Getty Images
Nếu tôi bẻ lái gắt quanh khúc cua cùi chỏ, tôi có thể đã đâm thẳng vào đoạn dốc đáng sợ của con đường đổ nát, hiện lên như sóng thủy triều trước mặt tôi.
Nước mưa trút xuống con đường gồ ghề như suối tuôn trên núi. Tôi với tay để đổi số và nhận ra tôi đang chạy số một. Ngay lúc đó, một con cừu hờ hững bước ra trước mặt tôi, khiến tôi đạp thắng gấp.
Dốc đứng thăm thẳm
Đèo Hardknott ở vùng Lake District, tây bắc nước Anh, về mặt kỹ thuật, là cung đường nối trực tiếp nhất khu vực trung tâm Lake District với Tây Cumbria, nhưng nó dốc và khó đi đến mức người ngoài thường được cảnh báo nên đi đường vòng dài một tiếng đồng hồ để tránh lượn qua lượn lại trên cung đường ngoằn ngoèo một làn lên núi.
Nó được tờ The Guardian mô tả là một trong những 'con đường kinh khiếp nhất' của nước Anh, và dân bản địa biết đầy những câu chuyện về những chiếc xe bị hư thắng, những tài xế cứng người khi thấy nó và về những cú trượt và phán đoán sai khiến xe lao ra khỏi mặt đường hẹp.
Điều này khiến một số người đặt câu hỏi: liệu cung đường dài 13 dặm khác thường này nối thị trấn Boot với Ambleside có nên bị chặn lại không cho xe chạy lên hay không hay nên được tôn vinh như bảo vật quốc gia?
Hardknott Pass được mệnh danh là 'con đường kinh dị nhất' nước Anh. Getty Images
Mỗi năm, du khách lên đường, từ các tiệm trà trang nhã ở trung tâm du lịch Ambleside đi về hướng tây, hy vọng có một hành trình cưỡi ngựa xem hoa qua công viên quốc gia lớn nhất nước Anh - chính là Lake District được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Thay vào đó, họ lái thẳng đến cung đường thách thức nhất đối với các tài xế Anh; một chuỗi các con dốc đứng chạy lên sườn núi trống trải.
Điều rất hợp là bạn sẽ thấy con đường 'kinh khiếp nhất' này uốn lượn quanh đỉnh núi cao nhất (Scafell Pike) và hồ sâu nhất (Wastwater) của xứ Anh (England) ở vùng núi non hoang dã về phía tây Lake District.
Nhiều người xem Hardknott là mối nguy hiểm. "Chúng tôi khuyên khách không đi qua Đèo Hardknott," chủ nhà nghỉ địa phương Greg Poole, nói một cách thực tế.
Heather Butcher, phát ngôn nhân Viện Các Tài xế Xịn, nói: "Tùy thuộc vào kinh nghiệm của tài xế hay người đi trên xe, mà đó có thể là nơi cần tránh. Chúng tôi không khuyên bạn đặt mình hay người khác vào nguy hiểm... Bạn có thể đọc các đánh giá trên mạng từ nhiều nguồn khác nhau xác nhận đó là cung đường đầy thách thức, là nỗi hồi hộp…, nhưng chúng tôi khuyên mọi người cần cẩn trọng đối với những con đường như thế," Neil Graham, nhân viên truyền thông ở Sở Cảnh sát Cumbria, nói thêm: "Mọi người không nên tìm con đường này để thử thách bản thân."
Thách thức cần phải thử
Tuy nhiên, đối với những người khác, cung đường gian nan này cột mốc cần được tôn vinh; là thách thức cần phải thử.
Đường đèo vặn xoắn, ngoằn ngoèo, sâu hẫng xuống rồi lại lên cao, liên tục như vậy suốt 13 dặm chạy qua vùng Lake District. Getty Images
Chủ nhân lâu đài Muncaster gần đó, Peter Frost-Pennington, đã lái trên đèo Hardknott hàng trăm lần và gọi nó là "một trong những con đường thú vị và đáng kinh ngạc nhất trên thế giới để lái, đạp xe hay đi bộ. Nhất định nó phải nằm trong danh sách nhất định phải đi."
Và mặc dù Poole có thể cảnh báo khách của mình tránh xa, ông lại tự mình lái xe trên cung đường. Ông nói: "Tôi thích lái trên cung đường đó. Thật thú vị, thử thách, đẹp, đôi khi đáng sợ nhưng không bao giờ nhàm chán - chắc chắn bạn sẽ không thiếp đi trên vô lăng."
Lái xe trên cung đường khét tiếng này thực sự như thế nào?
Khi Đèo Hardknott và đèo dẫn vào nó, Đèo Wrynose, cao dần lên từ thị trấn hiền hòa bên hồ Greenburn Beck, các tấm biển cảnh báo giới tài xế: 'Đường hẹp. Nhiều khúc cua ngặt'. Nhưng nếu bạn đã đi xa như vậy, bạn sẽ không có đường nào khác hay không thể quay lại. Bạn sắp đối diện chuỗi cua tay áo điên khùng rộng cỡ đường ngựa chạy với mặt đường liên tục rã ra và những cú rơi không gì bảo vệ lao hàng trăm mét qua sườn núi xuống đồng hoang lởm chởm, đá và mặt núi đầy sỏi.
Đoạn khó đi nhất của Đèo Hardknott, đoạn lên đỉnh, dài chưa đầy vài dặm nhưng vươn cao đến 1.037 bộ. Một vài góc cua cùi chỏ có độ dốc 25%, và con dốc cuối cùng nghiêng một góc nghẹt thở là 33%. Biển cảnh báo 'Không phù hợp cho các đoàn xe caravan' là một cách nói giảm hài hước.
Những con dốc này dốc hơn hầu hết các cung đường núi và vượt qua cả những con dốc khắc nghiệt nhất vốn nổi tiếng trong các giải Tour de France, Giro d'Italia và các giải đua xe đạp xe đạp lớn khác của châu Âu.
Khán giả có thể hình dung thể lực của số ít tay đua ưu tú chinh phục được ngọn đèo trong phim tài liệu hồi năm 2019 của kênh Eurosport có tựa 'Cung đường leo núi gian khổ nhất ở Anh'. Một cua-rơ 'bình thường' phải trải qua chế độ huấn luyện chuyên môn sáu tuần nghiêm ngặt để chuẩn bị chinh phục Đèo Hardknott. Trong nỗi kinh hoàng, nhà sản xuất chương trình vẫn không thể qua nổi con đèo.
Trải nghiệm kinh hoàng
Ở những đoạn dốc đứng nhất của Hardknott Pass, địa hình còn dốc hơn đường đua Tour de France và Giro d'Italia. Getty Images
Trải nghiệm đầu tiên của tôi trên Đèo Hardknott là đi cùng một nhóm vô cùng tự tin của Không quân Hoàng gia. Chúng tôi khi đó đang trên đường đến Scafell Pike trong Thử thách Ba đỉnh, tức là cố gắng chinh phục những đỉnh núi cao nhất ở xứ Anh, Scotland và xứ Wales trong vòng 24 giờ.
Giống như nhiều du khách ngây ngô, chúng tôi bàng hoàng khi thấy được bản chất thực sự của con đường, và chúng tôi đến khúc cua cùi chỏ giữa lúc nước chảy ồ ạt vào lúc trời còn tối trong một buổi sáng sớm bão tố. Viên sĩ quan lái xe phải vất vả ứng phó và tiếng động cơ rít lên khi các bánh xe liên tục mất lực ma sát với mặt đường.
Chúng tôi đi lên, giữa vô vàn tiếng chửi thề của lực lượng đặc biệt. Tài xế ở lại xe để hồi phục sức trong lúc chúng tôi leo bộ lên đỉnh. Sau đó, anh ấy chọn đường dài hơn để quay về.
Lần đi thứ hai của tôi là với một doanh nhân lớn tuổi trong chiếc Jaguar mới đáng tự hào của ông. Tôi đã cảnh báo ông ấy về đường đi xuống nhưng ông ấy không thèm nghe. Chắc chắn, ông nói, chiếc Jaguar lấp lánh của ông có thể chịu được một chút dốc ở vùng Cumbria.
Tuy nhiên, trong vòng vài giây sau khi vượt đỉnh vành đèo, ông phải đối mặt cung đường mà trước giờ ông chưa từng thấy. Khoang xe rộng, sang trọng, êm của ông hoàn toàn không phù hợp. Mặt đỏ và thở hổn hển, ông đánh xe lên một rìa đá để thở. Chúng tôi lái tiếp xuống chân đèo với tốc độ chỉ vài dặm một tiếng.
Chỉ cần người lái xe vào số nhầm là ngay lập tức chiếc xe có thể sẽ bị trôi ngược xuống dưới.
Getty Images
Một vài năm trước đó, tôi đã lên đường chinh phục ngọn đèo trong chiếc xe của chính mình - chiếc Volvo 20 năm khiêm tốn.
Vâng, có lúc có cảm giác như tôi muốn ngã nhào về phía sau, nhưng nếu xe của bạn xịn 100%, thời tiết tốt và bạn chỉnh đúng vòng quay và đúng số, tôi thấy chinh phục ngọn đèo là hoàn toàn có thể. (Mẹo chính của tôi: ngay cả khi con đường đẩy lên cao như con sóng trước mặt thì bạn cũng đừng do dự. Nếu không kịp đổi số đúng lúc là bạn có thể bị đẩy lui lại trên đường).
Trong thời đại cao tốc thông minh và xe tự lái, đối với những người thích lái xe như tôi, Đèo Hardknott là sự gợi nhớ về lúc bạn phải tập trung vào con đường như thể cuộc sống bạn lệ thuộc vào nó (đúng như vậy) và tự hỏi liệu xe của mình có đi được không (có thể là không). Không như phần lớn các con đường ở Anh, cung đường ngắn này lần nào cũng đem đến trải nghiệm lái xe đáng nhớ. Đó là trải nghiệm lái xe lỗi thời tột cùng ở nước Anh.
Thật vậy, cung đường ngắn có lịch sử lâu đời và phong phú.
Ban đầu nó được người La Mã đắp vào khoảng năm 110, để dẫn tới một cứ điểm đầy sóng gió trên đỉnh đèo mà ngày nay được gọi là Pháo đài Hardknott.
Các bức tường đá còn lại của pháo đài là di sản nước Anh với tầm nhìn bao quát và là những gì còn lại của một trong những tiền đồn La Mã xa xôi ở Anh.
Sau khi người La Mã rời đi vào thế kỷ thứ 5, con đường vẫn tiếp tục tồn tại làm đường cho ngựa và la trơ trọi cho đến khi hiệp hội chủ khách sạn địa phương bỏ tiền ra nâng cấp nó vào những năm 1880 với hy vọng khuyến khích những hành trình tuyệt đẹp trên lưng ngựa và xe ngựa. Vài năm sau, kế hoạch này bị hủy bỏ.
Mãi đến năm 1913 mới có những chiếc xe đầu tiên băng qua đèo, từ phía Eskdale dễ đi hơn. Sau đó, độ dốc của đèo Hardknott đã được dùng để thử nghiệm xe tăng trong Đệ nhị Thế chiến. Bánh thép xe tăng nghiền nát con đường đến nỗi nó phải được xây lại.
Ngày nay, ngọn đèo được chinh phục tốt nhất là vào ngày có nắng - nhưng điều đó hiếm thấy ở vùng Tây Cumbria. Một ngày bình thường ở đây có mưa ngang, gió dập và mặt đường trơn. Vào ngày tồi tệ thì nơi đây chính là đoạn đường không thể qua được.
Tuy nhiên, phần thưởng cho tài xế sau tất cả những cú bẻ lái và đổi số là đến được nơi đồi núi non hoang sơ với vẻ đẹp hoang dã, hiếm thấy.
Thác nước, bề mặt thuần đá và tầm nhìn đột ngột ấn tượng nhìn ra khắp các ngọn đồi ắt hẳn giống như lúc người La Mã nhìn thấy.
Vách đá vút cao lên giữa những đám mây ở hai bên trong khi những con cừu cứng cáp tự tin qua đường. Chúng không lo gì về xe cộ. Suy cho cùng, ô tô không có chỗ ở đây.
BBC Travel