có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 3 29, 2022

'Thời đại đảo nhân tạo'



Chúng ta đang xây dựng nhiều hòn đảo hơn bao giờ hết. Trong ấn phẩm mới nhất của loạt ảnh Anthropo-Scene, chúng tôi khám phá kết quả nổi bật từ nỗ lực của con người trong việc chiếm lĩnh các hồ nước, các đại dương trên thế giới bằng những vùng đất mới.

Hàng trăm năm trước, người Lau ở Quần đảo Solomon đã xây dựng khoảng 80 đảo nhân tạo trong một đầm phá bằng cách đặt những mảnh san hô và đá xuống nước. Họ đã mất hàng thế kỷ để làm việc đó.

Trong suốt lịch sử, nhân loại đã tìm cách tạo ra vùng đất khô ráo bên trong các hồ nước, các dòng sông và trên các đại dương, nơi mà sau đó họ có thể sinh sống.

Nhưng trong thế kỷ 21, con người đã có tham vọng mới - và có lẽ là một chút kiêu ngạo - trong việc này.

Chúng ta đang sống trong "thời của đảo", theo nhà địa lý xã hội học Alastair Bonnett từ Đại học Newcastle, Anh quốc. "Các hòn đảo mới đang được xây dựng với số lượng và quy mô chưa từng thấy."

Thế hệ những hòn đảo mới này lớn hơn và có khả năng gây hại nhiều hơn so với bất cứ thứ gì mà tổ tiên chúng ta từng xây dựng, Bonnett viết trong cuốn sách 'Elsewhere: A Journey Into Our Age Of Islands' của mình.

Nhà địa lý đã đến thăm các hòn đảo nhân tạo trên khắp thế giới, khám phá nhiều công trình xây dựng khác nhau.

Các quần đảo nhân tạo khổng lồ được hình thành bằng cách đổ hàng triệu tấn cát vào đại dương. Đảo san hô tráng bê tông "Frankenstein" được thiết kế để củng cố quyền lực quân sự và chính trị. Hay những giàn khoan dầu cao chóng mặt cắm sâu hàng trăm mét xuống đáy biển.

Tuy có một số cấu trúc nhân tạo đã bị thiên nhiên xâm lấn, nhưng đây là một quá trình cần tới nhiều thời gian.

Thông thường, có rất ít sự sống ở dưới vùng nước xung quanh các đảo nhân tạo.

"Thường thì tất cả các đảo nhân tạo là những vùng chết. Cố gắng làm cho chúng sống lại là một công việc khó khăn," Bonnett viết.

Ở những nơi như Biển Đông, "những rặng san hô trước đây từng vô cùng nguyên vẹn, hoang sơ... nay đã bị cắt xén một cách khủng khiếp: vuông vắn và bê tông hóa".

Nhưng dù sao thì Bonnett vẫn bị những tác phẩm nhân tạo này cuốn hút. Ông muốn nỗ lực tìm hiểu xem chúng được tạo ra như thế nào, và tại sao chúng lại ra đời.

Cho dù bạn có chấp nhận chúng hay không, thì những hòn đảo nhân tạo này cũng sẽ kể cho các thế hệ tương lai câu chuyện nhân loại đã tự nhìn nhận mình ra sao trong thời kỳ đầu của thế Nhân sinh (Anthropocene).

Để hiểu được thời của đảo là gì, mời quý vị hãy xem một số hình ảnh ấn tượng nhất và một số đảo gây tác động thị giác mạnh mẽ nhất trên thế giới - từ các quốc gia vùng Vịnh, các vùng biển ngoài khơi Châu Á, cho tới bờ biển của Anh quốc và Hoa Kỳ.

Đây là một căn nhà truyền thống trên một hòn đảo nhân tạo ở Đầm phá Lau 
thuộc Quần đảo Solomon.

Một chiếc tàu ở Vịnh Ba Tư đang bơm hàng tấn trầm tích xuống biển 
để từ từ tạo nên một hòn đảo mới.

Khu Thế Giới của Dubai, trông giống như tấm bản đồ, được thiết kế phục vụ giới siêu giàu, nhưng nhiều điểm trong số các đảo này vẫn là cát, trong lúc một số đảo khác đã được xây dựng thành các khu vực bán hàng, khách sạn và căn hộ.

Đảo nhân tạo Pearl ở Qatar trải rộng gần bốn triệu mét vuông, tốn hàng tỷ đô la xây dựng.

Đảo Thiên nga ở Paris được tạo ra hồi đầu thập niên 1800 để bảo vệ 
cho các cây cầu của thành phố.

Được xây cất đầu thế kỷ 20, bất động sản trên chuỗi sáu hòn đảo nhân tạo Venetian Islands ở Miami đã được bán khi vẫn còn chìm dưới mặt nước.

Dự án chuỗi đảo Venetian Islandslẽ ra dự kiến xây lớn hơn nhiều so với hiện tại, 
nhưng bị ảnh hưởng bởi một trận bão lớn, bởi bong bóng bất động sản vỡ, 
và bởi Đại suy thoái xảy ra.

Dự án Cây Cọ tại Dubai cần đến 120 tỷ mét khối cát để xây dựng.

Đảo Balboa ở California được hình thành trên nền đất bùn, và trong nhiều năm 
cư dân nơi đây phải vật lộn đối phó với tình trạng cơ sở hạ tầng không ổn định.

Nay, đó là một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất nước Mỹ, với khoảng 3.000 người đang sinh sống tại đó.

Tuy không được coi là đảo nhưng nhiều giàn khoan dầu nhô lên từ đáy biển, 
nằm phía trên các trụ đỡ có chiều cao còn cao hơn các tòa nhà chọc trời.

Từ vùng đất khô ráo thuộc một ngôi làng Scotland nhìn ra, giàn khoan dầu 
trông giống như một cấu trúc do người ngoài hành tinh tạo nên...

nhưng không có mấy cấu trúc qua mặt được Red Sands Fort (Pháo đài Cát Đỏ) 
nằm ở cửa sông Thames, Anh quốc, về độ giống với sản phẩm của người ngoài hành tinh.

Đá Subi

Tương lai của các hòn đảo nhân tạo sẽ ra sao? Đá Subi cho ta thấy manh mối khi Trung Quốc đã triển khai một dự án bồi đắp đảo với quy mô khổng lồ tại Biển Đông, với một tòa nhà bốn tầng kiên cố, trại lính, vòm che hệ thống radar, một hải đăng và cả đường băng cho máy bay lên xuống.


Bên cạnh việc giúp tăng sức mạnh địa chính trị, các đảo nhân tạo còn giúp Trung Quốc tiếp cận được tới dầu lửa, như cấu trúc này, có tên là Thanh Đóa 5 (Qingdong-5).


Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
(Nguồn hình ảnh: Alamy, Getty Images)