướm nghe gọn hơn, mà tui hỏi là hỏi cho vui, còn con chị thì chị ưng chi tui ghi nấy, mà nói cho chị biết, cái tên quan trọng lắm đa nghe, tên chi ra phận nấy. Mẹ cười, nói con nhà nghèo mà duyên với phận gì. Sau này mẹ kể đi kể lại với Bướm, mi cũng sinh thiếu tháng như hai anh chị mi, tưởng đi luôn, ai ngờ mi sống, tau ưng đặt tên mi là chó, cho ma hết chê quỷ hết ghét không dám bắt mi đi. Rứa mà mi thành bướm. Tên bướm thì đẹp nên tau lo ngày lo đêm, cứ phải tới chùa cúng quảy hoài, nhờ rứa mà mi lớn. Cũng may, bướm thì bay lượn tung tăng, còn chó thì chỉ biết chạy vô chạy ra nơi xó nhà, lại toàn ăn đồ dơ…

Mà tung tăng thiệt. Mới chập chững biết bước là cha Bướm đã mang cậu con trai duy nhất đi nơi này nơi khác làm thuê làm mướn kiếm ăn. Lớn lên chút nữa thì đi học rồi đi làm rồi đi lính rồi đi tù và cuối cùng đi Mỹ, chàng chẳng ở lâu một nơi nào. Chỉ phiền cái tên. Tên con vật đẹp đẽ xinh xắn này lúc nào cũng trở thành đề tài cho bạn bè đùa giỡn. Chàng bực, nhưng tên đã nhập vào người rồi, là sinh mệnh buồn vui đời chàng rồi. Bướm trong chàng mà chàng cũng trong Bướm, gỡ ra sao được. Bất cứ lúc nào, hễ nghe ai kêu, ai nhắc, ai viết chữ bướm là chàng chấn động. Lúc mới quen Nhị, Bướm ấp a ấp úng giới thiệu tên mình. Nghe xong, nàng chững lại đôi chút, phân vân, rồi đột nhiên cười bảo trong khu vườn mùa xuân, thôi thì đủ thứ con, chẳng có con nào đẹp bằng con bướm đâu, lại lẳng nữa. Rứa nghe tên Bướm, em có cảm thấy dị không? Dị chi mà dị. Đúng là nàng không dị. Thư viết cho chàng, hết anh Bướm yêu, đến anh Bướm thương, rồi anh Bướm yêu dấu, đặc biệt chữ bướm, nhờ có khiếu vẽ hồì nhỏ, nàng chăm chút viết thật điệu nghệ, vạch thẳng xuống rồi uốn cong lên, vòng qua phải, phình ra rồi ngoéo qua trái trông bay bướm chẳng khác gì con bướm đang bay. Nhị làm chàng yêu tên mình thêm một bậc nữa. Qua Mỹ, đi làm hãng, chữ bướm viết mất dấu, tụi Mỹ kêu tên chàng khi thì bu”um, khi thì bo”om, khi thì bô”ôm…chẳng dính dáng gì đến bướm đến cu gì cả, nên cũng khỏe. Mấy người trong hãng nói khi đi thi lấy quốc tịch nên đổi thành peter, mike hay kevin gì gì đó cho dễ gọi dễ kêu, lại thoát khỏi chữ bướm, nhưng Bướm thì thấy bao vinh quanh và cay đắng trong đời người đã gắn chặt với nó rồi, bỏ đi có khác gì tự đánh mất mình.

Chừng mười lăm năm trước, tháng bảy, lúc đó chàng còn trẻ, mới bảy mấy, bé Nô (tên cúng cơm của Hoàng Thụy Bích Ngộ, đứa con gái thứ hai của chàng) ghé lại nhà, nói ba ăn mặc chỉnh tề đi tới ‘Toys “R” US’[1] mua đồ chơi cho mấy đứa cháu. Nô chở Bướm đi vòng vòng một hồi, không chọn mua được gì cả, rồi về nhà. Mở cửa ra, Bướm thấy cả một nhà người, nào con, nào dâu, nào rể, nào bạn hàng xóm, bạn cùng khóa, bạn cùng hãng, sắp hàng vỗ tay reo hò ầm ĩ như đón nguyên thủ quốc gia, ai cũng happy birthday to you, happy birthday to you, to you…Cái ngày mẹ đi cấy đẻ rơi dọc đường phiền toái chẳng ai (kể cả Bướm) thèm nhớ đó đột nhiên trở thành biến cố, được gọi một cách thời thượng là surprise birthday, bất ngờ sinh nhật. Rõ là bất ngờ. Xong tiệc tùng là đến màn karaoke. Đang say sưa hát Mùa thu trong mưa, bài tình ca mà Bướm thích nhất thời sinh viên, thì đột nhiên một ai đó từ đàng sau quàng tay kéo Bướm sát vào một thân hình nghe mát rượi như tủ lạnh, giật mình nhìn lui thì người Bướm đã nằm gọn trong vòng tay của một cô nàng Mỹ trắng hớ hênh hai mảnh xinh tươi và rạng rỡ, kéo Bướm đi lui đi tới nhún nhảy theo điệu nhạc. Bướm lúng túng đờ cả người ra, hứng lấy một nụ hôn ướt át trong lúc cả nhà vỗ tay, gào happy birthday, happy birthday to you… Xong tiệc, Bướm ngậm ngùi nói với mấy đứa con, mấy đứa bây làm ba nhớ mạ. (Chả là, hồi Nhị còn sinh tiền, mừng sinh nhật chưa thành phong trào nên Nhị ra đi, chưa hề được nếm thử một cái bánh sinh nhật nào).

Thế là, Bướm, sau biến cố bất ngờ đó, được hồn nhiên nâng lên ngang tầm thời đại. Lũ trẻ con dần dà bị đám người lớn khắp địa cầu lặng lẽ tước mất độc quyền sinh nhật của bọn chúng. Từ đó, bất kể già trẻ gái trai, hễ sinh vào ngày nào (dù thật hay giả) thì ngày đó trở thành sự kiện. Người người sinh nhật, nhà nhà sinh nhật. Nghèo sinh nhật nghèo, giàu sinh nhật giàu. Đại gia sinh nhật, tiểu tốt sinh nhật. Trước, lâu lâu mới sinh nhật, giờ thì sinh nhật hàng năm. Đơn giản thì một dòng email, thắm thiết thì một tấm thiệp, nồng nàn thì một bó hoa, ấn tượng hơn thì một bữa tiệc có thổi đèn, cắt bánh. Thân tình thì tại gia, rôm rả thì tại tiệm ăn đặc trưng, kiêu sa và sang cả thì tại khách sạn. Sinh nhật cậu quý tử lên 15 của một đại gia Sài Gòn diễn ra tại khách sạn bốn sao, với chiếc bánh thượng hảo hạng cao 15 tầng. Chịu chơi hơn, một quan chức Hà Nội, trong năm 2013, tổ chức đến…muời hai cái sinh nhật, từ ông bà cha mẹ con cái cho đến cả cậu thú cưng “Lulu”. Riêng Bướm, không sang, nhưng nhiều hơn quan chức nọ: xấp xỉ bốn mươi, hết con đến cháu, hết cháu nội cháu ngoại bây giờ đến chắt nội chắt ngoại. Không chừng vài năm nữa, khi con Titi có chồng thì thêm một sinh nhật của chít.

Ngày trước, Bướm khoái ăn sinh nhật con cháu, giờ lại thêm cái khoái được ăn…ngày sinh của mình. Từ đó, cứ gần đến tháng bảy là lòng chàng bỗng nhiên háo hức, nghe ngóng xem thử có đứa con nào tỏ dấu hiệu xa gần gì (sẽ làm sinh nhật cho Bướm) không. Biết đâu tụi nó lại bày cái màn surprise lần nữa. Chả phải Bướm thèm ăn, mà là thèm (được) nhớ. Ấy thế mà, tụi con bận bịu, năm nhớ năm quên. Quên thì chúng cho qua luôn. Nhớ thì anh chị em chúng rủ Bướm đi ăn tiệm, có khi, đặt một cái bánh, dọn ra bàn, kêu Bướm đến ngồi nghiêm chỉnh, miệng cười tươi, chúm môi thổi đèn, cắt bánh (chủ yếu là chia cho mấy đứa cháu, đứa chắt còn người lớn thì sợ đường cao, kiêng ăn ngọt) và quan trọng nhất là chụp hình đưa lên facebook (của chúng) để khoe. Trong cái thế giới hơn hai tỷ người vô cùng náo nhiệt một cách thầm lặng đó trên mạng chàng Zuckerberg, trong vòng 24 tiếng, Bướm trở thành “nhân vật” được khen được chúc tưng bừng từ bạn bè và người quen của chúng cư trú nhiều nơi trên khắp các lục địa. Có nhiều người chẳng biết gốc gác ở đâu cũng nhảy vào ăn ké, bằng cách chúc “bác” khỏe mạnh, sống lâu, thọ tỷ nam sơn. Mỗi lần có lời chúc mới là bé Lớn (tức Hoàng Thụy Bích Thảo, con gái đầu) lại mở ra cho Bướm xem (Bướm không có tài khoản facebook) khiến chàng cảm thấy hồi xuân.

Tháng bảy năm nay, đầu tuần, Bướm đang vui thú điền viên ở vườn sau (thay cái chậu hồng knock out bị sũng nước), thì bé Lớn báo tin:

“Cu Nống email cho con là gia đình hắn sẽ tới tháng 6, ở chơi 10 ngày.”

“Vui nhỉ. E cũng hai năm rồi hắn chưa về đây.”

Bé Lớn tiếp:

“Nhân dịp này, family reunion, và sinh nhật ba luôn.”

Bướm phản đối một cách yếu ớt:

“Tụi bay bày đặt. Sinh nhật sinh nhiếc gì. Tụi bây cần sinh nhật chứ ba…”

“Ba đừng có ý kiến nữa, tụi con đã bàn xong rồi…Năm này, tụi con muốn làm một sinh nhật

đặc biệt cho ba. Tụi con muốn bạn bè ba đến thật nhiều. Con sẽ set up căn phòng nhìn ra vườn sau nhà ấy. Chỗ đó mát mẻ, lại thoáng đãng. Ba và bạn bè ba thoải mài. Còn tụi nhỏ cho chúng chơi trên lầu.

Nô được phân công lên danh sách. Cô hỏi Bướm:

“Năm nay ba định mời những ai?”

“Thì đó, mi cứ lấy cái danh sách hồi trước đó…”

“Làm gì mà còn danh sách. Thì ba muốn mời ai, cứ nói, con ghi. Dễ ợt. Chắc chưa tới chục người, danh sách làm gì cho mệt, ba.”

“Đưọc, để ba nhớ xem nên mời ai. Này nhé, bác Chấn, bác Nguyên, bác Khản, à quên, bác Khản chết năm kia rồi…, bác Thọ, chú Duyên, chú Năng, ông Vương, bác Đại, bác Khoái, chú Thương.”

Nô dừng bút:

“Bác Thọ cũng đi rồi mà ba…”

“Ờ, ba quên. Đúng rồi bác Thọ đi, ờ…hình như cũng ba hay bốn năm gì đó rồi.”

“Ba thiệt tình! Hồi đó, Nô chở ba đi đám mà. Ông Vương cũng đi rồi…”

Bướm vỗ vỗ vào đầu:

“Ờ, đúng, đúng. Quen miệng ba cứ nói đại vậy. Mà…ông Vương đi hồi nào kìa. Hình như ông mới rủ ba đi uống cà phê đó mà.”

“Đi uống cà phê cả năm năm rồi thì ba nhớ, còn ông nằm liệt giường bốn năm rồi thì ba lại quên.”

Bướm lại vỗ vỗ vào đầu. Nô nói:

“Còn bác Nguyên, thằng Phiên con bác nói với con là độ này bác đi đứng khó khăn lắm, đi đâu cũng phải chở theo cái walker, rất phiền. Mà hình như bác cũng bị alzheimer nữa, mấy đứa con không dám cho bác đi ra ngoài. Có hôm nhà quên khóa cửa, bác lẻn ra ngoài, đi đâu, tìm cả ngày mới thấy.”

“Ờ, ờ…thôi, thôi khỏi mời bác Nguyên.”

Nô đếm:

“Vậy thì con mời bác Chấn này, chú Duyên này, chú Năng này, bác Khoái này, chú Thương này, bác Đại này…”

Bướm lại vỗ vỗ đầu, xua tay:

“À ba lại quên nữa rồi. Chú Năng vô nursing home cả hơn năm này rồi, không đi đâu được.”

“Vậy là còn năm: bác Chấn, chú Duyên, bác Khoái, chú Thương, bác Đại, năm người. Đúng không ba?”

“Ờ, năm người. Ờ mà có năm người thôi sao? Hơi ít. Để ba mời thêm hai chú này. Hai chú còn trẻ lắm, một chú mới bảy lăm, vừa về hưu năm ngoái, à không năm kia, à quên, cũng bốn, năm năm rồi. Con viết vào: chú Khảm. Còn một chú nữa, ba quên tên. Con cứ để trống chỗ đó đi, khi nào nhớ ra, ba sẽ nói.”

Nô vừa quay đi thì Bướm gọi giật lại:

“Quên, quên. Bỏ tên bác Đại đi. Bác Đại theo con “move” về bên Colorado đã ba, bốn năm nay. Mới đây ba nghe người ta nói hình như bác…”

Bướm lại vỗ vỗ đầu. Nô nói:

“Đúng rồi ba, con đi chợ, nghe mấy người nói bác Đại cũng đi rồi.”

Cũng đi rồi! Mấy chữ ngắn ngủi có chút gì lơ lửng đó có lúc làm Bướm thoáng xao động. Chả là kẻ trước người sau mà thôi. Thời chiến tranh, tin bạn bè ra đi tới tấp như cơm bữa, vừa nghe thằng Minh lọt ổ phục kích ở A Sao, thì lại được tin thằng Khúc tử trận ở Đắc Tô, chưa nguôi thằng Nguyên mất tích ở Khe Sanh, thì sững sờ thằng Khánh đạp mìn ở Đức Phổ. Ra đi nào cũng nghe như bị trấn lột, bị tước đoạt, bị đánh cắp. Nửa thế kỷ sau, những kẻ sống sót cũng lần lượt ra đi, đơn giản hơn, chỉ gợn lên một ám chỉ xa xôi, lắng đọng. Tưởng tượng như bạn bè còn lại cùng ở trên chuyến tàu cuối, mỗi người được chia sẵn cho một chiếc ga nhỏ để bước vào vô định. Chẳng ai sắp xếp lịch trình, nhưng theo lẽ, không ai được quyền ngồi lì, nên tùy duyên, đứa thì xuống ga trước, đứa thì ga sau, có đứa đợi đến Gò Vấp mới nhảy tàu, và có đứa thì dùng dằng mãi đến ga cuối Bình Triệu mới miễn cưỡng leo xuống. Sau, trước, rốt cuộc thì cũng chỉ là sinh (nhật) thì hữu hạn mà tử (nhật) thì vô kỳ.

Mỗi lần đến chào tiễn biệt người đi, nhìn bạn nằm yên trong tư thế ngủ vùi bất tận, Bướm đâm ra thán phục cái tài tình của tạo hóa. Nó cư xử với cuộc nhân sinh hoàn toàn sòng phẳng, bình đẳng và…dân chủ. Bất chấp người sống làm gì, xác thân đó cứ an nhiên, tự tại, thanh thản tuyệt đối. Như pho tượng. Như hòn đá. Như nắng. Như bầu trời. Như một sự vật thuần túy. Ai cũng là ai. Đi y như thể chẳng hề đi. Mà về. Trở về với cái đơn giản tuyệt vời của nó: thinh lặng!



*

Sinh nhật đông vui. Con gái con trai con dâu con rể cháu chắt nội ngoại cả thảy gần bốn chục đứa. Đứa lớn nhất, con Thảo xấp xỉ bảy mươi, đứa nhỏ nhất, chắt nội, con của thằng Samuel, thua Bướm hơn tám …thập niên, đang học mẫu giáo. Thảo là đứa ưa bày chuyện, lấy ngày sinh của ba làm cái cớ cho một cuộc họp mặt đại gia đình không thiếu một ai như nàng từng mơ ước. Ấy thế mà rồi, dàn xếp đến phút cuối vẫn trở ngại. Thằng Tinh, cháu nội, đang công tác ở nước ngoài, không về kịp, đứa cháu ngoại con của bé Lan bị autism, ngày nào cũng phải đến trung tâm chăm sóc, nên cả hai mẹ con không đi máy bay qua được. Thằng Ngộ, con trai áp út, ra đi khi vừa qua sáu mươi, cũng mấy năm rồi. Còn trẻ thế mà đi thật tội nghiệp. Mà thôi, cũng cái số. Anh chị em đông, thế nào cũng có đứa này đứa nọ, chứ làm sao mà toàn hảo hết được.

Bướm rảnh việc (chẳng đứa nào chịu giao việc cho chàng), chắp hai tay sau lưng đi quanh, từ trên lầu xuống nhà bếp, từ sân trước đến vườn sau, nhìn con nhìn cháu, cảm thấy mình phơi phới. Chỗ thì mấy cô con dâu con gái ngồi túm tụm, nói chuyện mạng xã hội; chỗ thì mấy đứa con trai con rể chơi bài xì lát. Chỗ thì mấy đứa cháu, đứa chắt hào hứng chơi game; chỗ thì đám tí hon ném mền gối chơi trốn tìm, chạy nhảy la hét ầm ĩ. Ngày xưa mẹ chỉ có một mình Bướm, bây giờ Bướm sản xuất ra trước sau mấy chục đứa: bảy đứa con và một đám cháu, chắt nội ngoại tất cả hơn hai chục đứa. Đúng là con đàn cháu đống. Nhìn chúng, tự dưng, chàng cảm thấy chàng chẳng cần phải đầu thai kiếp sau làm gì cho mệt, lại không có gì bảo đảm, biết đâu mong thành con công lại ra con ngựa. Kiếp sau chàng chẳng đã được chia đều cho tất cả mọi đứa ở đây, mỗi đứa một chút chàng rồi sao. Nghĩ thế, chàng bỗng yên tâm vô hạn: chàng không hề mất. Đúng hơn, được thì nhiều, mất chẳng bao nhiêu.

Đến phòng khách, Bướm dừng lại. Đây là nơi Thảo dọn dẹp, bày biện để Bướm tiếp bạn bè, tính lui tính tới còn được có sáu người. Thảo đã bảo chồng chở đi nhà từng người để mời. Đến ngày, Bướm gọi điện thoại nhắc, bảo thời gian bọn mình như bữa tiệc tàn, tiếc gì mà không khề khà trà dư tửu hậu cho ấm lòng nhau. Ai cũng sẵn sàng tới dự. Thế mà đến phút cuối, Chấn ra nhổ cỏ vườn sau bị trượt té, phải gọi emergency đưa vào bệnh viện; Duyên thì cái máy trợ tim bị trục trặc phải kêu y tá tới nhà canh chừng, Khoái thì áp huyết đột ngột lên cao con cái không cho rời khỏi nhà, Thương lại kẹt người đưa rước, Khảm thì bị rối loạn tiêu hóa, phải uống thuốc, kiêng ăn… Bướm cười xòa, thông cảm. Đến độ tuổi này, cái cơ thể mà ta chăm chút cả đời không ngưng nghỉ lúc nào cũng tự tung tự tác, thích gì làm nấy, dọa dẫm kiểu nào nó cũng coi như pha.

Tiếng Thảo gọi inh ỏi từ trên lầu xuống dưới lầu, vang ra cả ngoải vườn sau:

“Mấy đứa đâu. Nô, Dư, Tí, Nống …kêu con cái cháu chắt xuống hết dưới này.”

Như đã chờ đợi sẵn, nghe tiếng Thảo là chỉ trong thoáng chốc cả bọn từ khắp nơi bỏ chơi chạy ùa vào phòng. Thảo lên tiếng:

“Đợi, đợi, chụp ảnh trước. Nào tất cả sắp hàng đứng quanh bàn, sau lưng ông, lớn đứng sau, nhỏ đứng trước. Kìa, Ella, Christine, bé Nga, cu Thắng bên này này, còn Michael, Tina, Tuấn bên kia, đứng sát vào…Brody, Audrey, don’t move…OK, smile, smile, tất cả cười lên. Ba, ngẩng mặt lên chút xíu, rồi, OK, cười lên ba…”

Xong màn chụp ảnh, Bướm lần lượt thổi tắt những ngọn đèn cầy, mặt mày rạng rỡ. Thế là Bướm được chất thêm một tuổi nữa. Tiếng hát lại vang lên, kẻ trước người sau không đều nhưng rộn ràng, vui vẻ, happy birthday to you, happy birthday to you. Bướm xoay quanh, nhìn từng đứa. Vận dụng cái ký ức cũ mòn của mình để nhớ thử, nhưng chàng chỉ nhớ kỹ được tên bảy đứa con, còn mười mấy đứa cháu, chắt thì mơ mơ hồ hồ, lộn đứa này sang đứa khác. Đứa nào đứa nấy cũng như bình minh nắng sớm. Chúng sẽ tụ họp đông vui như thế này lần sau, lần sau nữa rồi lần sau nữa…nhưng nhất định một lần sau nào đó, sẽ chợt trống một chỗ: Bướm không có mặt. Mãi mãi và mãi mãi. Bọn chúng vẫn ở đây, vậy chàng ở đâu…

Dòng suy nghĩ của Bướm bị Thảo cắt đứt:

“Ba biết không, bây giờ ba thuộc vào thành phần hiếm quý của nhân loại. Theo Google, thì ba nằm trong số 4 triệu 300 ngàn người từ 90 tuổi trở lên hiện đang còn sống trên thế giới. Ba thọ thì con cháu thọ theo. Chỉ vài năm nữa là ba thọ bằng Phạm Duy rồi. Con mới nghe nói có ông nhà văn từng bị đi tù cải tạo như ba, hiện trên trăm tuổi. Happy birthday to Ba. Bravo Ba, live up to 100 years!”

Nô nói:

“Hôm trước, em chở ba đi khám, bác sĩ nói ở tuổi chín mươi mà áp huyết ba hoàn toàn bình thường, 125/76, cholesterol hơi cao, chỉ cần uống thuốc đều đặn, đường huyết của ba vẫn đang ở borderline, chưa cần uống thuốc. Tim mạch vẫn bình thường. Chỉ có mắt là hơi kém. Có lẽ nhờ ba tập thể dục, ăn nhiều ớt và siêng hoạt động.”

Nống nói:

“Phải công nhận ba khỏe, chín mươi mà như mới có …sáu mươi.”

Michael, thằng cháu nội, nói:

“Ông nội cứ sống mãi với tụi cháu. Nhất định đám cưới Michael, ông nội phải có mặt.”

Bướm cười hỏi:

“Khi nào thì đám cưới Michael?”

“Mười năm nữa. Đám cưới Michael, ông nội nhớ làm MC nghe.”

“Thôi, thôi, ông nội không quen làm MC đâu. Nhưng ông nội sẽ lên phát biểu đôi lời chúc mừng cháu.”

Đám cháu vỗ tay nồng nhiệt.

Bướm cảm động nhìn mọi người, lòng phấn chấn, bất chợt nghĩ đến…tương lai. Sao không? Mười năm nữa mới đến 100 cơ mà. Còn dài chán. Mười năm nữa, áp huyết chàng sẽ vẫn cứ tốt, cholesterol vẫn cứ thấp, đường huyết vẫn ở borderline, tim gan thận phổi cũng chạy đều không trục trặc. Chàng sẽ ăn ngày sinh 101, 102…Trong lúc các bạn đồng trang đồng lứa của Bướm, tất cả đã phóng vút vào một cõi nào im ắng không tên, thì Bướm vẫn nhởn nhơ giữa trần gian với nhiều tháng nhiều ngày thênh thang trước mặt, tiếp tục đóng vai thân phận một con người. Rồi sau đó, thì sao nhỉ, Bướm bâng khuâng tự hỏi.

Bất giác thấy thẹn thùng, chàng ngưng, không nghĩ tiếp.


Trần Doãn Nho
(3/2024)