có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 8 05, 2023

Những cô Mơ Bay trong truyện Cung Tích Biền


Girl Floating in the Air by Corey Egbert


“Mơ là ngọn đèn, tôi là ánh sáng.”
(Mùa xuân cô Mơ Bay, Cung Tích Biền)


Nhân vật chính trong truyện là cô Mơ Bay. Tên thực cô là Mơ. Lúc nào cô cũng muốn bay nên nhà văn cho thêm chữ “Bay” vào sau tên cô. Cô là Mơ ngoài đời thực, là Mơ Bay trong những trang viết của nhà văn.

Mơ Bay, tên đẹp quá đi chứ. Mơ mộng quá, bay bổng quá. Cô là giấc mơ có cánh.

Cô mộng mơ, cô bay lượn thế nào thì chỉ có đọc qua mới biết được.

Mơ là mơ Thoát, bay là bay Thoát

Tác giả, người kể lại câu chuyện, cho biết, “Mơ Bay còn trẻ, rất đẹp, học giỏi, trưởng thành trong một gia đình nền nếp, giàu gia hạnh.” Cô lại “quá thông minh, giàu mộng tưởng. Mộng ước của cô lớn lao, ngoài giới hạn”. Mơ Bay tin tưởng một cách mãnh liệt rằng loài người là hậu duệ của chim chứ chẳng phải của tinh tinh, đười ươi, khỉ vượn chi cả.

Vì ham rong chơi trên mặt đất, ham suối trong, rừng xanh và thích tắm biển nên chim sa đà vào kiếp đi bộ. Đôi chân chim dần dà bự ra như chân người, và đôi cánh teo lại thành đôi tay. (Mùa Xuân Cô Mơ Bay) (1)

Lập luận của Mơ Bay là rất có logic, không thua bất cứ một đỉnh cao trí tuệ nào. “Cánh tay”, không phải tự nhiên mà loài người gọi như vậy. Phải trả đôi cánh về cho đôi tay. Mơ Bay tin rằng một ngày kia cô sẽ bay lượn được như chim, bằng đôi tay làm cánh. Cô sẽ phục hồi chức năng cho đôi tay mình. Bay xa bay gần, bay thấp bay cao thế nào không biết, nhưng mà nhất định là bay được.

Vì sao cô muốn bay? Vì sao cô phải bay? Vì rằng bằng mọi giá cô phải thoát ra ngoài “cái thế gian tàn rụi ấy, cái xã hội rã tan đầy thương tích ấy”, nói như Cung Tích Biền.

Càng điêu đứng khốn khổ, càng không có lối thoát người ta càng muốn bay, muốn thoát.

Nhà văn gọi bay này là “Bay Thoát”.

Bay được là thoát. Bay tới đâu không biết nhưng lúc nào Mơ Bay cũng muốn bay. Bay bổng trên không trung, bay vút chín từng mây hoặc bay lơ lửng, bay là đà. Bay thế nào cũng được, bay “đi đâu cũng được, miễn đạt đỉnh ước mơ”, bay “đến đâu cũng được, miễn là miền hạnh phúc.”

Nhà văn cứ để Mơ Bay mải mê đuổi bắt mộng tưởng như đuổi bắt bảy sắc cầu vồng lung linh, óng ánh trong màn mưa thưa. Tuy gần mà xa, tuy xa mà gần. Tìm nhưng không gặp được, đuổi nhưng không bắt được những màu sắc trá hình đầy quyến rũ ấy.

Mơ Bay là giấc mơ hoang. Cô mơ gì? Dõi mắt nhìn theo cánh chim bay lượn cô mơ “một sớm mai nào bỗng dưng đôi cánh mọc ra từ hai bờ vai”. Cô mơ là chim hạc vàng.

“Anh có thấy đường bay của con hạc vàng kia không?” cô hỏi nhà văn. “Anh ạ, em sẽ bay thanh thoát. Em nhẹ lướt như mây. Em sẽ tường thuật anh hay khi em nhìn về trái đất dưới kia nhỏ nhoi như một hòn bi xanh [xao]. Khi anh không còn bắt được đường truyền tín hiệu của em thì anh nên mừng là em đã thoát ra được ngoài ‘vùng phủ sóng’ của cái xã-hội-mang-nhãn-hiệu-người.”

Nhà văn gọi mơ này là “Mơ Thoát”.

Trong khó khăn của ngày ngày, chỗ hiểm nghèo của định mệnh, người ta hay mơ thoát... Mơ thoát? Là một cách từ biệt cái tình trạng bao la xám màu của suy đồi, lạc nẻo.

Không chần chờ được nữa, Mơ Bay quyết định phải bay thôi. Mơ Bay mọc cánh, cô bay lượn như chim. Bằng “đôi cánh vô hình”, cô cất cánh bay thẳng một lèo từ bờ vực xuống đáy vực sâu hun hút.

Mơ Bay rơi tự do.

Cô bay thật. Khổ nỗi, cô bay xuống chứ không bay lên. Cô đã hoàn thành tâm nguyện cho dù giấc mơ bay có làm cô gãy cần cổ, bể sọ não.

Cuối truyện, toàn thân Mơ Bay phủ tấm chăn trắng, hình hài cô được quấn băng kín mít từ đầu tới chân, chỉ chừa ra hai con mắt nhắm nghiền. Mơ Bay hệt như “Người tình không chân dung” trong phim Hoàng Vĩnh Lộc.

Trích lá thư viết vội để lại cho nhà văn, Mơ Bay giải bày tâm sự:

“Bên vực thẳm giữa hai hẻm núi, em bay. Anh yên chí, em không hề rơi xuống vực sâu. Chính đôi mắt ta nhìn hẻm núi thăm thẳm bên dưới. Sợ hãi kia, thay vì đầu hàng rơi xuống, sẽ giúp em mạnh mẽ bay lên cao.

Anh sẽ thấy trong trời mùa Xuân này một con chim lạ. Em đấy. Khi một con chim biến ra một con người là số phận không may. Con người biến được thành con chim mới là hạnh phúc, là ân sủng của Tự Do.”

Khi Mơ bay là khi Mơ hạnh phúc. Hạnh phúc trong mơ.

Tội nghiệp Mơ Bay, cố gắng lắm cô cũng chỉ như chim cánh cụt chứ chẳng được là hạc vàng. Thế nhưng, trong một nghĩa nào đó, quả là Mơ Bay đã bay được. Mơ Bay đã Thoát. Cô đã thực hiện được cuộc đào thoát ra khỏi “vùng phủ sóng của cái xã-hội-mang-nhãn-hiệu-người” như cô nói.

Mơ Bay vẫn đang bay, cô vẫn còn bay dài dài. Mơ Bay chưa bao giờ thôi bay.


Đôi Cánh Ảo của nhà văn

Có nhiều cô Mơ Bay như thế trong truyện ngắn, truyện dài Cung Tích Biền. Nhân vật nữ nào cũng mơ thoát, cũng muốn bay thoát. Hễ bay được là bay. Và nhà văn cũng muốn để họ bay đi cho rảnh nợ, cho thoát một kiếp… Mơ Bay.

Như cô Ngàn, cô vợ trẻ vật vã vì những giấc mơ hoang mị trong đêm tân hôn:

“Anh không cho em sống với một cơn mộng hay sao? Em không được quyền nhận lấy hạnh phúc sao anh, dù chỉ từ mộng?... Đau xót vô cùng là càng sống trong hiện thực này ta càng mơ về một cõi khác hoàn chỉnh, hạnh phúc hơn. Mộng ám ảnh và tàn phá? Nhưng mộng không tàn phai.” (Vỡ Hoang Trước Bình Minh)

Như cô Chơi ở độ tuổi thanh xuân đầy sức sống, chỉ mơ được làm đôi nạng gỗ cho ông chồng già người Đại Hàn một chân cụt tới gối mà cô được mai mối để mong cuộc đổi đời, bỏ lại sau lưng người tình ở dưới quê thật thà thua thiệt. Cô cậy nhờ bà mối:

“Chị trao giùm em lá thư này cho anh Tình. Cái anh mà đến cằn nhằn em hôm em được tuyển chọn làm vợ ông Hàn Quốc này. Anh Tình yêu em lắm. Mà em cũng yêu ảnh…” (Thanh Xuân Của Cô Chơi)

Như cô Vân nhẫn nhục chịu đựng cuộc hôn nhân độc tài, cưỡng chế đến không còn sức đề kháng. Cô chết rũ như cành cây khô héo:

Nụ cười không hương sắc, giọng nói xám rêu buồn tủi, ánh mắt u ám; vẻ đẹp thuần nhiên rực rỡ, thần tượng thẩm mỹ, đã rũ xuống, tan tành. Vân tiếc nuối và hoang tưởng , đầm đìa chốn phiêu mộng, sợ bóng tối, sợ cả ánh sáng, chập chờn trong nát rỗng của hiện thực. (Rừng Đom Đóm)

Như chị Bạc đến phải “xác thân rã mục lời thề” sau bao năm mòn mỏi, thủy chung ôm con ngóng đợi ngày về của người chồng tập kết, về nối lại giấc mơ tương phùng. Sau những đêm dài dệt mộng là ê chề, là chua xót bẽ bàng. Chị cũng đành… bay thoát:

Hôm nay Bầy Sói đã vào làng… Chị Bạc và Vọng, đành phải bỏ nước ra đi. (Mối Tình Mùa Gió Chướng)

Hay như cô Thiền Pha hay mơ hay mộng, những đêm buồn ra ngồi ở ban công nhìn trăng tàn trên hè phố, dõi theo bóng trăng “đi vào một con hẻm đầy ánh vàng”. Một đêm trăng vỡ, cô đã “vỡ mộng” khi chứng kiến tận mắt cái hiện trường thảm khốc chỉ vì cái bẫy ác ôn là cây trụ điện “sống chết mặc bay” sừng sững ngáng chân những tay say xỉn phóng xe như bay trong đêm khuya khoắt.

Thiền Pha không sao ngủ được. Cô cứ thấy cái đầu máu me dập sọ não lẫn lộn trong chăn gối. Sờ đâu cô tuồng như cũng chạm phải thịt vụn bầy nhầy. (Chỗ Treo Linh Hồn)

Nghĩ cho cùng, nào phải chỉ những cô Mơ Bay, đến cả những người tù trong một xứ sở có lắm nhà tù lớn nhà tù nhỏ cũng có những giấc mơ bay vậy. Người tù nào cũng mơ cũng mộng. Người tù nào cũng có những giấc mơ có cánh như giấc mơ của Mơ Bay.

Trong cảnh tù tội, đọa đày, người tù vẫn có những hạnh phúc về đêm. Đấy là những phút nằm mơ nằm mộng trong giấc ngủ vùi. Khi mắt nhắm nghiền là khi những giấc mơ mọc cánh. Những giấc mơ thoát. Chính là nhờ những “hạnh phúc trong mơ” ấy mà người tù cầm cự được, sống sót được qua năm năm, mười năm hay hơn thế nữa.

Người ta có thể cấm đoán mọi thứ, nhưng không cấm được những giấc mơ. Người ta có thể nhốt, bỏ đói hay đày đọa người tù nhưng không thể nhốt, bỏ đói hay đày đọa những giấc mơ. Rốt cuộc, chỉ giấc mơ là tự do. Trong lúc người tù bị giam hãm thì giấc mơ vẫn mặc sức bay lượn như những cánh chim trên bầu trời ngoài song sắt nhà tù.

Còn mơ được là còn sướng chán, nói như Cung Tích Biền, “Có khi sướng rơn người vì mơ ra cái chưa hề tới, cái không/khó thể xảy ra trong đời thực”, là những cái chỉ tìm thấy ở trong mơ.

“Mơ ra cái chưa hề tới”. Vẫn là chữ nghĩa, là giọng văn Cung Tích Biền thuở nào, vẫn là cái thủ pháp cho nhà văn được tiếp cận, “giao lưu tình cảm” thoải mái với nhân vật của mình. (2)

Như nhân vật trong “Nhị Xuân” nêu thắc mắc:

“Bác ạ, cái mùi với cái vị thường chẳng hòa điệu. Cái vị không phản ánh cái mùi. Cái mùi không giải thích được cái vị. Bác có thể nói rõ hơn vì sao?”

Nhà văn từ tốn trả lời:

“Nhị Xuân à, nó như cái Danh với cái Thực. Cái danh có danh thơm và danh nặng mùi… Mùi thì tới trước, có thể lan rộng xa. Còn Vị, khi nó phải đẫm vào đến đầu môi chót lưỡi, mới rõ cái vị. Mùi là cái tiếng tăm. Vị là cái thực chất. Kẻ manh tâm bất chính, chính là bỏ đi cái vị, mà lấy cái mùi làm chính.”

Hoặc như thân phụ cô Mơ Bay, bên hình hài bất động chẳng biết sống chết thế nào của con gái mình, gặng hỏi nhà văn:

“Anh viết văn bằng gì?”

“Bằng thế giới ảo.”

Mơ Bay như thế đã bay bằng Đôi Cánh Ảo của nhà văn, người đã cho cô mượn đôi cánh vô hình. Thân phụ Mơ Bay hẳn là hiểu rõ hơn ai hết vì cả đời ông chẳng thấy đôi cánh nào trên thân thể con mình. Ông lại gặng hỏi tiếp:

“Vậy hôm nay là ngày mồng tám Tết, có bọn trẻ nhỏ áo mới đùa vui, có cơn mưa xuân đổ ở xa xa kia ngoài khung cửa kia, có là ảo?”

“Do nơi mỗi tâm thức,” nhà văn bâng khuâng triết lý. “Con người ngoài nhục nhãn hãy còn tâm nhãn, tuệ nhãn.”

Tuệ nhãn, con mắt thứ ba ấy nhìn thấu suốt bản chất, chân tướng thực giả nơi mỗi sự vật, con người. Liệu nhà văn có thực sự đạt tới công phu uyên bác, uyên ảo đến vậy?

Chắc có chắc không, nhà văn sau cùng thú nhận, “Tôi chỉ là phần hồn của Mơ. Đúng ra Mơ là ngọn đèn, tôi là ánh sáng. Đèn tắt, chẳng còn tôi.”

Ngọn đèn đã tắt phụt, tôi lui vào bóng tối, và sân khấu hạ màn.


Lê Hữu

--------------------

(1) Mùa Xuân Cô Mơ Bay, Tập truyện ngắn Cung Tích Biền, Thao Thao xuất bản, 2019
(2) Cung Tích Biền, Giấc mộng rỗng không:


diendantheky.net