Từ hàng ghế dành cho giáo dân nhìn lên bàn thờ, ông lão quan sát nơi thờ phụng Chúa của bà lão. Gọi là Chúa của bà lão là vì vợ ông khi chưa ngã bệnh thường hay giành lấy hết tất cả phúc đức, khôn ngoan về cho mình, cho nên đã có lần ông lão nói: “Tất cả là của em, nước Mỹ này là của em, thế gian này và nước Chúa kia cũng đều là của em”. Bây giờ bà bị bệnh nặng không đi đứng được, nằm một chỗ, đàn con bèn giao cho bố cái sứ mệnh cao cả là thường trực ở nhà săn sóc và coi chừng má chúng nó. Ông than “Thoát khỏi nhà tù xã hội chủ nghĩa, lưu vong sang Mỹ lại sa vào một nhà tù khác tinh vi hơn”. Hai ngày cuối tuần ông được nghỉ “xả hơi” vì đàn con đông đảo của ông chúng thay phiên nhau đến săn sóc mẹ.
– Đi đâu bây giờ?
– Thì bố ra quán cà phê ngồi nhâm nhi tán gẫu đỡ buồn.
Ông nói:
– Lúc chín giờ thi sĩ điện thoại rủ ra “quán cháo lú” của kịch tác gia, bố nói chờ lát nữa có đứa nào đến coi bệnh nhân tôi sẽ tới. Chờ mãi đến trưa mới có cậu út đem fast food tới, lúc đó bố chỉ còn cách xách laptop ra vườn sau ngồi gặm hamburger ở bãi cỏ, chứ còn làm gì được nữa, họ về hết rồi còn đâu.
Từ đó ông tính kế cho riêng ông.
Sáng chủ nhật thức dậy sớm, uống cà phê xong, vào ngó bà lão thấy vẫn còn nằm ngủ ngáy khò khò, ông bèn mặc quần áo đẹp trốn ra khỏi nhà.
*
“Tôi trốn ra khỏi nhà đi chơi với em. Mà đi đâu bây giờ? Chúng ta không có một nơi ẩn náu. Cả thế gian này không có một chỗ nào cho chúng ta ẩn náu đâu em.
Thôi đành lại đến nhà thờ. Nước Chúa ở khắp mọi nơi, cho khắp mọi người. Xung quanh phần đông là những ông bà Mỹ già. Tôi thì một mình nên bèn nhìn lên bàn thờ Chúa mà nghĩ tới em. Hôm nay là mùa chay nên bàn thờ được trang trí theo phong cách năm sự thương khó. Những tấm màn màu tím than rất lớn từ trên cao rũ xuống chỉ mang hình vẽ vỏn vẹn một cọng gai, loại gai thường nhìn thấy trên đầu Jesus Christ trên đường thánh giá tới đỉnh đồi đóng đinh. Không rõ nhà vẽ kiểu nào, có phải là linh mục chánh xứ không, đã trưng bày hai cây khô với bốn cây nến. Em có để ý không, tôi thì tôi thấy ở búp những cọng cây khô có loáng thoáng một vài bông hoa trắng rất nhỏ, hoa trắng rất ít và rất nhỏ, em phải chú ý tinh mắt mới nhận ra, chứ nếu em chỉ mê mẩn vì tình, chỉ nghĩ tới hình ảnh khác, chỉ nghĩ tới đôi mắt của cái lão ngậm tẩu nhìn như không nhìn ai… thì em sẽ chẳng thể nhìn thấy mấy đốm hoa trắng bé tí tẹo trên búp cây khô. Hai cây khô rất đẹp nhưng tôi lại lấy làm tiếc nếu như designer chỉ chọn đặt một cây khô nở hoa với một ngọn nến lung linh ánh lửa ở bàn thờ Chúa cho ngày hôm nay và cho cả ngày mai thì sẽ trọn vẹn hơn cho tất cả. Đó chỉ là ý nghĩ và mong muốn của riêng tôi. Nhà thiết kế có ý tưởng và lý do riêng của họ. Người nữ không có cơm ăn không có áo mặc hay nhân vật nữ có cuộc sống đầy đủ phè phỡn trưởng giả, ai thương tâm hơn ai? Phải là thế nào đây mới là tội nghiệp?
Trốn nhà đi tư tình với em, rủ em đến nhà thờ quì trước bàn thờ Chúa. Rủ là rủ tưởng tượng sung mãn thôi chứ giờ này em đang làm việc bên cạnh cái lão ngậm tẩu ở không gian Miền Đông nước Mỹ. Tôi một mình nhưng tôi vẫn cứ bắt em phải quì gối bên cạnh tôi trước mặt Chúa và nói “I do”. Đến cái tuổi “khọm” sắp “tỏi” tôi mới dám trốn bà lão ra khỏi nhà, mới dám bày đặt yêu thầm nhớ trộm, mới bắt đầu tập tành ngoại tình, mới thèm muốn cầm tay em, thèm muốn được em chạy đến ôm hôn ở sân bay, muốn được đưa em đi thăm Huế, thăm Nam Định...
*
Bà phước ngồi cạnh thấy ông lão chỉ ngồi nhìn mà không ca hát, dì bèn đưa cho ông quyển thánh ca của nhà thờ, đã mở sẵn trang có bài hát cả nhà thờ đang hát, dì chỉ ngón tay vào câu ca cho ông khỏi mất công lần mò tìm tòi. Ông thank you sister, dì không nói gì mà chỉ hát theo mọi người. Ông lẩm bẩm hát theo dòng người. Dì phước đã lớn tuổi, dì trông coi trường học của giáo xứ, dì biết ông là người sáng sáng đi theo bà lão đến nhà thờ. Bà lão đi lễ, ông chỉ là người đi theo, phải đi theo bà để coi chừng mấy đứa cháu yêu của bà, nhưng dù sao thì ông cũng được lây cái tiếng siêng năng đi lễ nhà thờ hằng ngày. Cả hơn chục năm rồi chứ ít sao, đến thánh cả Giu-se còn biết mặt ông chứ đừng nói sister hiệu trưởng.
Ethan và Nick đi đâu cũng mang theo xe tăng tàu bò súng ống đạn dược, có khi cả mặt nạ chống hơi độc trong chiến tranh vi trùng. Ở nhà thờ hai đứa thường chui xuống dưới gầm ghế mai phục, bố trí súng ống, khi nghe giáo dân đọc “Our father...” là tự động chúng vứt bỏ hết vũ khí, chui ra khỏi hầm, đứng lên, cầm lấy tay ông hoặc tay ông bà Mỹ nào đó ở bên cạnh. Hai Mỹ con không biết đọc: “Lạy Cha chúng tôi ở trên Trời...” nhưng chúng biết bài kinh “Our father”. Chúng còn biết bắt tay và chúc: “Peace to you” nữa. Ông nhìn và thích thú vô cùng. Cả mấy ông bà Mỹ già bên cạnh cũng nhìn lũ trẻ cháu ông và cười thích thú như ông.
Ông lão nghĩ, nếu như Trời thương, hai thằng cháu ông, mai này lớn lên chẳng may được mời “hồi loan”, hoặc “tìm đường cứu nước” trở về, nhảy lên làm tổng bí thư, chủ tịch nước, chúng sẽ áp dụng chính sách quốc phòng toàn dân, bắt người ta khi đi lao động, con trâu đi trước cái cày theo sau, phải luôn đeo khẩu súng trường dài thoòng trên lưng còng, sẵn sàng chiến đấu. Hoặc là thằng nào được làm tổng thống ở nước Mỹ, sẽ vận động quốc hội ra đạo luật buộc nhân dân Mỹ phải đem theo người cái mặt nạ chống hơi độc, khi làm việc, khi đi chơi, khi ngủ, cũng như khi yêu...
Nhưng mà này ông lão, nếu sau khi chúc bình an của Chúa cho nhau xong, chúng có cầm lại vũ khí thì ông cũng cảm thông cho chúng chứ?
*
Qua hình ảnh bà phước Mỹ, tôi nhớ lại hình ảnh soeur Josephine ở trường Thánh Tâm phố Hàng Thao thành phố Nam Định thuở xưa. Không biết ngày ấy do đâu mà tôi lại lọt vào học trường con gái do các bà sơ dạy. Năm đó tôi còn nhỏ học Cours Élémentaire. Năm sáu nhóc học chung với cả lớp con gái mà tôi lại to đầu hơn cả. Cũng may suốt năm học tôi đều đứng nhất lớp, cưỡi đầu cả con trai ông tỉnh trưởng sở tại. Có lần quan năm Tây commandant secteur đến thăm trường, quan Tây xí xô hỏi chuyên, sơ Josephine chỉ tôi gọi đứng lên, quan Tây bước đến xoa đầu ông lỏi, rút trong túi ra một nắm tiền Đông Dương thưởng cho nhét vào tay. Cả lớp con gái sầm xì bàn tán. Sơ Josephine cũng cười tươi hãnh diện. Tôi thì ngẩn người ra như một thằng ngố. Cũng trong lần đến thăm trường ấy mà đồn hiến binh Tây đóng ở căn nhà cổng tu viện phải dọn đi nơi khác. Hồi mới chiếm lại thành phố, Tây đóng đồn hiến binh ở đó để lính lê dương không dám đến phá phách dòng tu, nay tình thế đã có phần ổn định, rút đi chỗ khác cho nhà dòng được yên tĩnh. Và học trò chúng tôi mới được đi ra đi vào cổng chính phố Hàng Thao thay vì phải chui qua cổng phụ ở phố Hàng Sũ. Nhưng niên học sau bọn con trai chúng tôi cũng không còn được học ở trường Thánh Tâm nữa mà phải qua học bên trường con trai École Servir. Và cũng từ đó tôi không bao giờ còn được trông thấy sơ Josephine kính yêu của tôi nữa.
Tôi mang món tiền “Tây quăng” về đưa cho bố, hình như đó là khoản tiền “thu nhập” đầu tiên tôi kiếm được trong đời. Nhưng có một điều lạ, trong số học trò con gái có hai cô em chơi thân với nhau đều tỏ vẻ thán phục tôi, khoe mẽ: nhiều lần trò chuyện hai người con gái ấy đã nói là họ rất muốn học giỏi được như tôi. Hai cô đều có tên Tây và tên Việt, nhưng tôi chỉ nhớ tên Việt của họ. Nhớ đến nỗi sau này, mấy chục năm sau này, khi cần chọn cho mình một bút hiệu, phụt nhớ, tôi đã dùng hai chữ tên của hai cô bạn học thời xa xưa ấy. Tên hai cô bạn nhỏ dính chặt vào trong trí não tôi. Cũng như tên của sơ Josephine mãi mãi cho đến già tôi vẫn nhớ mồn một. Lạ thế, bao nhiêu bạn học khác không nhớ, bao nhiêu các bà sơ khác cũng không hề nhớ một mảy may nào, nhưng sơ Josephine, thì hiển hiện trong trí nhớ tôi. Bây giờ đã lão, dĩ nhiên sơ Josephine còn lão bà nhiều hơn nữa, nhưng nghĩ tới, hình ảnh sơ vẫn là tươi trẻ phúc hậu đẹp đẽ lòa xòa trong bộ y phục nữ tu với chiếc mũ cánh trắng trên đầu. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sơ Josephine đã qua đời, tôi nhớ tới sơ là nghĩ ngay đến hình ảnh sơ thuở ấy. Và bây giờ ngồi dự lễ nhà thờ bên cạnh bà phước sister Mỹ, nhớ lại, cũng vẫn là hình ảnh sơ Josephine tươi trẻ ngày nào mặc dù tuổi tác thì sơ Josephine hơn bà phước hiệu trưởng trường học nhà thờ nhiều lắm.
*
Grandparents Day ông lão đến trường tham dự buổi học với hai đứa cháu, còn đang lớ ngớ tìm lớp, sister đến vỗ vai ông chào hỏi và giúp ông tìm ra ngay lớp học. Hôm đó hai đưa cháu thay phiên nhau vẽ bàn tay ông úp vào bàn tay của nó xong tô màu, hai bàn tay hai màu khác nhau. Rồi nó vẽ ông, “thân thể người ta chia ra làm ba phần: đầu, mình và tay chân” đầy đủ, lại còn có cả mắt, mũi, mồm, tai, và râu ria không thiếu thứ gì, chỉ trông không giống ông mà thôi. Đám cháu sẽ chẳng có đứa nào biết một ông trẻ đã “vẽ” bộ râu ông như sau:
Tối qua quyết chí sẽ để râu
Sáng nay quanh mép đã lởm chởm
Tóc tai xù lên đầy một đầu
Tương lai dung nhan chắc ghê gớm
Thân phận đổi thay coi bộ khó
Thì nuôi râu mọc cho nó ngầu
Râu lâu lâu cạo, lâu lâu để
Cho tháng năm hèn tí biển dâu
Hồi cuối năm Thân gặp ông lão
Chòm râu tuyệt đẹp phất phơ bay
Râu bạc thân quen như chút gió
Thổi từ thiên cổ đến hôm nay
Ông lão đứng lặng thinh giữa chợ
Quanh ông ríu rít tiếng quê người
Chút hồn non nước trong hơi thở
Rồi sẽ theo già xuống mộ thôi?
Thôi thì ta để râu cho quen
Mai mốt tìm về nơi tịch mịch
Ngồi nhâm nhi dăm sợi thần tiên
Ngậm ngùi thấy mình thành cổ tích (*)
Chưa hết, đã có râu ria thì phải có tóc tai, một ông trẻ khác còn “vẽ” thêm tí chân:
Nối Dài Thơ Cao Tần:
Quê người thoắt bấy nhiêu năm
Bạn xưa chiến trận còn dăm anh già
Gặp nhau đám cưới đám ma
Chụp chung tấm ảnh nhạt nhòa tóc tai
Ảnh này để đó nay mai
Điểm danh bạn cũ xem ai mất còn (**)
Những đứa cháu ngây thơ hồn nhiên, chúng chẳng biết ông nghĩ gì, chúng phỏng vấn ông những câu theo bài học của cô giáo, trong đó có câu “ông yêu ai hơn trong hai người bố nó và mẹ nó” ông trả lời nước đôi “Ông yêu cả hai bằng nhau”. Rồi câu tiếp “Bố của ông và mẹ của ông ai là người nghiêm khắc hơn”, ông cũng vẫn khôn lỏi “Cả hai đều nghiêm khắc như nhau”. Nhà trường chụp hình ông cháu, cô giáo nói hãy cười lên, cả ông cả cháu đều cười.
Mấy ngày sau nhận được hình, mẹ chúng nó mua một cái khung rất đẹp cài hình vào rồi để trên bàn của ông. Ngày nào ông cũng nhìn thấy ông, thấy Ethan, thấy Casey cười. Casey cười mỉm, Ethan cười ngoác miệng nghịch ngợm, không hiểu anh ta còn nhớ môn võ liếm đất cổ truyền? Riêng ông, nụ cười trên môi ông sao thấy như xa xôi hoang vắng. Chẳng lẽ lúc đó, lúc vui với những đứa cháu thương yêu, ông chợt nhớ tới một người nào, ông chợt nhớ tới một nhân vật hư cấu nào. Ông nói lảng:
– Trẻ con chúng đẹp đẽ xinh xắn, chụp hình chung với ông đen đủi xấu xí, già yếu bệnh tật, làm hỏng cả tấm hình, hỏng cả nghệ thuật.
– Thưa bố, con thấy bố trẻ cũng đẹp mà già cũng đẹp, khỏe mạnh đẹp mà ốm đau bệnh tật cũng đẹp, đen đủi cũng đẹp, xấu xí cũng đẹp, mập mạp hay gầy yếu gì cũng đẹp, quần áo luộm thuộm cũng đẹp, đầu bù tóc rối cũng đẹp. Bố nói rất hay, bố có nói sai cũng vẫn hay…
Ông lão nghĩ thầm, nếu ông hát nó cũng sẽ khen hay cho mà coi, ông hỏi con gái:
– Thật không?
– Thật chứ. Chín mươi chín phần trăm. Bằng cớ là má mê bố suốt cả đời, mê lúc bố trẻ mà mê cả lúc bố không còn trẻ. Bố ở nhà cũng mê mà bố đi làm tù binh cũng mê, bố ở gần cũng mê mà bố đi xa cũng mê. Thậm chí lúc “nàng” còn thanh xuân mê bố đã đành, bây giờ già cả nằm liệt một chỗ mà cũng vẫn còn gọi với ra “bố bố em em” thì quả là “bà lão” si tình bố quá thể còn gì.
Ông lão thở dài:
– Mẹ ghê gớm mà con cũng ghê gớm. Nhưng mà sao chỉ có chín mươi chín phần trăm?
– Cũng phải chừa lại một phần trăm để yêu bản thân mình chứ.
*
Ông lão lái xe ra khỏi nhà thờ, phải về thôi, không chừng giờ này bà lão đã thức dậy, đang chờ phục vụ, “đồng chí thủ trưởng đang đợi đồng chí cần vụ” ở nhà, cứ ở đấy mà vung vít.
Ba con vịt con đứng chơi giữa đường, ung dung, đủng đỉnh... Ba nàng mới lớn, bộ lông còn vàng vàng và lú nhú. Hình như ba nàng mới từ công viên thoát ra đây, có vẻ nhởn nhơ, coi đường sá là của mình, coi xe cộ chạy vùn vụt trên đường không ra gì, coi thiên hạ như “ne pas”... Ông lão phải dừng xe lại thôi, bấm còi nhè nhẹ không ăn thua có lẽ vì ba nàng không thích cái lối mắng mỏ bằng máy kiểu Mỹ. Ở Mỹ nghe nói: thứ nhất là đàn bà trẻ em, thứ hai là chó mèo, thứ ba là cây cỏ, thứ tư là chim muông cá kiểng... Chắc vịt gà ngan ngỗng thả rông ở công viên cũng thuộc giai cấp quí tộc thứ tư, cũng thuộc loại chim muông cá kiểng cần được tôn trọng bảo vệ vì cũng là tài sản quốc gia, tài sản xã hội chủ nghĩa thiêng liêng. Dừng xe một lát chờ quí cô nương tránh lên lề đường cho bản thân tôi nhờ, nhưng các nàng không vội... “đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây, đủng đỉnh như chúng chị đây...”
Trong khi ông cố nhẫn nại nhường nhịn ba cô, thì cái bà lái xe đằng sau, có lẽ không thấy việc làm tôn trọng luật lệ và tôn trọng văn minh của ông nên bấm còi xe thúc giục! Trước tình thế ấy, ông phải làm sao đây. Ông mới đi lễ nhà thờ về, mới đi gặp người tình của ông về, ông đang cần phải về nhà gấp vì chủ của ông đang đợi... Ba nàng phía trước, một bà phía sau, có hiểu cho lòng ông không?
Cuối cùng thì ba cô (ông cũng chỉ đoán mò, vì thấy cả ba đều xinh đẹp, chứ đâu đã phân biệt được đực cái) cũng lên vỉa hè đứng nhìn xuống đường xem ông tháo chạy. Về tới nhà quả nhiên bà lão đã... bò ra tới bếp. Ông hết hồn vì rằng nàng đã nhiều lần ngã lăn đùng ra bếp không ngồi dậy được đến khi được cứu. Những lần xảy ra sự cố như thế nhân dân nó biết nó phê phán bố chúng nó thiếu quan tâm nhiệm vụ.
*
Sau nhiều tháng ốm đau liệt giường liệt chiếu, bà bỏ cả đạo, chủ nhật phục sinh là lễ buộc, ông đưa bà đến nhà thờ. Ông dẫn bà vào chỗ của người tàn tật, lúc đầu bà không chịu có lẽ vì xấu hổ không muốn người khác thấy mình tàn tật, nhưng rồi ông dỗ dành: “Nước Mỹ họ đã chuẩn bị cho bà đủ thứ, từ chỗ đậu xe đặc biệt dành riêng, đến chỗ ngồi rộng rãi tiện nghi ở nhà thờ, rạp hát, xe bus, tàu điện... chỗ nào bà cũng được ưu tiên, sao bà không hưởng? Không biết nước Mỹ họ đã làm gì ác đức mà đến nông nỗi phải trả nợ đời đến thế, lo cho người Mỹ già đã đành, nay phải cung phụng cho di dân như bà đủ thứ tiện nghi. Chắc tại vì bà là đồng minh trong chính sách quốc tế toàn cầu!”
“Này em, hôm nay em có thấy cây khô đã có nhiều, rất nhiều hoa trắng nở ra ở đầu cành. Không chỉ một hai cánh trắng nhỏ xíu khó thấy như bữa trước, mà là xum xuê. Rất dễ thấy. Ai cũng thấy. Cả nhà thờ đều sẽ nhìn thấy. Không chỉ riêng anh. Nhưng anh vẫn sẽ chỉ cho em. Để anh và em cùng nhìn thấy hoa trắng đã nở rộ trên cành cây khô…”
Những tấm màn màu tím vẽ gai góc cũng đã được thay thế bằng những tấm màn trời xanh, biển xanh, với làn sóng bạc mát mắt.
Bà lão ngồi ghế dành riêng cho người què, nhưng ông lão chưa què nên ông ngồi ở hàng ghế sau để lo săn sóc cho bà phía trước. Ngồi ở hàng ghế dành cho người què linh mục sẽ phải mang mình thánh Chúa đến tận nơi mời bà xơi, mang rượu nho tức là máu thánh Chúa đến tận miệng mời bà uống. Bà không đến với Chúa được thì Chúa đến với bà vì Chúa lòng lành vô cùng.
Thực phẩm của Trời thì như thế, còn thực phẩm trần gian ở nhà bây giờ bà lão hoàn toàn phải ăn theo tiêu chuẩn ông lão định mức. Bà không được lựa chọn, kén cá chọn canh, ông lão cho gì bà hân hoan mà hưởng. Nhưng trình độ bếp núc của ông rất giới hạn, có khi food to go cho tiện. Đàn con cũng rất hay giúp bố, mỗi khi có dịp tạt qua nhà thăm bố mẹ, anh chị nào cũng ghé tiệm ăn mua một hai món gì đó đem tới, bà lão ốm đau ăn uống qua loa, còn bao nhiêu ông lão thanh toán. Do đó bà lão càng ngày càng gầy đi, xuống một trăm pounds rồi xuống chín chục. Ông gọi bà là tóp mỡ, tên Mỹ là bacon, mấy người con dâu nghe bố gọi mẹ như thế họ bụm miệng cười, rúc vào nách chồng mà cười. Ông lão phải ăn cố cho hết đồ ăn, bao nhiêu cơm thừa canh cặn không để dư không bỏ phí, tội ngập đầu, của Trời mười đời không có, ở ngoài Bắc đói rã họng… trọng lượng cơ thể ông tăng dần lên tới hai trăm pounds, mập ú, đi đứng dềnh dàng, mang chứng bệnh mập phì dễ chết! Nhưng có lần ông lão nói với bà:
– Em đừng có chết. Em sẽ chỉ chết sau bố. Mà bố thì thọ tới 94 tuổi, cô thầy bói riêng của bố nói bố sẽ sống khỏe tới chín mươi tư tuổi lận.
Bà lão nói:
– Ý bố muốn em chôn bố chứ gì, bài cũ hát hoài.
– Đúng vậy. Bố thích khi mình “tỏi” có đủ ba người nhào vào ôm hòm gỗ khóc lóc thảm thiết...
– Bố đào đâu ra những ba người quởn đời rỗi hơi như thế?
– Thì chỉ là bố thích được như thế thôi mà. Còn thực tế thì... một người có lẽ cũng đừng hòng, chẳng thấy em què giò đó sao, què làm sao mà “diễn” nổi cái vai sầu bi như thế. Người số một đã thấy khó thực hiện rồi...
– Này, yêu cầu đừng dùng chữ què nghe ghê quá, không nhớ lũ con nó dặn dò bố đừng bao giờ dùng lời nói nặng với má sao?
– Ờ, không thích thì thôi, nhưng què thì nói là què, có làm sao đâu, dễ gì tự nhiên được mang cái tước hiệu handicap.
– Thế còn người thứ hai, thứ ba... là ai vậy?
– Đến ngày đó ai có lòng tới khóc lóc thì em sẽ biết, sẽ thấy, chứ bố làm sao mà thấy được nữa!
Rồi ông lão nói sang chuyện khác:
– Nếu em chết trước lũ con nó sẽ không mua đồ ăn đem tới nữa đâu, chúng mua là mua cho mẹ, vắng mẹ rồi chỉ còn bố thì bố lái xe ra quán ăn mấy hồi... Vắng em là bố bị “thất thu” ngay...
Bà lão xịu mặt:
– Bạc! Chỉ ăn!
Đến khi bỏ tiền vào rổ, ông cũng lấy trong bóp ra một đồng đưa vào tay bà vì ông biết bây giờ bà không có tiền rủng rỉnh như hồi còn khỏe mạnh. Hồi bà còn khỏe mạnh bà nắm giữ việc chi tiêu trong nhà, ông khỏi phải bận tâm lo lắng, ông đóng vai người vô sản chuyên chính một xu teng không có trong túi vì mọi việc đã có nhà nước lo. Bây giờ bà nằm đó, ông phải lãnh trách nhiệm trước lịch sử, từ việc đi chợ nấu nướng rửa chén bát nồi niêu ly tách đũa thìa dao thớt... phát sẹo cả hai bàn tay, đến việc lau nhà, giặt đồ, cắt cỏ, lái xe, ký check trả tiền bill, làm bác sĩ khám bệnh kiêm y tá chích thuốc... Lantus, 30 units, chích bụng, dưới lỗ rốn, mỗi buổi sáng lúc chín giờ. Vạch áo ra cho bố xoa alcohol. Già rồi có gì mà mắc cỡ. Cũng đừng kéo áo xuống thấp quá vì già rồi. Già rồi không mắc cỡ nhưng cũng phải giữ gìn không để lộ liễu quá trước mặt bố, nghe không. Thầy Mạnh tử đã biểu thế. Kim tiêm Mỹ chích ngọt không, đâu có đau. Bố là một y tá cừ khôi. Ông “đốc” Cổn cũng phải công nhận, chứ cô Teneese khen là đương nhiên.
Ông làm tất cả mọi việc trong nhà. Hồi trước ông gọi bà là cai ngục và ông tự nhận mình là tù khổ sai, bây giờ ông làm cai ngục bà làm tù, bà phải chờ ông ban phát thứ gì thì được thứ ấy, tù không được phép đòi hỏi, kể cả việc chi cho bà một đồng dollar Mỹ bỏ vào quĩ chi tiêu nhà thờ. Ông lão kể của:
– Bố cho em tiền bỏ vào quĩ nhà thờ.
Bà lão cầm đồng tiền nhưng có vẻ ngơ ngơ, ông lão phải giảng giải vào tai bà:
– Nhà thờ phải chi tiêu nhiều thứ, nhà thờ cũng phải trả tiền điện, nước, gas, cắt cỏ, hoa lá, máy lạnh máy sưởi, hút bụi… thì mỗi người phải góp vào chứ. Nhà Chúa cũng cần có những nhu cầu tiện nghi thông thường, ở nước chậm tiến kém phát triển nhu cầu thấp nhưng ở nước công nghiệp phát triển cao thì nhu cầu cũng cao hơn, nhà Chúa ở đây cũng cần chi tiêu nhiều hơn. Nếu ở quê nhà, với thị trường hối đoái bây giờ, một tờ này bố có thể đổi ra cho em được những ba tờ năm ngàn còn dư tiền lẻ (ông trưởng ty ở Quảng Ngãi đọc là “ba tơ nem”), em cúng vào nhà Chúa được những ba lần mà vẫn sang trọng, như thế cũng tấm vé vào cửa nước thiên đàng mua ở trong nước rẻ hơn mua ở Mỹ, em thấy không.
Ông lão chợt nghĩ chuyện lang bang: Cái đấu ở Mỹ lớn hơn nhiều cái đấu ở ta. Ngày xưa còn bé thỉnh thoảng bị sai vặt, đong gạo ở trong vại bằng cái đấu, cái đấu ở ta hình tròn được tiện ra từ khúc cây, có làm gân viền bao quanh, dung chứa ước chừng cũng bằng một bát chiết yêu, gọi là chiết yêu vì bát thắt đáy lưng ong. Cái đấu ở Mỹ thì in hình một ông tổng thống. Chị Huyền bảo hai đấu bằng nhưng ông thường vun gạo lên chứ không chịu cào bằng như lời chị dặn. Khi bưng rá gạo ra cầu ao cho chị ông cứ phải cãi phứa là mình đong chính xác.
Có lẽ ông là kẻ tham lam sợ đói bẩm sinh. Hồi đi tù, cộng sản họ đã “cân đo đong đếm” sắn dui, bo bo... rất khắt khe với ông. Bây giờ mỗi sáng pha cà phê ông cũng vẫn lại cái tật cũ xúc cà phê instant, đường, sữa bột, muỗng nào cũng cố ý “dun” chứ ít khi “sét”.
Bề gì thì đấu to cũng để đong cho mình, đấu nhỏ dành để đong cho người, nếu cứ đong cho người đấu nào sẽ nhận được đấu đó thì e rằng nguyên tắc quá. Ông xin thánh Giu-se cho được kể lể chút đỉnh chuyện cái đấu: đấu là để đong, đấu to đấu nhỏ cũng chỉ là dùng để đong, đong đầy đong vơi, “dun” hay “sét” là tùy ở mỗi người...
Ông lão rù rì bên tai bà lão:
– Tờ tiền này bố cho em để em góp mua ticket vào cửa nước thiên đàng ở thị trường Mỹ. Bố lo cho em đủ thứ, lo cho em đời này và lo cho em cả đời sau nữa.
Khi chúc bình an cho nhau, bắt chước mấy ông mấy bà Mỹ già họ hôn môi nhau thắm thiết, ông lão cũng sang trọng như Tây, lật mặt bà ngửa lên rồi hôn ngược như trời giáng trên trán bà, hai tay ông vuốt nhè nhẹ hai bên tai bà, rồi ông thì thầm lời nói yêu đương muôn thuở cố hữu của ông: “cục nợ”. Hình như bà lão cảm động vì được gọi là cục nợ, hai tai bà run run. Ông lão nhìn thấy rõ những sợi lông tơ trên làn da trắng muốt xanh xao nơi tai nơi cổ của bà một thoáng gợn sóng cánh đồng cỏ may dưới chân núi Mây Tào.
Mấy thằng cháu yêu của ông lão khi tới giây phút chúc bình an cho nhau, chúng còn biết quẳng vũ khí, còn ông, ông chỉ biết bắt chước người ta hôn nhau, ông chỉ biết bắt chước người khác thôi à? Thế có khi nào ông biết bắt chước con cháu ông không? Ông thật đáng ở tù. Ông thật đáng giam vào ngục thất cấm cố, khổ sai, chung thân. Ông thật đáng bị bà nội chúng nó quản lý. Rồi ông còn đáng cho “bà trẻ” của chúng nó nhốt ông mãn đời! Một gông cùm ông đã chịu không thấu, chui đầu vô một gông cùm nữa, thử hỏi ông chịu được bao lăm dưới hai cái ách thống trị đó?
Những người yêu ông đều phải chịu cực nhọc vất vả vì ông nhưng ông cứ lơ mơ không biết tới. Bà lão nhà ông có hai nốt ruồi trên hai vai nhưng ông đâu có biết. Ở với nhau mấy chục năm, con đầy nhà, cháu đầy đàn, ông vẫn vô tình không biết bà vợ ông có hai nốt ruồi trên hai vai. Mãi đến khi người tình của ông chỉ cho ông thấy hai nốt ruồi trên hai vai cô và kể ông nghe về chuyện tướng số vận mạng.
Từ thời thơ ấu, má bảo cái nốt ruồi trên vai con sẽ làm con khổ suốt đời. Rồi con sẽ phải gánh vác bao nhiêu việc nặng nhọc cho chồng, cho đời. Nay cái nốt ruồi vẫn còn đó. Y khoa ngày nay có thể giúp “tẩy” cái chấm đen đó khỏi làn da một cách dễ dàng, nhưng bác sĩ sau khi làm xét nghiệm đã nói “Nó không lan rộng, không chảy máu, không độc hại, nó ngồi lặng thinh thì việc gì mà đụng tới nó”. Em nói đùa chê bác sĩ này dở nhưng ông lại khen ông bác sĩ này giỏi. “Đúng, nó không gây thù gây oán gì với cô, nó tự nhiên mà có ở chỗ đó, nó vô tội, thì tại sao lại tẩy nó đi, tại sao lại cắt nó đi, tại sao cô lại muốn tiêu diệt nó”. Rồi ông tiếp: “Cô muốn thay đổi số mạng bằng cách đó sao? Xóa đi một nốt ruồi là sẽ thay đổi được thân phận ư? Không cần phải làm như thế. Gánh nặng là do cô “ôm” vào, đâu phải tại nó đem đến, mà gánh nặng có khi lại rất dễ chịu, rất thú vị thì sao...”
Thế rồi khi về nhà săn sóc cho bà lão, nhớ tới hai cái nốt ruồi trên hai vai người tình, ông lão mới chú ý đến vai của bà. Và ông giật mình thấy trên vai bà cũng có nốt ruồi, hai chấm hồng ở hai bên vai. Ông ngớ ngẩn hỏi bệnh nhân:
– Em... cũng có nốt ruồi trên vai à?
Rồi ông sờ tay trên những chấm hồng ấy, ông ngớ ngẩn thêm một lần nữa:
– Sao em không nói, sao em không khoe với bố từ ngày ấy, từ ngày cưới ấy?
Bà lão bực mình, đang đau ốm què quặt, tự nhiên lại hỏi bà những chuyện vớ vẩn không đâu vào đâu, nghe ngứa cả tai, bà lão lậu bậu:
– Việc đó là việc của ông. Ông phải biết tới nó. Sao tôi lại phải nói, sao tôi lại phải khoe cái đã làm tôi khổ suốt một đời.
Tình hình gay cấn, khi nào bố bố em em là hòa bình, khi nào ông ông tôi tôi là căng thẳng rồi đó. Ông lão lặng thinh rút lui. Mỗi khi cảm thấy tình hình căng thẳng là ông tìm đường rút lui. Ông luôn luôn là kẻ bỏ chạy. Ông luôn luôn là kẻ thua ngay từ khi cảm thấy bắt đầu gay go. Ông rất sợ gay go. Ông rất sợ phải đối kháng. Thậm chí ông còn rất sợ to tiếng. Ông là kẻ sợ đàn bà, ông là kẻ sợ vợ. Ông luôn luôn áy náy sợ làm họ buồn lòng và ông cũng luôn luôn là kẻ làm họ buồn lòng.
Về phòng riêng, ông nhớ tới bà nuôi tù, ông lão nhấc điện thoại gọi ra nước ngoài. Lát sau có tiếng trả lời, ông hỏi ngay:
– Chú muốn hỏi em một việc, em có nốt ruồi trên vai không, nốt ruồi mà người ta cho là số phận gánh vác ấy. Có không?
Đầu dây có tiếng trả lời:
– Có. Có từ hồi nhỏ. Hai chứ không phải một. Hai chấm hai bên vai. Mà sao tự nhiên chú lại hỏi chuyện đó. Bộ hồi đó chú không để ý nhìn thấy nó sao?
Ông lão ngẩn ngơ lòng. Thì ra không phải một mà là nhiều người lo gánh vác cho ông, nhiều người vất vả khó nhọc vì ông. Vậy mà từ trước tới nay ông cứ như một kẻ dửng dưng thờ ơ lãnh đạm. Ông hưởng thụ mà chẳng nghĩ gì tới nỗi vất vả của người săn sóc mình. Ông là một kẻ vô tâm, bất nghĩa. Ông chính cống là một kẻ bạc tình!
*
“Em cũng là cai ngục. “
“Em áp giải tôi từ Tây sang Đông, từ Đông sang Tây, từ Nam ra Bắc, từ Bắc xuống Nam, từ nơi này tới chỗ khác, suốt mười bảy năm ròng qua mười tám trại tù. Em áp giải tôi theo chu kỳ ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ. Em áp giải tôi đi vòng quanh nước Mỹ, đi vòng quanh thế giới. Em dắt tay tôi đến tận điện Hòn Chén, về tận đền Trần. Em đánh đu trên vai tôi qua những cánh đồng sình lầy và những vườn hoa sặc sỡ thơm tho. Em đòi tôi tập bơi cho em từ địa ngục sang thiên đàng rồi bơi lại từ thiên đàng sang địa ngục. Em cột chặt tôi trong vòng tay em êm ái và những bận rộn không ngơi.
Em cho tôi cái gì thì tôi được thứ ấy. Em hẹn tôi đến sân bay và khi gặp nhau em cũng chủ động chạy nhanh đến hôn môi tôi tự nhiên trước mặt mọi người. Cả đời tôi chưa có ai hôn tôi ở nơi công cộng và tôi cũng chưa bao giờ hôn ai ở nơi công cộng như thế. Khi ở Việt Nam thì không dám làm vậy vì không ai làm vậy, chạy sang tới Mỹ tôi chưa có người tình kiểu Mỹ nào, cho nên tôi vẫn là một kẻ nhà quê.
Đừng nói đến kiểu Mỹ, ngay kiểu ta, tôi cũng vẫn chỉ là một kẻ ngố, hai mươi tuổi viết quyển truyện tình đầu tay cũng chưa có lấy một người tình thật sự, chưa có một mối tình thật sự mà chỉ là những sao chép, cóp qua cóp lại, nghe hơi bắc nồi chõ, lấy chuyện tình của người ta, của bạn bè xung quanh, có khi họ cũng chỉ phịa ra cho lãng mạn cuộc đời… làm nền cho tác phẩm của mình! Bất chợt em hôn tôi, em hôn tôi đằm thắm dịu dàng, lưỡi em mềm mại và mát lạnh, tôi thấy như thế suốt cuộc không vận năm giờ đồng hồ qua năm ngàn dặm bay từ Miền Tây sang Miền Đông nước Mỹ.
Em đúng là cai ngục thứ thiệt của tôi đó.
Em chủ động gọi thức ăn và rượu vang cho tôi, vang đỏ. Thì đã bảo cai tù cho gì tù nhân được nấy. Không đòi hỏi. Không phản đối. Chấp hành thôi.
Thậm chí, khi tôi cần di chuyển em gọi tắc xi, nói cho tài xế biết nơi tôi đến, trả tiền trước, rồi ôm hôn tôi, xong mới nhét tôi ngồi vào xe. Dặn dò không được đi lang thang mẹ mìn nó bắt đem sang Cuba bán cho ông Fidel, em không chuộc được. Lại dặn thêm xong việc nhớ về sớm. Về thẳng nhà. Tắc xi tới cửa em sẽ trả tiền. Đừng lo. Không lo. Xe chạy rồi em còn đứng nhìn theo.
Đi làm việc ở đâu em cũng mang tôi theo. Khi em dự hội họp, tôi ở lại phòng khách sạn với cái laptop mà tưởng tượng. Nhớ là sự thật và hư cấu, mỗi thứ đều chín mươi chín phần trăm. Khi nào chán tưởng tượng hoặc tưởng tưởng không nổi nữa thì lấy game boy ra bấm chơi chờ em. Trưa có thời giờ em sẽ mua fast food đem về, hôn anh, nhìn đôi mắt giết người, luồn năm ngón tay vào mái tóc bạc, bấu víu tấm lưng cánh phản, ăn với anh, rồi đi làm tiếp; nếu bận em sẽ gọi người ta mang tới phòng cho anh ăn một mình, em để sẵn tiền tips trên bàn anh đừng quên chỉ cho người ta thấy, đúng với lối sống ở nước Mỹ. Chiều chúng ta sẽ ăn tối ở tiệm. Anh yêu.
Đang chơi game mà chợt óc tưởng tượng nảy sinh ra một ý tưởng nào đó thì lập tức ngưng và ghi chép ngay ý tưởng đó vào laptop kẻo không sẽ quên, sẽ mất hút vào hư vô không chừng. Ngồi bấm game boy cũng chỉ như là ngồi câu cá, suy nghĩ và chờ đợi. Ngồi câu cá cũng chỉ như là yêu, không được phép vượt qua cái đồng hồ cát. Những game Head on, Alley way... anh phải thật nhanh mắt nhanh tay bấm, dĩ nhiên chơi game boy là phải cần nhanh trí rồi, nhưng khi chơi Puzzle boy, Tetris... anh còn phải tính toán hợp lý nữa mới được.
Con trai em hồi nhỏ nó đạt được trên trăm ngàn điểm ở Tetris là chuyện thường, anh cũng cố được một trăm ngàn điểm sẽ có thưởng, nếu đạt mức đó anh đừng vội tắt máy và hãy đợi Nintendo biểu diễn cho anh xem trên màn hình một pha phóng hỏa tiễn ngọan mục. Hỏa tiễn của game để xem chơi đỡ buồn, không phải những thứ hỏa tiễn chống hỏa tiễn, của em, để, bảo vệ lãnh thổ.
Mọi việc đều đã được sắp xếp, lập trình. Em yêu anh vô cùng. Anh yêu em vô cùng. Yêu không biết thế nào mà nói.”
*
“Anh không được làm gì cả. Anh không được có cái ý nghĩ kinh doanh trong đầu. Anh không cần phải làm xuất bản. Anh “chế” ra cái gì đó rồi mặc kệ trời đất trăng sao muốn mưa nắng dãi dầu thế nào cũng được. Có người làm cho anh. Có người lo cho anh. Nếu mà anh phải bận tâm đến những việc khác sẽ không tốt cho việc của anh. Anh chỉ phải làm mỗi một công việc mà anh phải làm, và cũng chỉ có anh làm được việc đó mà thôi, người khác làm việc đó sẽ khác. Anh có hiểu không? Anh có hiểu em nói gì không? Vậy thì anh phải nghe em. Vậy thì anh phải ở không, kể cả trong lúc yêu. Vậy thì anh phải không được làm gì khác cả, ngoài cái việc của chính anh. Anh có sứ mệnh ở không. Ở không để làm việc đó. Anh có hiểu ý em muốn nói gì không?
Các con anh họ đã nói anh chỉ được làm mỗi một việc là không làm gì cả. Đúng không? Anh đã chiều chuộng vợ anh. Anh đã chiều chuộng các con anh. Anh đã làm họ vui lòng. Đúng không? Và em cũng được anh chiều chuộng. Em cũng được anh cho em hạnh phúc. Vậy hãy nghe em đừng làm việc gì khác ngoài công việc chính của anh. Những người thân yêu xung quanh anh luôn luôn làm cho anh vui và luôn luôn làm cho anh khổ. Em cũng thế, em cũng là người thân yêu của anh và em cũng muốn làm cho anh vui, em cũng muốn làm khổ anh.
Em là thân yêu của anh, vì chính anh, đã liều mạng làm một việc sai nguyên tắc, đã giữ gia đình em, mẹ em, chị em em ở lại bên này thay vì bị lôi kéo, bị đẩy sang phía bên kia. Việc này ít người biết và có lẽ chính anh cũng không nhớ, nhưng em và gia đình em đều ghi nhớ. Bởi vì từ đó chúng em đã được sống theo cách sống của mình. Cả gia đình em đều coi anh là người trong nhà. Riêng em, đến nay, vì những chuyện tưởng tượng, em còn bắt anh phải là người trong nhà của em. Vì thế em săn sóc anh. Vì thế em yêu anh. Vì thế em làm khổ anh.”
*
“Tôi trốn ra khỏi nhà đi chơi với em. Mà đi đâu bây giờ? Chúng ta không có một nơi ẩn náu. Cả thế gian này không có một chỗ nào cho chúng ta ẩn náu đâu em.”
Trong mỗi người đều có một khoảng trống. Trong tôi cũng có một khoảng trống. Năm hai mươi tuổi tôi gọi nó là cái hố, mỗi người đều bị một cái hố trong lòng. Tôi nghĩ là trong em cũng có khoảng trống. Từ bao năm nay khoảng trống đó vẫn tiềm tàng trong em, nó không rõ rệt, nhưng nó là như thế. Em đã từng tìm cách lấp khoảng trống đó trong em, và có lúc em đã tưởng em lấp đầy được, nhưng em ạ, lấp một cái hố trên đường đi có thể được, nhưng khoảng trống trong lòng con người ta thật khó biết ra sao.
Em càng làm vườn, trồng cây, tưới hoa, em càng xúc tuyết, càng xây tường, càng quần quật vất vả bao nhiêu thì khoảng trống đó càng lúc càng hoang vu thêm ra. Em càng khổ công bồi đắp cho ngôi nhà sàn trên đồi của em bao nhiêu thì ngôi nhà đó sẽ càng hoang vu hơn nữa. Tôi biết như vậy vì rằng khoảng trống trong tôi cũng càng lúc càng hoang vu như thế.
Có lúc tôi cũng đã tưởng em sẽ là người lấp đầy khoảng trống trong tôi, nhưng thời gian đi qua tôi đã nhận ra rằng em cũng đã làm cho khoảng trống trong lòng tôi rộng thêm mà em không biết! Bởi vì ai yêu tôi cũng đều làm cho lòng tôi tan nát cả. Càng yêu tôi nhiều càng làm cho lòng tôi lún sâu thêm.
Cái hố cuộc đời tôi mỗi lúc mỗi sâu thêm, càng ngày càng sâu thêm. Để có thể tỉnh táo mà làm ra được những thứ mình muốn làm ra, và để tồn tại, tôi luôn luôn phải chống lại tình yêu. Có lẽ cái hố sẽ chỉ không còn nữa khi nào tôi không tìm cách lấp đi.
Em cũng vậy, sẽ có một lúc nào đó khoảng trống trong lòng em được lấp đầy, cái lúc nào đó em không tưởng tượng được, và em sẽ lấp đầy không phải bằng những cách em vẫn làm, mà bằng những thứ em đã tự để vuột khỏi tay em.
Lòng em sẽ không còn khoảng trống, em yêu.
Tiết trời sẽ làm nẩy nở ra những bông trắng tinh khôi trên những cành cây có lúc tưởng đã khô. Mà tiết trời thật sự thì không đoán mò được, không cãi qua cãi lại được, lại càng không nên khắc nghiệt. Mọi thứ đều đã có tiên tri từ khi khởi đầu, tiên tri từ lúc mới thử lửa…
*
Một buổi sáng, lễ xong, sister đến bảo ông ở lại mười lăm phút volunteer giúp bà dọn dẹp nhà thờ. Ông lão OK ngay. Bà phước chỉ cho ông hai cây hoa trắng bảo đem bỏ ra thùng rác, lát nữa có người sẽ trưng bày bàn thờ bằng những cảnh vật khác. Ông lão bâng khuâng bước những bước chân nặng nề về phía hai cây hoa. Ông đến thật gần, đeo kính lão lên, nhìn sát vào cây hoa, ông sờ tay vào cành cây, ông sờ tay vào một bông hoa trắng, và ông lão thấy đúng thật là cây khô, nhưng hoa trắng là giấy dán vào cành cây bằng băng keo, ông nhìn thật kỹ, chúng giống như thiệt vậy.
Ông lão chậm rãi nhấc cây hoa lên, không khó khăn vì rất nhẹ, ông vác cây hoa trắng trên vai đem ra bãi đậu xe nơi có hai thùng rác, ông vừa đi vừa nghĩ tới ông Simon vác thánh giá đỡ Chúa Giê-su trên đường đi Núi Sọ chịu đóng đinh. Ông lão bẻ gãy những cành nhỏ rồi liệng vào thùng rác. Xong ông vào làm chuyến thứ hai. Hai cây hoa trắng được ông dọn dẹp nhanh gọn chưa quá mười phút, vượt chỉ tiêu trước thời hạn sister giao. Mấy người Mỹ trẻ đang tháo những tấm màn phông treo từ trên cao rủ xuống và dùng xe đẩy những chậu hoa cũ ra ngoài.
Ông lão chợt nhớ tới thánh Giu-se, mỗi khi trong lòng ngổn ngang ông liền nhớ ngay tới vị thầy hiền lành. Thánh làm thợ mộc ông cũng theo nghề thợ mộc. Ông còn cố gắng trở thành một thợ mộc “xịn” có tay nghề chuyên môn độc đáo. Chỉ mấy vật dụng thô sơ: cưa lá liễu, cái khoan tay, cái chàng, đục, vụm, cái dùi đục… là ông có thể đục đẽo gọt dũa những khúc gỗ thành những tấm hoa văn, long lân qui phụng để gắn vào cánh tủ, đầu giường, hoặc cái chân quì lắp vào những sập gụ tủ chè theo kiểu xưa. Nếu cần ông cũng có thể làm ra được cái ngai vua. Việc làm thủ công mất nhiều thời giờ, thu nhập thấp, không thích hợp với lối sản xuất dây chuyền hàng loạt bằng máy móc, nhưng ông rất thích vì thầy của ông ngày xưa làm thợ mộc kiếm tiền nuôi Đức Mẹ và Chúa Giê-su cũng đâu có dùng tới máy móc. Thầy làm bằng tay ông cũng làm bằng tay. Ông cũng nuôi vợ con bằng sức lao động tay chân. Ông lão cùng chung giai cấp thợ thuyền với thầy, là đồng chí. Thánh đi đâu ông sẽ theo đấy. Theo tới cùng. Ông kể công: “Simon chỉ vác thánh giá giúp Chúa có một lần, chứ thằng em này hôm nay vác những hai phùa nghe thầy”.
Ông nhìn cái thùng rác to đùng, hai cây khô hoa trắng đã nằm trong đó. Tác phẩm mỹ thuật đã xong nhiệm vụ, nó đã hoàn thành sứ mệnh, và đã phải trở về một nơi chốn.
Ông nghĩ tới những tác giả đã làm ra vẻ đẹp, làm ra nghệ thuật, làm ra những ý nghĩa, những niềm tin, những hy vọng…, những tác giả đặt chuyện như thiệt, làm cho người thưởng ngoạn tưởng là thiệt. Cho nên tác phẩm thiệt mà cũng giả, tường thuật mà cũng tưởng tượng, sự thật mà cũng hư cấu, chân thành mà cũng dối trá, đẹp đẽ mà cũng xấu xí, vui vẻ mà cũng buồn phiền, thiện tâm mà cũng độc ác, tốt lành mà cũng xấu xa, hòa hợp lẫn lộn…
Ông lão giã từ thùng rác, lái xe ra về, nhìn lòng đường, ông bâng khuâng nghĩ tới ba con vịt nhỏ bé xinh đẹp dễ thương, có lẽ và may ra, giờ này đang lang thang lạc lõng ở một nơi nào đó.
(Palm Springs/07.07.07)
Thảo Trường
(*) Bài thơ “Gửi Thảo Trường” của Cao Tần.(**) Thơ Trần Dạ Từ.