có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 3 20, 2022

Dẫu Em Chẳng Đợi Chờ Anh




Nhạc & lời: Ngô Minh Trí
Trình bày: Nguyễn Thảo
Hòa âm & phối khí: Lê Vũ
Ghi âm: Eleven-Sixteen Soundscape
Final mix: LeVuMusic Studio
Photo & graphics: MarcMarc



Và ngày mai anh đi mất rồi, rất xa
Nặng mang kỷ niệm nồng thắm,
Chút hương tình còn ấm.

Ngày mai bước sông hồ một mình anh
Dặm trường một thân
Cho đến cuối đường.

Tình trần rồi đã lỡ
Một thời đã qua
Chẳng còn thiết tha.

Hôm ánh dương chưa kịp xế
Một ngày chia tay não nề
Mất lối quay về.
Khi đêm thấm nỗi sầu
Đêm sẽ nhạt mầu
Đêm mắt đen canh thâu.
Nhặt góp tan vỡ
Dành lại trong trí nhớ
Gói kín chôn sâu đợi ngày sau
Khi cần nhau.

Và ngày mai anh đi mất rồi, rất xa
Còn nhiều kỷ niệm nồng thắm
Chút hương tình còn ấm

Rồi đây, dẫu em chẳng đợi chờ anh
Căn phòng lạnh căm,
Nỗi nhớ tím bầm.
Mười năm chăn gối
Còn đọng gối chăn.
Đêm âm thầm khẽ gọi mãi tên.


NT: Với tôi, kỹ thuật như một lưỡi dao được đúc cho cứng, được mài cho bén, và mỹ thuật là những chiêu thế, là thân pháp. Tuy vậy, người nghệ sĩ lại cần phần trí, phần tâm, vì chiêu thức chẳng khác gì một khối băng tảng mà 80 phần trăm nằm chìm trong tiềm thức.

Và 20 phần trăm mà ta thấy chính là “anh hoa phát tiết ra ngoài” của người nghệ sĩ ấy.

Người nghệ sĩ thường có anh hoa dị biệt. Thế nên, nhìn tranh Van Gogh là biết của Van Gogh, đọc văn Hemingway là biết của Hemingway, nghe nhạc Philip Glass là biết của Glass. Ít có thể lầm lẫn. Đó là vì mỗi người nghệ sĩ tự tạo ra “ngôn ngữ” của riêng họ, dựa trên năm tháng học hỏi, nghiên cứu và nghiền ngẫm những gì họ cho là tuyệt mỹ.

Người nghệ sĩ không bao giờ bắt chước ai. Họ có thể dùng một số khía cạnh nào đó của người khác để làm mối cho những suy tư của họ, và từ đó tạo ra tác phẩm cho riêng mình, bằng ngôn ngữ của chính họ. Người thưởng ngoạn tinh tế sẽ nhận ra ngay điều này. Đó là tri âm.

Ngô Minh Trí là một trong những nhạc sĩ mà tôi thấy được những gì gọi là rất… Ngô Minh Trí. Nhạc của anh nghe thật buồn, nhưng nỗi buồn của anh không có đỏm dáng mà ta thường nghe thấy trong dòng nhạc Việt. Bên dưới mặt băng phủ tuyết kia, nỗi buồn của anh cuồn cuộn những suy tư trong đời sống, những hoang mang của kiếp người, những nghiệt ngã của định mệnh.

Anh gọi nhạc của anh là nhạc jazz chè, vì nó pha trộn ít nhiều hương vị Việt Nam.

Tôi đồng ý, vì nghe nhạc của anh làm tôi luôn luôn liên tưởng đến những bức tranh từa tựa bức thủy mặc với những nét chấm phá trên nền giấy xuyến chỉ. Nhưng chỉ tựa thế thôi, vì nét mực của anh có cường độ, có đả phá, có thét gào. Có những gì đã tạo nên một Ngô Minh Trí.

LV: Theo ý kiến của tôi thì NMT gọi là jazz chè vì nhạc của anh chịu ảnh hưởng mạnh của nhạc classic. Nhạc NMT đầy tinh thần của jazz nhưng đồng thời lại mang dáng vẻ nhạc cổ điển. Nhưng dù “chè” hay không thì tôi vẫn cho rằng kết hợp này từ NMT rất nhuần nhuyễn, rất thong dong tự tại, không gắng gượng. Khi nghe nhạc của anh, tôi không cảm thấy những cố gắng lập dị để làm cho khác người mà chỉ nghe thấy những giai điệu, dù bất ngờ, nhưng lại rất hợp lý, rất khêu gợi. Điều này cho tôi thấy những tâm tình nâng niu, chắt chiu, cẩn trọng trong cách NMT viết nhạc, đặt lời. Cảm phục người nhạc sĩ này!