Nhà thờ “All Nations” trên Mount of Olives, nơi người phản bội Juda hôn Chúa trước khi ngài bị bắt. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Từ Jordan sang Israel có ba đường biên giới, tùy theo du khách thuận tiện ở phía ngã biên giới nào để vào Israel. Nhưng bạn vào Israel để làm gì? Đó là câu hỏi mà lúc nào nhân viên di trú Israel cũng hỏi bạn tại biên giới. Hầu như tất cả du khách đều có câu trả lời giống nhau “đến thăm Jerusalem.” Đây là một thành phố thánh địa huyền thoại và tôi cho là khó hiểu nhất với mọi người trên thế giới.
Ai cũng nghe và biết đến tên Jerusalem nhờ vào nhiều yếu tố tôn giáo vì nơi đây là thánh địa của nhiều tôn giáo, là nơi gần đâu đó có hang Bê-lem Chúa Giêsu sinh ra đời, là nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập tự giá, là nơi có “bức tường than khóc” của người Do Thái, là nơi có Mái Vòm Đá Vàng “Dome of the Rock” trong Temple Mount của Hồi Giáo, là một thành phố có nhiều vấn đề giữa người Do Thái và người Ả Rập-Palestine. Có lẽ nơi đây còn nhiều vấn đề hơn nữa nếu chúng ta có dịp đến tận nơi quan sát, thấy và nghe về một nơi chốn thánh địa của nhiều tôn giáo khác biệt qua một chuỗi lịch sử hơn 2,000 năm qua.
Trước năm 1967 Jerusalem phần lớn thuộc về quyền kiểm soát của chính phủ Jordan. Tuy nhiên, sau khi Jordan thua “trận chiến sáu ngày” với Israel thì khu phố cổ Jerusalem (Old City of Jerusalem) thuộc hẳn về Israel và bao gồm cả một khu tự trị của người Palestine.
Tôi không biết thành phố này 47 năm trước như thế nào, nhưng hiện tại thành phố Jerusalem có thể được xem như là một thành phố khá là phát triển. Các tòa nhà công thự của chính phủ Israel được xây dựng khá nhiều, tuy không đồ sộ như nhiều nước tân tiến khác nhưng cũng được gọi là tân tiến. Nhưng điều đó không làm du khách lưu tâm bằng cổ thành Jerusalem. Đây mới là điểm chính thu hút và hấp dẫn du khách đến Jerusalem.
Western Wall, bức tường than khóc của Do Thái Giáo. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nếu chỉ xét về phần kiến trúc thì có lẽ cổ thành Jerusalem cũng chỉ rất bình thường so với các khu thành cổ ở Âu Châu như thành cổ Carcassonne ở France hay thành cổ Avita ở Spain mà du khách có dịp đi qua. Nhưng xét về lãnh vực tâm linh thì cổ thành Jerusalem là cả một kho tàng văn hóa thần học Kitô Giáo. Đây cũng là thánh địa của Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo, và cũng là một nguyên nhân tạo ra sự tranh chấp giành quyền sở hữu thánh địa của các tôn giáo trên.
Trong quá khứ, các cuộc thập tự chinh của Kitô Giáo giành lại Jerusalem vì Kitô Giáo xem Jerusalem là nơi Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh trên thánh giá và sự phục sinh của Chúa cũng ở đây. Người Do Thái tự xem Jerusalem là kinh đô cổ của đất nước Do Thái xa xưa, và là thành phố thiêng liêng nhất của dân tộc Do Thái. Người Hồi Giáo thì xem đây là đền thờ thiêng thứ ba của Hồi Giáo, là nơi khởi đầu “chuyến hành trình đêm” của nhà tiên tri Mohammed. Cổ thành Jerusalem đã năm lần bị tàn phá nặng nề vào các trận chiến sang tay đổi chủ có đến cả 11 lần.
Thành phố cổ Jerusalem không quá lớn, chu vi chỉ khoảng 4.5 km, cao trung bình 10 mét và có tất cả 11 cổng vây quanh. Tuy nhiên chỉ có bảy cổng được mở ra đi lại. Thành được xây lại vào thế kỷ 16 (năm 1538) dưới thời đế quốc Ottoman. Vì có các sự tranh giành thánh địa nên ngày nay bên trong thành, người ta chia ra làm bốn khu vực khác nhau (gọi là bốn Quarter) như Muslim Quarter, Christian Quarter, Jewish Quarter và Armenian Quarter.
Đồi Golgotha nơi Chúa chết trên thập tự giá bên trong nhà thờ Mộ Thánh (Holy Sepulchre). (Hình: ATNT Tours & Travel)
Tuy chia ra như vậy nhưng không có nghĩa là bên Muslim Quarter không có người Do Thái Giáo sinh sống mà tất cả họ đều sinh sống với nhau trong các khu Quarter. Chính vì thế mà mới tạo cho du khách những cảm nhận khó hiểu vì tuy là khác nhau về tôn giáo nhưng họ vẫn chung sống được với nhau. Chỉ khi nào xảy ra những câu chuyện vượt qua ranh giới dân tộc hay tôn giáo thì mới có những bùng nổ xẩy ra.
Tôi rất ngạc nhiên về sự hòa nhập của cư dân trong thành cổ (và có lẽ cũng như tất cả mọi thành phố khác tại Israel), có những ngày lễ của người Hồi Giáo thì các cửa tiệm Hồi Giáo đều phải đóng cửa nhưng không vì thế mà người Hồi Giáo phải ở nhà. Họ thường sang khu Do Thái để sinh hoạt như đi chợ hay bất cứ các nhu cầu hằng ngày bên khu vực của người Do Thái. Ngược lại, người Do Thái cũng thế, họ đi sang sinh hoạt bên khu vực của người Ả Rập mỗi khi có ngày lễ Do Thái mà các cửa hàng Do Thái đóng cửa nghỉ lễ. Chính các điều này đã làm cho tôi có nhiều thay đổi cách nhìn về hai dân tộc Do Thái và Ả Rập.
Nhưng trong 11 cổng thành thì Gate đẹp nhất phải kể đến cổng Jaffa Gate và Damascus Gate. Đã đến Jerusalem thì du khách không thể quên mà không đến hai cổng thành này vì không những cổng thành lớn hơn các cổng thành khác mà những sinh hoạt buôn bán tại đây cũng rất sầm uất nhộn nhịp.
Toàn cảnh Jerusalem nhìn từ đồi Olives (vòm vàng là “Dome of the Rock” Temple Mount của Islam và cổng Golden Gate bên cổ thành). (Hình: ATNT Tours & Travel)
Sự sầm uất này làm tôi có cảm tưởng lấn át đi những ngôi đền thờ và các địa điểm thiêng liêng nằm trong thành cổ Jerusalem. Mười bốn chặng đường thánh giá mà tôi đã có dịp chiêm ngưỡng tại thánh địa Lourdes bên Pháp đã cho trong tâm tôi biết bao sự êm dịu thì mười bốn chặng đường nguyên thủy nơi Chúa đã phải đi qua bên trong Jerusalem, đoạn đường Chúa đã chịu biết bao đau đớn thay cho nhân loại thì ngày nay đã bị chi phối về nhiều mặt. Sự trang nghiêm dành cho Đấng Cứu Thế hình như chỉ còn lại từ những tín đồ hành hương đến đây với một lòng xác tín vào Thiên Chúa.
Tôi vào nhà thờ Holy Sepulchre, bước lên những bậc thang đến nơi có cây thập tự thánh giá trên đồi Golgotha hiện hữu ở đây hơn 2,000 năm trước. Ở đây Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh đến chết để cho nhân loại sống. Những hình ảnh bên trong nhà thờ, những niềm tin, những lời cầu kinh của khách hành hương Chính Thống Giáo vây quanh hình ảnh Chúa khiến tâm tư tôi dịu lại, quên hẳn đi những ồn ào sầm uất buôn bán bên ngoài nhà thờ. Trong tâm tư tôi dấy lên nhưng suy tư khó hiểu khi nhìn thấy đời sống thương mại và đời sống tâm linh lẫn lộn trong cách hành xử của con người.
Tôi chợt nghĩ đến các chuyến đi chiêm bái con đường của Phật bên Ấn Độ, bên Nepal. Chuyến đi nào cũng cho tâm tư tôi những rung động như tôi đã đến với Jerusalem. Tâm linh là tâm linh, đức tin tâm linh phải giúp con người vượt qua những gì của đời sống tham sân si xảy đến hàng ngày. Còn không, phải chăng đó chỉ là giả dối với chính đức tin tâm linh của con người.
Họa tranh “Nụ hôn của Judas” bên trong Church of All Nations.
(Hình: ATNT Tours & Travel)
Ngày nay cổ thành Jerusalem đã được mở rộng hơn so với thời điểm của Chúa Giêsu. Du khách đứng trên ngọn núi Olives có thể ngắm toàn cảnh khu phố cổ Jerusalem. Từ đây người ta có thể nhìn những điểm văn hóa thiêng liêng của tất cả các tôn giáo như khu mộ phần rất lớn của người Do Thái trước cổng Golden Gate của Old City of Jerusalem. Qua những thông tin thu lượm được người ta tin rằng có hơn 150,000 mộ người Do Thái an nghỉ ở đây, họ cần an nghỉ gần cổng Golden Gate để chờ đợi ngày cổng Golden Gate sẽ mở ra để đón Thượng Đế cứu rỗi đến với họ.
Nhìn xa hơn chút nữa vào bên trong phố cổ, người ta nhận thấy một mái vòm tròn vàng chói nổi bật trên thành cổ, đó chính là “Dome of the Rock.” Đây là một kiến trúc Hồi Giáo và Byzantine được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 7 tọa lạc ngay trên Temple Mount. Một tảng đá thiêng được thờ trong ngôi đền. Đặc biệt là người Do Thái cho đây là nơi linh thiêng nối kết tâm linh trời đất của họ. “Bức tường than khóc” nằm phía sau của Dome of the Rock, vì thế người Do Thái Giáo khi cầu nguyện thì phải úp mặt vào “bức tường than khóc” (tức là hướng mặt về tảng đá thiêng) để đọc kinh. Bức tường Western Wall thì không than khóc gì cả, nhưng người Do Thái “than khóc” vì họ Western Wall là bức tường ngăn cách họ đến với “tảng đá thiêng” trong Temple Mount.
Damacus Gate, khu mua sắm sầm uất bên trong cổ thành Jerusalem.
(Hình: ATNT Tours & Travel)
Trở về lại đây, ngay giữa lòng Orange County, có lần vô tình tôi bắt gặp một hình ảnh bất chợt xoáy động đến tận cùng tâm tư mình. Hình ảnh một bà cụ có lẽ đã không còn đủ sức khỏe để đi đứng thân mình, bà cụ đã phải đi nhờ vào cây gậy bốn chân. Cụ đứng chờ đèn hiệu xanh đỏ sang đường, trông thấy một người trung niên đứng xin tiền bên góc phố, cụ từ từ đi lại và dúi vào tay người ăn xin một tờ giấy bạc. Tôi không biết bao nhiêu, người đàn ông nhận lấy và lẩm bẩm lời cảm ơn, nhưng ông ta chợt khựng lại khi thấy bà cụ lững thững từ từ chống gậy bước sang đường. Có lẽ trong lòng ông vừa dấy lên một điều gì đó, ông ta bước nhanh theo bà cụ, không còn dáng vẻ của một người mệt mỏi ăn xin. Ông theo kịp và ông kéo tay bà cụ ngừng lại xin trả tiền cho cụ. Nhưng bà cụ khoác tay vẫn dúi lại đồng tiền vào tay ông. Tôi không biết cuối cùng đồng tiền đó về lại bà cụ hay vẫn được nằm trong tay người ăn xin. Nhưng có lẽ điều đó không quan trọng bằng hình ảnh mà tôi cho là tuyệt đẹp trong đời sống mà tôi chưa bao giờ được gặp.
Chắc hẳn chỉ có tình thương mới đánh thức được sự giả dối đang ngủ yên trong tâm tư nhiều người.
Với tôi, Jerusalem vẫn là một thành phố tâm linh khó mà diễn tả nhất sao cho thuận dòng suy tư trong tâm tư con người.
Trần Nguyên Thắng