Cố nhạc sĩ Cung Tiến qua nét vẽ của Trần Thế Vĩnh.
(Hình: Báo Nông Nghiệp Việt Nam)
“Đường trần đêm Noel cháy lòa bóng đèn
Lời kinh đẹp vầng sao sáng thánh thót ngân trong giáo đường.”
Tiếng hát của Duy Trác vang ra từ những chiếc radio. Trời khô ráo, mát dịu. Bầu không khí đêm Noel ở Sài Gòn thật là vui vẻ, nhộn nhịp. Thánh đường vang lên những lời kinh cầu, chào đón Chúa ra đời, lòng người lắng xuống, nhẹ nhàng, thư giãn.
Kim đồng hồ chỉ 10 giờ 15 phút tối rồi mà chưa thấy anh đâu. Tôi rất hồi hôp. Anh bạn hẹn ghé đón tôi lúc 10 giờ ở Bàn Cờ rồi cùng nhau tới nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, ở đó ca đoàn đang nóng lòng chờ đợi.
Mấy phút sau mới thấy Cung Tiến lò mò tới. Cũng vẫn cái xe đạp “sans garde de boue” (không có lá chắn bùn) nhưng cứng cáp đủ để chở cả hai chúng tôi tới đường Kỳ Đồng. Vừa đi qua góc đường Cao Thắng và Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) thì xe bị nổ lốp! Ôi chao, làm sao bây giờ đây? Gọi taxi đêm nay thì thật là khó. Và nếu có taxi thì xe đạp để ở đâu? Chúng tôi phải có mặt cho kịp để cho ca đoàn Hội Thanh Niên Công Giáo bắt đầu hát.
May quá, cách đó không xa lại có một thợ vá lốp xe. Thế là vấn đề được giải quyết nhanh chóng.
“Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời,” tôi thở phào khi Tiến giơ tay lên và ca đoàn nhịp nhàng hát. Thánh đường cháy lòa bóng đèn, vang vang thông diệp hòa bình “Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than.”
Đó là đêm Giáng Sinh 1956.
Tiến và tôi là bạn cùng lớp ở Chu Văn An cho tới Hè 1956 khi chúng tôi lên đại học.
“Để mình đưa Hưng tới thăm Duy Trác,” Tiến nói khi Duy Trác vừa phổ biến thành công bài Hương Xưa trên đài phát thanh Sài Gòn. Khi gặp nhau, tôi khen cả nhạc sĩ, cả ca sĩ, và mời đi ăn mừng ở quán Thiên Nam.
“Có bạn nào có thể điều khiển ca đoàn Công Giáo vào dịp Noel giúp tôi không,” tôi hỏi.
Lúc ấy tôi vừa giúp thành lập Hội Thanh Niên Công Giáo.
Duy Trác liền chỉ tay vào Tiến. Tiến đồng ý ngay. Mấy hôm sau tôi đưa cho anh vài bài hát Giáng Sinh. Dù không phải tín đồ Công Giáo và không quen thuộc với những ca khúc này, anh chỉ liếc qua là đã nắm vững.
Đêm nhạc Noel 1956 rất thành công. Ca đoàn vui vẻ, khen ngợi nhạc trưởng, muốn tiếp tục cùng một chương trình cho năm sau. Nhưng Noel năm sau thì Tiến đã cao bay xa chạy.
Anh được học bổng sang Úc để theo môn kinh tế học bốn năm, sau đó ở lại thêm hai năm dạy tiếng Việt cho những nhà ngoại giao và quân nhân Úc. Đây là thời gian 1957-1963.
Hạnh kiểm tốt, điểm học tốt, British Council lại cho anh học bổng nghiên cứu kinh tế phát triển ở đại học Cambridge University (1970-1973). Cũng như khi ở Úc, tại Cambridge (cách London 55 dặm về phía Bắc), ban ngày thì Tiến theo học kinh tế, đến chiều tối thì anh tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý.
Hè 1973, vừa nhận chức phụ tá về tái thiết ở Phủ Tổng Thống, tôi mời ngay Tiến làm trợ lý. Anh đang chuẩn bị dọn vào Văn Phòng Phụ Tá thì có một trục trặc lớn: Nhân viên an ninh bác hồ sơ của Cung Tiến. Không hiểu tại sao, tôi yêu cầu cho biết lý do, hay là họ tưởng anh ta chỉ là một nhạc sĩ?
Hai tuần sau, nhận được báo cáo, đại cương nói “ông này phổ biến tài liệu Cộng Sản.” Tôi giật mình và tìm hiểu thì mới biết là vì anh đã dịch và xuất bản hai truyện ngắn của hai tác giả Nga: “Notes From Underground” (Ghi chú viết dưới hầm) của Fyodor Dostoyevsky và cuốn “One day in the Life of Ivan Denisovich” (Một ngày trong đời Ivan Denisovich) của Aleksandr Solzhenitsyn. Nhân viên điều tra an ninh cấp dưới không biết rằng hai tác giả này lại là những người chỉ trích chế độ Liên Xô.
Sau sự hiểu lầm ấy, Tiến bắt tay vào việc ngay. Chỉ vài tháng tôi nhận ra anh là một kinh tế gia có trình độ, và trao cho một công việc quan trọng.
Kinh tế miền Nam Việt Nam gặp khó khăn lớn từ Hè 1973. Trong thời chiến, ngoài việc xây dựng hạ tầng cơ sở, nhu cầu tiêu dùng về dịch vụ của quân nhân Mỹ ngày một lên cao. Tiền bạc rót vào nền kinh tế dồi dào, đưa đến tình trạng nhập cảng cao. Ở Sài Gòn chẳng thấy thiếu thứ gì: radio, TV, tủ lạnh, máy điều hoà không khí, xe máy Honda – báo chí ngoại quốc gọi Sài Gòn là “Hondaville.” Bây giờ Mỹ rút, đô la cũng rút luôn.
Để đối phó, nhập cảng bắt buộc phải giảm thiểu. Công tác đầu tiên giao cho Tiến là rà soát lại chương trình nhập cảng xem có những khoản nào có thể cắt bớt.
Từ Phủ Tổng Thống, Tiến làm việc nhiều giờ mỗi ngày – liên lạc với các bộ, sở để tìm hiểu thật sâu. Chỉ sau một tháng anh đã hoàn thành báo cáo tổng hợp và phát hiện “một lỗ hổng” trong chương trình nhập cảng. Đó là các hàng mỹ phẩm như nước hoa, son phấn, kem dưỡng da, chất đánh móng tay, các chế phẩm trang điểm mắt và mặt, nhuộm tóc, v.v… đều được quan thuế liệt kê vào danh sách “Sản phẩm hóa học” (Chemical products), có nghĩa là được nhập cảng dễ dàng.
Báo cáo của Tiến giúp chính phủ trong việc phân loại các sản phẩm hóa học thành hai danh sách “C” và “D” và chỉ định những sản phẩm nào không được phép dùng tín dụng ngân hàng để tài trợ nhập cảng. Phân loại này tiết kiệm được một số đô la không nhỏ.
Mùa Thu 1973 tôi chuyển sang Bộ Kế Hoạch, đồng thời tiếp tục giữ nhiệm vụ phụ tá không chính thức cho tổng thống. Tôi lại đưa Tiến vào bộ. Anh là gạch nối, lưu trữ hồ sơ từ Văn Phòng Phụ Tá. Khi cất nhắc anh lên chức tổng giám đốc Kế Hoạch và Dự Án, nhiều người ngạc nhiên và hỏi: Một nhạc sĩ bây giờ lại thành kế hoạch gia?
Thật sớm, Tiến đã có dịp chứng minh. Cùng với cấp lãnh đạo trẻ và được đào tạo rất bài bản như Thứ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hai tổng giám đốc Nguyễn Kim Cương và Lê Mạnh Hùng, và Viện Trưởng Viện Thống Kê Vũ Duy Chân (trực thuộc Bộ Kế Hoạch), mau chóng hoàn thành Kế Hoạch Tái Thiết Ngũ Niên 1975-1980.
Những bước chuẩn bị cho kế hoạch này được khởi sự từ đầu Hè 1973. Mục tiêu là để VNCH tiến tới tự túc tự cường, và dự tính đến năm 1981 thì miền Nam hết còn phải dựa vào đồng minh Hoa Kỳ. Toàn thể anh em trong gia đình Bộ Kế Hoạch phấn khởi, tràn đầy hy vọng.
Nhưng vận nước đã đến.
Từ 1974, giá dầu hỏa bất chợt tăng vọt, nạn lạm phát phi mã hoành hành, đô la cạn kiệt, kế hoạch ngũ niên vượt khỏi tầm tay. Đại Sứ Graham Martin của Mỹ hết lòng hỗ trợ, cố vấn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đề nghị ngay một số dự án để ông giúp vận động sự tài trợ từ Mỹ và một số quốc gia thân hữu.
Vì những bước chuẩn bị “dự án khả thi” cho từng lãnh vực đòi hỏi nhiều thời gian, nên Bộ Kế Hoạch được chỉ thị tập trung vào những dự án có thể “bắt đầu nhanh, kết quả sớm” (“quick start, quick returns”), vì nếu đợi tới 1976 thì muộn rồi.
Lãnh vực kinh tế nào đáp ứng tiêu chuẩn này? Câu trả lời đã rõ ngay: Ngư nghiệp là một trong những dự án có thể bắt đầu rất nhanh, rất có lời, lại dễ thu hút đầu tư.
Một lần nữa, Tiến lại điều hợp với các đồng nghiệp để ra tay. Sau ba tháng thì hoàn thành được một danh sách các dự án nhỏ với những phân tích ngắn gọn dưới tiêu đề “Reconstruction Program – Priority Projects for FY 1975,” tổng số là 251 dự án, xếp ngư nghiệp ưu tiên số 3.
Khi làm việc với chúng tôi để duyệt xét, Tổng Thống Thiệu đọc kỹ những dự án như cảng cá, dụng cụ ngư nghiệp, tầu đánh cá, nhà máy nước đá cho kỹ nghệ đông lạnh. Đặc biệt, ông chú ý tới dự án xây 12 chợ cá và bãi đậu cho thuyền và tầu đánh cá cập bến ở Phan Rang, Thừa Thiên, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Phú Yên, Cam Ranh, Vũng Tầu, Phước Tỉnh, Châu Đốc, Bạc Liêu và Chánh Hưng – Sài Gòn. Mục tiêu là cung cấp cho ngư dân phương tiện sản xuất và dịch vụ bảo quản, tăng phẩm chất hải sản, tiếp thị và phân phối. Nghe chi tiết, ông Thiệu gật gù, thỉnh thoảng còn hỏi xem đã tiến bộ tới đâu? Mỗi lần như vậy tôi lại gọi cho Tiến.
***
Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975. gia đình Tiến định cư tại Roseville, Minnesota. Anh vẫn làm việc về lãnh vực kinh tế cho chính phủ tiểu bang này, và tiếp tục nối tay với chúng tôi. Năm 1988, Tiến và Nguyễn Cao Đàm dịch cuốn “Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập” (The Palace File).
Minnesota là nơi giá lạnh khắt khe khi “ngày chưa đi màn đêm rơi xuống.” Cho nên, năm 2019 hai vợ chồng Tiến và Josée dọn về Los Angeles để sống gần con là Raphael Quang, hy vọng nắng ấm California hiền hòa sẽ giúp cho đời sống ở tuổi siêu cao niên.
Tại Los Angeles, anh vẫn nghiên cứu kinh tế và thường xuyên chuyển qua điện thư cho bạn bè những bài xã luận có giá trị về kinh tế, tài chính từ tuần báo The Economist và nhật báo The Wall Street Journal.
Ngày 27 Tháng Mười Một, 2021, vợ chồng chúng tôi mời gia đình anh dùng bữa cơm chiều và nâng ly rượu chúc mừng ngày sinh nhật thứ 83 của Tiến.
Nói qua tới chương trình “Reconstruction Program” nêu trên, tôi hứa sẽ cố gắng tìm tài liệu này và làm một copy cho anh – vì đây là những dự án chót, với sự đóng góp của tổng giám đốc Kế Hoạch và Dự Án cuối cùng của VNCH.
Tiến vui vẻ, nói sẽ đợi và mong sớm nhận được để giữ làm kỷ niệm. Nhưng anh đã không có thời giờ để đợi!
***
Ngày 4 Tháng Sáu, 2022 tờ Việt Báo viết về tang lễ của nhạc sĩ Cung Tiến: “Trưa Thứ Năm, 2 Tháng Sáu, trong buổi tang lễ của ông, một xấp nhạc trong đó có các bản Symphony # 5 và # 8 của (Gustav) Mahler được đặt ngay ngắn trên bàn thờ – gia đình cho biết những bài nhạc này được chuyển từ bàn viết của ông đến đây, những giờ phút cuối cùng ông vẫn đang nghiên cứu và học hỏi.”
Những giờ phút cuối cùng là chiều muộn ngày 10 Tháng Năm, 2022. Anh ra đi lúc 9 giờ tối.
Thì ra, trong cuộc đời, ban ngày Cung Tiến học hỏi, nghiên cứu và đóng góp về kinh tế, nhưng khi hoàng hôn tàn thì anh lẩn vào chốn không gian mênh mông của âm nhạc, âm thanh: Chiều buồn len lén tâm tư…
Nguyễn Tiến Hưng