Milan Kundera [1929-2023] trong một bức ảnh chụp năm 1968,
thời điểm Mùa Xuân Praha. Nguồn: Britannica.
Milan Kundera, nhà văn nổi tiếng quốc tế với những tác phẩm văn học bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc thời Cộng sản đã khiến ông phải sống cuộc đời lưu vong từ năm 1975, vừa qua đời ở Paris. Ông thọ 94 tuổi.
Kundera qua đời vào chiều thứ Ba, 11 tháng Bẩy, nhà xuất bản lâu năm của ông Gallimard, cho biết như thế trong một tuyên bố ngắn một dòng chữ vào thứ Tư, xác nhận rằng ông đã chết ở Paris nhưng không cung cấp thêm thông tin.
Nghị viện Châu Âu đã tổ chức một phút mặc niệm khi biết tin ông qua đời.
Đời nhẹ khôn kham, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Kundera, mở đầu với cảnh xe tăng Liên Xô nghiến nát đường phố Praha, thủ đô của Cộng hòa Séc, là quê hương của tác giả cho đến khi ông sang Pháp chọn cuộc đời lưu vong từ năm 1975. Đan xen các chủ đề về tình yêu và sự lưu vong, chính trị mang tính cá nhân sâu sắc, tiểu thuyết của Kundera đã giành được sự tán thưởng của giới phê bình, giúp ông có được lượng độc giả rộng rãi chẳng những ở phương Tây mà còn khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam.
“Nếu ai đó nói với tôi khi còn là một cậu bé: Một ngày nào đó bạn thấy đất nước của mình biến mất khỏi thế giới, tôi sẽ coi đó là điều vô nghĩa, một điều tôi không thể tưởng tượng được. Con người biết mình là phàm nhân, sẽ có ngày tan biến khỏi mặt đất, nhưng hắn ta mặc nhiên cho rằng đất nước của mình thì vĩnh cửu.”
Ông nói với nhà văn Mỹ Philip Roth như thế trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times vào năm 1980, một năm trước khi ông nhập quốc tịch Pháp.
Đối với riêng tôi, Kundera là người thầy dậy tôi viết văn, mặc dù tôi chưa bao giờ có cơ hội gặp ông ngoài đời. Tôi sẽ không cảm thấy một chút mặc cảm nào nếu có ai đó bảo tôi viết giống Kundera, lý do dễ hiểu, tôi đọc gần như toàn bộ sáng tác của ông, tiểu thuyết cũng như tiểu luận, và đã bỏ thời gian ra dịch ra Việt ngữ hai cuốn tiểu thuyết (Đời nhẹ khôn kham và Tập sách cái cười & sự lãng quên) cùng nhiều bài tiểu luận khác của ông. Giữa tiểu thuyết và tiểu luận ông viết, tôi không rõ cái nào hay hơn, một điều rất hiếm thấy ở các nhà văn, Tây cũng như Đông.
Để thắp một nén tâm hương cho nhà văn Milan Kundera, xin cho tôi chia sẻ với bạn bài viết tôi viết về ông, in trong cuốn tạp luận Theo dấu thư hương, xuất bản năm 2022. (TYT)
***
Milan Kundera: Cái cười cái nhẹ cái quên
Trong bài tựa cuốn tiểu thuyết Chuyện đùa, Milan Kundera thuật lại giai thoại sau: Năm 1980 (lúc này ông đã cùng gia đình sang Pháp định cư), có buổi hội thảo trên kênh truyền hình nào đó nói về sự nghiệp văn học của ông. Một nhân vật trong thành phần tham dự đứng lên phát biểu, gọi cuốn Chuyện đùa là bản cáo trạng hùng hồn tố cáo tội ác của chủ nghĩa Stalin. Kundera nghe vậy vội vàng ngắt lời, “Ông làm ơn đừng gán ghép chủ nghĩa Stalin của ông vào tôi. Chuyện đùa chỉ là một câu chuyện tình.”
Quả vậy, mặc dù tiểu thuyết Kundera không thiếu những mạch đoạn viết về chính trị – đúng hơn lịch sử chính trị – và ông không bao giờ che giấu thái độ hằn học, gần như thù hận, với nước Nga, bởi quốc gia này đã gây nên không biết bao nhiêu tai họa và thống khổ cho quê hương, dân tộc ông, thậm chí cho chính cá nhân ông, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta bới móc giữa những dòng chữ ông viết để tìm kiếm một thông điệp hay luận đề chính trị nào. Ông có vẻ dị ứng với tất cả những điều đó. Với ông, Lịch sử chỉ là tấm phông trừu tượng mà ông ví tiểu thuyết gia như nhà thiết kế sân khấu kịch sử dụng để kiến dựng một tiết kịch. Câu nói “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia” thường được ông nhắc đi nhắc lại trong những bài tiểu luận (ngoài vai trò một tiểu thuyết gia hàng đầu trên thế giới vào nửa sau thế kỷ XX, Kundera còn là một ngòi bút viết tiểu luận văn học xuất sắc) như trong những đoạn viết sau:
Bởi Lịch sử, với tất cả những động thái của nó, chiến tranh, cách mạng, phản cách mạng, quốc nhục, không được chen vào can dự ngòi bút của nhà văn – không thể để nó trở thành đề tài cho nhà văn minh họa, lên án hoặc biện giải. Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia; nhà văn có thể bị mê hoặc bởi Lịch sử, nhưng bởi nó là thứ đèn giọi xoay vòng chạy xung quanh hiện hữu con người, chiếu luồng sáng lên nó, lên những khả thể bất ngờ, mà ở những lúc bình ổn, khi Lịch sử đứng yên, không ló mặt ra phía trước, chúng nằm yên phía sau, không ai thấy, không ai nhận biết.
Lịch sử nhẹ như đời sống cá nhân con người, nhẹ khôn kham, nhẹ như lông hồng, nhẹ như hạt bụi cuốn lên không trung, như bất cứ cái gì ngày mai không tồn tại.
Nếu vậy, đối với Kundera, chủ đề trong tiểu thuyết có hàm chứa một ý nghĩa gì đáng kể không? Hiển nhiên, như hầu hết các tiểu thuyết gia tầm vóc khác của thế giới, Kundera cương quyết chống lại mọi chủ thuyết luận đề trong văn chương. Đối với ông, chẳng có gì đáng khinh bỉ hơn một tác phẩm tiểu thuyết mà đọc không khác một văn bản tuyên truyền chính trị. Tuy vậy, bàng bạc trong những tác phẩm của ông, người ta nhận thấy những chủ đề sau hiển lộ rõ ràng: cuộc sống lưu vong; căn tính, đời sống vượt qua lằn ranh biên thùy (bên kia tình yêu, bên kia nghệ thuật, bên kia sự nghiêm túc); lịch sử như cái gì liên tục trở lại; và lạc thú của một đời sống ít có những điều “quan trọng.”
Và, cũng như phần lớn chúng ta, Kundera chẳng thể nào đứng ngoài những biến động lịch sử khốc liệt của thế hệ ông. Thế kỷ XX, châu Âu của ông chứng kiến sự đổ nát kinh hoàng chưa từng thấy trước đó bao giờ. Hai cuộc Thế chiến, Lò thiêu, Quốc xã, Quân phiệt, Cộng sản, như những bóng ma, cho đến tận bây giờ vẫn ám ảnh tâm tư người dân lục địa đó. Bohemia của ông – miền đất tuy nhỏ bé nép mình giữa hai cường quốc Đức và Nga nhưng lại là giao điểm chính trị và văn hóa quan trọng – luôn luôn là mảnh đất chịu thiệt thòi và bị giẫm nát trong bất kỳ cuộc tương tranh lớn nhỏ nào. Ở châu Âu, ngoài Ireland, Bohemia có lẽ là quốc gia duy nhất mà nền văn học bao giờ cũng trĩu nặng tính thời đại và lịch sử. Dù sao chăng nữa, Kundera khó lòng hoàn toàn đi chệch ra khỏi quy luật đó.
Nhưng nếu lịch sử chính trị chỉ là bối cảnh, chỉ là cái phông của tiết kịch, thì cái gì chiếm cứ phần trọng đại nhất trong tiểu thuyết Kundera? Câu trả lời giản dị lắm: Đó chính là cuộc truy tìm bản ngã con người để từ đó rất có thể lóe lên luồng sáng mới mẻ cho ta thấy rõ hơn cái ẩn mật của hiện tồn. Đưa ra một định nghĩa cho tiểu thuyết, ông nói: “Ngay khi bạn tạo dựng một hiện hữu tưởng tượng, một nhân vật, tự động bạn đối đầu câu hỏi: Bản ngã là gì? Làm cách nào thấu triệt được cái bản ngã đó? Đây là một trong những câu hỏi cơ bản của tiểu thuyết.” Kundera cả quyết rằng sự nảy sinh của nhân vật tiểu thuyết không giống sự ra đời của con người nơi cuộc sống bên ngoài; “họ có mặt do một tình huống, một câu văn hay một ẩn dụ bên trong cái vỏ bọc hàm chứa những khả thể cơ bản liên quan đến con người mà tác giả nghĩ rằng chưa ai khám phá hay đề cập điều gì trọng yếu về nó.” Xem thế, tính sáng tạo trong tiểu thuyết Kundera chủ yếu nằm ở điểm này. Và qua tác phẩm chúng ta thấy ông truy xét cái bản ngã đó đến tận cùng. Bản ngã bị ông lật trái lật phải, lật ngang lật dọc đến chóng mặt. Nhưng không phải vì thế ông nắm bắt được điều muốn tìm kiếm; bản ngã vẫn vuột khỏi tầm tay, và ông thú nhận cuộc truy tìm bao giờ cũng chấm dứt trong nghịch lý.
Đọc Kundera, chúng ta cũng dễ dàng mắc phải ngộ nhận cho là tiểu thuyết ông chịu ảnh hưởng triết học hiện sinh. Ý tưởng phê phán nghệ thuật tiểu thuyết chẳng qua chỉ là cái gì rút ra từ các trào lưu triết học và lý thuyết bị ông đem ra phản bác gay gắt. Dẫn chứng tác phẩm văn học của các nhà văn cận/hiện-đại, ông bảo tiểu thuyết đã va chạm đến vô thức trước khi có Freud, đã luận về đấu tranh giai cấp trước khi có Marx; và trước khi các nhà hiện tượng học ra đời tiểu thuyết đã nói đến hiện tượng học. Câu nói “tiểu thuyết nói những điều mà chỉ tiểu thuyết mới nói được” thường được ông đem ra dùng khi cần bênh vực cho vai trò tích cực và vị thế trọng đại không thể thiếu của tiểu thuyết trong đời sống văn hóa con người.
Kundera tự xem mình là một nhà văn châu Âu, không phải Đông Âu như nhiều người gán lên ông. Ông lấy nguồn cảm hứng sáng tác từ những nhà văn truyền thống châu Âu từ thời Phục hưng như Boccacio, Rabelais, hoặc mới hơn như Sterne, Diderot… Nhưng chính những trước tác của các nhà văn hiện đại thế kỷ XX đã tạo ảnh hưởng sâu sắc lên những trang viết của ông, đó là Musil, Gombrowitz, Broch, Heidegger, và nhất là Kafka. Ông dành nguyên một phần trong cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết để nói về Kafka. Theo ông, chính Kafka, không phải Proust, không phải Joyce, đã tiên phong cho trào lưu tiểu thuyết Hiện đại mà ảnh hưởng vẫn còn vang động cho đến tận ngày nay.
Kundera cũng tuyệt đối trung thành với những ý niệm mỹ học mà ông khai triển gần như suốt văn nghiệp ông. Ở những cuốn nổi tiếng như Đời nhẹ khôn kham, Chuyện đùa, chúng ta thấy ông say sưa với những cặp phạm trù nặng/nhẹ, tâm-hồn/thể-xác, chung-thủy/phản-bội, cái-cười/sự-lãng-quên, vân vân. Thậm chí ông lấy cặp phạm trù cái-cười/sự-lãng-quên làm nhan đề cho một tác phẩm của ông, Tập sách cái cười và sự lãng quên. Kundera nói về cuốn sách này của ông như sau:
Sách này là cuốn tiểu thuyết viết theo dạng thức biến tấu. Những phần của sách nối tiếp nhau như những chặng đường chuyến du hành dẫn đến cái nội tại của chủ đề, nội tại một suy tưởng, nội tại một tình huống duy nhất, giản dị, mà cái hiểu cứ dần dà trôi mất về cõi xa, ra khỏi tầm nhìn của tôi.
Nó là cuốn tiểu thuyết viết về Tamina, và những chuyện diễn ra lúc Tamina bước ra khỏi sân khấu. Nó là cuốn tiểu thuyết viết cho Tamina. Cô là nhân vật chính diện và cũng là khán giả chính diện. Tất cả những chuyện khác là biến tấu dựa trên chuyện của chính cô, gặp gỡ đời sống cô như gương soi mặt.
Nó là cuốn tiểu thuyết về cái cười và sự lãng quên, về thành phố Praha, về Praha và những thiên sứ của nó…
Như hầu hết các tác phẩm khác ông viết trước đó hoặc sau này, cuốn sách là một tổng hợp những khía cạnh khác nhau của hiện tồn được khuếch đại, thu nhỏ, sắp xếp lại trật tự, nhấn mạnh, xem xét, phân tích, trải nghiệm… với một cái nhìn thật mới mẻ và tinh tế.
Ông viết cuốn sách vào khoảng giữa thập kỷ 70. Tác phẩm có bẩy phần. Gọi mỗi phần là một truyện ngắn cũng đúng, nhưng theo chính Kundera, ta nên xem nó là một tổ khúc, như tổ khúc âm nhạc gồm bẩy hành âm mà mỗi hành âm là một cuộc truy tìm hiện hữu khác nhau. Khác nhau nhưng vẫn có sự thắt buộc chặt chẽ bởi mô-típ chỉ đạo chế ngự toàn tác phẩm: cái cười và sự lãng quên. Những mã số hiện sinh ông sử dụng ở đây vẫn là những phạm trù quen thuộc lồng trong tình huống một chuyện tình buồn cười. (Các chuyện tình của Kundera đều buồn cười, nhưng là nụ cười cay đắng.) Tình dục thì luôn luôn buồn bã, như hoang mang giữa mê lộ. Và quái! Không phải quái đản, quái lạ, quái gở hay quái dị, mà quái “chiêu.” (Ở đây, tôi chỉ có thể tìm được một tiếng lóng, một từ đường phố, “quái chiêu,” để diễn tả chất “quái” trong văn Kundera khi viết về tình dục.) Tất cả quay cuồng trong bối cảnh lịch sử: cuộc sống nghẹt thở dưới chế độ công an trị của nhà nước Cộng sản sau khi Nga xua cả nghìn chiến xa và nửa triệu quân sang xâm chiếm Bohemia.
Cuốn tiểu thuyết đã đưa Kundera lên đài danh vọng quốc tế vào cuối thập kỷ 70. Nó là cuốn sách chẳng những phong phú ở mặt xây dựng nhân vật và câu chuyện, mà còn lạ lùng, sâu sắc ở phần tưởng tượng. Nơi đây thực tại và huyễn tưởng đan xen nhau dễ dàng và tự nhiên đến nỗi người đọc khó phân biệt đâu là đời sống thật, đâu là giấc mơ. Kỳ thực, điều đó không cần thiết khi đọc tiểu thuyết Kundera. Tuyệt đối không cần thiết, bởi chính ông cũng hay nhắc nhở người đọc rằng đừng xem những gì ông viết là sự thật ngoài đời, mặc dù trong đó có rất nhiều phần thuộc dạng hồi ức tự truyện, âm nhạc, triết học hay lịch sử. Ông thường cố ý cho người đọc nhận ra các nhân vật tiểu thuyết của ông chẳng qua chỉ là những hình ảnh ông lấy ra từ trí tưởng tượng của mình. Ông cho chủ thể ở ngôi thứ nhất trong lúc miêu thuật một câu chuyện ở ngôi thứ ba. Trong lúc viết, ông quan tâm đến các từ định đoạt tính cách và số phận của nhân vật hơn là ngoại hình. Chẳng bao giờ nghe ông miêu tả nhân dáng các nhân vật của ông ra sao, như thể trí tưởng tượng của người đọc tự động tiếp nối và hoàn tất cái nhìn của người viết. Làm như thế, người viết sẽ chú trọng nhiều hơn ở phần cốt lõi của tác phẩm. Thậm chí, thế giới nội tâm (hoặc tâm lý) của nhân vật đối với ông cũng chẳng quan thiết. Tuy nhiên, đôi lúc, tính cách đặc trưng nào đó được nhấn mạnh hầu làm sáng tỏ thêm bản chất của nhân vật.
Viết tiểu thuyết, Kundera ưa chuộng thủ pháp “tiểu thuyết tư duy.” Có nghĩa là ông không miêu thuật một câu chuyện từ đầu chí cuối, mà đưa ra một ý tưởng rồi “bịa” một hay nhiều “tình huống” để biện chứng cho ý tưởng đó. Với lối viết này, Kundera chịu ảnh hưởng nhiều từ hai nhà văn kiệt xuất người Áo của nửa đầu thế kỷ XX là Robert Musil [1880-1942] và Hermann Broch [1886-1951]. Kẻ không quen lối viết này có thể bĩu môi chê bai, “Sao mà lý sự lắm thế!” bởi đối với họ, nghệ thuật tiểu thuyết yêu cầu ý kiến tác giả đứng ngoài tầm nhìn; tất cả mọi tư duy hãy để người đọc định đoạt, nó là thành tố ngoại tại của loại hình tiểu thuyết.
Thế nhưng Kundera đã mở toang cánh cửa để tư duy tuôn tràn vào tiểu thuyết. Ông không ngần ngại tuyên bố rằng “biện pháp bổ sung những tư duy chắc nịch một cách đầy thông tuệ vào tiểu thuyết và bằng những thủ pháp tuyệt luân đầy nhạc tính khiến nó trở nên thành phần bất khả phân ly trong tác phẩm là một trong những sáng tạo táo bạo nhất mà không phải tiểu thuyết gia nào cũng dám làm trong kỷ nguyên nghệ thuật hiện đại.”
Tư duy tiểu thuyết, theo Kundera, không dính líu gì đến tư duy khoa học hay triết học; nó là phi triết học; thậm chí phản triết học, có nghĩa là nó hết sức độc lập với bất kỳ hệ suy tưởng tiên nghiệm nào; nó không thẩm định; không công bố chân lý; nó ra câu hỏi, nó kinh ngạc, nó xét nét; loại hình của nó thật là phong phú: ẩn dụ, châm biếm, giả định, khoa đại, châm ngôn, bông lơn, gây hấn, huyễn hoặc; và điều chính yếu là không bao giờ nó tách lìa ra khỏi cái vòng tròn ảo diệu bao quanh đời sống những nhân vật của nó; những đời sống nuôi dưỡng, chứng thực nó.
Đọc Kundera, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra tính hài (và ở chừng mực nào đó, châm biếm) thấm đẫm trong văn ông. Kỳ thực, đối với ông, hài là một thuộc tính bất khả tách ly của văn chương. Tập sách cái cười và sự lãng quên không thiếu những mạch đoạn khiến người đọc cười chảy nước mắt, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta hiểu chủ ý của ông là chọc cười độc giả. Để hiểu tính hài của Kundera, ta phải tìm hiểu tính hài trong văn Kafka. Vâng, chính Kafka đã cho ông nguồn cảm hứng bất tận đem tính hài vào văn chương. Kafka lấy mặt nạ của cái khả lý đeo lên cái bất khả lý, trong lúc tuyệt đối duy trì tính chính xác tâm lý, nó khiến tiểu thuyết của ông mang vẻ mê hoặc huyền ảo lạ lùng. Chuyện bông đùa, giai thoại, chuyện hài hước: chúng là những bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy giữa cảm quan nhạy bén của hiện thực và thần trí tưởng tượng, tiểu thuyết liều lĩnh đi vào cái bất khả lý. Kundera bảo như vậy.
Kundera cũng khai thác triệt để khía cạnh bi-hài của chủ nghĩa độc tài toàn trị, mặc dù ông quyết liệt phản bác lại mọi phê phán xem tiểu thuyết của ông là một diễn ngôn chính trị. “Sự lên án chủ nghĩa độc tài toàn trị không xứng đáng đem vào tiểu thuyết” là câu nói thường xuyên ông phát biểu mỗi khi đề tài này được đem ra thảo luận. Tiểu thuyết gia Mexico Carlos Fuentes nói như sau về Kundera:
Điều thú vị ông ta [Kundera] tìm ra là sự tương tự giữa chủ nghĩa độc tài toàn trị và giấc mơ tuy mê hoặc nhưng chẳng có gì đáng nhớ về một xã hội hài hòa nơi đời sống riêng tư và đời sống công cộng nhập lại thành khối nhất thể và sự hiệp nhất đó được xây dựng xung quanh một ý chí và một đức tin.
Tính bi-hài nhiều phần đen tối ấy cho chúng ta thấy một lần nữa Kundera chịu ảnh hưởng nhiều từ Franz Kafka.
Ngày nay trong khi nhiều người mất niềm tin vào tiểu thuyết như một loại hình nghệ thuật, thậm chí có người tuyên bố tiểu thuyết đã chết, thì Kundera tỏ ra vẫn tha thiết với nó. Để hiểu nguyên do vì sao, chúng ta có thể tìm đọc lại suy nghĩ của ông như sau:
Nhân vật trong tiểu thuyết tôi là những khả thể vô thức của chính tôi. Đó là lý do tại sao tôi yêu quý và khiếp sợ những nhân vật đó bằng nhau. Mỗi nhân vật vượt qua đường biên do chính tôi vạch ra. Chính đường biên bị vượt qua đó (bên kia đường biên, “bản ngã” của riêng tôi chấm dứt) là cái gì quyến rũ tôi nhất. Bởi bên kia đường biên là nơi khởi đầu cho cái ẩn mật cuốn tiểu thuyết yêu cầu. Tiểu thuyết không phải lời tự thú của tác giả; nó là cuộc nghiệm sinh của con người trong cái bẫy thế giới này đang dần dà biến thành.
… cái bẫy thế giới này đang dần dà biến thành. Quá chính xác, và tôi không thể không đồng ý với ông. Bởi trong mắt nhìn của ông, thế giới hiện đại là một thế giới bị triết học bỏ rơi và hàng trăm chuyên ngành khoa học đập vỡ tan. “Chỉ có tiểu thuyết là còn lại với chúng ta như đài quan sát cuối cùng để từ đó chúng ta có thể ôm lấy đời sống con người như một toàn nguyên.” Ông nói như vậy.
Đừng kỳ vọng Kundera cho chúng ta câu trả lời về bất cứ điều gì sau khi đọc xong tác phẩm. Sẽ không có câu trả lời, và mọi chất vấn hoài nghi chỉ làm tối tăm thêm cái nghịch lý của đời sống. Hãy nhận ra nét đẹp của nghệ thuật và đó là phần thưởng duy nhất nhà văn có thể cống hiến.