có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 11 05, 2023

Tàn Giấc Mơ




• Nguyên tác: Boulevard of Broken Dreams
• Nhạc: Harry Warren
• Lời: Al Dubin
• Lời Việt: Nguyễn Thảo
• Trình bày: Minh Nguyệt
• Hòa âm & phối khí: Lê Vũ
• Ghi âm: Trí Bùi
• Final mix: LeVuMusic Studio
• Photo & graphics: MarcMarc


Tàn Giấc Mơ

Tôi còn đi mãi trên lề đường phố ấy
Con đường tan vỡ ước mơ bao người
Trong màn sương sớm, trong mùi son tàn
Không cần say đắm, không cần ngỡ ngàng
Cho người quên những giấc mơ lỡ làng

Tôi cười, tôi khóc, đêm rồi ngày trôi qua
Trong vòng tay đã tan bao giấc mộng
Trong màn sương sớm, trong mùi son tàn
Nhưng mà trong mắt xót xa đôi hàng
Khi còn trên gối giấc mơ lỡ làng

Vì nơi đây còn tôi hoài trông mong
Còn lê bước trên lề phố khuya
Mà hồn tôi thì quên nơi xa xôi
Thành phố tháp chuông giáo đường cao

Ân tình tôi đấy, vay mượn vài giây thôi
Ai nào xin giữ thêm cho lâu dài
Trong màn sương sớm, trong mùi son tàn
Vẫn còn câu hát, bước chân nhịp nhàng
Trên đường phố những giấc mơ lỡ làng


Boulevard of Broken Dreams

I walk along the street of sorrow
The boulevard of broken dreams
Where gigolo and gigolette
Can take a kiss without regret
So they forget their broken dreams

You laugh tonight and cry tomorrow
When you behold your shattered dreams
And gigolo and gigolette
Awake to find their eyes are wet
With tears that tell of broken dreams

Here is where you'll always find me
Always walking up and down
But I left my soul behind me
In an old cathedral town

The joy that you find here you borrow
You cannot keep it long it seems
But gigolo and gigolette
Still sing a song and dance along
Boulevard of broken dreams


NT: Hôm nọ, vô tình thấy một video clip của một cô gái người Nam Bộ dạy làm bánh cà-rốt bọc mè chiên nhìn thật đẹp mắt. Tình thật tôi không nấu nướng nhiều, nhưng thấy mấy cái bánh màu cam đỏ hấp dẫn vô cùng, nên đã tò mò nghe thử cách thức làm như thế nào.

Chỉ một điều là khi theo dõi cô ta vừa làm vừa dạy, tôi thấy trong người bực bội mà không biết tại sao. Coi xong video, tôi phải mở lại từ đầu để truy cứu nguyên nhân vì sao mà tôi thấy khó chịu như vậy.

Cô gái có giọng nói thật trẻ trung, thật ấm áp dễ cảm. Chi tiết hướng dẫn được trình bày thật kỹ lưỡng và mạch lạc. Chỉ duy một điều, bằng giọng Nam, cô nói toàn chữ Bắc như “vừng” thay vì mè, “rán” thay vì chiên, và hay đệm những “nhé” chữ “vâng” chữ “ạ”.

Với riêng tôi, những cái đặc biệt của từng vùng trên đất nước Việt Nam là một điều nên được gìn giữ. Giống như những món ăn địa phương như phở Bắc, bún bò Huế, mì Quảng, hủ tíu Mỹ Tho; phong tục tập quán địa phương cũng như phương ngữ là những đặc thù, tổng hợp tạo nên một nền văn hóa bao quát và phức tạp. Một điều cho ta hãnh diện vì dân tộc ta đã có hơn bốn ngàn năm văn hiến và trải rộng từ Bắc vô Nam. Đó là những cái “dễ thương” ta thấy trong một loạt những bài nhạc Phạm Duy đã phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên.

Nói như vậy rồi tôi lại nhớ đến có lần anh Ngu Yên đã so sánh nhạc dịch như bắt một cô gái Mỹ tóc vàng mắt xanh đội nón lá mặc áo dài giả làm cô gái Việt Nam. Có điều gì đó không… đúng. Tôi chỉ có thể nghĩ ra một vài chữ: dối trá, giả mạo, lừa gạt…

Có lẽ câu hỏi tôi nên đặt ra: chúng ta đánh đổi sự giả mạo ấy để được gì?

Nhớ thời xưa dưới đời vua Đồng Khánh, triều đình muốn thay đổi theo hướng tây phương, để dân tộc được văn minh hơn, để đất nước phát triển và trở nên hùng mạnh hơn, để có một ngày thoát khỏi ách nô lệ dưới quyền lực của Tàu, Pháp, Nhựt. Ngược lại, để được như vậy, chúng ta phải chịu mất đi một phần nào đó văn hóa (tuy đó vẫn là văn hóa bảo thủ thừa hưởng từ Tàu qua cả trăm năm bị Tàu đô hộ).

Trở lại chuyện âm nhạc, nhạc jazz “giả mạo” mà KẻJazz đang phổ biến cũng là một cố gắng làm cho nền âm nhạc Việt Nam thêm rộng rãi, thêm “trăm hoa đua nở”. Tuy vậy, với những cố gắng này, chúng ta đang đánh đổi hoặc để mất đi những gì?

Bạn bắt đầu thấy nhức đầu rồi phải không? Tôi cũng vậy đó.

Có lẽ tôi chẳng nên tị hiềm gì cô gái người Nam chuyên dùng phương ngữ Bắc kia. Cứ nấu nướng và bi-bô đi nhé cô.

Và tôi cũng xin các bạn bè KeJazz cứ tiếp tục yêu mến và ôm ấp dòng nhạc jazz giả hiệu này…

LV: Mất thời giờ và công sức! Đó là trả lời cho câu hỏi cắc cớ của bạn. Theo tôi nghĩ thì nguyên nhân làm cho bạn cảm thấy khó chịu khi nghe cô người nam nói giọng bắc chính là phạm trù chọn lựa của riêng cá nhân bạn thôi. Những gì nằm ngoài phạm trù đó sẽ có khả năng làm cho bạn khó chịu. Chuyện này là dĩ nhiên. Ai cũng có những quan điểm riêng tư về những sự kiện chung quanh mình. Vì đây không phải là vấn đề về khoa học, sinh học nên đúng hay sai chỉ là dựa trên quan điểm và sở thích của mình. Dạo trước khi bắt đầu thâu nhạc cho nhiều bạn từ xa, tôi luôn bắt bẻ các bạn đó về phát âm. Tôi cho rằng họ phải phát âm theo đúng giọng bắc thì mới chấp nhận được. Nhưng dần dần tôi nghiệm ra hai điều: thứ nhất là thói quen phát âm rất khó chữa và thứ hai là có chữa được cũng không lâu dài và cũng không làm cho bài nhạc hay hơn chút nào. Tôi nhớ có một lần nghe Amy Winehouse hát. Cách cô hát thật hấp dẫn, lôi cuốn nhưng tôi hoàn toàn không nghe ra rõ cô hát những câu gì! Từ dạo đó tôi bớt chú trọng nhiều đến cách phát âm trong những bài tôi thực hiện nữa.

Giờ đây tôi xem mọi cách phát âm như là đặc điểm riêng biệt của người hát, miễn sao tinh thần của bài nhạc được diễn tả cho đầy đủ theo cảm nhận của tôi.

Còn việc jazz giả hiệu hay không thì mặc kệ. Miễn sao mình làm cho khoái chí được thì cứ làm!