Cơn mưa đêm hôm qua kéo dài hơn mấy tiếng đồng hồ, nước mưa xoáy mòn trên đỉnh đồi trọc tạo thành những con rãnh nhỏ, ngoằn ngoèo trên đỉnh đồi bị giới hạn bởi những giao thông hào và những hầm cá nhân của binh sĩ, chìm dưới mặt đất, nhô lên vào khoảng sáu bảy tấc, vừa làm lổ châu mai, vừa làm lổ thông hơi cho những người lính mà hầu như cả ngày chỉ biết chạy chứ không có đi, mỗi lần di chuyển, vì sợ những viên đạn bắn sẻ từ bên kia sông, trên những ngọn dừa mà một vài tên du kích nằm chờ sẵn. Ngoài những hầm cá nhân ra, còn có một cái hầm lớn ngay đỉnh đồi làm ban chỉ huy, vừa làm hầm truyền tin. Trên nóc hầm, được xây dựng khá kiên cố để đặt hai khẩu đại liên 12 ly 7. Nóc hầm làm bằng những thân cây dừa, vừa to vừa chắc chắn do công binh Việt Nam xây cất, để bảo đảm cho sự chiến đấu lâu dài và làm điểm quan sát, an ninh một vùng rộng lớn về phía Tây Bắc quận Bồng Sơn.
Tôi thức dậy khi mặt trời vừa lên. Những tia nắng sớm làm cho chúng tôi thấy dể chịu hơn sau một đêm dài mệt mõi trong căn hầm chật chội với mùi đất ẩm của cơn mưa đêm. Cùng với những người lính, nếu không có nhiệm vụ gì trên đồi, đều muốn chạy xuống đồi để còn có chút thoải mái, sau khi người lính gác được lịnh gỡ cuộn kẽm gai đã gài lựu đạn chiều hôm qua. Con đường xuống đồi nhỏ vừa đủ cho một người di chuyển, nằm khuất sau đồi để tránh tầm quan sát của địch từ phía bờ sông bên kia, cạnh con lộ trải đá dẫn từ quận Bồng Sơn lên An Lão.
Những giọt nước mưa đêm hôm còn đọng lại trên bờ cỏ ướt mèm, và trên những ngọn dừa hay trên những mái nhà tranh thấp lè tè, ướt sủng nước của những gia đình vừa mới trở về từ khu định cư ở dưới Bồng Sơn. Họ không muốn rời bỏ miếng đất hương hỏa của tổ tiên, sau khi thấy có quân đội về đóng đồn giữ an ninh ở đây. Xóm nhà không lớn lắm đã trở thành nơi sinh hoạt của những người lính đóng đồn với người dân trong một vùng có chiến tranh, mà trước đây họ phải gánh gồng mang theo tài sản,của cải bỏ nhà cửa ra đi, sau khi quận An Lảo bị thất thủ. Cái xóm nhỏ trở thành nơi an ủi cho hai đại đội đóng quân,và gần như giữa những người lính với những người dân có sự cảm thông, gần gũi hơn. Một miếng đất trống được làm khu chợ, cũng chỉ có vài ba người lèo tèo buôn bán.Trước ngôi chợ nhỏ này còn có cái quán bán cà phê của chú Tư, là nơi tập trung đông đảo của những người lính đóng đồn từ trên đồi xuống, hay những toán kích trong đêm trở về, uống ly cà phê đen nóng, sau một đêm nằm kích thức trắng nơi bờ ruộng hay mé rừng.
Tiền đồn được anh em đặt cho cái tên là đồi Thánh Giá, vì bên cạnh ngọn đồi lớn còn có một ngọn đồi thấp, nhỏ hơn. Một cây thánh giá được dựng lên từ hồi nào. Sau này tôi mới được biết.
***
Dưới ánh nắng chói chang và cơn gió hong hóc của mùa hạ, người bạn lái chiếc jeep đưa tôi rời khỏi chi khu Bồng Sơn ra phi trường quân sự của lữ đoàn 173 nhảy dù Hoa Kỳ, để chờ trực thăng đưa tôi lên đồi Thánh Giá. Sau ba ngày chờ đợi tại thị trấn phía bắc của tỉnh Bình Định. Thành phố Bồng Sơn chật hẹp, dơ dáy. Con đường chính của thành phố cũng là quốc lộ 1 với hai dãy phố. Một bên là dãy phố lầu, còn một bên về hướng lên phi trường là những khu nhà tôn lụp xụp đầy bụi bặm, bát nháo với loại xe nhà binh của Mỹ, Đại Hàn có vẽ ngôi sao trắng. Với khu nhà tôn này, họ bán đủ loại, thập cẩm, khác với dãy phố lầu bên kia đường. Từ sợi dây dù màu ô liu cho đến quân trang quân dụng của đồng minh không thiếu một món gì. Từ một đôi giầy bốt cho đến một cái ca nhôm. Từ một cái nón rừng cho đến một cái phù hiệu, cấp bậc của quân đội đồng minh và cả quân lực VNCH nữa. Thành phố chỉ có một cái phòng ngủ nhỏ, gần quận. Sáng nào, mấy cô gái cũng ngồi uống cà phê ăn sáng dưới gốc cây phượng trên vệ đường trước phòng ngủ với vẻ mặt bơ phờ sau một đêm thức, và nói đủ thứ chuyện trên đời.
Thành phố có vẻ hối hả của một cuộc chiến tranh, không còn âm ĩ, chờ đợi sau trận đánh úp đèo Phủ Củ trước đó không bao lâu. Không khí chiến tranh đang đe dọa xuống thị trấn với áp lực của sư đoàn Sao Vàng của địch. Mặc dù, không thiếu quân đội đồng minh và Việt Nam đóng quân ở đây. Người bạn tôi, Lợi, còn cho tôi hay: Nơi mà tôi đến là một tiền đồn quan trọng nằm về hướng tây bắc của thị trấn. Quan trọng không những cho Việt Nam mà còn cho cả đồng minh nữa. Vì thế tất cả hỏa lực yểm trợ đều dành ưu tiên cho nó. Có điều hãy thận trọng đối với những người dân trong khi giao tiếp với họ. Bởi vì còn có số dân vẫn bám vào miếng đất cũ sao khi quận An Lảo bị thất thủ, không chịu về sống trong khu định cư. Nhưng cũng có một số mới trở về tạo dựng lại sự nghiệp. Dù ở lại trên phần đất cũ hay mới trở về cũng phải thận trọng. Thằng bạn chỉ nói cho tôi nghe một vài điều tổng quát, sau này lên đóng đồn trên đó, sẽ cho biết nhiều điều hơn.
Phi trường toàn lính Mỹ. Thỉnh thoảng có một vài sĩ quan Việt Nam đưa vợ con vào xin phương tiện về Qui Nhơn. Hình như mọi người đều im lặng trong khu nhà chờ, ít nói, trong không khí ngột ngạt của chiến tranh cùng với sức nóng của mùa hè, đang đổ xuống trong dãy nhà tiền chế rộng thênh thang lợp tôn này. Bên ngoài, tiếng động cơ của máy bay dội hắt vào, cùng với những đám bụi bóc lên từ cánh quạt của những chiếc trực thăng đang cất cánh. Sức nóng ngoài trời và trong dãy nhà chờ làm mọi người mệt mỏi. Lợi giới thiệu tôi với trung sĩ Tân, hạ sĩ quan quân y của tiền đồn cũng đang chờ trực thăng như tôi. Như vậy, nơi tôi đến, người lính đầu tiên tôi gặp là Tân. Anh còn trẻ, có lẽ mới ra trường chẳng bao lâu.
Ngồi đợi một chặp, Lợi đưa tội và Tân ra bãi. Ba chiếc trực thăng đang đậu sẵn để bóc tôi, Tân cùng với vài ba người lính Mỹ, có lẽ cũng đi đến một tiền đồn nào đó như chúng tôi. Sau vài phút, ba chiếc trực thăng cất cánh. Bên tôi, người lính Mỹ, xạ thủ đại liên, to con như một anh khổng lồ chỉ cho tôi nhìn xuống phía dưới, và bảo: Vi Xi. Vi Xi mày có thấy không?
Tôi chẳng thấy gì ngoài những vườn dừa, và những ngôi nhà tranh nhỏ xíu nằm rải rác dọc theo chân núi. Hắn lại đưa ngón tay chỉ xuống mặt đất: Mầy thấy không. Vi Xi ? Những tàu dừa che khuất, và rồi, tôi nhìn thấy một dòng sông uốn khúc, rộng lớn. Một bãi cát phẳng dọc theo bờ sông, trắng phao. Có vài ba chiếc vó, vài chiếc xuồng con như chiếc lá nằm bất động trên dòng sông trong mùa nước cạn. Người lính xạ thủ vừa chỉ tay, vừa nói: Vi Xi kìa. Vi Xi kìa. Nhưng hắn không bắn. Một vài người lính Mỹ ngồi bên trong cũng chồm người ra xem. Dòng sông vẫn im ắng trong xanh ở phía dưới chân tôi. Hai chiếc trực thăng hộ tống bay trên cao. Nắng chói chang hắc vào khoang tàu. Tôi nhìn qua Tân, anh ngồi dựa lưng vào thành tàu, nhắm mắt, hình như anh không muốn nhìn thấy cái gì ở dưới chân anh, hay nghe thêm những câu nói của mấy thằng lính Mỹ. Có lẽ Tân đã quen với những cảnh như thế này rồi chăng? Tôi nghĩ, chẳng lẽ chiến tranh Việt Nam lại xuất phát từ những ngôi nhà tranh nhỏ bé dưới những tàu dừa, hay bên bờ một sườn núi, hay trên một con thuyền nan nhỏ bé nằm chơ vơ giữa dòng sông??? Mà người xạ thủ Mỹ lúc nào cũng thấy Vi Xi từ những nơi đó?
Gần nữa giờ bay, người lính Mỹ chỉ cho tôi thấy tiền đồn. Một ngọn đồi khá lớn. Bên cạnh còn có ngọn đồi thấp, nhỏ hơn, nằm cạnh con đường trải đá.Tân mở mắt, sửa lại thế ngồi, nhìn xuống hai ngọn đồi, nói với tôi: Tới rồi.
Chiếc trực thăng quần thêm mấy vòng nữa. Tôi thấy một cuộn khói vàng bóc lên giữa khoảng đất trống, ẻo lả. Hai chiếc trực thăng hộ tống vẫn bay trên cao, chờ cho chiếc trực thăng bỏ tôi và Tân xuống. Người xạ thủ Mỹ giơ tay vẫy vẫy đám lính đang đứng dưới đất, rồi giơ hai ngón tay tạo thành hình chữ V, cười hố hố. Trong khoảng khắc rất nhanh, chiếc trực thăng xà về phía trước, bay vút lên, tạo nên một sức gió đẩy người tôi chúi nhủi.
Kỳ ra đón tôi với một vài anh em trong đơn vị, rồi anh giới thiệu tôi với đơn vị trưởng bạn. Kỳ nói: Như vậy là tụi mình có thêm một người bạn mới. Tôi nhìn thấy đa số anh em người nào cũng còn trẻ. Tôi đưa mắt nhìn những người lính đứng ở mỗi gốc dừa, hay dựa lưng vào phên vách đất của mấy ngôi nhà tranh, nhìn tôi. Những người lính mà hôm nay, ngày mai và mãi mãi là những người bạn của tôi nơi tiền đồn hẻo lánh này. Ánh nắng vẫn lung linh dưới những tàu dừa in trên nền đất ẩm. Kỳ nói:
- Vào đây nghỉ một chút cho khỏe, uống ly cà phê rồi hãy lên đồi sau. Nhớ tới đồi phải chạy cho nhanh, không khéo mất cái gáo dừa, nghe bạn. Làm ma không đầu đấy.
Tôi hỏi:
- Sao phải chạy? Trung úy.
Đám sĩ quan trẻ, nghe tôi hỏi cười rộ. Trên gương mặt chẳng có chút gì lo âu. Kỳ giải thích:
- Tụi du kích nó rình bắn sẻ hay lắm, bên kia sông kìa. Không khéo mình bể đầu. Phải khom người mà chạy. Tụi tui sống ở đây quen rồi. Nói chứ đề phòng vẫn hay hơn.
Lần đầu tiên tôi chạy trên đồi và trở thành thói quen như mọi người. Đêm đầu tiên tôi đến được ngủ lại nơi hầm chỉ huy. Căn hầm được Kỳ cho thắp sáng bởi ngọn đèn"măng sông"mà ít khi được dùng đến, dù chỉ dùng trong chốc lát. Người lính truyền tin vẫn ngồi nơi cái bàn làm việc với tiếng máy phát ra một âm thanh buồn nản.
Đêm đầu thật khó ngủ. Một vài hạ sĩ quan tuần canh ngồi tán gẫu bên anh hạ sĩ truyền tin, với lon gô nước trà thật đậm được nấu xôi bởi những miếng thuốc bồi. Máy đánh mật mã vẫn chạy rè rè. Bóng đêm chùng xuống ở bên ngoài căn hầm, buồn bã, chờ đợi.
Kỳ cho tôi biết về tình hình địch và bạn ở đây. Bạn, ta có thêm một đại đội, thay phiên nhau giữ đồn và lưu động. Khi đi lưu động nguy hiểm hơn, nhưng giữ đồn cũng dể ăn đạn pháo. Còn địch, về phía bên kia sông là an toàn khu của chúng, chạy thẳng lên An Lảo. Ta ít quân nên chưa hành quân qua đó lần nào, ngoại trừ có những đơn vị lớn. Còn bên này sông, lẩn lộn trong đám dân cũ và mới chẳng biết ai là bạn, ai là thù. Có thể ban ngày gặp mặt là bạn. Ban đêm là du kích cũng không chừng. Tốt hơn hết hãy thận trọng là hơn. Nhất là đám dân không chịu rút về khu định cư dưới Bồng Sơn, sau khi An Lảo thất thủ. Có thể họ có con em là du kích, hay tai mắt của đám người bên kia sông, khi đêm tối trở về.
Dòng sông chảy quanh dưới chân đồi như một đường biên giới ngăn chia giữa ta và địch. Con đường trải đá chạy dọc theo bờ sông để lên quận An Lảo đã bỏ hoang, hai chiếc tăng của quân đội đồng minh bị cháy bỏ lại bên vệ đường, dưới chân đồi. Dòng sông đang mùa nước cạn, mặc dù có những cơn mưa đêm bất chợt, nhưng nước trên nguồn chưa đủ mạnh để tràn bờ. Cho nên đơn vị lưu động phải trải quân nhiều nơi để chặn địch. Mặt trận nơi đây không gay go như những trận đánh lớn, mà khó khăn trong từng giờ, từng phút với đám quân không chịu xuất hiện, gần như đám quân ma, mà an toàn khu của chúng cách tiền đồn không bao xa. An Lảo.
Buổi sáng vừa mới thức dậy, đã nghe tiếng loa từ bên kia sông gọi qua. Không như mọi hôm nghe hoài một luận điệu chửi bới. Bên này sông trả lời bằng những tràn đại liên 12 ly 7, tiếng loa im bặt trong ánh vàng hực của sóng lúa mênh mông đang độ chín rộ. Một chặp, loa lại vang lên, kêu gọi ngưng bắn để cho dân ra gặt lúa. Tiếng loa vang trong gió sớm cùng với đám dân ở đâu bắt đầu xuất hiện giữa biển lúa bên kia sông. Những lá cờ trắng được vương lên, vẫy vẫy.....Kỳ đứng nơi miệng hầm chỉ huy, chửi thề: Đ.mẹ, tụi bay làm khó dể, đưa dân ra chết thay phải không, để rồi gặt lúa đem về nuôi quân nó. Lại một chuyện nan giải nữa đây. Kỳ gọi đơn vị bạn, và xin ý kiến thẩm quyền ở trên, tạm thời ngưng bắn vài ngày, sau mở cuộc hành quân hốt gọn số lúa này. Bốn ngày tạm yên. Tiếng loa bên kia sông không còn vang vang chửi bới vào mỗi buổi sáng như thường lệ. Tôi ra đứng bên bờ sông nhìn qua bên kia sông. Một vùng lúa mênh mông, bát ngát. Dân ở đâu họ đưa tới đông ghê gớm, mà ngày thường làm gì có số đông như vậy với vài ba ngôi nhà tranh nhỏ bé, ẩn khuất, nhìn thật xa từ trong chân núi. Tôi nghĩ, có lẽ dân từ An Lảo hay Ba Tơ được họ đem tới. Kẻ gặt, người gánh rộn ràng chạy vào phía núi mất hút. Tôi hỏi Kỳ: Tại sao lại phải để yên cho họ gặt lúa như vậy, không đốt hết những đám lúa kia đi. Kỳ cho tôi biết trong chiến tranh, ngoài súng đạn ra, ta còn đánh vào đám dân của chúng một đòn tâm lý nữa .Đốt làm gì, ta sẽ hốt trọn trong nay mai. Bốn ngày tạm yên. Những người lính ra ngồi nơi bờ sông nhìn qua bên kia bờ, mà chưa lần nào dám ngồi như vậy. Trên không, chiếc L19 như con diều lượn trên cao theo dõi con mồi dưới đất. Có một chút thanh bình nào đó trong tôi, như những năm tôi mới lớn trên những cánh đồng Đại Nẳm, Xung Phong ở quê nhà, khi mà chiến tranh chưa lần mò tới quê tôi. Một miền quê nhỏ bé, nằm cách xa thị xã Phan Thiết bơn một giờ đi bộ, mà tuổi thơ tôi đã lớn lên từ trong những gốc rạ còn thơm mùi rơm mới cắt. Những thửa ruộng bao quanh làng vàng ửng những bông lúa nặng chĩu, mà bọn trẻ chúng tôi không bao giờ bỏ sót những bông lúa rơi vãi trên ruộng, mỗi khi gặt lúa về nhà. Như hôm nay, dòng sông ngăn chia ngày nào không còn có cái vẻ hận thù của ngày hôm qua. Người lính trên đồi được đi thẳng lưng, không còn phải cúi người chạy xuống đồi như mọi ngày nữa. Nhưng đêm đêm Kỳ vẫn gọi pháo binh ở Hoài Ân hay Bồng Sơn bắn cầm chừng, quấy phá.
Ban ngày, tôi có dịp đi vòng dưới chân đồi. Hai chiếc tăng của Mỹ bị cháy đen nằm bên vệ đường, cỏ mọc. Con đường trải đá nối liền với quận An Lảo lâu ngày bỏ hoang, cây cối hai bên mọc dầy đụn, làm cho con đường như nhỏ lại, dài hun hút. Một chút gì rờn rợn đang chờ những người lính đóng đồn như chúng tôi ở trên đó. Vùng tự do của nông trường Sao Vàng và cũng là vùng oanh kích tự do của ta, mà chưa có một toán quân chủ lực lớn nào hành quân trên đó để chiếm lại quận miền núi đã lọt vào tay địch. Hình như mấy ông lớn đã quyết định bỏ. Chỉ còn lại cái tiền đồn này với một đám dân, có thể ngày là của ta, đêm của địch, như cái gai nhọn đâm vào yết hầu của chúng, không biết khi nào, họ kéo quân về nhổ cái gai này đi. Cho nên, đêm nào những chiếc trực thăng võ trang của Lữ Đoàn 173 nhảy dù Hoa Kỳ bay tới yểm trợ bởi những trái chiếu sáng và hỏa tiển, gây thêm tinh thần phấn chấn cho những người lính nơi tiền đồn này.
Con đường này. Dòng sông này. Và những mái nhà tranh trong chân núi phía bên kia sông có thể là điểm xuất phát để tiêu diệt chúng tôi. Từ lúc đổi lên đây, tôi chỉ nhìn thấy một phần con đường từ xóm nhà bên này sông đổ về Bồng Sơn, thế mà còn chưa có an ninh, huống chi con đường ngược lên An Lão?
Những đám ruộng bên kia sông vừa mới gặt xong, thì đạn bích kích pháo bên kia sông lại bắn qua đồi. Kỳ cười: Bọn nó chào mình bằng những cái khốn nạn đó. và, Kỳ cho phản pháo.
Trong lúc tôi chun xuống hầm như muốn hụt hơi.
***
Đồi Thánh Giá mà tôi được biết là vì trước đây có một ngôi làng nhỏ của bà con giáo dân sống bằng nghề nông và đánh bắt cá sông. Đi dọc theo bờ sông cách ngôi làng vào khoảng hai hay ba trăm mét có hai ngọn đồi, trên đó bà con giáo dân có dựng lên một cây Thánh giá. Ngôi làng này đã bỏ hoang sau khi chánh quyền An Lảo bỏ đi, chỉ còn lại vài ba ngôi nhà tranh của một số người bám trụ ở lại, và một số nhà tranh mới cất trên nền đất cũ chung quanh ngôi giáo đường đổ nát, còn duy nhất một bức tượng của bà Maria đứng yên, buồn thảm trước khoảng sân vắng của nhà thờ, với cái gác chuông loang lỗ vết đạn. Sau khi thấy có quân đội về đóng quân ở đây. Khoảng sân của nhà thờ được dùng để phơi những võ dừa khô của một vài gia đình sống chung quanh ngôi giáo đường đó. Khi xưa, nơi đây còn yên ổn, giáo dân mới dựng lên cây Thánh giá trên ngọn đồi bên cạnh dòng sông để nhìn qua bên kia bờ là những đám ruộng lúa mênh mông chạy vào trong núi, mà quanh năm với một màu xanh của núi rừng, của sông nước, cỏ cây hòa lẫn trong sóng lúa vàng tới mùa chín rộ ngoài đồng, đủ cho người dân nơi đây sống một đời yên ổn, ấm no, với tiếng chuông nhà thờ vang lên vào buổi sáng tinh mơ, hay buổi chiều chạng vạng.
Nhưng, hôm nay, ngôi giáo đường vắng lặng trong cái không khí ghê sợ của chiến tranh dù ngày hay đêm, bởi những trái đạn pháo của hai bên có thể rót xuống lúc nào không biết. Cho dù sinh tử gần kề như thế, họ vẫn trở về sống trên miếng đất hương hỏa chẳng có gì trù phú cho lắm giữa hai vùng đang tranh chấp bởi chiến tranh. Họ sống như ngày nào họ đã sống, còn hơn là sống chật chội trong khu định cư, khi vị linh mục ra lệnh cho tất cả con chiên gánh gồng đi theo những đơn vị hành chánh tháo chạy từ trên An Lảo xuống. Ngôi giáo đường từ đó bỏ hoang. Đám du kích về chiếm cứ. Ta mở cuộc hành quân bằng hai cánh: Hoài Ân qua, Bồng Sơn lên mới chiếm lại được đồi Thánh giá. Công binh được đưa tới để xây đồn đắp lũy. Nhưng ngôi giáo đường thi đã bị đổ nát bởi cuộc tấn công.
***
Buổi sáng một vài anh em ngồi uống cà phê trong quán chú Tư, Tân rủ tôi đi lên nhà Hưng ở trên miệt nhà thờ chơi. Tôi hiểu ý của Tân, vì anh muốn làm quen với con gái của Hưng trên xóm nhà thờ đó. Tôi hỏi: Lên có chuyện gì không. Nhất là xem có lính của mình còn trên đó mới dám đi. Đi hai đứa nguy hiểm lắm. Tân nói có trung đội an ninh trên đó. Tôi hỏi Kỳ: Được cứ đi, nhưng phải về sớm, đừng ở quá trưa nguy hiểm.
Ngôi nhà của Hưng lợp tranh, thấp dưới những hàng dừa bên cạnh ngôi giáo đường. Ngôi nhà được rào bởi một hàng rào trồng toàn cây dâm bụt, mà Hưngcuĩng cắt xén cẩn thận, đều đặng, trông đẹp mắt. Dù chẳng ai ngó ngàng đến trong vùng mà bom đạn có thể trút xuống lúc nào không hay. Khoảng sân đất nện trước nhà của anh phơi la liệt những võ dừa dùng để làm chất đốt. Hưng đang ngồi trong nhà ngó ra khoảng sân đất nện, thấy chúng tôi vào, con chó sủa vang mấy tiếng, anh đuổi. Hưng mời chúng tôi vào nhà. Đã nhiều lần tôi nghĩ anh không phải là một nông dân đơn thuần, qua những cử chỉ khác với những người dân quê sống ở đây. Có lẽ anh là một nhà giáo hơn là người nông dân chỉ biết trèo dừa hái những trái dừa khô, để cho vợ con anh nạo cùi dừa, ép dầu. Tôi hỏi:
- Hình như trước đây anh là một thầy giáo?
- Không phải đâu, thiếu úy.
- Tôi thấy anh không giống người nông dân, đơn thuần.
- Sao thiếu úy biết?
- Nhìn qua con người anh.
Hưng mỉm cười. Đưa mắt nhìn ra ngôi giáo đường đổ nát, như tiếc một cái gì đó đã mất trong khoảng đời còn trẻ của anh, mà đã lâu anh không thể nói với ai. Anh tâm sự:"Thiếu úy đoán đúng. Trước đây tôi là ông giáo làng, rồi sau này trở thành thầy giáo. Đời tôi sống trong làng này như một nhân chứng, mà hiện bây giờ ai cũng bỏ làng ra đi. Trước đây, khi cuộc chiến mới nỗi dậy bằng những phát súng lẻ tẻ của một vài tên du kích. Sau năm 54, làng tôi chẳng có ông giáo nào. Chẳng ai dám ra làm thầy giáo. Họ sợ đủ thứ. Trong khi đó đám trẻ thì thất học, chỉ biết ruộng, dừa và tới nhà thờ. Sự im lặng đâu được một hai năm, tưởng rằng có hòa bình thật sự trong thôn ổ, để cho đám trẻ con được đi tới trường học. Nhưng nào ngờ, trường chẳng có, cô thầy cũng không. Chính quyền lúc đó còn non nớt. Còn họ thì già dặn trong cuộc chiến đã lâu. Tuyên truyền. Ám sát. Thiếu úy biết mà, quân khu 5 cũ chứ ít sao.Thời đó, họ hăm dọa, bắt bớ, thủ tiêu nếu ai ra cộng tác với chính quyền quốc gia. Cho nên, chính quyền thì có đó, mà trường lớp thì không. Ngay cả lớp mẫu giáo cũng không có. Trẻ con bị thất học. Đám trẻ chỉ biết chạy rong ngoài đồng... Tôi tình nguyện ra làm ông giáo làng để dạy dỗ con em chúng tôi. Tôi nhớ lớp mẫu giáo đầu tiên, chỉ là ngôi nhà tranh được dựng lên trước trụ sở, lèo tèo năm ba em tới học...thế mà đêm tôi không dám về nhà, phải ngủ lại xã với mấy ông chính quyền. Cho đến khi xây được ngôi trường, cô thầy được điều về khá đông, thì chiến tranh không phải là thứ lẻ tẻ của đám du kích nữa, mà là đạn cà nông của hai bên đổ ập xuống trên mảnh đất của tổ tiên tôi. Bên chiếm, bên giữ, bên nào cũng súng cũng đạn, đánh nhau chí tử.Thiếu úy mới đổi tới, không thấy cuộc rút chạy của quận An Lão. Chúng tôi hết hồn. Cha xứ bảo chúng tôi đi, chúng tôi đi. Đi để tránh bom, tránh đạn, chứ ai biết đi để bỏ làng, bỏ xứ đâu. Thiếu úy thấy đó, nơi thờ phượng còn đổ nát huống chi mạng sống con người có nhằm nhò chi đâu".
- Sao anh không ở dưới Bồng Sơn lại về đây. Dù gì dưới đó cũng yên ổn hơn. Tôi hỏi.
- Không yên đâu thiếu úy ơi. Khu định cư tôi ở cũng bị pháo kích mà. Chết nhiều cái vô lý lắm. Hơn nữa sống nhờ vào trợ cấp hoài sao.
- Về Bồng Sơn anh không đi dạy trở lại?
- Dạ không. Rồi anh trả lời không ăn nhập gì đến câu hỏi của tôi: Hình như con nít ở những nơi có quân đội Mỹ đóng, lũ nó thích đi nhặt những lon đồ hộp trên phi trường nhiều hơn là tới trường.
- Rồi anh bỏ khu định cư về lại đất cũ.
- Dạ. Sau khi nghe có lính về đóng đồn ở đây. Về làm lại cái nghề cũ của ông bà già. Thiếu úy thấy mà, nhà tôi dừa nhiều, bỏ uổng lắm.
Sau đó anh đưa tôi ra xem nơi nấu dầu dừa, bên cạnh cái hầm chìm để tránh đạn pháo, từ trong bếp đi ra. Tôi hỏi:
- Anh chị làm ăn như vậy không sợ "Nẩu" về bắt đóng thuế?
- Sợ thì ai cũng sợ. Nhưng nghĩ có lính của mình.
Tôi nhìn ra khoảng sân sau toàn những hàng rào rậm rịt, những thân dừa che khuất khó thấy. Những ngôi nhà tranh biệt lập, cách xa, làm sao phát hiện hết bọn du kích lẻn về hoạt động trong đêm. Nhất là những đêm, từng cơn mưa bất chợt đổ xuống, tối om, ngữa bàn tay còn không thấy thì làm sao mấy toán kích nằm phục cho hết được.
Có lần tôi nói với Kỳ, muốn nhờ Hưng ra dạy đám trẻ con của những gia đình trở về sinh sống trong vùng đất cũ, vì thấy chúng không có học hành chi cả. Kỳ ngại. Nhưng tôi cố gắng thuyết phục, cuối cùng Kỳ đồng ý. Và tôi trình bày hết ý định của tôi cho Hưng nghe và nhờ anh dạy dỗ đám trẻ con trong xóm. Sau vài ngày suy nghĩ, anh đồng ý để cho con gái anh dạy vỡ lòng cho đám trẻ mới lớn, bên cạnh còn có Tân. Hằng ngày, một trung đội phải mở đường giữ an ninh để cho đám trẻ từ xóm dưới lên học vào buổi sáng. Một ngôi nhà tranh đơn sơ được dựng lên dưới chân đồi. Ngày khai giảng lớp, trên gương mặt của những người lính đóng đồn thấy vui vui. Tôi thấy Hưng trầm ngâm. Có lẽ anh đang nghĩ về những ngày tháng cũ, mà bây giờ đứa con gái lớn của anh đang thay anh chăm lo việc dạy dỗ. Sau này, anh kể:"Gần hai mươi năm về trước, cũng từ một ngôi nhà tranh trước trụ sở, vài ba em nhỏ tới học với ông giáo làng trong xóm, dưới sự đe dọa của đám du kích do những tên cán bộ nằm lại sau hiệp định khuấy động, ngăn trở một nền giáo dục mới của một chánh quyền còn non trẻ. Nhưng chắn chắn phải là nền giáo dục nhân bản hơn nền giáo dục của đối phương đã dạy trong suốt thời gian chúng chiếm đóng như quân khu 5 trong thời kỳ 45-54.
Nền giáo dục nhân bản đang được mở rộng theo tình hình lớn mạnh của chính quyền xã ấp. Trường lớp đang được mở rộng thêm. Cô thầy được tăng cường đến thì chiến tranh không còn nằm trong phạm vi làng xã nữa. Những hầm súng đạn chôn dấu trước 54, sau hai năm được khai quật lên, cùng với con người như những đoàn quân ma xâm nhập, từ núi rừng trường sơn đổ xuống, từ biển khơi đưa vào. Chiến tranh không là những phát súng lẻ tẻ nổ như pháo chuột trong làng thôn nữa, mà nó đã lan tràn khắp cả nước, ghê gớm, với những loại vũ khí tối tân. Nhưng thôn ổ vẫn là nơi tạo ra chiến trường, ít khi nào thấy đem lên núi rừng đánh nhau. Làng thôn vẫn là nơi thiệt thòi nhất trong cuộc chiến mà trẻ con hầu hết đều bị thất học. Trường mới được ổn định. Thầy giáo Hưng vừa mới toại nguyện nhìn ngôi trường mới xây bằng gạch, nước vôi còn vàng ửng chưa phai, các em chạy chơi trên sân gạch chưa ấm đôi chân trần thì làng nước bỏ chạy, dân phải gánh gồng chạy theo, bỏ lại sau lưng đất cũ về nơi định cư mới, trong những dãy nhà tôn chật chội nóng bức, mà chiều chiều nhìn về hướng cũ để nhớ quê. Ai có ở trong cảnh trạng đó mới thấy lòng đau, ruột cắt.
Lính về chiếm lại đồi thánh giá. Dân trong khu định cư cùng đi theo. Đất cũ không bỏ người, mặc dù súng đạn chẳng tha ai trong cuộc sống. Một nơi phải nói là đạn bom lúc nào cũng trút xuống được, không bên này thì cũng bên kia. Cho nên trong cuộc sống hằng ngày người dân phó mặc cho cuộc rủi may, bom đạn nào ai biết mà tránh....Ngôi trường mới dù chỉ là ngôi nhà tranh được dựng lên dưới chân đồi, với vài ba cái bàn cũ kỹ, xiu vẹo nhưng cũng làm cho Hưng thấy ấm lòng. Nhất là nơi đó, có tiếng ê a của các em nhỏ tập đánh vần theo sự chỉ dẫn của Hạnh, con anh và Tân. Vùng đất chết, nay trở nên ấm áp.
***
Cơn mưa trong ngày có khi tạnh, khi mưa. Đường lên đồi trơn trợt. Tôi làm biếng đi xuống đồi rút trong hầm như con chuột ướt. Buổi trưa nghe có tiếng nổ ở xóm trên, chát chúa. Tiếng nổ của trái lựu đạn. Tôi vụt chạy xuống đồi, những người lính như một phản ứng tự nhiên trong chiến đấu, đứng sau mỗi gốc dừa, tôi hỏi:
- Có chuyện gì thế?
- Lựu đạn nổ ở xóm trên, thiếu úy.
Tự nhiên tôi liên tưởng đến Hạnh.Giờ này lớp học tan gần mười phút, các em đã tản ra đi trên những con đường mòn ướt sũng nước mưa. Tôi gọi Tân. Kỳ đã cho bố trí quân đi lên chỗ có tiếng nổ. Tôi đi theo. Tân xách túi cứu thương cũng vừa chạy tới. Nhiều tiếng khóc la phía trước của các em nhỏ. Cô giáo Hạnh thì sao? Một cảnh tượng trông thật thảm hại, không phải là lính như chúng tôi, mà là những người dân vô tội đang rên la, quần quại trên vũng máu và nước mưa. Kỳ cũng vừa đưa thêm hai tiểu đội tới. Những băng cá nhân được gỡ ra, những người lính bế ba em nhỏ cùng với Hạnh lên nằm trên đám cỏ còn ướt nước mưa, băng bó.....Cũng may, trái lựu đạn nổ bị cản lại bởi gốc dừa làm nhẹ bớt sức tàn phá của những mảnh kim khí. Tôi nhìn Hạnh nằm im, bất động. Những giọt máu ứa ra từ bờ ngực, ướt đẫm chiếc áo bà ba đen. Tân xé toạc miếng vải trước ngực, băng lại bằng băng cá nhân, chích thuốc cầm máu cho Hạnh. Kỳ đã liên lạc về chi khu xin tải thương. Thân nhân của đám người bị thương bu quanh, khóc. Tôi nhìn gương mặt Hạnh, trắng bệt, đôi mắt nhắm lại, tự nhiên tôi thấy lo, hỏi Tân: Con bé có sao không Tân? Tân nói: Có lẽ không đến nỗi, nếu máy bay tải thương tới sớm.
Khoảng nửa tiếng sau, có tiếng trực thăng quần trên đầu. Tôi mừng thầm, Hạnh và mấy đứa bé có thể sống được. Kỳ cho bỏ trái khói đánh dấu bãi đáp. Hai người lính Mỹ nhảy xuống đem theo cáng đưa những nạn nhân lên phi cơ, phút chốc bay về hướng Bồng Sơn mất hút....
Tôi cùng với Tân lên nhà Hưng chia buồn, hy vọng chừng mười, mười lăm ngày Hạnh và mấy cháu trở về bình yên. Hưng chán nản, nói: Tại sao họ không để cho chúng tôi sống yên trên mảnh đất của cha ông chúng tôi, từ ngày hiệp định đình chiến đến bây giờ. Ngày trước, tôi dạy học xong, phải theo mấy ông xã đi ngủ. Bây giờ con tôi, nó có phải là cô giáo chuyên nghiệp đâu mà cũng tìm cách bức hại nó. Bao năm rồi chúng tôi sống trong nỗi lo âu, sợ hãi. Ngày thì sợ mấy ông bên kia nghi ngờ.Tối thì sợ mấy ông bên này nghi ngờ. Làm dân khổ quá thiếu úy ơi!
Tôi nghĩ, Hưng đang trách chúng tôi, có điều anh không dám nói thẳng. Nhưng tôi biết, ngay cả chúng tôi cũng chỉ là những toán quân nhỏ, được đưa lên để làm nút chặn được chừng nào hay chừng nấy trước sức hung hãn của một bày thú dữ, mà an toàn khu của chúng chỉ cách chúng tôi chừng 10 cây số. Không biết một ngày nào đó, chúng tiến quân vượt qua sông với những quả đạn sơn pháo 130 ly, thì chúng tôi cũng chỉ là những con chốt được nhất ra khỏi bàn cờ, có xá gì đâu trong một cuộc chiến mà hai bên chưa bao giờ nghe tuyên chiến.
Đêm, tôi thao thức mãi câu nói của Hưng, khó ngủ. Có tiếng súng bắn vu vơ trong đêm. Kinh nghiệm để cho chúng tôi biết được chúng đang dọ đường để tìm về xóm .Trường hợp như vậy, những toán kích nằm im, chờ mồi. Đêm nào cũng thế, những người lính vẫn phải thức trắng đêm giăng bẫy để bắt con mồi. Người lính nằm chung với tôi một căn hầm, còn thức, đang nghe em bé Dạ Lan nói chuyện với các anh chiến sĩ ngoài tiền tuyến, trong cái radio nhỏ. Giọng nói như mật rót vào tai, trong khoảng không im ắng không một tiếng động, ngoài những tiếng côn trùng kên rỉ rả bên ngoài, tựa như chúng tôi đang ở nơi bình yên, để nghe em kể chuyện trong đêm. Chứ cô bé Dạ Lan đâu có biết chúng tôi đang mong trời máu sáng, dù phải chạy xuống đồi, để biết mình vẫn còn sống thêm một ngày nữa.
Phạm Văn Nhàn