có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 2 21, 2024

Tình Sầu Của Bướm



Xưa tôi từng đắm đuối một em. Ở tuổi chạm ngưỡng trưởng thành, em không còn vẻ ngơ ngác của một thiếu nữ mới lớn, tuy mắt vẫn sáng môi vẫn tươi, vầng trán đã gờn gợn vài nét ưu tư. Do thời cuộc đẩy đưa chúng tôi yêu xa. Dạo thập niên 90 của thế kỷ trước không có điện thoại thông minh, viber, zalo, whatsapp, facebook, messenger… nên để liên lạc với nhau chỉ còn cách duy nhất: viết thư tay gửi qua bưu điện. E-mail là việc bất khả thi, điều kiện tài chính không cho phép ai cũng có riêng một máy vi tính dễ dàng như hiện nay. Hành trình băng từ bờ này sang bờ kia của đại dương phải mất khoảng hai mươi ngày, có khi cả tháng thư mới đến tay người nhận. Thông tin bắn qua bắn lại rộn rịp dồn dập nhưng thường thì so le trật nhịp, chưa kể bao nhiêu thủ thỉ tâm tình thầm kín giữa hai kẻ yêu nhau thỉnh thoảng bị trôi nổi đến địa chỉ nào không biết. Để nhận được hồi âm thường xuyên thay vì phải ngóng tin lâu, hai chúng tôi chịu khó viết gối đầu mỗi cuối tuần.

Sau nhiều năm sống xa xóm nhỏ, một hôm em thì thào qua lời thư:… rất nên trốn mùa đông lạnh buồn bằng mùa xuân nhiệt đới…, ngụ ý muốn về thăm nhà vào dịp Tết âm lịch trước khi trở qua bên ấy đeo đuổi tiếp con đường đã chọn. Quyết định này quan trọng. Ngoài nỗi lo có thể bất ngờ bị kẹt lại trong nước vì lý do này hoặc lý do khác, tiền vé máy bay cho việc đi tới đi lui còn là vấn đề lớn – thuở mà ai nấy đều phải tiện tặn đến keo kiệt. Tuy nhiên để chi cho niềm vui đoàn tụ, quy đổi thành tiền làm chi cái giá của bàn tay vẫy hay vòng tay ôm?

Một tháng trước khi em quy cố hương, tôi chuẩn bị tỉ mỉ mọi thứ, thậm chí sáng tác cho riêng em một tình khúc rất lơ ngơ thơ thẩn, đồng thời lên chương trình văn nghệ mini tại nhà có cả đàn-ca-xướng-hát như trước đây chúng tôi vẫn hay làm. Thường chỉ một nhóm quen thân năm bảy người xúm xít với nhau. Dự định là Doãn Hương sẽ bất ngờ cất giọng vào cái lúc em đang bần thần chao qua chao lại giữa hai múi giờ của tâm cảnh.

Với bất cứ ai đang ôm trong người những nốt nhạc tình, ở mọi thời điểm trong ngày, âm điệu và lời ca của bài hát tự nó cứ miên man: sáng ngủ dậy vừa pha cà-phê vừa ư ử, tối lên giường lăn qua trở lại hát lẩm nhẩm hồi lâu mới lịm. Khi yêu, người ta bỗng trở nên mềm mỏng, thơ mộng. Thậm chí du dương theo từng nhịp thở.

em về trong tháng giêng âm
mùa đông dương lịch giận ngầm bỏ đi
em về như cánh chim di
khi buồn em đậu vui thì bay lên
em về phố hết buồn tênh
hoa khô bỗng nở thác ghềnh bỗng reo
em về giậu đỡ (cho) bìm leo
nhà xưa thắp sáng đèn treo (í a) rực thềm

điệp khúc

em về ngày đuổi xua đêm
em về trời ngỡ xanh thêm
con sâu (í a) hóa bướm ngã êm (í a) đóa quỳnh
em về chúm chím môi xinh
mắt đen húng háy đưa tình cỏ cây
em về má đỏ hây hây
em về hồn nhỏ ngây ngây
chim di (í a) mỏi cánh đường bay (í a) dặm trường
em về rải phấn ươm hương
ngày em đi bướm chán chường hóa sâu
em à í a em ơi
em à í a em ơi
em à…

Y như đang thao thức trăn trở cùng mối tình si. Nghe Doãn Hương hát thử, giọng trong veo ngọt lịm cùng phần bè của một nhóm nửa tá ca sĩ nghiệp dư đu đưa nhịp võng: …em à í a em ơi em à í a em ơi, em à í a… toàn thân tôi bỗng gây gây như bị sốt. Tiếc là dạo ấy trong nhà không có máy móc gì tân kỳ để ghi âm lại giọng hát của Doãn Hương ngoài cái cassette cổ lỗ sĩ. Giờ thì băng nhạc sau hơn 20 năm đã vữa, âm thanh bể nát; qua chừng ấy thời gian, nghe tiếng băng rít rèn rẹt trong cái máy đã vãn thời oanh liệt càng thêm nẫu ruột. Em không biết tôi vẫn còn giữ cuốn băng đó, như một kỷ vật vô ảnh vô thanh.

Không lâu sau lần về thăm nhà, em đã thay lòng đổi dạ, có người yêu, lấy chồng, sinh con. Em già dặn từng trải hơn, bận rộn hơn; và cũng chưa có thêm lần nào quay về rải phấn ươm hương khiến người xưa thi thoảng đành một mình ngồi vớt từng hạt bụi li ti trên dòng nhạc cũ.

Một người bạn nhạc sĩ đặc biệt yêu thích lời của bài hát nên ngỏ ý muốn trau chuốt lại theo cách mình cảm và nghĩ, có lẽ vì nhận thấy nó quá thô mộc về kỹ thuật lẫn âm điệu. Ư mà trong video clip được bạn trang trọng gửi cho xem, dù với tất cả lòng chân thành tri ân, tôi vẫn không thể không sững sờ tự hỏi: Ủa, ủa, em tôi đâu? Nhịp dồn dập vui tươi, hòa âm rộn rã, đàn sáo vi vu, ca sĩ nhả chữ tròn vành vạnh, người mẫu minh họa xinh đẹp duyên dáng đứng ngồi các kiểu, lại có đủ hoa bướm chim chóc, áo dài nón lá bờ sông, nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ chưng hửng.

"Em Về", thơ Trần Thị NgH, nhạc Nguyễn Linh Quang, trình bày Nguyễn Thành Vân


Mà thôi, có hề chi! Dẫu gì em cũng đâu còn là của tôi. Con gái chín muồi cần có bến đậu dù đục dù trong, cần tạt vào bờ buông neo ngã êm nghỉ mệt. Chứ chẳng lẽ hai mẹ con cứ mải lắt lẻo yêu xa trên cành bưu điện? Đã qua cái thời mẹ già đổ mồ hôi sôi nước mắt cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày (*). Ai rồi cũng đến lúc phải tự canh tác đời riêng.

Ầu ơ ví dầu là tình buồn của bướm, ủ ê chờ hóa bướm là niệm khúc của sâu.


Trần Thị NgH

---------------------------------------

*Chú thích của tác giả:

Bà Mẹ Gio Linh, nhạc và lời Phạm Duy

Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy