Đêm đầy sao / La Nuit étoilée của Vincent van Gogh, 1889,
bảo tàng Museum of Modern Art (thành phố New York) © wikimedia
Khi nhắc đến những tác phẩm của danh họa người Hà Lan, Vincent Van Gogh, mọi người không thể không nghĩ đến tác phẩm «Đêm đầy sao». Người xem luôn muốn tìm hiểu sức cuốn hút của tác phẩm, cũng như cuộc đời đầy thăng trầm và đam mê của danh họa, tâm trạng và cảm xúc của ông khi vẽ tác phẩm mà ông cho là «thất bại» nhưng sau này được xem như tác phẩm nổi tiếng nhất của Van Gogh, một trong những tuyệt tác nghệ thuật của thế kỷ XX.
Van Gogh sinh ngày 30/03/1853 tại ngôi làng nhỏ Groot-Zundert, vùng Brabant-Septentrional, phía đông bắc Hà Lan. Ở tuổi 27, sau một thời gian loay hoay tìm định hướng, với sự khuyến khích của người em trai Théo, Van Gogh quyết định trở thành họa sỹ chuyên nghiệp. Ông đến Bruxelles, Bỉ, để theo học họa sỹ nổi tiếng Hà Lan, Willem Roelofs, trong vòng một năm. Những tác phẩm thời kỳ đầu của ông chủ yếu là những bức chân dung của những người hàng xóm, phong cảnh đồng quê khắc họa cuộc sống của tầng lớp nông dân. Màu sắc ưa thích là các tông màu đất và màu nâu tối với lối vẽ thô ráp.
Tác phẩm được coi là sáng tác đầu tay là bức «Những người ăn khoai», được sáng tác vào mùa thu năm 1885 khi ông đã 32 tuổi. Lúc này giới nghệ thuật ở Paris đã bắt đầu quan tâm đến các tác phẩm của ông. Nhưng tranh của Van Gogh không bán được ở Paris vì tông màu u tối so với tranh của các họa sĩ phong cách «Ấn tượng» với màu sắc tươi vui đang thịnh hành vào thời điểm đó.
Nguồn cảm hứng từ tranh in khắc gỗ Nhật Bản
Trong thời kỳ làm công việc buôn bán tranh, Van Gogh đã được tiếp xúc và khám phá nghệ thuật tranh in khắc gỗ Nhật Bản. Van Gogh là một trong những họa sĩ chịu ảnh hưởng và được truyền cảm hứng từ tranh in khắc gỗ của Utagawa Hirosighe, bậc thầy đại diện cho trường phái Ukiyo-e (những hình ảnh của thế giới nổi) hình thành ở thế kỷ XVII ở Nhật Bản.
Van Gogh sưu tầm các tác phẩm tranh in của Hiroshige, thông qua đó ông đã học được cách xử lý bố cục, nét vẽ đơn giản cô đọng và màu sắc trong sáng. Ông cũng được truyền cảm hứng về tình yêu thiên nhiên và những chuyến du hành. Nó khiến ông luôn khao khát đi tìm miền đất «Nhật Bản» của riêng mình.
Cuộc gặp gỡ với trường phái «Ấn tượng»
Đến Paris vào năm 1886, những cuộc gặp gỡ và thảo luận bổ ích với những họa sĩ trường phái «Ấn tượng» như các họa sĩ Georges Seurat và Paul Signac đã giúp Van Gogh khám phá một lý thuyết màu sắc mới. Đó là kỹ thuật điểm màu gốc trực tiếp lên tranh với những hiệu ứng tương hỗ được tạo ra bởi những cặp màu cơ bản (đỏ, xanh lam và vàng) và các màu bổ sung (tím, cam và xanh lá cây). Khi chúng được đặt cạnh nhau, kết quả màu sắc thu được sống động và rực rỡ hơn cách pha màu truyền thống trên bảng pha màu. Kỹ thuật vẽ theo lý thuyết màu sắc mới này đã tạo ra một trường phái «Ấn Tượng mới» khoa học hơn.
Sự khám phá mới này đã tạo một bước đột phá trong phong cách vẽ và phối màu của Van Gogh. Bảng màu - trước đây quá tối - đã trở nên rực rỡ hơn và nét cọ - trước đây vốn thiếu cường độ - trở nên rõ ràng, mãnh liệt hơn.
Ám ảnh với ánh sáng
Van Gogh muốn rời bỏ Paris, rời bỏ những mùa đông khắc nghiệt với bầu trời u ám thiếu ánh sáng mặt trời. Ông muốn đi tìm sự thuần khiết, tĩnh lặng và tình yêu dành cho thiên nhiên, nơi ông hy vọng sẽ nhìn thấy nhiều ánh sáng mặt trời hơn, nhiều màu sắc hơn, một «miền đất Nhật Bản» mà ông khao khát của riêng mình.
Tháng 2 năm 1888, khi ông 35 tuổi, Van Gogh rời Paris đến Arles. Cảnh quan mùa xuân của đồng quê tuyệt đẹp hiện lên trước mắt ông : những vườn cây ăn trái nở hoa đầy màu sắc, những cánh đồng lúa mì chín vàng với đường chân trời trải dài mênh mông. Bầu không khí trong lành gợi nhớ sự trong trẻo trong tranh khắc in Nhật Bản. Ông vẽ mọi lúc, mọi nơi, ngay dưới ánh nắng ban trưa chói chang, say sưa và hạnh phúc như những chú ve sầu.
Ông viết cho em trai Théo hồi tháng 04/1888: «Anh đang say mê cuồng nhiệt vẽ vì cây cối đang nở hoa, anh muốn vẽ một vườn cây ăn trái ở Provence thật tỏa sắc», «Màu vàng mới đáng yêu làm sao! Nó tượng trưng cho mặt trời», «sẽ không có màu xanh biển nếu thiếu đi màu vàng hoặc màu cam».
Van Gogh cuối cùng đã phát hiện ra thứ ánh sáng mà ông mơ ước, thứ làm tôn lên sức mạnh màu sắc và bộc lộ sự biểu cảm của chúng. Van Gogh đặc biệt yêu thích màu vàng vì theo ông màu vàng là hiện thân cho ánh mặt trời. Ông đã thể hiện sự yêu thích màu vàng qua série tác phẩm «Hoa hướng dương» nổi tiếng.
Vincent Van Gogh (1853-1890) La Nuit étoilée, Arles, septembre 1888. Huile sur toile, 73 x 92 cm, Paris, Musée d'Orsay, don de M. et Mme Kahn-Scriber en souvenir de M. et Mme Fernand Moch. RMN-Grand Palais (Musée d'Orsay) / Hervé Lewandowski
Sự cuốn hút của bầu trời đêm
Từ khi đặt chân đến Arles, việc mô tả «hiệu ứng ban đêm» là một mối bận tâm thường xuyên đối với Van Gogh. Cũng trong tháng 04/1888, ông viết cho em trai Théo: «Anh cần một bầu trời đêm đầy sao với cây bách hoặc, có lẽ, trên một cánh đồng lúa mì chín», hay trong một bức thư gửi cho em gái, Van Gogh gợi lên cùng một chủ đề: «Đối với anh, dường như vào ban đêm màu sắc phong phú hơn ban ngày». Việc vẽ «hiệu ứng ban đêm» theo đuổi và ám ảnh Van Gogh.
Với bức «Đêm đầy sao trên sông Rhône», bầu trời đêm đã chiếm một vị trí trung tâm với hình ảnh thành phố Arles soi mình bên bờ sông Rhône. Màu xanh coban của bầu trời đêm làm nền cho một dải các ngôi sao phản chiếu lấp lánh trên dòng sông tĩnh lặng đã thống trị bố cục của kiệt tác này. Hình ảnh cặp tình nhân bên bờ sông đang ngắm sao đêm thể hiện sự đắm chìm của con người vào khung cảnh lãng mạn thơ mộng của thành phố về đêm bên bờ sông.
«Đêm đầy sao» và sự giải thoát
Tháng 10/1888, người bạn thân của Van Gogh, họa sỹ Gauguin, tới Arles để cùng ông sáng tác. Gauguin đã khuyến khích Van Gogh vẽ dựa vào trí tưởng tượng nhiều hơn. Tác phẩm «Đêm đầy sao» là tác phẩm duy nhất mà Van Gogh sử dụng trí tưởng tượng để vẽ.
Ngày 08/05/1889, Van Gogh phải nhập viện tâm thần ở Provence, cách Saint-Rémy không xa, nơi ông dành hơn một năm ở đó. Các bác sỹ chẩn đoán ông mắc chứng động kinh, rối loạn tâm lý, ảo giác và biểu hiện mà ngày nay gọi là «chứng lưỡng cực». Tại đây, Van Gogh được đối xử nhân hậu với sự cảm thông. Các bác sỹ nhận ra rằng để giúp Van Gogh tồn tại và chiến đấu với bệnh tật, cách duy nhất là cung cấp cho ông một không gian nhỏ để ông tự do vẽ và sáng tạo. Nghệ thuật sẽ nuôi dưỡng sự sống cho ông. Chế độ chăm sóc ở viện tâm thần tạo sự ảnh hưởng tích cực đến ông với thói quen đều đặn ba bữa một ngày, không rượu, không tình cảm phức tạp. Các nghiên cứu cho thấy Van Gogh là bệnh nhân khỏe mạnh tỉnh táo nhất của viện. Hóa ra, sự cô lập lại tốt cho ông.
Lúc tỉnh táo khỏe mạnh, ông tập trung vẽ và vẽ rất nhanh: thường là những bức phong cảnh với tông màu rất hứng khởi, lạc quan. Thật đáng kinh ngạc khi trong giai đoạn này ông đã hoàn thành ít nhất 150 tác phẩm, có nghĩa là mỗi bức tranh trong vòng hai ngày. Rất nhiều trong số đó là những tuyệt tác hội họa sau này, như bức «Hoa diên vĩ», «Đêm đầy sao» …
Bức tranh «Đêm đầy sao» được ông vẽ ngày 18/06/1889. Quang cảnh được mô tả từ cửa sổ phòng bệnh của ông, tầng phía trên. Đây là quang cảnh ông đã vẽ rất nhiều trước đây. Nhưng lần này là khung cảnh ban đêm, nên ông phải sử dụng trí nhớ và vẽ nó vào ban ngày ở studio tầng trệt.
Bố cục của tranh được phân chia làm hai bởi đường chéo bắt đầu từ bên phải: khởi điểm là mặt đất và điểm kết thúc nối với bầu trời đêm. Đường chéo này mô tả hình dáng đồi núi trập trùng của dãy Alpilles.
Cây bách được Van Gogh vẽ ở tiền cảnh với ý định tạo điểm nhấn phân chia bố cục theo chiều ngang. Cây bách là sự kết nối mặt đất với bầu trời đêm theo phương thẳng đứng. Sự kết nối tầm nhìn từ «tiền cảnh» - cây bách đến «hậu cảnh» - dãy Alpilles và bầu trời đêm đã tạo chiều sâu phối cảnh không gian cho bức tranh. Đây là kỹ thuật mà ông đã học ở cách xử lý phối cảnh của bậc thầy tranh in khắc gỗ Nhật Bản Hiroshige.
Các nhà thiên văn học phát hiện ra rằng mặt trăng đêm đó gần tròn chứ không khuyết như trong tranh. Sao Kim - ngôi sao sáng nhất - và chòm sao Bạch Dương chỉ nhìn thấy được ngay trước bình minh. Bối cảnh «Đêm đầy sao» là sự kết hợp khung cảnh ban đêm và bình minh từ cửa sổ phòng của ông. Dải màu trắng xanh lơ lửng phía trên ngọn núi có vẻ như là lớp sương sớm
Dải thiên hà xoắn ốc là hình ảnh cách điệu mà các nhà thiên văn cho là của dải thiên hà Whirlpool. Nhưng liệu lúc đấy Van Gogh có thực sự biết đến nó để thể hiện trong tác phẩm của mình? Có lẽ Van Gogh đã nghiên cứu thiên văn và nhìn thấy bức vẽ phác thảo cách điệu dải thiên hà của nhà thiên văn học người Anh Lord Rosse vào năm 1850. Bức vẽ này được khắc in lại trong cuốn sách thiên văn học của Pháp gây tiếng vang thời bấy giờ. Van Gogh, người đam mê thiên văn học, thậm chí đã gặp tác giả ở Paris.
Khung cảnh ngôi làng được vẽ nhờ vào trí nhớ và phác thảo chì khi ông được tự do ra ngoài ngắm cảnh. Để tạo một ấn tượng sinh động và sự gần gũi hiện diện trong cuộc sống nông thôn, ông đã vẽ rất nhiều ngôi nhà với những ánh đèn màu vàng ấm áp hắt ra từ bên trong, và để cân bằng màu sắc với những ngôi sao vàng trên bầu trời đêm. Đó là một ngôi làng lý tưởng của sự tưởng tượng, ngay cả mái chuông nhà thờ Saint Rémy được miêu tả gợi nhớ mái chuông nhà thờ ở Hà Lan nơi ông sinh ra.
Vòng xoắn địa ngục và sự điên cuồng của đêm đầy sao
Tại sao Van Gogh lại làm xáo động và cố gắng nhấn mạnh sức mạnh của bầu trời đêm bình yên ở làng quê như vậy? Có phải đó là một đêm chứa đựng sự nguy hiểm hay là một đêm tôn giáo thiêng liêng?
Van Gogh sử dụng nét cọ nhanh, thô ráp và dữ dội. Những nét vẽ đường cong uốn lượn, xoắn ốc tập trung miêu tả sự chuyển động không ngừng của những luồng không khí như một dòng năng lượng liên tục của bầu trời đêm. Ông muốn nắm bắt và thể hiện cảm xúc của mình một cách tức thời và trực quan nhất. Sử dụng hiệu ứng tương hỗ giữa màu vàng: vàng chanh, vàng đất và màu bổ sung : xanh coban, xanh nước biển đậm để tạo sự tương phản và ấn tượng mạnh đến thị giác.
Những đường xoắn ốc đóng kín là sự ảnh hưởng rõ nét từ thủ pháp vẽ tranh khắc in Nhật Bản với hai tác phẩm nổi tiếng «Sóng lửng ngoài khơi Kanagawa» của nghệ nhân Hokusai và «Vòng xoáy nước Naruto ở Awa» của nghệ nhân Hiroshige.
Sự chuyển động trong bức tranh «Đêm đầy sao» được tính toán hơn là ngẫu hứng, với sự đối lập của hai sức mạnh : sức mạnh của sự hiện hữu chắc chắn của mặt đất và sức mạnh đầy năng lượng của bầu trời đêm đang chuyển động. «Cây cầu» nối liền hai sức mạnh này là cây bách to lớn và mãnh liệt như một ngọn lửa.
Cây bách, một loài cây trong nghĩa trang, gợi đến cái chết là sự du hành từ mặt đất đến ánh sáng thiêng liêng. Dưới sự ảnh hưởng của căn bệnh, Van Gogh bắt đầu bị ám ảnh về cái chết và những hiện tượng hùng vĩ của thiên nhiên, những giấc mơ giao thoa giữa hiện thực và siêu thực. Ông đi tìm sự bao la vĩnh cửu của bầu trời đêm trong dải ngân hà như là một sự giải thoát cho tâm hồn mình.
Sự nghiệp hội họa của VanGogh chỉ kéo dài trong 10 năm rực rỡ. Ông đã để lại 2.100 tác phẩm, trong đó có 860 tranh sơn dầu, còn lại là những bức vẽ, bức thư và phác thảo. Ông đã từng coi tác phẩm «Đêm đầy sao», tác phẩm nổi tiếng nhất sau này của ông, là một thất bại và nếu sống lâu hơn ông sẽ vẽ lại nó. Mặc dù trong suốt sự nghiệp, ông chỉ bán được một bức tranh nhưng những tác phẩm của ông, tiêu biểu là tác phẩm «Đêm đầy sao», với phong cách vẽ sáng tạo, cách sử dụng màu sắc mạnh mẽ ấn tượng, đã mở lối cho hội họa hiện đại và đặt nền tảng cho trường phái «biểu hiện» sau này.
Thiên nhiên đối với ông là nguồn cảm hứng vô tận nơi các vì sao tỏa sáng và thắp lên niềm tin nơi Van Gogh trong những lúc ông cô đơn, mệt mỏi vì bệnh tật. Những ngôi sao này ắt hẳn đã an ủi Van Gogh khi ông ngắm nhìn bầu trời đêm từ phòng bệnh của mình. Ông khao khát tự do và tỏa sáng như những ngôi sao trong dải ngân hà của nghệ thuật. Van Gogh đã từng nói: «Tôi mơ về hội họa và rồi tôi vẽ giấc mơ của chính mình».
Thanh Quang